1. Bạn hãy cho biết tại sao Bạn theo nghề kế toán?
2. Bạn hiểu mục đích của công việc kế toán là thế nào?
3. Bạn có những tố chất nào phù hợp với công việc kế toán?
4. Nghề kế toán có những điểm nào làm cho Bạn thích và Bạn không hài lòng?
5. Bạn sẽ theo nghiệp kế toán bao lâu?
6. Nghề kế toán có điều gì giúp Bạn trong cuộc sống không?
7. Bạn là Sinh viên kế toán mới ra trường, Bạn làm thế nào để thuyết phục Chúng tôi là Bạn ó thể làm tốt công việc đó?
8. Bạn là kế toán mới ra trường, lý
thuyết đối với Bạn vẫn còn nóng hổi, vậy Bạn hãy nói về lý thuyết cho
công việc bạn dự tuyển?
9. Bạn hãy cho chúng tôi biết tầm quan trọng của công tác kế toán?
10. Bạn hãy cho chúng tôi biết vai trò và chức năng của công tác kế toán?
11. Bạn dụ tuyển vào vị trí kế toán
trưởng vậy Bạn có biết soạn thảo quy chế kế toán không ? Mục đich của
quy chế này là gì ? Có cần thiết để có quy chế không?
12. Những tố chất nào mà người kế toán cần phải có? Để làm gì?
13. Bạn đã có kinh nghiệm về kế toán, vậy những kinh nghiệm đó thuộc phần hành nào?
14. Nếu số liệu do Bạn làm sai có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh lời, lỗ của Công ty thì Bạn chịu trách nhiệm như thế nào?
15. Bạn là kế toán kho, vậy nếu số liệu của Bạn không trùng khớp với số liệu của thủ kho thì bạn sẽ xử lý như thế nào?
16. Bạn là kế toán tiền mặt, vậy nếu số liệu của Bạn không trùng khớp với số liệu của thủ quỹ thì bạn sẽ xử lý như thế nào?
17. Bạn là Kế toán thuế, nếu Bạn làm sai kéo theo việc Công ty phải đóng thuế GTGT của tháng đó thì bạn sẽ xử lý thế nào?
18. Bạn dự tuyển vào vị trí kế toán bán
hàng, vậy theo nghiệp vụ kế toán Bạn biết làm những gì ? bạn cần loại
chứng từ, hóa đơn nào, các tài khoản nào Bạn cần phải sử dụng thường
xuyên (Tương tự như câu hỏi này dành cho kế toán kho, kế toán thuế, kế
toán thu, chi, kế toán công nợ ..v . .v. .)
19. Bạn có quyền hạn gì trong công viêc của mình?
20. Bạn có trách nhiệm gì trong công việc của mình? Trách nhiệm đó thể hiện như thế nào?
21. Điều gì quan trọng nhất khi làm công việc kế toán?
22. Điều gì quan trọng nhất đối với người làm kế toán?
23. Khả nằng ứng dụng vi tính vào công việc kế toán của Bạn được bao nhiêu %? (Hoặc ở mức độ nào ?) bạn hãy kể ra?
24. Bạn có tự tin vào năng lực ứng dụng vi tính của mình không, nếu chúng tôi kiểm tra năng lực đó bằng thực tế ngay bây giờ?
25. Hiện nay việc ứng dụng phần mếm kế
toán vào trong công việc đã được rộng rãi, theo Bạn, Bạn thích làm bằng
phần mêm hay làm trực tiếp trên excel, tại sao?
26. Người ta cho rằng phần mềm kế toán là con dao hai lưỡi, bạn có thể giải thích và chứng minh điều đó không?
27. Bạn đã và đang làm kế toán tại Công ty cũ được thời gian khá dài vây tại sao bạn lại muốn tìm công việc khác?
Yêu cầu đối với 1 nhân viên kế toán:
Những yêu cầu đối với một kế toán tổng hợp là:
- Các đức tính cần thiết:
+ Cẩn thận, chặt chẽ, chính xác.
+ Minh bạch, thật thà, đáng tin cậy.
+ Có khả năng giữ kín thông tin.
+ Tiết kiệm, liêm chính.
+ Thích sự ổn định, ít thay đổi.
- Kỹ năng vi tính:
+ Sử dụng thành thạo MS Excel.
+ Nếu từng có kinh nghiệm sử dụng phần mềm kế toán thì càng tốt.
+ Biết soạn thảo văn bản, báo cáo (sử dụng thành thạo MS Word).
+
Khả năng truy cập Internet tìm kiếm các thông tin, văn bản cần thiết
cho công việc kế toán như: luật thuế, các hướng dẫn thi hành…
+ Sử dụng thành thạo email văn phòng (MS Office Outlook).
