Món ăn truyền thống của người Mường

Món ăn truyền thống của người Mường. Ẩm thực của người Mường rất đặc sắc và độc đáo, ẩn chứa nhiều giá trị tinh thần, vừa đơn giản, mộc mạc lại vừa hài hòa, bổ dưỡng, góp phần đem lại sự tự hào cho con người và vùng đất nơi đây.


Hòa Bình là cái nôi phát sinh nền văn hóa Hòa Bình, đây cũng là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mường với các vùng Mường “nhất Bi, nhì Vang, tam Thành, tứ Động”. Văn hóa Mường là nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, gắn liền với thiên nhiên và con người nơi đây.

Đối với cư dân Mường ở Hòa Bình, nền kinh tế của họ chủ yếu là nông nghiệp, là canh tác lúa nước. Do vậy, sau mỗi mùa thu hoạch, người Mường thường dùng cơm nếp đồ lên thành xôi để tạ ơn thần linh. Không những thế, cơm nếp còn là thức ăn được sử dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân bởi vì khi đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn thực phẩm chưa nhiều, cơm nếp đồ lên rắc một ít muối vừng vào là có thể ăn ngon lành và có thể mang theo để ăn trưa khi đồng bào đi làm cả ngày ở trên nương.

Đối với người Mường, ẩm thực không đơn thuần là đồ ăn thức uống mà chứa đựng trong đó là cả một nền văn hóa lâu đời. Trong khi chế biến cũng như trình bày các món ăn, màu sắc của nguyên liệu rất được chú trọng.

Ví dụ nước chấm lòng cá cho món rau đồ có sự kết hợp của nhiều loại nguyên liệu nhiều màu sắc như: màu vàng của gừng, màu đỏ của ớt, cà chua, màu trắng của mẻ, màu xanh của rau ngổ, rau răm. Kết hợp như vậy không những tạo ra tính hấp dẫn cho món ăn mà sự kết hợp đó dựa theo nguyên tắc hài hòa âm dương, lòng cá vốn mang tính hàn (lạnh) dễ đau bụng nên lấy tính dương (nóng) của ớt, gừng để át tính hàn, bên cạnh đó rau ngổ và rau răm có vị thơm nồng có thể khử mùi tanh nhưng lại dễ bị mất màu ở nhiệt độ quá cao cho nên khi chưng chín lòng cá cùng với gia vị, gừng, ớt nhấc ra khỏi bếp múc ra bát rồi mới cho rau vào vừa giữ được màu lại không bị nồng, nhìn rất hấp dẫn.

Cách trình bày món ăn truyền thống của người Mường cũng rất độc đáo. Trong mâm cỗ lá chuối các loại thức ăn được bày theo hình tròn. Trong cùng sẽ là lòng, tim, gan lợn đã luộc chín tiếp theo là thịt nướng và chả lá bưởi và vòng ngoài cùng sẽ là thịt luộc. Thịt nướng thường được tẩm riềng, sả, mẻ, bột nghệ nên có vị ngậy và thơm, khi thịt luộc và lòng luộc hút mỡ đó thì hương vị của gia vị chín hòa quện vào làm cho món ăn ngon hơn, hấp dẫn hơn. Do khẩu vị của các món ăn khác nhau cho nên ăn món luộc trước món nướng bao giờ cũng cảm thấy ngon miệng hơn vì món luộc bao giờ cũng vừa miệng chứ không đậm đà như món nướng.

Nói như vậy không có nghĩa là người Mường ăn hết món luộc ở vòng ngoài rồi mới ăn đến món nướng ở vòng trong mà vì trong văn hóa ăn uống của người Mường, phần lòng và gan bao giờ cũng là phần ngon nhất cho nên người ta thường gắp cho nhau những miếng gan để tỏ lòng thơm thảo.

Xung quanh vòng tròn lá chuối thường có hai bát canh xương lợn nấu với bí xanh hoặc thân cây chuối và hai gói xôi đặt đối xứng nhau tạo thành bốn góc của hình vuông. Rõ ràng là một sự bố trí đơn giản, hợp khẩu vị mà vẫn thể hiện được tín ngưỡng dân gian “trời tròn đất vuông”. Tuy nhiên mỗi một vùng lại có cách bài trí riêng không nhất thiết phải sắp xếp theo một khuôn mẫu chung.

