Cách giao tiếp của người Hà Nội thanh lịch, nho nhã
Cách giao tiếp của người miền Bắc
Hướng dẫn học thủ ngữ khi tiếp xúc với người khiếm thính
Mèn mén
So với một số dân tộc vùng cao như Tày, Nùng, La Chí… thì người H’Mông không chỉ giỏi về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngô mà họ còn rất giỏi trong việc chế biến ngô thành nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn. Một trong những món ăn phổ biến và đặc trưng nhất là mèn mén.
Để chế biến món mèn mén người H’Mông thường sử dụng các giống ngô địa phương rất dẻo và thơm. Các giống ngô lai, ngô hàng hóa không làm được món này. Ngô sau khi thu hoạch về được tách lấy hạt, rồi đem xay, dùng sàng lọc bỏ các hạt ngô to và vỏ ra ngoài. Trước đây, phần lớn các gia đình H’Mông đều dùng cối đá hai thớt chồng lên nhau để xay ngô nên mất rất nhiều thời gian. Công việc này chủ yếu do những người phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm. Sau khi bột ngô đã được xay nhỏ người nấu sẽ tính toán lượng bột sao cho vừa đủ với bữa ăn của gia đình rồi cho một ít nước vào đảo đều cho bột ngô ngấm nước. Đây là công đoạn quan trọng, người chế biến phải tính toán cho lượng nước vừa đủ để bột ngô không bị khô hoặc bị nhão sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và hương vị của món ăn.
Nồi mèn mén
Bột ngô sau khi được đánh tơi cho vào một chiếc chõ đồ bằng gỗ rồi bắc lên chảo đun. Mèn mén bao giờ cũng được đồ hai lần. Đồ lần thứ nhất nhằm để hơi nước dưới chảo bốc lên để ngấm đều bột ngô, đồng thời làm bột ngô nở ra. Thời gian đồ lần thứ nhất khoảng 20 - 30 phút, khi nắp chõ bốc hơi và khi mở ra thấy bột ngô trong chõ đã ngấm đều nước thì họ bắc xuống đổ ra nia để nguội dần rồi dùng tay đảo đều cho bột ngô thật tơi với tác dụng để khi đồ hơi nóng sẽ tỏa đều các góc để bột ngô chín đều, đồng thời tạo độ dẻo và thơm cho món ăn. Sau đó đổ vào chõ đồ lần thứ hai. Bếp sao cho vừa đủ nhiệt cần thiết, không đun to quá hoặc nhỏ quá. Thời gian đồ lần thứ hai kéo dài hơn một tiếng, đến khi thấy mùi thơm bốc ra, kiểm tra thấy bột ngô trong chõ dẻo, mềm thì bắc chõ ra ủ khoảng 30 phút rồi mới bỏ ra dùng. Mèn mén khi chín có hương vị thơm ngọn đậm đà. Do là món ăn khô nên mèn mén thường được ăn với một số món canh như rau bí đỏ, rau cải, canh su su, nước thắng cố... tạo hương vị thơm ngon, đậm đà.
Còn một món nữa nếu ăn mèn mén không có nó thì mất cả ngon đó là ớt nướng, do điều kiện thời tiết ở vùng cao rất giá lạnh nên người H’Mông ăn ớt để chống rét, ớt càng cay càng tốt, đúng vị nhất phải là ớt thóc, quả nhỏ xíu như hạt thóc, đem nướng lên giã với muối, ăn cùng với mèn mén cứ gọi là ngon tuyệt.
Ngày nay, khi cuộc sống của người H’Mông đã sung túc đầy đủ hơn, mèn mén đã không còn là món ăn chính trong bữa ăn hàng ngày nhưng mỗi dịp lễ, tết trong mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên mèn mén là món ăn không thể thiếu được.