U bạch huyết nguyên nhân và cách điều trị
Nguyên nhân, cách phòng và điều trị bệnh loãng xương
Nguyên nhân làm việc nhóm kém hiệu quả
Nguyên nhân của bệnh nhồi máu não và những thông tin cần biết. Tai biến mạch não (TBMN) là bệnh lý thần kinh hay gặp nhất và là một cấp cứu lớn trong y học, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau các bệnh lý về tim mạch và ung thư, đồng thời là một bệnh gây tàn phế mắc phải ở người trưởng thành, là gánh nặng cho gia đình bệnh nhân (BN) và xã hội.
TBMN gặp ở mọi nơi, tần suất mắc bệnh là 75 trường hợp/100.000 dân (theo một nghiên cứu tại Hà Nội), tỷ lệ tử vong khoảng 30% (theo một nghiên cứu tại TP. Hồ Chí Minh). Bệnh tăng lên rõ rệt theo tuổi (phổ biến nhất ở lứa tuổi 60 - 80), nam mắc bệnh nhiều hơn nữ. TBMN xảy ra quanh năm nhưng gặp nhiều hơn về mùa lạnh và những tháng chuyển mùa hoặc vào những ngày thay đổi thời tiết đột ngột, nhiệt độ càng thấp thì TBMN càng nhiều, đặc biệt bệnh xảy ra nhiều vào lúc sáng sớm.
Mạch máu bị tắc nghẽn gây nhồi máu não.
TBMN bao gồm hai thể, thể nhồi máu não và thể chảy máu não. Nhồi máu não (thiếu máu não cục bộ, nhũn não) xảy ra khi một mạch máu bị tắc, nghẽn, khu vực tưới bởi mạch đó bị thiếu máu và hoại tử. Nhồi máu não chiếm khoảng 80 - 85% trong tổng số các bệnh nhân TBMN. Mặc dù TBMN vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng việc phát hiện và điều trị khịp thời cũng làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như tỷ lệ di chứng.
Các biểu hiện lâm sàng của nhồi máu não
Bệnh thường khởi phát đột ngột hoặc từ từ, tăng dần trong vài giờ đến vài ngày đầu các triệu chứng thần kinh tùy thuộc vào vị trí tổn thương như tê bì hoặc liệt nửa người, nói khó, lú lẫn...
Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng trên cần đưa ngay đến chuyên khoa thần kinh khám và làm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh.
Điều trị nhồi máu não như thế nào?
Mục tiêu: Điều trị càng sớm càng tốt nhằm hạn chế tử vong và di chứng cho người bệnh, bao gồm điều trị giai đoạn cấp và điều trị dự phòng tái phát.
Điều trị nhồi máu não giai đoạn cấp:
- Điều trị nhằm hạn chế tổn thương các tế bào thần kinh: Các biện pháp chung (thở ôxy, chống toan máu, kiểm soát đường máu không vượt quá 12-14mg/lít); chống phù não bằng manitol hoặc glycerol; dùng các thuốc ức chế canxi và bảo vệ tế bào thần kinh khác như nimodipine... (trong tương lai có thể sử dụng một số thuốc bảo vệ tế bào thần kinh như các thuốc ức chế glutamat (NMDA), các thuốc ức chế gốc tự do).
- Điều trị nhằm vào mạch máu: Làm pha loãng máu (trong nhồi máu não thì tỷ lệ hematocrite tăng do đó dẫn đến giảm lưu lượng tuần hoàn nên cần pha loãng máu nhưng phải theo dõi chức năng tim và quản lý huyết áp; sử dụng các thuốc chống đông và tiêu huyết khối nhưng phải theo dõi và chỉ định chặt chẽ (heparin được chỉ định trong bóc tách động mạch cảnh hoặc sống nền; fraciparin được chỉ định điều trị dự phòng tắc động mạch phổi và động mạch chi dưới; thuốc tiêu huyết khối được sử dụng trong trường hợp nhồi máu não thuộc động mạch não giữa ở những bệnh nhân được chẩn đoán sớm trong vòng 3 - 6 giờ sau tai biến, tại trung tâm đột qụy ở một số bệnh viện lớn; thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như aspirin, plavix..., ngoài tác dụng điều trị dự phòng còn có tác dụng trong giai đoạn cấp); khống chế huyết áp cho phù hợp, không xử dụng thuốc hạ huyết áp quá nhanh như adalat.
