Vài cách pha nước chấm cực chuẩn khiến món ăn ngon hơn bộ phần
Những món ăn ngon với hàu: thực đơn 6 món ngon khó cưỡng
Món ăn ngon khi trời mưa cho bạn tha hồ nhâm nhi
Món ăn ngon ở Bắc Ninh khiến ai cũng thích mê. Cùng tham khảo những món ngon nổi tiếng nhất của đất Kinh Bắc để nếu có dịp về sẽ có dịp thưởng thức đặc sản nhé
Bánh phu thê Đình Bảng
Được gói bằng những tấm lá dong giản dị, rồi luộc lên, bánh phu thê không khoe mùi tỏa hương như bánh rán, bánh khúc; chỉ tới khi bóc bánh đặt lên đĩa sứ người ta mới thật sự ngỡ ngàng. Dưới lớp vỏ bánh sắc vàng trong suốt rắc lấm tấm những hạt vừng đen, nhân bánh hiện ra. Ngoài đỗ xanh đãi sạch vỏ đã được hấp chín đánh tơi, người ta còn cho thêm đường trắng, cùi dừa, hạt sen và hương ngũ vị. Bột làm bánh phải được làm từ gạo nếp, xay bằng cối nước, sau đó lọc lấy chất tinh, ép cho ráo nước rồi phơi khô (còn bột thô thì bán cho hàng bánh rán). Tới khi làm bánh phải dùng nước quả dành dành nhào bột để lấy mầu sắc tự nhiên chứ không được pha phẩm mầu. Người ta còn nạo đu đủ xanh, ngâm phèn rồi cắt nhỏ nhào lẫn với bột để bánh có thêm độ giòn
Khi ăn bánh ta sẽ thấy độ dẻo của nếp, độ giòn của đu đủ, độ ngậy của đỗ xanh, vị béo của cùi dừa, vị bùi của hạt sen, vị ngọt của đường..., tất cả hòa quyện vào nhau làm thành hương vị rất riêng của bánh. Nhân bánh hình tròn nằm trong vỏ bánh bẻ khuôn hình vuông bằng lá dừa, như biểu tượng vuông tròn của triết lý âm dương. Người ta dàn mỏng bột lên khuôn, đặt nhân vào một đầu rồi đắp phần bột còn lại lên nhân như thể hiện sự ôm ấp, che chở của tình phu thê. Triết lý ngũ hành cũng được thể hiện một cách tinh tế qua năm mầu của bánh, đó là mầu trắng của bột lọc và cùi dừa, mầu vàng của dành dành và nhân đỗ, mầu đen của hạt vừng, mầu xanh của lá, mầu đỏ của lạt buộc. Tất cả như biểu tượng cho sự hòa hợp của đất trời và con người. Lá gói bánh cũng là lá dong gói bánh chưng, nhưng phải làm kỹ hơn, sau khi rửa sạch lá để ráo nước người ta phải tước bớt cọng để khi gói bánh được mềm mại. Lá lót trong phải là lá chuối tây dẻo luộc chín hong khô chứ không được dùng lá chuối tiêu. Người ta còn quét lên lá một lớp mỡ để khi bóc bánh không bị dính, lại làm cho bánh có độ ngậy đặc trưng.
Mỗi nhà đều có một bí quyết làm bánh riêng vì vậy bánh của mỗi nhà đều có hương vị riêng, một nhãn hiệu riêng. Tất cả các khâu từ nhào bột, nặn bánh, làm nhân, tước lá, luộc bánh... đều phải làm thủ công, tốn nhiều nhân lực. Bánh gói xong được buộc dây rơm nếp, luộc xong, người ta tháo bỏ dây rơm, úp bụng hai chiếc bánh vào nhau rồi dùng lạt đỏ buộc thành cặp; có lẽ vì vậy mà người đời gọi là bánh phu thê.
Bánh phu thê vẫn là thứ bánh quý tộc được nhiều người ưa thích, ai đã một lần thưởng thức thì khó có thể nào quên.
Gọi là bánh tẻ làng Chờ là cách gọi dân dã cho dễ nhớ dễ thuộc. Phương ngôn có câu: Ba làng Mịn, bảy làng ChờMột làng Ô Cách chơ vơ giữa đồng.