- Kỹ năng lập và lưu trữ chứng từ đầy đủ, chính xác, sắp xếp khoa học trên máy tính, cũng như trong tủ hồ sơ.
- Kỹ năng tính toán chính xác, làm việc tốt với các con số, tư duy logic các vấn đề liên quan đến số liệu, tiền bạc, tài chính.
- Kỹ năng quản lý tiền mặt, tiền luân chuyển qua ngân hàng.
- Kỹ năng giao tiếp rõ ràng, mạch lạc, chính xác, vừa đủ (không nhiều chuyện), kỹ năng đàm phán thương lượng khéo léo, chặt chẽ.
- Kỹ năng sắp xếp công việc hợp lý, khoa học, ngăn nắp,
trật tự. giải quyết vấn đề khéo léo, hợp lý, hiệu quả, công tư phân
minh, phù hợp với quy định pháp luật, biết dứt khoát và cứng rắn khi cần
thiết, đảm bảo sổ sách chứng từ kế toán được lưu trữ đầy đủ theo đúng
quy định, theo dõi được số liệu đầy đủ chính xác để lập báo cáo.
- Kiến thức và hiểu biết cơ bản về chuyên môn kế toán, quy định pháp luật cập nhật.
- Kinh nghiệm thực tế nếu có. Đối với sinh viên mới ra
trường, thường các công ty chỉ đòi hỏi ứng viên từng tham gia những việc
đơn giản có liên quan như: nhập liệu, quản lý tiền mặt, lập báo cáo
thuế hằng tháng, theo dõi thu chi trên sổ sách, lập bộ chứng từ thu chi,
quy trình thanh toán, đòi nợ, giao dịch với ngân hàng...
Các câu hỏi thường đặt ra đối với một sinh viên mới ra trường khi phỏng vấn vào vị trí kế toán:
- Các câu hỏi sẽ rất đa dạng tùy từng nhà tuyển dụng,
nội dung xoay quanh việc tìm hiểu sinh viên mới ra trường có đủ những tố
chất cần thiết cho công việc này hay không (những đức tính, kỹ năng,
kiến thức, kinh nghiệm như đã nêu trên).
- Bạn cần lưu ý nên tìm hiểu kỹ mô tả và yêu cầu công
việc của công ty bạn ứng tuyển, vì mỗi công ty sẽ có yêu cầu khác nhau
đối với vị trí kế toán tổng hợp. Nên tìm hiểu về sản phẩm/dịch vụ, mô
hình kinh doanh, quy mô, phạm vi hoạt động của công ty, cơ cấu tổ chức
của phòng kế toán.
- Khi biết rõ yêu cầu công việc, bạn sẽ rà soát lại bản
thân có những kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức gì có thể đáp ứng được
yêu cầu công việc. Sau đó liệt kê ra, tập cách diễn đạt trước để có thể
trình bày mạch lạc thuyết phục trước nhà tuyển dụng.
Hiện tại, mức lương kế toán thông thường dao động
từ 3-9 triệu đồng/tháng tùy công ty và tùy năng lực ứng viên, có thể
nhiều hơn đối với vị trí kế toán tổng hợp có nhiều năm kinh nghiệm,
tiếng Anh tốt, từng có kinh nghiệm làm ở công ty nước ngoài hoặc công ty
sản xuất có quy mô lớn.
Đối với sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, mức lương chỉ 3-5 triệu đồng/tháng tùy năng lực ứng viên.
Nếu được hỏi về mức lương mong muốn khi kinh nghiệm làm
việc chưa nhiều, bạn có thể trả lời là mình không quá quan trọng về
lương trong thời điểm này, điều mình cần là chứng tỏ được năng lực
bản thân, được làm công việc phù hợp với chuyên môn và sở thích, có
nhiều cơ hội trải nghiệm học hỏi để sau đó được nhận mức lương xứng
đáng, và rằng mình sẽ chấp nhận mức lương tùy vào chính sách và đánh giá
ban đầu của công ty.
Một buổi phỏng vấn kế toán viên:
|
|
Các bạn đã bao giờ đi thi tuyển cho một công việc nào đó chưa? Chắc rằng rất
đông các bạn sẽ trả lời là “đã từng”. Bởi vì các bạn là những sinh viên rất
năng động và hiện nay có quá nhiều công việc past-time dành cho những người còn
đang đi học. Tuy nhiên, đó chỉ là công việc làm thêm và đối với các bạn thì nó
chưa quan trọng bằng việc là một sinh viên trên giảng đường đại học. Nhưng nếu
bạn đã ra trường thì điều này hoàn toàn khác.