- Điều trị và dự phòng các biến chứng: điều trị động kinh; điều trị các biến chứng tim mạch, hô hấp, biến chứng nhiễm trùng (viêm phổi, viêm đường tiết niệu…); điều trị biến chứng teo cơ cứng khớp, loét, mảng mục…(tập phục hồi chức năng vận động; trăn trở bệnh nhân 3 - 4 giờ/1 lần; xoa bóp vùng tỳ đè…).
- Những việc nên làm: nhanh chóng chẩn đoán xác định bệnh và nguyên nhân gây bệnh; bệnh nhân cần được nằm trên một đệm đặc biệt như đệm hơi hoặc đệm nước trong vài ngày đầu, khi huyết động ổn định chuyển sang tư thế 30 độ; thở ôxy qua ống thông mũi hoặc đặt nội khí quản nếu cần; bù nước và điện giải; theo dõi tim mạch bằng monitoring ít nhất trong 24 giờ; những việc không nên làm như sử dụng thuốc chống đông hoặc chống ngưng tập tiểu cầu mà không chụp cắt lớp vi tính sọ não; dùng thuốc hạ huyết áp quá nhanh như adalat.
Điều trị dự phòng tái phát
Điều trị tốt các yếu tố nguy cơ của TBMN như uống thuốc huyết áp thường xuyên theo đơn của bác sĩ, ăn nhạt muối, hạn chế mì chính; bỏ bia, rượu và thuốc lá; không dùng sâm, nhung hoặc cam thảo; kiểm soát tốt đường máu; hạn chế ăn mỡ động vật, thay bằng dầu thực vật; đi bộ, tập thể dục đều đặn tránh béo phì hoặc tăng cân; bóc lớp áo trong của động mạch cảnh khi hẹp trên 70%; điều trị thuốc chống ngưng tập tiều cầu (aspirin 100 - 300mg/ngày kéo dài 3 tháng trong trường hợp nhồi máu não lần đầu hoặc thiếu máu não cục bộ thoảng qua; kéo dài 6 tháng trong trường hợp nhồi máu não tái phát (cần tuân thủ chống chỉ định); điều trị thuốc kháng vitamin K trong trường hợp nhồi máu não có nguồn gốc từ tim.
Đột quỵ nhồi máu não
Đột ngột bị yếu, tê bì nửa mặt, nửa người hoặc chỉ một bên tay, chân khó nói hoặc không nói được, mất thị lực một bên, sau vài phút đến vài giờ thì hết - đó là biểu hiện của cơn thiếu máu não thoáng qua, cảnh báo nguy cơ đột quỵ não nặng.
Ảnh minh họa Internet.
Biểu hiện sớm
Đột quỵ nhồi máu não là tình trạng tế bào não bị chết do dòng máu nuôi não bị tắc đột ngột và không hồi phục lưu thông trong vòng 6-8 giờ.
Triệu chứng: thần kinh khi bị nhồi máu não phụ thuộc vào vị trí, kích thước động mạch bị tắc với biểu hiện đột ngột hôn mê, lú lẫn, chậm chạp, nhưng có thể ý thức vẫn bình thường, kèm theo hoặc không kèm theo kích thích vật vã, liệt nửa mặt (méo miệng, uống nước bị rớt ra ngoài...), liệt nửa người (bị rơi đồ vật đang cầm trên tay, bị ngã khi đang đi đứng), nói khó hoặc không nói được...
Cơn thiếu máu não thoáng qua chính là tình trạng thiếu máu não gây ra các triệu chứng tương tự như đột quỵ nhồi máu não, nhưng hồi phục nhanh và hoàn toàn sau vài phút, vài giờ và không quá 24 giờ.