Bánh tẻ ăn lúc còn nóng mới ngon. Mâm cỗ ngày tết sau khi nhâm nhi chén rượu, mới bóc bánh ra, dùng con dao bài xắt bánh bày lên đĩa, lúc bấy giờ mọi người cùng thưởng thức. Bánh tẻ làng Chờ dẻo chứ không nhão, nát như thứ bánh giò mà bạn thường thấy, vừa có độ giòn lại vừa có vị đậm, vị béo của nhân, nồng nàn của mùi lá, không thể lẫn vào thứ bánh tẻ nào khác được.
Người làng Chờ vẫn thơm thảo thế mà!
Trầu têm cánh phượng
Câu chuyện Trầu cau khép lại bằng tục ăn trầu-một phong tục truyền thống của nhân dân ta để tô đậm tình cảm sắt son, thủy chung đẹp đẽ. Miếng trầu bao giờ “cũng là đầu câu chuyện” để bắt mối lương duyên và những khi có lễ nhỏ, lễ lớn, cưới xin, hội hè, ma chay... đều không thể thiếu miếng trầu. Vì thế mà truyện Trầu cau đã bất chấp thời gian mà sống mãi với nhân gian.
Trầu là món ăn không giải quyết việc đói, no. Người ta ăn trầu là để thưởng thức vị cay thơm của lá trầu không, vị chát của vỏ, vị ngọt bùi của cau, vị nồng nàn của vôi... tất cả hòa quyện với nhau trong một màu đỏ sẫm. Nhiều người ăn trầu đã thành thói quen, rồi thành nghiện-nghiện trầu. Nhưng điều kì diệu của thói nghiện trầu phải chăng là ở chỗ, người ăn thấy nó gắn bó với số phận con người; bởi tách riêng, thì cay đắng, éo le, nhưng khi đã hòa chung thì tình cảm của họ lại thắm tươi, đẹp đẽ:
“Tách riêng, thì đắng, thì cay.
Hòa chung, thì ngọt, thì say lòng người.
Tách riêng, xanh lá, bạc vôi.
Hòa chung, đỏ thắm máu người, lạ chưa?
... Chuyện tình ngày xửa, ngày xưa!...”.
(Sự tích Trầu cau-Hồng Quang)
Theo phong tục Việt Nam, miếng trầu rất quen thuộc, dễ kiếm. Trầu tuy rẻ tiền nhưng chứa đựng nhiều tình cảm, nhiều ý nghĩa. Giàu nghèo ai cũng có thể có, vùng nào cũng có, từ Bắc chí Nam. Ăn trầu là một phong tục truyền thống, nhưng cách têm trầu thì lại mang rõ dấu ấn văn hóa của vùng miền.
Nói đến trầu têm cánh phượng là nói đến miếng trầu vùng Kinh Bắc. Cũng vẫn nguyên liệu ấy, nhưng cách têm đẹp, kiểu cách, đã thể hiện sự khéo léo của những liền chị-người gái quê Kinh Bắc. Vì thế, miếng trầu có sức hấp dẫn đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai, dù chỉ một lần được mời.
Hình tượng trầu têm cánh phượng của cô Tấm trong truyện Tấm Cám không chỉ còn là huyền thoại, là ảo ảnh siêu thực. Miếng trầu têm cánh phượng đã bước từ cổ tích ra ngoài cuộc sống. Rất bình dị, gần gũi, nhưng cũng không kém phần cao sang quyến rũ, vẫn tồn tại qua thời gian để thăng hoa nét đẹp truyền thống một vùng quê.
Bánh khúc làng Diềm
Các bậc cao niên trong làng bảo, chẳng biết bánh khúc có tự bao giờ, chỉ biết rằng, trước đây món bánh này quý lắm, chỉ được làm khi có khách quý đến chơi hay các dịp nhất niên, nhất lệ. Cụ Nguyễn Văn Bật, 83 tuổi cho biết, trong các cuộc chơi giữa “bọn Quan họ” làng Diềm với “bọn Quan họ” các làng khác, bánh khúc được mang ra mời. Tuy không phải là quy định khắt khe như trầu thuốc, song đây chính là nét văn hoá ẩm thực riêng có ở quê hương thuỷ tổ Quan họ.
