Nên và không nên làm gì để phòng tránh ung thư?

Ung thư là một trong những căn bệnh nan y đáng sợ nhất ngày nay vì diễn biến khó lường và nguy hiểm của chúng. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như di truyền, môi trường sống, bạn cũng có thể chủ động mang lại cho mình lối sống tích cực nhất để có thể tránh xa căn bệnh này. Thói quen sống lành mạnh có thể giúp giảm một nửa số ca tử vong do bệnh ung thư, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ. Dưới đây là 9 điều bạn cần thay đổi trong lối sống để giúp giảm nguy cơ mắc căn bệnh chết người này.

Không hút thuốc hay bất cứ sản phẩm nào khác của thuốc lá: Khói thuốc gây ra một loạt các bệnh ung thư gồm phổi, miệng, họng, thực quản và dạ dày, theo Viện nghiên cứu Ung thư. Nó cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sinh non và những ca tử vong có thể phòng tránh được tại Mỹ. Tiến sĩ McTinernan khuyến cáo: “Nếu bạn từng thử bỏ thuốc, vậy hãy tiếp tục kiên trì, rồi một ngày sẽ có kết quả”.

Hạn chế uống rượu: Điều này có nghĩa là mỗi ngày bạn không nên uống quá 2 ly rượu với nam giới và một ly với nữ. Người lạm dụng chất có cồn có nguy cơ bị ung thư miệng cao gấp 6 lần những người không uống, theo nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Mỹ.

Bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời: Tia cực tím làm tổn thương ADN của các tế bào da và có thể gây đột biến gene, nguy cơ dẫn đến ung thư da, theo Hội Ung thư da Mỹ. Vì thế, bạn hãy chú ý sử dụng kem chống mỗi khi đi ngoài đường, sử dụng loại có SPF từ 30 trở lên, có tác dụng bảo vệ da khỏi tác động của tia UVA và UVB. Bên cạnh đó, cũng đừng quên đội mũ rộng vành và đeo kính râm.

Chăm chỉ tập thể dục: Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người thường xuyên vận động có ít nguy cơ bị ung thư đại tràng và vú hơn người lười vận động, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ. Bạn không cần thiết phải luyện tập giống như các vận động viên thể thao, thay vào đó có thể đi bộ nhanh, đạp xe, khiêu vũ hoặc bất cứ môn thể thao giúp tăng nhịp tim và đổ mồ hôi.

Tránh tiếp xúc trực tiếp với các chất gây ung thư: Phơi nhiễm phóng xạ và một số hóa chất có thể gây bệnh ung thư. Lấy ví dụ, bức xạ ion hóa đến từ các tia gamma, tia UV và X-quang liều cao có thể dẫn đến ung thư phổi, da, tuyến giáp, vú và dạ dày.

Tránh sử dụng liệu pháp thay thế hoócmôn để giảm bớt những ảnh hưởng của thời kỳ mãn kinh: Một số các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc gia tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung với việc sử dụng hoócmôn, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ. Nếu cần phải dùng thì hãy hạn chế liều sử dụng dưới 5 năm.

Duy trì cân nặng ở mức có lợi cho sức khỏe: Điều này có nghĩa là bạn nên duy trì chỉ số khối cơ thể BMI ở mức 25 hoặc thấp hơn. Tăng chỉ số BMI có thể dẫn tới bệnh ung thư đại tràng, các bệnh túi mật, thận, thực quản, tuyến giáp, theo một nghiên cứu năm 2008.

Khám sàng lọc ung thư định kỳ: Khám sàng lọc có thể giúp phát hiện một số bệnh ung thư như đại tràng, vú, tuyến tiền liệt, cổ tử cung và da. Bạn hãy tư vấn với bác sĩ để biết ở độ tuổi nào nên bắt đầu khám và định kỳ bao lâu. Nếu bạn chưa có biểu hiện gì bất thường, việc phát hiện sớm bệnh ung thư cũng giúp tăng khả năng điều trị, thậm chí là chữa khỏi bệnh. Việc khám sàng lọc này có thể gồm kiểm tra tổng thể, xét nghiệm máu, xét nghiệm gene, chụp X-quang, siêu âm…

Có chế độ ăn hợp lý: Vai trò của chế độ ăn với các bệnh lý ung thư từ lâu đã được các nhà khoa học biết đến. Một chế độ ăn thiên về thực vật có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số ung thư nhất là ung thư đại tràng Lời khuyên là bạn không nên ăn nhiều hơn 100 g thịt đỏ mỗi ngày, tránh các loại thịt đã chế biến sẵn như xúc xích và thịt hun khói. Ăn nhiều loại rau và hoa quả khác nhau mỗi ngày; đồng thời hạn chế uống đồ uống có đường, kẹo, khoai tây chiên…