Món ăn ngon ở Sóc Trăng thực khách khó lòng bỏ qua

Món ăn ngon ở Sóc Trăng thực khách khó lòng bỏ qua. Bánh pía, bún bước lèo, cháo cá lóc - rau đắng là những món ngon nổi tiếng mà bạn không thể bỏ qua nếu có dịp đến Sóc Trăng.

Bánh pía


Bánh pía có ở nhiều tỉnh Tây Nam bộ nhưng nổi tiếng nhất vẫn bánh pía Sóc Trăng bởi bánh ở đây có hương vị thơm ngon khó ở đâu sánh được. Bánh pía Sóc Trăng có 2 loại chính là bánh pía khoai môn và bánh pía đậu xanh, tuy nhiên hiện nay các loại nhân bánh cũng được sáng tạo gia giảm thêm nhiều loại hơn. 


   

Bánh pía còn có tên gọi khác là bánh lột da.


Các công đoạn làm bánh pía khá cầu lý và đòi hỏi sự khéo léo. Bột làm vỏ bánh phải trải qua nhiều công đoạn như trộn, nhào, cuộn…rồi cán thật mỏng. Nhiều người cho rằng bánh pía ngon nhất khi thưởng thức cùng một tách trà nóng. Cắn một miếng bánh nhỏ rồi nhâm nhi cùng ngụm trà, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt dịu, béo ngậy mà không ngán của bánh pía tan nơi đầu lưỡi.

    


2. Cháo cá lóc - rau đắng


Ngoài bánh pía, thành phố Sóc Trăng còn nổi tiếng với một món ăn bình dị mà ai cũng ưa thích đó là cháo cá lóc – rau đắng.

 Món cháo cá lóc - rau đắng bình dị gây "thương nhớ" cho nhiều người.

Muốn có được tô cháo ngon, người nội trợ phải lựa rất kĩ. Gạo phải là gạo ngon, tròn, đều hạt, cá phải là cá lóc tròn mình và lớn trên 1 kg. Đương nhiên không thể thiếu các gia vị như tương hột, nấm rơm, gừng hành, mắm muối và rau đắng.



Một tô cháo cá lóc - rau đắng ngon cũng không thể thiếu được các loại gia giảm như giá sống, chút gừng non xắt nhuyễn, tất cả trộn đều và rắc thêm chút tiêu ngào ngạt.


Dù bộn bề công việc, nhưng nếu có dịp ghé Sóc Trăng, bạn hãy bớt chút thời gian để thưởng thức bát cháo cá lóc - rau đắng nóng hổi. Thưởng thức vị ngọt đậm của cá của quyện trong vị cay của ớt và chút nhận đắng từ rau, bạn sẽ cảm nhận được hương vị đậm đà nhưng rất bình dị của mảnh đất Miền Tây.

3. Bún gỏi dà


Cái tên lạ lùng này làm nhiều người phải tự hỏi, gỏi là gỏi, bún là bún, cớ sao lại là bún gỏi dà? Cũng chính điều này đã khiến nhiều người khi đặt chân đến Sóc Trăng phải nhất định thưởng thức được món lạ một lần. Bún gỏi dà thực chất là biến thể của món gỏi cuốn, nghĩa là đủ bún, tôm, thịt, rau sống nhưng không dùng bánh tráng cuộn lại chan nước súp.


Không chỉ ngon, bún gỏi dà còn được trình bày rất đẹp mắt.


Một tô bún gỏi dà đạt tiêu chuẩn hội tụ đủ "ngũ vị” và “ngũ sắc”: tôm nguyên con vừa mềm vừa ngọt, thịt đùi luộc xắt nhỏ giòn béo, chút cay và sắc đỏ từ ớt, vị thanh và màu xanh mát mắt của rau sống ăn kèm.


