Cách chăm sóc hoa Lan Nghinh Xuân ra hoa đúng ngày Tết
Thịt ba chỉ nấu đông ngon miệng cho ngày Tết
Làm salad dưa chuột chống ngấy ngày Tết
Món ăn truyền thống của Việt Nam trong ngày Tết. Những món ăn quen thuộc đến nỗi được mặc định như những món ăn không thể thiếu của ngày Tết cổ truyền Việt Nam.
Bánh chưng
Là món bánh duy nhất có lịch sử lâu đời trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Bánh chưng tượng trưng cho mặt đất là thức bánh mà hoàng tử Lang Liêu đời Vua Hùng thứ 16 đã sáng tạo ra nhằm thể hiện lòng biết ơn với cha ông và đất trời xứ sở.
Nguyên liệu chính làm nên chiếc bánh chưng chính là gạo nếp như nhấn mạnh tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hoá lúa nước, ngoài ra còn có đậu xanh, thịt lợn, lá dong được gói ghém vuông vức và đem luộc chín. Bánh rất thơm, dền và xanh ngắt màu xanh của lá.
Nhắc đến bánh chưng, là nhắc đến một món ăn truyền thống rất đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Giò lụa (chả lụa)
Được biết đến như một món ăn vừa thông dụng vừa sang trọng, giò lụa là một món ăn thường xuyên xuất hiện trong những bữa ăn của người dân Việt Nam.
Giò lụa truyền thống được làm từ 3 nguyên liệu chính là thịt nạc thăn giã nhuyễn kết hợp cùng nước mắm ngon sau đó gói trong lá chuối xanh và đem luộc chín.
Giò lụa truyền thống được làm từ 3 nguyên liệu chính là thịt nạc thăn giã nhuyễn kết hợp cùng nước mắm ngon sau đó gói trong lá chuối xanh và đem luộc chín.
Xôi
Xôi là một món ăn rất thông dụng trong đời sống của người dân có chung nền văn hóa lúa nước. Với nguyên liệu chính là những nông sản như gạo, đỗ, lạc…được mang đi đồ hoặc hấp chín.
Món xôi thường được ăn nóng, gạo chín dẻo thơm không bị nát là đạt tiêu chuẩn. Trong những dịp lễ tết người dân ưa thích sử dụng nhất là món xôi gấc. Theo văn hóa các nước Châu Á nói chung màu đỏ đem lại sự may mắn, cát vượng. Khi đồ xôi cùng gấc chín sẽ cho ra một màu đỏ tự nhiên rất đẹp mắt. Người Việt Nam cho rằng màu đỏ từ xôi gấc sẽ khiến họ gặp được nhiều may mắn trong năm mới.
Gà luộc
Không cầu kì hay kiểu cách nhưng món gà luộc lại là món ăn rất được ưa chuộng trong các bữa tiệc dù lớn hay nhỏ.
Gà trống luộc nguyên con là một món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng tổ tiên của người Việt trong ngày Tết.
Nem rán (chả giò)
Món nem thơm giòn chấm với nước mắm chua ngọt là một món ăn rất ngon và ngày càng được nhiều thực khách nước ngoài yêu thích.
Làm món nem cũng không hề khó, những nguyên liệu không thể thiếu là thịt lợn băm nhuyễn, trứng gà hoặc trứng vịt, một vài loại củ như su hào, cà rốt... cùng với miến, mộc nhĩ…trộn đều với ít gia vị rồi đem cuốn với bánh đa (bánh tráng) rồi đem rán (chiên) vàng.
Món nem là món ăn rất đặc sắc trong mâm cỗ của người dân Việt.
Miền Bắc
...Xuân về hoa cải nở vàng hoe.
Gạo nếp ngày xuân gói bánh chưng,
Cả đêm cuối chạp nướng than hồng.
Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn,
Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông.
Bên cạnh hai loại bánh truyền thống là bánh chưng và bánh dày. Món Tết miền Bắc rất đa dạng. Trong đó, phải kể đến các món như dưa hành, thịt đông, thịt bò kho quế...
