Món ngon ở Hưng Yên dân dã, khó quên

Món ngon ở Hưng Yên dân dã, khó quên. Cùng tham khảo danh sách những món ăn ngon ở miền đất này để nếu có dịp về sẽ được thưởng thức nhé


Tương Bần


Những người bà, người mẹ sau buổi ra đồng, vẫn cần mẫn bên những chum tương thơm nồng. Phải chăng đó là cái duyên trời se cho mảnh đất này để họ lưu giữ một thứ di sản ẩm thực của dân tộc!

Gặp người lạ, hỏi mình quê đâu? Nói Hưng Yên, thể nào cũng nhắn mua hộ một vài chai tương Bần.

Hưng Yên có hai sản vật nổi tiếng, một là nhãn lồng, hai là tương Bần. Cả hai đều đã trở thành niềm kiêu hãnh không chỉ của riêng mảnh đất này, mà thấm vào ca dao cùng với "dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần.."

Đông đến, Hà Nội ồn ào trong cái lạnh muộn, bất chợt một chiều đông mưa rét, thoảng trong không gian dậy mùi thơm của nồi cá kho tương, vô tình đánh thức lòng người lữ khách nỗi nhớ nhà da diết.

Tương không chỉ là thức chấm quen thuộc trong mâm cơm Việt, mà còn là gia vị hấp dẫn của nhiều món ăn quen thuộc.

Cá kho mà thiếu tương sẽ mất ngon đi nhiều; thịt chó thêm chút tương khi nấu không chỉ dậy mùi thơm mà còn giúp thịt thêm mềm; xào nấu đậu thịt, khéo cho chút tương món ăn thêm vị, thêm sắc...

Nhắc đến tương, nhiều người cho rằng, đó là thức gia bản trong văn hóa ẩm thực Việt. Bởi thế nên, hình ảnh chĩnh tương bên hiên nhà đầy nắng, dưới bóng cau già đã trở thành hình ảnh thân thương của mỗi làng quê Bắc Bộ.

Cạnh tương Bần, còn có tương Nam Đàn, tương Cự Đà, nhưng có lẽ tương Bần vẫn được nhắc đến nhiều hơn, bởi hương vị khó diễn giải của nó. Cái vị ấy ẩn dưới độ sánh rất đậm đà, chìm trong vị ngọt ngon đặc trưng.

Có rất nhiều bài báo, cuốn sách viết về nghề cổ đất Việt cho rằng, cái ngon của tương Bần nằm ở khâu chọn nguyên liệu, rang đỗ và ủ mốc.

Thiết nghĩ, mỗi gia đình làm tương đều giữ cho mình một bí quyết riêng tạo nên cái "tạng" của mỗi chai tương khi đến tay thực khách. Gia đình nghệ nhân Minh Quất cho rằng cái ngon của tương nằm ở khâu chọn đỗ.

Đỗ phải là loại đỗ mận, hạt nhỏ, được trồng ngay trên mảnh đất Hưng Yên. Còn theo ông chủ của hãng tương Liên Vinh, tương ngon quyết định ở khâu chọn chum đựng. Gia đình ông có khoảng trên dưới 100 chiếc chum đựng tương, đều là loại chum được ông chủ đích thân đi tận Ninh Bình chọn mua về.

Đó là loại chum thật già, lấy tay gõ nhẹ nghe tiếng kêu vang mới đạt tiêu chuẩn. Tuy thế, tiêu chuẩn chung của một chum tương ngon là phải dậy được mùi hương ngậy và thoảng vị chua thanh mà ai phải thật tinh ý mới nhận ra được điều này.

Tuy không sinh ra trong một gia đình làm tương truyền thống ở Hưng Yên, nhưng từ nhỏ tôi đã lớn lên bên những chum, những chĩnh, những giọt tương sóng sánh vàng nâu lạc vào cả những giấc mơ tuổi thơ, lỡ ngủ vùi trong ký ức.

Dù trong thời buổi kinh tế thị trường nhiều sức ép, thị trấn Bần có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại nhờ vị trí địa lý thuận lợi.

Song ở Bần, hầu hết những gia đình làm tương truyền thống vẫn giữ nghiệp cha ông để lại, vẫn cần mẫn bên những chum tương thơm nồng. Những chum tương mang cái duyên trời se…



Bánh Cuốn Phú Thị


Từ Hà Nội, chỉ mất khoảng 45 phút đi theo con đê sông Hồng là bạn sẽ đặt chân đến mảnh đất Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) với nhiều các di tích lịch có giá trị như chùa Mễ Sở, chùa Phú Thị… và sẽ được thưởng thức rất nhiều các món ăn đặc sản nơi đây trong đó có bánh cuốn làng Phú Thị.

