Gia đình của ca sĩ Thủy Tiên và những điều đằng sau sự nổi tiếng
Những nhà thiết kế nổi tiếng của Việt Nam
Những ngôi sao nhí nổi tiếng của màn ảnh Việt - ngày ấy và bây giờ
Món ăn ngon ở Bắc Giang nổi tiếng đất Bắc. Nhắc đến Bắc Giang là nhiều người nghĩ ngay đến món đặc sản bánh đa Kế, xã Dĩnh Kế - nơi đây có làng nghề làm bánh đa ngon nổi tiếng
Có nhiều nơi trên đất nước Việt Nam cũng làm bánh đa, bánh tráng, nhưng bánh đa Kế vẫn luôn luôn tạo ra được một nét riêng, không thể lẫn vào đâu . Nó trở thành một thứ đặc sản đậm chất đồng quê Bắc Bộ.
Xã Dĩnh Kế, xưa kia vốn có tên Phượng Nhỡn thuộc Phủ Lạng Thương- Trấn Kinh Bắc. Một mảnh đất giầu truyền thống văn hoá, cách mạng, quê hương của vị trạng nguyên tài, đức Giáp Hải(1515-1585) thời nhà Mạc. Đặc biệt vùng đất này đã khai sinh ra nghề làm bánh đa rất độc đáo. Có nhiều nơi trên đất nước Việt Nam như Lạng Sơn , Nam Định, Bình Thuận...cũng làm bánh đa, bánh tráng. Nhưng bánh đa Kế vẫn luôn luôn tạo ra được một nét riêng, không thể lẫn vào đâu . Nó trở thành một thứ đặc sản đậm chất đồng quê Bắc Bộ.
Từ lâu nay bánh đa Kế đã trở thành món ăn dân dã yêu thích của nhiều người. Mỗi khi có dịp về Bắc Giang, chắc chắn bạn sẽ được quê hương Kinh Bắc này tiếp đãi món đặc sản này. Ngồi nhâm nhi trà xanh hoặc chè đắng vỉa hè và nhâm nhi bánh đa nướng Kế, rất bùi. Và khi ra về, bạn cũng khó có thể vô tình lướt qua những dãy dài bánh đa nướng tại chỗ, rất hấp dẫn. Đặc biệt là trong mùa lạnh miền Bắc, ngồi cạnh những chậu than nóng ấm và ăn bánh đa nướng nóng, cảm giác ấm cúng, thú vị.
Cua da
Chế biến cua da ngon nhất là hấp bia, có xả, gừng nhâm nhi cùng thứ rượu nếp thơm nồng nút bằng lá chuối.
Nếu có dịp về với đất Yên Dũng (Bắc Giang) vào cữ gió heo may về, thế nào bạn cũng sẽ được chiêu đãi một trong những món ngon và hiếm được chế biến từ cua da.
Có một loài cua sống trong các ghềnh đá ở đoạn sông Cầu chảy qua địa phận một số xã ven sông huyện Yên Dũng (Bắc Giang) như Đồng Việt, Đồng Phúc, Thắng Cương mà dân trong vùng quen gọi là “cua da”. Loài cua này rất đặc biệt ở chỗ chỉ thấy vào mùa lạnh, càng lạnh càng "ra" nhiều và chỉ xuất hiện trong thời gian khoảng hai tháng (tháng 10 và tháng 11 âm lịch) hằng năm.
Đây là một loài cua sông cỡ bằng con ghẹ, về hình thức cơ bản trông giống loài cua đồng, nhưng chân dài hơn, mình to gấp ba, bốn lần cua đồng và mang một số đặc điểm khác biệt với họ nhà cua. Đó là hai càng của giống cua này có hai lớp lông như rêu bám vào, yếm cua cũng có lớp diềm rêu điệu đà. Chính cái lớp lông rêu này đã khiến nhiều người băn khoăn về tên gọi của nó: “cua ra, cua da hay là cua gia?”.
Chế biến cua da ngon nhất là hấp bia, có xả, gừng nhâm nhi cùng thứ rượu nếp thơm nồng nút bằng lá chuối, hoặc cua giã ra nấu riêu ăn với bún có kèm rau sống cùng một chút hoa chuối thì nó trở thành đặc sản.
