Nhà đẹp của Ngô Thái Uyên gọn gàng, ngăn nắp

Nhà đẹp của Ngô Thái Uyên gọn gàng, ngăn nắp. Nữ tính, độc lập, sáng tạo… những yếu tố này không chỉ là biểu hiện của Ngô Thái Uyên trong công việc và giao tiếp, mà còn in dấu rõ nét trong các ngôi nhà nơi cô từng sống qua.


 

Bộ bàn ghế sắt kỷ niệm lần đầu kinh doanh của chủ nhà

Với ngôi nhà của mình, Uyên luôn dành cho chúng sự chăm sóc vừa chu toàn, vừa đầy ngẫu hứng. Màu sắc luôn là thế mạnh của cô. Bước vào không gian mang dấu ấn Ngô Thái Uyên, người ta có thể nhìn thấy sắc màu của thiên nhiên lẫn hội hoạ. Tươi tắn nhưng không loè loẹt, rực rỡ nhưng chẳng chói chang.

Không chỉ thiết kế mà còn có khả năng điều phối biến các bản vẽ trên giấy của mình trở thành thành phẩm, nên không lạ khi đồ đạc vật dụng trong nhà của Uyên đều phản ánh chân thật con người cô: mạnh mẽ mà vẫn nữ tính, hiện đại nhưng thật gần gũi với tự nhiên.

Căn hộ của Uyên gần 100m2 với ba phòng ngủ, nên không có nhiều lựa chọn cho việc bố trí các không gian chức năng đạt tới mức lý tưởng. Điều Uyên chú trọng là cách bố trí hợp lý thuận tiện cho sinh hoạt của một bà mẹ với hai con, một trai một gái đang tuổi ăn tuổi chơi.

Điểm đặc biệt dễ nhận biết ngay về sở thích, say mê của Uyên trong căn hộ này, là những món đồ vật độc đáo.

Chẳng hạn như bộ bàn ghế do Uyên tự vẽ kiểu và đặt làm bằng sắt uốn, giả đồng. Nhiều lần chuyển nhà, thay đổi đồ đạc, nhưng đi đâu Uyên cũng mang theo bộ bàn ghế này, vì nó là kỷ niệm lần kinh doanh đầu tiên của Uyên.

Bộ ghế salon cũng do chính Uyên thiết kế. Bàn là một băng gỗ dài hình dáng tối giản, có thể linh động kê đặt và sử dụng vào mục đích khác nếu cần. Sofa và ghế bành kiểu dáng cổ điển, nhưng dễ dàng thay vải bọc tạo sự mới mẻ. Uyên rất thích chất liệu vải tự nhiên có in hoặc thêu hoạ tiết hoa lá để mềm mại hoá hình khối to nặng của đồ vật.

Chi tiết chưa thật hài lòng trong căn hộ này với Uyên chính là không gian bếp. Do diện tích khá khiêm tốn, nên Uyên chọn bộ bàn ăn nhỏ nhắn đặt vào. Bù lại, ánh sáng tràn đầy trong bếp khiến không gian này của ba mẹ con Uyên luôn sống động và ấm áp.

Con trai và con gái, được Uyên xếp ở chung một phòng. Uyên ưu tiên phòng ngủ nhiều ánh sáng và rộng rãi cho con, để chúng có thể đùa nghịch và tha hồ bày đồ chơi. Màu sắc rực rỡ và tươi vui là lựa chọn của Uyên cho đồ đạc phòng trẻ em.

Một sở thích đặc biệt của Uyên là thay đổi vị trí giường ngủ của mình theo tâm trạng và sở thích. Cứ vài tháng, Uyên lại đổi chỗ giường ngủ một lần, nếu không thì cũng thay đổi chất liệu vải phủ nệm và gối, mền.

Bộ salon do chính tay Ngô Thái Uyên thiết kế

Chủ nhà rất thích chất liệu vải tự nhiên in hoặc thêu hoạ tiết hoa lá để mềm mại hoá những hình khối to nặng của đồ vật

Bếp nhỏ, nhưng tràn ngập ánh sáng trời Ảnh dưới

Một góc làm việc riêng của Uyên, nhỏ, gọn gàng ngăn nắp.