Để làm một chiếc bánh khúc ngon không khó nhưng quy trình đòi hỏi sự tỷ mỷ và mất khá nhiều thời gian. Chỉ riêng khâu chọn nguyên liệu cũng phải thật có kinh nghiệm. Cùng với chút gạo tẻ loại ngon, trắng đều, trong, dài hạt được lựa chọn kỹ càng , gạo nếp dẻo, thơm, thì dù làm loại bánh nhân hành hay nhân đỗ đều phải tuân thủ những bước quan trọng và cơ bản lá khúc - nguyên liệu chủ đạo phải được dùng khi còn tươi, non và là loại lá khúc nếp. Gạo tẻ sau khi ngâm vài tiếng đồng hồ được vo, đãi thật sạch đem giã nhuyễn cùng với lá khúc. Tỷ lệ gạo - lá để làm bánh khúc cũng là một bí quyết để có được món bánh như ý, bởi nếu nhiều gạo quá, bánh khúc sẽ không có vị đặc trưng của loại lá này, còn nếu lượng gạo không đủ, bánh sẽ thiếu độ kết dính.
Bánh khúc làng Diềm có 2 loại: nhân hành và nhân đỗ. Bánh khúc nhân đỗ có vị bùi của đỗ, béo của thịt mỡ và thơm của hạt tiêu. Ba thứ nguyên liệu này được nấu lên, trộn lẫn với nhau làm thành nhân bánh. Bánh khúc nhân hành có khác hơn đôi chút. Hành được dùng làm nhân bánh khúc nhất thiết phải là hành khô, cộng thêm mộc nhĩ, hạt tiêu, răm, thịt ba chỉ băm nhỏ trộn lẫn với nhau. Dù là bánh nhân đỗ hay nhân hành thì vỏ bánh và nhân cũng đều phải nêm một lượng gia vị vừa đủ, bánh mặn làm mất đi vị bùi, béo song nếu nhạt bánh sẽ có mùi ngai ngái. Bánh khúc thường được người dân làng Diềm nặn với 2 hình thức: tròn như bánh rán hoặc hình tai voi, nhưng dù với hình thức nào, vỏ bánh cũng phải dát mỏng mà không để lộ nhân. Không ai luộc bánh khúc bao giờ mà người ta đồ bằng chõ như đồ xôi. Cứ một lượt bánh lại rắc một lượt gạo nếp mỏng đã ngâm mềm vừa đủ để dính đều vào bánh. Bánh khúc ăn lúc nóng là ngon nhất, có thể thay thế cơm tẻ nhưng người làng Diềm chỉ làm khi khách quý đến chơi nhà và các dịp rằm tháng giêng, lễ hội Đền Vua bà 6 - 2 và Hội Tát giếng 3 - 3 âm lịch. Đó cũng chính là mùa của cây khúc.
Bánh đa Kế
Bánh đa Kế là một món ăn bình dị, dân dã nhưng chứa đựng trong đó bao hương vị, đậm đà quê chất Bắc Ninh. Những chiếc bánh đa với hình yên ngựa vàng bóng, vị bùi, thơm mùi lạc, vừng, khoai lang... đã trở thành món quà không thể thiếu đối với du khách đến thăm hoặc chỉ ghé qua Bắc Ninh một lần.
Xã Dĩnh Kế, xưa kia vốn có tên là Phượng Nhỡn thuộc Phủ Lạng Thương - Trấn Kinh Bắc. Những ngày nắng, ai đi qua Dĩnh Kế cũng thấy một màu trắng của những chiếc bánh đa to, tròn trên những chiếc giàn phơi, dọc theo quốc lộ 1A, trong đường làng, ngõ xóm, sân nhà. Và như thế, thử hỏi ai không tò mò, ai không muốn khám phá, thử ăn chiếc bánh ngay tại làng nghề?
Dĩnh Kế có 12 thôn: thôn Chợ, Sau, Tiêu... với hàng trăm mái nhà nằm san sát và biết bao người thợ đang nhanh tay say bột, tráng, quạt bánh tạo những chiếc bánh đa cho mọi người thưởng thức.
