Mẹo vặt khi bị chuột rút

Mẹo vặt khi bị chuột rút . Chuột rút là tình trạng co thắt cơ đột ngột, gây đau dữ dội ở một bắp thịt, làm cho bệnh nhân không tiếp tục cử động được nữa.



Tuy mọi bắp thịt đều có thể bị chuột rút, nhưng bệnh hay xảy ra ở cẳng chân, đùi, bàn tay, bàn chân và cơ bụng. Chuột rút sẽ gây nguy hiểm nếu bạn đang bơi dưới nước, ngồi gần bếp lửa, khi đang lái xe.

Những người dễ bị chuột rút

Chứng chuột rút (đồng bào miền Nam gọi là vọp bẻ) thường xảy ra khi chúng ta vận động quá sức. Các đối tượng dễ bị chuột rút là: vận động viên thể thao, người leo núi, leo cầu thang nhiều tầng, phụ nữ mang thai… Lao động, tập luyện, trèo đèo leo dốc với cường độ cao, cơ thể bị mất nước, mất muối… đều dễ bị chuột rút.

Xử trí khi bị chuột rút đùi hoặc cẳng chân: uống nước, xoa bóp đùi, kéo đầu ngón và bàn chân hướng về đầu gối.

Bệnh thường xảy ra trong các trường hợp: ngủ ban đêm, khi đang vận động cơ bắp trong thời gian dài liên tục, nhất là khi mệt mỏi, đói, khát nước. Lý giải chứng chuột rút thường xảy ra vào ban đêm khi ngủ, các nhà chuyên môn cho rằng, người nào mà ban ngày lao động nặng nhọc bị mệt mỏi hoặc đứng lâu trên nền cứng, do cơ bắp không hoạt động, căng thẳng thì ban đêm bị chuột rút. Chuột rút trong khi đang vận động thường gặp ở các bắp thịt lớn như cẳng chân và đùi. Khi đó cơ bắp bị mệt mỏi, vận động quá lâu, quá mạnh, vận động khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, cơ thể bị mất muối làm giảm nồng độ K, Mg, Na, Ca trong máu.

Thêm nữa, tình trạng vận động nhiều còn gây lắng đọng acid lactic trong bắp thịt, dẫn đến rối loạn dẫn truyền tín hiệu giữa dây thần kinh và cơ bắp, nên dù bộ não muốn cơ thư giãn sau khi cử động nhưng cơ vẫn tiếp tục co rút gây ra đau. Như vậy, những người ngồi làm việc lâu, không thay đổi tư thế cũng thường bị chứng co cứng cơ. Thời tiết nóng bức mà vận động cơ thể sẽ ra nhiều mồ hôi gây mất nước và mất muối cũng rất dễ bị chuột rút khi vận động mạnh và kéo dài.

Những người sử dụng một số loại thuốc chữa bệnh như statin, prednison, thuốc lợi tiểu làm giảm kali  và manhê cũng dễ bị chuột rút. Bệnh nhân bị các bệnh: tiểu đường, Parkinson, đường huyết thấp, thiếu máu, bệnh tuyến giáp, bệnh thận đang lọc máu, rối loạn tuần hoàn, bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới đều dễ bị chuột rút. Thai phụ hay bị chuột rút từ tháng thứ 6 trở đi của thai kỳ do thiếu calcium, phospho, magnesium, do sức nặng và độ lớn của tử cung chèn ép vào các mạch máu ở chi dưới hoặc do các cơ ở chi dưới phải mang sức nặng của cơ thể.

Cách xử trí khi bị chuột rút

Đang vận động bất ngờ bị chuột rút sẽ rất đau bắp thịt, khiến phải dừng lại ngay không cử động được nữa. Muốn khỏi đau nhanh chóng cần thực hiện các thao tác sau đây: dừng vận động, cố gắng thả chùng chi bị bệnh để thư giãn bắp thịt đang bị co rút. Nhẹ nhàng xoa bóp bắp cơ, nếu có dầu nóng thì thoa dầu lên vùng da của bắp thịt đang bị co rút rồi xoa bóp nhẹ nhàng. Nếu chuột rút ở cẳng chân, bạn nên nhẹ nhàng vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược: kéo đầu ngón chân và bàn chân lên cao hướng về đầu gối.