4. Bún nước lèo


Bún nước lèo vốn là một đặc sản ẩm thực xuất xứ từ người Khmer. Tuy nhiên, trong quá trình cộng cư và giao thoa về ẩm thực của các dân tộc Khmer, Việt, Hoa, bún nước lèo trở thành món ăn chung của các dân tộc miền Nam Việt Nam và đặc biệt nổi tiếng ở Sóc Trăng. Nguyên liệu chính để làm ra nước lèo của món bún này là con mắm được nấu trong nước sôi đến khi thịt rã ra thì lọc bỏ xương trộn cùng với nước ninh từ xương gà hoặc heo.


Nước dùng của bún nước lèo được chế biến rất cầu kỳ.


Phần “nhân” của loại bún này khá cầu kỳ bao gồm cá lóc luộc gỡ hết xương, tôm tươi lột vỏ, thịt quay xắt nhỏ và bánh cóng ăn kèm. Các loại rau ăn kèm cũng rất đa dạng với rau muống bào, thái mỏng, giá, hẹ sống, rau húng, rau quế, chanh và ớt.


Thưởng thức một tô bún nước lèo ngon "đúng điệu", bạn sẽ không thể quên được vị mặn - ngọt - thơm của mắm, vị giòn béo của thịt heo quay xắt nhỏ, ngọt mát của tôm tươi, ngọt bùi của cá đi kèm với chút hăng, cay của rau húng, giòn, dai của rau bào xen lẫn chút chua của chanh, nồng của hẹ. 

5. Bánh cóng


Cũng như bún nước lèo, bánh cóng (hay bánh cống) vốn là đặc sản của đồng bào Khmer. Để có được chiếc bánh cóng ngon, người làm bánh phải vô cùng cẩn thận để lựa chọn nguyên liệu. Gạo làm bánh phải là gạo tẻ ngon, ngâm qua 2 đêm rồi mới đem xay để lấy bột. Nhân bánh là hỗn hợp của tôm tươi hấp cách thủy, đậu xanh đồ chín còn nguyên hạt, thịt nạc xay mịn.


Bề mặt của mỗi chiếc bánh cóng có một con tôm nằm khoanh tròn rất hấp dẫn.


Bánh cóng Sóc Trăng có đường kính khoảng 5 cm, chiều cao 4 cm với một con tôm nằm khoanh tròn trên mặt bánh vô cùng hấp dẫn. Cắn một miếng bánh ngon, bạn sẽ cảm nhận được độ giòn trong vỏ bánh tan lẫn trong vị thơm béo ngậy của mỡ, đậu xanh và thịt heo.



Bánh cóng Sóc Trăng thường được ăn kèm với rất nhiều loại rau ghém như xà lách, rau thơm, rau muống bào, khế, chuối chát, dưa leo. Nước mắm dùng ăn kèm với loại bánh này có màu hổ phách và là sự hòa trộn khéo léo của vị mặn, thơm nước mắm cá cơm nguyên chất, chút chua chanh, chút ngọt của đường và vị cay, thơm nồng của ớt, tỏi.


Các món ngon truyền thống trong những ngày Tết ở Sóc Trăng

     Về với quê hương miền Tây trong những ngày Tết, chúng ta sẽ có dịp thưởng thức những món ăn truyền thống quen thuộc như thịt kho tàu, lạp xưởng, chả lụa, pa-tê, giò thủ, thịt hầm, gà, vịt...và một số loại khô được làm từ những con cá của vùng sông nước và vùng biển Nam bộ như: khô cá lóc, cá rô, cá chạch, cá kèo, cá khoai và tôm khô... Tìm hiểu cách chế biến những món ăn ngon, lạ của vùng đất miền Tây Nam bộ sẽ cho bạn nhiều thú vị với nghệ thuật ẩm thực dân dã nhưng không kém phần độc đáo.

     Đặc biệt, đến với Sóc Trăng vào những ngày Tết cổ truyền, du khách có dịp thưởng thức những món ăn truyền thống của Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng, nhất là những món ăn hấp dẫn đậm đà bản sắc của 03 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, mang phong cách ẩm thực mà khó nơi nào có được.

