Móng giò nấu giả cầy ngon cho cuối tuần

Thời tiết se lạnh nên các món béo ngậy, nhiều năng lượng sẽ là những món được ưa thích. Vào thời tiết này thỉnh thoảng mình mua chân giò để nấu giả cầy. Món ăn này hợp ăn với bún lá hoặc ăn cùng với cơm nóng cũng được.

Cách nấu thịt chân giò giả cầy chị em có thể tham khảo tại đây nhé!

Nguyên liệu:

- Chân giò thui (Thui bằng rơm là tốt nhất, không có thể dùng giấy báo hoặc bếp ga để thui)

- Riềng giã nhỏ

- Củ sả

- Mẻ, mắm tôm, nước mắm ngon và một thìa bột nghệ.

Thực hiện:

Bước 1: Đồ nấu kèm là măng củ cắt miếng bằng ngón tay cái rồi đem luộc kỹ với nước có thả chút muối ít nhất là 3 lần trước khi đem chế biến.

Bước 2: Chân giò thui, sau khi rửa sạch, thấm khô, chặt miếng vừa ăn, bạn đem ướp như sau:

Với 2 cái chân giò to bạn ướp với một bát con riềng giã nhỏ, 3 củ sả lấy phần non băm nhỏ, một thìa canh mẻ, 3 thìa con mắm tôm và 1 thìa canh nước mắm loại ngon. Trộn đều các nguyên liệu này lên và ướp khoảng 1 tiếng cho ngấm vị.

Bước 3: Cho nồi chân giò đã ướp lên bếp, bạn cho 1 thìa canh dầu ăn vào nồi, và bắt đầu xào chân giò.

Bước 4: Trong lúc xào bạn thêm 1 thìa con bột nghệ để món giả cầy của bạn có màu vàng đẹp nhé!

Bước 5: Sau khi xào chân giò hơi săn, bạn trút phần măng củ mà bạn đã luộc kỹ vào xào cùng cho măng ngấm vị.

Bước 6: Măng vào chân giò đã xào săn, bạn cho nước vào nồi sao cho lượng nước sâm sấp bề mặt chân giò. Mình dùng nồi áp suất để tiết kiệm thời gian ninh nấu.

Bước 7: Sau khi ninh trong nồi áp suất từ 20-30 phút bạn mở nắp, nêm nếm lại vị cho vừa miệng rồi có thể múc ra bát và ăn nóng.

Trời lạnh bạn nên ăn ngay lúc nóng tránh để nguội sẽ làm đông lớp mỡ sẽ không ngon.

Món ăn kèm phù hợp với thịt chân giò nấu giả cầy bạn nên chuẩn bị là bún lá và rau húng.

Chúc các bạn và gia đình ngon miệng với thịt chân giò nấu giả cầy!