Món ăn truyền thống của người Chăm

Món ăn truyền thống của người Chăm. Người Chăm ở miền tây Nam Bộ sống tập trung ở cù lao Châu Giang trên sông Hậu, có những món ăn đặc sản rất độc đáo mà ít người biết đến. Ngoài món cari truyền thống nổi tiếng được phổ biến, người Chăm còn nhiều món ăn hấp dẫn khác.



Món Ga Pội

Giống như cari, thành phần chế biến gồm: cari, thịt bò, dầu dừa, dừa, dầu lạc và thật nhiều ớt chín. Món này được người Chăm chế biến thành một loại cơm rang như cơm Dương Châu trong các nhà hàng hay nấu như cari rồi ăn với cơm, bánh mì, bún.

Trong các đám tiệc của người Chăm, món này không bao giờ thiếu và được thực khách ưa thích nhất. Đặc biệt Ga Pội qua bàn tay chế biến nhà nghề của các bà, các cô nội trợ Chăm để lâu cả nửa tháng vẫn không thiu.

Món Pài Pa Ghênh (canh thính)

Món này bình dân, thường xuất hiện trong bữa ăn thường ngày của người Chăm. Gạo rang xay cho nhuyễn thành thính đem nấu chung với cari, cà pháo, đu đủ sống, củ cải, cà rốt... Khi chín, nêm vào hành, tỏi, bột ngọt và vài trái bứa. Bứa mềm dầm ra lấy chất chua và cho thêm ít mắm bò hóc (prahoc) của người Khmer vào cho đậm đà hương vị. Ai chưa ăn món này lần nào ăn vào sẽ cảm thấy ngờ ngợ, nhưng sau vài lần ăn sẽ đâm ra nghiện. Có thể ăn món này với bún và cơm, vừa no bụng lại khoái khẩu.

Đến thăm thị xã Châu Đốc, du khách qua đò Châu Giang và xã Châu Phong là đi vào thủ phủ của người Chăm miền Tây Nam Bộ. Có dịp tham gia lễ hội và thưởng thức các món ăn dân tộc của họ mới thấy được nền văn hóa dân tộc Chăm rất độc đáo.


Món ăn ngon của người Chăm

"...Món đầu tiên là dê nướng xiên. Thịt dê được ướp gia vị truyền thống của người Chăm có hương vị rất đặc biệt, đậm mùi sả và riềng, có vị cay. Món thịt dê luộc khá dân dã nhưng ăn không ngán nhờ phần da dòn.

Món thứ hai là rau sống ăn kèm với nước xúp cũng nấu từ nước luộc dê. Món thứ tư có thể ăn no là bún ăn với cà ri dê nấu cùng các loại khoai và nước cốt dừa, khá béo. Nếu như đồng bào Chăm ở Châu Giang (An Giang) có những món ăn đặc trưng, nổi tiếng nhất là món “tung lò mò” (lạp xưởng bò), món “ga pội” (giống cà ri), cơm nị – cà púa thì người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận có nhiều món ngon từ thịt dê, có lẽ ảnh hưởng nền văn hóa du mục.

Đặc biệt, người Chăm dùng trà như thức uống thông dụng và là một nghi thức tiếp khách, rượu chỉ uống trong những ngày lễ Tết. Đến tháp Pôsanư, du khách được thưởng thức loại rượu nấu từ nếp, mới uống thấy hơi lạt, không nồng như rượu gạo của người Việt, nhưng rất thơm. Ngoài ra, du khách cũng có dịp thưởng thức một số loại bánh làm từ bột gạo gói bằng lá chuối, đặc biệt là bánh gạo tấm và bánh gừng rất nổi tiếng của người Chăm vùng Ninh – Bình Thuận.

Tung lò mò - Món ăn độc đáo của người Chăm

 Ở An Giang, đồng bào Chăm có một món ăn lạ từ tên gọi đến cách chế biến, hấp dẫn tất cả những ai đã từng một lần thưởng thức. Đó là món tung lò mò.




Tung lò mò - Món ăn độc đáo của người Chăm

Theo tiếng Chăm “tung” nghĩa là ruột, “lò mò” là con bò, dịch ra tiếng Việt nghĩa là lạp xưởng bò. Với người Chăm, đó là một món ăn mang đậm bản sắc dân tộc. Còn với những thực khách, tung là mò thật sự là một món quà quý, ngon, lạ và bổ dưỡng.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, món ăn này gắn liền với một truyền thuyết của người Chăm.