Bánh Tét

     Thịt heo kho rệu: Đây là một trong những món không thể thiếu ở bất cứ gia đình của người dân vùng ĐBSCL trong ngày Tết. Món thịt kho được chế biến công phu với nghệ thuật tẩm ướp gia vị và thời gian chế biến để làm ra món ăn đậm đà, mềm béo của thịt, một ít mỡ hòa quyện vào nhau cùng với vị ngọt bùi của trứng. Thịt heo để kho thịt phải là thịt heo loại ngon, thịt săn chắc, không quá nhiều mỡ, ướp thịt vừa phải với muối, tiêu, đường, nước mắm, tỏi băm nhuyễn.

     Để tạo ra món thịt heo kho rệu thơm ngon, có màu đặc trưng không quá đậm, cũng không quá nhạt là nấu thịt với nước dừa. Nước dừa nấu sôi, cho thịt đã ướp vào, vớt hết tỏi nổi lên để thịt không bị hăng, để lửa liu riu trong khoảng 3 đến 4 tiếng cho thịt mềm và ngấm gia vị, sau đó cho hột vịt luộc đã bóc vỏ vào, dùng tăm xăm vài lỗ trên mặt trứng để nước thịt ngấm vào trứng, vậy là hoàn tất. Nồi thịt kho ngon có thịt mềm nhưng không nát, khi ăn mỡ trong thịt tan đều trong miệng, vị béo lan tỏa kèm chút dưa kiệu hay dưa cải chua giải béo, ăn kèm với cơm nóng thì còn gì bằng.

     Ngoài ra, còn có các món ăn khá phổ biến của người dân Sóc Trăng là món thịt nguội, chả lụa, chả giò. Khách đến nhà chỉ cần lấy miếng thịt nguội, chả lụa cắt miếng vừa ăn, bày trí ra đĩa cùng với dưa kiệu. Vậy là có món ngon, đơn giản dùng đãi khách. Chả lụa, thịt nguội đều có một hương vị riêng nhưng điều quan trọng để món ăn thực sự hấp dẫn là mùi thơm của các loại gia vị quyện trong đó.

Canh khổ qua

     Nếu các món chả không thể thiếu trong những ngày Tết ở Sóc Trăng thì lạp xưởng là món ăn cũng được ưa chuộng trong những ngày này. Lạp xưởng được chế biến từ người Hoa ở Sóc Trăng. Trước đây người ta chế biến lạp xưởng chủ yếu từ thịt heo, nhưng sau đó “sáng tạo” thêm, nào là bò, tôm, trong đó lạp xưởng tôm là món ngon nhất vì hương vị tôm thanh tao nhẹ nhàng, ăn nhiều vẫn không bị ngấy. Lạp xưởng được chế biến sẵn chỉ cần mua về sơ chế lại là dùng được. Món ăn dễ làm của lạp xưởng là đem lên chiên, nướng hay hấp ăn kèm với củ kiệu, dưa chua trong những ngày Tết để chống ngán. Còn nếu có thời gian thì có thể chế biến với món cơm ran dương châu, bún lạp xưởng....

     Các ngày Tết ở Sóc Trăng thì không thể thiếu với các món khô như: khô cá lóc, khô cá kèo hay khô thịt heo và khô thịt trâu: Khô thịt heo là món ăn do người Hoa ở Sóc Trăng chế biến. Có thể sử dụng để trộn chung với xoài, cốc, bưởi hay để làm gỏi cũng rất hấp dẫn cho những buổi tiệc nhậu.