“Hẹp động mạch cảnh là một trong các nguyên nhân quan trọng gây đột quỵ nhồi máu não mà biểu hiện sớm là cơn thiếu máu não thoáng qua”, TS-BS Lê Văn Trường, Chủ nhiệm khoa Can thiệp tim mạch B12, Bệnh viện 108 (Hà Nội) lưu ý. Các biểu hiện này đôi khi bị xem nhẹ, bị bỏ qua nhưng đó là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ nặng có thể xảy ra trong tương lai gần ở khoảng 30-40% số bệnh. Do vậy, bệnh nhân không được bỏ qua triệu chứng này (kể cả đã hồi phục hoàn toàn).
Cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để chẩn đoán xác định và can thiệp điều trị kịp thời, không bỏ lỡ cơ hội cứu sống bệnh nhân và phục hồi nhanh các triệu chứng thần kinh giúp phục hồi và ngăn chặn đột quỵ nặng. Động mạch cảnh là động mạch lớn nhất cấp máu cho não. Khi lòng động mạch cảnh bị hẹp lại do mảng vữa xơ phát triển dày lên từ thành mạch sẽ làm giảm lưu lượng dòng máu não. Mảng vữa xơ có thể gây nên huyết khối tắc mạch tại chỗ hoặc di chuyển gây tắc mạch não.
Khơi thông dòng chảy
Bệnh nhân nam, 75 tuổi, nhiều lần làm rơi các đồ vật như chén, bát khi đang cầm trên tay. Bệnh nhân cũng từng bị ngã khuỵu khi đang đi và có biểu hiện hơi yếu nửa người bên trái, được gia đình đưa đến khám và điều trị tại khoa B12, đã được tiến hành điều trị nong, đặt stent tại vị trí động mạch bị hẹp. Lòng mạch nhờ đó được mở rộng giúp cho máu lưu thông. Sau điều trị bệnh nhân đã hết các biểu hiện của thiếu máu não, sinh hoạt trở lại bình thường. Trong khi đó, một bệnh nhân khác đến muộn khi đã bị đột quỵ, liệt nửa người bên phải thì sự hồi phục sau điều trị chậm hơn nhiều cả về thời gian cũng như chức năng. Do đó, chất lượng sống cũng bị suy giảm.
Theo TS-BS Lê Văn Trường, điều trị hẹp động mạch cảnh bằng can thiệp nội mạch là phương pháp không phẫu thuật, đưa dụng cụ qua một lỗ chọc kim ở động mạch đùi (gồm dây dẫn, ống thông gắn bóng, stent) đưa lên vị trí động mạch tổn thương, mở rộng lòng động mạch cảnh bị hẹp, ép mảng vữa xơ vào thành động mạch, tái lập lưu thông dòng máu lên não. Kỹ thuật này làm giảm đáng kể nguy cơ nhồi máu não và các cơn thiếu máu não thoáng qua. Đây là can thiệp cấp cứu khẩn cấp cho bệnh nhân nhồi máu não đến sớm do tắc động mạch cảnh. Tạo điều kiện an toàn cho các cuộc phẫu thuật lớn khác (phẫu thuật tim, phổi...).
Sau điều trị, bệnh nhân uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và kiểm tra định kỳ để đánh giá kết quả lâu dài và can thiệp bổ sung nếu bệnh tái phát. Tai biến ước khoảng dưới 5%, có thể gặp hội chứng tăng tái tưới máu não gây phù não, xuất huyết não... hoặc nhồi máu não do cục nghẽn di chuyển trong quá trình can thiệp.
Nhồi máu não và “cơ hội vàng” cho người bệnh
Nhồi máu não là tình trạng thiếu máu não cục bộ, xảy ra khi một mạch máu bị tắc, nghẽn, khiến máu không lên được não. Khu vực não không được tưới máu sẽ chết và hoại tử, gây ra chứng đột quỵ và đột tử. Nhồi máu não gây tử vong đứng hàng thứ ba sau các bệnh lý tim mạch và ung thư, đồng thời là bệnh gây tàn phế đứng hàng cao nhất ở người trưởng thành, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
* Nhiều di chứng, tử vong nhanh
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Quang, Phó khoa nội thần kinh (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai), nhồi máu não là tình trạng rối loạn chức năng thần kinh, gây tổn thương não và làm giảm đột ngột hoặc ngưng hoàn toàn việc cung cấp máu đến não. Cảnh báo của các chuyên gia y tế, số ca đột tử hoặc để lại di chứng sau nhồi máu não trong những năm gần đây có xu hướng cao.
