Sau khi quan hệ lần đầu bị ra máu - nguyên nhân và cách xử lý
Nguyên nhân béo mặt và cách ăn uống tập luyện giúp chị em luôn rạng ngời
Nguyên nhân và cách phòng chống bệnh máu trắng ở trẻ em
Nguyên nhân của bệnh nấm móng tay, chân và cách điều trị hiệu quả
Căn bệnh ung thư cổ tử cung đã trở thành nỗi khiếp sợ to lớn với nữ giới khi mà tần suất mắc trong độ tuổi sinh đẻ đã lên đến 17%.
Tuy nhiên, các chuyên gia trấn an rằng, có một sự hiểu nhầm nhất định về căn bệnh này bởi không phải ai nhiễm virus HPV là sẽ mắc bệnh.
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, theo thống kê ở nước ta hiện nay, mỗi năm có khoảng 5.170 ca mắc ung thư cổ tử cung mới, gần 2.500 ca ung thư cổ tử cung tử vong, tần suất mắc trong dân số là 11,4/ 100.000 dân. Đây được coi là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ với bình quân 10 ca tử vong mỗi ngày do căn bệnh này. Nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra, trong khi tỷ lệ nhiễm virus HPV ở phụ nữ nước ta rất cao. Cụ thể, phụ nữ từ 40-49 tuổi, tỷ lệ nhiễm HPV lên đến 43%, phụ nữ nhóm 30-39 tuổi có tỷ lệ nhiễm là 24%, nhóm 18-29 tuổi cũng có tỷ lệ nhiễm là 11%. Điều khó khăn nhất là virus này khi xâm nhập vào tế bào cơ thể rất khó phát hiện, cơ thể cũng không tự sinh ra được kháng thể đáp ứng chuyên biệt để chống chọi nên khó cứu chữa.
Ung thư cổ tử cung có liên quan mật thiết với độ tuổi, mức độ quan hệ tình dục.
Ông Hiển nhấn mạnh, hiện đang có một số cách hiểu chưa đúng về HPV, khiến dư luận, nhất là giới phụ nữ hoang mang. Rất nhiều người nghĩ rằng cứ nhiễm HPV sẽ mắc ung thư cổ tử cung hay đã được tầm soát, xét nghiệp PAP ở bệnh viện cho thấy nhiễm HPV là đã mắc bệnh. Thực tế, độ chính xác của biện pháp tầm soát bằng xét nghiệm nhanh PAP không cao, chỉ khoảng 50-60% cho nên người đã được xét nghiệm dương tính với virus này cũng chưa thể khẳng định ngay được.
Một nghiên cứu thú vị là ung thư cổ tử cungcó liên quan mật thiết với độ tuổi, mức độ quan hệ tình dục. Thực tế khoảng 80% người trong độ tuổi sinh sản (15-49 tuổi) có nguy cơ nhiễm HPV ở một thời điểm nào đó. Nguyên nhân là do virus HPV lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, thâm nhập qua các vết trầy xước, vết loét dù rất nhỏ. Ngoài ra, HPV cũng có thể lây từ mẹ sang con hoặc lây qua các vật truyền như đồ lót, găng phẫu thuật… nhưng tỷ lệ ít hơn. Ths.BS Lê Thị Kiều Dung, ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh cho biết, nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao đến đâu còn phụ thuộc vào số lượng bạn tình, tần số giao hợp, vệ sinh bộ phận sinh dục, số con… của người phụ nữ. Do đó, quan hệ tình dục càng sớm, càng nhiều thì nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung càng cao.
TS.BS Cao Hữu Nghĩa, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, đường lây chính của ung thư cổ tử cung là nhiễm qua tiếp xúc da, niêm mạc dương vật với niêm mạc cổ tử cung, âm đạo chứ không qua đường máu hoặc qua các dịch khác của cơ thể (tinh dịch, dịch âm đạo…). Nam cũng như nữ đều có khả năng bị HPV tấn công. Riêng ở nữ giới, nguy cơ nhiễm cao nhất là ở thời điểm bắt đầu có quan hệ tình dục và nhiều trường hợp nhiễm dai dẳng ở cổ tử cung tiến triển thành các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là do quá trình viêm nhiễm kéo dài (khoảng 20 năm) các loại vi rút nhóm papilloma, còn được gọi là HPV (Human Papilloma vi rút). Loại vi rút này tập trung nhiều nhất vào những năm đầu sau khi quan hệ tình dục lần đầu tiên.