Lạp Xưởng

     Để thưởng thức món khô trâu đặc sản Thạnh Trị, cũng có rất nhiều cách chế biến, nhưng ngon nhất vẫn là nướng và sẽ ngon hơn nếu được nướng trên bếp than đước. Khi khô chín đều ở cả hai mặt và lên hương thơm lừng, thì dằn cho miếng khô mềm và tơi ra. Phần không thể thiếu đối với món khô trâu này là nước chấm Me chín được dằm với nước sôi để nguội, cho nhựa me ra hết, sau đó cho đường, muối, nước mắm, sả, ớt trộn đều, tạo thành một thứ nước chấm sền sệt, chua chua ngòn ngọt. Khô trâu mà chấm với nước mắm me là hết ý! Món này đặc biệt ngon miệng khi nhắm với bia kèm theo dĩa dưa chua củ kiệu nho nhỏ.

     Với món canh của ngày Tết thì canh khổ qua hầm khá phổ biến trong các gia đình của người dân Sóc Trăng. Để làm món khổ qua hầm người ta lựa trái có màu xanh đậm, gai nở to sẽ ít đắng với nhân là thịt nạc bằm nhuyễn trộn với cá thác lác, quết lại cho dai. Hành lá xắt nhỏ, lá hành trụng nước sôi để dai. Bún tàu ngâm mềm, nấm mèo ngâm nở, cắt sợi nhỏ. Đun một nồi nước sôi có pha muối, đường, trụng sơ khổ qua cho bớt đắng, vớt ra, xả nước lạnh, để ráo. Trộn thịt và cá thác lác đã quết dai với hành lá xắt nhuyễn, nấm mèo, bún tàu, muối, bột ngọt, tiêu (đâm nhuyễn và một ít nguyên hạt), đường, vừa ăn. Nhồi hỗn hợp trên vào trái khổ qua, ấn chặt và chà mịn rồi dùng một cọng hành đã trụng quấn quanh trái, cột lại. Xếp khổ qua vào nồi áp suất, cho nước xấp mặt, chọn thời gian 5 phút (có thể hầm thêm xương heo cho ngọt nước thì cần điều chỉnh thời gian và chọn chế độ hầm xương- hoặc có thể hầm xương trước rồi cho khổ qua vào hầm khoảng 5 phút).

Thịt nguội, chả giò, chả lụa

     Đặc biệt, trong những ngày Tết, một món bánh chủ yếu của người dân miền Tây là bánh tét. Đối với người dân Sóc Trăng cũng vậy, những gia đình có con cháu đông đúc thường gói nhiều bánh tét và đòn bánh rất lớn. Bánh tét gồm có nhân chuối và nhân đậu mỡ. Trung bình mỗi đòn có đường kính chừng 5 - 10 cm và nặng khoảng 0,5kg trở lên. Người ta thường biếu nhau một cặp với dụng ý cầu chúc hạnh phúc đủ đôi. Bánh này ăn cùng thịt và trứng vịt kho tàu, kèm với dưa giá, dưa cải hoặc chiên giòn gói với rau cải, chấm với nước mắm chua ngọt.

     Trong những ngày Tết, người dân Sóc Trăng còn có món cá lóc hấp hay nướng, cuốn bánh tráng ăn kèm với rau sống rất hấp dẫn. Đặc biệt là món cá lóc quay chảo, một món ăn khá phổ biến với người dân. Thức uống trong những ngày Xuân là đủ các loại bua, rượu, nhưng rượu ST5 là loại rượu được nấu từ gạo đặc sản Sóc Trăng khá hấp dẫn với không ít người sành điệu.

     Về các vùng quê Sóc Trăng trong những ngày Tết cổ truyền này, du khách còn có thể thưởng thức các món ăn dân dã khác như: cá lóc hấp mẻ, cá chạch nướng, gỏi ốc đắng trộn bắp chuối, lẩu chua bông súng cá rô đồng. Cùng thưởng thức ẩm thực của quê hương Sóc Trăng  mới thấy rõ nét phong phú và đa dạng mang một phong cách ẩm thực khó nơi nào có được./.



