Làm vịt nấu chao hương vị miền Tây sông nước
Chè bà ba nước dừa dịu mát đậm chất miền Tây
Ở miền Tây, từ lâu chuột, rắn, rết, bọ cạp… đã là món ăn không thể thiếu ở các quán nhậu, nhà hàng. Nếu bắt rắn rết, côn trùng đã là cái nghề nghiêm túc của nhiều phụ nữ thì việc họ gắn bó với những nghề “kinh dị” khác không có gì là lạ.
Bọ cạp bò lúc nhúc trên tay chị Kim
Không bị cắn, ăn cơm mất ngon
Khu vực Chùa Hang (ấp Hòn Chông, xã Bình An, huyện Kiên Lương, Kiên Giang) có hàng chục phụ nữ bán côn trùng, bò sát. Những người phụ nữ ngồi sát nhau, trước mặt và hai bên họ là một loạt những lồng, chậu với đủ loại động vật “kinh dị”: sâu bọ, tắc kè, bọ cạp, rắn, rết… Nhiều người đi qua đường cũng… há hốc mồm vì những món hàng ớn lạnh này.
Chị Nguyễn Thị Hiền, một “chủ tiệm” rắn kiêm tắc kè nhanh nhảu: “Ai lần đầu đến cũng sợ vậy đó, riêng tụi chị quen mặt với rắn rết rồi”. Chị vừa nói vừa thò tay vào lồng sắt loe ngoe những con rắn to nhỏ bóng lưỡng đen ngòm. Chị kể lúc mới vào nghề buôn cũng run lắm, nhưng phải quen thôi vì đếm rắn, đếm tắc kè, bọ cạp thì phải dùng tay chứ không dùng thứ khác được. Những ngày đầu, ngày nào cũng bị cắn, tay rướm máu, rách bươm.
“Ngán nhất là mấy ông tắc kè bay, răng sắc nhọn như răng cưa, đã cắn vào là nhói tận xương tủy, cắn chừng nào ngán mới chịu nhả” - chị nói rồi chỉ cho tôi xem từng vết sẹo nhằng nhịt trên tay, chị phân biệt rạch ròi vết nào của rắn, vết nào của tắc kè. “Nhiều khi mấy ông kiểm lâm tới là phải bưng giỏ rắn, tắc kè chạy gấp kẻo sợ bị tịch thu. Chạy thoát mấy ổng chưa kịp mừng, nhìn tay đã bị “ông” tắc kè cắm phập vào, đau trào nước mắt”.
Chị cho biết làm nghề này ngày nào cũng bị cắn, cắn miết mà quen hình như miễn nhiễm luôn rồi, không biết đau nữa. “Bây giờ mà không bị rắn, tắc kè cắn là ăn cơm không ngon đó chú” - chị cười rổn rảng.
Xung quanh chị, những đồng nghiệp nữ cũng hùa cười theo, ai nấy quanh người toàn rắn, tắc kè, bọ cạp… Những đôi tay chai sạn, sẹo lồi sẹo lõm thỉnh thoảng lại khuấy vào lồng sắt lúc nhúc những loài vật đáng sợ.
Tuyệt chiêu chữa bọ cạp cắn
Vùng Bảy Núi (An Giang) từ lâu nổi tiếng với loại bọ cạp núi được khách thập phương ưa chuộng. Quanh vùng Bảy Núi, rất nhiều khu vực tập trung bày bán loại “đặc sản” này. Bọ cạp được đựng vào thau hoặc rổ nhỏ. Chợ Xuân Tô, huyện Tịnh Biên (An Giang) có hàng hục quầy bán bọ cạp chuyên nghiệp, ngày nào cũng nườm nượp kẻ mua người bán.
Bọ cạp Bảy Núi nghe đâu là phương thuốc hiệu nghiệm chữa đau lưng. Những người bán bọ cạp chủ yếu là nữ. Họ thường mua lại bọ cạp của những người đánh bắt nhỏ lẻ trên núi, xuống chợ bán kiếm lời. Hiển nhiên, cái mặt hàng đặc biệt này là nỗi khiếp đảm của nhiều người. Ấy mà chị em cứ tay trần đếm từng chú bọ cạp từ khi mua đến khi bán.
Chứng kiến con bọ cạp đen thùi lùi quơ đôi càng to tướng lớn hơn cái thân mình, bò tới bò lui trên cánh tay chị Huỳnh Thị Kim, nhiều người xanh mặt hết dám nhìn. Chị Kim, 35 tuổi, đã có 20 năm trong nghề buôn bọ cạp nên rất hiểu chúng.
