Mẹo vặt dùng lò vi sóng hiệu quả, an toàn

Mẹo vặt dùng lò vi sóng hiệu quả, an toàn. Lò vi sóng là một thiết bị đã trở nên vô cùng quen thuộc trong căn bếp của nhiều bà nội trợ hiện đại, tuy nhiên bạn có dám chắc mình đã biết mọi điều về nó?



Vài mẹo vặt khi dùng lò vi sóng

- Dùng để làm món chín sơ trước khi được nấu theo kiểu truyền thống. Ví dụ: làm chín sườn hay gà trước khi nướng, rán. Hay ngâm nấm hương, mộc nhĩ khô cho mau nở…


- Không dùng đồ nhựa, đồ sắt thép, inox vì các đồ này không hấp thu sóng và làm tán xạ sóng, làm thức ăn lâu nóng. Chỉ dùng dụng cụ chuyên dụng.


- Các thực phẩm có vỏ hoặc màng phải đâm thủng trước khi nấu để tránh nổ như trứng, khoai tây .


- Trộn đều thực phẩm từ trong ra ngoài khi nấu để cho chín đều.

- Rã đông: chọn chế độ Defrost, hay nhiệt độ trung bình (medium-low micro) không được dùng chế độ High micro.

- Giấy bạc chỉ dùng để nướng khi đặt lò ở chế độ Grill và Convection (nướng có khống chế nhiệt độ chứ không phải là Combination nướng kết hợp).




Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng

-      Đây là một điều cơ bản nhưng lại ít khi được người sử dụng chú ý. Việc đọc kĩ hướng dẫn sử dụng luôn giúp bạn dùng lò vi sóng an toàn, hiệu quả nhất
Quan sát thức ăn khi đang nấu cũng như chú ý đến thời gian & cách nấu thức ăn với lò vi sóng

-      Ngay cả khi bạn đã thực hiện theo đúng mọi hướng dẫn thì vẫn có những nguy cơ tiềm tàng có thể xảy ra trong quá trình lò vận hành . Nên chú ý quan sát đến món ăn đang được nấu để ngăn ngừa được những sự cố này.

-      Hãy đọc kỹ hướng dẫn về thời gian nấu đối với bất kỳ loại thực phẩm nào mà bạn đã mua. Cần kiểm tra xem chúng có thể nấu được bằng lò vi sóng hay không và thời gian nấu là bao lâu. Một số loại thực phẩm cần được đậy kín khi nấu, cũng có những thứ cần phải trút ra khỏi bao bì mới có thể nấu được.

-      Không nên đậy quá kín khi nấu thức ăn bằng lò vi sóng mà hãy nhớ chừa một lỗ nhỏ. Điều này giúp tránh áp suất trong hộp thức ăn quá cao và giúp hơi thoát ra dễ dàng, hạn chế nguy cơ bị bỏng lúc đã bạn lấy thức ăn ra khỏi lò.

-      Đối với các món trứng được nấu bằng lò vi sóng, trước khi cho trứng sống vào lò, bạn nên dùng nĩa hoặc dao chọc thủng phần lòng đỏ của trứng. Đây là cách giúp trứng không bị phồng lên và tràn ra bên ngoài trong lúc nấu.

-      Tuyệt đối không cho trứng còn nguyên vỏ vào lò, trừ khi bạn sử dụng loại dụng cụ đặc biệt được thiết kế riêng cho việc luộc trứng bằng lò vi sóng.
 

Những món không nên dùng với lò vi sóng

Thịt nguột, xúc xích, lạp xưởng, các thức ăn hun khói vì những thực phẩm này chứa nhiều nitrit. Nếu được làm nóng bằng vi sóng, nitrit sẽ trở thành các nitrosamin - những phân tử có thể gây ung thư rất mạnh.
 

Vệ sinh lò vi sóng

Xắt 3-4 lát chanh bỏ vào bát nước lạnh, sau đó bỏ vào lò vi sóng khoảng 3-4 phút cho nóng lên. Mùi chanh và nước nóng làm cho các vết bẩn mềm đi, lúc đó chỉ việc lấy giấy lau lại là sạch sẽ.

Lưu ý về vị trí

- Tuyệt đối không để lò vi sóng xuống đất, những nơi có độ ẩm cao, gần những vật liệu dễ cháy nổ hoặc nhiệt độ cao.

