Món ăn truyền thống của Huế

Món ăn truyền thống của Huế.Một trong những đặc trưng nổi bật của văn hóa Huế là văn hóa ẩm thực. Món ngon xứ Huế là món ngon Chăm xưa kết hợp với món ngon Việt, món ngon dân gian Huế và món ngon cả nước.



Có tới 1.300 món ăn xứ Huế: 125 món ăn chay, 300 món ăn mặn, 175 thứ chè, cháo, dưa mắm.... Âu cũng dễ giải thích, bởi Huế là nơi phủ chúa, cung vua, nơi hàng mấy trăm năm quy tụ tinh hoa khắp mọi miền đất nước, lưu truyền và nâng cao thành nét Huế riêng không thể lẫn.

Mình xin giới thiệu một vài món đặc trưng của Huế
1. Bún hến






Bún hến là một món ăn có từ rất lâu đời của đất cố đô. Khi đến đây, nếu du khách muốn ăn thì rất dễ vì sẽ bắt gặp ngay những quán bún hến bên đường hay những gánh bún hến của các o, các mệ đi trên đường với nụ cười ấm áp mời chào khách...






Bún hến không đơn thuần chỉ là món ăn. Để tạo nên nó là cả một sự chế biến, pha trộn nghệ thuật của người dân Huế. Để có một tô bún hến ngon, người làm phải hết sức kỳ công, từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến. Nguyên liệu để tạo nên bún hến cũng rất đa dạng: hến, bún, đậu phộng, bóng bì heo, sa tế, mè, mắm ruốc... Ngoài những nguyên liệu trên, bún hến không thể thiếu các loại rau ăn kèm như: giá, bắp chuối, bạc hà, khế chua, rau thơm (rau húng, mùi...).
Ăn bún hến bạn sẽ cảm thấy sự cộng hưởng gia vị trong các giác quan. Mùi thơm dâng lên mũi, vị ngọt thấm đầu lưỡi, chất béo tan trong miệng, âm thanh giòn rụm của bóng heo... Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một món ăn dân dã nhưng khó quên của xứ Huế.

2. Bánh bèo,nậm, lọc


Là món ăn vào bữa xế chiều đầy cảm hứng. Món bánh này rất dễ làm, nguyên vật liệu đơn giản. Bánh bèo đúng nghĩa với chữ bèo bởi mỗi chiếc bánh nhỏ tròn như mỗi cánh bèo, làm bằng bột gạo, rắc thêm tôm chấy, ăn với nước mắm ngọt. Bánh bột lọc là loại bánh vừa dai vừa dẻo lại vừa mềm, làm bằng bột lọc bọc nhụy tôm thịt ăn với nước mắm biển, càng cay càng hấp dẫn, bánh được gói bằng lá chuối hay để trần luộc chín, mỗi dạng đều có một hương vị độc đáo riêng. Bánh nậm giống như bánh lá, về cách chế biến và cả nguyên vật liệu nữa, chỉ khác ở chỗ là bánh lá thường được gói bằng lá dong, bánh nậm gói bằng lá chuối.




3. Chè hạt sen




Huế có sen hồ Tịnh Tâm tuy hạt nhỏ nhưng bở và thơm, hạt sen hấp chín nấu với đường cát trắng hay đường phèn, nghệ thuật nấu chè hạt sen là phải luôn canh chừng lửa, lửa nhỏ riu riu để giữ cho hạt sen tròn trĩnh và mềm mại, nếu lửa ngọn lớn hạt sen sẽ bị vỡ ra, mất đẹp và khi ăn sẽ mất cảm giác ngon. Chè hạt sen rất ít tốn đường bởi bản thân sen đã có vị ngọt. Hạt sen bọc nhãn lồng Đại Nội một thời là món ăn sang trọng của giới quý tộc.





