Những cảnh đẹp ở Hải Phòng và địa điểm ăn chơi bổ ích cho du khách

Những cảnh đẹp ở Hải Phòng và địa điểm ăn chơi bổ ích cho du khách. Là trung tâm du lịch lớn, Hải phòng có những bãi biển lượn quanh, những khu nghỉ mát và giải trí nổi tiếng trong và ngoài nước. Nhiều công trình dịch vụ - du lịch trên địa bàn Hải Phòng đã và đang được xây dựng, nâng cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế.



Bãi biển Đồ Sơn

Cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 22 km về phía Đông nam, nằm giữa hai cửa sông Lạch Tray và sông Văn Úc, bánđảo Đồ Sơn vươn ra biển đông tới 5 km. Bãi biển đồ Sơn chia làm 3 khu mỗi khu đều có bãi tắm và đồi núi, rừng cây yên tĩnh. Khu 1 chạy dài với bãi tắm và dịch vụ ven biển. Khu 2 có toà biệt thự từng là nơi nghỉ mát của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Khu 3 có công trình kiến trúc nhỏ dáng dấp như ngôi chùa nên từ lâu có tên gọi là Pagodon. Đặc biệt cuối bán đảo là đồi đất cao trên đó có Toà nhà Vạn Hoa đuợc xây dựng theo kiến trúc gô tích rất đẹp. Khu này còn có những di tích. Công trình dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế như Di tích bến tầu không số, Resort Hon Dau, Casino Đồ Sơn...


Bãi tắm Đồ Sơn trong một chiều nắng

Sông Bạch Đằng

Nằm ở phía đông bắc cách trung tâm khoảng 20 km, Bạch Đằng là con sông nổi tiếng gắn liền với chiến công vang dội trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Hàng năm trên dòng sông lịch sử này thường tổ chức những Hội thi bơi truyền thống vượt sông Bạch Đằng.


Một góc sông Bạch Đằng.

Núi Voi

Là một quần thể thiên nhiên đa dạng, là ngọn núi cao nhất ở phía bắc Kiến An, bên bờ sông Lạch Tray. Dưới chân núi có động Long Tiên thờ bà Lê Chân, một nữ tướng nổi tiếng trong cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng, người đã lập ra làng An Biên, Hải Phòng ngày nay. Núi voi có nhiều hang động đẹp: hang Họng Voi, hang Chiêng, hang Cá Chép, hang Bể... phía nam núi Voi có động Nam tào, phía bắc có động Bắc Đẩu.

Cát Bà điểm du lịch sinh thái


Từ đất liền hay Đồ Sơn, khách du lịch có thể đi bằng tàu hay bằng đường cao tốc đến thăm đảo và vườn quốc gia Cát bà, Quần đảo Cát Bà, nằm kề bên Vịnh Hạ Long với hàng trăm núi đảo lớn nhỏ nổi nên giữa biển cả mênh mông. Đảo lớn Cát Bà có vườn quốc gia với những vạt rừng nguyên sinh nhiệt đới tồn trữ nhiều loại cây rừng và thú hiếm; những núi đá vôi ẩn chứa nhiều hang động kỳ thú; những bãi tắm thiên tạo, nước biển trong xanh bên những vụng nước biển tĩnh lặng nằm trong các đảo đá; những con suối tuôn chảy trên các triền núi, Cát Bà là nơi hội tụ giữa rừng với biển. Biển và rừng hoà quyện vào nhau tạo nên phong cảnh có một không hai.


Đảo Cát Bà & Bãi tắm Cát Cò

Đảo Dấu nghiêng mình bên Đồ Sơn

Lên hành lang của hải đăng đảo Dấu, phóng tầm mắt nhìn ra phía biển, sẽ thấy núi non Đồ Sơn thấp thoáng, từng đàn én chao liệng trên mặt sóng, xa xa là những con tàu lớn hiên ngang trên biển...

Ai đã từng đặt chân tới Đồ Sơn mà chưa có dịp ra Đảo Dấu ắt hẳn trí tò mò chưa được thỏa mãn.

Nơi thờ Nam Hải Thần Vương

Cách bến Nghiêng chưa đầy 1km đường biển và mất 10 phút đi thuyền máy bạn sẽ đặt chân xuống hòn đảo xinh xắn này.

Khác với sự ồn ào, tấp nập phía bên kia bờ, đảo Dấu vẫn giữ vẻ nguyên sơ, tự nhiên. Người xưa tưởng tượng Đồ Sơn có hình dáng như đầu rồng đang hướng về phía viên ngọc (đảo Dấu) và viên ngọc này đang là tâm điểm để khai thác tiềm năng du lịch của Đồ Sơn.

