Những cảnh đẹp ở Phú Thọ đậm chất làng quê Việt

Những cảnh đẹp ở Phú Thọ đậm chất làng quê Việt. Phú Thọ có hàng trăm lễ hội lớn nhỏ, trong đó có một lễ hội được nâng lên tầm quốc lễ là lễ giỗ các Vua Hùng vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm.

Địa điểm vui chơi
 


Đền Thượng.

Điểm viếng thăm đầu tiên là khu di tích đền Hùng tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì. Đền được xây vào thế kỷ 15, tương truyền là nơi người con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ lên làm vua lấy hiệu Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang.

Khu di tích đền Hùng là một quần thể kiến trúc gồm có đền Hạ và chùa, đền Giếng, đền Trung, đền Thượng và lăng vua Hùng. Đến đền Hùng, ngắm xem kiến trúc, thiết kế, nghệ thuật điêu khắc, bạn còn cảm nhận được vẻ đẹp của công trình hoành tráng ẩn mình dưới những cây cổ thụ to lớn hay tham quan bảo tàng Hùng Vương, nơi trưng bày nhiều hiện vật từ dựng nước… Đặc biệt, nếu có cơ hội và thời gian, bạn nên đến đền Hùng vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm để hòa mình vào những nghi thức, tinh thần hướng về cội nguồn của một lễ hội được nâng tầm quốc lễ.

Trái với vẻ thâm nghiêm của đền Hùng, đền Mẫu Âu Cơ mang nét thanh bình của một ngôi đến ẩn dưới một gốc đa cổ thụ, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác, sau lưng có sông Hồng uốn khúc.


 
Đầm Ao Châu.


 
Đồi cọ xã Hương Nha.

Bên cạnh các di tích, đền chùa, Phú Thọ cũng được thiên nhiên ưu đãi hàng lọat thắng cảnh tuyệt đẹp. Đầu tiên là Ao Giời, Suối Tiên, nằm trên Núi Nả thuộc xã Quân Khê, huyện Hạ Hòa.

Suối Tiên, dòng suối bắt nguồn từ núi Nả trông như dải lụa trắng bạc, vắt ngang sườn núi, nổi bật giữa màu xanh núi rừng và bầu trời. Chảy qua nhiều tầng, bậc, dòng chảy của suối tạo nên 14 con thác có độ cao khác nhau, trong đó có một số thác cao 20m, càng khiến quan cảnh hoang sơ, hùng vĩ. Cách Ao Giời – Suối Tiên khoảng 12km, đầm Ao Châu giống như đầu một con Trâu có hai sừng choãi ra hai phía sông Thao và sông Lô.


 


Xuân Sơn thơ mộng và thanh bình

Đến Xuân Sơn, bạn có thể chọn hòa mình vào thiên nhiên, tìm hiểu sự phát triển của các loại động thực vật quý hiếm, khám phá vẻ đẹp của các ngọn núi, mat-xa dưới những thác nước có độ cao trên 50m, trải nghiệm cảm giác phiêu lưu trong 16 hang động. Hay tham gia sinh hoạt thường ngày với người dân bản địa. Còn ở núi Thắm (núi Đầu Rồng), bạn sẽ có dịp dạo bộ quanh một cái ao nhỏ không bao giờ cạn nước trên đỉnh cũng như thu vào tầm mắt hàng trăm ngọn đồi thoai thoải nằm gần kề nhau, nhấp nhô như bát úp.

Ngoài ra, đến Phú Thọ, bạn còn có dịp tham gia hơn 20 lễ hội khác nhau như Hội Đền Hùng, Hội Phết - Hiền Quan, Hội bơi chải - Bạch Hạc, Hội Rước voi - Đào Xá, Hội rước Chúa Gái - Hy Cương, Hội ném còn của đồng bào Dân tộc Mường... hay hòa mình trong những điệu hát Ghẹo hát Ghẹo, hát Đối, hát Ví từ lâu đã nổi tiếng làm say đắm lòng người.


 


Yên Lập thanh bình trong nắng sớm.


 
Và thơ mộng trong hoàng hôn (Ảnh: Gió Tháng Mười).

Di chuyển

Phần di chuyển này chỉ tính từ điểm bắt đầu là Hà Nội. Các bạn ở các tỉnh khác cần tham khảo thông tin ở các bến xe hay đại lý vé máy bay của địa phương.

Bằng phương tiện công cộng

Bạn có thể mua vé xe tuyến Hà Nội – Phú Thọ tại bến xe Mỹ Đình hay liên hệ các hãng xe uy tín như Mạnh Nga, Hải Thường, Hiếu Nghĩa… Hay mua vé tàu lửa tại ga Hà Nội. Giá vé tùy thuộc vào loại ghế và chất lượng xe. Lưu ý tham khảo thời gian xuất bến, điểm đến để lên lịch trình trước khi đi. Ngoài ra, bạn có thể đi thuyền qua sông Hồng.

Bằng phương tiện cá nhân

Thành phố Việt Trì cách trung tâm thủ đô Hà Nội 80 km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km và nằm đối diện với huyện Ba Vì, Hà Nội nên bạn hoàn toàn có thể lên kế hoạch cho một chuyến phượt ngắn ngày (thăm vài điểm) hay dài ngày (tham quan tất cả các thắng cảnh của Phú Thọ).