Sau nhiều lần đổi chỗ ở, Uyên ưu tiên mua những món đồ nhỏ nhắn, đa năng dễ sắp đặt vào các không gian khác nhau

Phòng rộng nhất, nhiều ánh sáng trời dành cho các con với màu sắc rực rỡ, tươi vui


 

Ngắm thêm hai thiên thần nhỏ của Ngô Thái Uyên

Ở tuổi 33, nhà thiết kế Ngô Thái Uyên được đánh giá là người phụ nữ tài năng và bản lĩnh, không chỉ trong công việc mà còn ở nghị lực tuyệt vời khi một mình chăm sóc hai bé Coco và GiPi.

Chị chia sẻ với báo giới niềm hạnh phúc đang có với hai thiên thần nhỏ bằng một chùm hình ngộ nghĩnh của các bé.

Từ sau khi có con, Thái Uyên tranh thủ thời gian tối đa để ở bên chơi đùa và chăm sóc các con. Chị từ chối và hạn chế tham dự các cuộc hội hè, tiệc tùng so với trước

Ngô Thái Uyên kể "Coco và Gipi cũng hiếu động lắm. Coco rất thương yêu em gái và lúc nào cũng chỉ sợ em bị bắt mất"

Còn bé Gipi thì mới nhỏ xíu nhưng đã thích làm đẹp rồi đấy. Trên đầu bé có tới 3 chiếc kẹp tóc kìa. Bé còn hay thích trêu chọc anh Coco nữa

Mẹ đã chọn cho bé những bộ váy rất đáng yêu

Ngô Thái Uyên: Nhìn xa để đi đường dài

Trong số những nhà thiết kế trẻ ở TPHCM, chưa có ai chọn một con đường nhiều thay đổi và gập ghềnh như Ngô Thái Uyên.

NTK Ngô Thái Uyên

Là người đầu tiên nhận được hợp đồng thiết kế và xuất khẩu khăn choàng, túi xách sang thị trường Mỹ cho một tập đoàn thời trang có tiếng, đã biết dừng lại trước những hợp đồng với nguồn thu lớn nhưng đầy rủi ro (khi nhà thiết kế không chủ động được nguyên liệu cho sản phẩm của mình) để chuyển hướng dành hết một năm cho công việc hỗ trợ và hợp tác với các đơn vị sản xuất trong nước tìm hướng cho ngành nguyên liệu dệt may VN.

Vào thời điểm các nhà thiết kế trẻ hăng say mở tiệm riêng để khuếch trương nhãn hiệu trên thị trường, mặc dù đang có những hợp đồng xuất khẩu ngon ăn với người Nhật và Tây Âu, Uyên đã sớm tìm cho mình thêm những cơ hội khác: Kiếm học bổng sang Mỹ học thiết kế thời trang. Sau đó, vừa chăm sóc cửa hiệu riêng và làm trưởng phòng thiết kế của một công ty Hàn Quốc.

- Nếu như an phận chấp nhận làm chủ cửa hiệu Natural-Ngothaiuyen, điều gì sẽ xảy ra với Uyên?

- Thì tôi chỉ mãi làm ra những mặt hàng lạ, độc đáo, như những kỷ niệm nhỏ để du khách mang về nước. Nếu thế thì cũng chỉ đi lòng vòng: Khách du lịch có nhu cầu, sở thích khác nhau theo từng thời điểm. Chạy theo họ thì coi như chạy chợ, mất đi phong cách sáng tạo của riêng mình.

Còn những người thấy được tiềm năng của tôi đến đặt hàng lại ngại: Cơ sở sản xuất nhỏ, e không đáp ứng nổi. Khi khách du lịch ít dần, tôi quyết định dẹp tiệm, thành lập công ty cổ phần, bước chân vào lĩnh vực tư vấn thiết kế vốn chưa mấy ai làm...

- Vì sao Uyên từ chối cơ hội tiếp cận thị trường thời trang Mỹ?

- Tháng 4.2005, Công ty NTU có đơn đặt hàng xuất khẩu đầu tiên đi Mỹ của J.Jill, tập đoàn có 160 cửa hàng bán lẻ trên toàn nước Mỹ. Trị giá lô hàng (trên 5.000 sản phẩm chủ yếu là hàng thủ công cao cấp như khăn choàng, túi xách) trị giá trên 100.000USD. Giá bán lẻ tại thị trường Mỹ là trên 100USD/món.

Yêu cầu từ phía khách hàng là sử dụng nguyên liệu tơ tằm 100% của VN. Nhận được đơn hàng, chúng tôi mừng lắm. Một số mẫu mã của tôi được đưa vào catalogue của J.Jill và với lời giới thiệu về người thiết kế, xuất xứ sản phẩm...

Nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì mới nhận ra rằng mình không có được nguồn nguyên liệu ổn định. Sản phẩm tơ tằm VN chất lượng không đồng đều, trong khi đơn hàng xuất khẩu lại nghiêm ngặt, hàng lỗi là bị trả lại. Hợp đồng lớn, sản xuất hàng loạt, nếu tiếp tục làm thì không tránh khỏi rủi ro. Chính vì thế, tôi buộc phải đổi hướng.

Tập đoàn đó cũng thuê tôi làm việc trong vòng 6 tháng với mức lương 7.000-8.000USD/tháng, nhưng lúc ấy tôi chỉ nghĩ, nếu tôi bỏ đi thì bao nhiêu người trong một công ty non trẻ nhu NTU sẽ xoay xở thế nào. Và tôi quyết định ở lại. Cũng còn không ít lời mời khác, nhưng với tôi, đào tạo con người mới là chiến lược lâu dài.

- Nhưng dường như Uyên lại lao vào một lĩnh vực mạo hiểm khác?

- Đúng thế. Đó là không đầu tư vào sản phẩm, mà đầu tư vào trí tuệ. Công việc chính là chẩn bệnh, kê toa, giao "bí kíp" cho doanh nghiệp, tức là tư vấn về thời trang chuyên nghiệp, cách phục vụ, cách làm hàng hoá...

Lâu nay, nhiều doanh nghiệp chưa làm hết công suất vì không tìm được đầu ra. Họ chỉ có thể làm gia công cho các hãng may mặc lớn của nước ngoài, nhưng không thể chủ động mẫu mã để chào ngược lại cho đối tác khi năng lực sản xuất đã đạt yêu cầu.

Và đối với thị trường nội địa thì hoàn toàn lúng túng... Chúng tôi giúp các doanh nghiệp làm đúng với năng lực sản xuất và đúng với nhu cầu khách hàng của họ. Chúng tôi đang đi tìm sự chuyên nghiệp của mình trong thời gian ngắn nhất. Đội ngũ thiết kế, tư vấn người VN còn yếu, thì chúng tôi thuê người nước ngoài về làm.

Không chỉ học hành bài bản, họ có khả năng thu hút người VN làm việc theo đội, nhóm với tinh thần đoàn kết. Với công ty khác, có thể mất 5-10 năm. Nhưng với chúng tôi, hy vọng năm sau sẽ khác.

- Uyên quan niệm thế nào về thời trang?

- Thời trang không chỉ là quần áo, bề ngoài, mà trong cuộc sống hiện đại là cả con người, tính cách, văn hoá tiêu dùng. Không phải cứ có tiền là ăn mặc đẹp, người ta cần có kiến thức, có học để vừa có gu ăn mặc thẩm mỹ, vừa không vứt tiền qua cửa sổ.

Nếu như cái đẹp ngày xưa theo chuẩn, thì ngày nay chuẩn quá có khi lại không đẹp, chệch đi một chút mới là cá tính của vẻ đẹp. Mỗi người phải tự khám phá cái đẹp cho bản thân mình, chứ không ai chỉ ra được.

Thời trang là những gì bạn thấy phù hợp với con người mình, thấy tự tin với chính bạn. Chính vì thế, tôi không quá chuộng đồ hiệu và không bao giờ phí trên triệu bạc vì một cái quần hay cái áo. Thay vào đó, tôi tự thiết kế cho mình và dành tiền mua sách. Càng đọc bao nhiêu càng thấy không đủ.

Ngày trước, ông nội tôi thường dặn, phải biết nhìn xa trông rộng, nếu không thì mất nhiều cơ hội... Tôi từng được biết đến qua những cuộc thi, buổi trình diễn. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở các show biểu diễn thì quả thật vốn kiến thức của tôi chẳng giúp ích gì cho xã hội mà chỉ phục vụ cho cái tên Ngô Thái Uyên.

Thời trang không chỉ là sự hào nhoáng sàn diễn mà còn là công ăn việc làm của bao nhiêu người lao động trong các phân xưởng may, những người mà không có họ, tôi không được như hôm nay. Cứ lên sàn diễn hoài tôi nghĩ cũng chẳng để làm gì, thay vì hỗ trợ cho những người không có được cơ hội như mình kiếm được công ăn việc làm ổn định.

