Bất cứ người mẹ nào đều trải qua giây phút mong chờ, hồi hộp chờ đợi đứa con yêu chào đời. Sẽ có rất nhiều thắc mắc, băn khoăn nếu bạn đang mang thai đứa con đầu lòng. Chúng ta cùng tham khảo những dấu hiệu nhận biết sắp sinh cho mẹ bầu nhé!
Một số thay đổi cơ thể trước khi chuyển dạ
1. Đau lưng
Nếu bạn là một trong những chị em phụ nữ hay bị đau lưng tiền kinh nguyệt thì trước khi lâm bồn vài ngày, bạn cũng có thể sẽ bị đau lưng.
Những cơn đau lưng báo hiệu chuyển dạ này âm ỉ ở lưng dưới. Đó là dấu hiệu cho thấy cổ tử cung đã mềm và “chín” chuẩn bị cho sự ra đời của em bé.
Một số bà bầu cảm thấy cơn đau lưng bắt nguồn từ xương chậu và đau quanh xương chậu. Sự linh hoạt giữa các dây chằng ở xương chậu (gây nên cơn đau) cho phép xương của mẹ co giãn tốt, chuẩn bị cho sự chào đời của bé.
Những lúc như này, mẹ bầu hãy ăn uống đầu đủ và nghỉ ngơi tốt để chuẩn bị sức khỏe cho cuộc vượt cạn đầu cam go sắp tới.
2. Tiêu chảy
Thường một vài ngày trước khi chuyển dạ, cơ thể bạn tiết ra prostaglandins. Đây là cách giúp cho tử cung co thắt nhưng lại có thể gây tiêu chảy.
Một điều thú vị là cũng có một số phụ nữ thường bị tiêu chảy trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt. Bác sĩ sản khoa Robert Dickinson (Đại học Nam Florida - Mỹ) cho biết: "Tất cả là do sự thay đổi hoocmon nữ trong cơ thể phụ nữ trước khi có sự thay đổi như đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc sinh con".
3. Chất nhờn âm đạo, có thể lẫn máu
Trong quá trình mang thai, có một chất nhầy được bít kín cổ tử cung để bảo vệ tử cung khỏi nhiễm trùng. Chất nhầy này còn có tên gọi khác là nút nhầy.
Đến cuối thai kỳ, cổ tử cung trở nên mỏng và mềm hơn. Khi cổ tử cung bắt đầu mỏng đi và giãn ra để chuẩn bị cho cuộc sinh, nút nhầy bị thải ra ngoài.
Mẹ bầu có thể nhận biết dịch âm đạo cảnh báo chuyển dạ như sau: dịch nhầy thay đổi màu sắc từ trắng trong sang màu kem và có thể lốm đốm máu (máu có thể đỏ tươi, hồng hoặc màu nâu tối).
Nếu bạn tiết dịch nhiều nhưng chưa có những cơn co thắt thì cũng được xem như dấu hiệu sắp chuyển dạ. Tốt nhất là không nên quá hoang mang bởi vì với nhiều người mẹ, sự tiết dịch âm đạo thường xuất hiện trước đó vài ngày, thậm chí hàng tuần mới đến ngày sinh nở.
4. Cảm giác thai tụt xuống như sắp rơi
Trường hợp này gọi là sa bụng. Thai nhi không còn đè lên cơ hoành mà tụt sâu xuống vùng xương chậu để chuẩn bị chào đời.
Với những mẹ bầu sinh con so, thai thường đi xuống khung chậu nhiều tuần trước khi chuyển dạ. Bạn có thể cảm thấy căng và đau lan xuống âm đạo. Bạn cũng có thể thấy tử cung xuống thấp hơn và bạn đột ngột cảm thấy dễ chịu, có thể thở dễ dàng hơn.
5. Cảm giác buồn nôn
Nhiều phụ nữ có kinh nghiệm chia sẻ, họ nôn hoặc cảm thấy buồn nôn tại nhiều thời điểm trong suốt cơn chuyển dạ. Đôi khi, cảm giác nôn và buồn nôn xảy ra trước cơn chuyển dạ nhưng thông thường, nó “góp mặt” ở giai đoạn 1 và giai đoạn chuyển tiếp của chuyển dạ.
6. Vỡ túi nước ối
Khi túi nước ối bị vỡ, nước ối sẽ chảy tràn qua âm đạo. Thời điểm này, bạn nên nhanh chóng nhập viện để các bác sĩ hỗ trợ quá trình sinh nở.