 

 Vẻ đẹp đồi chè Thanh Sơn.

Đến vào thời gian nào?

Các lễ hội lớn nhỏ của Phú Thọ diễn ra rải rác suốt năm nên nếu muốn tham gia lễ hội nào, bạn chỉ cần lên lịch trình xuất phát vào ngày gần đó hay ngay ngày diễn ra lễ hội. Một lễ hội lớn mà bạn không nên bỏ qua ở Phú Thọ là lễ giỗ các vua hùng vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm.

Lưu trú

Khu vực trung tâm Phú Thọ gồm các tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Hùng Vương, Trần Phú ... Các bạn căn cứ vào đó để thuê khách sạn tiện cho việc di chuyển nhé:

Khách sạn, nhà nghỉ ở Phú Thọ có giá khá cao và luôn trong tình trạng cháy vé, bạn cần gọi điện đặt phòng trước khi đến. Một số khách sạn bạn có thể tham khảo giá như Bapaco, Khánh Linh, Sông Hương.

Đặc sản Phú Thọ

Đặc sản Phú Thọ gồm hồng Gia Thanh, hồng Hạc, bưởi Đoan Hùng, cọ Cẩm Khê, trám (đen, trắng, chè (trà), sắn (lá sắn non), cá Anh Vũ, cá Lăng, cá Cháy, bánh Hòn, bánh tai, xôi cọ và thịt chua.


 
Chiều trên sông Phú Thọ.


 
Một góc làng quê thanh bình.

Mang gì khi đến Phú Thọ?

Bất kỳ trang phục, giày dép bạn thích. Lưu ý khi tham quan, viếng các đền, chùa cần ăn bận kín đáo.

Mang theo vật dụng đi nắng nếu đến vào mùa nắng và dụng cụ đi mưa nếu đến vào mùa mưa.

Mang theo kem chống muỗi, thuốc trị côn trùng, thuốc trị các bệnh thông thường.

Mang theo lều, áo khoác nếu có ý định cắm trại.

Các cung đường thường gặp

Hà Nội – Phú Thọ - Hòa Bình

Hà Nội - Phú Thọ - Tuyên Quang

Hà Nội – Phú Thọ - Vĩnh Phúc

Hà Nội – Phú Thọ - Yên Bái

Hà Nội – Phú Thọ - Tuyên Quang – Yên Bái – Vĩnh Phúc



Phú Thọ là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm miền Bắc Việt Nam, là cửa ngõ nối liền giữa các tỉnh miền núi phía Tây Bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Với địa hình chuyển tiếp giữa đồng bằng, trung du và miền núi, Phú Thọ có địa hình rất đa dạng: có núi non hiểm trở, có đồi trung du san sát, có đồng bằng phì nhiêu nên có thể phát triển nhiều loại hình du lịch có sức hấp dẫn du khách như tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chữa bệnh, du lịch sinh thái tại các khu du lịch tự nhiên như Đầm Ao Châu (Hạ Hoà), Rừng Quốc gia Xuân Sơn (Thanh Sơn), mỏ nước khoáng nóng Thanh Thuỷ (huyện Thanh Thuỷ), Ao Giời – Suối Tiên (huyện Hạ Hoà), Bến Gót – Bạch Hạc (Việt Trì ),…

Phú Thọ còn có lịch sử lâu đời, được coi là mảnh đất phát tích của dân tộc Việt Nam . Theo truyền thuyết, đây là nơi các vua Hùng chọn làm đất đóng đô, đặt tên là kinh đô Văn Lang (kinh đô đầu tiên của dân tộc Việt Nam ). Khu di tích lịch sử Đền Hùng hiện nay là di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của quốc gia.

Qua các cuộc tìm kiếm, khai quật khảo cổ, các nhà khoa học còn tìm thấy Phú Thọ có rất nhiều hiện vật đồ đá, đồ đồng minh chứng thời kỳ các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Trong đó có các di chỉ nổi tiếng như: Gò Mun, Sơn Vi, Làng Cả, Phùng Nguyên... có niên đại cách đây từ 4 - 6 ngàn năm. Ngoài ra, Phú Thọ còn tồn tại rất nhiều các di tích, sự tích, truyện kể, truyền thuyết về đời sống sinh hoạt văn hoá, công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Qua các cuộc tìm kiếm, khai quật khảo cổ, các nhà khoa học còn tìm thấy Phú Thọ có rất nhiều hiện vật đồ đá, đồ đồng minh chứng thời kỳ các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Trong đó có các di chỉ nổi tiếng như: Gò Mun, Sơn Vi, Làng Cả, Phùng Nguyên... có niên đại cách đây từ 4 - 6 ngàn năm. Ngoài ra, Phú Thọ còn tồn tại rất nhiều các di tích, sự tích, truyện kể, truyền thuyết về đời sống sinh hoạt văn hoá, công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Các lễ hội diễn ra trên quê hương Phú Thọ cũng rất đa dạng, phong phú, mang nét văn hoá đặc sắc của những bản làng, trên 20 dân tộc sinh sống tại Phú Thọ như: Hội Đền Hùng, Hội Phết - Hiền Quan, Hội bơi chải - Bạch Hạc, Hội Rước voi - Đào Xá, Hội rước Chúa Gái - Hy Cương, Hội ném còn của đồng bào Dân tộc Mường... Qua thống kê cho thấy, Phú Thọ đâu đâu cũng có những ngày lễ hội. Phú Thọ còn có các kho tàng thơ, ca, hò, vè rất đặc sắc, những làn điệu hát Xoan, hát Ghẹo, hát Đối, hát Ví mang âm hưởng của miền quê trung du rõ nét, từ lâu đã nổi tiếng và làm say đắm lòng người.