Không nổi tiếng bằng bánh cuốn Thanh Trì, không ồn ào ở nhiều tỉnh gần xa như bánh cuốn trứng Cao Bằng, Lạng Sơn… bánh cuốn Phú Thị lặng lẽ hơn nhưng nếu ai đã một lần nếm thử thì không thể nào quên…

Không nhiều màu sắc nhưng ăn một lần sẽ nhớ mãi

Bánh cuốn ở đây có những nét khác biệt không thể nhầm lẫn với bánh cuốn ở bất cứ đâu. Đều làm từ bột gạo tẻ nhưng trong khi bánh cuốn Thanh Trì được tráng mỏng như tờ giấy thì bánh cuốn Phú Thị lại có lớp vỏ bánh rất dày dặn (trông gần giống lớp vỏ dùng trong món Phở cuốn)…

Người dân Phú Thị gọi thứ bánh tráng mỏng, có thoa lớp dầu mỡ (như bánh cuốn Thanh Trì và bánh cuốn thường thấy ở nhiều nơi khác) là bánh tráng chứ không gọi là bánh cuốn.

Với họ, "bánh cuốn" là từ chỉ dùng để chỉ thứ đặc sản của quê hương mình, thứ bánh phải tráng hai lần mới được lớp vỏ vừa dày dặn nhưng lại vừa mềm, mịn, không bị bở, vỡ…

Hơn thế nữa, đây đúng là món "bánh cuốn" thật bởi ta chỉ thấy duy nhất ở các hàng bánh cuốn Phú Thị, khi có khách đến ăn chủ quán mới xúc từng thìa nhân xào chín cho vào lớp lá bánh tráng sẵn và cuộn lại một cách cẩn thận như khi người ta gói nem…

Chiếc bánh trắng mịn, cuộn lấy lớp nhân thịt xào hành khô bên trong trông rất đẹp mắt.

Ngoài ra, bánh cuốn ở đây không điểm xuyết màu nâu đen của mọc nhĩ xào thịt hay màu vàng cánh gián của hành khô phi tới (hai thứ phụ liệu vẫn thấy như một cặp không thể thiếu trong món ăn này) nhưng vẫn đầy thơm ngon và hấp dẫn.

Đó cũng là một nét rất riêng của bánh cuốn Phú Thị…

Bánh được cuốn cẩn thận như cuốn một chiếc nem…

Một điểm khác biệt nữa của món bánh cuốn quê Hưng Yên là lớp vỏ bánh không bóng bằng nơi khác vì nó không được bôi một lớp mỡ mỏng…

Thế nhưng cũng chính nhờ điều ấy mà bánh cuốn nơi đây hấp dẫn thực khách vì ăn không quá ngậy, ngán… Lớp nhân cuộn bên trong lá bánh cũng đặc biệt với thịt lợn nạc băm nhỏ xào với hành khô.

Thịt lợn khi mua về phải được luộc chín tới để bớt gây rồi mới băm nhỏ cho vào xào nên khi ăn bánh người ta thấy vị bùi của thịt mà không thấy ngấy…

Bát nước chấm cũng từng ấy thứ gia vị, nước mắm, bột ngọt, giấm ớt… nhưng thêm một chút nhân thịt băm trở nên đậm đà và đẹp mắt hơn.

Hấp dẫn thực khách bằng sự giản đơn nhưng khác biệt…

Không nhiều màu sắc, không cầu kì hương vị… thế nhưng món bánh cuốn Phú Thị vẫn hấp dẫn được những thực khách khó tính nhất bởi chính sự giản đơn mà rất khác biệt của nó…

Hãy thử một lần về thăm nơi đây để thưởng thức món bánh cuốn đặc biệt này. Ăn một lần sẽ nhớ mãi miếng bánh mềm mịn cùng với vị bùi thơm của nhân thịt xào hành khô hòa quện trong vị nước chấm chua ngọt rất vừa miệng. Để rồi lại hẹn lần sau…




Nhãn lồng phố Hiến


“Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến” Cách Hà Nội chừng 60 Km, phố Hiến – Hưng Yên được biết đến với nhiều sản vật nức tiếng gần xa mà tiêu biểu là hai đặc sản dân tộc: tương Bần và nhãn lồng. Trong đó nhãn lồng là quà tặng đất trời là quà tặng đất trời dành riêng cho mảnh đất nơi đây từ lâu đã nức tiếng bởi cùi dầy, hạt nhỏ, hương thơm và vị ngọt đậm.