Dưa Hành
Đây là món ăn khá phổ biến trong ngày Tết, và đi vào kho tàng ca dao "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh" mỗi khi nhắc về ngày Tết. Trước hết, bạn cần lựa loại hành già, củ chắc, cắt bỏ phần đuôi chỉ chừa lại phần rễ. Sau đó, ngâm hành vào trong nước tro có pha hàn the trong khoảng thời gian 2 ngày 2 đêm. Tiếp theo, vớt hành ra, cắt bỏ rễ, lột vỏ chỉ còn lại khoảng 5cm rồi xếp hành vào khạp, rải muối, bỏ một lớp mía chẻ mỏng, rồi đến lớp hành gài lại bằng những vỉ tre. Sau 2 tuần, bạn có thể lấy hành ra cho vào keo thủy tinh, rồi nấu nước dấm đường để nguội cho vào. Khoảng 3 ngày là ăn được.
Thịt đông
Thịt đông là món riêng có của mùa xuân Bắc bộ. Trong là không khí lạnh, thịt đông trở nên ngon hơn. Món này được làm từ thịt heo ba chỉ, đôi khi được sử dụng cả gà, cộng thêm một mảng bì lợn. Tất cả đều được ninh nhừ. Sau khi nấu xong, bạn lấy khỏi bếp và đặt nồi thịt ra ngoài sân, đậy kỹ cho nó ăn gió uống sương, thu lấy cái rét mướt từ trời cao và đất thấp vào mình để sớm hôm sau, nhà ta đã có nồi thịt đông kỳ diệu. Trên mặt của nồi thịt đông là lớp ván mỡ có màu trắng như tuyết pha sắc vàng mịn như mặt hồ không gợn sóng. Một miếng thịt đông kèm một củ dưa hành, thì thật đúng nghĩa Tết miền Bắc.
Thịt bò kho quế
Thông thường, món này được chuẩn bị từ ngày 29 Tết để kịp cúng trưa 30 và mấy ngày Tết. Để làm món này, người ta chọn loại thịt bò nạm. Sau đó ướp với chút nước cốt tỏi, chút mắm muối rồi cho thịt ba chỉ cắt mỏng vào giữa, cuộn tròn lại, dùng lạt buộc chặt rồi chiên sơ trước khi cho vào nồi kho. Tiếp theo bạn có thể thả miếng thịt bò vào nồi nước sôi đã có sẵn nước tương, chút đường và một miếng quế nhỏ rang thơm, nấu cho đến khi thịt mềm thì vớt ra, để nguội. Gỡ bỏ những cọng lạt và cắt thịt thành khoanh, miếng thịt bò mềm mà chắc chứ không nát, lẫn vào mầu nâu của thịt bò là màu trắng của mỡ heo. Món này bạn có thể ăn kèm với bánh chưng hay cơm nếp vào ngày Tết thì tưởng như không có gì ngon bằng.
Miền Trung
Măng khô kho
Trước Tết nguyên đán, đem măng khô ra ngâm nước khoảng 2 ngày rồi luộc kỹ, xả nước càng nhiều lần thì măng càng trắng và ngon. Khi thấy măng đã mềm, xé nhỏ ra từng miếng, ướp gia vị gồm tiêu, tỏi, đường, muối, bột ngọt, tùy theo khẩu vị từng người có thể thêm ngũ vị hương cho thơm, một ít màu đường cho thêm phần hấp dẫn. Thịt heo phải lựa thịt mông loại ngon, chân giò, móng, sau khi làm sạch thì chặt miếng to, áp chảo cho thịt săn lại rồi ướp chung vào với măng đã ngấm gia vị, cho tất cả vào một xoong to, đặt lên bếp lửa nhỏ cho thấm, nêm thêm muối và bột ngọt cho vừa, đặc biệt là không nêm nước mắm vì măng sẽ có vị chua, không để được lâu trong những ngày Tết...