Lễ hội Đền Hùng - Phú Thọ

Ao Giời, Suối Tiên

Ao Giời - Suối Tiên nằm trên Núi Nả thuộc xã Quân Khê - huyện Hạ Hoà, cách thành phố Việt Trì 80 km về phía Tây Bắc, cách Ao Châu 15 km, có ưu thế là liền kề với hệ thống đường bộ, đường thuỷ, đường sắt.



Đường tới Ao Giời - Suối Tiên hai bên có hàng trăm đỉnh núi lớn, nhỏ có độ cao trung bình từ 500-600 m so với mặt biển. Với đỉnh cao 1.200m, núi Nả cao vượt lên sừng sững, trông thật hùng vĩ như điểm tựa của miền thượng vùng trung du rộng lớn, được phủ một màu xanh dày đặc của các loài cây nhiệt đới, chen chúc nhau tầng tầng, lớp lớp với  khá nhiều loài cây quí hiếm như đinh, lim, gụ, vàng tâm... Trong rừng còn có các bầy khỉ, nai, hoẵng, lợn rừng, cầy hương...



Suối Tiên bắt nguồn từ trên núi Nả, chảy qua các khe đá, hình thành dải lụa trắng bạc, vắt ngang sườn núi, nổi bật giữa màu xanh mượt mà của núi rừng, lẫn vào màu xanh của mây trời, làm cho cảnh trí càng sinh động, kỳ ảo, cảnh tượng vừa gần gũi, vừa sâu thẳm, vừa rõ ràng, vừa huyền bí thơ mộng làm xao xuyến lòng người. Với chiều dài hơn 10 km, lòng suối dày kín lớp sỏi đá và cát vàng làm cho nước suối được thanh lọc tinh khiết, trong vắt, lấp lánh ánh mặt trời phản chiếu. Đầu nguồn của con suối có Giếng Tiên, diện tích chừng 40m2, sâu đến hơn 10m. Từ đáy giếng, dòng nước phun lên mát lạnh, ngọt ngào tạo thành Suối Tiên. Suối Tiên quanh co chảy qua nhiều tầng, bậc tạo nên nhiều thác nước thẳng đứng. Suốt chiều dài con suối có tới 14 thác nước, trong đó có một số thác cao 20m, tựa những tấm màn the trắng xoá, che các hang, hốc đá phía trong. Dưới chân các thác nước cao là những phiến đá khổng lồ, trải qua thời gian dài bị xói mòn, đã thành những chiếc ao nhỏ mà đáy ao là cả một phiến đá, làm nên vẻ đẹp riêng có ở nơi đây. Theo truyền thuyết: "xưa kia chỉ có Giếng Tiên, hàng ngày có các nàng tiên thường tới đây tắm mát, Ngọc Hoàng đã cho nước giếng dâng lên tạo thành các thác nước đổ xuống, lâu dần tạo thêm các ao. Ai được tắm ở Ao Giời - Suối Tiên trong 3 năm sẽ có làn da trắng mịn như ngọc, khuôn mặt sáng đẹp như trăng rằm, tâm hồn thư thái, sáng láng". Có lẽ, chính vì vậy Suối Tiên có sức hấp dẫn lạ kỳ, nhất là vào các ngày hè nóng nực, thường có hàng trăm lượt người đến đây tắm mát, nghỉ ngơi, vãn cảnh.

Ao Giời - Suối Tiên còn nguyên dạng hoang sơ, có tiềm năng du lịch dồi dào, có thể phát triển các loại hình leo núi, cắm trại, nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học...
 

Đầm Ao Châu

Đầm Ao Châu nằm trên địa bàn thị trấn Hạ Hòa, xã Ấm Hạ, xã Y Sơn và xã Phụ Khánh thuộc huyện Hạ Hòa; cách thành phố Việt Trì 65 km về phía Tây Bắc, cách Hà Nội 150 km.