Trong quan niệm ăn uống của người Mường cũng rất đặc biệt, họ kiêng xới cơm một lần vì theo họ cơm xới một lần để dành cho ma. Nhưng ngày thường mà họ thịt gà thì họ dặn con cái không được nói to không phải sợ hàng xóm nghe thấy mà họ sợ ma quỷ nghe thấy, chúng sẽ làm cho cả nhà đau bụng. Đặc biệt là khi tra hạt dổi vào trong các món ăn, bao giờ cũng tra số lẻ (nhiều ít tùy theo số lượng thức ăn) chứ không phải là số chẵn vì tra số chẵn thì sẽ mất vị thơm và cay của hạt dổi.

Nếu người Kinh nấu món cá với măng chua thường rán vàng cá lên cho đỡ tanh và thơm rồi mới cho măng vào nấu kết hợp với rau mùi tàu thì người Mường lại chế biến theo cách khác mà vẫn thơm ngon. Họ không rán cá mà đun khô hết nước lã trên mình con cá rồi đổ vài giọt rượu vào nồi và châm lửa đốt để khử tanh, sau đó cho măng chua và gia vị vào đun chín, nhắc ra khỏi bếp thì cho thêm rau mùi tàu và ba hoặc năm hạt dổi, cá vừa không tanh mà thịt lại ngọt.

Hiện nay, ẩm thực của người Mường đã mất dần đi tính nghi thức và tính biểu tượng truyền thống, mang những nét mới của cuộc sống, lối sống và phong cách sống hiện đại nhưng không vì thế mà mất đi tính văn hóa. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trên phải luôn được đề cao và cần thiết./.


Một số món ăn độc đáo của người Mường

 

Mâm cỗ truyền thống trong các dịp lễ, tết của người Mường.

 Trải qua thời gian dài lịch sử hình thành và phát triển, người dân tộc Mường (Hoà Bình) ngày càng biết cách sống cùng thiên nhiên, tận dụng tiềm năng của nó phục vụ đời sống con người. Họ phát hiện ngày càng nhiều về nguồn thức ăn có sẵn trong thiên nhiên và tìm cách chế biến hợp khẩu vị, bồi dưỡng… Dưới đây là một số món ăn đặc trưng cho văn hóa ẩm thực phong phú của dân tộc Mường.

- Nước chấm ớt:

Ớt nướng giã với củ kiệu, sau đó lấy đầu gà, tiết gà, ruột gà giã tiếp cho nhuyễn rồi trộn với ít rau thơm thái nhỏ thành món nước chấm ớt Mường cổ truyền. Món này dùng để chấm thịt luộc rất ngon.

- Đĩa quéch:

Gồm tai lợn, đuôi lợn, mảng đầu mũi, đầu lưỡi là bốn bộ phận tượng trưng cho cả con lợn. Món này được làm trong dịp cúng cơm mới. Trước khi ăn phải để lên bàn thờ cùng tổ tiên.

- Ngách lưỡi:

Gồm thủ lợn, tai, lưỡi lợn được thái thành sợi trộn với óc lợn, sau đó trộn với gừng già và lá hẹ cắt nhỏ. Món này có đủ các vị cay, thơm, béo rất hấp dẫn.

- Ốc cá:

Được làm bởi cá chép xắt khúc, xếp bên cạnh sợi mày bương, sợi gừng, miếng sả, bọc ba lần lá chuối đem đồ kỹ rồi vớt ra. Trong lá chuối đọng nước cá đồ là thứ nước chấm rất thơm ngon có mùi gừng, mùi cá, mùi lá, mùi mỡ.

- Loọng:

Xương trâu hay xương lợn vẫn còn mỡ, gân, thịt thô đem ninh với lõi mềm của thân cây chuối thái ngang. Món này làm khi nhà có việc lớn, đông khách như hiếu hỉ.

- Pẻng năng (bánh nẳng):

Dân tộc Mường có một loại bánh được lưu truyền từ xa xưa, cách làm công phu và chỉ có ở Hoà Bình. Bánh được làm như sau: lấy cây mận và cây đu đủ rừng phơi khô, đốt thành tro, sau đó lắng lấy nước trong; hoà nước vôi, gạn nước vôi trong rồi đem đổ lẫn vào nước tro.

Lấy lá trầu nhúng vào nước đã chế, vớt ra cho vào miệng nhai rồi nhổ bọt nước thấy đỏ như trầu têm thì đổ gạo đã vo sạch vào ngâm. Sau 6 tiếng, vớt gạo ra gói như gói bánh chưng (gói nhỏ vừa ăn), xong bỏ vào nồi luộc khoảng 10 tiếng rồi vớt ra, treo lên.

