Con người khoẻ hay yếu có quan hệ chặt chẽ với hoạt động tinh thần. Tinh thần bị kích thích đột ngột hay lâu dài quá độ đều có thể làm rối loạn hoạt động nội tạng. Tránh những kích thích tinh thần quá độ làm tổn thương tâm khí chúng tôi xin giới thiệu một phương pháp hiệu quả, đó là ngồi thiền.
Ngồi thiền là một trạng thái sinh lý giữa ngủ và thức. Đây là trạng thái ức chế đồng đều các tế bào thần kinh cả cảm giác và vận động tập trung bắt đầu từ vỏ não.
Thiền có 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Kéo dài 5-10 phút là giai đoạn chuyển từ hoạt động sang trạng thái yên tĩnh, tập trung tư tưởng để nhập thiền.
Giai đoạn 2: Kéo dài 20-40 phút và có thể kéo dài hơn nữa tuỳ thuộc vào khả năng cơ thể và cách tập luyện. Đây là giai đoạn nhập thiền và người tập hoàn toàn yên tĩnh, loại bỏ tất cả suy nghĩ, tập trung điều khiển hố hấp chậm dần. Khi các tế bào thần kinh bị ức chế sẽ tạo ra cảm giác thư thái và thư giãn cho cơ thể.
Giai đoạn 3: Dần dần trở về trạng thái bình thường, kéo dài 5-10 phút.
Có hai kiểu ngồi thiền:
Ngồi hoa sen: lòng bàn chân phải ngửa lên đùi trái và ngược lại; và ngồi nửa hoa sen lòng bàn chân phải ngửa lên bắp chân trái.
Ngồi tư thế ngay ngắn, cân đối toàn thân thả lỏng tự nhiên. Tập thiền có thể coi là phương pháp thể dục dưỡng sinh có tác dụng nâng cao sức khoẻ và bảo dưỡng tinh thần.
Thử nhìn xuống một hồ nước. Khi mặt hồ yên tĩnh, trong xanh ta dễ dàng nhìn rõ được mọi vật dưới đáy. Trái lại, khi làn nước gợn sóng, hình ảnh sẽ bị phản chiếu lệch lạc. Bộ não con người cũng giống như vậy. Khi tinh thần yên tĩnh, tập trung, tâm trí sẽ sáng suốt. Trái lại, khi có tạp niệm xen vào hoặc lúc lo âu căng thẳng, sự phán đoán sẽ kém chính xác. Sự căng thẳng sẽ làm mệt bộ não, cơ thể tiêu phí nhiều năng lượng mà việc giải quyết công việc lại kém hiệu quả. Một sinh viên thiếu tập trung sẽ khó tiếp thu bài giảng. Một công nhân đứng máy lơ đểnh sẽ dễ mắc tai nạn lao động. Một nhà nghiên cứu mà tinh thần không ổn định sẽ khó có thể hoàn thành công trình của mình. Ngoài ra, trong điều kiện phát triễn của nền văn minh công nghiệp với tính cạnh tranh cao, con người luôn phải đối mặt với nhiều loại áp lực thì việc phải gánh chịu stress làm giảm sức đề kháng và dễ dẫn đến nhiều bệnh tật là điều đáng lo ngại. Từ những thực tế nầy nhiều người đã tìm đến với thiền.
THIỀN LÀ GÌ?
Nói một cách đơn giản, thiền là những phương pháp giúp hình thành thói quen tập trung tư tưởng để làm đúng công việc mà chúng ta muốn làm và đang làm. Đặc biệt thiền giúp điều chỉnh lại tình trạng mất cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh do quá trình sinh hoạt và làm việc căng thẳng gây ra.
Có nhiều phương pháp thiền khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là giúp người luyện tập có thể tập trung chú ý vào một điểm ở trong hoặc ngoài cơ thể, vào một đề tài, một hình ảnh hoặc một câu "chú" nhất định nhằm đưa cơ thể tiến dần vào tình trạng nhập tĩnh khi tâm không còn bất cứ ý niệm nào.
CÁC BƯỚC THÔNG THƯỜNG CỦA MỘT LẦN NGỒI THIỀN
1. Chuẩn bị: Trước khi ngồi thiền, cần hoàn tất các công việc thường nhật trong ngày để tư tưởng khỏi vướng bận; Tắm rửa sạch sẽ, nới lỏng quần áo; Chọn một nơi yên tĩnh, thoáng mát, không có ruồi muỗi.