Không chỉ riêng dải đất dồng bằng Bắc bộ dọc bãi sông Hồng mới trồng nhãn mà rất nhiều nơi khắp đất nước Việt Nam đâu đâu cũng có bóng dáng cây nhãn. Nhưng kỳ lạ thay nhãn lồng phố Hiến lại có mùi thơm và vị ngon tuyệt vời đến thế. Không biết tự bao giờ nãn lồng được cho là vua các loài nhãn để mỗi khi có dịp ghé qua vùng đất này vào mùa thu hoạch nhãn khách đường xa dù bận bịu bao công việc cũng cố dừng chân mua bằng được vài chùm nhãn làm quà cho người thân.

Giữa mùa xuân mưa bụi bay lất phất cũng là lúc hoa nhãn nở rộ. Những bông hoa bé xíu kết thành từng chùm trắng ngà, hương thơm man mát, dịu ngọt lan tỏa khắp không gian. Người nơi xa đến phố Hiến thời gian này không khỏi ngất ngây bởi cảnh tượng này. Và khi tháng sáu về với cái nắng chói chang cũng là lúc bắt đầu một vụ thu hoạch nhãn. Những chùm nhãn nặng trĩu đung đưa trong gió trông đến là “ngộ”. Nhãn lồng được chia làm hai loại. Có loại nhãn nước nhiều mật thấm từ đầu lưỡi đến tận chân răng rồi lan khắp cơ thể. Loại nhãn cùi dừa bóc vỏ vẫn thấy khô rang nhưng cắn thấy giòn sần sật, ngọt lự.

Nhãn lồng không chỉ là món quà giải khát mùa hè mà còn là vị thuốc bổ dưỡng xuất hiện nhiều trong các bài thuốc Đông y. Để sử dụng nhãn làm thuốc phải qua chế biến thành long. Nhãn có tính nhiệt, ăn nhiều gây nóng tuy nhiên chính điều này khi kết hợp với nhiều vị thuốc lại rất bổ dưỡng cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể. Y học cổ truyền coi long nhãn như vị thuốc có tác dụng bồi bổ cơ thể, dưỡng huyết an thần, chữa suy nhược thần kinh và mệt mỏi…Nếu trước đây long nhãn là món ăn chỉ vua chúa, quý tộc mới được thưởng thức thì ngày nay long nhãn được bán rất nhiều ai cũng có thể mua. Đặc biệt từ lâu long nhãn phố Hiến đã là món ăn không thể thiếu trong ngày lễ cổ truyền dân tộc. Nhiều người sành ăn chọn loại nhãn để cả cành lá phơi khô vừa hợp vệ sinh lại gây bất ngờ cho người thưởng thức.

Người phố Hiến coi cây nhãn như tri ân bởi đó là giống cây hiền hòa, gắn bó với họ từ rất lâu. Hiện nay cây nhãn tổ cũng có tuổi thọ trên 400 năm, gốc to đủ vài chục người ôm mà quả vẫn sai, ngon nức tiếng. Không chỉ cho quả ngọt, mọi bộ phận của cây nhãn đều có giá trị sử dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Rễ nhãn là vị thuốc, gỗ nhãn rắn chắc đóng đồ gia dụng rất bền, bóng nhãn xum xuê đủ che nắng cho cả khoảng sân rộng…Thế đâu đã hết, giống nhãn lại còn rất dễ trồng, nó vốn quen với khó nhọc, cằn cỗi nên dù không chăm sóc đầy đủ, đến mùa nhãn vẫn trổ bông kết trái. Có ai đó đã từng ví von “Nhãn là loài cống hiến cho đời tất cả những gì mình có” quả đúng không sai.



Bánh dày làng Gàu - Hưng Yên


Từ bao đời nay, bánh dày làng Gàu (xã Cửu Cao - Văn Giang - Hưng Yên) đã được xếp ngang với rượu Trương Xá, tương Bần, góp phần tô đậm thêm bản sắc văn hóa ẩm thực của đất Hưng Yên.

Từ cây lúa hạt gạo, người làng Gàu đã sáng tạo ra loại bánh dày có nhân ngon nổi tiếng trên cơ sở của chiếc bánh dày thời Lang Liêu đời Hùng Vương.

Bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, được vo kỹ, ngâm với nước sạch và đồ chín. Nhân bánh là đỗ xanh đãi sạch vỏ, thổi chín, giã nhuyễn, nắm thành từng nắm nhỏ. Nếu làm bánh mặn thì dùng nhân thịt nạc, làm bánh ngọt, trộn đỗ xanh với đường cát.

Cái đặc sắc của bánh dày làng Gàu là gạo nếp phải được gieo trồng trên đồng ruộng làng Gàu, ngâm nước giếng làng Gàu, và được chính tay khéo léo của các cô gái làng Gàu nặn mới thành tấm bánh xinh xắn, thơm ngon.