“Hồi mới vào nghề bị cắn thường xuyên. Bọ cạp Bảy Núi mà cắn là tay sưng vù nửa tháng, mắt mũi hoa hết cả, có người còn sùi cả bọt mép” - chị kể - “Người nào vào nghề này cũng phải chịu vậy trước, dần dần mới thành thạo, không bị cắn nữa. Chú em mua bọ cạp mà lỡ có bị cắn thì đập vào vai vợ là hết. Phụ nữ bị bọ cạp cắn thì đập vào vai chồng”. Thế còn người độc thân? “Thì tốt nhất là đừng bà con gì với bò cạp” - chị Kim cười khúc khích. Đôi tay đầy bò cạp huơ qua huơ lại trước những cặp mắt kinh hãi.
Chẳng ai dại gì để bọ cạp cắn rồi thử những chiêu thuật “không giống ai” của chị Kim. Nhưng khách mua bọ cạp được khuyến mãi thêm những tràng cười thú vị.
Kỹ nghệ hành quyết “cu tý”
Ở xã Tân Hiệp, thị xã Tân Hiệp, Hậu Giang, có chợ chuột Sẻo Vong nổi tiếng. Chợ có chuột sống, chuột làm thịt sẵn đủ loại cung cấp cho một loạt nhà hàng, quán nhậu lớn nhỏ ở Cần Thơ và Hậu Giang. Cùng với nó, chợ khai sinh ra cái nghề làm thịt chuột. Một nghề nghiêm túc với nhiều kỹ nghệ. Đặc biệt, hành nghề làm thịt chuột chủ yếu là chị em phụ nữ. Ở đây việc chặt đầu, lột da, móc ruột chuột là chuyện thường ngày của chị em, cả với những em gái có đôi tay nuột nà.
Chị Hạnh bắt chuột làm thịt.
“Làm thịt chuột khó nhất là giết chuột”, chị Trần Hạnh, thâm niên trên 10 năm bán chuột ở chợ Sẻo Vong, cho biết. “Bắt chuột phải bắt nhanh đằng đuôi rồi chụp lấy đầu, chuột nhỏ thì dùng tay bóp nát đầu cho chết, chuột lớn thì đập mạnh đầu vào cây hoặc nền đất. Thao tác phải mạnh và dứt khoát, nếu chậm là chuột ngoái đầu cắn phập vào tay ngay”. Nói rồi, chị bắt một chú chuột cơm (loại nhỏ) thực hiện luôn các thao tác thuần thục. Người xem chỉ còn nước dựng tóc gáy.
Tiếp đến là loại chuột cống nhum to gần bằng bắp chân. Loại này thường ở rừng đước, rừng tràm đen thui, dữ tợn tới mức dám cắn lại cả chó mèo. Chị chụp mạnh chiếc đuôi kéo con chuột bặm trợn ra khỏi lồng rồi cũng với những thao tác mạnh, dứt khoát, “xử” xong chú chuột, hệt như… phim kinh dị.
“Mỗi người phải mần thịt vài trăm con chuột trong một ngày, không thạo sao được” - chị Hạnh cho biết. Đó là nói vậy, chứ để được lành nghề như bây giờ chị cũng không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần bị chuột cắn. “Bị chuột cắn ít chảy máu nhưng nhức thấu xương, đau theo từng nhịp tim, chịu không nổi đâu”, chị nói.
Mỗi người trong nghề của chị đều có một cách trị đau khi bị chuột cắn. Riêng bà chị đã truyền cho một cách độc đáo: nhổ râu mép của chú chuột cắn mình đắp lên vết thương, bảo đảm đỡ nhức ngay tắp lự (?)
Miền Tây còn có nhiều nghề độc đáo khác không kể hết. Những nghề ly kỳ, những con người phóng khoáng và hào sảng làm nên sự lôi cuốn tự nhiên lạ lùng!
Phụ nữ miền Tây với những nghề “kinh dị”
Vùng Bảy Núi (An Giang) từ lâu đã nổi tiếng với những rắn, rết, bọ cạp, … nay “khai sinh” một đặc sản mới: bọ rầy. Loài côn trùng mới nhìn đã không ít người lợm giọng đã trở thành nguồn cảm hứng ẩm thực của nhiều người.