Những loại vi rút này sẽ bị “đánh bật” khỏi cơ thể trong vòng 12 - 24 tháng. Nhưng một số phụ nữ không thể loại bỏ được chúng và đây là nhóm người có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung về sau này.
Vi rút HPV lây lan qua đường tình dục. Không giống các bệnh lây qua truyền qua con đường này, bao cao su không thể bảo vệ nam giới hoàn toàn vì chỉ cần có sự tiếp xúc da với da ở khu vực này là đủ để nhiễm vi rút HPV.
Loại vi rút này có thể truyền từ nữ sang nam và ngược lại.
Ai dễ bị ung thư cổ tử cung?
Ung thư cổ tử cung
là một trong những ung thư thường gặp, có tần suất thứ hai trong các
ung thư của phụ nữ trên thế giới, với khoảng 500.000 ca mắc mới mỗi năm,
trong đó khoảng một nửa đã chết. Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung và
ung thư vú là hai loại có suất độ cao nhất.
Cổ tử cung của ai dễ bị ung thư?
Ung thư cổ tử cung thường xảy ra từ từ, chậm chạp qua nhiều giai đoạn và mất nhiều năm. Cụ thể, từ cổ tử cung bình thường sẽ chuyển qua sản gai, đến dị sản nhẹ hay trung bình. Tiếp đó đến nặng, rồi đến ung thư tại chỗ. Kế nữa là chuyển qua ung thư vi xâm lấn và cuối cùng là ung thư xâm lấn thật sự. Thời gian để một cổ tử cung bình thường thành ung thư tại chỗ mất ít nhất 4 – 5 năm. Tuổi thường mắc bệnh này là khoảng tầm từ 30 – 59 tuổi, nhiều nhất là ở độ tuổi từ 45 – 55 tuổi. Rất hiếm thấy ở phụ nữ dưới 20 tuổi. Phụ nữ độc thân hoặc một vợ một chồng và không hút thuốc lá cũng ít có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung. Mặc dù ở giai đoạn sớm có thể không có triệu chứng nhưng bệnh lại dễ dàng phát hiện được qua thăm khám, xét nghiệm tế bào kết hợp soi cổ tử cung.
Có hai loại ung thư cổ tử cung thường gặp nhất là ung thư tế bào gai và ung thư tuyến. Bệnh này cũng có giai đoạn tiền ung thư rất rõ ràng. Ở giai đoạn tiền ung thư, bệnh hầu như không có triệu chứng, chỉ phát hiện được bằng phết tế bào cổ tử cung (còn gọi là xét nghiệm Pap) hoặc bằng soi cổ tử cung. Do đó tất cả phụ nữ đã có hoạt động tình dục nên làm phết tế bào cổ tử cung định kỳ. Khi đã chuyển qua mức độ nặng hơn, bệnh có những biểu hiện: huyết trắng dai dẳng, có mùi hôi, hoặc có vấy một chút máu; xuất huyết âm đạo (có thể xảy ra tự nhiên hoặc sau giao hợp, sau làm việc nặng, sau khi rặn để tiểu tiện, hay sau mãn kinh). Khi bệnh nặng, có chảy dịch nhiều lẫn máu từ âm đạo, kèm với đau nhức vùng lưng, vùng chậu hoặc ở chân. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân bị vô niệu do ung thư chèn ép vào hai niệu quản.
Phát hiện sớm chữa khỏi 100%
Trước khi phát bệnh, sẽ có những bất thường của tế bào cổ tử cung gọi là tình trạng dị sản, phát hiện bằng xét nghiệm Pap. Dị sản nhẹ có thể trở về bình thường. Nếu xuất hiện tình trạng dị sản nặng hơn hoặc ung thư ở giai đoạn sớm, vẫn có thể điều trị khỏi 100%. Nếu không điều trị, ung thư lan tràn đến các cơ quan trong vùng chậu. Cơ hội chữa lành bệnh lúc này sẽ tuỳ vào từng mức độ phát bệnh. Tỷ lệ sống còn sau năm năm sau điều trị đối với ung thư giai đoạn sớm là 50 – 80%, dù được điều trị bằng xạ hay phẫu. Giai đoạn trễ chỉ còn 10 – 30%, nhưng có thể tăng lên đến 30 – 50% nếu bệnh nhân thuộc nhóm phẫu thuật đủ rộng.
