Món ăn truyền thống của dân tộc Thái

Món ăn truyền thống của dân tộc Thái. Đến Điện Biên, du khách không chỉ bị cuốn hút bởi một địa danh lịch sử với chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu mà bên cạnh đó Điện Biện còn cuốn hút du khách bởi nét văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn dân tộc mà chỉ nơi đây mới có. Trong đó văn hóa ẩm thực của người Thái Điện Biên là một nét tiêu biểu đặc trưng của văn hóa ẩm thực Tây Bắc nói chung hay Điện Biên nói riêng.


Về Điện Biên, du khách sẽ được thưởng thức món ăn truyền thống dân tộc, dân dã mà lắng đọng bởi những hương vị đậm đà được truyền từ ngàn đời.

Thăm quan bản, nếu muốn thưởng thức món ăn dân tộc cùng với những điệu xòe, du khách nên đặt trước. Với những nguyên liệu có sẵn như gà bản, cá suối và rau rừng… thì chỉ chừng hơn một tiếng đồng hồ là chủ và khách có thể nâng chén rượu để “au hẻng - cạn chén", "hảo hán - chúc sức khoẻ" và bắt tay nhau thật chặt - một phong tục đẹp thể hiện sự thân thiện, hiếu khách của người dân nơi đây. Thưởng thức món ngon của dân tộc Thái, ngồi trên nhà sàn xem múa xòe là điều thú vị mà không phải ở đâu cũng có.

Trong mâm cơm của người Thái có nhiều món ăn, mỗi món đều có hương vị đặc trưng riêng và chúng còn hấp dẫn hơn bởi cách chế biến cầu kỳ, lạ mắt. Đặc trưng nhất là món nướng bởi hương vị đậm đà, giàu chất dinh dưỡng làm mê hoặc lòng người. Các loại thịt gia súc, gia cầm hay thuỷ sản đều có thể nướng nhưng gây ấn tượng mạnh mẽ và lạ lùng nhất có lẽ là món rêu nướng. Rêu được lấy từ những con suối trong. Sau khi được làm sạch, người Thái thường trộn hạt dổi, hạt mắc khén (những gia vị được lấy từ rừng) cùng ớt, tỏi, gừng, củ xả, lá chanh rồi thêm ít thịt mỡ. Dùng lá dong được rửa sạch để gói rêu và gia vị, buộc lạt tre túm lại hai đầu, bẻ quặt hai mép lá lại thành cái hình khum khum treo lên một thanh nẹp tre. Đem tất cả vùi vào trong tro ấm. Không than, không lửa cũng không hơ khói. Bao giờ lá dong cháy tý tách, thì lôi thanh tre ra, hơ cả gói rêu nướng trên than hoa. Lá dong cháy đến lớp trong cùng, mỡ và nước xanh thơm mát của rêu suối rỉ ra, thì bày ra đĩa. Khi ăn, mở gói lá dong, mùi mắc khén, hạt sẻn và mấy chục thứ gia vị cùng ngạt ngào, riêng có rêu vẫn mát lịm, thanh tao. Gắp miếng rêu thả vào miệng, nhấp một chút rượu, một cảm giác lạ lùng dễ chịu lan tỏa khắp người, một cảm giác không dễ để quên.

Món rêu đá

Nộm rêu cũng là món ăn đơn giản. Rêu sạch đem cắt nhỏ bỏ vào chõ hấp chín, trộn muối, đường, gừng, rau thơm, hạt sen, nếu cay cho ớt hoặc hạt tiêu.

 Canh rêu tươi là món ăn công phu và sang trọng nhất. Rêu được nấu với nước canh xương lợn hầm hoặc luộc gà, với thịt nạc băm nêm gia vị và ăn nóng.

Rêu có nhiều tác dụng như giúp hoạt huyết, giải độc, thanh nhiệt, chống cao huyết áp. Theo kinh nghiệm dân gian, ăn rêu chống được ngã nước, mụn nhọt, sốt rét, phong hàn. Người đi rừng khi uống nước suối, ăn rêu sống hoặc rêu nướng sẽ chịu được cái lạnh, chướng khí sơn lâm. Rêu chủ yếu là chất xơ còn có tác dụng giảm mỡ máu.