Bắt bọ rầy làm món 'đặc sản'
Anh Trần Văn Ly, một cư dân xã biên giới An Nông, huyện Tịnh Biên, An Giang bê chiếc rổ nhỏ, bên trong lúc nhúc một loại côn trùng màu đỏ thẫm, xởi lởi: “Đây là bọ rầy, đặc sản chỉ vùng biên này mới có, ăn vào là nghiện ngay”. Vài vị khách lén nhăn mặt, không giấu được sự ghê sợ. Có người mới tưởng tượng cảnh những con côn trùng loe ngoe trong miệng mà đã muốn ói.
Đặc sản bọ rầy chiên chấm muối tiêu chanh
Bọ rầy có hình dạng giống bọ hung, to cỡ ngón tay cái, màu mâu cánh gián, thân ngắn, có cánh, đầu và bộ chân rất cứng nhưng thân mềm và tròn. Anh Ly thấy các vị khách không ai hưởng ứng thì cười sặc sụa: “Ai lần đầu nghe cũng ớn vậy cả. Ăn rồi mới thấm thía”. Nói rồi anh bắt đầu nhóm bếp để chế biến món đặc sản mà theo anh là có một không hai ở miền biên này.
Anh vốc từng vốc bọ rầy, cho vào nước rửa, ngắt bỏ cánh, chân, bỏ đuôi, rút ruột rồi cho vào chảo chiên giòn. “Bọ rầy chế biến đơn giản, không mất nhiều công mà rất tươi ngon”- anh Ly vừa nói vừa bỏ đám bọ rầy vào chảo dầu đang sôi. Không lâu sau, một mùi thơm nức bốc lên, quấn quít các vị khách. Một vài người đã bắt đầu háo hức và thèm thuồng.
Sau khoảng mười phút, món đặc sản đã sẵn sàng, những chú bọ rầy tròn căng, vàng ươm nằm trên đĩa cùng vài lát cà chua, xà lách. Ông chủ bắt đầu rót rượu mời. Thực khách có vẻ không còn đủ kiên nhẫn, vội vàng thưởng thức. Bọ rầy có mùi thịt rất thơm, dai và bùi. Những con bọ rầy được cho lên miệng, cắn ngập răng, bên trong lớp vỏ giòn khấc là vị thịt béo ngậy, thơm ngọt, vị ngon lan tỏa khắp khoang miệng.
“Bọ rầy chiên chỉ cần ăn kèm với muối tiêu chanh, vài xị đế coi như đã là thượng đế”, anh Ly cười khoái trá trước sự trầm trồ của khách. “Bọ rầy có hàng loạt cách chế biến, cách nào cũng ngon. Dân bọn tui vẫn gọi là đệ nhất khoái khẩu vùng biên đó”- anh tự hào.
Thì ra bọ rầy chiên chỉ là khúc dạo đầu, phần tinh túy nhất của đặc sản này hãy còn ở phía trước. Ông chủ hí hửng khoe về món “bọ rầy nhồi” đang thịnh hành khắp miệt. Bọ rầy làm sạch, bỏ ruột, nhét vào bụng một hạt đậu phộng hoặc một miếng thịt bò nhỏ, sau đó xâu thành chuỗi đem chiên hoặc nướng. Người ăn cầm từng xâu thưởng thức, tự cảm nhận vị ngon khó tả.
Đúng là càng ăn càng nghiện, càng thèm. Chả thế mà ông chủ lém lỉnh khẳng định chắc nịch rằng món bọ rầy này đang chễm chệ trong thực đơn của nhiều nhà hàng khách sạn khắp miền Tây!
Xuất ngoại để bắt bọ rầy
Bọ rầy bắt đầu xuất hiện vào tháng đầu tiên của mùa mưa ở Nam bộ. Sau những cơn nắng chảy người miền biên, đất đồng khô khát, nứt nẻ, những cơn mưa đầu tiên ngấm vào đất chan hòa như dòng sữa ngọt, cây cỏ bắt đầu đâm thủng lớp đất khô vươn lên tìm nguồn sống. Đó cũng là mùa đuông đất sinh sôi nảy nở. Đuông đất sống trong lòng đất nhưng mưa xuống là chui lên trở thành bọ rầy.
Bọ rầy sống chủ yếu trên xoài, mít, đào và ăn các loại lá cây. Loài côn trùng này tập trung nhiều ở các xã An Nông, An Phú và thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, An Giang). Vì vậy, ở những nơi này, có hàng trăm người hành nghề đánh bắt bọ rầy.