Áp lực phải có
một công việc khiến các bạn cảm thấy có đôi chút gánh nặng. Vừa muốn kiếm
tiền để nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho bố mẹ, vừa muốn khẳng định
mình, các bạn sẽ tìm việc bằng tất cả những nguồn thông tin nào mình có. Trừ
một số ít bạn đã được gia đình chuẩn bị sẵn một công việc hoàn hảo còn lại đa
số những sinh viên mới ra trường đều phải lang thang đi tìm việc với một
chồng hồ sơ xin việc được rải khắp nơi. Có những bạn thì thành công ngay từ
công ty đầu tiên nhưng có bạn đi tới mười công ty cũng vẫn bị từ chối? Năng
lực là một phần quan trọng trong việc thành bại của các bạn. Tuy nhiên, một
phần không nhỏ đó là “kinh nghiệm xin việc”.
“Kinh nghiệm
xin việc” là gì? Đó chính là những kỹ năng để các bạn có thể gây ấn tượng với
nhà tuyển dụng. Mỗi nhà tuyển dụng sẽ có những đặc thù riêng nhưng họ cũng có
những đặc tính tâm lý chung. Ở đây, tôi xin kể cho các bạn một câu chuyện về
một buổi phỏng vấn tuyển kế toán viên mà tôi có dịp được tham gia.
Thông thường,
vị trí kế toán sẽ phải có ít nhất 2 vòng tuyển (trừ vòng tuyển hồ sơ). Sau
khi loại bỏ những hồ sơ không theo tiêu chí đề ra của công ty (ví dụ: bằng
tốt nghiệp trung cấp, yêu cầu mức lương quá lớn…) thì công ty sẽ gọi điện mời
các ứng viên tới tham gia vòng tuyển đầu tiên. Đó là vòng tuyển nghiệp vụ. Kế
toán trưởng
sẽ đưa ra một vài nghiệp vụ mà công ty thường xuyên phát sinh sau đó yêu cầu
các ứng viên định khoản hoặc giải quyết tình huống. Vòng này không phải quá
khó, mục đích chính là kiểm tra khả năng nghiệp vụ của các ứng viên. Ở vòng
này, không phải nhất thiết có kinh nghiệm mới có thể thực hiện được, chỉ cần
các bạn nắm chắc kiến thức đã được học. Mỗi một công ty có một cách làm khác
nhau nên đôi khi các bạn có kinh nghiệm cũng chưa chắc có hướng giải quyết
theo đúng cách mà công ty đó vẫn thường làm. Sau khi xem xét, công ty chọn ra
5 ứng viên có bài làm tốt nhất để vào vòng phỏng vấn.
Người đầu tiên
tôi gặp là một cô bé khá xinh xắn, bước vào chào và cười. Chúng tôi cũng cảm
thấy dễ chịu. Câu đầu tiên bao giờ cũng mời ứng viên giới thiệu về mình. Cô
bé nói là mình cũng mới tốt nghiệp, đã đi làm cho một công ty và hiện nay vừa
đỗ cao học về kế toán. Chúng tôi hỏi: “ Em đã làm cho công ty kia được bao
nhiêu lâu? Tại sao lại nghỉ việc và hiện nay em đi học thì làm việc thế nào”.
Cô bé đó trả lời: “Em làm được 2 tháng” (cười), hiện nay em đi học vào buổi
tối nên ban ngày có thể đi làm được. Tiếp theo, chúng tôi đưa ra một sổ kế toán
tiền mặt, hỏi em có thấy gì bất hợp lý không? Em nhìn và cười. Từ khi gặp em
tới giờ, chúng tôi chỉ thấy em cười và cười. Sau một hồi cười em bảo cũng
không thấy gì bất hợp lý. Sau đó, chúng tôi hỏi tiếp về nghiệp vụ lại thấy em
cười. Thế là chúng tôi cũng đành cười và cảm ơn, mời em ra về.
Người thứ hai
thì ngược lại với cô bé đầu tiên, bước vào phòng không một lời chào hỏi,
không cười, không căng thẳng. Một vẻ gì đó hơi bất cần. Chúng tôi mời em ngồi
xuống. Em ngồi theo cái cách (có lẽ) không phải là của một người con gái. Em
nói em có 5 năm kinh nghiệm trong nghề kế toán. Chúng tôi hỏi câu gì, em trả
lời câu đó, ngắn gọn tới mức cụt lủn. Đôi lúc trong câu nói không có chủ ngữ.
Được một vài phút, không biết cảm giác của em thế nào nên bắt đầu gác chân lên
chân kia. Chúng tôi không hiểu một người như vậy có thể thích hợp với công
việc kế toán cần người vừa kiên trì, nhẫn nại, vừa phải trung thực, tận tụy
không. Không ai bảo ai, chúng tôi đều nói không còn câu hỏi gì nữa dành cho
em và nhanh chóng mời em ra về.