Theo truyền thuyết, vào thời hỗn mang trái đất hoàn toàn tĩnh lặng. Cảm thấy buồn khi không có sự sống trên trần gian, thượng đế (Allah) đã sai sứ thần lấy bốn loại đất sét đen, trắng, vàng, đỏ tạo thành người đàn ông đầu tiên là Nabi Adam, có xác nhưng chưa có hồn. Sự xuất hiện của ông Adam đã làm cho ma quỷ lo sợ quyền uy của chúng sẽ bị mất. Chờ cho Adam ngủ mê, chúng mới kéo lại phóng uế lên người ông để làm nhục. Khi tỉnh dậy, ông thấy toàn thân thể mình là những thứ hôi thối, ông đau khổ và xấu hổ vô cùng. Thượng đế sai lấy nước thiên đàng tắm rửa cho Adam.

Trong quá trình tẩy rửa, những chất dơ bẩn trên thân thể Adam đã biến thành con heo, con chó. Sau khi tẩy rửa xong Adam có lời thề: "Heo và chó là kẻ thù của ta và con cháu ta sau này". ( hoidulich.com)

Chính vì thế, đối với người Chăm (theo Hồi giáo) thịt heo là thực phẩm cấm kị. Để thưởng thức món lạp xưởng, họ đã chế biến ra lạp xưởng bằng thịt bò - tung lò mò.

Món tung lò mò của người Chăm hấp dẫn mọi người bởi từ lúc chuẩn bị nguyên liệu cho đến cách chế biến rất lạ. Món lạp xưởng bò làm theo đúng gốc của người Chăm là lấy những phần thịt “tận thu” của con bò như lóc thịt bò vụn còn sót trên xương, mỡ bò và ruột bò. Tuy nhiên, để được tung lò mò ngon nhất, người ta phải lấy thịt bò ngon như: đùi, bắp hoặc thịt bò nạc lóc từ xương. Sau khi khủ mùi bò bằng rượu và gừng, thịt bò được loại bỏ hết gân và bầy nhầy thì xắt nhuyễn.

Tung lò mò - đặc sản của Chăm

Khi làm tung lò mò, thịt và mỡ bò phải theo tỷ lệ hai thịt một mỡ và mỡ bò dùng làm lạp xưởng là loại mỡ sa, mỡ chày vừa mỏng, vừa không nặng mùi như mỡ thăn. Sau đó, trộn đều hỗn hợp thịt với tiêu sọ, hoa hồi, một số gia vị thông thường và một loại gia vị bí truyền của người Chăm.

Ruột bò lộn bề trái, cạo, rửa nước muối thật sạch rồi lộn lại, phơi hơi se. Thịt trộn xong, để cho thấm, dồn vào ruột bò, thắt từng khúc dài khoảng 3 đốt tay, tròn cỡ ngón chân cái, phơi chừng 3 nắng là có thể dùng được. Tùng lo mò để càng lâu càng ngon.

Để món tung lò mò trở thành món ngon độc đáo, người Chăm còn cho vào đó một nguyên liệu đặc biệt - cơm nguội. Cơm nguội khi được lên men có vị chua lạ miệng cho người ăn.

Thưởng thức tung lò mò đúng điệu nhất chính là nướng trên than hồng. Tung lò mờ chín tới đâu ăn tới đó. Chúng ta sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, vị chua chua của cơm nguội lên men hòa cùng gia vị cay của ớt. Món tung lò mò phải ăn kèm với rau húng quế, ngò gai và đu đủ ngâm chua ngọt và chấm với tương phở đen, tương ớt thì mới cảm nhận được sự phối hợp gia vị thú vị của người Chăm.

Người Chăm thường làm tung lò mò để ăn chơi trong gia đình và đãi bạn. Ngồi quanh bếp lửa hồng nướng tung lò mò, vừa chín đến đâu ăn đến đó vừa trò chuyện người ta mới cảm thấy hết dư vị của món ăn này. Tung lò mò không chỉ là món ăn quý của văn hóa, độc đáo về ẩm thực mà còn chan chứ tình cảm của người Chăm.



Về món mắm pò hóc

Mắm pò hóc, gọi đúng là Prahoc, là món ăn truyền thống của dân tộc Khmer, có mặt trong mọi bữa ăn của họ. Nhiều người lầm tưởng mắm làm từ thịt bò do đồng âm. Thực tế, mắm pò hóc làm bằng cá lóc, cá bông, cá tra, cá ba-sa... đều đậm đà hương vị. Bà con Khmer thường làm bằng loại cá còm dài hơn gang tay, thịt thơm ngon.