Đầm Ao Châu có diện tích khoảng 300 ha mặt nước, trên diện tích khoảng 1.500 ha, xung quanh có thảm thực vật phong phú nằm trên các đồi, núi có độ cao từ 60 m đến 700 m, điển hình như Núi Ông, Núi Vần, Núi Buộm.... Nhiều đồi, núi còn tồn tại nhiều thảm thực vật tự nhiên, nhưng chủ yếu vẫn là lau, sậy, nứa, chè và các bụi cây thấp. Một số đồi được phủ bởi bạch đàn, bồ đề, thông. Sườn đồi, sườn núi thường là các nương bậc thang, bên dưới là ruộng ôm lấy chân đồi hình thành các thửa ruộng bậc thang lượn sóng, xa xa là các ruộng rộng và bằng phẳng. Với địa hình như vậy đã tạo cho Ao Châu hình thành hàng trăm ngách nước, luồn lách giữa các khu vực đồi núi làm cho cảnh trí sơn thuỷ hùng vĩ, còn mang đậm nét nguyên sơ, thuần khiết của tạo hoá. Mực nước trong hồ có độ sâu trung bình là 5,5m, nhiều nơi sâu trên 30m. Điều đặc biệt là quanh năm nước ở Ao Châu không bị cạn, mặt nước trong xanh không bị ô nhiễm, có nhiều thuỷ tộc sinh sống, trong đó có loại quý hiếm như rùa vàng, ba ba, dải... Trong hồ có rất nhiều đảo lớn nhỏ, lâu nay đã được nhân dân trong vùng trồng các loại cây ăn quả như vải, nhãn, mít, bưởi... đã khiến Ao Châu như một Hạ Long thu nhỏ.



Nằm giữa một vùng đồi thấp, đầm Ao Châu có hình dáng khá đặc biệt. Nhìn trên bản đồ, đầm giống như đầu một con Trâu có hai sừng choãi ra hai phía sông Thao và sông Lô. Đầm Ao Châu có 99 ngách, đan cài vào các đồi, núi, thu nước của 99 con suối nhỏ đổ về. Phía Đông Nam Ao Châu thông với Sông Thao bằng ngòi Lửa Việt.

Với diện tích mặt nước khoảng 300 ha, mặt đầm trải ra mênh mông, phẳng lặng. Nước đầm rất sạch và trong xanh, xung quanh đầm là những đồi cây trái xum xuê đua nhau soi bóng xuống mặt nước. Tất cả tạo nên một khung cảnh êm đềm, thơ mộng hiếm có ở vùng đồi trung du.


Nằm ở huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Phú Thọ, khí hậu của Ao Châu mang tính chất của khí hậu miền núi Tây Bắc bộ, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 230c. Tháng lạnh nhất là tháng 1, nhiệt độ khoảng 150c và tháng nóng nhất là tháng 6, nhiệt độ trung bình khoảng trên 280c, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.850mm. Nhìn chung khí hậu khu vực Ao Châu mát mẻ, dễ chịu, không xảy ra hiện tượng nhiệt độ quá thấp trong mùa đông hay thời tiết khô nóng gay gắt trong mùa hè như ở các vùng khác. Không khí trong lành thích hợp cho việc du lịch nghỉ dưỡng.

Cùng với địa hình, khí hậu, thuỷ văn; thảm thực vật ở Ao Châu góp phần tạo nên phong cảnh sơn thuỷ hữu tình. Mỗi loại thảm thực vật ở Ao Châu lại tạo nên phong cảnh với nét đặt trưng riêng, hết sức độc đáo như: phong cảnh làng quê Việt nam, thảm thực vật trên núi đá vôi, các quần xã thuỷ sinh... . Chính vì những nét đẹp đó, Ao Châu có điều kiện thuận lợi để phát triển thành khu du lịch sinh thái có khả năng hấp dẫn nhiều đối tượng du khách với các loại hình du lịch chủ yếu như: Nghỉ dưỡng, bơi thuyền, câu cá, leo núi, hái lượm,....
 

Vườn Quốc Gia Xuân Sơn


Vườn quốc gia Xuân Sơn thuộc địa bàn xã Xuân Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Vị trí vườn nằm ở đúng điểm cuối của dãy Hoàng Liên Sơn, cửa ngõ của vùng Tây Bắc Bộ. Được coi là tiềm năng du lịch tự nhiên nổi trội nhất của Phú Thọ, Vườn quốc gia Xuân Sơn xứng đáng là một trong những di sản thiên nhiên đặc sắc của Quốc gia. Vẻ đẹp hoang sơ cùng với những nỗ lực tuyệt vời của con người trong việc giữ gìn nơi đây đã tạo nên một bức tranh lôi cuốn ít nơi nào sánh kịp dành cho những du khách thích khám phá vẻ đẹp tự nhiên.

Vườn quốc gia Xuân Sơn có tổng diện tích 15.048 ha, vùng đệm 18.639 ha, trong đó khu bảo vệ nghiêm ngặt là 9.099 ha. Điểm đặc trưng của Xuân Sơn là vườn quốc gia duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi (2.432 ha). Xuân Sơn được đánh giá là rừng có đa dạng sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao, đa dạng địa hình kiến tạo nên đa dạng cảnh quan.

Theo thống kê bước đầu, Vườn quốc gia Xuân Sơn có 726 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 475 chi và 134 họ trong đó có 52 loài thuộc ngành quyết và ngành hạt trần. Nằm trong khu vực giao tiếp của hai luồng thực vật Mã Lai và Hoa Nam, hệ thực vật ở Xuân Sơn có các loài re, dẻ, sồi và mộc lan chiếm ưu thế. Ngoài ra, ở Xuân Sơn còn có các loài tiêu biểu cho khu vực Tây Bắc như táu muối, táu lá duối, sao mặt quỷ và chò chỉ, chò vảy, nghiến, dồi, vầu đắng, kim giao (rừng chò chỉ ở Xuân Sơn là một trong những rừng chò chỉ đẹp và giàu nhất miền Bắc). Xuân Sơn còn là kho giống bản địa, kho cây thuốc khổng lồ, đặc biệt là cây rau đắng mọc tự nhiên có mật độ cao nhất miền Bắc.