Giai đoạn tiền ung thư hoặc ung thư tại chỗ: điều trị bằng cách khoét chóp cổ tử cung bằng dao, bằng vòng đốt điện, bằng laser, hoặc phẫu thuật lạnh với nitrogen lỏng (thường gọi là đốt lạnh). Các phương pháp này có ưu điểm là thời gian điều trị ngắn, chi phí thấp, ít biến chứng, lành bệnh nhanh. Hơn nữa, cổ tử cung còn giữ được nên bệnh nhân vẫn còn khả năng mang thai. Trường hợp đang có thai, có thể chờ đến sau sinh sẽ điều trị. Nếu vùng ung thư đã lan đến kênh cổ tử cung thì khoét chóp để lấy hết được mô bệnh. Các trường hợp ung thư lan tràn nhiều hơn, phương pháp điều trị sẽ tuỳ thuộc mức độ lan tràn, tuổi bệnh nhân, thường là phác đồ phối hợp giữa xạ trị (xạ trị trong, xạ trị ngoài) với phẫu thuật Wertheim-Meig (bao gồm cắt tử cung toàn phần, âm đạo, mô chung quanh tử cung, hai phần phụ (hai vòi trứng và hai buồng trứng) kèm nạo hạch chậu hai bên).
Khi ung thư đã tiến triển xa: lan tràn đến các cơ quan vùng chậu, bệnh nhân sẽ được xạ trị. Đôi khi, cần phải phẫu thuật cắt bỏ rộng gồm bàng quang, âm đạo, cổ tử cung, tử cung, trực tràng.
Có thể phòng ngừa bằng xét nghiệm Pap
Mặc dù hiện đã có vắcxin giúp phòng tránh được một loại nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung thường xảy ra nhất (vắcxin phòng ngừa nhiễm HPV), thì cách phòng ngừa tốt nhất vẫn là nên làm xét nghiệm tế bào học cổ tử cung định kỳ, tức là đi xét nghiệm Pap. Việc chẩn đoán tế bào này có giá trị rất cao để phát hiện những tổn thương tiền ung thư, kết hợp với soi cổ tử cung. Nếu thấy có nghi ngờ, bác sĩ sẽ làm sinh thiết, nạo kênh cổ tử cung hoặc khoét chóp cổ tử cung để xác định bệnh chính xác.
Về thời điểm để thực hiện xét nghiệm Pap, tất cả phụ nữ nên bắt đầu làm xét nghiệm Pap vào khoảng ba năm sau lần giao hợp đầu tiên. Sau đó, lặp lại mỗi năm. Bắt đầu từ tuổi 30, nếu ba lần xét nghiệm Pap liên tiếp đều bình thường thì có thể lặp lại mỗi hai năm sau đó. Tuy nhiên, nên lặp lại mỗi năm trong những trường hợp sau: có nhiễm HPV, nhiễm HIV, có nhận ghép tạng, có hoá trị (vì ung thư khác), có uống thuốc nhóm steroid lâu ngày. Phụ nữ trên 70 tuổi có thể ngưng không làm xét nghiệm Pap nữa nếu trong mười năm (từ năm 60 đến 70 tuổi) không có lần nào xét nghiệm Pap bất thường. Phụ nữ đã được cắt tử cung vì bệnh khác, chẳng hạn u xơ tử cung, nhưng còn chừa lại cổ tử cung thì cũng cần được làm xét nghiệm Pap theo các hướng dẫn trên.
Nguy cơ gây ung thư cổ tử cung – Quan hệ tình dục sớm (trước 18 tuổi) hoặc quan hệ với nhiều người. Yếu tố nguy cơ tăng thêm nếu bạn tình cũng có quan hệ tình dục với nhiều người khác. – Sinh đẻ nhiều (từ trên bốn lần). – Hút thuốc lá. – Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là viêm sinh dục do nhiễm các vi sinh vật như: Human Papilloma virus (HPV), Trichomonas, Chlamydiae trachomatis, Herpes simplex virus type 2 (HSV2). – Suy giảm hệ thống miễn dịch, rối loạn nội tiết (mắc bệnh HIV/AIDS, viêm gan mạn, tiểu đường, bệnh lý mô liên kết…) – Các yếu tố khác như nghèo, lạc hậu, vệ sinh kém, giống nòi bất thường, thực phẩm nghèo chất dinh dưỡng (thiếu sinh tố A, C, axít folic, trái cây, rau tươi…) |