4. Bún bò




Bún bò hay bún giò Huế thường được ăn vào buổi sáng sớm. Ngon nhất vẫn là các gánh bún rong rải rác khắp nơi bán đến tám giờ sáng đã ngưng. Tiếc rằng giờ đây khó có thể tìm ra được một tô bún còn mang đúng vị thật, không bị ngọt lợ. Trước tiên người ta đã đánh mất khai vị sả và ruốc đặc thù của bún Huế. Bún to sợi truyền thống hoàn toàn biến mất. Rồi các loại rau thơm, diếp mới, và ngay cả giá sống, cũng làm lạc đi cái hương vị riêng của bún bò, bún giò heo. Hiện nay mỗi tối, sau tám giờ, có quầy bà Đóa ở vệ đường trước số nhà 84 Mai Thúc Loan trong Thành được xem là một trong những nơi còn nấu đúng lối bún bò Huế xưa. Tuy rằng sợi bún cũng đã bị đổi, và quán có thêm loại thịt bò nhúng ngoại lai như ở hầu hết mọi quán bún bò ở Huế bây giờ. Một số chủ quán giải thích rằng phải đổi như thế cho hợp khẩu vị khách phương xa. Trong khi đó nhiều người Huế lại nói là giờ đây muốn có được tô bún Huế đúng cách thì phải vào Đà Nẵng hay thành phố Hồ Chí Minh. Truyền nhân của bún Mụ Rớt ở Gia Hội xưa bây giờ đang mở quán bún bò Huế ở quận Cam thuộc bang California, Hoa Kỳ. Tiệm vẫn nấu đúng lối truyền thống và rất được khách Việt, Mỹ ưa chuộng.






Thật sự rất hấp dẫn đúng không mọi người?


Thỏa thích với những món ngon đất Huế

Giữa trăm ngàn món ngon xứ Huế, hãy chọn ưu tiên thưởng thức những đặc sản tuyệt nhất nơi đây.

Huế - mang trong mình cái tự hào và đầy kiêu hãnh của vùng đất kinh kì xưa. Đến Huế, người ta dễ bị chìm vào trong kí ức xa xôi của một thời vua chúa với những sáng tạo trong ẩm thực cung đình bắt nguồn từ các món ăn dân gian.

Như một loại thuốc mê đầy ma lực, ẩm thực Huế khiến khách đến đây đã thử thì nhất định sẽ nhớ và tìm lại nếu không cứ vướng vất một nỗi mong chờ và luyến tiếc hoài hoài. Tùy thời gian lưu lại đây, các bạn nên chọn cho mình các món đặc sản giữa trăm ngàn món đất cố đô này.

Cơm hến

Là món ăn dân giã, mang vị đậm đà đặc trưng. Cơm hến ngon phải thật cay, cay đến nỗi khiến cho người không quen vừa ăn vừa chảy nước mắt nước mũi.

Cơm hến không nóng sốt mà chỉ là thứ cơm nguội bình thường nhưng khi kết hợp với mùi ruốc mặn nồng, vị ngọt đằm thắm của nước hến, béo ngậy của tóp mỡ hòa với vị chua thanh của khế, mùi rau thơm dịu, chuối bắp, bạc hà, , vị cay đến xé lưỡi, đến phỏng miệng của ớt tương... thì thật khiến người ta khó bỏ. Cơm nguội ăn chung với nước hết nóng cho khách cảm giác ấm nồng, đầy thân thiện trên đất cố đô.

Cơm hến có khắp nơi trên đất Huế, từ đường hẻm cho đến đường chính. Nhưng cơm hến ở cồn Hến (thuộc xã Hương Lưu, phường Vỹ Dạ), cách trung tâm thành phố Huế chừng 3km là ngon nhất.

Ai đã từng đến Huế, sẽ chẳng thể nào quên cơm hến cay lòng và ấm nồng vị cố đô

Bánh bèo

Bánh bèo là một nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực Huế. Từ nguyên liệu chính khá đơn giản là bột gạo hấp chín, thứ bánh hiền lành này lại được lòng hết tất cả người thưởng thức nó.

 Bánh bèo Huế vừa hòa hợp về màu sắc vừa quyện trong hương vị

Có lẽ một phần do công của chén nước chấm công phu, hòa quyện mỡ, đường, tỏi, ớt và được nấu từ tôm tươi cho hương vị độc đáo. Nước chấm ấy chan lên bột gạo dẻo, lỏng vừa phải cho thêm tôm đâm nhuyễn, hành lá, tép mỡ, dầu béo bên trên và ăn trong chén nhỏ, chỉ một xúc là hết quả thật ngon lắm.

