Nguyên nhân của bệnh đau ruột thừa
Bệnh đau ruột thừa và những điều cần biết
Triệu chứng của bệnh đau ruột thừa ở trẻ em
Triệu chứng và nguyên nhân của viêm ruột thừa là gì? Khi bị đau ruột thừa nên làm gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết sau nhé!
Viêm ruột thừa là một bệnh khá phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thậm chí cả trẻ 3 - 4 tuổi. Nếu được phát hiện kịp thời, phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là một can thiệp khá đơn giản, bệnh nhân có thể hồi phục nhanh chóng.
Tuy nhiên, nếu để chậm trễ, ruột thừa bị vỡ hay áp-xe ruột thừa, mủ tràn khắp ổ bụng, sau khi mổ sẽ còn phải điều trị rất phức tạp, chưa kể đến việc nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến tử vong.
1. Nguyên nhân
Điểm khởi phát của viêm ruột thừa là do lòng ruột thừa bị tắc, làm ứ đọng dịch tiết và tăng áp lực trong lòng ruột thừa dẫn đến hai hậu quả, thành ruột thừa bị thiếu máu ngày càng nặng dần và hình thành nhiễm trùng do các chủng có ở manh tràng gồm các vi khuẩn Gram (-) (Coli, Klebsiella, Enterobacter, Pseudomonas), cầu khuẩn đường ruột và các vi khuẩn yếm khí (Bacteroide fragilis).
Tắc lòng ruột thừa
Nguyên nhân tắc lòng ruột là: Do sỏi phân ruột thừa, do giun đũa, giun kim chui vào lòng ruột thừa; Do hệ thống nang lympho trong lòng ruột thừa sưng to bít miệng ruột thừa lại; Hay do các chất niêm dịch trong lòng ruột thừa cô đặc lại tạo thành các bọc niêm dịch ruột thừa; Cũng có thể do co thắt ở gốc hoặc đáy ruột thừa; Ngoài ra ruột thừa bị gấp do dính hay do dây chằng cũng là nguyên nhân gây tắc lòng ruột thừa.
Nhiễm trùng ruột thừa
Sau khi bị tắc vi khuẩn trong lòng ruột thừa phát triển gây viêm. Mặt khác nhiễm khuẩn ruột thừa còn do nhiễm trùng huyết, xuất phát từ những ổ nhiễm trùng nơi khác như: phổi, tai, mũi, họng… tuy nhiên nguyên nhân này hiếm gặp.
Tắc nghẽn mạch máu ruột thừa
Do tắc lòng ruột thừa: Áp lực lòng ruột thừa tăng lên gây tắc nghẽn các mạch máu nhỏ tới nuôi dưỡng thành ruột gây rối loạn tuần hoàn thành ruột thừa.
Do nhiễm trùng: Do độc tố của vi trùng Gr (-) gây tắc mạch, có thể tắc mạch tiên phát là do nguyên nhân của viêm ruột thừa, nếu tắc mạch khu trú sẽ gây tổn thương hoại tử khu trú ở thành ruột thừa một vùng tương ứng, nếu tắc mạch ở mạc treo hoặc lan tràn ở mạch máu nhỏ trên toàn bộ ruột thừa sẽ gây hoại tử toàn bộ niêm mạc ruột thừa tạo nên bệnh cảnh lâm sàng rất nặng dẫn tới nguy kịch.
2. Triệu chứng viêm ruột thừa
Các triệu chứng thường gặp khi bị viêm ruột thừa:
- Đau âm ỉ ở vùng hố chậu phải, lúc đầu có thể ở vùng trên rốn hay quanh rốn rồi khu trú ở vùng hố chậu phải.
- Nôn, buồn nôn là dấu hiệu hay gặp nhất ở trẻ em.
- Rối loạn tiêu hóa như chán ăn, táo bón, ỉa chảy cũng có thể gặp.
- Bệnh nhân thấy người mệt mỏi, sốt.
- Sốt 37,5 độ C – 38 độ C. Khi sốt cao hơn cần phải nghĩ đến và tùy các nguyên nhân khác.
- Hội chứng nhiễm khuẩn: Vẻ mặt hốc hác, môi khô, lưỡi bẩn
- Nhìn bụng xẹp di động theo nhịp thở
- Sờ nắn nhẹ nhàng từ hố chậu trái sang hố chậu phải thấy hố chậu phải có phản ứng đau nhói; đau ở hố chậu phải khi ấn tay ở hố chậu trái.