Bánh có màu xanh như ngọc, khi ăn sẽ cảm thấy một vị mát tuyệt với, có rất nhiều hương hoa, hương lá lan toả khắp cơ thể con người.

Bánh làm vào dịp Tết dùng để cúng tổ tiên, nhằm tỏ lòng thành kính và chứng tỏ sợ trong xanh của núi rừng.

-Pẹng goẹng:

Nguyên liệu chính là bột ướt làm từ gạo tẻ, nhân rắc vào bột ướt là cá con (bắt ở ao, suối) băm nhỏ đã được đảo qua đảo lại nhiều lần trên chảo. Sau đó, bánh được gói bằng lá chuối đem luộc cho đến chín. Bánh này thường được làm trong dịp giỗ chạp, hội hè.

-Cá ướp chua:

Cá ướp chua là món không thể thiếu được trong những ngày Tết của người Mường. Để có được một hũ cá chua (pe cá tưa). Cách làm rất cầu kỳ: Đem cá mổ bụng moi ruột rửa sạch, bỏ đầu và đuôi, con nhỏ cắt thành hai, ba khúc, con to cắt thành miếng bằng hai, ba ngón tay. Sau khi cá ráo nước thì đổ vào chậu hay sanh sạch, rắc muối hơi đậm một chút, thêm vào một ít cơm nguội, một ít men rượu (tùy theo lượng cá). Tất cả trọn đều rồi cho vào hũ, lấy lá chuối tươi hơ lửa bịt kín miệng hũ và lấy lạt buộc miệng hũ thật kín. Thường xuyên kiểm tra, nếu lá rách, hở thì phải lấy lá khác bịt thêm vào đó. Khoảng mươi, mười lăm ngày mở hũ ra xem. Nếu cá có mùi chua thì bỏ “xỉnh” (thỉnh) vào, nếu chưa có mùi thì lấy muối hòa nước ấm đổ vào để gần lửa. Rang ngô nếp hạt giã nhỏ để nguội. Riềng rửa sạch thái lát, giã nhỏ. Hành cắt dài rửa sạch. Đổ cá ra, trộn đều các gia vị nói trên rồi lại bỏ vào hũ, lấy lá chuối bịt kín, buộc chặt miệng hũ. Lấy tro nhào với nước trát lên trên miệng hũ cho thật kín.

Cá ướp chua để bao lâu tùy theo chủ nhà. Tuy nhiên có một số cách thưởng thức cá ướp chua như sau:

  • Cá ướp chua để từ 3- 6 tháng: ăn ngay không cần qua chế biến.

  • Cá ướp chua gói vào lá cây thầu dầu (lá bánh tẻ) kẹp vào que tre rồi nướng bằng than củi.

  • Cá ướp chua đem nấu canh.

  • Cá ướp chua làm bánh và cơm “chộp hông”.



Món thịt chua của người Mường



Vị chua của thịt, vị bùi của thính ngô, vị chát của lá sung để lại dư vị không thể quên đối với những ai đã một lần được thưởng thức món thịt chua Thanh Sơn - Phú Thọ.

Để có được món thịt chua hấp dẫn người ta dùng thịt ba chỉ, thịt mông sấn, thịt nạc vai, nạc thăn đã được sơ chế sạch của loại lợn lửng.

Thịt sau khi đã được làm sạch, thái miếng ướp một chút muối gia vị, cho trộn đều với thính (được làm từ hỗn hợp ngô, gạo, đậu xanh, đỗ tương rang vàng xay nhỏ) sao cho bột thính bám thật đều trên bề mặt các miếng thịt.

Công đoạn tiếp theo là chuẩn bị những ống nứa to rửa sạch, để khô, lót lá ổi xuống dưới rồi cho thịt đã được ướp thính vào, đậy lớp lá ổi lên trên bề mặt và nút chặt miệng ống lại. Thịt được lèn chặt bằng những nẹp tre gài chéo nhau. Vậy là ngay từ khâu ủ, thịt chua đã ngấm vị, ngấm hương của cây, lá núi rừng. Treo ống thịt ở những nơi cao ráo, thoáng đãng. Sau 5 – 7 ngày đem xuống là ăn được.

Khi ăn, miếng thịt khô, tơi, chua, ngọt, thơm ngậy vừa miệng. Khi ăn thịt chua người ta thường ăn kèm với các loại lá như: lá sung, lá ổi, lá mơ, lá đinh lăng, rau thơm… chấm kèm với tương ớt, thêm chút hạt tiêu… sẽ cảm nhận được hết hương vị độc đáo, mới lạ từ món ăn đem lại. 