Truyền thuyết kể rằng: Sau trận thủy chiến chống  giặc ngoại xâm ngư dân câu đêm gặp một tử thi không đầu dạt vào đảo Dấu. Nhìn y phục biết là tướng nhà Trần tử trận, bà con vớt lên thành kính khói nhang chờ trời sáng mai táng. Nhưng khi mặt trời mọc, chỗ ông nằm mối đã đùn lên thành mộ. Dân chài bèn lập đền để đèn nhang thờ phụng.

Tương truyền, ngôi đền rất linh thiêng, người xưa mỗi lần đi qua đều phải hạ buồm vào đảo thắp hương tế lễ. Trong một dịp kinh lý ra Bắc, thuyền rồng của vua Tự Ðức gặp sóng to, gió lớn, vua lên đền khấn vái, bỗng chốc trời quang mây tạnh. Vua Tự Ðức phong ông làm Nam Hải thần vương.

Hằng năm, từ mùng 8 đến 10 tháng 2 (âm lịch) là lễ hội đảo Dấu - lễ hội truyền thống của người đi biển vùng duyên hải Bắc Bộ. Ngư dân khắp nơi kéo về đảo Dấu cúng lễ, cầu xin Nam Hải thần vương cho một năm đi biển yên bình, đánh được nhiều tôm cá.

Ðền thờ Nam Hải thần vương nằm sát bờ biển, núp dưới những tán đa cổ thụ, nhỏ bé và đơn giản, sự thành kính bao trùm qua khói nhang nghi ngút quanh năm.

Nét hoang sơ

Nếu bạn là người ham du ngoạn chắc chắn sẽ là cơ hội tốt để tìm hiểu và khám phá những vẻ đẹp hòn đảo này.

Xung quanh đảo là bãi đá bị sóng đánh trở nên mòn vẹt tạo ra những hình thù kỳ bí, khiến bạn phải ngạc nhiên trước những hình ảnh thiên nhiên vô tình hay hữu ý tạo nên những kiệt tác như vậy.

Đến với Đảo Dấu là đến với không gian tĩnh lặng của thiên nhiên, du khách thả hồn theo tiếng xào xạc của cây lá, tiếng sóng biển nhẹ nhàng vỗ vào bờ đá. Vượt qua đoạn đường nhỏ khoảng 20 m, du khách sẽ đặt chân đến trung tâm của đảo với những con đường uốn lượn quanh co. Hai bên đường cây cối đan xen chằng chịt khiến du khách cảm thấy mình đang lạc giữa màu xanh huyền diệu của núi rừng.

Có một điều mà người dân Đồ Sơn cho là linh thiêng và thể hiện sự tôn trọng vị thần đảo: đó là không ngắt lá, bẻ cành cây trên đảo. Chính vì thế cây cối trên đảo không bị chặt phá, bốn mùa xanh tốt.

Mắt ngọc của Tổ quốc

Theo con đường nhỏ khoảng gần 600m, du khách sẽ đến với hải đăng đảo Dấu. Đó là một toà nhà 2 tầng và chính giữa toà nhà là tháp đèn.

Cây đèn biển hơn trăm tuổi mệnh danh là mắt ngọc của Tổ quốc lại là một nét nhìn mới lạ khác với du khách. Cao như một tháp pháo đài cổ vút lên giữa đảo và trên cùng là ngọn hải đăng chiếu xa tới 40km. Những con tàu đi biển xa khi bắt được ánh hải đăng Hòn Dấu là được trở về bến đậu.



Đèn biển đảo Dấu được người Pháp xây dựng từ năm 1892 và hoàn thành năm 1896. Tháng 6 năm 1898 đèn chính thức hoạt động và được ra thông báo Hàng hải. Ngày 15/5/1955, sau khi Hải Phòng giải phóng, bộ đội Việt Nam tiếp quản đèn biển này.

Ngọn hải đăng anh hùng trên biển hằng ngày dẫn dắt tàu thuyền ra vào cảng Hải Phòng đã từng là nơi bị máy bay của đế quốc Mỹ oanh tạc. Ngày 27/4/1967 đèn bị sập hoàn toàn. Công nhân trạm đèn đã khẩn trương dựng cột đèn bằng sắt cao 17 mét thay thế đèn bị sập để đảm bảo khôi phục hoạt động của hải đăng, phục vụ sản xuất và chiến đấu. Năm 1986 đèn được xây dựng lại trên nền móng cũ và năm 1995 được sửa chữa, khôi phục theo hình dáng ban đầu.

