Khi phụ nữ đau bụng dưới không phải lúc nào cũng liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt mà còn do nhiều nguyên nhân khác, có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác dưới đây:
NGUYÊN NHÂN ĐAU BỤNG DƯỚI Ở PHỤ NỮ
Có rất nhiều yếu tố gây các cơn đau bụng dưới (hạ vị) ở phụ nữ. Để tìm ra nguyên nhân, người bệnh cần chú ý đến tính chất của đau (vị trí, hướng lan tỏa, mức độ) và thời điểm xuất hiện cơn đau.
Các cơn đau liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt
Cơn đau xuất hiện trong lúc hành kinh: Đó là cơn đau do co thắt, xung huyết, liên quan đến hiện tượng tăng co bóp của lớp cơ ở thành tử cung. Có thể điều trị bằng thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol hoặc thuốc chống co thắt cơ như Phloroglucinol (spasfon) hoặc dùng các thuốc chống viêm không steroid, thuốc chống thụ thai đường uống theo đơn của bác sĩ.
Cơn đau xuất hiện giữa chu kỳ: Đó là cơn đau bụng dưới do rụng trứng, là hiện tượng sinh lý thông thường. Đôi khi cơn đau này kèm với rong huyết (máu rỉ từ âm đạo), thường gọi là “hành kinh ngày thứ 15”. Chỉ cần nghỉ ngơi là sẽ khỏi đau. Nếu nghỉ ngơi mà không đỡ thì có thể đau do nang ở buồng trứng, cần đi khám phụ khoa.
Đau xuất hiện trước khi hành kinh: Là một dấu hiệu của "hội chứng trước kỳ kinh". Đau kèm với căng tức vú, tăng cân nhẹ, cảm giác bụng to ra, đau bàng quang, đôi khi nhức nửa đầu, tính tình trở nên nóng nảy, dễ bực dọc. Nguyên nhân của hội chứng này là sau khi trứng rụng có sự giảm tiết progesteron, một hoóc môn có vai trò chuẩn bị niêm mạc để trứng được thụ tinh làm tổ và giúp cho trứng phát triển. Các triệu chứng kể trên đều mất đi khi bắt đầu hành kinh.
Cơn đau xuất hiện sau khi hành kinh: Phải nghĩ ngay đến bệnh lạc nội mạc tử cung. Cơn đau này thường xuất hiện ở các phụ nữ trẻ, đôi khi ở những người không có khả năng sinh đẻ.
Cơn đau xuất hiện trước khi hành kinh (hay đôi khi trong lúc rụng trứng) và chỉ mất đi ở cuối kỳ kinh nguyệt: Đó là cơn đau trong bệnh loạn dưỡng buồng trứng. Bệnh này gây nên những biến đổi chức năng của buồng trứng, làm rối loạn hiện tượng tiết hoóc môn. Dựa vào tính chất xuất hiện và mất đi ở cơn đau, kết hợp với khám lâm sàng, bác sĩ có thể xác định được bệnh này.
Đau không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt
Cơn đau có thể xuất hiện sau khi bệnh nhân được làm một số thủ thuật chuyên khoa, chẳng hạn làm đông máu bằng điện cao tần ở cổ tử cung hoặc sinh thiết, lấy một mẩu mô quanh tuyến ở cổ tử cung để khảo sát các tế bào ở lớp niêm mạc. Ở các trường hợp này, đau thường kém rối loạn kinh nguyệt (bởi cổ tử cung bị hẹp do các thủ thuật trên).
Cơn đau xuất hiện do quan hệ nam nữ: Đó là đau do giao hợp, khó phân biệt do nhân tố tâm lý hay do tổn thương ở bộ phận sinh dục ngoài của nữ. Thường nghĩ nhiều đến nhân tố tâm lý (không thích thú, sợ, bị cưỡng ép) khi đau xuất hiện sớm, ngay khi chỉ mới bắt đầu. Nếu đau ở nông thì có thể do tổn thương thực thể, ví dụ như người phụ nữ vừa mới làm thủ thuật mở rộng lỗ âm hộ để dễ dàng sinh con; hoặc ở bệnh viêm âm đạo - âm hộ do nấm; hoặc ở trường hợp teo tử cung sau mãn kinh... Quan hệ nam nữ có thể hoàn toàn không thực hiện được nếu bị viêm âm đạo bởi các cơ khép lỗ âm hộ đã co thắt hẹp lại.
Sau khi sinh con, sản phụ có thể đau dữ dội, ở sâu, thuộc vùng bụng dưới. Đó là trường hợp tử cung bị gập ra phía sau, cổ tử cung di động bởi màng bụng bị rách sau khi sinh. Khám sản khoa sẽ xác định được nguyên nhân này.