2. Tư thế: Có thể chọn tư thế ngồi xếp bằng thông thường, ngồi bán già hoặc ngồi kiết già. Lưng thẳng, cằm hơi đưa vào để cột sống được thẳng. Đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên. Hai bàn tay buông lỏng đặt trên hai đùi hoặc đan chéo nhau để trước bụng, miễn sao hai tay cảm thấy thoải mái, dễ giãn mềm cơ bắp là được.
Tư thế kiết già (thế hoa sen), đặc biệt thích hợp cho việc ngồi thiền: Ngồi xếp bằng tự nhiên, dùng hai bàn tay nắm bàn chân phải từ từ gấp chân lại và đặt bàn chân lên đùi trái, gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa lên trời. Kế tiếp dùng hai bàn tay nắm bàn chân trái gấp lại, đặt bàn chân trái lên đùi phải, kéo nhẹ gót chân vào sát bụng, bàn chân ngửa lên trời.
Các đạo sư Yoga cho rằng vị thế khóa nhau của hai chân trong tư thế kiết già sẽ tạo sức ép lên hai luân xa ở dưới cùng của cơ thể, khiến dòng năng lượng có khuynh hướng đi lên để nuôi dưỡng các trung tâm lực dọc theo cột sống và kiểm soát toàn bộ hệ thần kinh. Những thí nghiệm khoa học về Yoga cho thấy chỉ cần ngồi tư thế hoa sen, dù ta không cố gắng tập trung tư tưởng, vẫn có một sự thay đổi ở sóng não từ nhịp Beta khoảng 20 chu kỳ mỗi giây xuống nhịp Alpha khoảng 8 chu kỳ mỗi giây. Nhịp Alpha là tình trạng sóng não của một người đang trầm tĩnh và minh mẫn. Điều nầy có nghĩa là tự thân tư thế kiết già đã có công năng làm êm dịu thần kinh chưa kể đến những cố gắng khác của việc ngồi thiền.
3. Giảm các kích thích giác quan: Một trong những yếu tố quan trọng để dễ nhập tĩnh là không bị các kích thích bên ngoài quấy nhiễu. Người xưa gọi là "bế ngũ quan".
Trên thực tế, những quan sát qua điện não đồ cho thấy chỉ cần nhắm mắt để loại bỏ thị giác là đã giảm được 50% các kích thích từ bên ngoài. Do đó, nên nhắm mắt lúc ngồi thiền. Khi nhắm mắt chỉ cần khép hờ để bảo đảm không có sự căng cơ ở vùng mặt.
4. Giãn mềm cơ bắp: Ngày nay, khoa học đã biết rất rõ tác động qua lại giữa 2 yếu tố thần kinh và cơ. Khi thần kinh căng thẳng, trương lực cơ bắp cũng gia tăng. Ngược lại, nếu điều hòa trương lực cơ bắp ở mức thư giãn thì thần kinh cũng sẽ được ổn định. Chúng ta dễ dàng nhận thấy điều này khi quan sát một người đang giận dữ. Khi tức giận, gân cổ nổi lên, cơ bắp căng cứng, bàn tay nắm chặt...; đó là lúc thần kinh quá căng thẳng. Ngược lại, hãy nhìn một người đang ngồi ngủ gật trên xe. Lúc người này thiếp đi là lúc thần kinh ở mức thư giãn, tâm không còn ghi nhận ý niệm gì cụ thể và cơ bắp cũng giãn mềm nên đầu dễ dàng ngoẹo sang một bên. Vì vậy, trong quá trình hành thiền, việc chủ động giãn mềm cơ bắp sẽ thúc đẩy nhanh quá trình thư giãn, nhập tĩnh.
Trên thực tế, chỉ cần quan tâm giãn mềm cơ mặt và cơ bàn tay là đủ. Điều này căn cứ vào hai quy luật: Thứ nhất, mặt và hai bàn tay là những vùng phản chiếu có các điểm tương ứng với toàn bộ cơ thể, do đó nếu thư giãn được vùng mặt hay hai bàn tay sẽ thư giãn được toàn thân. Thứ hai, theo học thuyết Paplop, khi tập trung gây ức chế thần kinh một vùng hoặc một điểm ở vỏ não (qua hiệu ứng thư giãn) thì sự ức chế này sẽ lan tỏa gây ức chế toàn bộ vỏ não.
