Mẹo vặt chữa bệnh viêm mũi dị ứng hiệu quả

Mẹo vặt chữa bệnh viêm mũi dị ứng hiệu quả. Viêm mũi dị ứng (VMDU) xuất hiện theo mùa (vào dịp đông xuân do bụi phấn hoa cây cỏ) hoặc quanh năm (do lông súc vật, bụi từ quần áo, chăn, gường chiếu hay các loại khói bụi khác). VMDU thường gặp ở người có cơ địa dễ nhạy cảm với dị nguyên. Biểu hiện cụ thể: ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, phù niêm mạc, ngạt mũi.



Rất nhiều người chữa kém hiệu quả, nhưng nếu biết dùng đúng thuốc, đúng kỹ thuật tuy không khỏi hẳn nhưng cũng ổn định trong thời gian khá dài, giảm rõ triệu chứng, dễ hơn rất nhiều.

Thuốc dùng trong VMDU gồm các thuốc cũ: nhóm kháng histamin, nhóm chống nghẹt mũi, các thuốc mới: nhóm corticoid hít.

Viêm mũi dị ứng thường gặp ở người có cơ địa dễ nhạy cảm với dị nguyên

Nhóm kháng histamin

Chống ngứa mũi, chảy nước mũi, chảy nước mắt nhưng không làm co mạch nên không chống được nghẹt mũi. Dùng thế hệ cũ (chlopheniramin) gây buồn ngủ, không dùng được cho người lái xe, vận hành máy, cần tập trung. Dùng thế hệ mới (claritin, acrivastin) không gây buồn ngủ, tiện lợi hơn.

Nhóm chống nghẹt mũi

Natrichlorid: dung dịch natriclorid đẳng trương (0,9%) làm co mạch nên chống được nghẹt mũi. Không độc. Dùng cho người lớn, trẻ em, kể cả sơ sinh.

Naphazolin: làm cường giao cảm gây co mạch tại chỗ ở mũi nên chống nghẹt mũi. Dùng dạng nhỏ mũi 0,05 – 0,1% cho người lớn. Với trẻ em: cũng gây cường giao cảm nhưng mạnh hơn, trước hết tác dụng tại chỗ gây co mạch mạnh, làm cho máu không đến niêm mạc mũi, gây hoại tử; sau đó hấp thu vào bên trong, gây nhức đầu, chóng mặt, tăng huyết áp, tim nhanh, kích động, lo âu; đặc biệt là gây co mạch ở não, tim, da đầu có thể dẫn đến tử vong.

Không dùng cho trẻ em dưới 15 tuổi.

Xyclomethazolin: do làm co mạch nên chống nghẹt mũi. Dùng cho người lớn hay trẻ em nhưng không quá 3 ngày. Không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.

Phenylephrin: làm tăng tiết adrenalin gây hiện tượng adrenegic làm co mạch, giảm xung huyết, chống nghẹt mũi. Tuy nhiên, cũng do hiện tượng này mà làm tăng huyết áp, tăng nhãn áp, không dùng được cho người bị bệnh tăng huyết áp người đang dùng thuốc trầm cảm IMAO. Trẻ em rất nhạy cảm với phenylephrin, nhất là khi trẻ tự dùng mà không kiểm soát được liều, sẽ gây độc tại chỗ cũng như toàn thân. Tuy nhiều tài liệu chỉ cấm dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi, cho phép dùng cho trẻ lớn tuổi với nồng độ thấp hơn, nhưng đa số thầy thuốc lâm sàng đều khuyên không nên dùng cho trẻ em. Người lớn mỗi lần chỉ dùng một bên mũi, mỗi ngày không dùng quá 5 lần.

Đặc điểm chung của nhóm thuốc cũ chỉ giảm được một số triệu chứng, gây “quen” thuốc, thậm chí gây phản ứng “dội ngược” thuốc, làm cho bệnh nặng thêm. Tuy nhiên, vì thuốc rẻ tiền, thấy hiệu quả ngay tuy tạm thời, nên hiện vẫn dùng khá phổ biến.