Ngọn hải đăng đảo Dấu đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn trên đảo. Bước lên cầu thang gỗ xoáy tiến ra hành lang của ngọn đèn, phóng tầm mắt nhìn ra phía biển, du khách sẽ thấy núi non Đồ Sơn thấp thoáng, từng đàn én chao liệng trên mặt sóng, xa xa là những con tàu lớn hiên ngang trên biển…/.

Sân golf 18 lỗ Doson Seaside Golf Resort

Cách 2 điểm du lịch nổi tiếng vườn Quốc Gia Cát Bà và Vịnh Hạ Long khoảng 100km, Doson Seaside Golf Resort mang phong cách du lịch uốn mình theo biển Đồ Sơn chắc chắn sẽ là điểm đến hàng đầu dành cho các golfer. Vào ngày 18/10/2009 vừa qua, sân golf đã chính thức khai trương 18 lỗ golf với giải golf mang tên “18 By The Sea Golf Tournament” vô cùng sôi nổi .

Sở hữu một cảnh quan thiên nhiên vô cùng xinh đẹp, Doson Seaside Golf Resort sẽ làm hài lòng tất cả người chơi từ những hội viên thường nhật cho đến những người đi nghỉ mát tại khu du lịch golf ven biển này. Đặc biệt, sân golf với 4 tee phát banh sẽ mang đến nhiều thách thức cho những tay golf chuyên nghiệp nhưng cũng phù hợp với cả những golfer nghiệp dư.


Bên cạnh đó, green có kích thước đa dạng với những đường cong tinh tế cho phép golfer có thêm nhiều chọn lựa trong vị trí đặt pin. Điều này giúp cho chiến lược chơi trong một “cuộc chiến” thay đổi không ngừng và dĩ nhiên sẽ đòi hỏi các golfer phải tập trung cao. Những làn gió biển sẽ mang đến một bầu không khí trong lành, một cảm giác khoan khoái khi cái nóng dần vơi đi nhưng đồng thời cũng giúp tăng thêm “kịch tính” cho cuộc chơi. Cỏ Paspalum được trồng trên sân golf Đồ Sơn đảm bảo cho các green và fairway quanh năm xanh tốt đồng thời giúp banh dừng hợp lý trên fairway.

Xa xa, những rặng dừa chạy thành hàng dọc theo fairway mang đến một cảm giác tuyệt vời của khu du lịch ven biển. Những bãi cát được tạo hình một cách ngẫu hứng nhưng đầy nghệ thuật cùng với những hồ nước tự nhiên uốn mình theo dáng cong của khu resort, tất cả mang đến một không gian yên tĩnh, trong lành và thư thái dành cho các golfer.

Sân golf 18 lỗ Đồ Sơn khai trương là sân đầu tiên phục vụ người yêu golf ở một thành phố cảng sôi động Hải Phòng. Mừng ngày ra mắt 18 lỗ golf (18/10/2009), Doson Seaside Golf Resort tưng bừng với giải golf giao hữu mang tên “18 By The Sea Golf Tournament”. Hơn 200 golfer đến từ nhiều nước khác nhau đã cùng tham gia vào sự kiện này với hy vọng trở thành người đầu tiên tee-off cho sân golf mới. Giải Hole-in-one là một chiếc xe Mercedes Benz đáng mơ ước, bên cạnh đó là nhiều giải thưởng giá trị khác dành cho golfer thắng cuộc do Vietnam Airlines, Bai Tram Hideaway… tài trợ.

Địa chỉ: Phường Ngọc Xuyên, Quận Đồ Sơn, Thành Phố Hải Phòng, Việt Nam
Đặt chỗ tee-off:
Tel: 84-313-867-956/58
Fax: 84-313-867-955

Biệt thự Bảo Đại

Biệt thự nằm trên đỉnh đồi Vung cao 36 m so với mặt nước biển, thuộc khu II Đồ Sơn. Biệt thự được xây từ năm 1928 của Toàn quyền Đông Dương Pafquiere. Ngày 16- 6 -1949, Toàn quyền Đông Dương tặng cho vua Bảo Đại. Từ đó ngôi nhà này được gọi là biệt thự Bảo Đại.