“Trước đây, người ta bắt bọ rầy chủ yếu vì chúng phá hoại cậy cối, nay thì nó là nghề vì mang lại thu nhập đáng kể”- ông Nguyễn Văn Ba, nông dân ở xã An Phú có thâm niên nhiều năm đánh bắt bọ rầy cho biết. Để bắt được loài bọ này, người ta thường nhặt phân bò, phân trâu khô đốt cho khói tỏa lên trời. Chỉ một lúc, chúng ngửi mùi bay đến, vần vũ trong đám khói, người bắt chỉ cần cầm chổi huơ đập chúng rớt xuống đất, bắt bỏ vào giỏ.
Buôn bán bọ rầy ở chợ biên giới Tịnh Biên (An Giang) trở thành nghề cho thu nhập cao của nhiều nông dân
Ban đêm, việc bắt bọ rầy đơn giản hơn, người ta đặt những chiếc đèn măng sông sáng dưới đất rồi leo lên các tán cây rung mạnh, bọ rầy bay tứ tán nhưng sẽ tập trung lại ở chỗ có ánh sáng, người khác đứng dưới chỉ việc bắt bỏ vào giỏ.
“Một người mỗi đêm bắt được khoảng 5kg bọ rầy. Tính cả tháng có bọ rầy, nông dân bọn tui có một khoản thu nhập đáng kể mà công việc lại nhẹ nhàng”- ông Ba hồ hởi. Nhờ nghề đánh bắt bọ rầy mà nhiều nhà có thêm thu nhập. Nhu cầu bọ rầy ngày một lớn nên ở quê ông nhiều người đang tính sang tận Campuchia để săn loại côn trùng này.
Thị trấn Tịnh Biên (An Giang) giáp giới với Campuchia có chợ Tịnh Biên là nơi giao thương của dân cư hai nước Việt - Campuchia. Chợ này còn nổi tiếng là nơi “tập kết” của những loại đặc sản như: dế, bọ cạp, rắn rết, chuột… từ lâu nức tiếng xa gần. Bên ngoài chợ thường có cả một hàng dài những người phụ nữ với thau chậu hoặc lồng lưới đứng sát nhau la liệt những loại “đặc sản” rợn người. Non chục chị em với những chậu nhỏ đựng đầy loại côn trùng đỏ thẫm, đích thị là bọ rầy đặc sản.
“Bọ rầy đang được ưa chuộng nên cũng dễ buôn bán”- chị Nguyễn Thị Lan, một người có thâm niên hành nghề tại chợ Tịnh Biên cho biết. “Không chỉ người vùng biên, người các tỉnh khác thậm chí là du khách nước ngoài càng đổ về đây tìm mua loại đặc sản này”- chị Lan khẳng định. Mỗi ngày chợ này “xuất” không dưới 60 ngàn con bọ rầy, giá mỗi con khoảng 300 đồng hoặc 15 ngàn đồng/kg. Có lúc du khách đổ về nườm nượp, bọ rầy lên giá từ 3 đến 5 lần mà không có hàng để bán. Nghề buôn bọ rầy vì thế là nghề nghiêm túc, cho thu nhập cao của nhiều chị em vùng biên giới.
Kết hôn với người nước ngoài để mong 'đổi đời'
Theo thống kê, phụ nữ miền Tây Nam Bộ kết hôn với người nước ngoài chiếm số lượng lớn nhất cả nước (79%), gấp 4 lần số phụ nữ đi xuất khẩu lao động.
Về miền Tây, không khó khăn để gặp những người phụ nữ… khổ. Hẳn cộng đồng vẫn chưa quên những cái chết tức tưởi của những cô dâu miền Tây trên xứ người, hay nhẹ hơn thì cũng trở về… trên xe lăn với khuôn mặt ngây dại và không kiểm soát được hành vi như trường hợp của cô Trần Thị Thúy Hằng ngụ ở thị trấn Tân Phú (thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) kết hôn với người chồng Hàn Quốc mà đến khi theo chồng về nước mới biết chồng mình bị tâm thần.
Các cô dâu Việt làm việc torng một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô ở Đài Loan. Ảnh: Duy Quốc (NLĐ)
Chán nản, Hằng đã uống thuốc trừ sâu tự tử để rồi được cứu sống nhưng ra nông nỗi như vậy. Vậy mà ngày ngày vẫn có rất nhiều những cô gái miền Tây xếp hàng để cho người ta chọn như chọn một món hàng, dù rằng sau đó có không ít trường hợp sau khi con gái sang Hàn Quốc, trừ đi các khoản môi giới, cưới xin số tiền gia đình nhận được chỉ vỏn vẹn 500.000 đồng, không đủ chuyến xe trở về nhà.