Bánh tráng phải là loại bánh tráng Phú Yên, mềm nhưng không bở. Khi ăn: cuốn măng, rau sống với bánh tráng, chấm với nước măng kho...
Tré
Món tré bây giờ là món ăn dân dã, nhưng xưa kia vốn là món cung đình, vương phủ, rồi từ cung đình vương phủ mà ra dân gian.
Tré là món ăn khác với nem chua chế biến theo quy trình lên men, người yếu đường ruột ăn vào dễ bị đau bụng, dùng tré yên tâm do các loại nguyên liệu đều đã làm chín. Thịt đầu heo luộc xong để ráo nước, khô da. Thịt ba chỉ vừa có nạc vừa có mỡ, có da, được ram vàng. Riêng thịt đầu, lạng hai má, tai, môi mép, khi ăn nghe sần sật, rất hấp dẫn, vừa vui miệng vừa vui tai.
Tré Huế ngon là nhờ sự kết hợp tinh tế của gia vị và khâu chế biến. Lọn tré thơm nhờ hương vị của riềng, của tỏi, của thính, của lá ổi. Tất cả được những bàn tay khéo léo, thuần thục, thái thành sợi nhỏ và đều; được ướp và gói theo công thức, cách làm truyền thống, không có sự can thiệp của máy móc, công nghệ hiện đại.
Ngày nay Đà Nẵng cũng có phố nem tré ở đối diện bệnh viện đa khoa, đường Hải Phòng. Nổi tiếng nhất là tré Bà Đệ. Tré Bà Đệ có bán ở các siêu thị và trong phòng đợi ga hàng không Đà Nẵng.
Miền Nam
Thịt kho
Người miền Nam luôn có món thịt kho tàu hay còn gọi là món thịt kho trứng hoặc thịt kho dừa vào ngày tết cổ truyền. Chữ "tàu", ở đây, theo nghĩa của người miền Nam là “lạt”. Như vậy thịt kho tàu không phải là thịt kho của người Trung Hoa, mà chỉ đơn giản là món thịt kho lạt. Món thịt kho tàu với miếng thịt vuông, quả trứng tròn biểu hiện cho tính hài hòa âm dương, sự vuông tròn cho cả năm.
Khổ qua nhồi thịt
Trong ngày Tết người miền Nam thường có món canh khổ qua nhồi thịt không chỉ thơm ngon, bổ dưỡng mà còn mang một ý nghĩa đặc biệt. Đằng sau vị đăng đắng kia là chất ngọt đậm đà của thịt và nước súp. Ăn khổ qua đầu năm mới là để tiễn cái khổ qua đi và chào đón những sự ngọt ngào phía trước.
Củ kiệu ngâm
Bên cạnh hai món dưa giá và cải chua, củ kiệu là món không thể thiếu trong mọi gia đình, người ta có thể mua ở chợ, siêu thị, nhưng ngon nhất vẫn là do tự tay làm lấy. Trước hết, kiệu phải được ngâm nước tro khoảng 1 đêm cho bớt mùi hăng, sau đó làm sạch rễ và lá, phơi héo khoảng 4 giờ rồi ướp đường, cho vào keo thủy tinh sạch. Nếu muốn lọ kiệu thêm đẹp, bạn có thể trang trí thêm củ cải đỏ cắt hoa. Sau đó cho nước giấm nấu đường để nguội vào. Mười ngày sau là dùng được.
Mâm cỗ Tết truyền thống của người Việt Nam
Mâm cơm cúng Tất niên.
Cỗ là một bữa ăn có nhiều món ngon, đặc biệt mà ngày thường không có. Tết người Việt Nam nhất thiết phải có mâm cỗ, nếu không có cỗ thì không thể gọi là Tết.
Mâm cỗ Việt Nam bao giờ cũng thịnh soạn, nhiều màu sắc, với các bát đĩa cao, thấp, đầy, vơi khác nhau. Màu xanh của bánh chưng chen lẫn màu xôi gấc đỏ tươi, miếng măng màu vàng, chiếc nấm hương như chiếc dù xinh xinh, đĩa giò lụa hồng hồng...