Ngay từ năm 1933, sau 1 năm lên cầm quyền, Bảo Đại đã đến đây. Mỗi lần ra kinh lý miền Bắc, Bảo Đại đều đến Đồ Sơn và nghỉ tại biệt thự này. Đứng ở đây có thể nhìn toàn cảnh bán đảo Đồ Sơn và thả tầm mắt theo biển mênh mông đến tận chân trời. Hơn nữa, khí hậu ở đây ôn hòa, nhất là vào mùa hè rất mát mẻ.

Tháng 5 - 1955, miền Bắc được giải phóng, ngôi nhà được giao cho Bộ quốc phòng quản lý. Thời gian trôi đi, chiến tranh tàn phá, ngôi biệt thự xuống cấp.

Ngày 28 - 3 - 1984, Bộ Quốc phòng bàn giao cho Công ty Du lịch Hải Phòng, nay là Công ty Cổ phần Khách sạn Du lịch Đồ Sơn quản lý.

Được phép của Nhà nước, Công ty đã phục chế lại và sau hai năm, ngày 26 - 7 - 1999, biệt thự mở cửa đón khách tham quan và nghỉ qua đêm. Diện tích toàn khu vực là 900m2. Biệt thự có phòng tiếp khách, phòng họp, phòng ngủ của Vua, Hoàng hậu, các Hoàng tử và Công chúa. Các tư liệu và ảnh của Bảo Đại cùng gia đình do nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân và bà con Việt kiều ở Pháp cung cấp. Du khách đến đây tham quan có thể mặc triều phục, thưởng thức các loại bánh Huế, dự ngự thiện và mua đồ lưu niệm về biệt thự này.

Bến Nghiêng & Bến tàu không số

Cảnh đẹp ở khu du lịch Đồ Sơn không chỉ là những đồi thông và bãi tắm trải dài, mà nơi đây còn ẩn chứa tiềm năng du lịch rất phong phú, thu hút du khách đến tham quan. Bến Nghiêng & Bến tàu Không số là một trong những điểm du lịch hấp dẫn đó.

Bến Nghiêng - Đồ Sơn hiện là bến đỗ của tàu ra thăm đảo Hòn Dáu. Nơi dây cũng là Cảng xuất phát của tàu du lịch đảo Cát Bà, vịnh Hạ Long, Móng Cái.

Cách đây hơn 50 năm, ngày 15/5/1955, tại bến Nghiêng, tên lính Pháp cuối cùng đã rút khỏi miền Bắc theo Hiệp định Giơnevơ - Hiệp định đình chiến giữa chính phủ thực dân Pháp và nước Việt Nam dân chủ cộng hoà sau 9 năm kháng chiến gian khổ.

Bến tàu Không số ở chân đồi Vạn Hoa cạnh thung lũng xanh, hiện có khách sạn 100 phòng của Công ty Du lịch quốc tế Đồ Sơn. Dấu tích cầu cảng k15 xưa nay chỉ còn lại những cột bê tông. Cầu cảng này được xây dựng và bảo vệ bí mật, là nơi đỗ của những chiếc tàu không số, chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ngày 11/10/1962, chiếc tàu gỗ chở 30 tấn vũ khí đầu tiên đã xuất phát ở đây. Sau 6 ngày lênh đênh trên biển cả, tàu đã cập bến tại Cà Mau, chuyển giao toàn bộ vũ khí cho quân khu 9. Tất cả có gần 100 tàu thuyền với tổng số 168 chuyến đi xuất phát tại đây - con đường được mệnh danh là "đường mòn Hồ Chí Minh trên biển".

“Bến tàu không số”, điểm khởi đầu của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển, tại Đồ Sơn, Hải Phòng, vừa được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 2008.

Tháp Tường Long

Được xây dựng trên đỉnh Ngọc Sơn, tháp Tường Long trông như cây bút đang vẽ lên nền trời xanh và biển rộng là đài nghiên thiên nhiên vô tận. Qua thư tịch cổ và những vết tích còn lại, tháp Tường Long gần như là khu tượng đài hoành tráng kỉ niệm nhà Phật, một trạm quan sát tiền tiêu và là hành cung của nhà vua ở miền biển đông bắc của quốc gia Đại Việt.

Ngọn tháp này đã từng được liệt vào hạng đại danh lam cùng với chùa Long Đọi (Duy Tiên - Nam Hà), chùa Một Cột, tháp Báo Thiên, chùa Thắng Nghiêm, Chân Giáo... (Hà Nội), tháp Chương Sơn (ý Yên - Nam Hà)... dưới triều nhà Lý (1010 - 1225). Từ tháp Tường Long đến chùa Vân Bản là bước tiến dài của nghệ thuật kiến trúc và tạo hình Phật giáo ở Đồ Sơn. Chùa tháp Tường Long là một điển hình của sự kết hợp giữa nghệ thuật sáng tạo của con người với nghệ thuật vô thức của tạo hoá, giữa chúng có sự bổ sung, tô điểm cho nhau.