Tại đây hiện có 365 loài động vật, trong đó có 46 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam và 18 loài ghi trong sách đỏ Thế giới. Ngoài các loài đặc trưng cho khu hệ động vật Tây Bắc như Voọc xám, vượn chó, cày bạc má, sóc bụng đỏ đuôi trắng, gấu, báo,... về chim có gà lôi, gà tiền, đại bàng đất,... riêng sơn dương có nhiều nhất toàn quốc. Ở vườn quốc gia Xuân Sơn còn có một số loài động vật mang yếu tố Ấn Độ - Mã Lai và yếu tố Hoa Nam, là vùng phân bố Hổ trong bản đồ Việt Nam. Đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa Vườn quốc gia Xuân Sơn và các vườn quốc gia và khu bảo tồn khác ở miền Bắc.

Ngoài sức hấp dẫn của hệ động thực vật phong phú, Xuân Sơn còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Tại đây có ba đỉnh núi cao trên 1.000m là: núi Voi, núi Ten và núi Cẩn với hàng trăm hang động; sông suối như suối Lấp, suối Thang; các thác nước, nhiều thác có độ cao trên 50m, che phủ những hang, hốc đá, hoà quyện màu thác bạc với màu xanh của rừng già làm cho phong cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.

Vườn quốc gia thiên nhiên Xuân Sơn có tới 16 hang động đá vôi có kích thước lớn, do quá trình phong hoá, thuỷ hoá tạo thành; thạch nhũ đẹp, đa dạng, tạo nên muôn hình vạn trạng; nhiều hang có suối chảy qua lại càng thêm vẻ đẹp hữu tình, kỳ vĩ dọc theo con đường mòn từ xóm Lạng tới xóm Lấp, xóm Còi. Trong đó, hang dài nhất là hang Lạng có chiều dài trên 6.000m, lòng hang rộng, thoáng; có nơi cao tới 20m, có sức chứa vài trăm người. Mỗi hang động đều gắn với những truyền thuyết, sự tích ly kỳ từ ngàn đời của đồng bào các dân tộc kể lại. Chạy dọc đáy hang là một con suối lớn với nhiều loại cá nước ngọt lớn và quý.



Cộng đồng dân cư ở Xuân Sơn có gần 30 ngàn người, sinh sống thành các cụm bản rải rác, bao gồm các dân tộc Mường, Dao. Do giao thông đi lại khó khăn, các dân tộc ở đây vẫn giữ được nét nguyên sơ, độc đáo với lối sống đậm nét văn hoá cổ truyền, chưa bị pha tạp.

Một ngày ở Xuân Sơn khí hậu thay đổi 4 mùa: buổi sáng mát mẻ, trong lành như mùa xuân; buổi trưa ấm áp như mùa hè; buổi chiều hiu hiu như mùa thu; buổi tối trời se lạnh. Nhìn chung, không khí ở Xuân Sơn quanh năm trong lành, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông.

Với tiềm năng to lớn kể trên, Xuân Sơn có thể phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn các đối tượng du khách như: nghỉ dưỡng, tham quan, nghiên cứu, leo núi, thám hiểm hang động, tìm hiểu văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số,.....
 

Đền Mẫu Âu Cơ


Đền Mẫu Âu Cơ được lập nên và thờ tự tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ - mảnh đất địa đầu phía Tây Bắc huyện Hạ Hoà. Nơi đây có núi non trùng điệp, có đầm nước mênh mông và một dải đồng bằng ven sông màu mỡ. Tương truyền rằng, mẹ Âu Cơ sau khi để lại người con cả trên núi Nghĩa Lĩnh đã đưa 49 người con lên núi mở đất sinh cơ lập nghiệp. Khi đến Hiền Lương đã dừng lại khai khẩn đất đai, lập làng xóm đông vui, trù phú. Một ngày kia, mẹ Âu Cơ theo đám mây ngũ sắc hoá về trời, để dưới gốc đa một dải yếm hoa. Nhân dân Hiền Lương đã lập đền thờ dưới gốc đa ấy để tưởng nhớ công ơn của Tổ Mẫu, đó chính là đền Hiền Lương hay còn gọi là đền Mẫu Âu Cơ ngày nay.



Đền Mẫu Âu Cơ được xây dựng thời Hậu Lê trên một khoảng đất rộng giữa cánh đồng. Đền nằm ẩn dưới một gốc đa cổ thụ, mặt quay về hướng chính Nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư, sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc, xung quanh đền có cây cối xum xuê, bốn mùa hương đưa ngan ngát khiến cho lòng người cảm thấy lâng lâng, thư thái đến lạ lùng. Kiến trúc đền Mẫu Âu Cơ tuy không đồ sộ (gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung) nhưng có những bức chạm gỗ quý giá được coi là những tiêu bản của nền nghệ thuật đương đại. Trong đền còn bảo lưu được một hệ thống các di vật cổ có giá trị thẩm mỹ cao như tượng Âu Cơ, tượng Đức Ông, Long Ngai, khám thờ.... được đục chảm tỉ mỉ và tinh tế.