Muốn có mắm pò hóc ngon, người Khmer làm con cá cắt bỏ đầu, bỏ đuôi, cho cá vô sọt, dùng chày đập vô sọt cho thịt cá mềm ra, đem rửa sạch, giằn dưới vật nặng cỡ 5kg (có thể giằn dưới cối đá) vài ngày cho cá ươn, dậy mùi mới đem trộn chung với muối, tẩm thính (loại gạo rang vàng, thơm, xay nhuyễn), sắp xếp vào lu hay khạp khoảng 5 tháng, cá lên màu, là đem ra sử dụng.

Các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng-Bạc Liêu... nơi tập trung đông đảo dân tộc Khmer, vẫn duy trì loại mắm pò hóc, khi ăn kèm với chuối chát, khế, lá lốt, lá lụa, rau thơm để bớt nặng mùi của mắm pò hóc. Nhưng ăn vài lần sẽ ghiền?.

Loại mắm pò hóc không có bán rộng rãi ngoài thị trường, nhưng vào nhà người Khmer nào cũng có, như dân ta bữa ăn nào cũng có nước mắm chấm cho đậm đà.

Mắm nêm và mắm cá lòng tong của người Chăm


Miền Trung là cái nôi của loại mắm nêm. Càng không thể không nhắc đến đặc sản Chăm, với thói quen dùng mắm của cộng đồng dân tộc này.

Mắm nêm được làm từ nhiều loại cá biển khác nhau. Cá được ướp muối, lên men. Cách chế biến khá đơn giản. Cá cơm tươi được rửa sạch để ráo, tỉ lệ 3 cá 1 muối, nếu thích mặn, còn nếu ưa nhạt, là 4 cá 1 muối. Hai thứ trộn lại mang ủ trong hũ từ 20 ngày đến một tháng cho cá chín trong vị muối, là có thể dùng được. Có hai cách dùng: Dùng ở dạng nguyên con và dùng khi mắm đã thành nước. Với người Chăm, cá ưa dùng để chế biến là lá cơm, và dạng thích hơn cả là dạng ăn nguyên con. Dạng nguyên con cũng có hai cách thường dùng: Mắm được vớt lên đem nấu chín. Nhưng dạng phổ biến hơn cả là ăn “sống”, phổ biến nhưng rất khó xơi. Khó hơn cả là ở mắt nhìn, tay làm và cả óc phán đoán tiết trời thích hợp. Ví dụ, nếu cho nhiều muối thì mắm mặn khó ngon, còn cho ít muối thì mắm thối, bỏ đi. Ở đây kinh nghiệm là rất quan trọng.

Bên cạnh mắm nêm, người Chăm còn sở hữu một loại mắm đặc biệt, đó là mắm cá lòng tong. Khác với mắm nêm, đây là loại mắm làm từ cá nước ngọt. Lòng tong là loại cá con, nhỏ như cá cơm nhưng sống ở vùng hạ lưu. Mỗi khi mùa mưa về, sông, suối ao hồ hay kênh mương đầy nước, cá xuống theo dòng nước và hay tụ thành đàn nhỏ. Người Chăm ở Bình Thuận và Ninh Thuận hay rủ nhau đi bắt cá lòng tong về làm mắm dùng hoặc mang ra chợ bán.

Cá lòng tong sau khi bắt về, người ta bóp nặn cho hết mấy chất bẩn trong bụng cá, sau đó rửa sạch. Cá được trộn với muối, thêm nắm gạo rang  hay bắp rang giã nhỏ thành bột và trộn lẫn với nhau. Sau đó tất cả được cho vào chum để ủ. Phía trên phủ kín bằng miếng lá, xong mới đậy nắp lại. Tùy vào tỷ lệ mặn nhạt của mắm lòng tong trong từng vùng khác nhau mà người Chăm định mức ngày dùng. Có thể từ 10 đến 15 ngày, không hơn. Khác với cách chế biến mắm nêm, làm được chum mắm cá long tong ngon, còn khó hơn nhiều, vì đó là sự kết hợp giữa mặn (muối) và ngọt (cá). Do đó không ít gia đình khi có cá, đã phải nhờ đến người có tay nghề cao trong làng giúp đỡ. Khi đã thành mắm, thì chế biến ra món ăn rất dễ. Me, hành, ớt, đường được giã nhuyễn đem trộn với mắm. Ăn kèm với mắm cá lòng tong thường là dưa leo, cà tím, khế chua thái nhỏ, bánh tráng nướng.