Cùng với di tích lịch sử văn hoá đình Ngọc, suối Rồng, tháp Tường Long tạo ra một quần thể du lịch sinh thái - lịch sử - văn hoá nổi tiếng của miền sóng, miền gió Đồ Sơn, Hải Phòng

Đền bà Đế

Đền Bà Đế nằm ở chân núi Độc, thuộc phường Ngọc Hải, Quận Đồ Sơn, Tp. Hải Phòng. Đền Bà Đế là một trong những đền nổi tiếng về danh thắng và linh thiêng.

Ðền thờ bà Đế - vợ chúa Trịnh Giang. Ðền bà được vua Tự Ðức về thăm và ban sắc phong “Ðông Nhạc Ðế Bà - Trịnh chúa phu nhân”.

Ðền có cấu trúc giản dị nhưng thanh thoát và trang nhã, nép mình vào lưng núi, trước mặt là biển khơi bao la, tạo nên một kỳ quan thiên nhiên độc đáo không thua gì “Nam thiên đệ nhất động - Chùa Hương”.

Như bao đình chùa, miếu mạo ở nước ta thường được hình thành bắt nguồn từ một sự tích. Tương truyền vào năm 1718, ở phía đông nam vùng Ngọc Ðồ Sơn có đôi vợ chồng họ Ðào, đã hai mươi năm không có con. Hai vợ chồng tu thân, tích đức, cầu xin trời phật cho một mụn con. Trời phật động lòng, chứng giám, rồi báo mộng cho người vợ được mang thai. Tròn ngày, tròn tháng, đứa bé ra đời và được đặt tên là Ðào Thị Hương. Từ khi sinh ra, người đứa trẻ đã toả hương thơm ngát và đi đến đâu cũng có làn mây che đến đó. Càng lớn lên đứa trẻ (Bà Ðế) càng xinh đẹp.

Bà Ðế rất khéo tay, siêng năng mọi việc. Hàng ngày bà đi chăn trâu, cắt cỏ, tay làm, miệng hát, tiếng hát ngân vang cả núi rừng. Người ta nói rằng, tiếng hát của bà làm đất trời lặng đi để lắng nghe.

Vào năm 1736, chúa Trịnh Giang về kinh lý Ðồ Sơn. Chúa cùng đoàn người dạo thắng cảnh bằng thuyền rồng trên núi Ðộc. Xúc động trước tiếng hát mượt mà, chúa truyền cho quân lính đi tìm người hát. Khi gặp được bà với vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, chúa yêu mến và quyến luyến không rời. Khi về kinh đô, chúa có hẹn ngày về đón bà.

Bà mang thai, trong lòng rất lo sợ, ngày đêm trông ngóng thuyền hoa của chúa. Hàng Tổng biết chuyện đòi phạt tiền. Nhà nghèo không có tiền nộp phạt, hàng tổng đem bà ra khu núi Ðộc rồi dìm bà xuống biển.

Trước khi chết, bà ngửa mặt lên trời khóc than rằng: "Phận gái thân cô, gặp chúa yêu thương tôi đâu dám chống, nhìn mẹ cha, hàng xóm tôi đâu dám quên. Xin trời phật chứng giám cho lòng con. Khi con bị dìm xuống nước, nếu có oan ức, trời phật cho con nổi lên ba lần".

Quả nhiên bà nổi lên ba lần, mọi người ai nấy đều kinh sợ. Sau một tháng, thuyền hoa của chúa về rước bà về kinh. Biết chuyện oan khuất, chúa Trịnh Giang cho xây đền, lập đàn giải oan cho bà. Ðền bà được vua Tự Ðức về thăm ban sắc phong: Ðông Nhạc Ðế Bà - Trịnh chúa phu nhân.

Người đời sau thương tiếc nhiều danh nhân đã đề thơ ca ngợi:

"Lòng sáng như băng trời đất biết

Nỗi niềm thành kính quỷ thần hay

Ðế Bà hương lửa nghìn thu ấy

Ðể giải hồn oan cõi thế này"


Từ bấy đến nay, khách thập phương tấp nập trẩy hội đền Bà Ðế. Người ta đến để xin tài, xin lộc và đặc biệt cùng bà giải mọi nỗi oan khuất mà mình gặp phải.