Dạo chơi ở Huế, bất chợt thấy gánh hàng bánh bèo dọc các con đường hoặc quán trên đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Huệ… hãy ghé vào để cảm nhận hương vị này.

Nem lụi

Nem lụi – một trong những đặc sản lâu đời nhất của đất cố đô, khiến bao khách phương xa phải ngơ ngẩn. Nguyên liệu để làm nên món nem lụi rất đơn giản: thịt heo đã quết nhuyễn trộn với bì, mỡ heo thái hạt lựu ướp cùng muối, tiêu, đường, thính rồi xiên bằng que tre, mía hoặc sả đem nướng vậy mà lại có vị đặc biệt đến thế.

 Nem nụi Huế ngon và đặc biệt ở vị nước chấm quyến rũ

Thường, nem lụi được ăn kèm với bánh tráng, rau thơm, khế chua, chuối xanh, sung… dùng chung với nước chấm ngon lành làm từ đậu phộng, được thêm gan heo, thịt heo băm nhuyễn. Hương thơm và vị bùi ngọt của thịt heo nướng kết hợp với rau xanh và nước chấm tạo thành vị đặc trưng của nem lụi Huế, khác tất cả món nem ở các địa phương khác.

Muốn ăn nem lụi ngon, bạn nên ghé chợ Đông Ba, hay nhà hàng trên đường Nguyễn Thái Học, Nguyễn Huệ, Trương Định, Phan Bội Châu, Mai Thúc Loan…

Tré

Tré không phải món ăn cao sang, mà ngược lại, rất bình dân nhưng đặc biệt do sự tỉ mỉ, cầu kỳ trong khâu chế biến của ẩm thực Huế. Tré Huế ngon nổi tiếng bởi sự kết hợp tinh tế của gia vị với các loại nguyên liệu đặc trưng như riềng, tỏi, thính, lá ổi, mè với độ giòn của thịt thủ lợn. Tré Huế được những bàn tay khéo léo, thuần thục, thái, ướp và gói theo công thức riêng với cách làm truyền thống.

Tré Huế ngon thơm và được làm chủ yếu thủ công

Ăn tré Huế hoàn toàn không sợ bị đau bụng như nem chua vì các nguyên liệu đều đã được làm chín chứ không phải để lên men. Hàng tré ngon nhất Huế ngụ tại phố nem tré đường Đào Duy Từ, trước cửa Đông Ba. Đây là nơi nghề làm nem tré được truyền thừa đã ba thế hệ.

Bún bò Huế

Đến Huế, khách phương xa tất nhiên chọn thử bún bò Huế để cảm nhận món gốc tại nơi sinh ra nó. Và thường thì khách chẳng bao giờ phải thất vọng.

Bún bò Huế ăn ở Huế có vị khác hẳn những địa phương khác

Bún bò ở đây có những viên mọc làm từ giò sống và thịt cua ngọt lành, thơm thảo; có thịt bò được thái lát mỏng vừa, được ướp gia vị trước khi cho vào nồi xáo; có những miếng chuối bắp xắt lát, những cọng rau quế trắng; có những miếng móng giò được ninh mềm nhừ. Tất cả kết hợp với nước lèo cay, béo . Khi ăn, thêm vài cọng giá, rau sống, chút mắm ớt chanh, bạn sẽ thấy vô cùng thú vị với sự thâm trầm của Huế đến trong từng tế bào lưỡi.

Bún bò Huế ngon dải khắp các con đường từ Nguyễn Huệ, Bạch Đằng cho đến Nguyễn Du…

Mè xững/mè xửng

Mè xững là đặc trưng của xứ Huế, đến nỗi cứ ai mang quà về là biết ngay người đó chơi Huế. Mè xững ngọt dẻo, được làm từ mạch nha pha trộn lẫn với dầu phụng và các nguyên liệu khác. Tuy cùng một cái tên mè xững nhưng có nhiều loại khác nhau.