Khi bị chuột rút bắp đùi, cần nhờ người khác kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, tay kia đồng thời ấn đầu gối xuống. Trường hợp chuột rút cơ xương sườn, bạn phải hít thở sâu để thư giãn cơ hoành đồng thời xoa bóp nhẹ các bắp thịt xung quanh lồng ngực. Uống nước trà đường nóng, cà phê pha ngọt,  nước oresol, nước cam, nước chanh… Sau khi đã qua cơn đau, về nhà bạn có thể tắm nước nóng để thư giãn bắp thịt. Bạn nên đi giày vừa chân, gót giày không quá cao.

Có thể dùng một số loại thuốc thuốc điều trị chuột rút như: vitamin E, thuốc thư giãn cơ… Bình thường chuột rút không kéo dài và không gây nguy hiểm. Nhưng nếu chuột rút xảy ra khi đang lái xe, điều khiển máy móc, đang bơi dưới nước… thì có thể gây tai nạn, chết đuối. Nếu thỉnh thoảng bạn mới bị chuột rút thì không đáng ngại. Nhưng nếu bạn thường xuyên bị chuột rút, hoặc bị chuột rút gây đau đớn, thì cần đi khám bệnh, xét nghiệm để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh gây ra chuột rút.
 

 
Chuột rút là bệnh khá phổ biến ở nam giới. (Ảnh minh họa).

Khi đã bị chuột rút thì phải làm dịu cơn đau bằng các động tác đơn giản:

- Nếu chuột rút ở bắp chân thì kéo chân ra, đồng thời ấn mạnh phần cuối của bắp chân trên một mặt phẳng cứng. Nếu rút ở đùi, nhờ người khác dùng một tay đỡ gót chân để làm cho đầu gối của mình căng thẳng, còn một tay ấn đầu gối xuống dưới. Sau đó xoa bóp vùng bị chuột rút.

- Nếu chuột rút ở bàn chân thì cầm đầu bàn chân kéo nhẹ rồi đứng dậy và đứng thẳng người một lúc nhưng không cho gót chạm đất.

- Có thể dùng dầu hoặc cồn long não xoa bóp vùng bị chuột rút, đồng thời bắt cơ bắp làm việc nhẹ nhàng đến khi hết chuột rút. Tắm nước nóng cũng tốt, giúp các cơ giãn ra, lấy lại tính đàn hồi.

- Chuột rút bàn tay (ít xảy ra) có thể gặp ở những người phải sử dụng bàn tay với động tác lặp đi lặp lại trong một thời gian dài (các nhà văn, người chơi đàn vĩ cầm...). Hãy kéo nhẹ các ngón, rồi xoa bóp bàn tay.

1. Dùng hai bàn tay ôm lấy bắp chân và vuốt từ trên xuống dưới tận gót chân nhiều lần với một lực vừa phải.

2. Dùng ngón giữa bàn tay phải day bấm huyệt ủy trung trong 1 phút.

3. Nếu đang bơi, hãy lật nằm ngửa, đẩy thẳng 2 chân dang mạnh ra, uốn 10 ngón chân ngược lên phía mặt, đập mạnh 2 gót xuống nước.

4. Bấm mạnh môi trên bằng ngón tay trỏ và ngón cái, độ nửa phút sẽ hết cảm giác cơ bị co rút.

5.Thật ra các chứng co rút cơ một phần cũng do rối loạn các tín hiệu thần kinh, nên ta cũng có thể dùng những biện pháp kiểu như "Giương Đông kích Tây" nhằm đánh lạc hướng tập trung của thần kinh ra khỏi chỗ đau. Bấm các ngón chân bên phải (bên đối ngược) xuống, sau đó chứng chuột rút sẽ từ từ hết.


 

Phương pháp phòng bệnh

Bạn hoàn toàn có thể phòng tránh chuột rút bằng cách: uống nước đầy đủ, tốt nhất là các loại nước giàu chất khoáng như: nước oresol, nước chanh đường muối, nước  dừa… trước, trong và sau khi luyện tập, lao động, đi bộ, leo núi. Khởi động thật tốt trước khi vận động cơ thể, trước mỗi buổi tập. Tập thư giãn cơ bắp trước và sau mỗi lần tập luyện. Tập vươn duỗi chân vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi thức dậy. Khi ngồi, co bàn chân về phía đầu gối càng cao càng tốt, để máu dễ dàng lưu thông ở bắp thịt cẳng chân.

Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ các chất: đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Hạn chế dùng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia. Ðiều trị tích cực các bệnh là nguyên nhân gây chuột rút nói trên.