Sắc thái văn hoá bản địa ở đây không hề trộn lẫn. Nhìn những chồng bánh dày trắng trẻo xếp đầy trong thúng, dưới nền lá chuối xanh, người ta liên tưởng đến sự hoá thân màu nhiệm của hạt gạo hiến dâng cho đời một món ăn của hương đồng gió nội.

Bánh dày làng Gàu được khách xa gần đến đặt mua với số lượng hàng tạ phục vụ cho các cửa hàng ăn uống ở thủ đô, hội nghị, tiệc cưới, đã tạo thêm việc làm cho hàng ngàn lao động.

Tết đến xuân về, bánh dày được đặt trang trọng trên bàn thờ nghi ngút khói hương cũng là một nét đẹp văn hoá của quê ta…



Đặc sản giò bì


Những chiếc giò bì xinh xắn là một trong những đặc sản của Phố Xuôi, Hưng Yên. Món ăn này còn có tên gọi "giò sậm sật", "giò nhấm nhẩy" bởi nó ăn rất giòn, thích hợp khi uống rượu.

Nguyên liệu làm giò chính là bì. Bì lợn mua về làm thật sạch, luộc chín rồi đem thái con chì. Thịt nạc mông rửa sạch, dùng chày giã nhuyễn. Trộn đều thịt đã giã với bì và nước mắm rồi đem gói thành từng chiếc giò bé bằng hai ngón tay. Cuối cùng, xâu lạt mười chiếc một và đem vào luộc chín.

Để có được những chiếc giò ngon thì phải làm bì thật trắng, sạch, thịt phải tinh nạc, nước mắm loại thật ngon và nhất là mọi thứ đều phải được làm bằng tay (giã, gói). Những chiếc giò nóng hôi hổi mới luộc xong rất thơm, ăn ngay thì rất mềm. Còn để nguội, giò "đanh" lại, thơm mùi lá, lúc bóc ra có màu hơi hồng của thịt, màu trắng của bì.


Đặc sản bánh răng bừa


Bánh răng bừa còn được gọi là bánh lá hay bánh tẻ. Nó được làm từ bột gạo dẻo, giòn. Đây là loại bánh truyền thống để cúng vào ngày rằm, ngày giỗ và Tết Nguyên đán.

Bánh răng bừa là tên thường gọi ở thôn Bến, xã Phụng Công, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Loại bánh này có từ xa xưa. Cái tên xuất xứ là do hình dáng giống cái răng bừa vẫn dùng để bừa ruộng.

Để có chiếc bánh ngon phải kén gạo ngon từ lúa trồng trên đất làng Phụng Công, giống gạo thơm nức, dẻo, ngọt. Gạo giã hoặc xay thành bột với nước, phải pha nước vừa đủ, không được khô hoặc nhão. Đặt nồi bột lên bếp giữ lửa không quá to hoặc quá nhỏ. Mỗi lần đánh bột mà cánh thợ làm bánh gọi là giáo bột, phải chọn người thật khỏe để đánh thật nhanh, thật mạnh thì bột mới dẻo và mịn, đánh đến khi nào thấy nặng tay, bột bắt đầu đặc là được.

Cách pha chế và đánh bột là bí quyết riêng của từng nhà. Bánh răng bừa Phụng Công không có hàn the mà vẫn dẻo, giòn. Nhân bánh từ hành khô phi thơm lừng, thả thịt ba chỉ xắt hạt lựu rồi nước mắm nhĩ, hạt tiêu, mộc nhĩ thái mịn đảo đều tay, khi thịt hơi săn, tỏa mùi thơm là được.

Gói bánh hay còn gọi là lấy bột cũng là khâu quan trọng, đòi hỏi phải khéo tay, bột phết đều, gọn trong lòng lá, nhân đặt chính giữa. Bánh gói xong giống hệt cái răng bừa, ở giữa phình ra, hai đầu nhỏ lại. Lá gói bánh là lá dong trồng ở đất bãi phù sa ven sông Hồng, mềm, dai và có mầu xanh rất riêng. Mầu lá ngấm vào bột bánh, xanh mướt, trông thật hấp dẫn. Luộc bánh phải bằng nước sôi, nếu luộc bằng nước lạnh, bột tan, bánh sẽ bị nhão.

Bánh răng bừa nóng hổi chấm với nước mắm ngon pha chanh ớt, rắc hạt tiêu.



Bánh cuốn Mễ Sở


Nếu Hà Nội có bánh cuốn Thanh Trì mỏng, dẻo hay Lạng Sơn có bánh cuốn trứng béo ngậy thơm ngon thì Hưng Yên có bánh cuốn Mễ Sở, không cầu kì, nguyên liệu rất đơn giản nhưng lại tạo lên nét khác biệt.