Ngọt lịm vải thiều Lục Ngạn
Nằm cách thành phố Bắc Giang 40 km về phía Đông Lục Ngạn là một huyện miền núi được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp như hồ Khuôn Thần, Cấm Sơn, đập Làng Thum… Khí hậu của Lục Ngạn khá ôn hoà với nền nhiệt độ trung bình thấp. Đặc biệt Lục Ngạn còn được biết đến là địa phương có nhiều sản vật nổi tiếng nhất là quả vải thiều.
Từ thành phố Bắc Giang thẳng quốc lộ 31 mất khoảng 1 giờ xe chạy chúng ta đến thị trấn Chũ trung tâm huyện Lục Ngạn. Nếu đến Lục Ngạn vào khoảng tháng 3 bạn sẽ được thưởng thức cảnh trí nên thơ của Lục Ngạn khi hoa vải nở trắng bên những vòm đồi lúp xúp và xa xa thấp thoáng những mái nhà của người dân địa phương. Nhưng vào khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7 Lục Ngạn trở nên đông đúc, nhộn nhịp lạ thường bởi vải thiều đã vào mùa thu hoạch. Vào khoảng thời gian này đứng ở bất kỳ đâu trên đất Lục Ngạn phóng tầm mắt ra xa bạn cũng bắt gặp hình ảnh những chùm vải chín mọng đỏ lúc liủ trên cây. Đây cũng là mùa người dân Lục Ngạn bận rộn nhất trong năm. Bởi ở Lục Ngạn nhà ít cũng có vài chục cây vải, nhiều thì hàng trăm, hàng nghìn cây.
Vải thiều Lục Ngạn ngon nổi tiếng đất Bắc
Mọi người ai nấy đều tập trung cho việc thu hoạch vải thiều và trên những gương mặt mướt mát mồ hôi do lao động vẫn ánh lên những niềm vui được mùa sau một năm lao động vất vả. Hiện toàn huyện Lục Ngạn có khoảng 20.000 ha vải thiều mỗi năm cho sản lượng khoảng từ 60 đến 70 ngìn tấn. Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang được ưa chuộng trong cả nước vì thế vào mùa vải các thương lái từ nhiều tỉnh như Hà Nội, Quảng Ninh và các tỉnh phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…đến thu mua. Vải thiều còn được xuất khẩu sang một số nước khác như Trung Quốc, các nước ASEAN và được chế biến thành vải thiều sấy khô, đóng hộp để xuất khẩu và phục vụ người yêu thích vải thiều có thể được thưởng thức quanh năm.
Vải thiều được trồng ở Lục Ngạn khoảng vào những năm 90 của thế kỷ trước bởi những người nông dân quê gốc Hải Dương. Với sự cần mẫn hay lam hay làm người dân Lục Ngạn đã biến những vùng đồi khô cằn trước đây thành những đồi vải bạt ngàn mang lại sự no ấm cho những người trồng vải. Cây vải ở Thanh Hà vốn đã thơm ngon nổi tiếng lại được trồng ở vùng đồi đất đỏ pha lẫn sỏi trong vùng khí hậu ôn hoà của Lục Ngạn đã tạo thành một thứ quả ngon ngọt khiến người thưởng thức mê ly. Có thể nói mức độ thơm ngon của vải thiều đã vượt qua vải Thanh Hà và dành được rất nhiều cảm tình của người sành hoa quả trong cũng như ngoài nước. Quả vải thiều Lục Ngạn có đặc điểm khi chín có màu đỏ, vỏ mỏng, hạt nhỏ cùi dày khi ăn vải thiều có vị ngọt đậm khiến người ăn cứ muốn thưởng thức thêm và muốn mua thật nhiều để làm quà cho người thân.
Khau Nhục - Món đặc sản ở Bắc Giang
Khau nhục là món ăn phổ biến của dân tộc Hoa, món ăn có xuất xứ từ Trung Hoa, được chế biến từ thịt lợn. Để chế biến món khau nhục phải qua nhiều công đoạn cầu kỳ.
