Món ăn đặc sản Quảng Ngãi


Quảng Ngãi đầy nắng và gió nổi tiếng với những đặc sản ngon không thể bỏ qua. Cá bống và don sông Trà, kẹo gương, quế Trà Bồng là 4 sản vật Quảng Ngãi được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là đặc sản nổi tiếng.


Trong đó, cá bống sông Trà và món don nằm trong số 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Kẹo gương là một trong 10 đặc sản kẹo mứt nổi tiếng Việt Nam. Quế Trà Bồng có mặt trong Top 10 đặc sản thiên nhiên nổi tiếng Việt Nam. Lãnh đạo tỉnh vừa công bố thông tin này và đánh giá đây là cơ hội vàng quảng bá văn hóa ẩm thực Quảng Ngãi với du khách trong và ngoài nước.

Theo các chuyên gia ẩm thực, cá bống sông Trà ngon nhất vào mùa hè. Ngư dân thường bắt cá bống bằng ống trống (ống tre dài khoảng 1 m, trống hai đầu, dùng một cọc nhọn cắm xuống nước). Chiều hôm trước người ta đem ống cắm dưới sông, sáng sớm hôm sau ra sông lặn xuống "túm" hai đầu xổ ra bắt gọn những chú cá trong ống.

Đặc sản cá bống sông Trà. Ảnh: Trí Tín.

Cá bống đem về còn giãy đành đạch, tươi rói; bỏ cá vào niêu đất cho gia vị ớt, hành, tiêu chế nước xăm xắp nấu với lửa riu riu hơn tiếng đồng hồ nhắc xuống, con cá vừa dai vừa thơm vừa mằn mặn ăn với cơm trắng. Cá đã kho hai ba "lửa" có vị cay cay mặn mặn của gia vị, thơm dai của thịt cá, một lần ăn thì nhớ mãi không quên.

Còn đặc sản kẹo gương hấp dẫn ngay từ tên gọi vì loại kẹo này trong như pha lê, đẹp như bức tranh tĩnh vật. Kẹo có màu vàng ươm của đậu phộng (lạc), trắng vàng của mè và mong manh dễ vỡ làm cho người ăn như phải nâng niu trên tay.

Theo chân một số người Hoa ở Triều Châu, Quảng Đông, đến sinh sống lập nghiệp tại Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, nghề làm kẹo gương lan truyền và phát triển, nay trở thành nghề truyền thống được lưu giữ qua nhiều thế hệ người dân nơi đây.

Khẽ cắn một miếng kẹo gương nghe giòn tan, vị ngọt béo bùi râm ran trên đầu lưỡi. Nhai nhẹ nhàng từng chút, tiếng lao xao dịu dàng của mè vỡ ra giữa hai hm răng, lại gặp hạt đậu phộng thơm ngậy trong vòm miệng; và từ chân răng những mảnh đường vụn tan ra tự bao giờ. Trong những buổi sáng tinh sương, trời se se lạnh, ăn kẹo gương uống kèm vào vài ngụm trà ướp sen thì khó có món ngon vật lạ nào sánh bằng.

Don sông Trà. Ảnh: Trí Tín.

Từ lâu người dân Quảng Ngãi ví don là món ăn dân dã, đậm đà phong vị quê hương, ngon miệng và giàu chất bổ dưỡng.

Don họ nhuyễn thể hai mảnh, vỏ nửa đen nhạt nửa vàng lợt, hình quả trám, to bằng móng tay út người lớn, dài hơn một phân. Vỏ thường mỏng hơn các loài ốc khác, hai mảnh vỏ chụm vào nhau, ở phía trên mỏng hơn dưới bụng. Ruột don màu phổi bò, pha màu vàng và có những tua hồng bao quanh.

Cứ từ tháng giêng âm lịch đến cuối mùa hạ, người dân miền đông Quảng Ngãi, nơi con sông Trà đổ ra biển (cửa Đại Cổ Lũy) lại rủ nhau đi nhủi cào don. Don ngon không phải vì cầu kỳ hay gắn kết với một kỷ niệm xưa... mà ngon vì thế đất, vì con nước "chè hai" giúp nó có hương vị quê hương đặc biệt.

Với đặc sản quế, từ bao đời, cây quế gắn bó máu thịt với đời sống đồng bào dân tộc Cor ở huyện miền núi Trà Bồng.

Quế Trà Bồng. Ảnh: Trí Tín.

“Phủ biên tạp lục” biên soạn năm 1776 của Lê Quý Đôn, dẫn lời của ông Trần Tân Tùng, một khách buôn Quảng Đông (Trung Quốc) đến Hội An năm 1577: “Ở Hội An hàng hóa nhiều lắm. Dù trăm chiếc thuyền to chở một lúc cũng không hết được. Đó là dược liệu trầm, kỳ, ý, dĩ, quế, thảo quý, sa nhân, tô mộc…”.