5. Tập trung tâm ý: Đây là giai đoạn chính của buổi hành thiền. Như đã nói ở phần trên, thiền chính là sự tập trung tư tưởng vào một điểm hoặc một đề mục duy nhất để dần dần đạt đến tình trạng trống rỗng, không còn vướng mắc vào bất cứ một ý niệm nào. Để thư giãn thần kinh hoặc để chữa bệnh, chỉ cần duy trì tình trạng tập trung vào điểm hoặc vào đề mục tập trung trong một thời gian nhất định là đủ. Điều quan trọng là nên tập đều đặn hàng ngày, mỗi ngày một hoặc hai lần. Lúc đầu, ngồi khoảng 15 phút mỗi lần, dần dần tăng lên. Sau một thời gian, khi não bộ đã ghi nhận thói quen thiền thì việc ngồi vào tư thế, nhắm mắt, việc đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên hoặc ám thị giãn mềm cơ bắp sẽ hình thành nên những phản xạ có điều kiện để đưa người tập vào trạng thái thiền định.
Về điểm để tập trung tư tưởng, một vị trí ở vùng bụng dưới mà nhiều trường phái thường chọn làm điểm tập trung khi ngồi thiền là huyệt Đan điền, cách dưới rốn khoảng 3cm. Nên tập trung vào điểm này vì nhiều lẽ.
Theo y học cổ truyền, "thần đâu khí đó". Do đó, khi tập trung vào một điểm ở vùng dưới cơ thể thì khí và huyết sẽ lưu chuyển về phía dưới, làm nhẹ áp lực ở vùng đầu, dễ dẫn đến nhập tĩnh.
Đan điền còn gọi là Khí hải hay Khí huyệt, ngụ ý là nơi "luyện thuốc", là "bể chứa khí". Đan điền là một huyệt quan trọng trong việc luyện dưỡng sinh của các đạo sĩ, các nhà khí công. Có nhiều trường phái khác nhau và việc tu luyện rất phức tạp. Tuy nhiên, các công phu của đạo gia nói chung và việc phát sinh nội khí để chửa bệnh nói riêng đều dựa vào bí quyết "hồi quang nội thị" hoặc "ngưng thần nhập khí huyệt". Tâm không duyên ra ngoài, hướng đôi mắt vào trong gọi là hồi quang, tập trung thần vào bên trong cơ thể gọi là nội thị. Ngưng thần nhập khí huyệt chính là tập trung tâm ý tại Đan điền để phát sinh nội khí. Lâu dần chân khí được sung mãn sẽ khai thông các kinh lạc bế tắt hoặc bồi bổ cho ngủ tạng để tăng cường sức khoẻ.
Một số người tâm dễ xao động có thể cần một phương pháp kiểm soát tâm chặt chẽ hơn. Trường hợp này, nên kết hợp quan sát hơi thở với việc tập trung tại Đan điền bằng cách quan sát sự phồng lên và xẹp xuống tại bụng dưới. Lúc hít vào bụng dưới hơi phồng lên, lúc thở ra bụng dưới hơi xẹp xuống. Chỉ cần thở bình thường. Không cần quan tâm đến thở sâu hay thở cạn, đều hay không đều. Điều quan trọng ở đây là tập trung quan sát để biết rõ ta đang hít vào hay đang thở ra thông qua chuyển động phồng lên hay xẹp xuống ở bụng dưới. Sở dĩ chọn quan sát hơi thở ở bụng dưới mà không phải ở đầu mũi hoặc ở ngực là nhằm tạo quán tính thở sâu kết hợp với việc phát sinh nội khí ở Đan điền như đã dẫn ở phần trên. Thỉnh thoảng sẽ có những lúc tâm bị phân tán, các tạp niệm xen vào. Điều này là bình thường. Chỉ cần khi nhớ ra hãy tập trung trở lại Đan điền hoặc tiếp tục quan sát hơi thở vào ra là đủ. Lâu dần, những tạp niệm sẽ bớt đi, thời gian tập trung sẽ dài hơn, hơi thở sẽ đều, chậm và nhẹ hơn, cho đến lúc không còn ý niệm và quên luôn cả hơi thở. Nếu thường xuyên đạt đến tình trạng này, có nghĩa người tập đã tiến được một bước rất dài. Không chỉ là không bệnh tật mà còn là sự tự tin, cảm thông và hoà hợp để dần dần đạt đến điều mà người xưa gọi là thiên nhân hợp nhất.