Người Việt Nam có từ ghép là ăn cỗ, bởi có nghèo đến đâu, Tết cũng phải có mâm cỗ. Trước hết là để cúng ông bà, tổ tiên, sau nữa là để vui vầy sum họp, có cái "nâng lên đặt xuống" cho con cháu đỡ tủi. Dù ngày nay, ở thành phố lớn, Tết đến, người ta "chơi" Tết còn quan trọng hơn ăn Tết.
Thông thường một mâm cỗ có tám bát và tám đĩa chính, không kể đĩa dưa hành, rau xà lách, bánh chưng, xôi gấc. Nhưng tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình mà thêm món này, bớt món khác, vào thời bao cấp, mâm cỗ được rút xuống thành 4 bát 6 đĩa. Những món đặc sản, cao cấp đắt tiền được phép "cho qua" nhưng cái chính là mâm cỗ phải đầy đặn, ngon mắt, ngon miệng để người ăn được no nê.
Tám bát nước nấu thông thường là bát măng lưỡi lợn hầm châm giò, nhừ tơi, đặt lên lưỡi nó đã muốn tan ra, trên mặt bát còn trang trí mấy sợi miến tàu trong vắt, vài củ hành đã chín nhưng vẫn còn giữ nguyên màu xanh lục và lồng khồng vài sợi rau mùi. Gắp một miếng măng đã nhừ ấy còn ngon ngọt hơn miếng chân giò và khi chan thìa nước măng sẽ cảm thấy chất ngọt của xương thịt đã tan vào trong đó như thế nào.
Bát thứ hai là bát bóng bì, đó là thứ bì lợn phơi khô, rang lên cho nở phồng, được ngâm, được tẩy, cắt thành những hình quả trám, trong suốt mọng nước, nổi lập lờ trên là su hào, cà rốt tỉa thành hình hoa lá có trắng, có vàng, có da cam, tất cả ngập chìm trong thứ nước dùng ngọt lịm.
Bát thứ ba là mực nấu, su hào thái chỉ ninh kỹ, mực khô thái ngang thớ và cũng thái chỉ, xào riêng xong đặt lên chân tẩy là su hào trắng muốt, cũng thêm vài ba sợi rau mùi làm gia vị và cũng để trang trí cho hấp dẫn.
Bát thứ tư là nấm thả, đó là những cây nấm hương đã cắt hết chân, bây giờ nó nằm trong thứ nước dùng ngọt thanh, mỗi cây nấm ôm lấy một viên giò sống mang vị ngọt đậm.
Bát thứ năm là vây cá thủ trong suốt giòn sần sật, trông hơi giống sợi miến nhưng là sụn cá được tẩy kỹ, giả làm yến xào. Nhà bình dân ít có món này.
Bát thứ sáu là một con chim hầm, để nguyên cả con, nhồi vào bụng nó những cốm non, hạt sen, ý dĩ, thịt nạc, nấm hương, mộc nhĩ, thịt lợn vai băm nhỏ, được hầm nhừ tơi, cầm cái cánh con chim mà gỡ có thể tuột hết cả bộ xương chim xuống.
Cũng tương tự, một bát thứ bảy là gà tần, công thức gần giống với chim hầm.
Bát thứ tám là miến nấu lòng gà, miếng mề tỉa thành hoa, cong cong những tia nhỏ như cánh hoa khô bừng nở, nằm trên những sợi miến tầu không nát chút nào mà còn giữ nguyên vị giòn của bột đỗ xanh làm miến...
Tám đĩa được xếp quanh mâm cỗ, đĩa nọ xen đĩa kia, trước hết là đĩa thịt gà úp xấp sau khi bày, phô ra màu vàng của da gà béo ngậy, dưới lớp lá chanh thái chỉ xanh óng và lấp lánh màu cây lá vườn quê.
