Bệnh thường bắt đầu bằng biểu hiện sốt, một đến hai ngày sau, bắt đầu nổi ban dạng nốt sẩn màu đỏ, có thể rất ngứa. Các nốt ban này nhanh chóng chuyển thành bọng nước. Số lượng bọng nước rất khác biệt ở bệnh nhân, dao động từ vài nốt tới hàng trăm nốt. Các bọng nước khô đi và tạo vảy trong vòng 4-5 ngày.
Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước, mụn nước nổi ở vùng đầu mặt, chi và thân, mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 - 24 giờ có thể nổi toàn thân. Mụn nước có kích thước từ l - 3 mm đường kính, chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.
Bên cạnh mụn nước trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Bệnh sẽ kéo dài từ 7 - 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo.
Những điều cần lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân bị thủy đậu
Thời gian cách ly: người bệnh nên nghỉ học, nghỉ làm 7 ngày từ lúc bắt đầu phát ban hay khi nốt rạ đã bong vảy.
Để bệnh nhân nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời.
Vệ sinh mũi họng hằng ngày cho bệnh nhân bằng dung dịch nước muối sinh lý 9% (nước muối sinh lý và dung dịch Milian có bán ở nhà thuốc tây)
Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày cho người bệnh bằng nước ấm. Nên cho người bệnh mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng.
Đối với trẻ em: nên cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.
Dùng dung dịch Milian chấm lên các nốt phỏng nước (tốt nhất là khi các nốt phỏng nước đã vỡ).
Cho người bệnh ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả (cam, chanh)
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.
Một số bài thuốc dân gian trị thủy đậu hiệu quả
Cam thảo dây 12 gr, lá tre 10 gr, sinh địa 12 gr, hoàng đằng 8 gr, rễ sậy 8 gr, kim ngân hoa 12 gr, vỏ đậu xanh 12 gr. Sắc uống.
Hoa kim ngân 12 gr, liên kiều 8 gr, bồ công anh 16 gr, sinh địa 12 gr, xích thược 8 gr, chi tử (sao) 8 gr. Nếu phiền táo, thêm hoàng liên 8 gr. Táo bón, thêm đại hoàng 4 gr. Khát nước, miệng khô, thêm thiên hoa phấn, sa sâm, mạch môn, mỗi vị 8-12 gr. Các bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần trong ngày, uống nóng sau khi ăn 30 phút.
Lá dâu tằm tươi 30 g rửa sạch, cỏ mần chầu tươi 20 g rửa sạch thái ngắn, lá tre tươi 20 g, cam thảo đất tươi 20 g thái ngắn. Cho vào ấm sắc uống, hãm 1.000 ml nước còn 300 ml, mỗi lần uống 30-50 ml, chia uống trong ngày.
Vỏ đậu xanh hoặc đậu xanh cả vỏ 20-30 g, rau om tươi 20 g rửa sạch, quả dành dành 16 g, kim ngân hoa 16 g, rễ cỏ tranh 12 g. Bài thuốc này nên sắc 2 lần. Lần đầu cách sắc như bài thuốc trên, lần sau đổ 600 ml nước sắc còn 200 ml, dồn lại với nước thứ nhất, cô lại còn 300 ml chia 2 lần uống trong ngày. Trẻ em tùy theo tuổi có thể dùng 1/2 liều. Dùng liên tục cho đến khi khỏi hẳn.
Củ sắn dây 20g, đậu xanh 20g, lá chàm 20g, rễ tranh 20g, cam thảo 10g, gừng sống 3 lát, nước vừa đủ sắc uống. Tác dụng giải nhiệt để thúc cho đậu ra thì bệnh khỏi.