Phần lớn thai phụ thấy xuất hiện những cơn co thông thường trước khi bị vỡ ối. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nước ối lại bị vỡ trước. Nếu điều này xảy ra, quá trình chuyển dạ thật đã tới rất gần.
10 cách để bớt đau khi chuyển dạ
1. Thư giãn
Hãy nghĩ đơn giản thế này: khi bạn sợ đau – bạn càng căng thẳng, khi bạn căng thẳng – cơn đau càng tồi tệ hơn và lại khiến bạn căng thẳng... Vì thế, hãy thư giãn.
2. Thở
Tập trung vào nhịp thở của bạn với mỗi cơn co. Khi bắt đầu một cơn co, bạn hãy hít sâu và từ từ thở ra, thật thư giãn (hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng và luôn giữ cho miệng, cằm được thoải mái).
Đừng lo lắng xem bạn thở sâu được bao nhiêu, quan trọng là bạn thấy dễ chịu. Bạn cần lặp lại chu trình hít vào bằng mũi và thở ra với miệng đều đặn. Khi cơn co đi qua, bạn hãy thư giãn.
3. Làm xao lãng bản thân
Đối với những người mẹ mang thai lần đầu, cơn chuyển dạ có thể kéo dài 12-14 tiếng đồng hồ. Khi những cơn co thắt bắt đầu, bạn sẽ cảm thấy cơn đau ở lưng hay bụng dưới nhưng bạn nên cô gắng giữ bình tĩnh. Nếu bạn lo lắng ngay từ khi bắt đầu, đếm từng cơn co thắt thì có khả năng bạn càng hoảng sợ hơn. Thay vào đó hãy khiến mình bận rộn cho những hoạt động khác như đi bộ, tắm vòi hoa sen... Bất kỳ điều gì thư giãn cũng có ích cho bạn lúc này.
4. Di chuyển xung quanh
Đi bộ, lắc lư, thay đổi vị trí hoặc ngồi trên một quả bóng cho phụ nữ mang thai có thể giúp bạn dẹp bỏ đau đớn. Đi bộ còn khuyến khích thai nhi lọt đúng xuống khung xương chậu của mẹ. Trong môi trường bệnh viện, không ít người mẹ e ngại đi bộ bởi họ được chỉ định dùng thuốc giảm đau nhưng bạn có thể thử thay đổi các vị trí như đứng, ngồi xổm, ngồi ở cạnh giường...
Trừ khi quá mệt, nếu không, bạn tránh nằm dài một chỗ khi cơn co xuất hiện. Cơn chuyển dạ dường như lâu hơn nếu bạn nằm nghỉ và cơn chuyển dạ càng lâu thì bạn càng mệt mỏi. Không nhất thiết phải cố đứng thẳng, bạn hãy chọn tư thế nào mà bản thấy thoải mái nhất. Bác sĩ có thể hỗ trợ cho bạn trong những tư thế:
- Đứng và tựa người vào chồng.
- Quỳ gối và tựa người vào một chiếc ghế vững chắc.
- Ngồi một lát trên ghế rồi đứng dậy và đi lại.
5. Tắm vòi sen
Cơn đau làm căng các cơ trên toàn cơ thể, khiến bạn khó chịu nhiều hơn. Tắm vòi hoa sen với nước ấm giúp bạn giảm đau lúc này. Hãy đưa đầu vòi hoa sen tới những chỗ bị đau như lưng chẳng hạn. Tắm vòi sen thích hợp với bất kỳ giai đoạn nào của chuyển dạ.
6. Massage
Nghiên cứu tại trường đại học Y khoa Miami cho thấy, những người mẹ trong cơn chuyển dạ được chồng massage sẽ bớt đau và ít lo lắng khi sinh hơn.
Massage vừa có tác dụng giảm đau vừa giúp thai phụ bớt lo lắng. Bạn có thể nhờ chồng (người thân) massage lưng trong những cơn co hoặc massage tay ở giữa những cơn co, giúp thư giãn.