Ban đầu chiếc bánh đa làm từ nguyên liệu chính là sắn. Nhưng trong quá trình làm thì người dân nơi đây thấy rằng sắn là nguyên liệu khó làm vì nó rất dính, bắt bụi và cả những côn trùng, không đảm bảo vệ sinh, chất lượng chiếc không cao nên họ tìm cách cải tiến, thay thế sắn dần bằng gạo tẻ. Từ đó, họ thấy chất lượng chiếc bánh được nâng lên rõ rệt. Để làm nên những chiếc bánh thơm ngon, béo giòn, vị bùi thì phải trải qua nhiều công đoạn, thao tác của người thợ. Họ chọn gạo tẻ ngon, không dính, đem ngâm khoảng 12-13 tiếng, sau đó đem xay vỡ, phải xay hai lần để bột được kĩ, nhuyễn, mịn, sờ tay vào bột phải mát, lọc hết bụi bẩn.
Theo 2 nghệ nhân già của làng Kế hiện nay là bà Nguyễn Thị Dự (75 tuổi) ông Trần Đức Như (78 tuổi) thì: "để cho ra lò một chiếc bánh đa Kế hoàn hảo phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp. Trước tiên phải biết đến cách xay gạo thành bột. Bột phải nhuyễn, mịn và được sàng lọc hết những hạt bụi, bẩn. Sau đó người làm bánh phải căn lượng bột gạo cho chuẩn để trộn bột nở vào". Lạc đem thái thủ công từng hạt thành những lát thật mỏng, khoai lang thái thành sợi dài 5-7cm. Anh Cự ở thôn Chợ chia sẻ: "khâu quan trọng là tráng bánh, đòi hỏi kĩ thuật đặc biệt khéo léo của người thợ mà không phải ai cũng làm được, tráng nhẹ tay, bánh phẳng, đều phụ gia, đường kính khoảng 40cm". Bánh tráng xong được đem phơi hai lần cho khô kiệt. Và khâu cuối cùng là quạt để tạo hình dáng cho bánh. Người thợ Dĩnh Kế quạt bánh thủ công bằng than hoa nên chiếc bánh nở đều, đầy đặn, không bị méo mó, cháy sém như những loại bánh đa khác. Bánh đa Kế nhìn thật giải dị với hình yên ngựa nhưng ăn lại rất giòn, ngon có vị thơm, béo, bùi của vừng lạc, khoai lang, xốp nở phồng to của những chiếc bóng trên bề mặt.
Bánh đa Kế đã trở thành một đặc sản, một món ăn dân dã, bình dị nổi tiếng trong và ngoài nước: Nga, Singapore. Du khách đến đây không chỉ được thưởng thức vị ngon của bánh đa ngay nơi làm ra, mua được bánh đa chính gốc làng nghề về làm quà mà còn được thăm đền Dĩnh Kế(còn gọi là Nghè Cả).
Rượu làng Vân
Dưới thời Pháp thuộc, nghề nấu rượu ở làng Vân được mở rộng về quy mô và nâng cao về trình độ, không chỉ dừng lại ở trình độ phường hội hay sản xuất cá thể. Nhìn thấy lợi nhuận của nghề nấu rượu mang lại là rất lớn, vào những năm 30, một nhà tư bản Pháp cùng ông Nguyễn Lễ (người Đáp Cầu) đã đầu tư vốn xây dựng tại làng Vân một Nhà máy rượu với số thợ lên đến 300 người ngày đêm sản xuất. Tại đây đã lắp đặt một dây chuyền sản xuất có tháp nước, có điện và 72 bếp, hơn 140 lò nấu rượu. Khi rượu được chưng cất xong sẽ được đưa lên những con tàu, xuôi theo dòng sông Cầu và chở về nước Pháp tiêu thụ. Rượu nếp cái hoa vàng làng Vân theo đó mà đi muôn phương. Do tính chất rượu khan hiếm nên thời đó mỗi ngày nấu rượu cũng lãi được cả chỉ vàng.
Rượu làng Vân, một thứ đặc sản không thể thiếu vào các dịp lễ hội, tết hay làm quà biếu. Rượu được nấu bằng thứ gạo nếp thơm ngon, ngoài ra còn làm bằng sắn khô hoặc tươi, cộng thêm men gia truyền là 35 vị thuốc bắc quý hiếm và nghệ thuật ngâm ủ tài tình của người dân nơi đây. Rượu uống êm, vị đậm, uống xong có cảm giác lâm li hương vị đặc biệt trong họng và không đau đầu. Khi cầm chai rượu lắc mạnh, ngay lập tức có rất nhiều bọt tăm li ti nổi lên rồi tan dần như pháo bông, pháo hoa. Tất cả tạo nên nét riêng có của loại rượu mang thương hiệu làng Vân vốn tồn tại từ hàng chục thế kỷ qua, được mọi người trong và ngoài nước biết đến.
