Nguyên nhân và cách phòng ngừa tăng men cao từ chế độ dinh dưỡng

Khi men gan tăng cao, nếu nặng cần phải dùng thuốc để điều trị giúp giảm men gan, còn nhẹ thì một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp tế bào gan hồi phục và tái sinh nhanh hơn, tăng cường chức năng miễn dịch, thúc đẩy hồi phục chức năng gan.
 

Men gan tăng cao là dấu hiệu của nhiều bất ổn

Gan là một cơ quan chống độc của cơ thể, mọi chất độc khi vào cơ thể đều được xử lý ở gan. Tế bào gan luôn chịu tác động của những tác nhân độc hại. 

Men gan là một loại enzym nằm trong tế bào gan. Khi tế bào gan chết đi do quá trình lão hóa thì có một lượng men gan được phóng thích vào máu ở nồng độ dưới 40UI/L (chỉ số này gần như cố định ở người bình thường). 

Men gan bình thường có các chỉ số sau: AST: 20 - 40 UI/L, ALT: 20 - 40 UI/L, GGT: 20 - 40UI/L, phosphatas kiềm: 30 - 110 UI/L. Khi cao hơn các chỉ số này gọi là men gan cao.
 

Vì một nguyên nhân nào đó như uống nhiều bia, rượu, nhiễm virus, dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, thuốc hạ mỡ máu... làm cho các tế bào gan bị tổn thương, bị hủy hoại sẽ giải phóng men vào máu. Khi đó xét nghiệm sẽ thấy men gan cao. 

Men gan tăng cao là dấu hiệu của nhiều bất ổn trong cơ thể như viêm gan cấp, viêm gan mạn tính giai đoạn hoạt động, tắc đường mật, viêm tụy...

Nếu không được kiểm soát kịp thời, nồng độ men quá cao sẽ làm cho bệnh nặng hơn, người bệnh có nguy cơ giảm tuổi thọ, thậm chí tử vong.
 

Ảnh minh họa

Phòng và điều trị
 

Để phòng và điều trị men gan tăng cao, cần bảo vệ tốt lá gan bằng việc áp dụng chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, phải ăn những thức ăn thanh đạm dễ tiêu hóa và bảo vệ gan, không nên ăn những thực phẩm như thịt nhiều mỡ. 

Cần ăn rau quả tươi, bổ sung vitamin và các nguyên tố vi lượng có lợi cho khả năng miễn dịch và nâng cao sức đề kháng với bệnh tật. Chú ý bổ sung vitamin A từ các loại thực phẩm như gan động vật, cà rốt, hẹ, sữa bò, lòng đỏ trứng, rau muống, rau chân vịt, tỏi tây, bắp cải...
 

Ăn nhiều các thực phẩm giàu vitamin B1, B2, B6 như mạch nha, giá, đậu, lạc, rau xanh, hoa quả... hạt kê, đậu nành, trứng, sữa... Bổ sung thêm những thực phẩm giàu vitamin như ớt ngọt, tỏi, rau cải, rau dền, sơn tra... 

Đặc biệt, cần bổ sung các thực phẩm chứa nhiều protein bởi đây là thành phần cấu tạo nền tảng của tất cả tế bào trong cơ thể, khi tế bào gan bị tổn thương làm tăng men gan, khả năng miễn dịch cơ thể giảm. Vì vậy, ăn nhiều protein để phục hồi và tăng cường khả năng miễn dịch. Thực phẩm giàu protein như thịt nạc, trứng, cá, các loại đỗ, rau xanh...
 

Ngoài ra, những thực phẩm thuộc họ nấm như mộc nhĩ, nấm rất tốt cho bệnh nhân bị tăng men gan bởi những thực phẩm này có dinh dưỡng phong phú và có lợi cho việc nâng cao chức năng miễn dịch cơ thể, thúc đẩy hình thành khảng thể cũng có hiệu quả nhất định trong việc làm giảm men gan.
 

Người bị men gan tăng cao, cần tránh các thực phẩm nhiều đường bởi đường có thể làm tích tụ tế bào hồng cầu trong vi huyết quản và tiểu cầu dẫn tới tắc nghẽn, ngoài ra đường cũng có thể gây mỡ gan. Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ làm cho chất béo trong cơ thể tăng lên dễ gây gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ... yếu tố làm tăng men gan.
 

Với những người có nguy cơ tăng men gan (thường là những người uống rượu, bia nhiều, thừa cân, béo phì...), cần đặc biệt chú ý hạn chế uống rượu, bia tối đa trong mỗi bữa tiệc bởi có thể "tích tiểu thành đại".

Chỉ nên nhấp môi bởi đồ uống có cồn, đồ uống có ga, khiến gan phải làm việc vất vả hơn khi đang bị bệnh, khiến tình trạng tăng men gan càng nặng hơn. Tránh ăn các thực phẩm có tính cay, kích thích và nhiều mỡ, đường và cholesterol để tránh tăng gánh nặng cho gan, tránh làm bệnh phát triển thêm.
 

Ngoài ra, người bị men gan tăng cao nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, không nên thức khuya sau 22 giờ, tập thể dục nhẹ nhàng, không nên làm các công việc nặng nhọc nhiều.