Nhóm corticoid hít

Dùng corticoid uống kéo dài, liên tục có thể đỡ bệnh, nhưng corticoid ngoại lai này sẽ ức chế tuyến yên, không cho tuyến yến tiết ra hormone hướng thượng thận. Tuyến thượng thận lâu ngày không hoạt động sẽ bị teo, không còn chức năng tiết ra corticoid nội sinh. Khi ngừng dùng corticoid ngoại lai, cơ thể bị thiếu corticoid nội sinh đột ngột sẽ bị suy thượng thận cấp, nếu nặng không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Vì thế không thể dùng corticoid uống kéo dài liên tục để chữa VMDU.

Dùng các corticoid tổng hợp fluticason, beclomethason, budesonid dưới dạng hít hay dạng khí dung (gọi chung là corticoid hít) thì thuốc sẽ có tác dụng tại chỗ rất mạnh, làm giảm các chất trung gian gây viêm, nên làm giảm ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, phù niêm mạc, ngạt mũi. Một phần rất nhỏ thuốc (khoảng 10%) có thể từ đường mũi đi vào bên trong cơ thể nhưng vì các corticoid này chuyển hóa rất nhanh tại gan thành các chất không có hoặc có tác dụng sinh học rất thấp nên sinh khả dụng toàn thân thấp, không gây độc toàn thân như khi uống. Như vậy, các corticoid hít này có sự cân bằng độc đáo giữa hiệu lực chữa bệnh và độ an toàn.

Dùng dạng hít hay dạng khí dung (phủ hạt nhỏ như sương) vào niêm mạc mũi. Corticoid hít thường có hiệu lực ngay trong vòng 24 – 48 giờ. Tuy nhiên để có hiệu lực đầy đủ cần một khoảng thời gian cần thiết (chẳng hạn như 2 – 4 ngày với fluticason, 3 – 7 ngày với bude sonid). Cần điều trị đều đặn theo khoảng cách giữa các lần dùng thích hợp mới có hiệu quả. Chẳng hạn như với fluticason dùng mỗi ngày 2 lần (8 giờ sáng và 8 giờ tối, sau đó có thể duy trì liều thấp hơn mỗi ngày 1 lần).

Để thuốc sớm có hiệu quả lúc khởi đầu, có thể dùng corticoid hít phối hợp với các thuốc kháng histamin, giãn phế quản, coricoid uống; sau đó có thể ngừng các thuốc phối hợp này, chỉ duy trì bằng corticoid hít.

Corticoid hít không độc nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như: đau đầu, viêm họng, kích ứng mũi, hắt hơi, ho, buồn nôn, nôn, chảy máu cam, phát ban da, ngứa, sưng mặt, sốc phản vệ, nhưng ít gặp.

Dạng thuốc hít nếu dùng kéo dài kèm theo corticoid uống cũng có thể bị ngộ độc toàn thân, biểu hiện: cường vỏ thượng thận, nếu ngừng ngay thuốc uống lại có thể gây suy thượng thận. Cần cẩn thận khi phối hợp với corticoid uống trong trị viêm mũi hay với người viêm mũi có kèm thêm hen (như nói trên).

Với người mang thai cho con bú: corticoid gây hại thai, tiết vào sữa gây hại trẻ bú. Tuy nhiên, với corticoid hít chưa thấy hiện tượng này nên vẫn có thể dùng cho người có thai cho con bú. Không dùng corticoid hít chữa VMDU cho trẻ em dưới 12 tuổi, riêng beclomethason không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi. Corticoid hít hầu như không độc, có thể dùng lâu dài ổn định bệnh, được coi là thuốc chủ lực trong điều trị VMDU.

Về kỹ thuật dùng thuốc

Dạng hít tính liều theo nhát xịt (như corticoid hít). Không đưa đầu ống xịt vào sâu trong mũi mà chỉ đặt đầu ống xịt ngay đầu mũi để xịt thuốc (dạng giọt, hay phun sương) vào đúng niêm mạc mũi.