Cây quế Trà Bồng có lượng tinh dầu cao và mùi hương đặc biệt. Các tài liệu khoa học chứng minh giá trị y học rất cao của quế Trà Bồng. Quế sử dụng làm gia vị, hương liệu hoặc chiết xuất để lấy tinh dầu, dùng trong nhiều bài thuốc đông y. Đặc biệt có thể sử dụng cả vỏ quế, gỗ quế và lá quế làm nên các sản phẩm được thị trường ưa chuộng như đồ mỹ nghệ, bình, chén, hộp đựng trà, đựng tăm, nhang quế hương thơm dịu nhẹ...


1. Món don: Ở dòng sông Trà Khúc, trước khi hoà mình vào đại dương, tại nơi vị ngọt của sông gặp gỡ vị mặn của biển mà người dân địa phương gọi là nước chè hai đã hình thành vùng cư trú của một loài nhuyễn thể nước lợ, đó là con don.
Vào những ngày nắng ráo của hai mùa xuân - hạ, từ sáng tinh sương, khi mực nước chè hai vừa tầm, ở một số vùng miền đông, người ta rủ nhau đi cào don. Người ta sử dụng một loại dụng cụ có hình dạng như cái máng đổ nước gọi là nhủi, để cào don. Cái nhủi được đan bằng những nan tre khung dày, khung thưa vừa đủ để cho cát lọt ra ngoài, dưới nhủi có từ 10-12 răng tre nhọn.



Người ta buộc dây quanh lưng và cầm cái nhủi cào don trong tư thế đi giật lùi. Con don vốn cùng họ với con hến nhưng bề ngoài trông khác biệt, vỏ cong, mỏng, dài hơn và đặc biệt là vị của nó rất khác so với con hến.
Don mang về được ngâm, rửa qua nước lạnh cho sạch, sau đó cho vào nước đã đun sẵn hâm hẩm kèm chút muối. Khi nước sôi bùng lên thì khuấy đều và mạnh để don há miệng nhả ra chất ngọt. Luộc don ngỡ đơn giản nhưng cũng phải khéo để nước có vị ngọt thanh và thơm.
Từ xa xưa người dân Quảng Ngãi đã có câu "nghèo nghèo, nợ nợ có phước gặp cô vợ bán don, rủi mai có chết cũng còn cặp ui" Dù nghèo nàn, túng quẫn còn hạnh phúc gì hơn là có cô vợ bán don, có cặp ui đựng don để lúc nào cũng có tô don thơm nóng, niềm mơ ước chân chất, giản dị, nó gói gọn cả tình yêu quê hương xứ sở. Dẫu bây giờ nghèo nợ dần lùi xa, cặp ui bằng đất nung cũng ít ai còn dùng đến thì cô gái bán don và món don rẻ tiền quen thuộc vẫn hiển hiện như một nét văn hoá của vùng núi Ấn - sông Trà.
Món don tuy mộc mạc, lại không cầu kì, và được chế biến theo công thức giản dị mà không trùng lặp với bất kì món ăn nào trên đất nước ta. Bánh tráng sống và thịt don được cho vào tô chan nước luộc don thêm ngọt, đã có thêm gia vị ăn kèm với bánh tráng đã nướng giòn và những trái ớt chỉ thiên. Sức hấp dẫn của nó chính là ở hương vị nguyên sơ của sông nước Trà giang và ở lời ví von ngọt ngào của những chị bán don trong quán ăn dân dã.
2. Cá bống sông Trà: Một món ăn quen thuộc nữa của người dân Quảng Ngãi là cá bống sông Trà. Dù trong bữa cơm dân dã hay trong những bàn tiệc sang trọng thì vẫn vậy, bao giờ cá cũng phải được làm sạch, ướp kĩ với gia vị và phải dùng trách đất để kho.
Một bí quyết để cá bống luôn thơm ngon, giữ được vị riêng là khi kho cá không bao giờ cho nước lã mà chỉ kho cá bằng thứ nước mắm và đường cát. Vì thế ngày nay, cá bống kho tiêu không chỉ là thương hiệu đặc sản ẩm thực của Quảng Ngãi mà còn là thông điệp từ văn hoá của những con người dân dã, mến khách của vùng núi Ấn - sông Trà.
Trong tâm thức của người dân Quảng Ngãi, sông Trà không chỉ là hình ảnh biểu trưng cho quê hương mà còn là điểm tựa cho tâm hồn con người. Ở đó mang sự lắng đọng ẩn chứa những niềm tự hào xứ sở. Ví như bờ xe nước một thời vang bóng hay ví như con cá bống sông Trà nhỏ nhoi: Ngon, ngọt, đắng rất riêng của dòng nước trong xanh này.