Sau tết, gia đình nào cũng có thịt chua và đây là món ăn mà bất kỳ phụ nữ Mường nào cũng biết làm. Đậm đà hương vị cây lá núi rừng, thịt chua đã trở thành món ăn truyền thống của người Mường Thanh Sơn.

Dịp tết, mỗi gia đình Mường thường “thịt” riêng một chú lợn béo tròn để làm các món ăn. Do có quá nhiều thịt lợn cho mấy ngày này nên người Mường xưa đã sáng tạo ra món thịt chua như một phương pháp bảo quản số thịt chưa dùng đến.

Những ống thịt chua chính là món quà thú vị và ý nghĩa mà các bà, các mẹ đem cho con cháu, tặng biếu bạn bè mỗi dịp tết.


Hấp dẫn món "nhái đồ" của người Mường xứ Thanh

Nhắc đến những món ăn dân dã mang hương vị đồng quê, nhiều người không thể bỏ qua các món ăn được chế biến từ thịt nhái. Từ thịt nhái, người Mường xứ Thanh cũng có một món ăn đặc sản: “nhái đồ”.

Đối với những ai từng một thời gắn bó với ruộng đồng thì những kỉ niệm ấu thơ gắn liền với con cua, con ốc, con nhái… sẽ không thể nào quên. Đó là những buổi sớm tinh mơ hay những chiều tối theo chân các ông, các bố ra đồng bắt nhái, hay hình ảnh lũ bạn đùa nhau ríu rít cùng bắt nhái... Với một dụng cụ đơn giản là chiếc giỏ đựng nhái, hay đôi khi thêm chiếc đèn pin lúc trời tối là có thể bắt đầu việc bắt nhái.

Hình ảnh tuổi thơ ra đồng mò cua, bắt nhái luôn để lại kỉ niệm khó quên

Âm thanh đồng quê cứ rộn ràng náo nức với tiếng gió vi vu, tiếng côn trùng kêu, tiếng ếch, tiếng nhái. Một bản hòa ca của ruộng đồng lúc trầm lúc bổng mà nếu không tập trung, bạn khó lòng phát hiện đâu là tiếng nhái. Phải tập trung lắng nghe, định hướng chính xác và nhanh như cắt, dùng tay chụp mạnh là chú nhái sẽ nằm gọn trong tay. Từng con, từng con một sẽ bị thu phục vào trong chiếc giỏ. Và với một giỏ nhái mới bắt được hứa hẹn sẽ là những món ăn vô cùng hấp dẫn.

 

Từ thịt nhái có thể chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn

Thịt nhái có thể được chế biến làm nhiều món ăn hấp dẫn như chả nhái, nhái chiên giòn, cháo nhái, nhái nướng… Đây là những món ăn đã trở nên quen thuộc với người dân Việt. Nhưng có lẽ ít người được thưởng thức món “nhái đồ” – món ăn độc đáo của người Mường xứ Thanh. Bởi lẽ chỉ khi tiếp đãi khách quý thì đồng bào nơi đây mới dùng món này.



Rượu cần thơm ngon của người Mường

Posted on Jun - 13 - 2013

Những vòrượu cần chất lượng là phải đổ nhiều lần nước mà vẫn giữ được vị ngon ngọt, thơm nồng. Nếu có thể dùng loại nước suối trong vắt lấy từ các khe sâu trong núi để chế rượu thì quả là rất tuyệt vời. Nước suối mát lạnh ngấm vào men tạo ra thứ rượu có mùi vị thật đặc biệt. 

Rượu cần từ lâu đã đi vào đời sống sinh hoạt của người Việt như một nét văn hóa đặc sắc dân tộc. Tùy theo vùng miền mà loại rượu này có các công thức làm khác nhau. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất và đậm nét văn hóa nhất chính là rượu cần của người Mường ở Hòa Bình. Tuy nhiên theo biến thiên thời gian và mục đích thương mại hóa mà công thức làm rượu cần nơi đây đã không còn giữ được nguyên vẹn như những ngày xưa nữa. Hiện nay phải tìm tới những bản làng xa xôi của người Mường, nơi mà người dân làm rượu chủ yếu để uống chứ chưa vì mục đích kinh doanh thì mới có thể tìm được những vò rượu cần được làm theo lối cổ.