Lấy chồng ngoại khổ như vậy, nhưng theo tâm sự của nhiều cô gái miền Tây, lấy chồng nội còn khổ hơn nhiều. Chuyện cô dâu Nguyễn Đặng Xuân Thùy ở Cần Thơ thu hút dư luận mấy tháng qua dù sống ở thế kỷ 21 nhưng lại hội đủ các khía cạnh khắc họa hình ảnh người phụ nữ thiệt thòi thời xa xưa: lấy chồng sớm khi chưa tròn 18 tuổi, không đăng ký kết hôn và bị nhà chồng “trả về” vì nghi ngờ sự trong trắng là một ví dụ.
Rồi những Thắm, những Bông, những Nguyệt… luôn có vài vết bầm, sưng trên mặt vì chồng suốt ngày say xỉn, chửi mắng đánh đập. Người vợ ở miền Tây là đồng nghĩa với cảnh đầu tắt mặt tối làm lụng từ việc nhẹ tới việc nặng lo kinh tế gia đình trong khi chồng chỉ mê nhậu nhẹt và đá gà. Và, nếu như đến một ngày nào đó, chồng muốn rũ bỏ vợ chỉ cần vin một lý do đơn giản.
Rất nhiều người phụ nữ ra đi tay trắng bỏ lại sau lưng cơ nghiệp của bao năm làm dâu cực khổ. Có người cũng muốn nhờ cậy đến chính quyền, pháp luật để được bảo vệ quyền lợi, nhưng chỉ mới ở vòng hòa giải cấp xã đã nản chí bỏ cuộc vì phải đi lại nhiều lần, tốn tiền xe, bỏ công ăn việc làm... cảnh nghèo không sao kham nổi.
Thất học, thất nghiệp và bạo hành
Tại hội thảo “Một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, trẻ em và gia đình khu vực Tây Nam Bộ” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức mới đây, những con số buồn minh họa cho nhận định “khổ như phụ nữ miền Tây” đã được đưa ra.
Trong lĩnh vực lao động, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động chỉ đạt 67,6%, thấp hơn 19,3% so với nam giới (87,0%). Mức chênh lệch tỷ lệ nam - nữ tham gia lực lượng lao động này hiện là cao nhất so với các vùng miền trong cả nước (khu vực Đông Nam Bộ là 17,1%; Tây Nguyên là 7,8%; Trung du và miền núi phía Bắc là 3,0%). Tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chỉ chiếm 7,9% so với nam là 11,3% (số liệu chung của nữ là 14,3%).
Đây được xác định là một trong nhưng nguyên nhân dẫn đến tình trạng làm các công việc giản đơn của phụ nữ như: bán vé số, sửa móng chân tay, vật lý trị liệu, làm việc trong các quán karaoke, nhà hàng….
Không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp cao (60,2%) hơn so với nam trong cùng khu vực (39,8%), và cao nhất trong cả nước (đồng bằng sông Hồng là 41,1%, Đông Nam bộ là 48,6%, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là 45,6%).
Bạo hành gia đình và lấy chồng người nước ngoài hiện là vấn đề nổi lên ở miền Tây Nam Bộ. Tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực rất cao, trong đó bị bạo lực thể xác là 32,7%, bị bạo lực tinh thần là 60,1%; phụ nữ kết hôn với người nước ngoài chiếm số lượng lớn nhất cả nước, từ năm 2007 đến nay đã có khoảng 70.000 phụ nữ trong vùng lấy chồng nước ngoài (chiếm 79% tổng số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài), gấp 4 lần số phụ nữ đi xuất khẩu lao động.
Phần đông phụ nữ trẻ ở ĐBSCL lấy chồng nước ngoài đều nuôi hy vọng thay đổi cuộc đời. Nhưng bằng những cuộc hôn nhân vội vã đó đã dẫn đến nhiều bi kịch “hậu hôn nhân”. Hàng trăm phụ nữ lấy chồng nước ngoài đã phải trở về nước do mâu thuẫn gia đình hoặc bị chồng bạo hành, cuộc sống bị ràng buộc do không đủ giấy tờ hợp lệ để thủ tục ly hôn, làm lại cuộc đời.
Đau lòng nhất là đã có 4 trường hợp cô dâu xuất ngoại bị chồng bạo hành tàn nhẫn dẫn đến những cái chết thương tâm.
15 món ngon Việt khiến du khách nước ngoài mê tít
Phụ nữ nên làm nghề gì?
Nghề thích hợp nhất với phụ nữ
Phụ nữ kiếm tiền qua mạng không hề khó
Nhân viên bán hàng
Trợ lý báo chí - nghề mới
(st)