Đau do nhiễm khuẩn ở bộ phận sinh dục phía trong (buồng trứng, vòi trứng...): Thường nghĩ đến trường hợp này nếu bệnh nhân đã có lần tiếp xúc với nguồn truyền bệnh hoa liễu. Khám bằng mỏ vịt sẽ thấy mủ rỉ ra từ lỗ tử cung. Bệnh nhân sẽ thấy đau hơn nếu trong khi khám có di chuyển tử cung. Các phần phụ (buồng trứng, vòi trứng) đôi khi tăng kích thước. Cần làm các xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân gây bệnh.
Viêm ruột thừa
Thường xảy ra với trẻ em mới lớn, phụ nữ trẻ tuổi. Nếu thực sự ở vị trí bình thường trong ổ bụng, triệu chứng của viêm ruột thừa thường là đau bụng đột ngột vùng hố chậu phải, lúc đầu đau nhẹ, sau đó cơn đau nhanh chóng tăng lên. Nếu ấn tay vào vùng đó thì thấy đau.
Đối với phụ nữ cao tuổi, ruột thừa thường có thể ở rất thấp trong khi khung chậu có các cơn đau giống như đau cơ quan sinh dục. Lúc này, việc chuẩn đoán khó khăn hơn vì bác sỹ cần khám tỉ mỉ, hội chứng đau thường xuất hiện với rối loạn tiêu hoá như: táo bón lâu ngày và không chịu thuốc, khó tiêu, chướng hơi, soi bụng...thì cần xét nghiệm máu, nếu cần tiến hành làm phẫu thuật.
Khi thấy các triệu chứng đau hố chậu phải, dù đau nhiều hay ít, dù sốt hay không, bạn cũng nên đi khám ngay. Không nên dùng kháng sinh hay bất kỳ thuốc giảm đau nào khác một cách tuỳ tiện, vì việc đó sẽ làm giảm khả năng phát hiện triệu chứng bệnh viêm ruột thừa.
Viêm bàng quang
Nguyên nhân là do nhiễm khuẩn. Triệu chứng thường thấy là đau dữ dội vùng xương mu nhưng không đặc trưng, nhất là không nóng rát khi tiểu tiện. Cũng có một số triệu chứng khác như: thường xuyên buồn đi tiểu, có những cơn đau gay gắt lúc đi vệ sinh kèm theo nóng rát hoặc nước tiểu đục, có mủ, đôi khi có máu, hôi. Trường hợp này bác sỹ thường chẩn đoán dựa vào hỏi bệnh lâm sàng, xét nghiệm nước tiểu và kết qủa điều trị kháng sinh bước đầu.
Chửa ngoài dạ con
Thường xuất hiện ở một bên buồng trứng hoặc ở ruột non với các triệu chứng đau nhiều ở một bên bụng dưới và chảy máu. Có thể xuất hiện đau dữ dội và cảm giác khó ở. Khi bệnh nhân bị chửa ngoài dạ con bao giờ cũng phải đưa đi cấp cứu ngay vì có thể gây ra chảy máu trong, nguy hiểm đến tính mạng. Phương pháp điều trị cổ điển là phẫu thuật nội soi. Vài năm gần đây có loại thuốc làm ngưng sự phát triển hiện tượng chửa ngoài dạ con nếu tiêm ngay từ đầu, nhưng cần được theo dõi hết sức cẩn thận vì có nhiều trường hợp không có hiệu quả.
U nang buồng trứng
Khi thấy xuất hiện đau một bên bụng dưới và có rối loạn kinh nguyệt, u càng to thì nguy cơ xoắn buồng trứng và ống dẫn trứng càng lớn. U nang buồng trứng thường được phát hiện lúc khám phụ khoa: thăm dò âm đạo kết hợp nắn bụng, thường là u chức năng, tức là do nội tiết tố bất thường liên quan tới vòng kinh. Những u nang này lành tính và cách điều trị là phong toả sự rụng trứng bằng việc tránh thai, u nang sẽ biến mẩt sau vài vòng kinh. Nhưng cũng có u nang thực thể có các tế bào buồng trứng phát triển không bình thường, loại này không phải bao giờ cũng lành tính và đôi khi có biến chứng, cần được mổ cắt bỏ bằng phẫu thuật nội soi, nếu kích thước cho phép. Vì u thường ở một bên nên nếu buồng trứng còn lại vẫn hoạt động tốt thì không ảnh hưởng gì đến chức năng sinh sản cả.
