Video Clip: Cách chữa cảm, sổ mũi, dị ứng thời tiết, phấn hoa
Mẹo chữa dị ứng thời tiết đơn giản
Hiện thời tiết mùa đông lạnh và khô ở miền Bắc làm nhiều người bị dị ứng, ngứa, mẩn đỏ, nổi nốt sần rùi khắp người… Bệnh thường không ảnh hưởng đến sức khỏe bởi chỉ là biểu hiện ngoài da, nhưng làm bệnh nhân rất khó chịu.
Không hiểu tại sao mấy ngày nay chị Nguyễn Thị Mai, ở Đặng Tiến Đông, Hà Nội cứ thấy bứt rứt ngứa ngáy khó chịu ở bụng và chân. Chị nghĩ do thời tiết hanh khô làm da chi khô và ngứa chỉ cần bôi kem và thuốc bôi ngứa thông thường vẫn dùng là khỏi. Như mọi lần chị làm vậy là khỏi, nhưng chẳng hiểu sao mùa đông này chị cũng làm vậy mà không khỏi, chị Mai ra hiệu thuốc gần nhà hỏi mua thuốc thì được cô bán thuốc bán cho tuýp thuốc ngứa nặng hơn và mấy viên thuốc, bảo về bôi ngày 2-3 lần kết hợp với uống trong 2 ngày thì khỏi.
Nhưng chị Mai bôi đến ngày thứ 5 vẫn không khỏi và chỗ ngứa đỏ cứ lan rộng ra khắp người, càng gãi càng ngứa vô cùng khó chịu. Chị Mai đã phải đến Bệnh viện Da liễu TW khám thì được bác sỹ cho biết là chị bị dị ứng thời tiết với các triệu chứng như ngứa phát ban có dấu hiệu đỏ trên da, bệnh mề đay cũng thường xảy ra khi nhiệt độ mùa đông xuống thấp dưới 150C hoặc khi tiếp xúc với môi trường không khí bị ô nhiễm bởi bụi bẩn và rác thải…
Bác sỹ cho biết, cách dùng loại thuốc bôi ngoài da như chị Mai trên, cũng như dùng các loại thuốc uống tân dược chống dị ứng chỉ khỏi tạm thời sau một thời gian lại tái phát, vì bệnh ngứa dị ứng, mề đay (mụn nhọt, trứng cá, lở ngứa...). Tốt nhất là nên đến các chuyên gia về da liễu để được biết nguyên nhân gây bệnh mà điều trị tận gốc, bởi bệnh rất dễ tái phát.
Khó tìm nguyên nhân dị ứng
BS. Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội chia sẻ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dị ứng ngứa như: yếu tố vật lý nóng, lạnh, tiếp xúc với dị nguyên lạ: có người dị ứng nắng, nóng, lạnh, cây cỏ, ăn uống, thuốc, khói bụi bẩn... trong đó có nổi mày đay do lạnh.
Thời tiết lạnh, hanh khô, độ ẩm xuống thấp, đặc biệt làm việc trong môi trường khiến làn da dễ bị mất nước, dẫn tới khô và nứt nẻ. Nhiều người da khô nhưng chăm sóc da không đúng cách khiến bệnh càng nặng hơn, da nổi mụn đỏ mẩn ngứa, nếu gãi có thể xây xát, nhiễm trùng.
Có người không thể ở trong phòng điều hòa vì cứ vào là bị ngứa, nổi mày đay. Đặc trưng của bệnh là các mảng sẩn đỏ trên da, đường kính từ vài mm đến vài cm, có người bị sẩn cả mảng rất to.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân gây dị ứng ngứa như: Nhà không thông thoáng; Không khí ẩm trong nhà cũng tạo điều kiện phát triển cho nấm mốc và mạt bụi; Mùa đông thường bật lò sưởi cuốn theo bụi bẩn tạo điều kiện cho cho nấm mốc và mạt bụi phát triển
Biểu hiện dị ứng dễ nhận thấy
Thông thường, mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau đối với một tác nhân gây dị ứng nào đó, cũng như việc tiếp xúc với tác nhân đó nhiều hay ít cũng sẽ dấn đến các triệu chứng khác nhau; nhẹ có thể là mẩn ngứa, nổi mề đay, nặng có thể khiến ta bị nôn mửa, tụt huyết áp và thậm chí là tử vong.