Dạng dung dịch nhỏ giọt, tính liều theo giọt (như các dung dịch nhỏ mũi). Dùng hai ngón tay kẹp nhẹ, cho thuốc chảy ra theo giọt, chứ không dùng cả tay hay nhiều ngón bóp mạnh làm thuốc chảy thành dòng, không đếm được, sẽ dẫn đến quá liều. Cần giúp trẻ dùng, vì trẻ dưới 12 tuổi khó thực hiện đúng kỹ thuật nói trên dù rất đơn giản. Dùng không đúng kỹ thuật sẽ không đảm bảo được liều dùng hoặc quá liều, khó đạt hiệu quả, dễ bị ngộ độc.


 

Chữa khỏi hoàn toàn viêm mũi dị ứng?


Thường xuyên ngứa mũi, ngứa mắt, chảy nước mũi trong, hắt hơi hàng tràng... là những khốn khổ mà người viêm mũi dị ứng phải chịu đựng. Tuy nhiên, căn bệnh dai dẳng này giờ có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng phương pháp miễn dịch liệu pháp (MDLP) giảm mẫn cảm.

“Vắc xin” trị viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng khởi bệnh rất cấp, thường khi mới bắt đầu phát bệnh thì cảm thấy ở mũi, cổ họng, mắt, ống tai đều bị ngứa, tiếp theo là hắt hơi liên tục, thậm chí hắt hơi mấy chục cái, kèm theo là ngạt mũi và chảy dịch trong, đôi khi chảy ròng ròng...

Bệnh xuất hiện do những chất dị nguyên có trong môi trường sống của người bệnh như bụi, lông súc vật, nấm mốc. Hệ miễn dịch của bệnh nhân phải đấu tranh bằng IgE (lớp thứ nǎm của các globulin miễn dịch), giải phóng nhiều hoạt chất trung gian. Những chất trung gian này chính là những chất kích thích niêm mạc mũi.

Trước đây, để điều trị viêm mũi dị ứng, thường chỉ có cách dùng thuốc hay tránh xa các dị nguyên. Còn phương pháp giảm mẫn cảm MDLP, biện pháp miễn dịch để thay đổi cách thức phản ứng về miễn dịch của người bệnh đối với chất gây dị ứng, cũng đã được nghiên cứu và ứng dụng từ những thập kỷ 70.. Tuy nhiên phương pháp này vẫn còn rất mới đối với các cơ sở điều trị bệnh dị ứng ở nước ta. Phương pháp này chỉ áp dụng khi không thể loại bỏ được dị nguyên, loại trừ nguồn gây bệnh (tránh tiếp xúc với dị nguyên) do đặc thù công việc.

Biện pháp MDLP, phương pháp giảm mẫn cảm đặc hiệu (GMC), được coi là một phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng hiệu quả. Các bác sĩ sẽ đưa dị nguyên mẫn cảm vào cơ thể theo đường dưới da với liều lượng và nồng độ tăng dần, nhằm kích thích cơ thể hình thành kháng thể bao vây, để cơ thể có thể thích ứng với dị nguyên đó. Việc thay đổi đáp ứng miễn dịch dẫn tới việc không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Điều đó lý giải vì sao đây được coi là một loại “vắc xin” phòng viêm mũi dị ứng.

Đòi hỏi sự kiên trì

Phương pháp MDLP có hiệu quả từ 60 - 80% trên người bệnh. Tuy nhiên thời gian điều trị đòi hỏi phải ít nhất là từ 6 tháng tới 3 năm để cơ thể sản xuất và duy trì kháng thể chống lại yếu tố gây dị ứng.

Để thuốc phát huy hiệu quả, người bệnh cần kiên trì điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Nhiều bệnh nhân tiêm thuốc được vài tháng thì mất kiên nhẫn, bỏ ngang, bệnh đã đỡ được 80 - 90% nhưng sau đó lại nhanh chóng tái phát.