Theo cuốn sách “Miền quê Văn Giang” do nhà xuất bản văn hoá dân tộc xuất bản thì tên gọi bánh cuốn là do bánh đươc cuộn tròn (chứ không phải gấp như một số nơi). Món bánh cuốn đã có từ rất lâu trên mảnh đất Mễ Sở. Nó tồn tại và phát triển nhờ phương thức truyền miệng giữa những thế hệ đi trước và lớp con cháu kế cận.



Nhọc nhằn với những mẻ bánh

Tích...tắc…tích…tắc, chiếc đồng hồ đã điểm dần về con số 12 mà tôi vẫn không sao ngủ được. Tôi về thăm nhà chị Nguyễn Thị Ngân - người làm bánh cuốn tại xã Mễ Sở khi nắng đã dần tắt. Tuy vậy, tôi cũng kịp được chứng kiến toàn bộ những công đoạn để làm ra một chiếc bánh cuốn hoàn chỉnh.

Chị Ngân cho tôi hay chị phải đặt thịt làm nhân ở nhà bán thịt có uy tín. Thịt lợn phải chọn thịt không quá nạc bởi nạc quá thì nhân sẽ bị khô, cũng không quá mỡ bởi mỡ sẽ làm cho người ăn nhanh ngấy. Vì thế, thịt lợn được chọn thường là thịt kẽ hoặc thịt mông. Thịt được thái thành miếng để đem vào xay nhỏ và phải xay bằng tay, phải được ướp trước khi chế biến.

 

Bánh cuốn Mễ Sở

Bắc chảo lên bếp, cho mỡ vào, chờ cho mỡ nóng già, thêm một chút hành khô rồi đảo nhẹ. Mùi hành phi như khiêu khích các cơ quan vị giác của tôi. Khi hành phi đã có mùi thơm thì cho thịt đã xay vào rồi đảo đều. Những giọt mồ hôi rơi nhẹ trên đôi má gầy gò của chị, đôi tay xương xương nhỏ bé bị dồn 70% sức của cơ thể vào để đảo thịt. Sau hơn một tiếng bên bếp lửa, cuối cùng nhân bánh cũng đã xong.

Nếu như ở thành phố sau 12 giờ đêm một số nhà mới bắt đầu đi ngủ thì vào giờ đó, những người làm bánh cuốn ở đây đã bắt đầu dậy tráng bánh. Bếp than hồng rực đã sẵn sàng, chiếc xoong tráng bánh được đặt lên bếp, trong xoong đã được cho một lượng nước nhất định và được đặt chiếc khuôn vải lên trên rồi mới đậy vung. Chiếc khuôn vải đó được làm rất khéo từ hai thanh tre được vót và uốn tròn với bán kính khoảng 16cm, mảnh vải được ép vào giữa hai thanh tre.

Xoong nước sôi bốc hơi nghi ngút rồi lắng xuống sau khi chị Ngân đổ một lớp bột mỏng lên chiếc khuôn vải. Chị Ngân cho biết: “Bột này là gạo tẻ xay mịn. Cách pha bột là khó nhất. Nếu làm không khéo là bánh có thể nát hoặc rắn. Gạo cũng phải chọn hạt tròn, bóng, trắng thì mới được”. Chỉ hơn 3 giây là bánh chín, chị nhẹ nhàng lấy chiếc thanh tre đã được gọt giũa cẩn thận gạt bánh ra khỏi khuôn và đặt lên một chiếc khay được lót lá chuối. Chiếc bánh mỏng như tờ giấy, bốc khói nghi ngút, trắng ngần thật hập dẫn.

Trung bình mỗi ngày người thợ có thể làm được  khoảng 600 - 700 cái bánh. Nhưng “vất vả lắm, phải thức đêm, thức hôm, có ngày chỉ được ngủ 4 -5 tiếng. Một nửa ngày là ngồi bên bếp lửa, ngửi mùi than quanh năm suốt tháng. Mùa đông còn đỡ chứ mùa hè thì nóng lắm” - chị Ngân tâm sự.

Thưởng thức bánh cuốn chợ Mễ

Mọi người thường bảo nhau “Bỏ dâu, bỏ rể, không ai bỏ chợ Mễ mồng năm”. Chợ Mễ bắt đầu họp vào ngày mồng 5 tháng Giêng, sản phẩm được bày bán nhiều nhất tại đây là bánh cuốn.