- Có triệu chứng tăng cảm giác da: sờ nhẹ trên da thành bụng vùng hố chậu phải bệnh nhân đã cảm thấy đau
- Thăm trực tràng, âm đạo ở phụ nữ thấy thành phải trực tràng hay bờ phải túi cùng âm đạo đau
Để khám xét bệnh, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp: Xét nghiệm công thức máu, chụp X-quang, siêu âm, soi ổ bụng.
3. Chẩn đoán phân biệt
Viêm ruột thừa cấp thường dễ nhầm lẫn với các bệnh có một số triệu chứng tương tự như thủng ổ loét dạ dày-tá trang, viêm túi mật cấp, viêm tụy cấp, viêm đường tiết niệu, viêm thùy dưới phổi phải, một số trường hợp sốt do virus có thể gây đau vùng hố chậu phải đặc biệt là trẻ em.
- Ở trẻ em: Cần phân biệt với lồng ruột cấp, viêm túi thừa Meckel hoặc viêm hạch mạc treo, viêm ruột.
- Ở người già: Có thể nhầm với tắc ruột và u manh tràng.
- Ở phụ nữ: Có thể nhầm với viêm phần phụ, chửa ngoài tử cung vỡ, vỡ nang hoàng thể, xoắn u nang buồng trứng. Nội soi ổ bụng đặc biệt có giá trị trong chẩn đoán phân biệt và có thể điều trị nguyên nhân đồng thời
4. Điều trị viêm ruột thừa
Không được điều trị tại nhà, nếu như nghi ngờ, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đến ngay phòng cấp cứu. Nếu là viêm ruột thừa cấp, chỉ có 1 cách điều trị duy nhất là mổ cấp cứu.
Viêm ruột thừa đến sớm trong vòng 24 giờ chưa vỡ:
Bác sĩ có thể mổ nội soi cắt ruột thừa hay mổ kinh điển chọn đường mổ Mac Burney ở vùng hố chậu phải để cắt ruột thừa. Thành bụng được đóng theo các lớp giải phẫu.
Khi chẩn đoán viêm phúc mạc do viêm ruột thừa, đường mổ cần đủ rộng để cắt ruột thừa, lau sạch và kiểm tra ổ bụng. Đường mổ rạch theo đường trắng cạnh rốn bên phải hoặc đường mổ giữa dưới rốn, đóng thành bụng một lớp, để hở da. Cũng có thể mổ nội soi, phải đảm bảo làm sạch ổ bụng.
Áp-xe ruột thừa:
Nếu ruột thừa bị vỡ, nhiễm trùng và sự rò rỉ các chất đường ruột có thể hình thành áp-xe. Áp-xe ruột thừa là một hình thái tiến triển của viêm ruột thừa do không được chẩn đoán sớm hoặc do diễn biến nhanh của viêm ruột thừa dẫn đến thủng và được khu trú bởi các tạng xung quanh để tạo thành ổ mủ với lớp vỏ khá vững chắc.
Nếu ổ áp-xe này chưa vỡ, chưa lan ra ổ bụng, các bác sĩ ngoại khoa thường chỉ định phải phẫu thuật dẫn lưu mủ và sau 3-6 tháng sẽ cắt ruột thừa nhằm tránh viêm tái phát trở lại. Vớiáp-xe ruột thừa trong ổ bụng, mổ bụng lấy ổ áp-xe, cắt ruột thừa ngay.
Duy nhất trường hợp đám quánh ruột thừa không mổ mà điều trị tích cực và theo dõi. Nếu tiến triển thành áp xe ruột thừa sẽ xử lý như áp-xe, nếu đám quánh giảm dần rồi hết sẽ mổ cắt ruột thừa sau 3- 4 tháng.
THAM KHẢO: CẢNH GIÁC VỚI BIẾN CHỨNG VIÊM RUỘT THỪA CẤP
Ruột thừa là một túi cùng, nằm cắm vào đoạn cuối của manh tràng, nơi bắt đầu của đoạn ruột già. Về chức năng, ruột thừa hầu như không có vai trò gì trong quá trình tiêu hóa. Viêm ruột thừa cấp có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào với biến chứng không lường trước được.
Bình thường, kích thước của ruột thừa ở người trưởng thành dài khoảng 6-8cm. Với những người bình thường thì ruột thừa nằm ở hố chậu phải. Nguyên nhân thường gặp của viêm ruột thừa cấp là do lòng của ruột thừa bị bít lại (chiếm 90%) vì các lý do khác nhau như: có sỏi, dị vật, giun, do tổ chức lympho ở lớp niêm mạc phát triển mạnh (gặp ở trẻ em).