6. Xả thiền: Sau khi ngồi thiền, trước khi đứng dậy cần làm một số động tác để cơ thể hết tê mỏi và khí huyết lưu thông bình thường. Từ từ buông thõng hai chân, xoay người qua lại nhiều lần, xoay ở vùng hông và vùng cổ. Dùng hai tay vuốt nhẹ hai bên sóng mũi từ đầu mũi xuống chót cằm, vuốt ấm vành tai. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho ấm rồi áp vào mắt. Dùng hai bàn tay xoa bóp dọc theo hai chân, từ đùi dài xuống bàn chân. Xoa ấm hai lòng bàn chân.
Việc xả thiền tùy thuộc vào mỗi buổi thiền. Nếu chỉ thiền khoảng 15 phút hoặc khi có công việc cần đứng lên gấp thì chỉ cần co duỗi hai chân và xoay người, hoặc lắc cổ qua lại nhiều lần là đủ.
NGỒI THIỀN CÓ GÂY NGUY HIỂM GÌ KHÔNG?
Một vấn đề cuối cùng mà những người mới tập thiền thường thắc mắc là liệu ngồi thiền có gây nguy hiểm gì không? Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào phương pháp và động cơ của việc ngồi thiền. Một số phương pháp thiền có phối hợp với vận khí hoặc có sự hỗ trợ khai mở một số trung tâm lực trong cơ thể nhằm thúc đẩy nhanh quá trình sinh khí và gia tăng nội lực. Các phương pháp này có thể gây những nguy hiểm đi kèm nếu người tập thiếu những kiến thức về khí công, về y học truyền thống hoặc không có đạo sư hướng dẫn để vận dụng và kiểm soát kịp thời nguồn năng lực mới phát sinh. Trái lại, nếu ngồi thiền để đạt đến sự tĩnh lặng trong tâm trí, để thư giãn thần kinh và tăng cường sức khỏe, không vận khí, không bám víu vào bất cứ ảo giác, âm thanh hoặc hình ảnh nào thì không có gì nguy hiểm
Thuật ngữ "thiền" có nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc "chan" có nghĩa là trầm tư, mặc định. Đó là một phương pháp cổ xưa ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 6. Thiền học không phải là một tôn giáo mà là một môn triết học, một nghệ thuật sống. Nói một cách văn học, thiền có nghĩa là ổn định tâm thần, khiến cho tinh thần thanh thản, yên bình.
Cách luyện tập thiền ?
Để làm quen với thiền tại nhà, chúng ta cần tìm hiểu kỹ ba giai đoạn cơ bản sau đây của thiền:
Công nghệ dựng ảnh não ra đời càng thúc đẩy thêm các nghiên cứu. Năm 1997, nhà thần kinh học Andrew Newberg, thuộc Đại học tổng hợp Pennsylvania, đã dùng tia phóng xạ để xem áp lực máu trong não của một nhóm các thiền sư và phát hiện rằng khi họ nhập định, não của họ không "tắt" mà chỉ phong tỏa các thông tin lên thùy đỉnh não. Nghiên cứu thiền định đã có bước đột khởi vào tháng 3/2000 khi Đạt Lai Lạt Ma gặp gỡ các nhà thần kinh học ở Ấn Độ và yêu cầu sử dụng các kỹ thuật dựng ảnh não hiện đại nhất để quan sát các đại sư thiền định (gắn đầy các điện cực). Các kết quả thu được sẽ được thảo luận vào tháng 9 tới.
Người Mỹ đang say mê thử các kỹ thuật thiền như Vipassana (tập thở), thiền hành (đi bộ chậm trong tỉnh giác), TM (thần thiền, bằng cách nhắc đi nhắc lại những thần chú tiếng Phạn), Dzogchen (tỉnh giác) và thậm chí cả thiền vũ (nhảy theo nhạc). Roger Walsh, giáo sư triết học, tâm thần học, Đại học tổng hợp California, nói: "Chỉ những năm gần đây tâm thần học phương Tây mới nhận ra hội chứng nhiễu loạn chú ý (không tập trung được). Nhưng các thiền giả phương Đông đã biết từ hàng nghìn năm trước rằng con người luôn bị nhiễu loạn chú ý mà không ý thức được".