Đến Huế, nhớ thưởng thức và mua mè xững về làm quà cho bạn bè

Có loại mè xững dẻo đến mức có thể cuộn tròn hoặc bẻ gập. Có loại giòn với thành phần bột đậu nhiều hơn, đường ít hơn, được bọc ngoài một lớp bánh đa nướng. Có loại mè xững gương, giơ lên ngắm thấy trong suốt như gương. Có loại mè xững đen gồm toàn vừng đen bùi và bổ…

Tôm chua

Tôm chua là sự tổng hòa của sắc màu trắng của xôi, măng, riềng tỏi, màu đỏ của tôm, ớt... và đủ các vị: ngọt, béo, bùi, cay, chua, đắng... Nó cũng là sự hòa quyện giữa cái mát lành của tôm và cay nồng của gia vị. Tất cả tạo nên món ăn hấp dẫn khó cưỡng.

Tôm chua cuốn bánh tráng cùng thịt heo ngon khó tả

Chỉ chọn những con tôm nước ngọt nhỏ vừa, trộn chung với các nguyên liệu rồi ủ trong vại sành, hoặc chôn xuống đất chờ tôm lên men, giúp nó ngọt và thơm. Tôm chua ăn kèm với thịt luộc, bánh tráng và dưa giá cùng các loại rau sống khác là món ngon khó quên nếu đã từng ăn qua. Vị chua chua cay cay của tôm hòa trong cái ngọt của thịt, chua của khế, chát giòn của quả vả... đem lại cho người ăn cảm giác ngon miệng vô cùng.

Ở Huế, tôm chua ngon và nổi tiếng nhất trên đường Đặng Trần Côn.

Vả trộn

Vả trộn là món ăn nhà nghèo. Nguyên liệu chính là quả vả, thứ quả xanh rẻ tiền chát phổ biến ở Huế. Vả có thể trộn với thịt heo nạc, tôm luộc, da heo... tùy theo sở thích. Nhưng dù trộn với gì đi nữa cũng không thể thiếu các loại gia vị cơ bản như tiêu, mắm, muối, bột ngọt, ớt bột. Thêm các loại rau thơm và vừng, hành lá, ngò gai, ngò rí, rau răm rửa sạch và thái nhuyễn.

Vả trộn là món ăn nhà nghèo nhưng được yêu thích không kém nhiều đặc sản khác

Ăn vả trộn, người ta không cần dùng đũa, chén mà thường bẻ bánh tráng nướng xúc. Vị bùi ngọt và thơm thơm nhẹ nhàng của vả cộng hưởng cùng cái bùi bùi giòn giòn của bánh tráng nướng, thêm chút mắm cay khiến người ăn xúc hoài không ngán. Có thể tìm món này ở khắp các quán bình dân trên đất Huế.

Bánh canh Nam Phổ

Bánh canh Nam Phổ là một trong những món ăn đặc sản của Huế. Nó đặc biệt bởi được nấu bằng bột gạo, nhân tôm. Nhìn tô bún khi lên tô thật tuyệt. Màu trắng của bánh canh chìm xuống cho nhân tôm nổi lên trên mặt tô vàng ươm, rất đẹp mắt. Bánh canh Nam Phổ được lòng thực khách không chỉ bởi vị ngon lạ mà còn do rất lành, thích hợp đối với mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em hay người già.

Bánh canh Nam Phổ ngon và lành

Nếu muốn được thưởng thức món ngon đặc sắc này, các bạn nên ra ngoài vào buổi chiều quanh con đường Phạm Hồng Thái. Hoặc muốn đúng vị hơn thì qua làng Nam Phổ (thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, cách cầu Trường Tiền 3,5km về phía biển Thuận An).



Những món ngon không thể bỏ qua khi đến Huế


1. Các loại bánh Huế

Ở Hà Nội hay TP HCM cũng có những quán bán bánh Huế nhưng vị ngon không thể sánh bằng khi ăn những thức quà này ở đúng quê hương của nó. Hãy ghé quán bà Đỏ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm hay các quán ăn khác trên đường Chi Lăng, Điện Biên Phủ, Nguyễn Huệ...

