Thỉnh thoảng chú ý tới vẻ ngoài của lưỡi có thể giúp bạn phát hiện ra những bất thường đáng ngờ về mặt sức khỏe trong miệng hoặc ở các cơ quan khác trong cơ thể.
1. Lưỡi xuất hiện nhiều gai: Đừng vội hoảng sợ! Đó có thể chỉ là một lớp vi khuẩn, và có thể được cải thiện thông qua thay đổi các thói quen vệ sinh răng miệng. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này không có biến chuyển hoặc bạn bắt đầu cảm thấy đau, hãy đi khám bác sĩ. Bạn có thể đã bị nấm miệng, mức nghiêm trọng của căn bệnh này còn phụ thuộc vào khả năng đề kháng của hệ miễn dịch. Trong một số trường hợp hiếm gặp, lưỡi trắng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư.
2. Lưỡi địa lý, còn gọi là lưỡi bản đồ: Khi trên lưỡi có những vết như hình bản đồ, viền màu trắng, phía trong đỏ đậm hơn màu lưỡi bình thường và dần dần loang rộng ra, đó là khi bạn bị bệnh viêm lưỡi bản đồ. Đây không phải là một bệnh lý nghiêm trọng. Những vết thương tổn có thể thay đổi về hình dạng, kích cỡ và vị trí theo từng ngày, thậm chí là từng giờ. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây bệnh, tuy nhiên có thể bệnh sử gia đình cùng với bệnh tiểu đường, căng thẳng, dị ứng, vẩy nến và sử dụng thuốc tránh thai loại uống... chính là thủ phạm. Chứng bệnh này không liên quan đến nhiễm trùng hay ung thư.
3. Lưỡi đỏ hoặc sưng: Hiện tượng này có thể do ăn phải các loại thực phẩm cay, có tính axit hoặc chấn thương do bị cắn. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của thiếu hụt vitamin (ví dụ: thiếu axit folic hay vitamin B12), hội chứng Kawasaki ở trẻ em, hoặc phát ban đỏ đối với trẻ em ở độ tuổi 2-10.
4. Xuất hiện lở loét: Nếu hiện tượng lở loét bất thường duy trì trên 6 tuần, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Chúng có thể là kết quả của nhiễm trùng, viêm nhiễm hoặc ung thư. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, bạn có thể sẽ phải dùng thuốc kháng sinh, súc miệng bằng nước sát khuẩn hoặc thậm chí là phẫu thuật.
5. Lưỡi có lông đen hoặc nâu: Bận cần hết sức thận trọng nếu triệu chứng này xuất hiện. Trong nhiều trường hợp, nó là dấu hiệu của ý thức vệ sinh răng miệng kém, và có thể được cải thiện bằng cách uống nhiều nước hơn, đánh răng và cạo lưỡi thường xuyên. Nếu bạn hút thuốc, uống nhiều trà hay cà phê, dùng thuốc có chứa bismuth hoặc đang phải điều trị bằng hóa chất, bạn cũng sẽ bắt gặp triệu chứng này.
6. Lưỡi nóng rát: Hiện tượng nóng rát miệng và lưỡi là triệu chứng phổ biến nhất ở phụ nữ sau mãn kinh. Các nguyên nhân khác có thể do nhiễm khuẩn, miệng khô (tác dụng phụ của một số loại thuốc), hoặc thiếu dinh dưỡng. Bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách uống nước thường xuyên, nhai kẹo cao su (để chống khô miệng). Nếu tình trạng vẫn còn kéo dài nên đi khám bác sĩ.
7. Lưỡi có màu nhợt nhạt và mịn: Khi một người bị thiếu máu do thiếu sắt, lưỡi sẽ trở nên nhợt nhạt và mịn. Đó là bởi vì khi cơ thể bạn thiếu sắt, máu không mang đủ oxy cần thiết đến các mô (gồm cả lưỡi) để lưỡi có màu đỏ hồng, nên đến bác sĩ để được tư vấn cách điều trị hiệu quả. Bạn cũng có thể bổ sung chất sắt cho cơ thể bằng cách tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất sắt như các loại thịt màu đỏ, thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, sò, trai, bắp cải, cải xoong, hạt mè, hạnh nhân…