Đĩa thứ hai và thứ ba là giò lụa và chả quế. Giò lụa phơn phớt màu phấn hồng, còn chả quế có một mặt là màu da cam do bột quế và được nướng trên than hoa. Một đĩa thịt đông chất thạch trong suốt làm mát tê đầu lưỡi, trong khi đĩa cá kho mặn mòi, một khúc giữa thân con cá chép hay trắm, đặt vừa hết lòng đĩa, cái ruột rỗng, bây giờ nó là một hình con thoi màu cánh gián.
Một đĩa gà rán hay lạp xường hấp thái mỏng tang, mỗi miếng là một hình ô van xinh xinh sẽ làm cho bánh chưng đỡ ngán. Một đĩa giò thủ, tức giò xào. Đó là miếng tai miếng thủ thái xô xào lên rồi ép chặt bằng hai thanh tre suốt một đêm, khi gỡ ra nó quyện vào nhau thành một khối và mang hình gần giống con số 8 hay chiếc đàn vĩ cầm...
Ấy là không kể một khuôn bánh chưng xanh, vuông thành sắc cạnh, đặt trong lòng đĩa to đã cắt thành 8 miếng như khuôn hình ô tướng sĩ trong bàn cờ tướng. Và còn đĩa xôi gấc màu đỏ tươi lùm lùm như nửa hình cầu, điểm xuyết một vài chấm đen huyền là hạt gấc lẫn vào. Một đĩa dưa hành nén, tuy đóng vai phụ nhưng nó quan trọng vì nó là chất gây thèm ăn, không làm ngán cái lưỡi và làm đồ ăn dễ tiêu hơn vì toàn những món ăn "nặng". Có gia đình còn làm nem rán có màu nâu cánh gián, đi kèm với xà lách, hoặc đĩa nộm rau câu, nộm sứa chua cay, nộm ngó sen thi vị.
Tết thường trùng vào cữ đại hàn, rét đậm nên món thịt đông luôn xuất hiện, cũng như món cá kho Tết không phải là cá tạp kho tương như ngày thường mà cuối năm tát ao, con cá chép to nhất thường để dành để ăn Tết. Nó được kho với nước mắm ngon, lót nồi bằng thịt ba chỉ cho miếng cá không bị khô. Và ăn nó với bánh chưng thì không có cảm giác bứ một chút nào vì nó đậm miệng.
Mâm cỗ Việt Nam bao giờ cũng ngon lành, thịnh soạn. Không những thế, nó còn đẹp nữa với nhiều màu sắc, với các bát đĩa cao thấp đầy vơi khác nhau. Đó là cỗ xưa, Nhiều năm nay mâm cỗ Tết đã khác cả về số lượng và chất lượng.
Bữa cỗ ngày nay không còn nhiều ranh giới giữa nông thôn và thành thị, giữa người giàu và nghèo nữa. Đâu đâu cũng là giò nem ninh mọc, thịt gà thịt bò tôm mực, bia lon.... Người ta còn mua thêm cả đồ Tây như dăm bông xúc xích, đồ Tầu như lạp sường xá xíu....
Theo đà phát triển của nền kinh tế, nhân dân ta ăn tết to hơn trước. Tuy có pha một tý Tây Tàu, nhưng cái cốt lõi phong tục ngàn đời là: Tống cựu nghinh tân, cúng bái tổ tiên, kính già quý trẻ, giao tiếp thanh lịch, vui chơi văn nghệ thể thao, du Xuân năm mới và bánh chưng, thịt lợn, dưa hành vẫn còn nguyên. Âu đó cũng là một phần quốc hồn quốc túy vậy./.
Món ăn truyền thống của Campuchia
Món ăn truyền thống của Canada
Món ăn truyền thống của dân tộc Thái -
Món ăn truyền thống của Hà Nội
Món ăn truyền thống của Malaysia
Món ăn truyền thống của người Mường
Món ăn truyền thống của người Hoa
(st)