Đối với người Thái, gạo nếp vẫn là lương ăn truyền thống. Khi đi rừng hay lên nương rẫy người dân Thái thường mang theo cơm nếp bởi tác dụng no lâu, chắc dạ và để lâu cơm vẫn dẻo chứ không bị khô và rắn như cơm tẻ. Người Thái có phương phápđồ xôi cách thuỷ bằng chõ gỗ rất kỹ thuật. Xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi được đựng vào ép khẩu hoặc giỏ cơm đậy kín, ủ ấm, giữ cho cơm dẻo lâu. Cơm lam là đặc sản của dân tộc Thái thường được sử dụng vào dịp lễ, tết hay đãi khách. Với các chuyến du lịch, du khách có thể mang theo ép khẩu xôi, vài khúc cơm lam để ăn dọc đường hoặc khi nghỉ ngơi tại các điểm tham quan sẽ rất tiện lợi.

Cơm lam - một thứ đặc sản của vùng cao Tây Bắc

 Mùa nào thứ nấy, người Thái đãi khách bằng sản vật, như: măng đắng, măng ngọt; rau cải ngồng, rau dớn... chấm với gia vị chẩm chéo – một loại gia vị chấm đặc trưng của người Thái - đậm đà vị cay của ớt, riềng, mặn của muối rang, hương thơm của rau. Chẩm chéo được chế biến từ món ớt giã hòa muối, tỏi, có rau thơm, mùi, lá hành… có thể thêm gan gà luộc chín, ruột cá, cá nướng… Ngoài chẩm chéo, người Thái còn có thêm một loại nước chấm vô cùng độc đáo được chế biến từ ruột non của động vật ăn cỏ thuộc loài nhai lại gọi là Nậm pịa. Nậm pịa là nước nhúng lấy từ lòng non của bò, dê, trâu... kèm với một số loại rau thơm và gia vị khác. Vị đắng đắng, cay cay, bùi bùi cùng các loại rau thơm dậy hương của nậm pịa tạo thành một thứ nước chấm dễ khiến người ta phải nhớ mãi sau khi thưởng thức.

Đến với Điện Biên, khách du lịch không nên bỏ qua món măng đắng

Người Thái ưa các vị: cay, chua, đắng, chát, bùi, ít dùng các món ngọt, lợ, đậm, nồng… hay uống rượu cần, cất rượu. Thịt cá ăn tươi thì làm món nộm, nhúng (lạp, cỏi), ướp muối, thính làm mắm; ăn chín thích hợp nhất phải kể đến các món chế biến từ cách nướng, lùi, đồ, sấy, sau đó mới đến canh, xào, rang, luộc…

 Đến với Điện Biên đặc biệt là khi mùa xuân đến, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một màu trắng tinh khôi của hoa ban nở trắng, phủ kín khắp đỉnh đèo, lưng núi mà còn được thưởng thức các món ăn từ hoa ban - loài hoa không chỉ mang vẻ đẹp trinh bạch của núi rừng mà còn đi vào đời sống ẩm thực của người Thái, đặc biệt sự độc đáo, tinh xảo cùng những kinh nghiệm dân gian chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ con người qua ẩm thực. Người Thái có nhiều món ăn ngon được chế biến từ cây ban. Hoa ban, lá ban non, quả ban già, người ta chế biến thành những món ăn vừa ngon, vừa bổ như: hoa ban hầm móng giòhoa ban xào thịt lợn rừnghoa ban đồhoa ban nộm củ riềng Những món ăn này vừa tốt cho sức khoẻ vừa có thể chữa trị một số bệnh như: bệnh đường ruột, bệnh gan, giải nhiệt cơ thể. Ngoài ra, lá ban đun nước đặc bỏ một chút muối vào dùng để rửa vết thương. Để giữ vị ngọt và hương thơm, đồng bào Thái thường đồ hoa ban như kiểu đồ xôi trong vòng 15 – 20 phút. Nước chấm làm bằng quả nhót chín, nướng sém vỏ, bỏ hạt, cùng với ớt nướng, tỏi, rau mùi, giã nhỏ, trộn cùng bột canh, mì chính, cho thêm nước đun sôi để nguội. Bát nước chấm có vị chua, màu đỏ của quả nhót, mùi gia vị đặc trưng quyến rũ, càng tăng thêm sức hấp dẫn nơi vị giác cho người thưởng thức.