Từ 4h30 sáng, tiếng í ới gọi nhau đi chợ của những người trong xóm đã rộn ràng. Tôi thấy chị Ngân cũng đang chuẩn bị đồ để đi chợ. Còn một mẻ bột nữa chị để cho đứa con trai 17 tuổi của chị tráng tiếp. Chợ Mễ ngày nay không còn sầm uất như ngày xưa nữa, từ một chợ đầu mối chuyển sang chợ tiêu dùng. Cũng chính vì thế mà lượng khách ăn bánh sáng sớm cũng giảm đi. Chỗ ngồi của chị Ngân khá rộng và thoáng đãng. Tôi cũng phụ giúp chị dọn hàng. Một chiếc bàn và khoảng chục cái ghế. Đôi tay khéo léo của chị cuộn bánh nhanh thoăn thoắt.

Bánh cuốn không chỉ ngon ở nhân bánh mà còn ở sự đặc biệt của nước chấm. Mỗi hàng đều có bí quyết pha nước chấm riêng, nhưng đều không thể thiếu được một chút nhân bánh, thêm vị chua của quất (hoặc chanh) và vị cay cay của ớt. Tuy chợ Mễ còn có nhiều món ăn ngon khác như bánh khúc Phú Thị, bánh dầy gầu, bánh răng bừa (còn gọi là bánh lá dài) hay bún chả, bún riêu cua… nhưng bánh cuốn vẫn là món ăn được mọi người ưa chuộng nhất. Tính sơ sơ 100m đường thôi mà đã có đến hơn 10 hàng bánh cuốn.

Chị Chu Thị Bẩy - một khách hàng của chị Ngân cho biết: “Tôi rất thích ăn bánh cuốn Mễ Sở bởi sự đặc biệt của nó. Bánh mềm dẻo, nhân đậm đà, thêm vị dịu của nước chấm. Thật là tuyệt vời!”. Những vị khách đang thưởng thức bánh cũng gật đầu đồng tình. Anh Thắng, người Hà Nội cho biết: “Lần đầu tiên về Mễ Sở tôi đã mê hương vị của món bánh này, cho nên lần nào về tôi cũng mua bánh cuốn để làm quà cho gia đình và bạn bè”.

Trước khi tôi rời khỏi làng, tôi được một bọc bánh cuốn mang về làm quà. Trên con đường dài hun hút, tôi ngoái nhìn cái làng quê Việt ấy. Dường như hương vị của món bánh cuốn vẫn đọng lại ở đầu lưỡi thật ngọt ngào. Tôi thầm mong món bánh này sẽ ngày càng vươn xa hơn và tạo thành thương hiệu nổi tiếng: Bánh cuốn Mễ Sở.

Chè sen đậu xanh long nhãn


Long nhãn, "nghe đồn" là ăn bổ nhưng cứ ăn không mãi mình cũng thấy chán và ngán. Mua ít hạt sen về rồi chịu tỉ mẩn 1 tí để nấu ra nồi chè sen với long nhãn này, mình mới mau giải quyết được dần dần chỗ long nhãn được cho. Mùa này không có hạt sen tươi nên đành dùng sen khô, mất thời gian để ngâm cho hạt sen mềm, rồi mất thời gian thêm nữa để ninh hạt sen cho bung nở và mềm.

Thường khi nấu chè với long nhãn, do long nhãn đã có vị ngọt rồi nên đến khi nấu gần xong, mình mới nếm chè để xem có cần phải thêm đường không. Nói chung mình thấy nấu chè khá đơn giản. Khác với chè ăn ở hàng – người ta hay dùng bột năng hoặc bột ngô để làm cho chè sánh và có vị dai (chồng mình hay nói là cốc chè này nhớt ^^), nấu ở nhà thì mình chỉ nấu thuần là các loại ngũ cốc chứ không hòa thêm bột để làm sệt.




Bún thang


Những người Hưng Yên xa xứ mỗi khi về thăm quê hương thường đến Gốc Sanh ăn một bát bún thang cua của nhà hàng Thế Kỷ.

Cửa hàng của bà vốn không có biểu hiện. Khách ăn quen gọi cửa hàng bằng tên của bà và cũng ngụ ý món ăn này tồn tại ít ra cũng một trăm năm. Nhà hàng ngày trước rộng rãi thoáng mát, trước cửa có cây to rủ bóng, treo mành. Quầy thức ăn căng lưới, từng bát lươn, giò lụa, trứng rán gà luộc thái chỉ tẩm nghệ sào vàng ươm. Khách đến bà dắp bón, xúc nhân nhanh thoăn thoắt và loáng cái , bát bún thang đã là một tác phẩm đầy mầu sắc: cái trắng của bún Vân Tiêu làm nền, cái vàng của nhân lươn, nhân gà được tôn lên bởi đám rau răm xanh rờn. Thêm thìa mắm tôm và muôi nước dùng bốc khói, bát bún như ân cần mời mọc.