Tượng Mẫu Âu Cơ cao 0,85m được đặt trong một khám thờ lồng kính 3 mặt, xung quanh cửa khám chạm thủng nhiều lớp theo đề tài tứ quý: tùng, cúc, trúc, mai rất đẹp mắt và mềm mại. Khám thờ được đặt trên thượng cung thờ cao 2,2m rất bề thế ở gian trong cùng của ngôi đền. Tượng Mẫu Âu Cơ ngồi uy nghi trên ngai, mình mặc áo đỏ yếm trắng, đầu đội mũ lấp lánh kim cương, cổ đeo vòng vàng, tay cầm viên ngọc, tay kia đặt lên gối thư thái. Đây là pho tượng được tạo tác vào thời Lê, có giá trị về nghệ thuật tạo hình và thẩm mỹ.

Có thể nói, đền Mẫu Âu Cơ là di tích thờ Quốc Mẫu quan trọng trong hệ thống di tích lịch sử văn hoá của tỉnh Phú Thọ. Hàng năm thu hút được đông đảo nhân dân và du khách thập phương về tham quan, tế lễ, nhất là vào dịp lễ hội chính (ngày 7 tháng Giêng).
 

Đặc sắc nghệ thuật Hát Ghẹo Phú Thọ


Cũng không giống với hát Bá Trạo Quảng Bình hay hát chầu văn, hát Ghẹo là kiểu hát đối đáp, giao duyên nam nữ, nhưng là kiểu hát giao duyên theo phong tục “nước nghĩa” giữa trai gái Việt và Mường.

Đây là sản phẩm văn hoá và giá trị tinh thần của chung hai dân tộc Việt - Mường duy nhất chỉ thấy ở Phú Thọ. Với cách xưng hô trang trọng, những ông già, bà già trong dịp tế lễ được gọi là, "quan trùm", "bà trùm", các anh, các chị được gọi là "quan anh", quan chị. Hai bên nước nghĩa đều dùng cách xưng hô trang trọng này không phân biệt chủ khách. Những bộ áo the, quần trắng, khǎn xếp đội đầu đẹp nhất dành cho ngày hội là trang phục của các quan anh và áo nǎm thân, áo cánh trắng, quần lụa sồi, yếm điều, thắt lưng bao các mầu, xà tích đeo, khǎn mỏ quạ chít đầu là trang phục của các quan chị.



Về cách hát Ghẹo: Hát Ghẹo nói chung và hát Ghẹo ở Phú Thọ nói riêng, cách hát không khó nhưng đòi hỏi người hát phải luyến láy đúng giọng điệu nên không tập thì khó có thể vào nhịp được. Trong ngày hội hát Ghẹo, người ta quy định cụ thể về cách ứng xử, ăn mặc, giọng hát, thể lệ và nơi chốn được tiến hành. Những người già nếu là ông trong hát ghẹo gọi là “quan trùm”, còn bà thì gọi là “bà trùm”, các anh, các chị được gọi là “quan anh”, “quan chị” cách xưng hô đó rất trang trọng. Hai bên nước nghĩa đều dùng cách xưng hô trang trọng này, không phân biệt chủ khách. Trang phục của các quan anh là những bộ áo the, quần trắng, khăn xếp đội dầu, quan chị là những chiếc áo năm thân, áo cánh trắng, quần lụa sồi, yếm điều, thắt lưng bao mầu, xà tích đeo, khăn mỏ quạ chít đầu. Khách ngồi trên sập, trên giường giữa nhà thường là các quan trùm, quan anh. Các bà trùm và quan chị thường trải chiếu ngồi trên dãy giường của gian bên.

Ứng xử trong hát Ghẹo: Mối quan hệ giữa các làng hát Ghẹo là một biểu hiện của nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Đến nay dù rằng các làng này không còn duy trì hát Ghẹo nữa, nhưng họ vẫn coi nhau là anh em. Đó là nét đẹp ứng xử của liền anh, liền chị, nó được biểu hiện qua lời ca hát Ghẹo. Không bài nào, câu ca nào có từ ngữ xuồng sã, mặc dù là đối đáp trong hát Ghẹo mang tính chất tinh nghịch, trêu đùa.

Ngoài ra, nét đẹp văn hóa trong hát Ghẹo còn được biểu hiện ở trang phục quần áo: Nam mặc quần trắng, áo the, khăn xếp; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm điều, thắt lưng bao các màu, đeo xà tích, quần lụa sồi. Cũng như đào, kép phường Xoan hay liền anh, liền chị Quan họ, quan anh, quan chị hát Ghẹo rất coi trọng việc mặc khi đi hát. Việc mặc đẹp khi hát là để tôn trọng, phải phép với bạn hát.