7. Trong bồn tắm
Một người mẹ kể: “Ở lần sinh con thứ hai, tôi cảm thấy rất khó khăn. Bác sĩ nói rằng còn quá sớm để gây tê ngoài màng cứng. Sau đó, bác sĩ cho tôi ngâm mình trong bồn tắm của bệnh viện. Điều này thật kỳ diệu: tôi có thể thay đổi vị trí một cách dễ dàng trong làn nước ấm. Ngoài ra, ngồi tron bồn tắm còn giúp tôi nới lỏng các cơn đau ở lưng. Khi tôi ra ngoài thì cũng là thời điểm được tiến hành gây tê ngoài màng cứng. 10 phút sau, con gái của tôi chào đời”.
8. Chườm ấm
Chườm ấm giúp giảm căng cơ; vì thế, nó cũng có tác dụng hạn chế cơn đau khi chuyển dạ. Thai phụ có thể chườm lưng, háng bằng một túi hạt lúa mỳ (hạt thóc) hoặc một chai nhựa, chứa nước ấm. Túi hạt có thể làm nóng qua lò vi sóng. Chúng sẽ giữ ấm được trong vòng cả giờ đồng hồ hoặc lâu hơn thế. Với chai nhựa chứa nước, có thể bọc chai nhựa qua một chiếc khăn (hoặc miếng vải mềm) trước khi chườm.
9. Sinh con dưới nước
Kỹ thuật này giúp những cơn co dễ chịu hơn; đồng thời, dưới tác động của nước, cơn đau ở lưng và bụng bầu cũng được giảm thiểu. Nhóm thai phụ sinh con dưới nước thường không cần kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng như quá trình sinh nở bình thường.
10. Những gợi ý khác
- Nếu đang ở trong bệnh viện, bạn cần sự hỗ trợ từ bác sĩ; càng được trợ giúp nhiều, bạn càng đỡ căng thẳng hơn.
- Uống một chút nước giữa những cơn co.
- Ăn chút thức ăn giàu carbohydrate nếu bạn thấy đói.
- Có thể kêu rên, nếu bạn muốn vì hành động này giúp bạn dễ chịu hơn.
- Hãy nắm lấy tay chồng của bạn.
- Suy nghĩ tích cực: “Mỗi cơn co trôi qua là em bé sắp chào đời”.
- Hỏi bác sĩ (người thân) những điều bạn không hiểu. Cảm giác hoang mang chỉ khiến cơn đau tồi tệ hơn.
- Đi tiểu thường xuyên hơn vì một bàng quang căng đầy sẽ làm chậm cơn chuyển dạ.
Bài tập giúp mẹ bầu chuyển dạ dễ dàng
1. Bài tập với bóng giúp chuyển dạ dễ dàng
Phụ kiện bạn cần chuẩn bị là một quả bóng dành cho bà bầu.
Bạn đứng dựa lưng vào bóng. Từ từ khụy gối cho tới khi đầu gối vuông góc với sàn nhà. Chú ý để chân luôn bám cố định với sàn nhà để tránh trơn trượt.
Nếu không thể hạ đầu gối vuông góc với sàn nhà, chỉ cần bạn hạ thấp tới mức có thể là được. Sau đó, trở về vị trí ban đầu.
Lặp lại 10 lần. Tập bài tập này trong quý 3 của thai kì sẽ giúp bạn giãn nở xương chậu, đến khi chuyển dạ sẽ dễ dàng hơn đấy.
2. Bài tập với bức tường giảm đau lưng dưới
Bạn đứng dựa lưng vào tường, chân dang rộng bằng vai. Hai tay choãi sang hai bên, lòng bàn tay úp vào tường. Từ từ ép sát lưng vào tường, giữ vài giây. Tiếp đến trở về vị trí ban đầu.
Lặp lại 10 lần. Bài tập này sẽ rất hữu ích trong quý 2 và 3 của thai kì đấy vì khi này trọng lượng thai nhi tăng lên dễ khiến mẹ bầu bị đau lưng.
3. Bài tập phòng chuột rút
Chống tay vào tường, hai chân ở tư thế trước – sau như trong hình. Khụy một đầu gối xuống, đồng thời trùng khủy tay, giữ nguyên vài giây. Trở về vị trí đứng thẳng ban đầu.
Lặp lại 10 lần.
Bên cạnh tập luyện thì việc bổ sung canxi trong thời gian mang bầu là một trong những cách phòng chống chuột rút hiệu quả đấy nhé!
Theo Afamily.vn
Tiện nghi cho cơn chuyển dạ
Chuyển dạ tại bệnh viện
Những biến cố nguy hiểm khi chuyển dạ
Dấu hiệu vỡ ối bà bầu cần biết
Sinh không bình thường