Sau khi ngừng tiêm, lượng kháng thể này sẽ giảm dần và bệnh có thể tái phát, phải tiêm đợt khác. Tuy nhiên, nếu mỗi đợt tiêm càng kéo dài thì sau đó khoảng thời gian bạn phòng được bệnh viêm mũi dị ứng càng lâu.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên GĐ BV Tai - Mũi - Họng T.Ư, trong 20 năm qua, bệnh viện này đã điều trị hiệu quả bệnh viêm mũi dị ứng bằng phương pháp giảm mẫn cảm đặc biệt với dị nguyên bụi nhà.

Ngoài ra, để phòng viêm mũi dị ứng, người bệnh cần tránh các yếu tố nguy cơ: tiếp xúc với dị nguyên như bụi nhà, khói... Cẩn thận khi thay đổi thời tiết, chú ý giữ vệ sinh mũi, thường xuyên dùng nước ấm hoặc nước muối sinh lý dể rửa mũi, không dùng tay ngoáy mũi để tránh tổn thương niêm mạc mũi...
 

Chữa viêm mũi dị ứng bằng bài thuốc dân gian

Kinh nghiệm dân gian có khá nhiều bài thuốc trị bệnh viêm mũi dị ứng hiệu quả.

Viêm mũi dị ứng là bệnh rất thường gặp với cơ chế bệnh sinh là tình trạng mẫn cảm đặc biệt của cơ thể, phản ứng bất thường và quá mức sau khi tiếp xúc với một dị nguyên nhất định, biểu hiện trên lâm sàng bằng ba triệu chứng chính là hắt hơi, sổ mũi và tắc mũi.

Điều trị viêm mũi dị ứng đợt cấp tính thường không khó khăn lắm nhưng khi bệnh đã chuyển sang mạn tính thì rất phức tạp mặc dù cho đến nay y học hiện đại đã có khá nhiều thuốc và kỹ thuật xử lý. Kinh nghiệm dân gian, cũng có khá nhiều bài thuốc trị bệnh hiệu quả.
 


Tỏi có thể làm bài thuốc chữa viêm mũi dị ứng


Bài 1: Hoa cứt lợn tím tươi 1 cái, lá khế tươi 2 cái, lá bạc hà tươi 2 cái. Ba thứ rửa thật sạch, nghiền nát, gói vào gạc rồi nút vào lỗ mũi từng bên, mỗi bên 15 phút.

Bài 2: Dịch ép tỏi 1 phần, mật ong 2 phần, hai thứ hoà đều, nhỏ mũi 3 lần mỗi ngày.

Bài 3: Mật ong 1 miếng, nhai nát nuốt nước bỏ bã, mỗi ngày 2 - 3 lần.

Bài 4: Dây mướp (ty qua đằng), lấy đoạn gần gốc khoảng 1cm, thịt lợn nạc 60g. Tất cả rửa sạch, thái nhỏ, nấu chín dùng làm canh ăn hàng ngày, 5 ngày là một liệu trình, dùng liên tục 3 liệu trình.

Chữa trị viêm mũi dị ứng bằng bài thuốc cổ truyền

Thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường, cộng với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi dễ khiến chúng ta bị viêm mũi.

Dưới đây là một số cách cổ truyền, dân gian theo hướng dẫn của lương y Như Tá dùng trị viêm mũi do thời tiết.

- Nếu bị tình trạng nghẹt mũi, viêm mũi, thì có thể dùng các nguyên liệu gồm: củ hành ta 50 gr, gừng tươi 50 gr. Đem cả hai giã nhuyễn cho vào hai muỗng giấm ăn, trộn đều lên, rồi cho vào một tô, hoặc nồi nước thật nóng để xông mũi, họng. Hít thật sâu hơi nước bốc lên từ nước chế biến trên, để hơi đi vào mũi, miệng.