Hoa ban không chỉ mang lại vẻ đẹp cho thiên nhiên Tây Bắc mà còn là 

nguyên liệu chế biến nhiều món ngon    

Mỗi một dân tộc, một vùng miền, một quốc gia đều có những nét đặc trưng riêng biệt cả về văn hóa, sắc tộc hay ẩm thực. Bởi vậy, càng đi ta càng làm phong phú thêm những hiểu biết của mình. Đến Điện Biên, ngoài lịch sử vĩ đại thì thiên nhiên và văn hóa nơi đây luôn là một yếu tố níu giữ chân khách du lịch. Đã đến một lần, được thưởng thức các món ngon dân tộc thì lại muốn được thêm lần nữa


Ẩm thực độc đáo của dân tộc Thái




Mỗi dân tộc đều có một truyền thống văn hoá ẩm thực riêng, có bí quyết riêng để chế biến các món ăn ngon miệng vào những ngày lễ tết, cưới xin, hội hè…

Dân tộc Thái ưa cái hương vị đậm đà, giàu chất dinh dưỡng là món nướng,đặc biệt là cá nướng ( Pa pỉnh tộp). Món thịt trâu hoặc bò, cá, gà nướng được người Thái tẩm, ướp gia vị rất cầu kỳ. Gia vị để ướp là tiêu rừng hay còn gọi là “mắc khén”, ớt, tỏi, gừng, muối… Trước khi đem ướp với thịt, các gia vị cũng được nướng lên cho chín, hương thơm. Đến Mộc Châu nói riêng và Sơn La nói chung có  nhiều nhà hàng với đội ngũ cán bộ, nhân viên là người dân tộc, hiểu được phong tục tập quán của đồng bào, có kỹ thuật nấu món ăn, sẵn sàng phục vụ du khách có nhu cầu thưởng thức văn hoá ẩm thực dân tộc


mòn nường

Tham quan bản, nếu muốn thưởng thức món ăn dân tộc, du khách nên đặt cơm trước với trưởng bản. Một số bản tự cung tự cấp nguyên liệu như: gà, cá, rau, gia vị… thì chỉ chừng hơn một tiếng đồng hồ là chủ và khách có thể nâng chén rượu để “au hảnh”, chúc sức khoẻ, bắt tay nhau thật chặt. ăn món ngon của dân tộc Thái, ngồi trên nhà sàn là điều thú vị mà không phải ở đâu cũng có. Trong mâm cơm của người Thái có nhiều món ăn, mỗi món đều có hương vị đặc trưng. Đặc trưng nhất là món thức ăn nướng, gọi là “lam nhọ”: lam là nướng, nhọ là nhừ. Các loại thịt gia súc, gia cầm, hay thuỷ sản đều có thể nướng. Thịt thái miếng, ướp gia vị, dùng xiên hoặc kẹp tre tươi đặt lên than hồng; hoặc thịt băm nhỏ, bóp nhuyễn với trứng, gói lá chuối, lá dong, kẹp lại, nướng trên than đỏ hoặc vùi tro nóng; khi chín, thịt rất thơm, ăn không ngán. Món cá nướng hấp dẫn bởi hương thơm của cá, vị cay của ớt. Món “pỉnh tộp” cũng là cá nướng, nhưng thường dùng bằng cá to như chép, trôi, trắm… mổ lưng, để ráo nước, xoa một lớp muối rang nổ; tẩm ớt tươi nướng, nghiền nát, mắc khén, để cá ngấm gia vị, cứng thịt lại rồi đặt lên than hồng. Cá chín có vị thơm hấp dẫn, dùng để uống rượu rất độc đáo. Sản phẩm cá, người Thái chế biến ra nhiều món ăn khác nhau, đặc trưng và ngon: cá hấp trong chõ gỗ, người Thái gọi là cá mọ. Món “pa giảng” là cá hun khói. Do dặc thù vùng cao, người Thái thường để dành cá sấy trong bếp. Khi có khách, nhà xa chợ, chưa làm kịp món ăn thì bỏ cá ra nướng lại cho thơm, rót rượu mời khách nhâm nhi. Và ở bếp, người nhà tiếp tục chế biến món ăn, tiếp từng món lên đãi khách. Đây là cách giữ chân khách, thể hiện sự hiếu khách của đồng bào vùng cao. Bên cạnh các món nướng, người Thái còn có tài chế biến gia vị để ăn với các món luộc, món hấp, hương vị thơm ngon. Lên Điện Biên, du khách thưởng thức món gà “đi bộ” – gà nuôi thả trên đồi, thịt chắc. Gà luộc chấm với gia vị chéo rất ngon, không ngấy, uống với rượu Mông pê hoặc lẩu sơ rất thú vị. Từ thịt, cá, người vùng cao còn có các món lạp, luộc, canh chua… với vị ngon đặc trưng