Hơn 10 năm trước, tiến sĩ Dean Ornish đã khẳng định thiền cùng với yoga và ăn kiêng có tác dụng giảm thiểu sự tích tụ các mảng bám ở động mạch vành. Tháng 4/2003, tại đại hội của Hội Tiết niệu Mỹ, ông đã công bố nghiên cứu rằng thiền định có thể làm chậm lại sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt. Tại Đại học Cambridge, John Teasdale chứng minh rằng thiền giúp bệnh nhân trầm cảm rất hiệu quả và giảm tới 1/2 khả năng tái phát bệnh. Ngoài ra, Jon Kabat-Zin, người thành lập Trung tâm trị liệu Stress năm 1979, đã giúp đỡ hơn 14.000 người vượt qua các bệnh đau đớn không cần dùng thuốc bằng cách tập trung thiền định. "Thiền cực kỳ hữu dụng với những bệnh nhân ung thư, AIDS hay các bệnh đau mạn tính", Jon nói. Cũng theo Jon, kỹ thuật thiền định càng hoàn hảo, người ta càng có nhiều kháng thể và hệ thống miễn dịch của cơ thể càng lớn mạnh.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu mới cũng cho thấy thiền đôi khi có thể thay thế được Viagra vì nó mang lại rất nhiều sinh lực. Nữ nghệ sĩ Heather Graham bắt đầu ngồi thiền từ 12 năm trước dưới sự hướng dẫn của David Lynch, đệ tử của Maharishi nổi tiếng. "Thiền định đã khiến đời tôi đổi khác", chị nói. "Vào cuối ngày, những chuyện eo xèo trên phim trường chẳng còn ý nghĩa gì với tôi nữa". Rất nhiều người Mỹ nổi tiếng đã ngồi thiền. Như Goldie Hawn, với thiền phòng đầy ảnh Đạt Lai Lạt Ma và Mẹ Teresa; hay Bill Ford, ông chủ hãng Ford Motors; cả Hillary Clinton cũng nói đến ngồi thiền; rồi vợ chồng nhà Al Gore. "Cả hai chúng tôi đều tin tưởng vào cầu nguyện và đặc biệt là thiền định", Al Gore, cựu phó tổng thống Mỹ, nói.
Nghiên cứu được thực hiện trong phòng thí nghiệm, trên 15 người phụ nữ bị bỏng nhẹ do áp thiết bị làm nóng lên chân. Những người này được chia thành 3 nhóm khác nhau, trong đó chỉ có duy nhất một nhóm được tập thiền, các nhóm còn lại sẽ nhờ đến các phương pháp thư giãn, làm toán.
Các bài tập thiền giúp con người quên đi nỗi đau cơ thể.
Các tình nguyện viên này phải tham dự 4 buổi tập thiền kéo dài trong suốt 4 ngày, trung bình 20 phút/ngày. Kết quả cho thấy, có đến 57% phụ nữ thừa nhận họ thấy ít khó chịu tại những vùng da bị tổn thương, không còn đau rát như trước kia; ngoài ra có 40% cho biết mình không còn sợ hãi, căng thẳng vì các vết thương.
Ông Fadel Zeidan - tác giả chính của công trình nghiên cứu này thuộc Trường y Wake Forest Baptist, Bắc Carolina (Mỹ) cho biết: "Đây mới chỉ là bước nghiên cứu đầu tiên, nhưng đã cho thấy chỉ một giờ ngồi tập trung thiền định có thể khiến phần não điều khiển việc nhận tín hiệu các cơn đau tạm "khóa", nhờ đó làm giảm các cơn đau không mong muốn. Thiền sẽ dạy cho con người biết rằng, những bối rối, cảm giác đau đớn chỉ là tạm thời, dần dần sẽ biến mất. Tập các bài thiền, con người dễ dàng chấp nhận các cơn đau, nhận ra nó là gì, rồi để nó qua đi, và dành tất cả sự tập trung, chú ý vào những vấn đề hiện tại".
Tác giả còn cho biết, các tín hiệu chế ngự cơn đau thu được từ việc tập thiền được xem là thành quả cao nhất so với các công trình nghiên cứu tương tự. Trong khi các phương pháp dùng morphine, các loại thuốc giảm đau khác hay thôi miên cũng chỉ giúp giảm đau được khoảng 25%.
Trước đây, đã có không ít các công trình nghiên cứu về thiền trong Phật giáo có tác dụng chữa các căn bệnh của cuộc sống hiện đại như ung thư, những bệnh bất ổn về tâm lý, bức xúc hay căng thẳng xảy ra hàng ngày, tạo ra những biến chứng phức tạp khó chữa trị, nhưng chỉ được xem là liệu pháp tâm linh.