Cá bống sông Trà ngon nhất vào khoảng tháng 5 âm lịch, đây là mùa cá trưởng thành và đẻ trứng, vào mùa này người ta bắt cá bống bằng cách thả những ống tre khô ở những chỗ nước trong không chảy. Không như con don cá bống thì ở đâu cũng có, vậy mà cá bống sông Trà thấm thía mùi đất, mùi nước của xứ sở đã mang trên mình hương vị  kết tinh đặc trưng.
3. Cá niên: Cũng như tấm lòng rộng mở của con người Quảng Ngãi, con sông Trà bao dung với tất cả những ai sống vì nó. Nếu nơi cửa biển, sông cho người con don; nơi dòng chảy quanh co đồng bằng; sông cho người cá bống thì ở đầu nguồn Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng sông cũng cho bà con một sản vật ngon không kém đó là cá niên.

Cá niên có môi trường sống rất riêng, chúng chỉ cư trú ở những con sông, suối có vùng nước chảy, nước trong xanh và nhiều đá ở tận thượng nguồn. Mùa sinh sôi phát triển của cá niên diễn ra rất nhanh, chỉ kéo dài từ tháng chạp cho đến tháng tư âm lịch năm sau tức vào tiết xuân, còn khoảng thời gian còn lại trong năm, cá xuất hiện thưa thớt hơn.
Người ta xem cá niên là con cá sạch, bởi chúng chỉ ăn những rong, rêu hoặc những con vật nhỏ xíu ở tảng đá, vách đá dưới lòng sông suối.
Cách chế biến cá niên dân dã và thơm ngon nhất đó là nướng. Người ta đem nướng cá để nguyên cả bộ ruột, vì ruột cá niên ngon và hấp dẫn hơn ruột cá tràu. Trước kia cá niên chỉ có ở vùng núi Quảng Ngãi, giờ đây với sự lan toả nhờ hương vị của nó, cá niên đã khiến cho hình ảnh của núi rừng và con người miền núi trở nên gần gũi và thân quen hơn.
4. Chim mía: Hằng năm, vào dịp cuối thu sang đông, bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, cùng với gió lạnh cũng là lúc nhiều đàn chim về cư ngụ trong những đồng mía mênh mông của các vùng Xuân Phổ, Nghĩa Kỳ, Hành Minh, Nghĩa Hành… người dân địa phương quen gọi những con chim ấy với cái tên chung là chim mía.
Thật ra đó là rất nhiều loại chim khác nhau, sau khi tìm mồi dưới đất hay ăn lúa ở những cánh đồng xa về ngủ trong những lớp mía dày. Từ rất lâu, người dân địa phương đã có sáng kiến rất độc đáo, đó là đánh chim mía bằng lưới, đây là thú vui đồng quê, vừa có tác dụng bảo vệ mùa màng.
Chọn những đám mía tốt và dày, người ta chống những cây sào để căng lưới ra sẵn sàng như cất vó khi bắt cá, sau đó hai người trong nhóm đi đánh chim, căng sợi dây luồn từ cuối đám mía bắt đầu giật từ dưới lên để xua đàn chim bay ra. Những người giữ sào nhanh chóng ghép sít các sào lại, thế là chim mía đã nằm ngay trong lưới.
Chim mía có thể chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon bởi chúng có xương mềm, thịt không quá béo và rất bổ.
5. Đường phèn, đường phổi: Vùng đồng đất Quảng Ngãi không chỉ là nơi đất lành cho con chim mía cư ngụ mà những nông sản nơi đây cũng còn là nguyên liệu để tạo nên những thứ quà bánh mộc mạc mà thơm thảo, gần gũi thân quen với bao thế hệ người dân nơi đây.
Từ rất lâu, người ta đã biết đến đường, một sản phẩm của cây trồng truyền thống trên đất Quảng Ngãi, đó chính là cây mía. Không chỉ với đường cát trắng, mà còn với những thứ đường được chế biến bởi bàn tay khéo léo của người dân quê tôi để tạo hương vị riêng đó là đường phổi, đường phèn.

Khi nấu đường phèn, người ta cho thêm vôi bột và trứng gà để biến chất dơ trong đường thành bọt. Đây là bí quyết để tạo nên thứ nước đường thanh, sạch và thơm.
Đường được nấu chín, sau đó múc ra đưa vào những thùng chứa có để những nòng tre ghim sẵn và chính ở những nòng ghim này mà đường phèn được đóng khối và kết tinh trong vòng khoảng một tuần.
Những sợi chỉ lính dính còn mắc lại trong những miếng đường phèn khi người ta nhấm nháp chính là những sợi chỉ được kết thành trước nòng ghim. Nơi xứ sở của mía đường này, chất ngọt ngào của thiên nhiên và đôi bàn tay lao động cần cù của con người đã tạo nên những thứ đường kết tinh thô ráp mà đầy ân tình, mang phong vị riêng của cả một vùng đất.
Từ lúa, từ mía, hai loại nông sản quan trọng của vùng núi Ấn sông Trà, đã có hai làng nghề được hình thành nổi tiếng gần xa, đó là mạch nha Mộ Đức và kẹo gương Thu Xà. Mộ Đức với những cánh đồng lúa bát ngát, trải rộng được biết đến với nghề nấu mạch nha có từ lâu đời.