Ngày nay, ở làng quê Chăm ít tìm được mắm nêm đặc trưng. Chỉ có các gia đình “kén ăn” lắm mới tự chế biến, còn hầu hết đều ra chợ mua mắm người đằng quê mà dùng. Không vấn đề gì cả! Riêng với món mắm cá lòng tong thì tuyệt đối họ phải “sản xuất”. Đó là đặc sản Chăm không thể thay thế. Sinh viên vào thành phố Hồ Chí Minh cũng được mẹ gửi vào vài hũ mắm dự phòng. Bà con sống tận Mỹ, Pháp… về thăm quê, khi về cũng phải thủ vài hũ lớn để “ngửi” mùi quê hương. Thế mới ra… Chăm!


Cơm nị - cà púa, món ăn truyền thống của dân tộc Chăm Châu Giang


Về An Giang, một tỉnh đầu ngồn sông Cửu Long, người ta hay nhắc đến những làng Chăm bên dòng sông Hậu. Cộng đồng dân tộc Chăm Châu Giang cuốn hút kỳ lạ bởi ngôi làng mang kiến trúc độc đáo và nét văn hóa ẩm thực đặc sắc. Cơm nị - cà púa là món ăn độc đáo, thể hiện văn hóa ẩm thực đa dạng của người Chăm Châu Giang.

Món ăn là sự kết hợp lạ nhưng hài hòa của cơm nị và cà púa, tạo nên hương vị truyền thống của ẩm thực nơi đây. Cơm nị được nấu rất khéo. Gạo sau khi đã tuyển chọn, vò sạch, cho một chút muối rồi xả sạch. Đổ gạo ra rổ lớn, lắc cho bớt nước, để cho gạo ráo. Sau đó xào bơ cùng nụ đinh hương, quế cho dậy mùi thơm rồi đổ gạo vào xào săn cho thấm. Gạo sau khi xào xong trộn cùng bột hạt điều đã rang sẵn.

Đổ gạo vào hỗn hợp nước bao gồm muối, đường, bột ngọt, cà ri đã quấy đều, đem nấu. Khi cơm gần chín rưới nước cốt dừa hoặc sữa vào nồi rồi nấu tới khi chín hẳn. Không cho nước dừa và sữa vào từ đầu vì sẽ làm cơm dưới đáy nồi dễ bị cháy khét, không ngon. Để tăng khẩu vị, người Chăm Châu Giang còn cho thêm nho khô trộn cùng cơm.

Cà púa lại được người Chăm chế biến từ thịt bò. Để món cà púa ngon, người ta khử mùi thịt bò bằng cách đổ rượu và gừng vào. Sau đó chọn quả dừa bánh tẻ đem nạo sợi nhỏ, một nửa để thắng nước cốt dừa, một nửa để rang vàng. Bắc chảo nóng, cho thịt bò vào xào cùng dừa khô, cà ri tự chế biến theo khẩu vị, ớt muối. Sau khi thịt bò thấm đều, rưới nước cốt dừa rồi hầm cho thịt thật mềm. Cuối cùng trộn đều thịt bò cùng dừa nạo, hành củ. Rắc đậu phộng rang giòn lên trên.

Thưởng thức cơm nị - cà púa, cảm nhận được vị ngọt béo của sữa, bùi bùi của đậu phộng, vị ngọt của thịt bò, nho khô, cay nồng của ớt, mang lại cảm giác thơm ngon, lạ miệng. Cơm nị và cà púa kết hợp, bổ sung cho nhau tạo hương vị độc đáo trong cách thưởng thức ẩm thực cầu kỳ của ẩm thực Chăm Châu Giang.





Món ăn truyền thống của Malaysia -
Món ăn truyền thống của Hàn Quốc
Món ăn truyền thống của Hà Lan
Món ăn truyền thống của Italia -
Món ăn truyền thống của Indonesia
Món ăn truyền thống của Huế -
Món ăn truyền thống của Hải Phòng




(st)

Thuyết minh canh bồi của người chăm
hơn 1 tháng trước - Thích
Gửi hỏi đáp - bình luận