Bánh bèo, bánh ram ít, bánh bột lọc... rất thơm và bao giờ cũng được dọn ra khi còn nóng hổi. Bánh bột lọc ăn dai dai, trong suốt có thể nhìn thấy nhân tôm hồng hồng ở giữa. Bánh ram ít phần trên ăn dẻo, phần dưới là bột rán giòn, giống như quẩy, ăn giòn tan. Bánh bèo trắng mịn, mỗi chiếc nhỏ vừa đúng lòng một chiếc đĩa con và phía trên một miếng tóp mỡ.

Bánh Huế chỉ làm từ bột và tôm nhưng không ngán. Mỗi loại bánh đi kèm với một loại nước chấm khác nhau. Thông thường có hai loại nước chấm: nước chấm sền sệt hơi ngọt và nước mắm nguyên chất có thêm ớt.

2. Cơm hến

Ở đường Trần Phú có một quán cơm hến mái lợp bằng tranh. Quán cơm này ít khách du lịch mà chủ yếu là những người dân lao động Huế tới đây ăn. Tuy vẻ ngoài lụp xụp, nhưng tất cả mọi thức đồ đều được bày biện ngăn nắp, sạch sẽ trong tủ kính. Mỗi bát cơm có rau thơm, nửa muôi hến, giá, hoa chuối thái rối được phủ lên một ít cơm dưới đáy bát và dọn ra cùng với một bát canh hến nóng hổi.

3. Bún bò Huế

Bún bò gắn với tên Huế đủ để nói lên nét đặc trưng của món ăn này đối với vùng đất cố đô. Nước dùng của bún bò được hầm từ xương bò, cho thêm một ít chả heo hay chả bò. Người ta còn cho vào một ít mắm ruốc, tạo nên một hương vị rất riêng. Thịt bò thái mỏng, một miếng giò heo, ăn kèm với tiết luộc, rau sống, bắp chuối... bún sợi to và nhất là đừng quên một thìa ớt. Không cay thì không gọi là bún bò Huế nhé. Trong sân Hội Nhà báo, gần trường Hai Bà Trưng và Quốc Học có một hàng bún bò rất đông khách mỗi buổi sáng. Ngoài ra, bạn có thể ăn bún bò ở các phố như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Công Trứ...

4. Chè Huế

Chè Hẻm ở 27 Hùng Vương đã trở thành một địa điểm nổi tiếng ở Cố đô. Gần công viên Tuổi Trẻ cũng có một loạt các hàng chè di động, chiếu ánh đèn sáng rực cả một vỉa hè. Mỗi quán có khoảng hơn hai chục loại chè, đủ màu sắc được bầy trong các nồi nhôm. Người mua có thể chọn chè các vị hoặc thập cẩm với giá chỉ từ 10.000 đồng/cốc.

5. Đậu hũ (tào phớ)

Bạn nên ăn thử món đậu hũ mà người miền Bắc thường hay gọi là tào phớ khi đến Huế. Một trong những điều đặc biệt ở món ăn này ở Huế đó là phớ được nấu cùng với gừng. Đậu hũ không trắng muốt như ở Hà Nội mà hơi ngả màu vàng như màu của nước thắng đường và được xắt thành thừng lát mỏng như tờ giấy bồng bềnh trên mặt nước. Mùi thơm và hương vị cay cay của gừng khiến cho món ăn rất phù hợp vào những ngày đầu xuân lành lạnh.

6. Bánh khoái

Nếu hỏi những người đạp xích lô trên phố, người ta sẽ dẫn bạn tới cửa hàng bánh khoái ở đường Hồng Mai, ở gần ngã tư Đinh Tiên Hoàng. Nhưng so với những đĩa bánh bèo, bánh ram, bánh ít chỉ 20.000 – 25.000 đồng, thì một đĩa bánh khoái ở đây đắt gấp đôi. Bù lại nhân bánh đầy ắp, vỏ bánh vàng ruộm, giòn và nước mắm có đầy đủ vị: chua, cay, mặn, ngọt rất vừa. Nhúng miếng bánh vào nước chấm, cắn miếng bánh ngập răng mà không ngán. Chính vì vậy, khách ở đây lúc nào cũng đông. Những người phục vụ ở đây cũng rất nhiệt tình, khi ăn xong, họ sẽ gọi taxi đến tận nơi đón bạn hoặc ra vẫy xích lô đưa khách về.

