Món ăn truyền thống của dân tộc Tày

Món ăn truyền thống của dân tộc Tày. Cùng tham khảo những thông tin thủ vị dưới đây về dân tộc Tày nhé



Dân tộc Tày ở Chiêm Hóa


Từ lâu, đồng bào dân tộc Tày Chiêm Hoá (Tuyên Quang) thường lấy các loại thảo mộc để làm hương liệu chế biến các món ăn tạo nên được những hương vị thơm ngon và rất đặc biệt.

Dâng lễ vật trong Lễ hội Lồng Tông (baotuyenquang.com.vn)

Vào mỗi dịp lễ tết, đồng bào dân tộc Tày Chiêm Hoá tổ chức lễ hội tạ ơn, cầu mùa, nhằm mong muốn một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, con người khoẻ mạnh.

Món xôi 5 mầu (ngũ sắc) là móm ăn không thể thiếu được trong những dịp lễ tết và được làm để dâng hiến thần linh. Các màu trắng, xanh, đen, đỏ, vàng, theo quan niệm của đồng bào dân tộc Tày đây là biểu tượng của “Ngũ hành”, tượng trưng cho kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ, 5 yếu tố vật chất tạo nên thế giới.

Màu xanh của xôi ngũ sắc được lấy từ cốt nước của lá gừng hoặc lá giềng; màu vàng được pha chế từ bột nghệ, màu đỏ được lấy từ lá cơm đỏ giã lấy nước, màu đen mang tính cách điệu được làm từ gạo nếp cẩm. Khi đã chọn xong nguyên liệu pha màu, xôi được đồ lên bày ra đĩa, màu vàng được đặt ở giữa, tiếp theo là trắng, đen, xanh, đỏ. Thưởng thức món xôi ngũ sắc, du khách không chỉ chiêm nghiệm những triết lý sâu xa về thuyết ngũ hành, mà còn cảm nhận được mùi vị rất riêng và thơm ngon của món xôi này.

Trong danh mục văn hoá ẩm thực của đồng bào dân tộc Tày Chiêm Hoá còn có món “Pia bẳm” (mắm cá ruộng). Để làm được mắm ngon phải chọn loại cá chép nuôi ở ruộng. Gạo nếp được xôi lên, để nguội, trộn đều với men rượu, sau đó lót lá chuối vào sọt, đổ món xôi đã được trộn men vào ủ kín. Khi xôi nếp đã lên men thơm thì trộn đều xôi nếp với cá, giềng, lá trầu không, lá cơm đỏ, muối cho vào hũ, cho thêm nước rồi đậy kín. 10 tháng sau mở ra thấy cá đạt đến độ chín cả thịt và xương, dậy mùi thơm thì ăn được.

Mắm cá ngon phải có màu đỏ tía, dậy mùi thơm của cơm nếp, men rượu, giềng, lá trầu, lá cơm đỏ. Khi nấu món mắm cá ruộng phải trộn thêm một ít mẻ chua, nước mắm, muối, bột ngọt và nước đun sôi để nguội mới có vị đậm đà. Mắm cá ruộng chấm với các loại thịt luộc, rau luộc, rau sống thì ngon không gì bằng.

Tiếp đó, du khách không thể quên món bánh gai Chiêm Hoá. Đặc sản bánh gai Chiêm Hoá có hương vị thơm ngon của lá gai quyện với mùi thơm của gạo nếp cái hoa vàng, nhân đỗ, cùi dừa, chuối khô, vị ngọt ngào của mật mía tạo nên vị thơm ngon rất riêng.

Thưởng thức các món ẩm thực của đồng bào dân tộc Tày Chiêm Hoá, du khách còn được biết đến món cơm lam, nộm rau dớn, thịt trâu khô... Người Tày giản dị, không mâm cao cỗ đầy. Các món ăn thường được gói trong các loại lá rừng, khi mở ra còn thơm cả mùi vị của lá gói. Màu sắc của các món ăn cũng rất đặc biệt. Đồng bào dân tộc Tày Chiêm Hoá xem việc ăn uống là dịp để thể hiện nét văn hoá trong ứng xử cộng đồng. Bà con không lấy ăn uống làm chính mà lấy sự vui làm trọng.


Nem măng đắng: Đặc sản của đồng bào dân tộc Tày, Lào Cai 


Về Bảo Yên, bạn sẽ được thưởng thức một món đặc sản của đồng bào dân tộc Tày địa phương. Một món ăn có hương vị đặc trưng sẽ làm bạn nhớ mãi không quên. Đó là món nem măng đắng.