lam nhọ

Xôi nếp là món ăn truyền thống của dân tộc Thái. Người Thái có phương pháp xôi cách thuỷ bằng chõ gỗ rất kỹ thuật. Xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi được đựng vào ép khẩu hoặc giỏ cơm đậy kín, ủ ấm, giữ cho cơm dẻo lâu. Cơm lam là đặc sản của dân tộc Thái thường được sử dụng vào dịp lễ, tết hay đãi khách. Với các chuyến du lịch, du khách có thể mang theo ép khẩu xôi, vài khúc cơm lam để ăn dọc đường hoặc khi nghỉ ngơi tại các điểm tham quan sẽ rất tiện lợi. Mùa nào thứ nấy, người Thái đãi khách bằng sản vật, như: măng đắng, măng ngọt; rau cải ngồng, rau dớn… chấm với gia vị chéo, đậm đà vị cay của ớt, riềng, mặn của muối rang, hương thơm của rau


Món rêu đá


Mùa xuân đến, lộc xuân mơn mởn, tiết xuân hiền hòa, cái rét của mùa đông tan dần trong nắng ấm ban mai, tạo điều kiện cho cây rừng đâm chồi nảy lộc. Dưới dòng sông hay các khe suối, hiện lên màu xanh biếc của rêu đá, ngọn dài óng mượt, xao động, dịu dàng chảy theo làn nước. Rêu đá là một thứ thực phẩm truyền thống của đồng bào Thái.

Đồng bào dân tộc Thái thường truyền miệng câu chuyện về mối tình chung thủy của đôi trai gái dân tộc Thái. Hai người yêu nhau tha thiết nhưng bố của cô gái không ưng thuận. Một hôm, đôi trai gái trèo lên ngọn núi cao, bện tóc vào nhau, thề nguyện suốt đời sống bên nhau. Rồi họ biến thành ngôi sao mai lấp lánh, nước mắt họ chảy thành sông, tóc biến thành rêu đá óng ả trong làn nước.



Những ngày nắng ấm, các cô gái Thái thường tổ chức thành từng tốp đi lấy rêu về chế biến thành món ăn truyền thống của dân tộc. Rêu được chia thành 3 nhóm: “Cui”, loại rêu mọc trên đá thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm, rêu non làm món nộm, có nơi làm nộm sống, thường mọc ở các dòng sông, suối; “cay”, sợi rêu mọc rời rạc có màu xanh; “tau”, loại rêu này thường thành từng mảng ở sông Đà, ao hoặc các khe suối, không bám chặt vào đá như các loại rêu kia, khi thu lượm người ta dùng thanh tre gạt rêu vào rổ. Rêu sạch và non thường lấy ở những khúc sông, khe suối (nơi có dòng chảy). Mùa rêu mọc, đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Khơ Mú ở những nơi gần sông, suối, thường lấy rêu non về phơi khô để dành ăn dần hoặc chế biến thành món ăn trong tiệc cưới, lên nhà mới, lễ hội…



Trước khi chế biến thành món ăn phải để rêu trên thớt hoặc hòn đá có mặt phẳng, dùng chày gỗ đập nhiều lần cho nát hết tạp chất bám trên rêu, rửa sạch không còn cát sạn. Rêu chế biến được nhiều món ăn ngon: Canh rêu tươi “kinh tau” nấu với xương hầm hoặc nước luộc gà, nấu vừa chín tới, cho mắm muối và các gia vị, ăn nóng. Rêu nộm “tau nửng chụp”, thường lấy rêu non, cho vào chõ đồ xôi, đồ vừa chín tới, trộn cùng súp, mì chính và các gia vị, gừng, mùi, “mắc khén” (hạt tiêu rừng), thích ăn cay cho thêm quả ớt nướng giã nhỏ. Rêu nướng “tau pho”, món ăn hấp dẫn và hợp khẩu vị với hầu hết mọi người. Rêu rửa sạch, lấy lá chuối hoặc lá dong trên rừng, chọn lá to bản, hơ trên than hồng cho lá mềm, khi gói không bị rách, cho cùng các gia vị, muối, mì chính, gừng, rau mùi, “mắc khén”, sả, hành, buộc túm lại, nướng trên tro nóng hoặc than hồng, thỉnh thoảng xoay đều cho tới khi lớp lá bên ngoài cháy xém là được. Rêu nướng còn dùng ống nứa non “tau lam” để nướng, cách này giữ lại các chất ngọt trong ống. Món rêu nướng có mùi vị đặc trưng, đặc biệt khoái khẩu đối với người biết uống rượu.