- Cũng không nên để gần bếp ga hoặc tủ lạnh, vì khi xảy ra cháy nổ lò vi sóng, bình ga hoặc khí ga rất dễ bị nổ theo.

Nếu nhà chưa có lò vi sóng

- Bạn nên chọn loại 20-23 lít, công suất khoảng 800 - 1.000 W là vừa cho một gia đình 4-5 người.

- Lò vi sóng với chức năng nướng (Grill) tiện lợi để nướng thịt, nướng bánh pizza, nhưng không đáp ứng được nhu cầu nướng bánh.

- Lò vi sóng sử dụng công nghệ Inverter (biến tần) giá thành cao hơn nhưng có khả năng tiết kiệm điện.

- Giá các loại lò vi sóng hiện phổ biến từ mức 1,4 triệu đến 2,4 triệu.
 

Lưu ý để dùng lò vi sóng an toàn

Nên dùng đồ đựng thức ăn  bằng thủy tinh, đồ sứ, gốm... Không bao giờ sử dụng đồ sứ có viền kim loại, đồ kim loại hút giữ nhiệt. Không hâm nóng hộp thực phẩm đậy kín.

Những năm gần đây, lò vi ba (còn gọi là lò vi sóng) đã trở thành phương tiện nấu nướng, hâm nóng thức ăn rất tiện lợi trong bếp của nhiều gia đình, nhất là mùa đông  giá rét và những bữa cỗ Tết. Nhưng nhiều người băn khoăn liệu dùng lò viba có an toàn cho sức khỏe không?  

Nguyên tắc của lò viba là sử dụng sóng điện từ cực ngắn để làm chín thực phẩm. Dưới ảnh hưởng của sóng điện từ, nước trong thực phẩm chuyển động nhanh mạnh, sinh ra nhiệt và làm chín thức ăn. Với các bếp nấu thông thường, nhiệt độ tác động  vào thực phẩm dần dần từ ngoài vào trong nên thực phẩm sẽ chín từ ngoài vào trong, mặt ngoài sém vàng. Trái lại, ở lò viba thì sóng chui sâu khoảng 2,5cm, làm chín thực phẩm từ trong ra, nên thời gian nấu nhanh hơn bếp thường tới 4 lần và dùng ít năng lượng hơn. 

Lò vi sóng rất thuận tiện làm chín và hâm nóng thức ăn. Khi hâm nóng món ăn, không cần cho thêm nước mà cũng không sợ món ăn khô cháy hoặc dính với nhau mà hương vị vẫn còn nguyên. Khi nấu chín thực phẩm: nấu rau đông lạnh rất thuận lợi vì nấu nhanh, không cần thêm nước nên sinh tố và hương vị của rau không mất. Nấu thịt miếng lớn rất nhanh chín và tiết kiệm thời gian. Khi nấu, nên đậy thực phẩm bằng giấy sáp, đĩa plastic để thức ăn không bị khô và chín đều. Sau khi tắt lò, món ăn vẫn tiếp tục được nấu chín cho tới khi nguội.

Để nấu ăn an toàn, cần lưu ý không nấu khi cửa lò không đóng kín hoặc bị vênh. Không hâm nóng hoặc nấu các đồ nấu bịt kín vì khi tăng nhiệt độ, áp suất cũng tăng cao sẽ gây nổ. Tương tự, không hâm nóng hộp thực phẩm đậy kín vì áp suất cao làm nổ. Không chạy lò khi không có thực phẩm trong lò. Luôn luôn có nước hoặc thực phẩm ướt khi dùng lò để tránh cho ống magnetron của lò khỏi bị hư hỏng.

Khi nấu hay hâm món ăn quá khô, có thể để một ly nước trong lò. Nước có tác dụng hút năng lượng điện từ trường, tránh cho ống magnetron khỏi bị cháy. Không chiên rán ngập mỡ trong lò vì chất béo quá nóng gây cháy. Tránh đè lên cửa hoặc nhấc lò lên bằng cánh cửa lò. Sau sử dụng vài năm, bạn cần kiểm tra lò một lần để xem có bị thất thoát sóng ra ngoài. Hằng ngày, mỗi khi dùng xong, cần lau chùi và giữ cửa lò sạch sẽ để cửa luôn luôn khép kín, tránh thất thoát sóng vi ba ra ngoài.