Lời ca trong hát Ghẹo:
Sinh hoạt văn hóa hát Ghẹo không gắn với tín ngưỡng, không gắn với lễ nghi hội làng, nhưng nó lại là một bộ phận của hội làng. Cuộc hát Ghẹo được tiến hành sau các lễ nghi cầu cúng, tế lễ của hội làng. Nội dung lời ca hát Ghẹo cũng phản ánh về hội làng, thậm chí phản ánh cả việc quan anh, quan chị tham gia vào tế lễ, cầu cúng. Ngoài ra hát Ghẹo còn phản ánh nhiều vấn đề trong cộng đồng làng xã, nhưng khác hẳn với những sinh hoạt ca hát dân gian khác, nó chỉ xoay quanh chủ đề tình yêu, chỉ mượn những vấn đề xã hội mà bộc lộ tình cảm lứa đôi mà thôi. Đó là sự phản ánh tập tục, lệ làng trong việc cưới xin; phản ánh nỗi cực nhọc của những chàng trai phải đi đến miền biên ải xa xôi, phục vụ cho dân, cho nước thì ít, phục dịch cho bọn quan lại thì nhiều.

Ngoài các bài có nội dung lời ca phản ánh về một số vấn đề xã hội, hầu hết các bài bản, làn điệu trong hát Ghẹo có lời ca bày tỏ các trạng thái tình cảm rất đa dạng: vui, buồn, hờn, giận. Đó là nỗi buồn nhớ thương nhau, da diết mà đằm thắm, đó là tình cảm giận, hờn rất chân thành mà giản dị của quan anh quan chị.

Hôm nay em trở lại nhà, Lòng em thương nhớ biết là làm sao, Biết là tin tức thế nào, Biết là mận có chờ đào hay không…Vì đào nên mận long đong, Xin đào chớ ở ra lòng Bắc Nam…

Cấu trúc lời ca hát Ghẹo là những thể thơ 4 chữ, thơ lục bát, thất ngôn, thơ tự do… Thơ văn hát Ghẹo chủ yếu là thơ văn dân gian, thơ văn bác học cũng có nhưng không nhiều, một vài bài có sử dụng từ Hán Việt.

Âm nhạc trong hát Ghẹo:
Thang âm điệu thức chủ yếu gồm 5 âm không có bán âm. Ở chặng đầu cuộc hát Ghẹo là những câu Ví mời trầu, âm điệu câu hát chỉ có 3 âm: Rề - La – Si

Chặng thứ hai Giọng sổng, thang 4 âm: Rề - Son - La - Đô. Chặng Sang giọng không có lề lối, quan anh (quan chị) có thể hát bất kỳ bài nào, nhưng phải hát đối lại một bài giống về làn điệu và có thể đối lời hoặc không đối lời, nhưng đối lời vẫn là chủ yếu. Ví dụ một bên hát bài Trồng cây chuối hột bên đối lại Trồng cây quýt ngọt. Hoặc một bên hát bài Hoa thơm bên kia cũng hát bài Hoa thơm, âm nhạc giống nhau nhưng lời ca đối nhau.

Thang âm - điệu thức của những bài bản, làn điệu hát Ghẹo có 5 loại: Loại thứ nhất, gồm một số bài Trồng chuối, Con sáo sang sông, Duyên phận phải chiều. Có cấu trúc (ghi theo lối 5 dòng kẻ) là: Đồ - rê - mi - sol – la; Loại thứ hai, các bài Hoa thơm, Thuyền ai róc rách, có cấu trúc thang âm: Đồ - rê - fa - sol – sib; Loại thứ ba, các bài Duyên phận phải chiều, con sáo sang sông, thang âm là: Đồ - rê - fa - sol – la; Loại thứ tư, các bài Bắt ốc, Làm dàn, Cảnh sơn trang, cấu trúc thang âm: Đồ - mib - fa - sol – sib; Loại thứ 5 ở bài Sai ngoài câu mở đầu gồm 7 nhịp có thang âm: Đồ - rê - fa - sol - la, từ nhịp thứ 8 đến nhịp 29 (hết bài) có cấu trúc thang âm: Đồ - mib - fa - sol - la.

Nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian, âm nhạc dân gian đã cho biết hát Xoan là sinh hoạt văn hóa âm nhạc cổ nhất của người Việt. Vùng hát Ghẹo cách các làng gốc hát Xoan (trung tâm của nhà nước Văn Lang) khoảng 30km. Sinh hoạt hát Xoan và sinh hoạt hát Ghẹo có nhiều điểm tương đồng: tục kết nghĩa, cách xưng hô, ứng xử, nội dung lời ca, tính chất âm nhạc... do đó có thể sinh hoạt hát Ghẹo là sự tiếp nhận và biến đổi của sinh hoạt hát Xoan. Không những có những điểm tương đồng với hát Xoan, trong diễn trình lịch sử, sinh hoạt hát Ghẹo còn có những giao lưu văn hóa, âm nhạc với nhiều vùng miền khác ở nước ta. Chính vì thế âm nhạc hát Ghẹo đã có những vận động biến đổi theo hướng có thêm âm mới đồng thời còn có cả chất liệu của Chầu văn, của hát Chèo, của các điệu Lý..., ví dụ: bài Bà rí có âm hưởng Chầu văn, Duyên phận phải chiều gần với làn điệu Chèo, Lý giao duyên, Lý Sài Gòn ngay tên gọi cũng như tính chất âm nhạc giống với các điệu lý miền Nam. Do đó một số bài hát Ghẹo, thang âm - điệu thức, không chỉ có 5 âm mà còn có 6 âm, có quãng bán âm: Mắc phải nhện vương, Lúa chín, Năm thương... Những bài này có lẽ mới được cấy ghép vào hát Ghẹo. Trong giao lưu văn hóa có sự tác động qua lại, tuy nhiên khi tìm hiểu kỹ càng, sâu sắc, âm nhạc hát Ghẹo có những tính chất riêng biệt, độc đáo không chỉ qua thang âm điệu thức mà còn được thể hiện ở lối phổ thơ, ở giai điệu...