Hành ta / Thảo quyết minh / Bạch chỉ - Ảnh: H.Mai

- Dùng một ít sáp ong rừng để lên trên vật dụng có chứa than cho sáp ong bốc hơi, rồi dùng bìa giấy cứng cuốn lại thành hình cái phễu để xông hơi lên mũi.

- Lấy 30 gr hạt của cây rau hẹ, 30 gr vị thuốc thiên niên kiện, đem giã nhỏ rồi trộn chung lại với nhau và cho vào một cái tô nước nóng để xông. Cách xông cũng giống như trên.

- Dùng các nguyên liệu gồm: 5 gr bạc hà, 5 gr bạch chỉ, 10 gr thương nhĩ tử, 10 gr tân di hoa, 3 củ hành tươi và 5 gr trà diệp. Đem các nguyên liệu cho vào nồi, nấu sôi với nửa lít nước, để uống trong ngày.

- Lấy một ít cỏ cứt lợn tươi (có người gọi là cỏ hôi) rửa sạch, giã nhuyễn rồi vắt lấy nước cốt để nhỏ mũi, ngày 3 lần.

- Một số trường hợp viêm mũi dị ứng do thời tiết, có chảy nước mũi nhiều, có thể dùng vỏ bí đao tươi, dây mướp (lấy đoạn gần ở gốc), và vị thuốc ý dĩ (mỗi loại 50 gr), đem nấu với 2 lít nước để uống trong ngày.

- Khi bị viêm mũi do thời tiết mưa nắng thất thường, có thể dùng một ít gừng tươi cắt lát, cùng 20 gr tô diệp rửa sạch, đem cả hai nấu với nửa lít nước (hoặc có thể dùng nước sôi để hãm), lấy nước dùng trong ngày.

- Dùng nửa lít dầu dừa nấu cho sôi rồi cho vào 100 gr hạt thảo quyết minh (một vị thuốc) vào nấu tiếp đến khi hạt bốc khói lên, thì vớt hạt thảo quyết minh ra để cho ráo dầu, rồi cho vào lọ đậy kín để dành xông dần. Mỗi khi xông lấy vài hạt nói trên cho vào vật dụng đựng lửa than đến khi hạt lên khói, thì dùng nửa tờ giấy cứng quấn lại hình cái phễu, một đầu phễu đặt lên vật chứa hạt thảo quyết minh, đầu còn lại đặt áp lên mũi để xông hơi vào mũi, hít nhẹ từ từ. Mỗi ngày làm 2 lần như vậy.

Chữa viêm mũi dị ứng hiệu quả theo Đông y

Tùy theo từng thể bệnh mà có phương cách điều trị thích hợp. Với các trường hợp nhẹ có thể dùng nước mật gừng, bột ké đầu ngựa, không nên ăn các loại quả mọng nước như lê, cà chua, nho, mận, táo …

Dị ứng là tình trạng của cơ thể phản ứng lại với một chất lạ nào đó từ bên ngoài xâm nhập vào. Chất lạ đó được gọi là tác nhân dị ứng hay dị ứng nguyên. Có rất nhiều dị ứng nguyên trong môi trường sống của chúng ta như: phấn hoa, bụi (nhất là bụi nhà có chứa lông thú, lông chim, các mảnh vụn li ti từ chiếu, gối, mền, thảm, nệm, hoặc cái loại côn trùng rất nhỏ), các chất hoá học có mặt trong không khí (khói xăng dầu, khói nhà máy, khói bình xịt…).

Ké đầu ngựa trị viêm mũi dị ứng hiệu quả. Ảnh: hongngoc

Các chất này không gây ra những triệu chứng rõ rệt nhất thời đối với người bình thường. Nhưng với những người mẫn cảm dị ứng, thì chúng tạo ra nhiều triệu chứng như chảy nước mũi trong, hắt hơi, tắc mũi, mũi đau rát, ngứa,  nổi mề đay… Nếu tái đi tái lại nhiều lần sẽ tạo điều kiện cho một số bệnh nhiễm khuẩn phát sinh. Viêm mũi dị ứng chính là một phản ứng của cơ thể với dị ứng nguyên nói trên.

Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh thường có liên quan đến các yếu tố sau :

- Yếu tố di truyền : Thường do cả cha lẫn mẹ, nhưng người ta cho rằng người mẹ dễ truyền lại bệnh cho con nhiếu hơn.

- Yếu tố thực phẩm : Một số thực phẩm như sữa, trứng, tôm, cua, cá, thịt bò thịt gà, đậu phụng…cũng có thể gây dị ứng.

- Yếu tố thời tiết : Thời tiết thay đổi, nóng lạnh thất thường, ẩm thấp, cũng có thể gây bệnh.

- Một số thay đổi về nội tiết, chuyển hóa, cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Người ta dễ nhầm lẫn viêm mũi dị ứng với cảm lạnh, cúm hay các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.

Bệnh cảm, cúm có thể hết trong một tuần, trong khi viêm mũi dị ứng lại kéo dài nhiều tuần, có khi hàng tháng, nếu người bệnh cứ tiếp tục tiếp xúc với các dị ứng nguyên. Việc chẩn đoán, điều trị và và phòng ngừa viêm mũi dị ứng là điều gây ra nhiều khó khăn cho các thầy thuốc, cả hiện đại lẫn cổ truyền.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu về dị ứng đã khuyến cáo rằng nếu các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp trên thường xảy ra lặp đi lặp lại (như cảm lạnh, đau họng, nhiễm trùng tai giữa, viêm xoang mũi v.v…) có thể là một dấu hiệu của bệnh dị ứng mà chưa được phát hiện. Và nếu trẻ nhỏ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên hơn 6 lần mỗi năm, hoặc là trẻ em tuổi đi học và người lớn bị hơn 3 - 4 lần mỗi năm, cần được lượng giá về dị ứng. Điều quan trọng nhất là tìm cho được dị ứng nguyên. Nhiều người đã hết bệnh sau khi thay đổi môi trường sống.

Y học cổ truyền quan niệm rằng mũi là cửa ngõ của phổi, nếu chức năng của mũi bình thường, thì con người phân biệt được các mùi, thở hít được thông suốt. Khi phế khí hoặc nguyên khí của cơ thể bị suy yếu, hay khi phế bị các loại phong tà độc bên ngoài xâm phạm vào, thường phát sinh bệnh mũi.

Mũi là khiếu của phế, nên khi có các triệu chứng ở mũi tức là phế có bệnh, và có liên quan đến hai tạng tỳ và thận. Bởi phế khí đầy đủ là nhờ có tỳ khí phân bố, và thận lại là gốc của khí; cho nên khi tỳ khí và thận khí bị suy hư thì tân dịch cũng ngưng trệ khiến nước mũi chảy ra nhiều. Như vậy, khí của tạng phế, tỳ, thận bị suy hư, cũng là nguyên nhân gây ra viêm mũi dị ứng. 

Do đó, cách xử trí trong chữa trị viêm mũi dị ứng là vừa tăng cường chức năng hoạt động của các tạng tỳ, phế, thận (bổ tỳ, bổ phế, bổ thận, tập luyện khí công, dưỡng sinh, điều tiết việc ăn uống…), vừa tránh tiếp xúc với các loại phong tà độc. Hoặc dùng các loại thuốc có tác dụng bổ tỳ, phế, thận kết hợp tác dụng khu phong, tán hàn, giải độc. Tốt hơn hết là nên thường xuyên rèn luyện thể chất, nâng cao sức đề kháng để thích nghi được với các yếu tố gây bệnh.

Đông y còn phân biệt chứng hư hay chứng thực để điều trị. Chứng thực thường có hai thể phong hàn và phong nhiệt. Chứng hư thường do phế khí hư, tỳ khí hư hoặc thận dương hư.

Tùy theo từng thể bệnh mà có phương cách điều trị thích hợp

1. Thể phong hàn phạm phế 

- Triệu chứng: Mũi ngứa, hắt hơi từng đợt, nước mũi chảy nhiều, trong, tăng lên khi bị cảm gió lạnh, nghẹt mũi, người ớn lạnh, sợ lạnh.