Món ăn này được chế biến theo bí quyết cổ truyền. Đồng bào lấy những chiếc măng vầu đắng, luộc chín rồi lột lấy những tấm lá bánh tẻ, mềm và dai như những tấm lụa mỏng. Nguyên liệu này dùng như chiếc bánh đa nem thông thường trong món nem rán phổ thông.

Phần nhân của món nem măng đắng được làm từ thịt gà băm nhỏ. Gà phải là gà tơ, trọng lượng mỗi con không quá 0,6 - 0,7 kg. Thịt và xương được băm nhỏ cùng với củ kiệu, lá hẹ và các gia vị: hạt tiêu, nước mắm. Phần nhân được gói trong lá măng đắng và rán vàng. Món ăn được trình bày ra đĩa nhỏ, trông rất đẹp mắt. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận vị đăng đắng của măng, vị ngọt của thịt gà tơ. Độ dẻo của vỏ nem cộng với cảm giác sậm sựt của nhân nem trong miệng sẽ làm cho thực khách thấy thú vị.

Món nem măng đắng từ lâu chỉ được chế biến phục vụ những bữa cỗ truyền thống trong làng bản. Ngày nay, trong lộ trình phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với kinh tế du lịch, món ẩm thực này đã xuất hiện trong các nhà hàng, góp phần quảng bá, giới thiệu với du khách một ấn tượng về du lịch văn hóa bản làng khi dừng chân ở Phố Ràng - cửa ngõ Lào Cai.


Độc đáo xôi ngũ sắc dân tộc Tày


Miền Tây Bắc với núi non trùng điệp, những điểm du lịch tuyệt vời và bản sắc văn hóa độc đáo của những dân tộc thiểu số sống ở nơi đây luôn thu hút một lượng lớn du khách tới đây hàng năm.

Là một dân tộc thiểu số, dân tộc Tày sinh sống chủ yếu ở vùng Việt Bắc, một số miền trung du và thượng du Bắc Bộ  của nước ta. Xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống của dân tộc vào các dịp lễ Tết, ngày mùng 5 tháng 5, khi nhà có khách quý…

Gọi là xôi ngũ sắc vì khác với các loại xôi thông thường, xôi ngũ sắc được tạo nên bởi năm loại xôi với năm màu khác nhau. Đó là màu đỏ, màu vàng, màu xanh, màu tím và màu trắng. Tuy nhiên, tùy điều kiện từng vùng, họ có thể pha trộn hoặc dùng các màu khác nhau ngoài những màu cơ bản trên để tạo nên xôi ngũ sắc. Năm màu xôi tượng trưng cho ngũ hành với màu vàng là màu của thổ, xanh là màu của mộc, đỏ là màu của hỏa, trắng là màu của kim, đen là màu của thủy.

Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm: gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây rừng để nhuộm màu. Màu đỏ dùng quả gấc, lá cơm đỏ. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau sau…

Trước khi nhuộm màu xôi, gạo nếp vo sạch đem ngâm trong nước lã từ 6 - 8 giờ để hạt gạo có độ nở vừa phải. Chia gạo ra thành 5 phần, mỗi phần tương ứng với một màu.

Sau khi nhuộm màu, đến công đoạn cuối cùng là đồ xôi. Khâu này đòi hỏi phải thật khéo léo mới có được món xôi như ý. Gạo ngâm màu nào dễ phai nhất được cho vào chõ đầu tiên, kế đến là các màu còn lại, màu trắng trên cùng. Phải đồ mỗi màu một chõ riêng. Có nơi bày thành bông hoa 5 cánh, mỗi cánh một màu, có nơi bày theo hình ruộng bậc thang, mỗi bậc một màu, có nơi dùng khuôn gỗ đóng thành tháp, nhiều tầng…

Đồng bào Tày quan niệm: Nếu xôi nhà ai pha chế màu chuẩn, đẹp thì được xem là người khéo tay, làm ăn phát đạt.






Món ăn Giáng sinh truyền thống hấp dẫn
Món ăn của người đạo hồi
Món ăn của người dân tộc nổi tiếng ở Việt Nam
Những món ngon cho ngày Tết cổ truyền ở ba miền
Đặc sản của Mộc Châu cho Tết cổ truyền
Tết cổ truyền của người Campuchia



(st)