Người thứ ba
là một cô gái khá bình thường, không một chút ấn tượng. Cô ấy cũng đã có kinh
nghiệm làm việc nhiều năm nhưng trong một lĩnh vực hoàn toàn khác với lĩnh
vực mà chúng tôi hoạt động. Khi hỏi tới những tình huống cần phải giải quyết
ở công ty, cô ấy gần như cảm thấy khá xa lạ. Điều này cho chúng tôi cảm giác
không khác gì một người mới ra trường. Những kinh nghiệm mà cô ấy có chẳng
giúp ích gì cho cô ấy ít nhất tại thời điểm này.
Người thứ tư
là người mang lại cho chúng tôi cảm giác phù hợp nhất trong những người đã
từng gặp. Cô ấy đã có kinh nghiệm 4 năm trong cùng lĩnh vực chúng tôi hoạt
động. Cô ấy đã làm kế toán viên
cho một công ty khá nổi tiếng. Hầu hết những câu hỏi của chúng tôi cô ấy đều
trả lời rõ ràng và hợp lý. Cô ấy tự tin và hết sức thoải mái. Tuy nhiên, câu
hỏi của chúng tôi là :”tại sao em lại chuyển công ty” thì cô ấy trả lời “vì
em muốn có một mức lương cao hơn” Cô ấy cần một mức lương là 5 triệu đồng
trong khi chúng tôi chỉ dự định trả lương cho kế toán viên là 2 triệu đồng.
Điều này khiến cho chúng tôi phải suy nghĩ khá nhiều.
Người cuối
cùng chúng tôi gặp là một người khá điềm đạm. Kinh nghiệm làm việc không
nhiều. Cô ấy là người có số điểm thấp nhất trong vòng thi nghiệp vụ. Chúng
tôi có hỏi ngay cô ấy “Em có biết là em có số điểm thấp nhất không”. Cô ấy
trả lời “Em cũng không biết điều đó”. Chúng tôi lại hỏi “Em có biết em bị mất
điểm phần nào không?” Cô ấy nói: “Em nghĩ đó là phần về tài sản cố định. Thật
ra phần này em không chắc lắm, thêm vào đó, thường kế toán trưởng làm phần
này nên thật lòng là một kế toán viên, em cũng không vững lắm”. Câu trả lời
không ngập ngừng khiến chúng tôi khá ấn tượng vì em biết rất rõ về mình và
cũng biết rất rõ về yêu cầu của đề thi. Bản thân trong công ty tôi thì phần
về tài sản cố định đúng là công việc dành cho kế toán trưởng. Càng nói
chuyện, em càng tỏ ra một người có tính cách phù hợp với nghề kế toán như cẩn
thận, kiên trì, rõ ràng và trung thực. Khi hỏi đến mức lương, em nói đề nghị
mức lương 2,5 triệu. Chúng tôi có hỏi em nếu chúng tôi mời em vào làm cho công
ty với mức lương thấp hơn thì em có chấp nhận không? Em trả lời là “không, vì
đây là mức lương mới đủ cho cuộc sống của em và cũng là mức lương chung trên
thị trường lao động”.
Sau buổi phỏng
vấn. Chúng tôi có họp và quyết định lựa chọn. Hầu hết mọi người đều lựa chọn
người cuối cùng. Vậy các bạn thấy đấy, không hoàn toàn phải có kinh nghiệm
nhiều, không hoàn toàn tự tin nhiều hay không hoàn toàn có bằng cấp cao là có
thể được lựa chọn. Việc lựa chọn ứng viên còn bởi rất nhiều yếu tố, đó là:
- Kiến thức
thực sự của bạn đến đâu, có đáp ứng được công việc hay không (điều này không
phụ thuộc vào việc bạn mới ra trường hay đã đi làm lâu)
- Sự tự tin
của bạn có phù hợp hay không (nếu không sẽ trở thành rất phản cảm)
- Bằng cấp của
bạn chỉ cần đủ để đáp ứng yêu cầu của công việc
- Thái độ của
bạn đối với công việc thế nào (thường người tuyển dụng rất mong gặp những ứng
viên có thái độ tích cực, yêu thích công việc và mong muốn được làm việc)
- Tính cách
của bạn có phù hợp với công việc hay không
- Bạn có hiểu
biết rõ về mình hay không (Nhiều công ty họ còn cho bạn tự nói về điểm mạnh,
điểm yếu của mình, nếu bạn còn chẳng biết mình là ai hay chẳng biết mình thế
nào thì chắc chắn bạn chẳng làm được cái gì nên hồn cả).
Tôi hy vọng
với câu chuyện nhỏ này, các bạn có thể có một chút “kinh nghiệm xin việc” và
dễ dàng thành công trong công cuộc tìm kiếm công việc lý tưởng của mình.
|
|
(St)