Bà Ngoan đang thử một vò rượu cần đã ủ được 3 tháng

Lên rừng truy tìm “linh hồn” của “báu vật”

Vào một ngày giữa tháng Tám, chúng tôi ngược Hà Nội về Hòa Bình – cái nôi văn hóa của người Mường để tìm hiểu về công thức làm rượu cần cổ của người dân tộc Mường. Theo quan sát của PV, dọc theo Quốc lộ 6 qua các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn có rất nhiều các cơ sở sản xuất rượu cần. Tuy nhiên, các vò rượu bày bán la liệt nhưng hầu hết ở đây chủ yếu là sản xuất theo dây chuyền công nghệ, rất khó để tìm được một nghệ nhân nắm bắt được công thức nấu rượu từ ngày xa xưa. May mắn đến với chúng tôi khi tìm được gia đình bà Bùi Thị Ngoan, một gia đình có truyền thống làm rượu cần lâu đời ở xóm Đóng (xã Phong Phú, huyện Tân Lạc). Ngay từ đầu xã Phong Phú, khi hỏi về rượu cần, chúng tôi đã được người dân tận tình chỉ tới nhà bà Ngoan. Họ nói rằng: “Ở đây chỉ có rượu nhà bà Ngoan là ngon nhất. Tuy mỗi năm bà chỉ làm một vài vò và không quảng cáo nhưng bà con tự truyền tai nhau, khách gần xa tìm đến mua nhiều lắm”.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về công thức nấu rượu cần gia truyền của gia đình mình, bà Ngoan khiêm tốn: “Cũng chẳng có bí quyết gì riêng đâu. Tôi vẫn làm theo các công thức mà mẹ chồng đã chỉ dạy, không thay đổi hay thêm bớt thứ gia vị gì cả”. Bà Ngoan sinh năm 1965, đã 20 năm trực tiếp làm rượu cần. Công thức đồ rượu cần của bà được mẹ chồng truyền lại từ khi mới về làm dâu. Theo truyền thống của người Mường thì trong các gia đình gia truyền làm rượu cần, công thức làm rượu sẽ được truyền lại cho những người con dâu để lưu giữ cho các đời sau. Những người đàn ông trong nhà thì hầu như không hề biết công thức cũng như không tham gia vào việc làm rượu.

Với kinh nghiệm làm rượu cần 20 năm, bà Ngoan cho biết, thứ quan trọng nhất quyết định rượu ngon hay không chính là men rượu. Điều này với rượu cần thì càng quan trọng hơn. Men rượu giống như linh hồn của vò rượu vậy. Thứ men ngon nhất từ trước tới nay mà bà biết được đó chính là men lá, một loại men chế biến từ lá cây trên rừng. Loại cây này được người Mường gọi là cây “trơ trẳng”. Bà Ngoan cũng không biết dịch ra tiếng Kinh là gì nữa. Đây là loại men này rượu rất thơm, ngọt mà lại tốt cho sức khỏe.  Chúng tôi nhìn qua thì thấy loại cây làm men này giống như cây Xạ đen có tác dụng điều trị ung thư – một loại cây cũng phổ biến ở các vùng núi cao Hòa Bình. Không chỉ là nguyên liệu làm men rượu mà cây “trơ trẳng” khi phơi khô dùng để đun nước uống cũng rất mát và thơm.

Bà Ngoan cho biết, trước đây, các gia đình người Mường làm rượu cần thường lên rừng tìm lá cây “trơ trẳng” và vỏ cây gỗ mun để tự chế tạo lên men rượu. Lâu dần, có người chuyên làm loại men này bán, người làm rượu chỉ cần mua về dùng luôn. “Loại cây trơ trẳng thường mọc trên những khu rừng núi cao như trên đỉnh Lũng Vân, rất khó tìm. Vì vậy sau khi mẹ chồng già yếu không thể làm rượu được nữa nên bà Ngoan phải mua lại men lá từ một bà cụ chuyên làm men ở dưới chân núi Lũng Vân. Được biết, bà cụ này được gọi là “phù thủy” của men lá. “Lão phù thủy” này là một trong những người làm là chuẩn nhất ở mo Mường. Bà Ngoan thường đi mua men một lần rồi để dùng cả năm vì men lá để được mấy năm liền chứ không như loại men bột người ta bán ở chợ chỉ để được vài tháng.

