Lang ben là bệnh thường gặp với biểu hiện thường thấy là những đốm da màu trắng hoặc nâu xuất hiện ở mặt, lưng hoặc ngực. Nguy cơ mắc bệnh lang ben ngày càng gia tăng trong điều kiện thời tiết mùa hè.
Lang ben là một bệnh nhiễm nấm, không có triệu chứng và kéo dài dai dẳng. Bệnh có khắp nơi trên thế giới, nhiều nhất ở miền nhiệt đới. Bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 20 đến 35 tuổi.
Yếu tố để gây bệnh
Phụ nữ mang thai, yếu tố di truyền, đổ mồ hôi nhiều, bệnh nhân có một bệnh nặng ở nội tạng, bệnh nhân có lượng cortisone trong người nhiều hơn người bình thường, bệnh nhân được điều trị corticoides lâu ngày.
Bệnh gây trở ngại trong giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày. Bệnh lây trực tiếp từ người này qua người khác hay lây qua đồ dùng cá nhân như khăn, quần áo, mùng, mền, chiếu, gối…
Bệnh lang ben thường biểu hiện như sau:
Vùng phơi ra ánh sáng: là một đốm hay một mảng có màu trắng.
Vùng không phơi ra ánh sáng: đốm hay mảng có màu cà phê sữa, màu hồng, màu nâu, màu đất. Vì thế bệnh lang ben còn có tên bệnh nấm nhiều màu (TINEA versicolor). Trên bề mặt của sang thương có vảy mịn, cạo ra như phấn.
- Bệnh lang ben không ngứa hay ngứa ít, nhưng khi ra nắng, đổ mồ hôi thì ngứa nhiều.
- Bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh phong, bệnh bạch biến vì thế bệnh nhân cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán đúng.
Điều trị:
Nếu những đốm nhỏ và ít, ta có thể dùng thuốc thoa tại chỗ như Antimycose, BSI, ASA có hiệu quả nhưng đôi khi bệnh nhân khó chịu vì đau rát và tróc da. Để tránh khó chịu và đau rát, bệnh nhân có thể thoa kem Nizoral trong 3 tuần thì đạt được kết quả khả quan.
Trường hợp có nhiều đốm lang ben xa nhau dùng thuốc thoa dễ bỏ sót vì vậy chúng ta nên dùng thuốc uống:
- Nizoral (Ketoconazol) viên 200mg, ngày uống 1 viên trong 10 ngày.
- Sporal (Itraconazole) viên 100mg, ngày uống 2 viên trong 7 ngày.
Hai thuốc trên uống sau khi ăn. Khi dùng thuốc uống cần có sự hướng dẫn của bác sĩ da liễu.
Điều trị bệnh lang ben phải điều trị mọi người trong gia đình. Quần, áo, mùng, mền nên thay đổi thường xuyên. Giặt giũ đồ dùng cá nhân nên giặt bằng nước nóng. Không nên mặc quần áo ẩm ướt.
Đề phòng bệnh phát trở lại, sau khi điều trị bệnh nhân nên tắm ngày một lần với dầu gội Nizoral (Nizoral sampoo) trong năm ngày liên tiếp.
MẸO CHỮA BỆNH LANG BEN HIỆU QUẢ
Lang ben là bệnh ngoài da, thường gặp ở nam, nữ thanh niên tuổi dậy thì. Bệnh biểu hiện là nổi từng đám trắng ở mặt, cổ, lưng, ngực, càng rửa kỹ càng nổi mụn lấm tấm. Bệnh lang ben không ngứa, nhưng rất khó chịu khi có mồ hôi và gây mất thẩm mỹ cho người mắc phải.
- Lấy quả chuối tiêu xanh xắt lát. Rửa sạch vết lang ben rồi dùng lát chuối tiêu xanh xát lên da mỗi ngày 2 - 3 lần.
- Sáng sớm ra vườn lấy nước sương đọng trên lá hẹ hoặc màng nhện, xát lên vết lang ben, ngày một lần, trong 7 ngày liền.
- Lấy 100 gr bèo cái tía, 50 gr đậu đen. Bèo phơi khô sao qua, tán nhỏ, luyện với hồ thành viên, sấy khô. Đậu đen sao thơm ngâm với rượu một ngày đêm thì bỏ đậu, lấy rượu. Chữa uống trong 8 ngày, mỗi ngày một lần vào buổi tối.
- Lấy lưu huỳnh, phèn chua lượng bằng nhau, nghiền thành bột trộn với dấm bôi lên đám lang ben. Bôi liên tục cho đến khi chứng lang ben biến mất hoàn toàn.
- Cách này sẽ trị dứt điểm bệnh lang ben, tuy nhiên hơi khó thực hiện. Lấy 9 gr dầu vừng sống uống với rượu, mỗi ngày ba lần. Sau tăng lên 15 gr. Uống liền 100 ngày. Trong khi uống phải kiêng ăn thịt gà, thịt lợn, cá và tỏi. Dầu vừng ngoài tác dụng làm đẹp còn có thể ngăn ngừa một số vấn đề sức khỏe như: chứng đau nửa đầu, thoái hóa khớp, chống ung thư và ngăn ngừa loãng xương.
