Mẹo vặt dùng tủ lạnh tiết kiệm điện năng

Mẹo vặt dùng tủ lạnh tiết kiệm điện năng. Tủ lạnh – hầu như gia đình nào cũng có. Nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống mỗi nhà. Nhưng, quý vị đã biết những công dụng thông minh khác của tủ lạnh có thể mang lại cho cuộc sống chúng ta càng nhiều tiện lợi hơn nữa ?

1) Áo len trắng sử dụng lâu ngày sẽ có màu ố vàng hoặc chuyển sang màu đen, khi mặc lên không còn đẹp được như trước kia, đem bỏ đi thật đáng tiếc mà cũng rất lãng phí. Bạn hãy đem chiếc áo len sau khi đã giặt sạch bỏ vào ngăn đông lạnh, đợi một tiếngđồng hồ rồi đem ra phơi khô, sắc trắng tinh khiết trước kia chắc chắn sẽ được phục hồi lại ở một mức độ nhất định.


2) Mùa hè, nến thường hay bị biến dạng. Đặt nến vào trong tủ lạnh, như vậy dù trong bao lâu nó vẫn giữ được hình thái ban đầu. Nếu như cây nến đã được giữ trong tủ lạnh 24 tiếng đồng hồ trước khi đem đi đốt, sẽ không có hiện tượng sáp nến bị nhỏ giọt. Chiếc bánh sinh nhật được cắm nến đã qua ‘xử lý’ bằng cách này sẽ không phải sợ bị làm hỏng do sáp nến nóng chảy nhỏ giọt nữa!


3) Trứng gà sau khi được lau sạch một lượt bằng khăn ấm, đem đặt vào tủ lạnh sao cho dựng thẳng phần đầu tròn to của quả trứng lên phía trên, có thể giữ cho độ tươi ngon trong thời gian dài.


4) Phim chụp ảnh lâu ngày không dùng đến, nếu được để trong tủ lạnh, thì dù hạn sử dụng đã hết, nó vẫn có thể đem chụp hình tiếp được. Thuốc men hay pin năng lượng chưa dùng ngay cũng nên bảo quản trong tủ lạnh, làm như thế, thuốc sẽ vẫn giữ được nguyên công hiệu của nó và pin có thể kéo dài tuổi thọ lâu hơn.


5) Khi cất trữ thực phẩm trong tủ lạnh, giữa đồ ăn và vách tủ, đồ ăn với đồ ăn, trung bình nên để một khe hở rộng khoảng 10mm hoặc hơn, làm như vậy sẽ giữ cho mùi hương cũng như thực phẩm trong tủ lạnh luôn luôn tươi mát. Đặc biệt, không nên để chật cứng đồ ăn ở những tầng giữa của tủ, bởi vì vị trí có điều kiện làm lạnh tốt nhât trong tủ lạnh không phải là các ngăn dưới mà là những ngăn ở giữa. nếu như ngăn giữa bị ‘tắc ngẽn’ đến nỗi không còn lấy một khe hở, khí lạnh sẽ không thể lưu thông xuống dưới , thực phẩm đặt ở ngăn dưới khi đó sẽ dễ bị biến chất, thối mục.


6) Những loại hoa quả như dứa hay chuối, bảo quản trong tủ lạnh lâu ngày sẽ khiến cho phần thịt quả bị biến chất, hoặc vỏ có thể bị đen. Bởi vậy, chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh một thời gian ngắn vừa đủ trước khi thưởng thúc.


7) Dùng tủ lạnh cần cố gắng rút ngắn thời gian và giảm bớt số lần mở, nhất là vào mùa hè. Nếu như mở nhiều lần hoặc mở quá lâu, khiến cho thực phẩm đột ngột bị lạnh hoặc bị nóng, làm ảnh hưởng tới hiệu quả của việc bảo quản đồ ăn. Mùa hè, nhất là vào những ngày nóng như đổ lửa, tủ lạnh rất ‘sợ’ bị mất điện, chỉ cần hơi lâu một chút, thực phẩm trong ngăn đông lạnh sẽ dần bị rã đông dẫn đến phân hủy. Dùng túi nilon nhỏ đựng nước sạch rồi giữ cho đông lạnh thành những viên đá, cứ thế để trong ngăn đông lạnh, đề phòng thực phẩm sẽ bị hỏng do nhiệt độ trong tủ lạnh tăng lên khi mất điện.