Cây “trơ trẳng” – loại cây làm ra thứ men lá thơm ngon, có lợi cho sức khỏe của người Mường

Sự tinh tế, tỉ mỉ của người phụ nữ

Để có những vò rượu cần chất lượng phải trải qua rất nhiều công đoạn. Những công đoạn ấy chỉ những người phụ nữ chịu thương chịu khó, cẩn thận, tỉ mỉ mới làm được. Với các công đoạn: Ngâm gạo, rửa trấu, đồ rượu, ủ men, cho vào vò… tốn thời gian, đòi hỏi sự kiên nhẫn. Làm rượu cần trở thành một công việc khó ưa đối với cánh đàn ông. Chính vì vậy mà người phụ nữ Mường đã mặc nhiên trở thành những người cầm giữ công thức nấu rượu cần truyền thống của gia đình. Nguyên liệu đồ rượu cần gồm gạo nếp, trấu và men rượu. Gạo nếp được ngâm qua một đêm để mềm, trấu thì phải rửa thật sạch, phơi khô sau đó trộn đều tất cả gạo, trấu với nhau cho vào đồ (đun lên). Sau khi đồ chín gạo thành cơm thì cho ra để nguội rồi mới trộn men vào và tiếp tục ủ một đêm để lên men (để men rượu ngấm hết vào cơm, trấu).

Bà Ngoan cho biết, khi lên men thành công tức là đã đến công đoạn cuối cùng của việc làm rượu cần: Cho vào vò ủ rượu chờ đến lúc uống được. Vào mùa nóng thì chỉ khoảng 20 ngày là chất rượu đã ngọt nhưng mùa lạnh thì phải hơn một tháng mới có thể dùng được. Nói về các công đoạn làm rượu cần, bà Ngoan chia sẻ: “Việc làm rượu cần thì không có gì nặng nhọc, vất vả lắm nhưng các công đoạn đều đòi hỏi phải rất cẩn thận, tỉ mỉ. Ví dụ như rửa trấu thì phải rửa thật sạch. Ủ gạo, trấu cho lên men cũng phải tính toán sao cho nhiệt độ đủ ấm không thì sẽ hỏng ngay. Vào mùa đông, tôi thường phải trải một chiếc chăn bông xuống dưới và đắp một chiếc chăn khác lên trên để đủ nhiệt độ lên men. Nếu nhiệt độ không đủ ấm thì sẽ không lên men được và toàn bộ các công đoạn trước coi như bỏ đi hết. Có cố làm tiếp thì rượu cũng chua, nhạt, không uống được”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong mo Mường, người ta cho rằng rượu cần ngon hay nhạt là do tay người trộn men rượu và người vót cần. Người trộn men phải làm sao cho men thật đều, ngấm vào từng hạt cơm, hạt trấu. Có như thế rượu mới dùng được lâu. Theo bà Ngoan, muốn có những bình rượu cần thơm ngon, uống vào thấy êm êm và có vị ngọt thì khâu ủ rượu cũng vô cùng quan trọng. Vò ủ phải được đậy kín để tránh không khí làm hỏng rượu. Rượu càng để nhiều ngày, càng “già” thì uống càng bốc, càng ngon. Nếu để lâu trong vò cũng tự ra nước rượu, rượu này nguyên chất, uống vào rất ngọt nhưng lại rất dễ say vì đây chính là nước rượu cốt.

Tinh hoa của người Mường

Theo một số vị cao niên trong mo Mường, khi uống, ta bật nắp bịt ra đổ nước vào ngâm một lúc cho ngấm rồi cắm cần vào. Những vò rượu cần chất lượng là phải đổ nhiều lần nước mà vẫn giữ được vị ngon ngọt, thơm nồng. Nếu có thể dùng loại nước suối trong vắt lấy từ các khe sâu trong núi để chế rượu thì quả là rất tuyệt vời. Nước suối mát lạnh ngấm vào men tạo ra thứ rượu có mùi vị thật đặc biệt. Cầm cần vít xuống uống một hơi, chúng tôi cảm nhận được vị ngọt ngọt, cay cay tan nhanh nơi đầu lưỡi. Hương rượu cần say nồng ngất ngây thấm vào da thịt, chúng tôi thấm thía hơn một nét văn hóa đặc sắc của người Mường và cảm phục hơn những bàn tay khéo léo kinh nghiệm của những người phụ nữ nơi đây.





Món ăn truyền thống của Malaysia -
Món ăn truyền thống của Hàn Quốc
Món ăn truyền thống của Hà Lan
Món ăn truyền thống của Italia -
Món ăn truyền thống của Indonesia
Món ăn truyền thống của Huế -
Món ăn truyền thống của Hải Phòng




(st)