|
Tập vật lý trị liệu cho người bị di chứng nhồi máu não tại Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai. Ảnh: P. Liễu |
Nguy cơ bị nhồi máu não tăng dần theo độ tuổi: sau 50 tuổi, nguy cơ khá cao; tuổi từ 65 trở lên, nguy cơ nhồi máu não và đột quỵ tăng gấp 7 lần so với người ở độ tuổi 50. Nam giới thường bị nhiều hơn nữ giới. 80% trường hợp nhồi máu não gây ra chứng đột quỵ và tử vong nhanh. Tuy nhiên, nếu chủ động được trong việc phòng ngừa, phát hiện và điều trị thì bệnh nhân sẽ sống và tránh được những di chứng, như: liệt, mù, nói ngọng, méo miệng, sa sút tâm thần…
* Cơ hội cho người bệnh nhồi máu não
Trước đây, gần như 100% bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não tử vong rất đột ngột, nếu sống được đều bị di chứng nặng nề do thiếu kỹ thuật, thuốc điều trị và phát hiện các triệu chứng khởi phát chậm nên đến bệnh viện muộn, làm mất cơ hội “thời gian vàng” trong điều trị can thiệp giảm thiểu tác hại.
Hiện y học đã có bước đột phá mới khi làm tái thông động mạch máu não bị tắc bằng phương pháp bơm thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch và động mạch một cách gián tiếp, cao hơn là kỹ thuật tiêu sợi huyết bằng đường động mạch. Cao hơn nữa là kỹ thuật lấy cục máu đông làm tắc động mạch não ra, nhằm khắc phục tình trạng tắc nghẽn mạch máu ở não khi cơn đột quỵ mới xuất hiện.
Mới đây, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã thực hiện được kỹ thuật tiêu sợi huyết bằng đường tĩnh mạch và đã điều trị thành công cho một bệnh nhân bị nhồi máu não cấp, liệt người, không nói được, nguy cơ tử vong cao bằng kỹ thuật bơm thuốc tiêu huyết khối. Kết quả đã giảm được 70% nguy cơ di chứng bại liệt, méo mặt ở bệnh nhân.
* Tận dụng cơ hội “thời gian vàng”
Theo bác sĩ Quang, hiện mỗi ngày Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tiếp nhận từ 4-5 bệnh nhân bị nhồi máu não, nhưng do điều kiện đến bệnh viện muộn nên không thể thực hiện được kỹ thuật này.
Đây là kỹ thuật rất mới, đòi hỏi người bệnh phải được cấp cứu càng sớm càng tốt, chậm nhất là 3 giờ kể từ khi các triệu chứng đầu tiên của nhồi máu não khởi phát, như: yếu nửa người, thở khó, lơ mơ, yếu chi. “Thời gian vàng” này quyết định sự thành công hay thất bại của việc thực hiện kỹ thuật. Đến càng muộn, vùng não chết càng rộng, càng khó phục hồi.
Để bảo đảm cho việc thực hiện kỹ thuật tiêu sợi huyết thành công, đòi hỏi cả một ê-kíp thực hiện khẩn cấp từ khâu cấp cứu, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh đến thực hiện kỹ thuật. Do tính chất khẩn cấp của ca bệnh, từ tháng 7 vừa qua, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã thống nhất với các khoa, phòng là phải dành ưu tiên cho những ca nhồi máu não cần được thực hiện kỹ thuật tiêu sợi huyết bằng một dấu mộc riêng. Bệnh nhân được ưu tiên thực hiện kỹ thuật chiếu chụp, xét nghiệm trong thời gian sớm nhất. Song, yếu tố quyết định sự thành công là từ phía người bệnh có được cấp cứu sớm hay muộn. Do đó, theo bác sĩ Quang, nếu thấy người thân đang sinh hoạt bình thường bỗng bị yếu chi, méo miệng, lơ mơ… nên đưa thẳng đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, không nên để bệnh nhân ở nhà để theo dõi hoặc đến những bệnh viện không thực hiện được kỹ thuật này để tận dụng “thời gian vàng”. Bởi hiện nay, dù được phép thực hiện khẩn trương, nhưng quy trình từ cấp cứu, làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh phục vụ điều trị đến lúc thực hiện kỹ thuật nhanh nhất cũng phải mất 1 giờ. Nếu đến bệnh viện trễ, sẽ mất cơ hội vàng để cứu sống bệnh nhân cũng như cứu bệnh nhân khỏi những di chứng nặng nề sau này.
Phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân bị nhồi máu não
Các bác sĩ Khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai vừa cứu sống một trường hợp đột quỵ hiếm gặp vì nhồi máu não. Chỉ sau 24 giờ điều trị, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn mọi chức năng và trở về cuộc sống bình thường.
Theo các bác sĩ, điều quan trọng nhất là người bệnh cần được điều trị đặc hiệu trong thời gian dưới 3 giờ kể từ khi có những dấu hiệu của bệnh.
Sự hồi phục kinh ngạc
Nhập viện trong trạng thái gần như bại liệt hoàn toàn nhưng chỉ sau nửa ngày điều trị tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Hoàng Ngọc Long, 73 tuổi (Trần Khát Trân - Hà Nội) đã gần như hồi phục bình thường, bản thân người bệnh cũng khó tin với sự hồi phục kinh ngạc này. Ông Long cho biết, cơn đột quỵ xảy ra khi ông đang nằm nghỉ sau bữa trưa, đột nhiên ông thấy hơi khó chịu ở cổ, muốn đưa tay lên nới rộng cổ áo nhưng tay trái đã hoàn toàn mất cảm giác, ngay lập tức nước dãi cũng chảy ra mà không thể nuốt được. Ông muốn cất tiếng kêu cứu nhưng đã mất khả năng phát âm. Người nhà phát hiện ra ông có những biểu hiện bất thường và đưa đến Khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai. Sau hơn một giờ từ khi có các dấu hiệu bất thường, bệnh nhân đã hầu như liệt hoàn toàn, nhận thức lơ mơ, bệnh nhân được đặt trong tình trạng cấp cứu đặc biệt.
ThS. Mai Duy Tôn - đơn vị điều trị đột quỵ của khoa cho biết, đây là một trường hợp nhồi máu vùng thái dương phải do một cục máu đông chạy từ tim do rung nhĩ làm tắc mạch. Rất may là bệnh nhân được đưa đến trong thời gian dưới 3 giờ, vì thế biện pháp tốt nhất lúc này là chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc tiêu sợi huyết alteplase cùng các biện pháp điều trị thuốc đặc hiệu khác. Chỉ sau 3 giờ điều trị, trên phim chụp CT, cục máu đông gây tắc mạch đã không còn, vùng não bị nhồi máu đã được tái tưới máu kịp thời tích cực, bệnh nhân đã bắt đầu hồi phục được các chức năng. Ngay ngày hôm sau, người bệnh đã đi lại, ăn uống bình thường.
Nhiều bệnh lý từ tim rất dễ gây tắc mạch não
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn - Trưởng phòng C4 Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, nguyên nhân phổ biến nhất của đột quỵ thuyên tắc mạch não do tim là rối loạn nhịp tim (rung nhĩ, hội chứng nút xoang bệnh lý), bệnh động mạch vành (nhồi máu cơ tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ), bệnh thấp tim (hẹp van hai lá có hoặc không có rung nhĩ kèm theo), bệnh cơ tim giãn, van tim nhân tạo, u nhày nhĩ trái, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn... Các bệnh lý này hình thành những cục huyết khối, theo tuần hoàn, các cục huyết khối có thể làm tắc hoàn toàn một nhánh động mạch làm cho việc cung cấp máu cho các tổ chức phía xa bị đình trệ và gây ra các hậu quả trên lâm sàng
Bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ hàng năm khoảng 5%. Tuy nhiên, nguy cơ này thay đổi tuỳ theo sự hiện diện của một số yếu tố nguy cơ khác như lớn tuổi, tăng huyết áp, chức năng thất trái giảm, tiền sử đã bị thuyên tắc mạch do tim và đái tháo đường.