Bảo tàng Hải Phòng

Bảo tàng Hải Phòng nằm tại số 66 Điện Biên Phủ - Phường Minh Khai quận Hồng Bàng - Thành phố Hải Phòng. Bảo tàng Hải Phòng đựơc xây dựng năm 1919, đây là một công trình kiến trúc đẹp thiết kế theo kiểu Gotích.

Du khách đến tham quan Bảo tàng Hải Phòng không chỉ thưởng thức vẻ đẹp bên ngoài với những vòm mái, khung nhà... mà còn được chiêm ngưỡng những phòng trưng bày giới thiệu về thành phố Hải Phòng; Hải Phòng từ thời tiền sử đến chiến thắng Bạch Đằng năm 938; Hải Phòng từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV; Hải Phòng đô thị Cảng - Biển của cả nước (1874,1888,1930); phong trào yêu nước Cách Mạng ở Hải Phòng từ cuối thế kỷ 19 đến Cách Mạng tháng 8 năm 1945; Hải Phòng 30 năm kháng chiến chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam (1945-1975); Thành phố Hải Phòng trong thời kỳ thống nhất đất nước và đổi mới (1975 đến nay); bản sắc văn hoá truyền thống Hải Phòng; Hải Phòng trong lòng bạn bè năm châu.

Bảo tàng Hải Phòng còn là nơi trưng bày các đồ gốm, sứ cổ và hiện đại cùng với tranh, tượng cổ hoặc mới sáng tác có nhiều giá trị thẩm mỹ. Trong khuôn viên Bảo tàng còn trưng bày súng thần công, bia ký, máy bay MIC 17 và chiếc tàu rà phá thuỷ lôi của Hải Quân nhân dân Việt Nam. Đây là một trong những điểm tham quan thường được nhắc đến khách trong chuyến du lịch Hải Phòng của những du khách ưa thích khám phá lịch sử Hải Phòng.

Khu di tích Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Khu di tích Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được xây dựng tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Khu di tích gồm 9 điểm tham quan: Tháp bút Kình Thiên, đền thờ Trạng trình, Nhà trưng bày, phần mộ thân sinh Trạng trình, Am Bạch Vân, tượng Trạng trình, Hồ bán nguyệt, chùa Song Mai, Nhà Tổ của chùa có tượng thờ bà Minh Nguyệt, Bia và Quán Trung Tân. Tất cả rộng 4 ha từ Đền ra đến bờ sông Hàn.

Tháp bút kình thiên tương truyền là do học trò tạo dựng để ca ngợi tài năng của Trạng trình như trụ cột chống trời.

Ngôi Đền lập trên nền nhà cũ của Trạng trình từ 1765. Qua thời gian, chiến tranh, đền bị hủy hoại, đã nhiều lần xây lại, trùng tu, đến nay Đền có 3 gian tiền đường, 2 gian hậu cung.



Phía trước 2 bên Đền có 2 hồ tròn và vuông tượng trưng cho trời và đất. Trong Đền có thờ tượng Trạng trình với y phục triều chính. Bức hoành phi đại tự ở chính giữa có 4 chữ "An Nam lý học" từ câu "An Nam lý học hữu trình tuyền" có nghĩa là am hiểu về lý học ở nước An Nam có Trình tuyền hầu (tước vị của Nguyễn Bỉnh Khiêm), do Chu Sán, sứ giả nhà Thanh (Trung Quốc) đề tặng. Đặc biệt có một số câu đối nói rõ chính kiến của ông về thế sự và hậu thế ca ngợi công đức của ông.

Nhà trưng bày giới thiệu thân thế sự nghiệp, những đóng góp của ông trong văn chương, triết học, giáo huấn và sự tôn vinh của hậu thế. Đáng chú ý có cuốn Bạch vân thi tập.

Tượng đài Trạng trình cao 5,7m, nặng 8, 5 tấn bằng chất liệu đá Gra-nít đúc. Tượng trong tư thế ngồi, tay cầm sách trầm tư suy nghĩ về nhân tình thế thái. Y phục của tượng là y phục nhà nho sống giản dị gần dân. Hồ bán nguyệt rộng khoảng 1000m2. Phần mộ cụ thân sinh Trạng trình không xa Đền.