Lối phổ thơ trong hát Ghẹo: đơn giản, xuôi chiều theo câu thơ, thường nhắc lại những từ cuối của câu thơ:

Ví dụ: Thuyền ai róc rách bên ngòi, mà bên ngòi

Hay: Chuồn chuồn mắc phải nhện vương, vương mà nhện vương...

Những hư từ như a, à, í, i..., những chữ đệm lót: rằng a, ứ hự, ơi hỡi, a la tang tình tang… được chen, được thêm vào những câu thơ rất hợp lý, khéo léo làm cho câu thơ biến hóa theo nét giai điệu rất hay mà lạ.

Về Cấu trúc (khúc thức) trong âm nhạc hát Ghẹo, do âm nhạc luôn bám sát theo thể thơ, câu thơ nên có mấy dạng sau đây: 1) Dạng đoạn nhạc ngâm ngợi tự do: ở những câu hát trong Ví mời trầu, Ví tiễn chân, Giọng sổng, không có nhịp, phách rõ ràng. 2) Dạng đoạn nhạc gồm các câu theo chu kỳ: Cấu trúc câu không tạo cảm giác dứt điểm, nó nối tiếp nhau liên tiếp, khổ câu gần bằng nhau, chất liệu câu sau gần giống câu trước, không xuất hiện chất liệu mới. Ví dụ bài Bà rí. 3) Dạng đoạn nhạc biến tấu: Mỗi câu nhạc gồm 2 câu thơ 4 chữ tương ứng với 2 tiết nhạc, tiết thứ 2 thường nhắc lại gần giống tiết thứ nhất. Các câu trong đoạn có cấu trúc: A-A1-A2…(Bắt ốc, Cái ruộng năm sào). 4) Dạng đoạn nhạc có kết bổ sung: là sự nhắc lại có biến đổi phần đuôi của câu kết nhằm khẳng định sự kết của đoạn nhạc (Thuyền ai róc rách).

Cấu trúc của các đoạn nhạc trong hát Ghẹo không giống với cấu trúc đoạn nhạc cân phương trong âm nhạc chủ điệu phương Tây, nốt kết ở nhiều bài cũng không theo công năng giữa át và chủ, nó mang một đặc trưng riêng.

Loại nhịp và tiết tấu: Loại nhịp trong hát Ghẹo chủ yếu là 2/4, một vài bài có sử dụng nhịp biến đổi 2/4; 3/4 (Cảnh sơn trang, Mắc phải nhện vương); 2/8; 3/8 (Trèo lên quán dốc)

Với đặc điểm là lối hát đối đáp giao duyên trữ tình, khi thì ngâm ngợi, khi thì thủ thỉ, âm hình tiết tấu trong âm nhạc hát Ghẹo thường bình ổn, đồng nhất, tốc độ chậm rãi, dàn trải. Có những bài ảnh hưởng của một số lối hát khác nên đã có nhịp điệu tiết tấu sôi nổi, vui tươi, dí dỏm: Duyên phận phải chiều, Bà rí…

Giai điệu hát Ghẹo mang tính thẩm mỹ riêng, nó tinh tế, uyển chuyển khi thể hiện những cảm xúc trữ tình, sự sâu lắng của tâm hồn. Thuộc loại giao duyên cổ, trong cái tinh tế, uyển chuyển của giai điệu, hát Ghẹo vẫn có cái chân chất, mộc mạc thể hiện qua đường nét giai điệu, cách luyến láy và sử dụng những hư từ, những tiếng đệm lót, đệm nghĩa… Lối tiến hành phát triển giai điệu ở những câu Ví, Giọng sổng theo hình thức đơn nhất, lặp lại những nét giai điệu ban đầu, ít có sự phân hóa về tầm âm. Hình thức biến tấu từ một câu nhạc, đổi dạng ở các câu tiếp theo cũng là một nét đặc trưng trong giai điệu hát Ghẹo (Bà rí, Bắt ốc, Cái ruộng năm sào…). Các thủ pháp phát triển giai điệu như mô tiến, mô phỏng cũng có trong tiến hành giai điệu hát Ghẹo





Những cảnh đẹp ở Biên Hòa - Đồng Nai lý tưởng cho bộ ảnh cưới
Những cảnh đẹp ở Bình Thuận đẹp mê mẩn
Những cảnh đẹp ở Anh Quốc đẹp mê mẩn
Những cảnh đẹp ở biển Nha Trang khiến du khách không thể rời mắt
Những cảnh đẹp ở đảo Bali mê mẩn du khách
Những cảnh đẹp ở Bình Định du khách hay lui tới nhất




(st)