Nguyên liệu để làm món khau nhục gồm có: thịt lợn ba chỉ, húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, tỏi, ớt, rượu, dấm, bột ngọt, hạt tiêu…Khi chế biến món này, phải dùng thịt lợn ba chỉ tươi ngon, cắt thành miếng vuông, khổ 16x16cm (dành cho 6 người ăn), rửa sạch cho vào nồi luộc kỹ. Thịt chín vớt ra để nguội. Cạo sạch phần bì của miếng thịt, dùng vật nhọn châm vào bì thật kỹ, khi thấy bì chảy mỡ ra thì lau sạch, lấy rượu hoặc dấm bôi vào lớp da bì đó cho thấm đều. Tiếp theo cho thịt vào chảo mỡ nóng chao (rán) sao cho vàng đều mới vớt ra.
Ai đã từng một lần thưởng thức món khau nhục thì không thể quên hương vị độc đáo của nó.
Miếng thịt vừa vớt ra khỏi chảo được ngâm ngay vào nước lạnh, cho vào nồi luộc cho thịt săn lại, vớt ra để nguội. Mỗi miếng cắt khoảng 2cm rồi tẩm các loại gia vị cho thật đều. Sau đó xếp các miếng thịt vào bát tô đặt phần bì xuống dưới đáy bát, phần thịt quay lên phía trên để tiện cho việc rắc gia vị được ngấm đều rồi đưa vào nồi hấp cách thuỷ một lần nữa đến khi thịt mềm nhũn thì bỏ ra ăn. Bên dưới bát khau nhục bày các loại gia vị như: rau xanh, mộc nhĩ, ớt.
Khi chín khau nhục có màu vàng đều, hấp dẫn, mùi thơm đặc trưng lôi cuốn người ăn và ăn khi còn nóng.
Ai đã từng một lần thưởng thức món khau nhục thì không thể quên hương vị độc đáo của nó, mùi thơm của gia vị, béo ngậy của thịt sẽ đánh thức giác quan của bạn./.
NGHE HÁT DÂN CA SÁN CHÍ, UỐNG RƯỢU KIÊN THÀNH
Đến với Lục Ngạn, để được thưởng thức những sản vật nổi tiếng của địa phương như vải thiều, hồng không hạt, mật ong rừng, mỳ Chũ, được tham quan các di tích lịch sử văn hoá đã có từ lâu đời như đền Hả; đền Cầu Từ; chùa Am Vãi… nhưng có lẽ sẽ là thiếu sót nếu như không về xã Kiên Lao nghe hát dân ca soong hao của đồng bào dân tộc Sán Chí, thưởng thức rượu Kiên Thành và du ngoạn trên hồ Khuôn Thần- một trong những thắng cảnh thiên nhiên đẹp nổi tiếng ở Bắc Giang. Ông Lâm Minh Sập, người dân tộc Sán Chí, hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã Kiên Lao giới thiệu với chúng tôi rằng: Dân tộc Sán Chí sống thành từng bản ở Kiên Lao, chiếm tới 70% dân số trong 7 dân tộc anh em cùng sinh sống ở xã. Trong quá trình lao động, họ đã sáng tạo những ca khúc dân ca trữ tình, đằm thắm. Loại hình dân ca này rất phong phú, có sức sống từ lâu đời với các lối hát, như hát ru, hát ví, ngâm thơ, đối đáp nam nữ…thể hiện tình cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Ông Ninh Đại Hải – người dân tộc Sán Chí đã nhiều năm say sưa nghiên cứu dân ca của dân tộc mình và sưu tầm, lưu giữ nhiều lời ca, làn điệu truyền thống cho chúng tôi biết: hát dân ca Sán Chí không có nhạc đệm và có nhiều hình thức như: hát ban ngày (Chục Côộ) - hát giao duyên hay hát ghẹo, hát ban đêm (Cnắng Côộ), hát đám cưới (Cháu Côộ) và hát đổi danh (Zoóng Hôồ). Trong đó, hát “Cnắng Côộ” là loại hình phong phú nhất của dân ca Sán Chí, nên khi nói đến dân ca Sán Chí đồng bào thường gọi theo tên chung là “Cnắng Côộ”. Sẽ còn gì thú vị bằng được du ngoạn ngắm cảnh hồ Khuôn Thần và nghe hát dân ca Sán Chí. Hồ Khuôn Thần rộng 240ha. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban cho vẻ đẹp thanh bình. Mặt hồ rộng, nước trong xanh quanh năm, không khí thoáng đãng, trong lành mát mẻ, xung quanh hồ là núi, đồi với những rừng thông, vườn vải xanh tốt quanh năm. Lòng hồ có 5 đảo nhỏ được trồng thông xanh có tuổi từ 15-20 năm. Bao bọc quanh Hồ là rừng Khuôn Thần có diện tích khoảng 800 ha. Tại đây, du khách có thể thuê thuyền máy để du ngoạn ngắm cảnh hồ, lên chòi quan sát của kiểm lâm để phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh khu vực hồ và những rừng thông xanh mát của Lục Ngạn từ trên cao. Rồi có thể ghé thăm các đảo nổi trên hồ như đảo: tình yêu, đảo hẹn hò, đảo….Nhiều cặp uyên ương cũng đã chọn nơi đây là nơi chụp ảnh kỷ niệm sự kiện trọng đại của cuộc đời… Sẽ là thiếu sót nếu đến với vùng đất này mà không thưởng thức rượu Kiên Thành.Theo nhiều người thì ngay từ thời vua Lý Nhân Tông, vị quan đem gạch từ Thăng Long về Động Giáp để xây lăng mộ cho Phò mã và Công chúa đã được biếu tặng những hũ “Nùng tửu”. Từ đó, “Nùng Tửu” thường dùng để tiến vua, đó chính là rượu của vùng đất Kiên Thành ngày nay. Xã Kiên Thành giáp ranh với xã Kiên Lao, người dân ở đây chủ yếu là người dân tộc Nùng. Người Nùng vốn thật thà, cởi mở và chân tình, điều này được kiểm chứng khi chúng tôi tiếp xúc với chị Tô Thị Lành để tìm hiểu về cách chưng cất rượu Kiên Thành- thứ rượu thơm, ngon nổi tiếng vùng Luc Ngạn. Chị Lành cởi mở cho biết: Để chưng được rượu Kiên Thành gồm rất nhiều công đoạn công phu từ cách làm men, chọn gạo, ủ cơm đến tưng cất: Men rượu Kiên Thành được làm từ nhiều thứ lá và rễ cây lấy từ trên núi về vò lấy nước ủ men. Loại gạo được chọn nấu rượu cũng phải là loại gạo bao thai hồng không được xay trắng làm mất lớp gạo nức bên ngoài mà chỉ xay cho hết vỏ chấu và nấu thành cơm. Cơm phải được nấu bằng củi chứ không nấu bằng than hay bếp gas và chỉ nấu vừa chín tới, không được cứng cũng không được quá nát. Cơm nấu xong để nguội rồi mới trộn với men đã xay nhỏ rồi đem hỗn hợp trên cho vào các chum vại sành, sứ ủ khoảng ba, bốn ngày cho đến khi ngấu men sau đó đổ nước vào ngâm khoảng hai, ba ngày rồi mới đem ra chưng cất thành rượu. Người Nùng ở Kiên Thành vẫn duy trì kiểu nấu rượu truyền thống đó là sử dụng một nồi bằng đồng hoặc nhôm, một chõ nấu rượu, một chiếc chảo bằng gang hoặc nhôm, một mảnh gỗ đục hình con ba ba, một ống nứa và một chiếc chum hoặc can để đựng lấy rượu. Thông thường thì một kg gạo tương ứng với 1 lít ruợu. Theo nhiều người thì ngay từ thời vua Lý Nhân Tông, vị quan đem gạch từ Thăng Long về Động Giáp để xây lăng mộ cho Phò mã và Công chúa đã được biếu tặng những hũ “Nùng tửu”. Có lẽ, ai đã một lần đến với Lục Ngạn và được thưởng thức đặc sản rượu Kiên Thành chắc sẽ không bao giờ quên được hương vị của rượu nơi đây. Và cũng chính vì hương vị đặc trưng của núi rừng Lục Ngạn mà mỗi người chúng tôi tới đây đều mang một vài lít rượu về làm quà cho người thân, âu cũng là một cách quảng bá cho một đặc sản của núi rừng nơi đây. |
|
|
Những món ăn vặt ngon ở Hà Nội không thể bỏ
Món ăn ngon đặc trưng của Quảng Bình
Những món ăn vặt ngon ở Sài Gòn làm mê mẩn
Các món ngon và rẻ ở Hà Nội -
Những món ăn vặt ngon ở Đà Lạt mà du khách
Những món ăn vặt ngon ở Biên Hòa đáng thử
(st)