8) Tại nơi tiếp xúc giữa bề mặt và chỗ tiếp giáp của  phần viền khung cửa tủ lạnh với đệm gasket đính quanh cửa tủ, quết đều một lớp phấn mịn hay bột trơn, có thể phòng tránh trường hợp lớp sơn trên viền khung cửa bị gasket làm bong ra, đồng thời cũng giúp cho cửa tủ mở khép linh hoạt  tự nhiên, kéo dài tuổi thọ cho đệm gasket.


Tủ lạnh là vật dụng nhà bếp cần thiết mà hầu hết các gia đình đều sử dụng. Nhưng việc bảo quản không phải ai cũng biết. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn một số cách bảo quản tủ lạnh hiệu quả.

Đông lạnh hiệu quả

Để tủ lạnh và tủ ướp lạnh vận hành hiệu quả và an toàn, bạn cần kiểm tra thường xuyên nhiệt độ bên trong tủ bằng nhiệt kế.

Chạy tủ lạnh ở nhiệt độ 5oC trở xuống, phần lạnh nhất trong tủ lạnh phải ở 1oC, muốn kiểm tra nhiệt độ, bạn đặt nhiệt kế ở giữa ngăn trên và để qua đêm.

Chạy tủ ướp lạnh ớ nhiệt độ 18oC trở xuống, kiểm tra nhiệt độ bằng cách đặt nhiệt kế ở ngăn trên hoặc nép ngoài ở giỏ đựng trên, rồi để qua đêm.

Trữ lạnh hiệu quả

Sắp xếp thực phẩm, khi cho thực phẩm vào tủ lạnh, bạn chừa khoảng hở giữa từng món thực phẩm cho không khí lưu thông đều và làm lạnh thực phẩm.

Tránh mất chất dinh dưỡng trước khi đông lạnh, bạn nhớ bọc kiếng thực phẩm để tống hết không khí ra ngoài. Làm vậy sẽ ngăn hút hết hơi ẩm trong thực phẩm, dẫn đến mất chất dinh dưỡng và mất nước.

Nếu muốn ngăn không cho khay đựng đá hoặc thực phẩm đông lạnh dính vào đáy tủ ướp lạnh, bạn hãy lót một lớp giấy thiết bên dưới, năng thay giấy thiết sạch.

Làm vệ sinh trong tủ lạnh và tủ ướp lạnh

Để chống gỉ sét nếu tủ ướp lạnh hay tủ lạnh dễ bị đọng nước trên mặt ngoài, bạn lau mặt ngoài tủ bằng khăn mềm thấm silicone đánh bóng.

Nếu ai đó vẽ lên của tủ bằng bút nỉ không phai, bạn lau vết bút nỉ bằng khăn mềm thấm nước nhẹ. Rửa bằng bột giặt, dội nước và để khô.

Làm vệ sinh mặt tủ lạnh

Luôn lau sạch ngay vết đổ thực phẩm trong tủ lạnh

Xóa sạch vết trầy xước: sử dụng sơn tráng men lên vết trầy xước trên của tủ lạnh hoặc của tủ ướp lạnh. Trước tiên rửa bằng bột giặt và lau khô bằng khăn sạch. Thử màu trên chỗ kín đáo và tút lại bằng bút đầu nhỏ.

Rã đông tủ lạnh

Lót giấy thiết vào ngăn tủ ướp lạnh khi rã đông, đục lỗ ở giữa mỗi lớp giấy thiết  để hướng nước vào tô bên dưới.