Tuy nhiên, lò vi sóng cũng có vài điểm bất lợi như: không phải loại thực phẩm nào cũng nấu được bằng lò vi ba;  sóng điện từ phân phối không đều, có chỗ nóng nhiều như ở chung quanh lò và chỗ ít nóng như ở giữa lò, cho nên thực phẩm ở giữa lò chậm chín hơn ở chung quanh lò. Để khắc phục thì khi nấu, bạn nên xếp thực phẩm theo vòng tròn, phần thực phẩm to, dày quay ra ngoài.

Nên dùng đồ đựng đặc biệt cho lò vi sóng như dụng cụ bằng thủy tinh, đồ sứ, đồ gốm, một vài loại plastic, giấy cứng đều dùng được. Đĩa giấy, khăn giấy rất tốt trong việc nấu bằng lò vi sóng. Không bao giờ dùng đồ sứ có viền kim loại sợ gây ra tia điện; đồ kim loại hút giữ nhiệt, làm thực phẩm lâu chín và cũng gây ra tia điện. Hình dạng nồi nấu: nồi hình tròn, món ăn chín đều, còn hình vuông thì ở góc chín nhiều hơn. Luôn luôn dùng đồ nấu to hơn món ăn để khỏi tràn ra ngoài. Không dùng các hộp xốp, bao giấy nâu vì hóa chất độc từ các thứ này khi nóng có thể khuếch tán vào thức ăn.

Lò vi sóng không được sử dụng đúng cách sẽ biến thành bom

Đã có rất nhiều tai nạn khi sử dụng lò vi sóng, nguyên nhân là do người dùng không sử dụng lò đúng cách. Chúng tôi xin trích đăng toàn bộ bài viết của báo Gia đình và Xã hội để mọi người tham khảo và thận trọng hơn khi sử dụng lò.

Vừa cho con cá basa bọc giấy bạc vào lò vi sóng được 10 phút, ông Nguyễn Văn Bình hoảng hồn khi thấy lò phát nổ. Cửa lò bị bung, con cá nổ tung, thịt một nơi, xương một nẻo.

Cũng may, khi đó, ông Bình (đường Phan Huy Ích, Gò Vấp, TPHCM) kịp thời ngắt điện nên chỉ riêng lò vi sóng bị hỏng, phải sửa mất hơn một triệu.

Chuyện nhà ông Bình không phải là trường hợp cá biệt. Chị Bùi Lan Anh (ngõ Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội) vừa phải sửa lại toàn bộ hệ thống điện trong nhà vì lò vi sóng nhà chị phát nổ, gây cháy lan sang đường điện và các vật dụng khác.

Trước khi đi làm, chị Lan Anh dặn người giúp việc hâm lại thức ăn bằng lò vi sóng. Người giúp việc cho thức ăn (để trong đĩa inox) vào lò rồi lên tầng 2 cho con chị Lan Anh ăn. Một lúc sau, bà nghe tiếng nổ lớn, chạy xuống đến nơi thì thấy lò vi sóng đang hừng hực lửa. Lửa lan rất nhanh, gây cháy toàn bộ hệ thống điện trong nhà, may mà không ai bị thương.

Vào mùa lạnh, nhiều gia đình sử dụng lò vi sóng để ninh, nướng, hâm lại thức ăn nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng thiết bị này một cách an toàn, hiệu quả.

Bà Trần Thị Thúy, trưởng quầy hàng gia dụng của Siêu thị điện máy Pico Plaza (đường Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho biết, các nhân viên kỹ thuật của họ thường khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cho những dụng cụ làm bằng kim loại, hoặc bát đĩa sứ có trang trí hoa văn kim loại vào lò vi sóng. Vì khi lò hoạt động, sóng viba không thể xuyên qua kim loại mà sẽ phản hồi lại, gây phóng tia lửa điện, dẫn đến cháy, nổ lò.

Với các loại thực phẩm gói giấy bạc, chỉ nên cho vào lò khi sử dụng chức năng nướng. Các dụng cụ chứa thực phẩm làm bằng nhựa thông thường cũng không an toàn với lò vi sóng, vì chúng có thể bị biến dạng, tan chảy, thậm chí sinh ra các chất độc hại làm ô nhiễm thức ăn, có hại cho sức khỏe.