7. Bánh canh Nam Phổ

Bánh canh của người Nam Phổ (huyện Phú Vang) nấu không giống với cách ở vùng khác, nhờ một bí quyết gia truyền. Để có những sợi bánh canh có mùi vị thơm ngon, người nấu phải chọn loại gạo đặc biệt, để ra sợi bánh mềm mà không nát, vừa thơm lại vừa khác biệt. Nước dùng cho bánh canh được làm từ cua, thịt nạc xay, tôm, sườn heo, chả, cùng với bí quyết riêng tạo cho bánh canh Nam Phổ có hương vị rất đặc trưng. Đó là màu vàng của gạch cua và tôm sền sệt, quánh lại trông thật hấp dẫn. Bánh canh Nam Phổ thường không có cửa hàng cố định mà chỉ bán ở các gánh hàng rong. Mỗi bát không quá 20.000 đồng.

8. Bún thịt nướng

Một trong những nét đặc biệt của món ăn này đó là nó không hề chan nước mà nước trộn cùng với bún là một loại nước tương đặc trưng của Huế, sền sệt có vị ngọt, rắc vừng. Thịt ướp gia vị, nướng thơm lừng, trộn với rau sống, giá, su hào, cà rốt. Làng Kim Long là nơi nổi tiếng với món ăn này. Bên cạnh bún thịt nướng, ở đây còn có món bánh ướt: bún, thịt nướng, rau thơm được quấn trong tờ bánh ướt mỏng tang, trắng nõn nà.





Ẩm thực Huế - nghệ thuật và văn hóa

Du khách đến Huế thường tìm đến những quán ăn đặc sản. Người ta tìm đến quán ăn không chỉ vì đã thấm đói sau những buổi du ngoạn, viếng thăm các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử Huế mà thú vị hơn là để tìm hiểu văn hóa của một vùng đất qua nghệ thuật chế biến món ăn và những triết lý về ẩm thực.

Ở Huế có hàng trăm món ăn, tạm được chia thành ba loại: ăn dân dã, ăn chay và ăn ngự thiện.

Những món ăn dân dã được chế biến từ những vật liệu thường ngày trong đời sống của nhân dân, được chế biến đơn giản chứ không quá cầu kỳ như các món ăn phục vụ tầng lớp quý tộc. Món ăn dân dã thì nhiều nhưng không có người Huế nào lại có thể quên cơm hến, bún bò giò heo, thịt luộc - tôm chua, bánh khoái, bánh bèo, nậm, ướt, bột lọc... Món dân dã nhưng khó quên nhất và rẻ nhất phải kể đến cơm hến. Có vị thực khách đã ca cẩm rằng cơm hến rẻ đến vô lý. Một tô cơm hến kể tất tần tật là 16 vị mà giá chỉ có từ 2000 đến 3000 đồng. Nào là hến, nước hến, ruốc, tương ớt, nước mắm, tỏi, bì lợn rang phồng, đậu phộng rang, muối, vừng, mì chính, các loại rau sống, bắp chuối thái nhỏ, tất cả trộn với cơm nguội (hoặc bún) thành một tổ hợp lộn xộn nhưng ngon đến không ngờ.