Các triệu chứng thường bắt đầu với một vài chấm đỏ xuất hiện trên da, khi đó người bệnh thấy ngứa ngáy khó chịu và gãi theo phản xạ tự nhiên. Càng gãi, các chấm đỏ càng lan rộng thành đám nhỏ, đám lớn nổi khắp trên da mà không thoả mãn cơn ngứa.
Khi người bệnh bị ngứa đến mức khó chịu nổi, việc gãi liên tục sẽ gây trầy xước da, có trường hợp ban ngứa, mề đay làm tổn thương niêm mạc ruột gây đau bụng dữ dội, và thậm chí gây phù nề thanh phế quản làm suy thở cấp có thể dẫn đến tử vong.
Điều trị dị ứng không khó
Tùy mức độ nặng nhẹ của hiện tượng dị ứng mà chúng ta cần điều trị hay không:
- Trong trường hợp nếu chúng ta biết rõ tác nhân gây dị ứng ngứa và cách ly với chúng ngay từ khi mới tiếp xúc thì ta không cần phải điều trị.
- Nếu bạn có hiện tượng viêm da tiếp xúc dị ứng do lạnh, không có tổn thương dạng mề đay mà chỉ ngứa, đỏ da đơn thuần. Cách phòng bệnh cũng là tránh yếu tố lạnh.
- Với những người bị bệnh do lạnh thì vào mùa đông cần giữ ấm, tránh tiếp xúc với lạnh. Chú ý đi ngoài đường mùa đông cần che chắn, khẩu trang, khăn quàng che cổ, găng tay, mũ, ấm toàn bộ, chân đi tất…
- Khi trên da xuất hiện các mảng sần, phù thì nên hạn chế gãi, chà xát mạnh trên da. Người bệnh có thể áp lạnh hoặc tắm lạnh, tránh tắm nóng, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp, mặc quần áo cotton nhẹ nhàng, tránh các hoạt động nặng hoặc các nguyên nhân gây ra mồ hôi.
- Trường hợp bị ngứa, mẩn đỏ đơn giản vì da bị khô. Trong trường hợp này thì việc giữ ẩm cho da là điều quan trọng nhất. Đồng thời tuyệt đối không được gãi khiến vùng da bị mẩn ngứa lan rộng.
- Trường hợp bị nặng mãi không khỏi, cách tốt nhất là đến bác sỹ để tìm nguyên nhân và được điều trị dứt điểm.
Chống dị ứng mùa đông
- Tất cả các phòng trong nhà phải thông thoáng, có thể mở toang cửa sổ 15-20 phút một ngày.
- Phòng tắm, toilet, bếp là những nơi có độ ẩm cao, nấm mốc rất hay phát triển vì vậy phải thường xuyên được thông thoáng bằng cách mở lớn của sổ hàng ngày.
- Không nên bật lò sưởi quá nóng, nhất là phòng ngủ chỉ nên để nhiệt độ từ 14-20 độ C
- Độ ẩm trong nhà không nên quá 40%, giảm độ ẩm trong nhà bằng cách thường xuyên mở cửa sổ để thoáng khí.
- Nếu cần thiết có thể dùng thiết bị lọc khí, nhưng phải để ý màng lọc, chúng phải được thay hoặc làm sạch thường xuyên, bời vì đó là nơi tích trữ nhiều bụi và bào tử nấm.
- Phòng ngủ là nơi tập trung nhiều mạt bụi nhất trong nhà. Do vậy chúng ta phải để ý đến các vật dụng có thể chứa nhiều bụi như thảm, giá sách, tủ, rèm cửa... chúng phải được làm sạch thường xuyên. Đối với những người nhạy cảm với dị ứng thì nên dùng đệm, gối, chăn, ga trải giường làm bằng vật liệu không có chất gây dị ứng và có chứa lớp chống mạt bụi, các loại này có bán trên thị trường.
- Những người bị dị ứng mạt bụi không nên dùng các đồ nội thất nhồi như salon bọc vải, sợi… Nếu có thì chúng nên thường xuyên được làm sạch. Có thể dùng nội thất bọc da thay cho đồ bọc bằng vải.