Theo người dân địa phương, nghề này xa xưa xuất phát từ gia đình ông bà Phó Sáu ở làng Quang Hiển, nay là xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, sau đó lan rộng ra khắp vùng. Nguyên liệu để làm mạch nha giản đơn chỉ là nếp và mộng lúa già, mộng lúa là tên gọi của hạt lúa đã được ngâm cho nảy mầm.
Nghệ thuật nấu mạch nha nằm chủ yếu ở việc cô lại chất nha đã ép cho đặc, mạch nha đặc hay lỏng, ngon hay dở, để được lâu hay không phụ thuộc vào cách thức cô. Mạch nha trước đây là thứ quà bánh rất được yêu thích, có lẽ cái quá khứ chưa đủ đầy và chưa thừa thải món ăn thức uống như hiện nay vẫn còn gợi nhớ trong lòng nhiều người khi nhìn thấy những lon mạch nha giản dị, chứa đựng hương thơm, vị ngọt thanh, dịu của một thời.
Ở phố cổ Thu Xà, nơi một thời là phố cảng sầm uất, sự giao thoa văn hoá đã đem đến cho vùng đất này một thứ kẹo có nguồn gốc từ Trung Quốc, đó là kẹo gương hay còn được gọi là kia cứng hay pualýthừng nghĩa là kẹo pha lê.
Theo chân một số người Hoa ở Triều Châu, Quảng Đông đến sinh sống lập nghiệp tại Thu Xà, nghề làm kẹo gương lan truyền và phát triển, và đã trở thành nghề truyền thống được lưu giữ qua nhiều thế hệ người dân nơi đây. 
Nguyên liệu làm kẹo gương là đường, mè rang và đậu phụng. kỹ thuật nấu kẹo gương tinh tế, khéo léo ở khâu nấu đường sao cho tới độ, mè rang sao cho vừa chín trắng, đậu phụng rang sao cho vừa chín thơm và khâu kết hợp lại tất cả những nguyên liệu nói trên.
Những người thợ lành nghề biết cách để kéo hỗn hợp đường, đậu, mè sao cho vừa nhẹ vừa nhanh để tránh tình trạng kẹo nóng gặp lạnh bên ngoài sẽ đọng lại thành một khối. Từ trong khoảng 15-20 phút, người thợ đã tạo được thành một tấm kẹo gương rộng và dài như mảnh kính trong. Vị ngon thanh khiết của kẹo gương cũng đã khiến những người con của mảnh đất này ấp ủ niềm trăn trở.
* * *
Ngày Xuân, thưởng thức những món ăn quen cũng là thưởng thức cả một bản sắc nghệ thuật dân dã rất riêng của vùng đất này để thêm hiểu niềm tự hào của người dân nơi đây. Càng tự hào, người ta càng mong mỏi những món ăn dân dã, độc đáo của quê hương sẽ đến gần hơn với du khách ghé thăm và đến rộng hơn, xa hơn với những vùng đất khác.
Về ăn Tết, khi rời quê, những người con Quảng Ngãi lại mang theo mình hủ cá bống, lon mạch nha, gói kẹo gương làm quà. Và dù đi đến những mảnh đất nào thì những món ăn dân dã của quê nhà vẫn đau đáu, luyến nhớ trong lòng họ bởi hương vị mộc mạc rất riêng của xứ sở.
Ngày Xuân xin điểm lại những món ăn dân dã, làm ấm lòng người dân quê tôi. Những người xa quê tìm thấy ở những món ăn dân dã của quê nhà một kỷ niệm về thuở xa xưa, một bến nước, con đò, ruộng lúa, nương dâu... và nhắc với nhau rằng đừng vội quên quê hương bản quán.
Người đang sống ở quê nhà thấy dòng sông Trà bấy nay âm thầm xuôi về biển mà sao nay cứ quyến luyến vấn vương, ngọn núi Thiên Ấn phía xa xa bỗng trở nên lung linh, huyền ảo hơn trong nắng Xuân vàng rộm.


Những món đặc sản Nam Định
Những món đặc sản của Đà Lạt xứ sở ngàn hoa
Những món ăn đặc sản của SaPa mù sương
Đặc sản của Mộc Châu cho Tết cổ truyền
Những món đặc sản Thanh Hóa tiếng lành đồn xa
Cách làm nhút Thanh Chương món đặc sản
Món thịt trâu gác bếp đặc sản vùng cao


(st)