Nhọc nhằn canh... trứng đẻ con trai

Quan niệm "trọng nam khinh nữ" hiện vẫn còn tồn tại ở không ít gia đình. Nhiều đôi vợ chồng đã tận dụng sự phát triển của y học để kiếm "hoàng nam", và soi nang noãn, ngày rụng trứng để đẻ con trai đang được nhiều đôi vợ chồng lựa chọn.

Đủ kiểu dịch vụ "chỉ định" giới tính

Trong vai một bà mẹ "khát" con trai tôi tìm đến một phòng khám tư nhân để siêu âm... trứng. Cô y tá nói gọn: "Siêu âm màu 120.000 đồng, trắng đen 60.000 đồng/lần, những lần sau giảm giá còn 50.000 đồng".

Trong khi ngồi chờ tôi thấy có ba chị bầu từ phòng siêu âm đi ra hớn hở thông báo "con trai". Một bà bầu thổ lộ: "Chị theo mấy tháng mới được thằng cu đấy...". Đến lượt tôi, bác sĩ siêu âm xem tới xem lui kết quả rồi bảo: "Dò mãi mới thấy một noãn khá hơn cả, nhưng chỉ đạt kích thước 11mm, chưa tiến hành được đâu, vài ngày nữa đến siêu âm lại. Tốt nhất em nên đến bác sĩ phụ sản để được tư vấn thêm về chế độ ăn uống, sinh hoạt vợ chồng, kết hợp với thường xuyên canh trứng thì may ra...".

Dường như quá quen với việc này nên chẳng cần chờ tôi mở miệng, cô y tá trực bàn vội ấn mảnh giấy đã ghi sẵn tên tuổi, số nhà của bác sĩ tên H. Tại đây, sau khi vài chuyện "nội bộ" của chị em, đo huyết áp và hỏi thăm địa chỉ, bác sĩ H. hẹn tôi vài ngày nữa đến siêu âm trứng.

Cuối trưa, tại phòng siêu âm của một bệnh viện vẫn còn hơn chục bà bầu đang chờ siêu âm và một danh sách khoảng 30 người nữa đăng ký siêu âm thai vào buổi chiều. Trong danh sách này có khoảng 5 người ghi rõ tuổi thai mới 8-10 tuần. Một phụ nữ tên là Hoa siêu âm thai mới 12 tuần, được bác sĩ xem xét rất kỹ và cho biết: "Khả năng con trai".

Một phụ nữ khác mang thai 6 tháng kể: "Khi có ý định sinh con, tôi đến đây nhờ bác sĩ soi nang noãn, ngày rụng trứng để đẻ con trai. Thế là trúng luôn, bây giờ cứ 1 tháng tôi lại đến đây siêu âm một lần để kiểm tra". Để xác nhận lời nói của người phụ nữ trên, tôi đã bày tỏ ý muốn sinh con trai và nhờ bác sĩ giúp đỡ. Vị bác sĩ này nói: "Soi nang noãn, ngày rụng trứng để đẻ con trai không phải ai cũng sinh được con trai, nhưng tỷ lệ thành công cũng tương đối...".

Dưới áp lực của quan niệm "trọng nam khinh nữ" lại không muốn sinh con đông, nhiều phụ nữ tự tạo áp lực cho mình khi sinh con. Với những phụ nữ đã có con gái, áp lực phải kiếm con trai càng lớn. Hầu hết họ đều tự trang bị cho mình kiến thức sinh con trai như ăn kiêng, tự đo thân nhiệt, mua que thử rụng trứng...

Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, không ít chị đã đi canh trứng. Thậm chí, còn tiêm thuốc kích thích để trứng rụng đúng thời điểm. Họ chấp nhận tiêu tốn thời gian và tiền bạc miễn sao có con trai. Canh trứng là một hành trình đầy nhọc nhằn.

Hàng tháng, cứ đến ngày thứ 12 của chu kỳ kinh nguyệt, lại phải đi soi trứng. Dựa vào kích thước của trứng, bác sĩ phán đoán nó sắp rụng hay chưa. Theo lý thuyết, trứng rụng vào ngày giữa chu kỳ kinh nhưng cũng có thể trước hoặc sau đó vài ngày nên cứ phải soi liên tục cả tuần, nhưng quá trình ấy luôn phải đối mặt với nhiều trục trặc ngoài ý muốn...

Quy định có cũng như không

Nhằm ngăn chặn thực trạng mất cân bằng giới ở nước ta, tại Điều 9 trong Nghị định 114/2006/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về Dân số và Trẻ em do Chính phủ vừa ban hành có quy định rõ: Hành vi lựa chọn giới tính thai nhi thông qua việc siêu âm, xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào... để xác định giới tính thai nhi sẽ bị phạt tiền từ 3 - 7 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nghị định đi vào thực tế, việc kiểm soát và áp dụng quy định xử phạt này xem ra vẫn khó... khả thi.