Ba công trình này mới được tạo dựng trong dịp kỷ niệm 415 năm ngày mất của Trạng trình. Chùa Song Mai, tương truyền là chùa mà Nguyễn Bỉnh Khiêm thường đến lễ và đã từng trả lời sứ giả Chúa Trịnh "Giữ chùa, thờ Phật thì được ăn oản" (ý nói không nên thoán đoạt ngôi Vua nhà Lê).

Bên cạnh chùa là nhà Tổ có tượng thờ bà Minh Nguyệt, vợ của Trạng trình, người Đồ Sơn, có công cùng danh nhân lập nên chùa này.

Am Bạch Vân: Sau khi làm quan trong triều được 8 năm, ông dâng sớ vạch tội 18 quan tham. Vua Mạc không nghe, ông bèn cáo quan về quê mở trường dạy học, bỏ tiền dựng Am Bạch Vân. Nhiều học giả xưa nay coi Am Bạch Vân là trường đại học tư thục lớn nhất và tiên tiến của đất nước đương thời.

Cuối cùng là Quán Trung Tân. Trung là ở giữa, Tân là bến. Bến Giữa ý muốn nói không tả, không hữu, hành sự phải cho đúng sẽ thành công. Bia đá cao 1,5m, nặng 4 tấn được trùng khắc hoàn thành ngày 21 - 12 - 2000 do Tổng cục Du lịch Việt Nam cung tiến. Nội dung bia giải thích chí trung là chí thiện, toát lên quan niệm sống chủ đạo của Trạng trình là "Thiện".

Rừng quốc gia Cát Bà.

Loại rừng nguyên sinh trên hải đảo (thuộc Hải Phòng). Cát Bà là tên lớn nhất trong hệ thống quần đảo bao gồm 366 hòn lớn nhỏ, (lập thành huyện đảo) cách thành phố Hải Phòng gần 70km, tiếp nối với các hòn đảo nằm trong vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Theo truyền thuyết địa phương thì tên Cát Bà còn được đọc tên Các Bà. Vì có một thời các bà, các chị ở đây đứng ra lo việc hậu cần cho các ông đánh giặc trên một hòn đảo lân cận. Đảo có tên là đảo các Ông. Như vậy, Cát Bà là đọc chệch của các Bà.

Trên đảo chính có thảm rừng nhiệt đới xanh tươi quanh năm. Đây là một khu rừng nguyên sinh và là một trong những khu vườn quốc gia lớn nhất đất nước. Diện tích quy hoạch bảo vệ là 15.200 ha, gồm 9.800 ha và 4.200 ha biển. Rừng Cát Bà được công nhận là vườn quốc gia từ ngày 23.05.1983.

Hệ động vật có tới 20 loài thú, 69 loài chim, 20 loài bò sát và lưỡng cư. Những loài thú hiếm là voọc đầu trắng sống ở vách núi đá cheo leo; khỉ lông vàng, sơn dương và nhiều loài chim đẹp như cao cát, bói cá, hút mật, đầu rìu. Ở Cát Bà cũng có chim yến và rùa biển được chăm sóc bảo tồn. Hệ thực vật trong bảng tạm kê có 495 chi, 149 họ, trong đó có 250 loài cây thuốc. Nhiều cây cần bảo tồn như chò chỉ, trai lý, lát hoa, kim giao và cọ Bắc Sơn.

Trên đảo có hệ sinh thái rừng ngập mặn, trên núi đá vôi có cả ao, hồ, suối ngầm, nước ngọt cùng suối nước khoáng có cả khả năng chữa trị bệnh, nhất là thấp khớp.

Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới: đó là công bố được đưa ra trong cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tổ chức tại Hà Nội hôm (17-3) vừa qua.

Tại cuộc họp, các nhà tổ chức cho biết: UNESCO đã chính thức công nhận quần đảo Cát Bà là khu dự trữ sinh quyển thế giới trong kỳ họp của hội đồng quốc tế về phối hợp chương trình con người và sinh quyển tổ chức tại Paris ngày 29-10-2004.

Với quyết định này, Việt Nam đã có 4 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận là: khu dự trữ sinh quyển ngập mặn Cần Giờ (TP.HCM), khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên, khu dự trữ sinh quyển vùng châu Thổ sông Hồng và khu dự trữ sinh quyển Cát Bà.

Việc quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, du lịch, thúc đẩy ngành nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản. Sự công nhận của UNESCO sẽ tạo điều kiện cho đảo Cát Bà (Hải Phòng) tham gia vào mạng lưới nghiên cứu khoa học, được quốc tế hỗ trợ công tác nghiên cứu môi trường và đa dạng sinh học.