- Phép trị : Sơ phong, tán hàn, thông khiếu (bằng những loại thuốc có vị cay, tính ấm, nóng).

- Bài thuốc : Thương nhĩ tử (ké đầu ngựa ) 12g, quế chi 4-6g, bạch chỉ 8-10g, kinh giới 8-10g, bèo cái 10-12g (chỉ lấy lá, bỏ rễ), thông bạch (hành trắng ) 6-8g, gừng tươi 4-6g, mã đề 8-10g, đại táo 3 quả. Nấu với 600 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống ấm trước bữa ăn .

2. Thể phong nhiệt phạm phế 

- Triệu chứng: Mũi ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi vàng nhẹ, nghẹt mũi, khứu giác bị giảm, gặp trời nóng thì chảy mũi liên tục kèm phát sốt, nhức đầu, ra mồ hôi.

- Phép trị : Tán phong thanh nhiệt, thông khiếu (bằng thuốc có vị cay, tính mát ).

- Bài thuốc : Kim ngân hoa 12-16g, ké đầu ngựa 12g, bồ công anh (hoặc sài đất) 12g, lá dâu tằm 8-10g, rau diếp cá 10-12g, cúc tần 8-10g, mã đề 8-10g, cam thảo nam 8-10g, bạc hà 6-8g, kinh giới 8-10g. Nấu với 750 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Uống thuốc nguội.

3. Thể phế, tỳ khí hư

- Triệu chứng : Mũi ngứa, nhức, hắt hơi nhiều, nước mũi trong, chảy nhiều, khi gặp lạnh hoặc khi gặp dị ứng nguyên thì bệnh phát, tái phát liên tục kèm theo tình trạng thở ngắn hơi, khó thở, người mệt mỏi, không có sức.

- Phép trị : Ích phế cố biểu, bổ khí thông khiếu.

- Bài thuốc : Đẳng sâm 12g, rễ đinh lăng 12g, kinh giới 10-12g, bạch chỉ 8-10g, bạc hà 8-10g, mã đề 8-10g, ý dĩ (sao) 12g, đậu ván (sao) 12g, ké đầu ngựa 12g, ngũ vị tử 6g. Nấu với 750 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

Hoặc dùng bài thuốc sau : Đậu ván 12g, đinh lăng 12g, vỏ trái sầu riêng 10g, ké đầu ngựa 12g, kinh giới 8g, bèo cái 12g, kim ngân hoa 8g, lá lốt 8g, cam thảo nam 8g. Nấu với 750ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

Trường hợp cơ thể có tình trạng  thận dương hư, thì có thể gia thêm một số vị thuốc có tác dụng bổ thận như: ba kích, quế chi, cốt toái bổ, thố ty tử (hạt tơ hồng ), trinh nữ tử (hạt mắc cở ), câu kỷ tử, …mỗi thứ 10-12g.

Một số vị thuốc Nam thường được dùng chữa viêm mũi dị ứng là bèo cái, còn gọi là bèo ván, bèo tai tượng, ké đầu ngựa, còn gọi là thương nhĩ tử, kim ngân hoa, kinh giới, lá lốt...

Khi bị viêm mũi dị ứng, nếu cơ thể còn có sức, không có tình trạng cơ thể suy yếu thì có thể dùng một trong các bài thuốc đơn giản:

- Bột ké đầu ngựa :  Lấy quả ké đầu ngựa 500g, thu hái khi già nhưng chưa ngả màu vàng, phơi hoặc sấy thật khô, sao vàng cho xém các gai nhỏ rồi tán thành bộ mịn. Ngày uống 6 – 12g, chia làm 2 lần trước bữa ăn, uống với nước ấm (theo các tài liệu cổ thì uống ké đầu ngựa phải kiêng ăn thịt heo).