Địa chỉ cho bạn tham khảo




Cháo cá lóc

Món cháo cá lóc không cầu kỳ, chỉ cần một con cá loại to, cỡ trên dưới 1kg, vài lon gạo ngon có pha ít gạo nếp (tùy bao nhiêu người ăn thì ta lường bấy nhiêu gạo cho vừa), thêm ít thứ gia vị khác nữa. Sau vài canh giờ chuẩn bị nấu nướng là có ngay một nồi cháo thơm lừng, mới hít hà hơi thôi đã cảm giác thèm ăn rồi.

Cá lóc làm sạch, mổ bỏ nội tạng, chừa lại bộ lòng rửa sạch, đem hấp chung với mỡ hành, vớt ra để nguội, gỡ thịt ướp với chút nước mắm, tiêu để riêng (người miền Nam rất thích ăn bộ lòng và bộ lòng cá thường dành cho người được vị nể nhất trong bữa ăn).

Xương cá cho vào nồi nước, đun kỹ rồi lọc lấy nước để nấu cháo. Chờ cháo sôi đều lại thì đổ cá đã ướp gia vị vào nồi, khuấy đều lần nữa và nhắc xuống. Khi ăn, ta cho thêm rau đắng đất non được nhổ từ dưới gốc rạ, giá sống, rau sam đất, sau đó múc cháo nóng đổ lên trên làm cho rau vừa chín tới rồi trộn thêm một nhúm gừng non thái chỉ. Vị thơm bùi của gạo, vị ngọt của cá hòa quyện với nhau, thoảng vị thơm cay của gừng, tạo nét đặc trưng hấp dẫn lạ thường.

Địa chỉ tham khảo

Quán Cháo nằm ngay ngã 4 Đường Trần Hưng Đạo - Phú Lợi (Trước cổng Viện kiểm sát tỉnh Sóc Trăng). Quán bán bắt đầu lúc 5g chiều cho đến khoảng 11g tối. Nước chấm tại quán này góp phần làm cho món cháo ngon. Tôi có dịp đi nhiều nơi nhưng chưa thấy nơi nào có nước mắm ngon hơn chổ này. Giá cả cũng rất phải chăng, khoảng 5.000 đồng một tô.


Bánh xèo tôm thịt

Chuẩn bị cho buổi "tiệc" rẻ mà hấp dẫn này, người đứng bếp phải có chút kinh nghiệm pha trứng, nghệ để bột đổi màu vàng, hấp dẫn, cũng như không đặc quánh hay loãng. Nước mắm ăn bánh xèo cũng giữ vai trò rất quan trọng, cần nhiều tỏi, chanh, nêm nếm đừng quá chua hoặc quá mặn.

Ðặt chảo lên bếp chờ thật nóng, cắt đoạn sóng lá chuối nhúng dầu thoa một lượt, cho tỏi đập dẹp vào lấy mùi. Dùng giá múc canh đổ bột lên, nhấc chảo nghiêng tới lui để bột lan rộng. Mỗi bánh rải đều một ít tôm, thịt ba chỉ đã luộc trước rồi đậy nắp. Ðộ chừng bánh xèo sắp chín, thêm giá, đậu xanh đã bỏ vỏ, vài khoanh củ hành tây xắt lát, lấy chiếc "sạn" dẹp, lật úp nửa bên bánh để đậy kín các món vừa kể, giữ nóng. Ðậy nắp thêm một lúc cho chín đều rồi lấy ra dĩa..

Ăn bánh xèo, dùng tay vẫn ngon hơn đũa. Cứ lót lá cải bẹ xanh hoặc cải salat thay cho bánh tráng, ngắt một miếng bánh "mới ra lò" đặt lên trên mớ cải bèo, rau húng, lá quế, khế chua, dưa leo xắt lát mỏng... rồi quấn tròn chấm vào chén nước mắm pha chua chua kèm dưa kiệu trong đó. Ðang đói bụng mà gặp bánh xèo nóng quả là hết chỗ chê.

Một số địa chỉ tham khảo

+ Buổi sáng (từ 6g sáng đến 12g trưa) ta có thể ghé ngay đầu nhà lồng chợ thịt Sóc Trăng sạp Bà Mập (ở chợ người ta thấy mập nên kêu riết thành quen, chứ tên thiệt thì tôi khong hỏi nên không biết).

