Mẹo chữa say rượu nhanh bằng thực phẩm

Số ca ngộ độc do lạm dụng rượu bia phải nhập viện ngày một tăng, nhất là khi tết cổ truyền đang đến gần. Khi bị ngộ độc rượu nhẹ (say rượu), có thể dùng một số thực phẩm để "giải rượu".

Khi ngộ độc rượu, bia, bệnh nhân biểu hiện các mức độ rối loạn ý thức khác nhau như: kích thích, sững sờ, hôn mê. Mùi ethanol trong hơi thở nói chung thường có nhưng không phải trong tất cả các trường hợp. Nôn thường có ở những người ít uống rượu. Với các trường hợp ngộ độc nhẹ và vừa thường có biểu hiện như nói ngọng, mất điều hoà, rung giật nhãn cầu.

Nếu ngộ độc rượu nhẹ, bệnh nhân sẽ bị mất kiểm soát, dẫn đến rối loạn hành vi như nói nhiều, hung dữ, côn đồ hay ủy mị, khóc lóc. Nếu uống nhiều, nồng độ cồn trong máu quá cao có thể gây ức chế toàn bộ hệ thống thần kinh trung ương, dẫn đến hôn mê sâu, suy hô hấp, trụy mạch, với nhiều biến chứng nguy hiểm như: hạ đường máu, nhiễm toan, rối loạn nước điện giải và dẫn đến tử vong.

Sẽ rất nguy hiểm nếu bệnh nhân bị ngộ độc rượu thuốc, nhất là khi các thành phần “thuốc” ngâm trong rượu vốn đã mang độc tính cao như mã tiền, phụ tử (củ gấu tầu) hay nọc các loại rắn độc ngâm rượu…

Bệnh nhân bị ngộ độc dạng này khiến quá trình cấp cứu, điều trị sẽ phức tạp và khó khăn hơn, tính mạng bệnh nhân cũng gặp nhiều nguy hiểm do chất độc của cả rượu và chất ngâm trong rượu.

Có những trường hợp dù được cứu sống nhưng để lại những di chứng hết sức nặng nề như suy gan, tổn thương thần kinh vĩnh viễn (hôn mê mạn tính, không tỉnh lại) hay những di chứng về vận động gây liệt.

Trong dân gian có nhiều bài thuốc có thể áp dụng trong các trường hợp ngộ độc rượu mức độ nhẹ (say rượu), một trong số đó là dùng thực phẩm:

Lòng trắng trứng gà: Lòng trắng giàu protein khiến chất cồn bị kết tủa lại, từ đó giảm bớt hấp thu vào máu, mặt khác còn tránh hiện tượng bỏng niêm mạc dạ dày do rượu.

Giấm: Giấm ăn 60g, đường đỏ 15g, gừng 3 lát, giã nát. Hòa lẫn cả ba thứ với nhau rồi cho bệnh nhân uống.

Rau cải trắng: Lấy một vài búp rau cải trắng rửa sạch, thái sợi, rồi bóp với đường và giấm để ăn. Có thể dùng món này khi đang uống rượu để giảm bớt tác hại của chất cồn.

Củ cải trắng: Giã nát một ít củ cải trắng, sau đó v���t lấy nước cốt, thêm chút đường đỏ rồi cho người say uống làm nhiều lần.

Rau cần: Rau cần một nắm rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước cốt cho người say uống từ từ.

Nước cơm: Sau khi uống rượu, nếu uống một bát nước cơm sẽ không bị say nữa, vì cồn gặp nước cơm sẽ tạo nên hiện tượng kết tủa, từ đó làm giảm lượng cồn hấp thu vào máu.

Củ sắn dây: 25-50g nấu nước uống, hoặc pha một cốc bột sắn dây với một chút nước chanh rồi cho người say uống, một lúc sau sẽ tỉnh táo trở lại.

Mía đỏ: Cho người say uống một cốc nước mía đỏ có pha thêm một chút nước chanh hoặc nước quất, sau 10 phút sẽ thấy tỉnh táo trở lại.

Xát vôi ăn trầu vào 2 gan bàn chân.

Nấu cháo với đậu xanh cho ăn.

Sắc nước lá dong tươi cho uống.

Rau má rửa sạch, giã nhuyễn lọc lấy nửa chén, vắt nước chanh cho vào uống.

Vỏ bưởi tươi vài lát rửa sạch, sắc uống.

Cho uống sữa bò hoặc nước cơm.

Cho ăn hoa quả tươi như cam, chanh, bưởi, chuối, dưa hấu, dâu…

Ăn khoai lang sống băm nhỏ trộn với đường trắng.

Đậu xanh 100g thêm nước vừa đủ sắc uống.

Nhai giá sống (khoảng 2 nắm).

Gây nôn bằng lông gà sạch ngoáy vào họng.

Sau các biện pháp trên, nếu thấy người say rượu không có biểu tỉnh, li bì, rối loạn vận động hoặc hôn mê, cần chuyển ngay người bệnh đến bệnh viện.