 

Xử lý khi bị chuột rút trong lúc bơi lội

Khi đi tắm biển nhiều người sợ nhất 2 điều là bị sứa đốt và bị chuột rút khi đang bơi lội. Sau đây là một số phương pháp giúp bạn cách xử lý khi vô tình gặp phải những vấn đề trên.
Sứa và các loài động vật biển khác gây ra đều rất đau.

Khi bị chuột rút

Ngay cả những vận động viên bơi lội cừ khôi cũng đều rất sợ bị chuột rút. Cơn đau do chuột rút sẽ làm giảm khả năng bơi lội hoặc nghiêm trọng hơn có thể gây chết đuối.

Nếu chẳng may điều này xảy ra trong khi bạn đang đằm mình trong làn nước biển thì cần phải thật bình tĩnh xử trí như sau:

Nếu cơ bụng bị chuột rút (rất nguy hiểm), phải bình tĩnh thả lỏng toàn thân trong tư thế dang rộng tay chân, từ từ hít sâu và dùng tay bấm các huyệt xung quanh, xoa nhẹ nhàng lên vùng chuột rút rồi nhờ người xung quanh đưa lên bờ.

Khi bị chuột rút ở các vùng cơ khác cần tìm cách lên bờ hay ít ra cố lết đến vùng nước nông, sau đó tự mình hay nhờ bạn bè giúp chữa chuột rút bằng các cách sau:

Chuột rút ở bắp chân (thường gặp nhất) hãy gắng nhỏm dậy duỗi thẳng chân, đứng bằng gót và ngón giúp cơ bắp vế giãn ra. Có thể gọi người giúp bằng cách nằm xuống giữ chân thẳng tối đa và nhờ ai đó đẩy mạnh các ngón bàn chân ngược về hướng đầu gối.

Chuột rút ở đùi, nên ngồi xuống, người giúp kéo chân nạn nhân ra thật thẳng, đồng thời nâng gót chân lên cùng lúc dùng tay kia ấn mạnh đầu gối xuống.

Nên nhớ, khi không có khả năng bơi vào bờ, bạn càng hoảng loạn quẫy đạp lung tung thì càng mau chìm. Do vậy nếu sóng không lớn lắm, hãy bình tĩnh thả ngửa cơ thể trên mặt nước chờ người đến cứu. Khi giơ tay cầu cứu chỉ nên giơ một tay còn một tay kia để đập nước để giữ cho cơ thể nổi trên mặt nước.

Khi đã bị chuột rút, không nên xuống nước lần nữa, hãy nghỉ ngơi và đi bơi vào ngày hôm sau.

Cách "đánh bay" chứng chuột rút khi mang bầu
 

Video dưới đây sẽ hướng dẫn các mẹ cách cực hay để xử lý tình huống chuột rút khi mang bầu.

Trọng lượng cơ thể tăng, dồn lên các cơ bắp ở chân thường dẫn đến chứng chuột rút khi đêm về, kết quả là khiến các mẹ bầu đau đớn đến chảy cả nước mắt, la oai oái giữa đêm khuya. Cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy, chứng chuột rút (hay còn gọi là vọp bẻ) ở chân có liên quan với tuần hoàn máu kém và bệnh thiếu máu.

Một số trường hợp khác có thể do dư thừa chất phốt pho (tìm thấy trong thịt, các thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có ga) và do thiếu canxi, magiê và kali hay do áp lực của tử cung lên dây thần kinh dẫn xuống chân.

Khi bạn đổ mồ hôi nhiều vào mùa hè, cơ thể bị khử nước cũng có thể bị khử nước và khiến chân bị chuột rút. Trong khi vào những tháng mùa lạnh, tuần hoàn máu trong cơ thể có xu hướng chậm lại và có thể gây ra chứng vọp bẻ. Chuột rút thường xảy ra vào giai đoạn thứ 2 và thứ 3 của thai kỳ.

Khi bị chuột rút, các mẹ có thể làm theo cách sau:

Kéo căng chân và các ngón chân lên hướng lên trên.


Sau đó mat-xa ở những vùng cơ bị đau.


Chườm nước nóng lên chỗ đau.


Để phòng chuột rút khi mang bầu, các mẹ lưu ý những điều sau:


Bổ sung thực phẩm giàu canxi.


Trước khi đi ngủ nên ngâm chân với nước ấm có cho chút gừng và muối.




Nguyên nhân chuột rút khi mang thai và cách khắc phục
Làm gì khi bà bầu bị chuột rút
Hiện tượng chuột rút khi mang thai
Mẹo nhỏ đề phòng chuột rút cho bà bầu
Xử lý khi bị chuột rút




(st)