+ Buổi chiều ta có thể ghé Quán bánh nằm ở đường Phan Bội Châu (Sân quần vợt P3 cũ) hoặc quán Bánh coóng Phượng Vĩ. Giá cả rất hợp túi tiền, chỉ 2.500 đồng/cái.

Bún gỏi

Không biết món ăn này xuất xứ từ đâu. Nhưng tôi chưa thấy nơi nào bán món này cả, cả tên gọi cũng rất khác biệt. Bún gỏi già. Tôi ăn nhiều rồi, nhưng chưa lần nào thử nấu cả, không phải lười biếng đâu, vì không có bí quyết, tôi sợ mình sẽ làm hư món khoái khẩu của mình.

Bún gỏi và thực ra cũng hao hao giống bún mắm thôi. Nói là giống, nhưng vị của nó khác nhau xa. Bún mắm và bún gỏi già có chung nguyên liệu là mắm cá (hình như là mắm cá linh thì phải). Bún gỏi già phải nấu chung với me, mới cho ra vị nước lèo chua chua ngọt ngọt ăn không ngán là vì vậy. Đặc biệt, nó chỉ ăn chung với tép là ngon nhất. Tép bạc, tép lột, hay tôm sú lột đều được cả và kèm theo là thịt ba gọi xắt mỏng. Những con tép đỏ au, được lột vỏ kỹ càng trông hấp dẫn làm sao ấy.

Bún gỏi và chua chua ngọt ngọt ăn ghém với rau muống và bông chuối bào, giá sống, rau thơm,... Nhưng mà nó ngon nhờ hẹ đấy. Nếu không có cọng hẹ nào thì cái tô bún của bạn coi như tiêu. Thêm nữa phải có nước chấm đặc biệt nó là nước cốt mắm cá linh nguyên chất, rất thơm và có vị ngọt đậm đà hoặc ta có thể dùng tương xay nhuyễn (làm từ đậu nành), tùy khẩu vị riêng của mỗi người ăn.

Một số địa chỉ tham khảo:

+ Buổi sáng (từ 6g sáng đến 12g trưa) ta có thể ghé Quán Cô Cưng, đường Phạm Ngũ Lão, Ngang Chùa Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm. Ngoài ra có thể ghé Quán Bún gỏi ở đầu đường Nguyễn Văn Hữu (chỉ bán buổi sáng).

+ Buổi chiều ta có thể ghé Quán Bánh nằm ở đường Phan Bội Châu (sân quần vợt P3 cũ). Thức ăn quán này đa dạng, giá dao động 5.000 đồng/tô, nếu thêm thịt ba gọi và tép bổ sung thì thêm khoảng 4-5.000 đồng/dĩa.

Ăn Trưa: Quán Hưng (ai cũng biết nhưng em quên địa chỉ rồi) có món canh rong biển nấu cá thác lác mát chịu khg nổi.

Bánh pía (bánh lột da): ghé mấy tiệm dọc quốc lộ mua về làm quà.

Bún nước lèo: Quán Cây Nhãn nằm trên đường Võ Đình Sâm, chắc ăn nhất là phải hỏi dân địa phương chùa Năm Ông ở đâu vì quán nằm xéo chùa (hỏi tên Võ Đình Sâm chắc ít ai biết vì dân địa phương không quen nhớ tên đường mà chỉ nhớ địa danh).

Bò nướng ngói: Mỹ Phượng, 63 Phan Bội Châu Ấp Hòa Mỹ, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng





Các món ngon và rẻ ở Sài Gòn
Những món ăn vặt ngon ở Hà Nội
Những món ngon và rẻ ở Nha Trang
Món ăn ngon ở Cao Bằng đậm đà khó quên
Những món ăn vặt ngon ở Đà Lạt
Các quán bún cá ngon ở Hà Nội -





(st)