Bún thang làm không khó, nhưng làm được ngon không phải dễ. Thời trước không có mì chính thì nước dùng được hầm với xương lợn, xương gà, cua đồng, tôm he và sá sùng. Váng nước được hớt di, còn lại là lượng nước trong béo ngậy. Bí quyết của nhà hàng là mọi thứ nguyên liệu được chế biến đủ độ chín tới, liều lượng cân đối không non tay cũng không già lửa. 


Các món đặc sản Đông Cảo, đặc biệt gà chân voi


Đông Cảo (có thể là Đông Tảo) là tên một xã của tỉnh Hưng Yên. Giống gà này có một điểm dị biệt là chân rất to, to hơn hẳn các giống gà khác Nơi này có một giống gà nổi tiếng, em có may mắn là được thưởng thức mấy lần món gà này, nên muốn chia sẻ cùng anh em. Giống gà này có một điểm dị biệt là chân rất to, to hơn hẳn các giống gà khác. Lúc còn nhỏ, các chú gà Đông Cảo người đỏ chót, lơ thơ mấy cái lông, giống như gà cánh tiên. Lớn lên, chân to như chân voi, đi đứng từ tốn, thịt chắc nịch, thịt dai nhưng mềm hơn thịt gà chọi. Ăn ngon bá cháy!





Đặc sản cá mòi


Ngoài nhãn lồng Phố Hiến, tương làng Bần, nhắc tới Hưng Yên nhiều người nghĩ ngay tới món cá mòi - một thứ đặc sản dân dã chỉ sẵn có vào những ngày xuân.

Mùa xuân, khi cái lạnh đã tan dần, khí trời ấm áp hơn và dòng sông Hồng nước chảy hiền hoà, không còn buốt giá nữa thì cá mòi về. Cá mòi là giống cá sinh sống ở vùng biển và vùng nước lợ cửa sông, nhưng tới mùa sinh sản chúng lại ngược về sông Hồng để đẻ trứng.

Cá mòi cũng xuất hiện  rải rác ở một số sông khác nhưng những người sành về ẩm thực đều khẳng định rằng cá mòi ở sông Hồng mới là ngon nhất. Cá mòi chỉ lớn hơn cá diếc một chút, màu trắng bạc, vây lưng lại có chiếc “cờ” dài nhô lên nên rất dễ nhận biết. Mình cá dày, nhiều thịt, xương nhỏ nhưng có nhiều xương răm, đầu rất nhỏ, vảy bạc li ti.

Thịt cá mòi ngọt và thơm, trứng cá lại càng ngon hơn, những người đã một lần được nếm thử thì không thể quên, thậm chí, nhiều người đâm “nghiện” loài cá bé nhỏ này. Người Hưng Yên đi làm xa hay khách ẩm thực ở các tỉnh, thành lân cận cứ tháng Hai, tháng Ba âm lịch hàng năm lại tìm về Hưng Yên để thưởng thức. Sau rằm tháng Giêng là lúc cá lên rộ, con nào cũng béo và còn nguyên buồng trứng, những lứa cá đầu tiên là những lứa ngon nhất.

Vào mùa này ở Hưng Yên thực khách có thể dễ dàng tìm được những con cá mòi tươi ngon ở khắp các chợ cá. Cá mòi sau khi đưa lên mặt nước sẽ chết ngay chứ không giữ lâu được như các loại cá khác. Tuy nhiên khi chọn mua cũng chỉ cần để ý mắt cá có trong không, thân cá có chắc không là được, bởi cá mòi rất đắt hàng, hiếm khi nào lại có cá ế.

Chỉ từ 30 đến 40.000 đồng là sẽ có một kg cá mòi loại to. Xung quanh chuyện con cá mòi còn có hẳn một “truyền thuyết” kỳ lạ. Chuyện kể rằng cá mòi là do chim ngói hoá thành, khi mùa thu chim ngói bay từ rừng ra biển và hoá thành cá mòi. Đến mùa xuân năm sau thì cá mòi mới bơi ngược về rừng để biến thành chim ngói. Truyền thuyết này lý giải cho việc vì sao mà cá mòi lại vất vả bơi từ biển vào để đẻ trứng và vì sao khi mổ cá lại thấy cá có cái “mề” như mề của loài chim ngói vậy

Nhưng chính xác thì cá mòi có một đồng hồ sinh học đặc biệt, khá giống với loài cá hồi của phương Tây. Chúng được cá bố, mẹ sinh ra ở sông nhưng lại bơi ra biển để sống, chỉ tới mùa xuân, mùa sinh sản chúng mới trở về. Như một quy luật sinh tồn, cá cái phải vượt dòng nước chảy và về đúng nơi mình sinh ra trước kia vào đúng mùa xuân để đẻ trứng. Và đó cũng là mùa mà các ngư dân vùng sông Hồng có thể đánh bắt món quà thú vị này của thiên nhiên.