Theo PGS. Nguyễn Quang Tuấn, khi có nghi ngờ nhồi máu não do thuyên tắc mạch, cần kiểm tra hệ thống tim mạch một cách cẩn thận, kể cả những bệnh nhân trẻ và những người có bệnh sử tim mạch, các nhồi máu nhiều ổ hoặc nhồi máu xuất huyết hoặc các cơn động kinh khi khởi phát.
Bệnh nhân cần được nhanh chóng xử trí trong “thời gian vàng”
ThS. Mai Duy Tôn cho biết, các trường hợp đột quỵ do nhồi máu não đạt kết quả điều trị cao nếu được xử trí đúng trong thời gian dưới 3 giờ kể từ khi có những biểu hiện đầu tiên. Đây được gọi là “thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ. Tất cả bệnh nhân nhồi máu não được cứu sống bằng điều trị thuốc tiêu sợi huyết, sau khi ra viện sẽ được hướng dẫn chế độ tập luyện, tái khám định kỳ và điều trị dự phòng để phòng tránh tái phát, đặc biệt là cần kiểm soát những nguyên nhân gây nhồi máu não như bệnh tim, xơ vữa động mạch.
Đáng tiếc là hiện nay nhận thức về đột quỵ trong cộng đồng còn nhiều hạn chế, người dân vẫn quan niệm là “trúng gió” và tự xử trí ở nhà bằng những biện pháp truyền miệng như cạo gió bằng dầu cao, giác hơi, thậm chí là hiện nay tại nhiều địa phương còn truyền miệng biện pháp lấy cây kim chích máu 10 đầu ngón tay bệnh nhân... làm mất thời gian quý giá của người bệnh. Mặc khác, các biện pháp điều trị các cục máu đông chưa được áp dụng ở các bệnh viện tuyến tỉnh, hiện tại cả miền Bắc cũng chỉ có ở Khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai. Do đó, những bệnh nhân ở xa cũng khó có điều kiện tiếp cận với biện pháp điều trị này. Theo ThS. Tôn, cần có phải có các cơ sở chuyên sâu về hồi sức và đột quỵ để tiến hành điều trị cho bệnh nhân, phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên khoa cấp cứu, thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm cũng như phải có một nhóm các bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo chuyên sâu về đột quỵ để thực hiện dây chuyền chẩn đoán và dùng thuốc tiêu sợi huyết tốt.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ do nhồi máu não
- Bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được;
- Bệnh nhân đột ngột méo miệng, lệch miệng sang một bên;
- Bệnh nhân đột ngột yếu, liệt, tê bì một nửa bên của người (tay, chân, mặt);
- Bệnh nhân đột ngột đau đầu dữ dội;
- Bệnh nhân đ��t ngột hôn mê, rối loạn ý thức.
Cần làm gì trước một bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ?
- Đặt bệnh nhân nằm đầu cao khoảng 30 - 45 độ, nghiêng đầu sang một bên nếu bệnh nhân có rối loạn ý thức hoặc hôn mê;
- Lau sạch đờm dãi ở miệng. Không được cho bệnh nhân uống bất kì thuốc hay các loại nước gì vì nếu bệnh nhân hôn mê, rối loạn nuốt, khi dùng các thức này có thể gây sặc vào phổi.
- Nhanh chóng gọi cấp cứu để chuyển bệnh nhân đến một trung tâm y tế chuyên về đột quỵ càng sớm càng tốt. Bởi vì hiện nay, hầu hết bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện sớm trong vòng 3 giờ đầu, thậm chí trong vòng 4,5 giờ đầu có thể sẽ được điều trị rất tốt bằng các thuốc làm tan cục máu đông.
Sắp có thuốc điều trị tiêu sợi huyết trong thời gian đột quỵ 8 giờ, đây sẽ là cơ hội cho bệnh nhân đột quỵ được cứu sống nhiều hơn kể cả người ở xa, xử trí muộn.
Tắc nghẽn mạch máu não
Tai biến mạch máu não
Bệnh đột quỵ -
Tìm hiểu về bệnh thiểu năng tuần hoàn não
Rối loạn lipit máu -
(st)