Cho đến nay, UNESCO đã công nhận 459 khu dự trữ sinh quyển thuộc 97 nước.

Vịnh Lan Hạ

Vịnh ở phía Đông đảo Cát Bà, trông ra cửa Vạn, liền kề vịnh Hạ Long. Vịnh rộng trên 7000ha, trong đó có 5400ha là khu vực quản lý của Vườn Quốc gia Cát Bà.

Cảnh trí ở đây đẹp không kém gì vịnh Hạ Long, không những thế còn có những nét riêng độc đáo. Mật độ núi đá vôi ở đây khá dầy, còn rất hoang sơ, chia cắt mặt biển thành những áng, vịnh nhỏ. Nhiều áng, vịnh, hang động chưa được khám phá. Có tới hàng trăm ngọn núi với nhiều dáng vẻ tùy theo sự tưởng tượng của du khách như: Hòn Guốc (giống cái guốc), hòn Dơi (giống con dơi đang dang cánh)...

Khác với v��nh Hạ Long, vịnh Lan Hạ có 139 bãi cát nhỏ xinh, tinh khiết. Nhiều bãi cát xoải dài giữa hai khối núi đá, yên tĩnh không có sóng lớn, thực sự là những bãi tắm lý tưởng. Dưới làn nước trong xanh là những bãi san hô nhiều màu sắc như bãi Vạn Bội, Vạn Hà,... Du lịch lặn sẽ phát triển mạnh ở khu vực này...

Bằng thuyền nhỏ du khách có thể lách qua các khe núi du ngoạn trong áng, vịnh nhỏ thăm các hang động, nghỉ ngơi trên các bãi tắm giữa biển như áng Vẹm, hang Tùng Gấu, bãi Cát Dứa. Bãi Cát Dứa hiện nay có nuôi khỉ cho khách tham quan và có nhà nghỉ cho khách ngủ qua đêm. Đặc biệt du khách có thể tham quan các cơ sở nuôi ngọc trai đang phát triển ở đây.

Đặc sản ở đây là vẹm xanh, tu hài, cá giò, cua, ghẹ... Nhiều nhà bè nuôi cá trên vịnh vừa là nơi thăm quan vừa là nơi cung cấp cá, tôm tươi sống theo nhu cầu ẩm thực hàng ngày của khách.

Vịnh Lan Hạ nối liền vịnh Hạ Long, một kỳ quan thiên nhiên của thế giới và Việt Nam, với hàng ngàn đảo đá nổi giữa biển xanh, muôn hình, muôn vẻ. Có đảo hình cánh buồm, hình gà chọi, hình con rùa, hình ngọn tháp. Hạ Long có nghĩa là rồng xuống.

Dân chài ở Hạ Long kể rằng: Ngày xưa, một lần để giúp nhân dân bảo vệ đất nước, Trời đã sai Rồng mẹ cùng một đàn rồng con hạ giới. Rồng mẹ và rồng con bèn phun ra châu ngọc. Những châu ngọc ấy thoắt biến thành muôn đảo đá màu ngọc thạch ngăn không cho giặc ngoại xâm tiến vào Việt Nam. Giặc tan, mẹ con nhà Rồng không về trời nữa mà ở lại trần gian. Chỗ rồng mẹ xuống nước gọi là vịnh Hạ Long. Chỗ rồng con xuống nước gọi là vịnh Bái Tử Long. Chỗ đuôi rồng quẫy lên trắng xoá gọi là đảo Bạch Long Vĩ.

Nhìn từ xa, vịnh Hạ Long như được vây bọc bởi một bức trường thành, mặt nước yên tĩnh là nơi tránh bão tố rất tốt của tàu thuyền và cũng là nơi khai thác được nhiều hải sản quý hiếm như ngọc trai, tôm hùm,...

Ngoài ra còn có đảo Bồ Câu, đảo Chim, đảo Khỉ, đảo Cát, đảo Cam, cây Trúc mọc ngược.v.v...

Từ Cảng Hải Phòng hay từ Đồ Sơn đến vịnh Hạ Long, nếu đi tàu cao tốc chỉ mất 40 đến 45 phút.








Kinh nghiệm du lịch bụi Cần Giờ
Kinh nghiệm du lịch đảo Bình Ba
Kinh nghiệm du lịch Vũng Tàu 2013
Kinh nghiệm du lịch bụi Phú Quốc
Kinh nghiệm du lịch bụi Quy Nhơn
Kinh nghiệm du lịch bụi Vũng Tàu




(st)