Trước khi cạo đá trên thánh tủ ướp lạnh, bạn lót khăn dưới đáy tủ để hứng đá

Nếu có máy hút bụi, bạn dùng nó để hút sạch đá vụn và nước trong quá trình rã đông.

Trước khi bật lại tủ ướp lạnh sau quá trình rã đông, bạn lau khắp mặt trong tủ bằng thuốc muối, sau đó lau khô bằng khăn giấy. Sau khi bật tủ ướp lạnh, chờ chừng 1 giờ rồi bỏ các thứ vào trong tủ.

Để rã đông nhanh tủ ướp lạnh, bạn đặt tô nước nóng bên trong tủ, cạo sạch đá ngay sau khi nó tróc ra.

Dọn nhà

Trước khi di chuyển tủ lạnh hoặc tủ ướp lạnh, bạn cần ngắt điện trước 24 giờ.

Làm vệ sinh kỹ lưỡng tháo các bộ phận rời, và giữ cố định cửa tủ.

Luôn dựng đứng tủ lạnh hoặc tủ ướp lạnh trong quá trình vận chuyển.

Sau khi di chuyển và ổn định vị trí đặt tủ lạnh, bạn nên chờ thêm 1 giờ sau mới cắm điện tủ lạnh ở chế độ không tải trong 1 giờ nữa rồi mới cho thực phẩm vào.
 

Mẹo vặt giữ tủ lạnh sạch sẽ, gọn gàng


Để tủ lạnh luôn gọn và tỏa ra hương thơm dễ chịu, hãy tham khảo những mẹo vặt sau!

1. Giỏ nhựa

Sử dụng những chiếc giỏ nhựa con như thế này để phân chia các thực phẩm trong tủ lạnh là một ý tưởng không tồi. Tuyệt vời hơn cả là giỏ nhựa khá nhẹ và rất dễ lôi ra khỏi ngăn tủ.

2. Đánh dấu những chiếc giỏ

Để tủ lạnh gọn gàng và dễ tìm đồ hơn nữa, hãy gắn vào mỗi chiếc giỏ nhựa một chiếc “nhãn” ghi tên loại thực phẩm, chẳng hạn như: rau, đồ bơ sữa, hoa quả… và bạn chẳng còn phải băn khoăn mỗi lần đi tìm đồ trong tủ lạnh nữa.

3. Dán nilon vào ngăn tủ

Những đồ có nước khi để trong tủ lạnh dễ chảy ra ngăn và sàn tủ, không chỉ khiến tủ lạnh bẩn mà còn tạo ra mùi khó ngửi. Để nhanh chóng dọn sạch tủ mà không mất nhiều thời gian, hãy dành ra một buổi dán những đáy ngăn tủ bằng một lớp nilon. Khi nước, sữa, canh đổ ra ngăn, bạn chỉ việc bóc bỏ lớp nilon, vứt đi và lau lại một lần trước khi dán thêm một lớp nilon mới cho lần sau.

4. Bảo quản sữa

Không nên để các chai, hộp sữa bên cánh tủ vì nhiệt độ không ổn định của cánh tủ sẽ làm sữa bị hỏng nhanh hơn.

5. Bảo quản salad

Nếu bạn còn thừa quá nhiều salad và món ăn này lại chiếm quá nhiều chỗ trong tủ lạnh, hãy nhồi salad vào các lọ đựng bằng thủy tinh đã rửa sạch như thế này. Salad sẽ tươi lâu hơn, có thể tới 1 – 2 tuần.

6. Ghi nhớ trên cánh tủ

Dùng những chiếc bút dạ viết bảng để ghi lại số lượng thực phẩm bạn đang lưu trong tủ lạnh. Bạn sẽ biết thứ gì vẫn còn và thứ gì cần phải mua thêm.

7. Bảo quản bia

Cách tốt nhất để bảo quản được nhiều bia trong tủ lạnh là xếp ngang và chồng lên nhau như thế này. Bạn sợ chúng sẽ lăn đi và làm vỡ chai? Chỉ cần dùng một cái kẹp giấy, kẹp vào giá tủ lạnh để cố định vị trí của những chai bia.