Cháo lòng cá Bắc Ninh
Món cháo này ở quê chồng tôi. Anh thường "dụ" tôi về quê để đưa đi ăn món đặc sản quê dân dã đó. Lần này ngoài thịt cá thông thường, còn thêm lòng, dạ dày cá xào, quá tuyệt!
Lần nào về quê, hai vợ chồng tôi cũng để bụng "măm" món cháo cá Chín Mười, ở đường Vệ An, thành phố Bắc Ninh. Chẳng nhớ là bao nhiêu lần ăn cháo ở đây nữa, nhưng số lần được ăn lòng cá chỉ đếm trên đầu ngón tay do món đó rất "đắt hàng" cứ mở hàng khoảng 1-2 tiếng là hết sạch.
Cháo cá ăn với quẩy giòn khá quen thuộc tại quán.
Nếu thấy nhạt bạn có thể cho thêm nước mắm ớt...
Bạn cũng có thể gọi thêm trứng cút luộc "ăn chơi" trong khi chờ ăn cháo.
Rình rập mãi và cũng khá may mắn bởi trời mưa, nhà chị chủ quán ít khách, nên lần này vừa vào đến quán, chúng tôi "ngó" thấy bát lòng cá của chị còn rất nhiều. Định bụng, hai vợ chồng sẽ gọi 2 tô đặc biệt gồm trứng, thịt, lòng, dạ dày cá. Nhưng chị chủ quán lại gợi ý cho một món cực hấp dẫn: lòng, bóng và dạ dày cá xào. Chà nghe thôi mà chúng tôi đã "ực ực" nước miếng tới mấy lần. Khoảng 10 phút chờ đợi, món lòng cá xào với hành, thì là đơn giản nhưng thơm nức mũi được bê ra.
Một đĩa lòng, dạ dày, bong bóng cá đủ loại với hượng vị cực hấp dẫn.
Đó là một đĩa lòng xào đầy sắc màu. Màu vàng nhạt của món lòng cá trắm cỡ 5-7 kg, quăn quăn như lòng gà, ăn giòn sần sật. Đó là miếng dạ dày cá, màu đỏ nâu, miếng chỉ bằng hai đầu ngón tay vị đậm đà hơn đăng đắng. Hay chiếc bóng cá mè hoa cỡ đại trắng phau, ăn hơi dai dai. Chỉ tiếc là hai vợ chồng tôi không uống được rượu để làm "mồi đưa".
Nhưng không sao, với 2 kẻ "diệt mồi" như chúng tôi thì cũng không cần tới rượu làm chi. Ăn không thì hơi mằn mặn vì vậy chúng tôi gọi thêm cháo cá để ăn cùng. Định bụng gọi cháo không thôi, nhưng vì... tham nên chúng tôi vẫn gọi 2 tô cháo thịt cá và trứng. Quả có cháo, đưa lòng. Vì ngọt từ thịt cá và cháo quyện với sự mặn mà giòn giòn của món lòng làm nên hương vị lạ và ngon đáo để mà từ trước tới giờ chúng tôi chưa từng nếm.
Thôi, trăm tả không bằng một lần thưởng thức, mời bạn một lần ghé qua quê hương quan họ, tới đường Vệ An (cách bến xe thành phố khoảng 2 cây số), nếm món ăn cháo lòng cá dân dã mà độc đáo này. Quán mở cửa từ 2 giờ chiều tới khoảng 7-8 giờ tối. Riêng món lòng, dạ dày và bong bóng cá bạn cố gắng tới quán trước 5 giờ nhé, không thì khó lòng được thưởng thức.
Một bát cháo cá: 20.000 đồng; cháo cá thêm lòng: 25.000 đồng; trứng cút luộc: 1.000 đồng/quả; đĩa lòng xào: 50.000 đồng/đĩa (có thể 4 người ăn không hết).
Những món ăn vặt ngon ở Hà Nội không thể bỏ
Món ăn ngon đặc trưng của Quảng Bình
Những món ăn vặt ngon ở Sài Gòn làm mê mẩn
Các món ngon và rẻ ở Hà Nội -
Những món ăn vặt ngon ở Đà Lạt mà du khách
Những món ăn vặt ngon ở Biên Hòa đáng thử
(st)