- Sirô bèo cái : Lấy khoảng 250g bèo cái tươi (thu hái tốt nhất vào mùa hạ), rửa thật sạch, bỏ rễ và lá vàng úa, giã nát vắt lấy nước, lọc qua gạc. Nước bèo cái pha với sirô để uống trong ngày.

Theo một công trình nghiên cứu về khả năng chống dị ứng của bèo cái của Trường Đại học Dược Hà Nội (Kỷ yếu công trình dược. NXB Y học 1978), dùng bèo cái tươi với liều 200g/ ngày trong 1 – 2 tháng không thấy có tác dụng phụ nào xảy ra. Cần phân biệt bèo cái với bèo tây (lục bình, bèo Nhật Bản).

- Nước mật gừng : Gừng tươi 30g, bèo cái tươi 100 – 120g, hai thứ rửa sạch, giã nát, hoà với nước lọc lấy 150 – 200ml nước cốt. Trộn đều với mật ong 20g, đun sôi. Chia làm 3 lần uống lúc đói, uống với nước ấm.

- Thực trị : Nên ăn yaourt, hành tây, các loại rau thơm gia vị (kinh giới, tía tô, bạc hà, húng quế, ngò gai, lá đinh lăng…), ngũ cốc còn lứt (chưa xát, chứa nhiều selenium) sẽ giúp ngăn ngừa dị ứng. Không nên ăn các loại quả mọng nước như lê, dưa leo, cà chua, nho, mận, táo … Không uống nước đá lạnh hoặc các thức uống ướp quá lạnh…
 

Chữa viêm mũi dị ứng cho trẻ

Con tôi lên 6 tuổi nhưng từ lúc lên 3 tuổi cháu hay nghẹn mũi. Đêm hay quấy, gần sáng mới ngủ vì thế cháu hay đi học muộn. Mỗi lần như vậy tôi hay cho cháu uống thuốc chống dị ứng.

Tôi cũng cho con đi điều trị nhiều nơi mà không thuyên giảm. Hiện giờ tôi rất lo lắng sợ để lâu bệnh của con dễ bị hen suyễn. Xin giới thiệu cho tôi địa chỉ nào uy tín, hiệu quả để chữa bệnh cho tôi biết. (Thảo, Krong Nang, Dak Lak).

Ảnh: allergyasthma.wordpress.com.

Trả lời:

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng có thể do cơ địa dị ứng, nhiễm trùng (huyết nhiệt); dị ứng do trời lạnh, thời tiết thay đổi (phế hư - vệ khí hư) dễ gặp phải các tác nhân phong hàn, phong nhiệt, nhiệt độc mà gây ra bệnh.

Triệu chứng dễ nhận thấy của viêm mũi dị ứng là ngứa mũi, hắt hơi nhiều, ngạt thở, nước mũi trong hoặc có mủ đặc quánh, đau đầu, mờ mắt. Trường hợp có vách ngăn, cong vẹo hay các cục thịt thừa (pholip) thì bị ngạt nhiều, khó thở, tai ù.

Một khi nặng, bệnh dễ biến chứng thành hen phế quản, hen suyễn, viêm họng hạt, viêm amydan... hay bị đau đầu, mất ngủ. Bệnh sẽ khó chữa hơn.

Vì tai, mũi, họng thông nhau nên khi chữa bệnh viêm mũi dị ứng cần phải chữa toàn diện mới khỏi. Nếu bạn đã chữa Tây y nhiều mà không được, hãy thử chuyển sang y học cổ truyền xem sao. Đông y có nhiều bài thuốc trị viêm mũi dị ứng, được chế thành dạng thuốc bột hoặc thuốc nhỏ giống thuốc nhỏ mũi rất dễ sử dụng cho trẻ em. Bạn có thể tìm các địa chỉ uy tín để mua.


Điều trị bệnh viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng - Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Chữa viêm mũi dị ứng hiệu quả, nhanh khỏi
Chữa viêm mũi dị ứng ở phụ nữ có thai
Chữa viêm xoang mũi dị ứng hiệu quả thật bất ngờ




(st)