Dầu vừng rất hiệu quả trong việc điều trị lang ben.
- Cách này đơn giản, dễ làm. Lấy củ riềng rửa sạch, giã nhỏ và trộn với rượu trắng nồng độ cao (loại để ngâm thuốc) sao cho sền sệt rồi đắp lên chỗ bị bệnh. Nhớ là trước đó dùng dao sạch cạo nhẹ. Sử dụng liên tục cho đến khi đạt được hiệu quả.
Cụ thể: lấy 100g riềng già, rửa sạch, giã nát rồi ngâm với 200ml rượu trắng hoặc cồn 90 độ để càng lâu càng tốt. Khi dùng lấy bông y tế thấm dịch thuốc bôi đều lên vùng tổn thương, mỗi ngày vài lần
- Muối ăn tán nhỏ, gừng tươi lượng vừa đủ. Gừng tươi thái lát đắp vào nơi tổn thương, sau đó dùng gừng tươi tẩm một chút muối ăn tiếp tục xát vào vị trí bị bệnh.
- Gừng 20g, giấm chua 100ml, gừng giã nát ngâm với giấm chua trong 12 giờ rồi dùng bông thấm dịch thuốc bôi vào vị trí bị bệnh.
- Tỏi vỏ tím lượng vừa đủ, giã nát, đắp lên vùng tổn thương. Hoặc dùng lá cây mướp đắng lượng vừa đủ giã nát, cho thêm một chút muối rồi đắp lên vùng tổn thương. Làm liên tục như vậy sẽ khỏi.
HỎI ĐÁP LIÊN QUAN
Em năm nay 19 tuổi. Không hiểu sao cổ và mặt em lại có những vết loang màu trắng. Có phải em bị lang ben không? Em có thể dùng thuốc gì để chữa?
Trần Văn Thái (Hải Dương)
Theo như em tả thì rất có thể em đã bị lang ben. Đây là một dạng nấm có tên khoa học Pityrosporum orbiculaire ưa chất béo và chất sừng của nang lông và sống nhờ trên da. Khi da ẩm ướt do nhiều nguyên nhân như: tắm, tắm hơi, ra nhiều mồ hôi nhưng không được lau khô); bôi các loại kem chữa bệnh hay làm đẹp có tính giữ ẩm lên da; uống corticoid lâu ngày làm cho da giữ nước; bản thân da tiết nhiều bã nhờn thì loại nấm đó có điều kiện phát triển mạnh tạo ra một vệt, vùng lớn nấm (gọi là thảm nấm) có màu trắng gọi là lang ben.
Từ 50 tuổi trở lên, da khô nên ít mắc, những người tuổi trẻ và trung niên, da ẩm nên thường dễ mắc bệnh hơn. Bệnh xuất hiện ở vùng da không có áo quần che (mặt, cổ, cánh tay…). Vùng bị bệnh, tia cực tím bị nấm ngăn cản nên da không hấp thu, có màu trắng. Trong khi đó vùng không bị bệnh, tia cực tím không bị ngăn cản, da hấp thu có màu sạm.
Bình thường giữa vùng da bị bệnh và da không bị bệnh đã có sự chênh lệch màu. Khi ra nắng, sự chênh lệch màu giữa hai vùng da đó càng rõ hơn. Bình thường lang ben không hoặc ít gây ngứa nhưng khi đổ mồ hôi nhiều sẽ làm ngứa râm ran. Lang ben không gây nguy hiểm nhưng lại làm da có chỗ trắng chỗ sạm làm mất vẻ đẹp, nên vẫn cần điều trị.
Có thể dùng các thuốc sau đây:
Dùng các loại dung dịch chống nấm đơn giản như dung dịch cồn BSI ( có acid benzoic, acid salicylic, iod) hoặc dung dịch cồn ASA (có cồn, aspirin, acid salicylic), hoặc thuốc mỡ chứa chất chống nấm ketoconazol bôi lên vùng da bị bệnh và vùng da chung quanh. Cần rửa sạch và làm khô da trước khi bôi. Sau khi thương tổn đã hết cần bôi tiếp một tuần nửa để cũng cố.
Nếu lang ben lan rộng nhiều chỗ, nên uống thêm thuốc viên ketoconazol, mỗi ngày uống 200 mg, uống trong 10 ngày liền.
Kinh nghiệm nhân dân: Có thể dùng 20 gam riềng tươi, giã nát, ngâm trong 200ml giấm thanh bôi lên da. Sau khi thương tổn đã hết, cần tiếp tục bôi thêm hai tuần nữa.
Cần lưu ý: tuy cũng là thuốc chống nấm nhưng nystatin hay gryseofulvin dùng dạng uống hay bôi đều không chữa được bệnh lang ben vì thế không nên dùng nhầm.
Cùng với việc dùng thuốc, cần chú ý: quần áo, khăn mặt phải giặt bằng nước đã đun sôi, là hay sau khi giặt “là nóng” hoặc hong trên lửa nóng, luôn luôn giữ cho da không bị ẩm ướt. Người bị bệnh, mặc loại quần áo bằng vải tốt hơn bằng loại sợi tổng hợp vì loại bằng vải dễ hút mồ hôi làm cho da khô.
(ST)