Rêu đá chế biến nhiều món ăn truyền thống, đặc sắc của đồng bào Thái Tây Bắc, đậm đà trong mâm rượu hứa hôn của các đôi trai gái được tổ chức trong ngày xuân. Món rêu đá còn mang một ý nghĩa về truyền thuyết của mối tình chung thủy từ ngàn xưa còn lưu lại đến giờ.

Nậm pịa: độc đáo món ăn dân tộc Thái


Ai đã từng đi qua Sơn La đều nghe nhắc tới món ăn nậm pịa – một món ăn của người dân tộc Thái. Đây là một món ăn rất lạ, nguyên liệu làm món ăn này là tiết bò hoặc tiết dê để đông, đuôi, dạ dày, cuống tim và không thể thiếu một thứ nước sền sệt từ bên trong ruột non của con bò, gọi nó là “pịa”.

Người ta chọn một đoạn ruột non ngon để lấy pịa, ninh xương và lục phủ ngũ tạng lên để lấy nước, sau đó họ đổ pịa vào, có nơi còn cho thêm chút mật bò vào pịa. Phần ruột non sau khi lấy phải buộc chặt hai đầu, sau đó cắt thành khúc, trộn kèm rau thơm, bột mắc khén (hạt tiêu rừng), tỏi, ớt, mùi tàu…tất cả các gia vị được băm nhỏ rồi đun sôi lên. Nồi pịa đặt trên bếp lửa đun đến khi nồi pịa sánh, sền sệt lại là được. Món nậm pịa ăn kèm với rau chuối và bạc hà. Ban đầu chưa quen, chưa dám ăn thì món nậm pịa quả thật là rất khó ăn.

Món nậm pịa được múc ra bát có màu nâu, nước sền sệt, ban đầu khi nếm thử ta sẽ thấy vị đắng và mùi hơi khó ngửi. Có nhiều người mới đầu khi trông thấy bát nậm pịa, ngửi thấy mùi đã không ăn được. Nhưng khi đã nếm đôi ba miếng, bỏ qua những cảm nhận ban đầu về mùi và vị, thì những miếng tiếp theo, ta sẽ cảm nhận được mùi thơm của mắc khén, một loại gia vị của núi rừng. Vừa ăn nậm pịa, vừa nhấm nháp chén rượu thơm, ta lại thấy miếng nậm pịa đắng nơi đầu lưỡi và ngọt nơi cuống lưỡi. Món nậm pịa tuy vậy nhưng lại rất an toàn cho những ai yếu bụng.

Trong tiếng Thái, “nậm” có nghĩa là canh, “pịa” là chất sền sệt ở trong ruột non của bò. Món có tên đơn giản là nậm pịa, tùy theo cách hiểu của mỗi người. Nậm pịa chỉ có ở vùng núi Tây Bắc từ Mộc Châu đến Sơn La, đây là món ăn truyền thống có từ rất lâu đời và được đồng bào dân tộc Thái rất yêu thích.

Nếu có dịp lên Tây Bắc, đến với Sơn La, bạn hãy ăn thử món đặc biệt của người Thái và cảm nhận theo cách riêng của mình về "nậm pịa" nhé!



Món ăn Giáng sinh truyền thống hấp dẫn
Món ăn của người đạo hồi
Món ăn của người dân tộc nổi tiếng ở Việt Nam
Những món ngon cho ngày Tết cổ truyền ở ba miền
Đặc sản của Mộc Châu cho Tết cổ truyền
Tết cổ truyền của người Campuchia



(st)



Người Thái ở Sa Pa có nhũng món ăn gì ?
hơn 1 tháng trước - Thích (17)
Gửi hỏi đáp - bình luận