Nấu canh khoai ngứa ngon tuyệt

“Hôm đó bác cả nấu canh khoai, nấu nhầm khoai ngứa tao ăn ngứa rách họng. Bố mày xúi tao lấy thân cây khoai ngứa chà vào mông sẽ hết, tao tin lời làm theo ai dè ngứa rát cả mông. Thế là cứ tay móc họng, tay gãi mông khóc chờ mẹ đi làm đồng về để mách”!

Cả nhà cười ầm lên trước câu chuyện do ông chú kể lại. Những mái đầu xanh bên những mái đầu bạc nhiều thế hệ trong gia đình tôi mỗi khi có dịp gần nhau lại ôn chuyện xưa cũ để người trên thì hồi tưởng, người trẻ có dịp học hỏi chút xíu chuyện cha ông, cùng trào lộng, cùng sẻ chia… Việc nhỏ đó gắn kết gia đình tôi rất nhiều.

Canh khoai nước - Ảnh: Hương Vũ

Cây khoai nước dễ trồng, chỉ cần vài gốc nhỏ cắm xuống bùn hay khu đất nào ướt át bỏ lơ vài tuần là những lùm, những bụi mới sẽ mọc lên tươi tốt um tùm, vì cây sẽ đẻ rất nhiều cây con quanh gốc mẹ và cứ thế phát triển theo cấp số nhân.

Công dụng khoai nước cũng vô hạn: dùng nấu cám cho lợn ăn, lá thả xuống ao cho cá, củ to thì luộc bở và ngon, nhất là phần mầm cây, còn được gọi là bồng khoai. Thân cây ngoài nấu canh, còn phơi cho hơi héo để muối chua, ăn rất giòn và độc đáo... Nhưng cẩn thận vì giống khoai nước có những loại ăn vào sẽ ngứa rách họng, chỉ dùng cho lợn.

Nhà tôi nhiều người đại thọ, ông bà gần trăm tuổi vẫn minh mẫn, cha chú người trẻ nhất trên sáu chục, người già gần 80 nhưng ơn trời ai cũng khỏe mạnh. Thời ông bà, đàn con lít nhít mười đứa nuôi "dễ ợt" nhờ những cây nhà lá vườn, tối ngủ kiểm tra quân số bằng cách đếm chân.

Tới tận bây giờ khi con cháu trong gia đình hầu hết đã thành đạt, nhiều người được xếp hàng “đại gia” vẫn không quên được những món ăn do những cây nhà lá vườn đó nuôi lớn, nhất là món canh khoai nước vẫn được các “cụ” bắt con cháu ra chợ phố tìm mua về nấu ăn suốt, như “nghiện” vậy.

Có người nói vì cây trồng ở khu nhiều nước nên ngứa, có người nói vì mọc gần cây ráy, một giống khoai to và cực ngứa nên bị lây, có người đổ tại khi nấu người nội trợ dùng đũa đảo nên khăng khăng nấu canh khoai nước chỉ được dùng muôi cho các thao tác, thậm chí có người còn đổ tại tay người chế biến…

Thật ra tất cả đều là những truyền khẩu và kinh nghiệm dân gian, nghe cũng để biết trong lúc vui chuyện, chứ bí quyết bà nội tôi truyền cho để phân biệt loại khoai ngứa và không ngứa lại vô cùng đơn giản, đó là nhìn vào cái “điểm”, tức một chấm đỏ trên bất cứ lá khoai nào. Chấm đỏ gọn gàng, khoai đó ngứa, thậm chí chỉ cần dùng dao tước vỏ thôi, phần da tay chạm vào sẽ ngứa ngáy khó chịu vô cùng. Còn nếu chấm đỏ hơi loe loe ra thì khoai đó sẽ ngon lành.

Canh khoai nước nấu theo công thức của các chú bác tôi vô cùng đơn giản, sau này đời sống khá hơn, tôi chỉ thêm vào chút tôm tươi để tăng vị ngọt ngào tự nhiên cho nồi canh là có thể khẳng định bất cứ ai ăn cũng dễ ghiền.

Cọng khoai nước lột vỏ, cắt vát thành từng khúc ngắn vừa ăn bóp sơ qua muối và rửa sạch. Tôm tươi lột vỏ ướp mắm và gia vị, phần vỏ và đầu tôm rất ngọt nước không nên bỏ phí, giã ra lọc lấy nước bỏ xác tôm. Tỏi phi thơm cho ít cà chua vào xào qua chút lấy vị chua thanh và màu đỏ, thêm chút xíu muối sẽ giúp cà lên màu đẹp hơn.

Khi cà hơi chín, cho tôm đã ướp gia vị và chút xíu mắm tôm hoặc mắm ruốc vào xào sơ, kế bỏ rau khoai vào đảo đều 5-6 phút cho thấm rồi đổ lượng nước vừa ăn vào nấu sôi, tiếp tục để lửa nhỏ cho tới khi rau thật chín và thật thấm thì nêm thêm chút me chua và gia vị cho vừa miệng.

Khi tắt bếp, bỏ chút tỏi giập giập cùng tía tô, lá nhuyễn xắt nhuyễn là nồi canh hoàn tất. Canh khoai nên nấu kỹ mới ngon, cọng khoai vẫn có vị hơi giòn đặc trưng chứ không sợ nhũn nát.

Món canh khoai nước “gia truyền” tôi vẫn tự hào nấu cùng mâm cơm nóng để mời các bạn bè đồng nghiệp khi họ tới nhà chơi, không quên kể lại những kỷ niệm vui của người thân trong gia đình về món canh dân dã đó.