Theo bà Thúy, ngoài các dụng cụ thủy tinh chịu nhiệt, khách hàng có thể cho vào lò vi sóng những dụng cụ đựng thức ăn bằng vật liệu an toàn với lò vi sóng hoặc màng nylon thực phẩm. Thời gian, cách dùng cũng như nhiệt độ ninh, nướng với từng loại thực phẩm khác nhau cũng cần được chú ý.

Với những thức ăn có vỏ hoặc màng mỏng như trứng, khoai lang, sò, ốc… cần làm thủng một lỗ nhỏ trên bề mặt hoặc bóc vỏ, cắt nhỏ thực phẩm để tránh phát nổ vì khi nhiệt độ tăng, thể tích bên trong của thực phẩm cũng tăng theo. Những chất lỏng như sữa, cháo loãng… khi hâm lại bằng lò vi sóng cũng phải được để trong đồ hộp rộng miệng, mặt thoáng, chất lỏng thấp hơn thành đựng đồ để tránh nứt vỡ.

Với các loại thực phẩm đóng hộp, tốt nhất nên đổ ra bát, đĩa rồi mới hâm lại. Với những thực phẩm khô như thịt nguội, xúc xích, ngũ cốc khi chế biến bằng lò vi sóng, cần cho thêm một cốc nước trắng vào lò. Việc này sẽ hạn chế tình trạng ống magnetron (thiết bị tạo ra sóng viba – nhân tố làm chín thức ăn) bị hư hao.

Anh Nguyễn Văn Dần, kỹ sư chuyên ngành điện tử – điện lạnh, chủ một cửa hàng sửa chữa đồ gia dụng (khu tập thể Bách Khoa Hà Nội) chia sẻ: Có nhiều lò vi sóng còn rất mới khách hàng đã đem đến sửa. Họ kêu mỗi lần chạm tay vào lò đều thấy tê tê như bị giật nhẹ. Những “ca” này hầu hết là hàng xách tay hoặc nhập khẩu nguyên chiếc từ châu Âu, khách mua về sử dụng ngay mà không đấu dây tiếp mát nên có hiện tượng như vậy. Với những khách hàng không am hiểu về điện, nên nhờ nhân viên cửa hàng lắp đặt sẽ an toàn hơn.

Anh Dần cho biết thêm, muốn lò vi sóng bền và an toàn, ngoài việc dấu dây tiếp mát, cần cắm thiết bị này vào một nguồn điện riêng, ổ cắm phải chắc chắn, tốt nhất là gắn cố định trên hốc tường. Tuyệt đối không để lò vi sóng dưới đất, những nơi có độ ẩm cao. Một vài người có thói quen để lò vi sóng gần bếp ga hoặc tủ lạnh. Điều này rất nguy hiểm vì khả xảy ra cháy nổ lò vi sóng, bình ga hoặc khí ga rất dễ bị nổ theo.

Vệ sinh lò vi sóng đúng cách, theo anh Dần cũng quan trọng không kém: Nên hạn chế cọ rửa bên trong lò và đĩa quay bằng các hóa chất có tính tẩy rửa mạnh. Nên ngắt nguồn điện trước khi làm vệ sinh lò, tốt nhất là lau chùi bên trong và cửa lò bằng khăn mềm nhúng giấm hoặc nước cốt chanh. Nếu lò vi sóng có mùi, chỉ cần cho một bát nước cốt chanh vào lò đun khoảng 5-7 phút là được.

Kỹ sư Dần cũng khuyến cáo, vi sóng phát ra khi lò đang hoạt động có thể ảnh hưởng không tốt đến con người, vì thế, khi sử dụng, các bà nội trợ không nên đứng quá gần và phải đảm bảo cửa lò không bị hở để sóng không lọt ra ngoài.




Cách chọn lò vi sóng cực chuẩn
Mẹo khử mùi lò vi sóng
Món ăn ngon từ lò vi sóng
Tư vấn cách chọn mua lò vi sóng phù hợp với gia đình bạn
Cách bảo dưỡng lò vi sóng và cách sử dụng an toàn



(st)