8. Giá đựng tạp chí để lưu trữ đồ ăn trong tủ lạnh

Những chiếc giá đựng tạp chí bằng nhựa có thể sử dụng như giá trong tủ lạnh, xếp chồng lên nhau để tăng thêm diện tích cho tủ lạnh.

9. Hiểu biết về thực phẩm

Những thực phẩm không nên cho vào tủ lạnh bao gồm: cà chua, khoai tây và hành tây. Vì vậy, chẳng nên tốn chỗ trong ngăn tủ vốn đã nhỏ của bạn với những loại thực phẩm này.

10. Để riêng những đồ sắp hết hạn

Cho những thực phẩm sắp hết hạn, món ăn để lâu vào một hộp, ngăn riêng với nhãn bên ngoài để cảnh báo bạn. Bằng cách này, bạn sẽ tìm cách tiêu thụ hết những món này trước hoặc vứt chúng đi khi đã quá hạn.

11. Khử mùi

Đặt một viên than, vỏ bưởi, cam, quýt, chanh tươi hoặc bã cà phê trong tủ lạnh là cách lý tưởng để khử mùi khó chịu trong tủ.



 

Cách Tiết Kiệm Điện Cho Tủ Lạnh



Tiết kiệm điện không chỉ giảm chi phí sinh hoạt trong gia đình mà bạn còn giúp cho những nơi khác có điện để dùng. Vì vậy hãy chú ý đến những đồ dùng điện trong nhà thường xuyên được sử dụng như tủ lạnh. Dưới đây là một số cách để bạn tiết kiện điện cho nó.

1. Điều chỉnh nhiệt độ tốt nhất ở 7-8 độ C sẽ tốn ít điện hơn. Với tủ lạnh mới mua về, có thể chuẩn bị một nhiệt kế, đặt vào một ngăn trong khoang giữ lạnh. Sau khi đã đặt đồ ăn vào rồi mới bắt đầu điều chỉnh độ lạnh, nên điều chỉnh 2-3 lần để tiến dần tới nhiệt độ tốt nhất (thường là 7-8oC). Đây là nhiệt độ thích hợp nhất. Nếu cứ giữ mãi ở khoảng trên dưới 5oC, so sánh với để ở 8oC thì vào mùa nóng điện phải hao hơn 1kW. Nếu là tủ lạnh có 2 cửa nhiệt độ buồng đông lạnh ở mức -180C là đủ để nước đóng băng. Nếu dùng -18oC thay cho –22oC thì mỗi tháng bạn tiết kiệm được trên dưới 25% điện.

Nên thay hộp đựng thức ăn bằng kim loại để tiết kiệm điện hơn. Ảnh: internet

2. Khi thực phẩm cần giữ chỉ chiếm một diện tích nhỏ buồng giữ lạnh, bạn có thể đem những miếng nhựa xốp chứa đầy vào buồng giữ lạnh, từ 1-2 ngăn. Tính dẫn nhiệt của nhựa xốp rất kém, hầu như không hút khí lạnh bên trong tủ. Làm theo cách trên, dung tích ban đầu của tủ lạnh bị thu nhỏ lại, làm cho thời gian làm việc của bộ phận chế lạnh được trút ngắn, tất nhiên là điện sẽ được tiết kiệm.

3. Mỗi khi mở cửa tủ để lấy thực phẩm ra dùng, không khí lạnh bên trong tủ sẽ đối lưu rất nhanh với không khí nóng ở bên ngoài tủ, làm cho nhiệt độ bên trong tủ cao lên, làm tăng thời gian hoạt động của bộ phận nén, do đó làm hao điện và làm các chi tiết bị mài mòn hơn.

4. Bạn có thể dùng một mảnh ny lon trong, to hơn cửa của khoang giữ lạnh một chút làm rèm che để ngăn cản sự đối lưu giữa hai luồng không khí trong và ngoài. Làm thế vừa tiết kiệm vừa là bảo vệ máy.