Vị trí ruột thừa trong hệ thống tiêu hóa.
Biểu hiện thường thấy của viêm ruột thừa cấp là đau bụng, cơn đau thường xuất hiện ở vùng thượng vị trước rồi lan xuống khu trú vùng hố chậu phải với tính chất đau liên tục, âm ỉ, tăng dần. Có thể đau quặn, đau rát, nhưng không lan xuyên.
Bên cạnh đó có các triệu chứng khác như: nôn, buồn nôn, bụng ậm ạch khó chịu; bí trung đại tiện hoặc đại tiện lỏng; thường là sốt mức độ nhẹ, sốt cao (gặp ở các trường hợp viêm ruột thừa đã có viêm phúc mạc).
Cần phân biệt với bệnh gì?
Có rất nhiều bệnh lý vùng hố chậu phải có biểu hiện gần tương tự, trong thực tế, cần chú ý phân biệt với một số bệnh sau:
Viêm túi thừa Meckel: túi thừa Meckel ở ruột non nằm trong vùng bụng dưới phải, gần với vị trí của ruột thừa. Túi thừa Meckel có thể bị viêm và thậm chí bị thủng.
Bệnh lý viêm nhiễm vùng chậu: buồng trứng và vòi trứng bên phải nằm gần ruột thừa. Phụ nữ độ tuổi hoạt động tình dục có thể có các bệnh lý viêm nhiễm liên quan đến vòi trứng và buồng trứng.
Bệnh lý viêm nhiễm ở vùng bụng trên phải: dịch từ vùng bụng trên phải có thể chảy xuống vùng bụng dưới, nơi mà chúng sẽ kích thích để gây nên hiện tượng viêm và có biểu hiện tương tự như viêm ruột thừa. Dịch trong trường hợp này có thể từ bệnh lý thủng túi mật, thủng dạ dày hay tá tràng do loét hoặc các bệnh lý ở gan như áp-xe gan...
Viêm túi thừa bên phải: mặc dù hầu hết các túi thừa thường nằm bên đại tràng trái nhưng thỉnh thoảng cũng nằm bên phải. Khi các túi thừa bên phải này vỡ thì có thể khởi phát hiện tượng viêm tương tự như viêm ruột thừa.
Bệnh thận: các bệnh lý viêm nhiễm của thận bên phải cũng có thể biểu hiện giống với viêm ruột thừa.
Biến chứng
Viêm phúc mạc toàn bộ: do ruột thừa vỡ chảy vào ổ bụng. Bệnh nhân sốt cao, môi khô, lưỡi bẩn, đau đầu, đau khắp ổ bụng, bí trung đại tiện, trướng bụng do liệt ruột, phản ứng cả khắp ổ bụng.
Áp-xe ruột thừa: ruột thừa bị vỡ nhưng được mạc nối, các quai ruột bao bọc xung quanh làm hàng rào khu trú vùng viêm không lan ra ổ bụng. Bệnh nhân vẫn đau hố chậu phải và sốt cao, sờ hố chậu phải có một khối không di động, mặt nhẵn, ấn căng đau. Xét nghiệm bạch cầu tăng cao. Áp-xe ruột thừa có thể vỡ vào ổ bụng hoặc vỡ ra ngoài gây rò.
Đám quánh ruột thừa: do sức đề kháng tốt, viêm ít, sự kết dính của quai ruột và mạc treo tốt. Bệnh nhân đau và sốt giảm, hố chậu phải có khối chắc, không di động, ấn đau ít. Xét nghiệm bạch cầu giảm, dần trở lại bình thường. Đám quánh cũng có thể tiến triển theo 2 hướng: hoặc tan dần hoặc tạo áp-xe ruột thừa.
Điều trị như thế nào?
Với các trường hợp viêm ruột thừa cấp hiện nay, khi chưa có biến chứng, điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật nội soi qua ổ bụng. Trường hợp đã có biến chứng, cần mổ mở, tùy theo biến chứng mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp mổ, đường mổ và cách thức xử lý khác nhau.
Sau mổ, cần vận động nhẹ nhàng càng sớm càng tốt để cho máu lưu thông tốt hơn, kích thích nhu động ruột hoạt động trở lại tránh tắc hoặc dính ruột. Nếu không có tai biến gì, bệnh nhân có thể trở lại hoạt động thể lực bình thường sau 4 tuần.
ST.