Viêm ống dẫn trứng
Bệnh nhiễm trùng do các mầm bệnh gây ra các bệnh lây truyền theo đường sinh dục như: lậu cầu, trùng roi, Chlamydia, vi sinh vật có thể chui qua màng lọc, viêm ống dẫn trứng là viêm nhiễm một hoặc hai ống dẫn trứng, thường biểu hiện bằng các cơn đau vùng chậu, đau tăng lên lúc giao hợp, chảy máu giữa các vòng kinh, sốt và có khí hư. Việc chẩn đoán dựa vào khám lâm sàng cẩn thận, lấy bệnh phẩm âm đạo, xét nghiệm máu, khi đã xác định được vi khuẩn gây bệnh thì dùng kháng sinh trong hai, ba tuần sẽ khỏi mà không để lại di chứng, bên cạnh đó người chồng cũng được điều trị như vậy. Nếu không điều trị tận gốc, các tổn thương có thể gây ra vô sinh hoặc chửa ngoài tử cung.
Bệnh tim mạch
Tim mạch của phụ nữ còn chưa được coi trọng, lại có thể được coi là nguồn gốc gây đau vùng khung chậu. Mạng lưới tĩnh mạch rất phong phú ở bộ máy sinh dục. Chỉ cần giãn tĩnh mạch âm hộ hoặc một sự dị thường của sự tuần hoàn nhất là ở vùng buồng trứng gây ra xung huyết khung chậu là đã có thể gây ra những cơn đau bụng dưới. Khi sử dụng siêu âm Doopler có thể cho thấy rõ u máu và tĩnh mạch bị giãn giúp chẩn đoán chắc chắn vàđiều trị nghẽn nội mạch, phục hồi tĩnh mạch buồng trứng, thậm chí các tĩnh mạch hạ vị. Có thể điều trị thêm bằng các thuốc trợ tim mạch, chống phù nề, chống viêm hoặc phẫu thuật nếu bị sa buồng trứng.
Các tổn thương sau phẫu thuật
Có những cơn đau bộ phận sinh dục do bị dính sau phẫu thuật, nhất là phụ nữ đã có tiền sử mổ vài lần: u nang buồng trứng, u xơ tử cung, mổ tử cung lấy thai, chửa ngoài dạ con...Điều trị bằng các thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không có thành phần Steroid. Trong trường hợp cần thiết bị dính phủ tạng thì phải mổ gỡ dính.
Đau khi hành kinh
Những cơn đau kinh nguyệt xuất hiện thường kèm theo một loạt các triệu chứng khó chịu như: suy nhược, đau đầu, dễ bị kích thích, dễ cáu gắt, rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy...Có thể dùng thuốc giảm đau, thuốc chống co thắt, thuốc Estrogen và sinh Progesteron để loại bỏ rụng trứng. Nếu không thấy đỡ có thể dùng thuốc chống Prostaglandin - thuốc chống viêm không Stesroit cho kết quả 80 – 90%. Ngoài ra, có thể dùng liệu pháp vi lượng động căn, liệu pháp vật lý, châm cứu cũng làm giảm cơn đau.
Như vậy, chúng ta biết rằng khi phụ nữ đau bụng dưới thì có thể liên quan đến nhiều chứng bệnh khác nhau. Do đó, trong trường hợp gặp các cơn đau này, bạn hãy sớm đi khám ở các cơ sở y tế để được các bác sỹ chẩn đoán và có kế hoạch điều trị dứt điểm và kịp thời nhé! Và một điểm cần lưu ý là các bạn không được tự chẩn đoán bệnh và tự mua thuốc điều trị. Bạn cần đi khám và cần phải có xác định chính xác của bác sỹ thì việc điều trị mới đúng và hiệu quả.
Các trường hợp đặc biệt cần chú ý
Nếu như thời điểm xuất hiện đau không xác định được là trước, giữa hay sau lúc hành kinh, không đau do giao hợp, không có dấu hiệu nhiễm khuẩn (ra khí hư) thì đau bụng dưới có thể do tử cung ở vị trí bất thường (không ở bụng dưới mà cao hơn, thường ở dưới các gai chậu sau trên). Đau do tử cung lệch lên phía trên khiến dễ chẩn đoán nhầm với đau ở đường tiêu hóa. Cũng do vị trí bất thường của ruột thừa mà khi viêm ruột thừa, bệnh nhân lại thấy đau ở bụng dưới, và nhiều khi tưởng là đau ở bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, cần chú ý là viêm ruột thừa gây đau đột ngột, có tính chất đặc biệt là tăng nhạy cảm đau, khi sờ vào đau sẽ tăng lên, đau có thể kèm theo sốt, táo bón hay tiêu chảy nhẹ; không có dấu hiệu về tiết niệu hoặc phụ khoa. Viêm ruột thừa là cấp cứu ngoại khoa, khi nghi ngờ cần đi khám bệnh ngay.