5. Khi đồ ăn được mua về với số lượng lớn, bạn hãy chọn một ít cho vào buồng lạnh. Khi lấy thực phẩm ở buồng giữ lạnh ra dùng, bạn hãy mang đồ ăn đã kết đông từ buồng đông lạnh chuyển xuống buồng giữ lạnh. Nếu đồ ăn này vẫn chưa dùng đến lại cho trở lại buồng đông lạnh. Cứ làm như thế nhiều lần, buồng giữ lạnh không cần nhờ vào sự hoạt động của thiết bị chế lạnh cũng giảm được nhiệt độ.

6. Tủ lạnh cần phải để vào chỗ thông gió, thoáng mát. Bởi vì, nhiệt độ không gian càng cao, nhiệt lượng truyền vào tủ càng nhiều, càng tản nhiệt chậm, điện càng hao nhiều hơn. Cố gắng hạn chế số lần mở cửa tủ lạnh. Mở càng nhiều, lượng điện tổn hao sẽ càng nhiều hơn. Muốn không khí lưu thông xung quanh tủ lạnh và để chống ẩm, bạn có thể kê tủ cách mặt đất hơn 5cm.


Tuyệt đối không được cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh. Ảnh: internet

7. Không được chất quá đầy vào tủ. Giữa các đồ ăn cần phải chừa ra một khoảng cách để khí lạnh có thể đối lưu, lượng điện tổn hao sẽ giảm xuống.

8. Nước nóng, rau nóng, cơm nóng phải để nguội hẳn mới cho vào tủ lạnh. Nếu cho vào khi còn nóng sẽ làm nhiệt độ trong tủ tăng lên quá nhanh, làm điện hao nhiều hơn.

9. Nên dùng đồ đựng bằng kim loại thay cho đồ nhựa. Hiện nay trên thị trường bán rất nhiều những hộp đựng bằng nhựa chuyên dụng cho tủ lạnh. Loại hộp này có ưu điềm là nhẹ sạch sẽ và giá lại rẻ do tính năng dẫn lạnh của nó rất kém nên thời gian làm lạnh sẽ dài ra. Nếu dùng đồ đựng bằng nhôm hay thép không rỉ thì thời gian làm lạnh sẽ được rút ngắn, điện được tiết kiệm hơn.

10. Khi mua, chọn tủ có màu sáng vì màu tối hấp thụ nhiệt nhiều hơn. Ngoài ra, trên thị trường bây giờ cung cấp nhiều loại tủ có khả năng tiết kiệm điện rất tốt. Để “nhận diện” tủ lạnh tiết kiệm điện, người mua phải dựa vào công nghệ nhà sản xuất áp dụng hoặc các tính năng hoạt động tiện ích hơn của chúng. Các thông tin này được cung cấp đầy đủ ngay trên bề mặt sản phẩm hoặc tờ hướng dẫn của nhà sản xuất.

11. Thường xuyên vệ sinh máy, các bụi bẩn bám và tích tụ vào bề mặt dàn nóng, dàn lạnh, lưới lọc... làm trở ngại cho việc trao đổi nhiệt, làm máy chậm lạnh. Với lưới lọc bụi, vệ sinh khoảng một tháng/lần. Bạn có thể tự làm, tháo ra và rửa sạch bằng bàn chải và xà bông. Khoang chứa nước do quá trình làm lạnh tạo ra (thường nằm phía đáy, mặt sau của tủ lạnh) cũng cần thường xuyên được đổ đi. Nước này thường có cặn bẩn, thậm chí có cả xác côn trùng trong nhà rơi vào. Nếu để nước quá đầy có thể gây tràn, chập mạch hoặc gây rò điện mà chủ nhân không biết, vì thế hao điện hơn.

 12. Hàng năm, nên tiến hành kiểm tra lượng gas làm lạnh của máy, nếu thiếu gas (khiến cho hiệu quả làm lạnh giảm, máy vẫn phải làm việc liên tục) phải bổ sung kịp thời.

13. Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là có nên tắt, bật tủ lạnh liên tục không? Nếu sử dụng lâu (thường là trên 3 ngày), không nên ngắt tủ lạnh ra khỏi nguồn điện. Bạn nên cắm điện cho tủ lạnh suốt ngày vì mỗi lần khởi động sẽ tốn một lượng điện lớn. Trong trường hợp lâu ngày không dùng đến tủ thì ngắt nguồn điện nhưng cần dọn sạch các đồ có trong tủ, vệ sinh tủ và để tủ khô rồi dùng vật phủ che bụi phủ lên.

 

Những điều bạn nên biết khi sử dụng tủ lạnh


Sử dụng tủ lạnh đúng cách không những giúp bạn bảo vệ tuổi thọ của máy mà còn tiết kiệm được lượng điện đáng kể. Bạn có thể tham khảo những mẹo nhỏ dưới đây.

- Nên đặt tủ lạnh cách tường tối thiểu 10cm để đảm bảo lưu thông không khí làm mát dàn lạnh.

- Nên vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, khoảng nửa tháng một lần hoặc ít nhất là 1 lần mỗi tháng để tránh cho vi khuẩn có điều kiện sinh sôi, phát triển. Hãy bắt đầu bằng việc vặn nút điều chỉnh từ vị trí (ON) qua (OFF) để ngắt điện tủ lạnh hoặc rút nguồn ra. Lấy toàn bộ thực phẩm, giá đỡ trong tủ ra ngoài. Mở cửa tủ để tuyết trên ngăn đá tan chảy - nếu có (không dùng dao hay vật cứng để cạy tuyết trên ngăn đá), sau đó dùng khăn mềm lau khô.

- Khi cọ rửa tủ lạnh cần tránh tình trạng để nước đọng lại ở đáy tủ.

- Khoảng 1 tháng 1 lần bạn cho tủ lạnh nghỉ ngơi 30 phút bằng cách vặn nút điều chỉnh (thermostat) về vị trí (OFF), sau đó để tủ chạy bình thường.

- Không nên nhồi nhét quá nhiều thứ vào tủ lạnh vì cần có đủ không gian để không khí trong tủ lạnh lưu thông tốt.

- Hạn chế mở tủ lạnh nhiều lần và thời gian mở lâu quá mức cần thiết. Làm như thế sẽ tiêu hao một lượng điện đáng kể. Cũng không nên che kín các giá để thực phẩm trong tủ lạnh.

- Không nên để thức ăn nóng trong tủ lạnh, việc này làm ảnh hưởng đến bộ dàn làm mát, giảm tuổi thọ của tủ lạnh.

- Khi tủ lạnh tắt hoặc khởi động mà nghe tiếng kêu, có thể các vít bắt của dàn lạnh bị lỏng. Bạn nên nhờ chồng hay một người có hiểu biết về máy móc kiểm tra lại.

- Nên làm sạch các loại đồ ăn thức uống trước khi cho vào tủ. Các loại thực phẩm có mùi đặc trưng hay thức ăn mặn nên được bỏ vào túi hay hộp kín rồi mới cho vào tủ lạnh, tránh tình trạng phát tán mùi, bay hơi mặn gây hiện tượng ăn mòn tủ lạnh.

- Trong lúc mở cửa tủ lạnh không nên để gió quạt thốc thẳng vào sẽ làm tủ quá tải, tốn điện.

- Khi tủ lạnh không lạnh có thể do tủ lạnh chứa nhiều thực phẩm hoặc núm công tắc (rơ le) để không phù hợp. Nên lấy bớt thực phẩm ra ngoài, vặn núm công tắc lên nhiệt độ lạnh hơn. Kiểm tra lại độ lạnh sau khi điều chỉnh.




Cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh
Mẹo chọn mua tủ lạnh và sử dụng đúng cách
Bảo quản trứng gà trong tủ lạnh
Sử dụng và bảo dưỡng tủ lạnh
Mẹo tiết kiệm điện cho tủ lạnh cực hữu hiệu





(st)