Mặc dù Pháp lệnh Dân số đã nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, công bố giới tính thai nhi, nhưng các bác sĩ ở phòng khám vẫn công khai "thông báo miệng" giới tính của thai nhi cho thai phụ; đồng thời "nhiệt tình, phục vụ tối đa yêu cầu của thân chủ" trong việc giúp các ông bố bà mẹ có yêu cầu sinh con theo ý muốn (chủ yếu là con trai).

Tại đây, các bà mẹ đã biết giới tính của con ngay từ hai tháng đầu. Theo lời kể của các bà bầu thì việc thông báo giới tính thai nhi chỉ được trao đổi bằng lời nói. Nhiều từ ngữ rất phong phú được sử dụng vô tư để nói về giới tính: "Váy nhé", "Quần đùi nhé", "Có quả ớt rồi"...

Thực tế, tại Hà Nội hiện có hàng trăm địa điểm siêu âm của tư nhân, tập trung trước các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Phụ sản, Việt Đức, 108... Chị Phạm H., phụ trách khám siêu âm tại một phòng khám cho biết, mỗi ngày chị đón khoảng 70 bà bầu.

Sau khi có quy định cấm của Chính phủ, chị chỉ thông báo giới tính khi thai ở tháng thứ 5-6. Tuy nhiên, Chị H. cũng cho biết, "một trong những nhu cầu chính của bà bầu khi khám siêu âm là biết giới tính của con. Nếu bác sĩ không thông báo thì phòng khám có thể mất khách. Vì vậy, chúng tôi vẫn phải tiết lộ khi bà mẹ có nhu cầu".

Có thể khẳng định siêu âm thai nhi nếu được dùng đúng mục đích thì sẽ rất có lợi. Nhờ siêu âm với những hình ảnh có độ phân giải cao sẽ phát hiện sớm các dị tật và hạn chế thấp nhất những rủi ro xảy ra với thai nhi. Tuy nhiên, mặt trái của nó là việc xác định sớm giới tính thai nhi lại là một trong những yếu tố để phá thai và để ngăn chặn việc làm này vẫn tương đối... khó.

Do vậy, thực trạng mất cân bằng giới không chỉ gây nguy hại cho cơ cấu dân số mà còn dẫn đến những bất ổn trong xã hội. Một xã hội thiếu nữ, thừa nam sẽ dễ nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.

Sự mất cân đối giới tính ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh ở Việt Nam có dấu hiệu rất nghiêm trọng, có thể tạo nên sự thiếu hụt nữ thanh niên trong tương lai, đó là kết quả nghiên cứu, đánh giá mới nhất của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc đưa ra trong cuộc họp báo về chênh lệch giới tính khi sinh ở Việt Nam vào tháng 10/2010.

Theo kết quả nghiên cứu, vùng Đồng bằng Sông Hồng có tỷ lệ giới tính của trẻ em từ 1 - 4 tuổi cao nhất nước: 116, nghĩa là trong độ tuổi này, cứ 100 cháu gái thì có 116 cháu trai.

Tham luận của PGS.TS Nguyễn Đình Cử (Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội - Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định: Quy mô dân số nước ta rất lớn và đang phát triển mạnh. Hiện dân số nước ta là 83,12 triệu người, là nước đông dân thứ 13 trên thế giới (Tổng cục thống kê, 2005).

Theo dự báo của Tổng cục thống kê, năm 2024, dân số nước ta sẽ vượt 100 triệu người, mật độ dân số lên tới 335 người/km2. PGS Cử cũng nhận định dân số nước ta trẻ nhưng đang bước vào thời kỳ quá độ chuyển đổi sang dân số già. Đến năm 2024, người cao tuổi ước đạt 12.811.400, chiếm tỷ lệ 13% trong tổng dân số, vượt tiêu chuẩn xã hội hóa già.

Mình sinh năm 1983 (Quý Hợi), chồng mình sinh năm 1972 (nhâm thìn), sinh con gái đầu lòng sinh năm 2010 (Canh dần). Mình dử định sinh thêm 1 bé nữa, không biết sinh vào năm nào thì tốt nhất ạ? Xin cảm ơn.
hơn 1 tháng trước - Thích (9)
Năm 2015 khá thích hợp để anh chị sinh bé tiếp theo. Chúc gia đình mình mạnh khỏe, hạnh phúc!
hơn 1 tháng trước - Thích (3)
Gửi hỏi đáp - bình luận