Bệnh ở cột sống thắt lưng như viêm, thoái hóa đốt sống, viêm khớp cùng chậu... hoàn toàn có thể gây đau ở bụng dưới và thường ở phía sau, có thể nghĩ lầm là đau do bộ phận sinh dục nữ.
Một số lớn các bệnh phụ khoa như tử cung quặt ra sau, u xơ tử cung, u nang buồng trứng... rất ít khi gây đau nếu không có biến chứng (chảy máu, nhiễm khuẩn). Để điều trị không muộn các trường hợp khó nhận biết trên, các bác sĩ phụ khoa thường khuyên chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ, ít nhất 6 tháng một lần.
“THỦ PHẠM" NGUY HIỂM LÀM CHỊ EM ĐAU BỤNG DƯỚI
Trước khi đến bệnh viện kiểm tra, bạn hãy cân nhắc một vài lý do có thể dẫn đến đau bụng dưới hay đau vùng chậu ở chị em như dưới đây.
Mặc dù có khá nhiều phụ nữ thường xuyên bị đau vùng chậu (đau bụng dưới) và chấp nhận nó như một phần của cuộc sống và hết sức bình thường thì với những chị em khác, đau vùng chậu lại có thể là một dấu hiệu cảnh báo bệnh tật và cần được đi khám càng sớm càng tốt.
Chỉ bằng cách được bác sĩ kiểm tra thì chị em mới có thể kết luận chính xác nguyên nhân gây ra đau vùng chậu, có thể là cơn đau có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, kích thích ruột do quan hệ tình dục, liên quan đến đường tiết niệu, hoặc là do nhiễm trùng hoặc sau phẫu thuật…
Trước khi đến bệnh viện kiểm tra, bạn hãy cân nhắc một vài lý do có thể dẫn đến đau vùng chậu hoặc đau bụng dưới ở chị em như dưới đây:
- Đôi khi cơ quan sinh sản của người phụ nữ gây ra đau vùng chậu (đau bụng dưới).
Nếu thấy cơn đau một bên, có thể là do buồng trứng gây ra đau. Đó hoàn toàn có thể là dấu hiệu u nang buồng trứng hay hội chứng buồng trứng đa nang, và trong trường hợp hiếm, có thể nguyên nhân là do thai ngoài tử cung dẫn đến đau đớn như vậy.
Các bệnh phụ khoa như u xơ tử cung, viêm màng dạ con (niêm mạc của tử cung bắt đầu phát triển bên ngoài tử cung), bệnh viêm vùng chậu (nơi có bất kỳ lây nhiễm nào trong các cơ quan sinh sản nữ), và như vậy có thể gây ra đau vùng chậu ở người phụ nữ.
- Trong một vài trường hợp chị em phải cắt bỏ hoàn toàn tử cung thì một phần buồng trứng còn lại cũng có thể bị u nang, dẫn đến đau đớn.
Đau vùng chậu kéo dài, nhất là trong những ngày kinh nguyệt thì tức là tình trạng đã nghiêm trọng và cần được kiểm tra càng sớm càng tốt. Đau khi giao hợp nên cũng không nên bỏ qua, vì ở những phụ nữ trẻ, điều này có thể là một trong những dấu hiệu của suy buồng trứng sớm.
- Đau vùng chậu ở phụ nữ gây ra bởi bệnh về tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiểu, viêm bàng quang có thể dẫn đến đau vùng chậu ở phụ nữ. Ngoài ra bất kỳ tình trạng viêm ở thận, sỏi niệu đạo thận hoặc bàng quang hoặc các khối u trong các cơ quan này cũng có thể gây đau.
Sự xuất hiện của một nhiễm trùng hoặc sỏi ở đường tiết niệu cũng có thể có các triệu chứng khác như cảm giác nóng rát khi đi tiểu, muốn đi tiểu thường xuyên hơn, và cảm giác đặc biệt đau đớn từ phía sau đến phía trước.
- Nhiễm trùng có thể gây ra đau vùng chậu
Rất nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể không có triệu chứng, nhưng có những bệnh như Chlamydia hoặc bệnh lậu có thể gây ra đau vùng chậu, cổ tử cung và sau đó là cả cơ quan sinh sản bên trong của người phụ nữ bị ảnh hưởng.
- Các bệnh khác có thể “chịu trách nhiệm” về cơn đau bụng dưới ở phụ nữ
Đôi khi những cơn đau bụng dưới có thể là viêm ruột thừa, bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón… hoặc hội chứng ruột kích thích.
Nếu thấy có máu đi kèm nước tiểu hay theo phân thì cần phải đi bác sĩ kiểm tra ngay lập tức.
(ST)