Nhưng để có một bữa cá mòi khó quên thì chế biến cũng khá công phu. Làm cá mòi không mổ dọc bụng như các loại cá khác, sau khi đánh sạch vảy cá chỉ cần cắt ngang một lát vừa tầm ở phía dưới mang rồi moi mật, ruột ra, dùng tay móc mang cá, và tiện dao khía những đường nhỏ quanh sườn cá. Con cá không to nhưng phải làm nhiều công đoạn và phải rất khéo léo để mật không vỡ, trứng còn nguyên, mình cá sạch vảy.

Bởi vậy các cụ ta ngày xưa thường quan sát người con gái làm cá mòi để xem người con gái ấy có cẩn thận không, khéo tay không. Sau khi làm sạch thì phải ướp muối, gừng, nghệ giã nhỏ cùng dưa chuột thái lát mỏng chà sát lên mình cá để khử sạch mùi tanh. Chế biến cá mòi cũng có nhiều cách: có người thích rán, có người thích nướng, có người lại ưa món cá mòi băm chả. Nhưng có một cách chế biến khá cầu kỳ nhưng lại rất ngon như sau: Sau khi ướp cá nửa giờ, dùng que tre tươi cặp ngang thân cá và đem nướng trên bếp than hoa. Cá đã nướng thơm thì gỡ khỏi que tre và cho ngay vào chảo mỡ nóng, rán nổi trên mỡ.

Mỡ rán cá phải là mỡ lợn chứ không phải dầu thực vật, khi rán phải tập trung để khi cá chuyển màu vàng nâu là vớt ngay. Mùi thơm của cá khiến ai thoáng cảm nhận đã thấy hấp dẫn. Cá rán xong phải ăn nóng mới giữ nguyên được hương vị, kèm theo đĩa rau thơm và chén nước mắm chanh ớt. Nhiều người lại thích chấm cá với tương Bần, thêm chút tỏi băm nhỏ, vị mặn vừa và độ ngọt thơm của tương sẽ càng làm tăng thêm vị ngon ngọt của cá.

Trong bữa cơm gia đình đầm ấm, đông đủ giữa tiết trời xuân se lạnh, đĩa cá mòi đầu mùa nóng hổi mẹ vừa mang lên, cả nhà gỡ những buồng trứng vàng ruộm mời ông bà và cho trẻ nhỏ, ta không chỉ cảm nhận được mùi thơm ngọt của cá, của gừng mà còn cảm nhận được cả vị ngọt của nước sông Hồng quê hương và tình thân quây quần sum họp. Bởi vậy, cá mòi không chỉ là món ngon được nhiều người ưa thích mà còn là món ăn đậm đà hương vị của quê hương, khiến ai xa quê đến ngày xuân lại mong ngóng tìm về.



Gợi ý một số địa điểm ăn uống ở Hưng Yên




muốn ăn bún thang ở Hưng Yên thì xuống thị xã Hưng Yên, đến gần khách sạn phố hiến hỏi hàng bún thang thế kỉ thì hầu như ai ở đấy cũng biết(món này làm từ bún,lươn,giò,trứng tráng,mắm tôm,ớt sốt,....) nhưng muốn ăn thì phải đến vào buổi sáng,hàng này chỉ bán buổi sáng thôi,mà cả thị xã cũng chỉ có nhà này ngon thôi.

ruợu + nem chua khu Lac Đạo-Văn Lâm.

Thịt chó + thịt chuột khu Nghĩa Trụ.

bánh bẻng ở gần trường chuyên ban.

bánh răng bừa thì lên Văn Giang, trên đường lên Hà Nội.

Ở Bãi Sậy có món chạo cuốn ngon, cô bán ấy tên là LOAN TRẦN nhà gần nhà thờ , quán ấy không ở gần đường nên các bạn chịu khó hỏi người dân.

Ếch om làng Phượng Tường ( huyện Tiên Lữ – Hưng Yên)

bánh cuốn làng Phú Thị.

giò bì ở Phố Xuôi, Hưng Yên.







Món ăn truyền thống của Hà Nội
Món ăn truyền thống của Hải Phòng
Món ăn truyền thống của Malaysia
Món ăn truyền thống của Campuchia
Món ăn truyền thống của Canada
Món ăn truyền thống của người Hoa



(st)