- Uyên nghĩ gì về tiềm năng của những công ty tư nhân như NTU?

- Tôi đọc một số tài liệu, thấy người ta đưa ra con số 2 năm nữa, trên 50% doanh nghiệp ngành may mặc sẽ phá sản vì khủng hoảng ngành may mặc gia công. Con số đó quả không ít vì hiện nay có khoảng 2.000 doanh nghiệp ngành này, mà mỗi doanh nghiệp ít nhất cũng có trên 200 công nhân. Khi đó, chắc sẽ còn rất nhiều các đơn vị muốn trụ lại với ngành sẽ rất cần những công ty tư vấn như của chúng tôi.

- Trên thực tế, không nhiều khách hàng đến với các nhà thiết kế trẻ hiện nay, ngoại trừ giới ca sĩ. Khoảng cách giữa họ và người tiêu dùng dường như chưa thu ngắn được. Để nắm được thị hiếu người tiêu dùng, một nhà thiết kế cần có những động thái nào?

- Thử đặt mình là người tiêu dùng. Mình không còn là nghệ sĩ, mà chỉ là một người phụ nữ bình thường, một người tiêu dùng bình thường. Tôi thường xuyên đi shopping, mở to mắt nhìn xung quanh và dùng cảm tính nghệ sĩ trong mình để "đánh hơi" tâm lý tiêu dùng của khách hàng.

Ngoài ra, nhờ thời gian đi dạy ở trường J.R.P ở Phú Mỹ Hưng, khoá học "Sức mạnh trang phục", tôi có điều kiện tiếp xúc học viên, tìm hiểu sở thích, yêu cầu của họ về thời trang. Việc thu nhận thông tin từ người khác hết sức quan trọng.

- Không chỉ là nhà thiết kế có cá tính, trong đời sống riêng, Uyên là một phụ nữ độc lập. Điều này có phải trả giá?

- Được người khác che chở cũng có cái lợi mà cũng có cái hại. Lợi là được sống trong không khí gia đình, được mọi người yêu thương nhưng hại là thường không chịu được cảm giác cô đơn, gặp chuyện là suy sụp. Đối với những người như tôi, có thể thiếu sự chia sẻ của gia đình hoàn chỉnh, nhưng tôi không còn sợ cảm giác cô đơn. Bố mẹ và em gái tôi sang Mỹ định cư từ năm 1996, chỉ còn tôi ở lại VN.

Và khi quyết định làm mẹ, tôi là một người mẹ độc thân. Tôi nghĩ rằng khi tôi nói ra những điều này, câu chuyện quá khứ dường như đã khép lại và từ nỗi đau, ai cũng có một cơ hội để trưởng thành. Tôi tin con tôi sẽ là người đàn ông đủ sâu sắc để biết trên đời có những người phụ nữ như mẹ mình, để biết làm người đàn ông đích thực. Hạnh phúc, đối với tôi bây giờ đơn giản lắm và cũng khó lắm khi tôi mong muốn làm cho những người sống xung quanh mình được hạnh phúc.

Ngô Thái Uyên không dừng lại ở lĩnh vực thiết kế. Cô vẫn thường xuyên tham gia trình diễn nghệ thuật sắp đặt cùng các nghệ sĩ nước ngoài, triển lãm tranh... Cô từng được Hội đồng Anh thực hiện bộ phim tài liệu về những người sáng tạo trẻ. Những cuộc trình diễn sắp đặt của Uyên thường gắn với đề tài phụ nữ và những trải nghiệm, chịu đựng, chấp nhận của họ trong cuộc sống để vươn lên. Dường như một sức sống mạnh mẽ luôn ẩn hiện trong đôi mắt đen, sáng và linh lợi của cô. Đơn giản vì cô là một cá tính đặc biệt, và là hình mẫu của người phụ nữ hiện đại.







Nhà đẹp của Dương Ngọc Thái tiện nghi, bắt mắt
Nhà đẹp của ca sĩ Đoan Trang sang trọng, lộng lẫy
Nhà đẹp của Bầu Kiên lộng lẫy, hút mắt
Nhà đẹp của Lee Min Ho tinh tế, giản dị
Nhà đẹp của hoa hậu Ngô Mỹ Uyên lộng lẫy, choáng ngợp
Nhà đẹp của ca sĩ Minh Quân điệu đà, kiêu sa



(st)