Ăn chay trước đây thường dành cho các vị tu sĩ Phật giáo. Các món ăn chay được chế biến từ thực vật tươi sống, phơi khô hoặc lên men như tương, chao, dưa chua... Gọi là ăn chay nhưng từ những nguyên liệu đơn giản, kiêng kỵ động vật, những người đầu bếp giỏi vẫn có thể chế biến thành những món ăn sang trọng hoặc theo kiểu ngự thiện. Món chay cũng có đủ các món như chả quế, chả cuốn, nem chua, thịt heo quay, thịt phay, gà xé bóp...nhưng nguyên liệu thì 100% thực vật. Có thể nói, ăn chay đã trở thành một đặc sản của Huế. Nghệ thuật chế biến các món ăn chay ở Huế trở thành một đỉnh cao là điều dễ lý giải. Huế đã từng là “thủ đô” của Phật giáo Việt Nam. Các chúa Nguyễn lấy Phật giáo làm Quốc giáo và cả Hoàng tộc nhà Nguyễn đều theo đạo Phật. Không những chỉ có nhà chùa ăn chay mà cả một tầng lớp quý tộc biết ăn chay và ngay cả các gia đình Phật tử mỗi tháng ít nhất cũng có hai ngày ăn chay cho nên các món chay ở Huế vừa phong phú vừa ngon và sang trọng.

Ngự thiện là những món ăn quý phái nhất của vua chúa, những bữa cơm thường nhật trong Hoàng cung, những bữa yến tiệc chiêu đãi sứ thần, khách quý. Hương Giang là nơi có nhiều loại hình dịch vụ này nhất. Tất nhiên là khách phải sẵn lòng, và đặc biệt là phải sẵn tiền vì chi phí cho một buổi dạ tiệc cung đình như thế này khá cao. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã biết khai thác loại hình dịch vụ này và lần đầu tiên đưa vào chương trình của Festival Huế 2000. Festival Huế diễn ra liên tục trong 12 ngày, tổ chức thành 4 tour, mỗi tour 3 ngày. Ngoài thưởng thức các chương trình nghệ thuật, tham quan di sản văn hóa còn có chương trình khám phá nghệ thuật sống của người Huế trong mỗi tour được thiết kế một buổi dạ nhạc tiệc ở sân điện Cần Chánh. Thực khách vừa thưởng thức trong ánh sáng đèn nến, đèn lồng mờ ảo của một đêm Hoàng cung vừa thưởng thức một chương trình tấu nhạc dân ca và nhạc truyền thống. Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã khai thác triệt để loại hình dịch vụ này với một tên gọi mỹ miều: “Đêm hoàng cung”. Thực đơn mỗi đêm dạ tiệc thường gồm 7 món đặc sản Huế, được các đầu bếp của các khách sạn nổi tiếng ở Huế thực hiện. Các món ăn được bày ra với sự bài trí hài hòa, đẹp mắt, chưa ăn đã thấy ngon, Rượu Bordeaux Pháp, Minh Mạng thang, bia Huda và thức nhắm đủ cho thực khách thưởng thức trong suốt 2h30 phút. Khách ngoại quốc rất thích thú với loại hình dịch vụ lạ và độc đáo này. Bữa cơm Huế trong không gian Hoàng thành huyền ảo, lộng lẫy sắc màu và du dương trong âm hưởng nhạc cổ truyền dân tộc đã gợi cho thực khách nhớ về một buổi dạ tiệc trong Hoàng cung xưa.

Bữa cơm Huế, dẫu là bữa cơm cung đình hay dân dã, được bài trí hài hòa, đẹp mắt. Các món ăn đước cơ cấu khoa học, hợp lý. Những món ăn khó tiêu như thịt, chả, cá được ăn ghép với rau sống, chuối chát, vả, dưa chua tạo cảm giác ngon miệng, vừa dễ ăn vừa dễ tiêu. Mùa nắng nóng thì có nhiều món ăn mát, bổ. Mùa lạnh thì tăng thêm các món ăn nóng và gia vị thích hợp như tiêu, ớt, hồi, gừng, tỏi.

Quả là nghề ăn cũng lắm công phu. Để có được những món ăn Huế đúng chuẩn mực, người nội trợ phải có vốn văn hóa về ẩm thực, biết đi chợ và phải có cả đôi bàn tay vàng. Món ăn Huế chưa đựng cả nghệ thuật, lịch sử và văn hóa trong nó.




Món ăn truyền thống của Hà Nội
Món ăn truyền thống của Hàn Quốc
Món ăn truyền thống của Ai Cập phong phú cực kì
Món ăn Giáng sinh truyền thống hấp dẫn
Món ăn của người đạo hồi
Đặc sản của Mộc Châu cho Tết cổ truyền




(st)