Những điều cần biết khi bị đau dạ dày - bạn không thể bỏ qua

Dùng thức ăn cứng, nhiều chất xơ, nhai không kỹ, thức ăn chua, cay, lạm dụng rượu, bia và thuốc lá... sẽ làm bệnh trầm trọng thêm. Nên ăn táo tây hấp mật ong, đậu phộng giã nhỏ, bột nghệ, cam thảo.

Bệnh viêm loét dạ dày - hành tá tràng thường có các triệu chứng lâm sàng như đau vùng thượng vị với đặc điểm đau âm ỉ, đau lâm râm, có những đợt đau gia tăng có tính chu kỳ. Trong ngày, cơn đau xảy ra vào nhiều thời điểm:

- Đau lúc đói, hay gặp ở những trường hợp loét hành tá tràng, cơn đau xảy ra sau bữa ăn khoảng 4-5 giờ, nếu ăn vào sẽ giảm đau.

- Đau lúc no hay gặp ở trường hợp loét dạ dày, cơn đau xảy ra sau bữa ăn 1-2 giờ.

- Đau vào ban đêm, lúc 1-2h sáng, người bệnh thức giấc do cơn đau xảy ra, kèm buồn nôn, chảy nước miếng. Cơn đau này thường gặp ở bệnh nhân loét tá tràng hoặc loét bờ cong nhỏ của dạ dày.

Ngoài ra căn cứ vào vị trí đau để phân biệt. Nếu bị loét dạ dày thì thường đau ở dưới mỏm ức, phía bên trái. Nếu bị loét tá tràng thì đau phía bên phải vùng thượng vị.

Tính chất chu kỳ đau cũng thay đổi và phụ thuộc vào một số yếu tố như ổ loét mới xuất hiện hay đã lâu, ổ loét to và sâu hay nhỏ và cạn, bệnh nhân có bị ký sinh trùng đường ruột hay không. Ngoài ra tình trạng tâm thần, ăn uống, sinh hoạt mức độ căng thẳng của công việc cũng ảnh hưởng đến chu kỳ của cơn đau.

Một số triệu chứng kèm theo là buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua, cảm giác rát bỏng, đầy hơi, ăn không tiêu, chán ăn.

Nhiều bệnh nhân do đau dẫn tới mất ngủ, sụt cân, rối loạn tiêu hóa, thiếu máu do ăn uống kém hoặc do xuất huyết đường tiêu hóa…

Ngày nay, các nhà khoa học cho rằng bệnh viêm loét dạ dày - hành tá tràng thường phát sinh khi cơ thể xảy ra sự mất cân bằng giữa các yếu tố tấn công và các yếu tố bảo vệ. Sự mất cân bằng này thường xảy ra khi các yếu tố tấn công gia tăng trong khi các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày không củng cố kịp thời, đúng mức hoặc khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày bị suy giảm không đủ khả năng chống lại ngay cả khi dịch vị có độ acid ít hoặc bình thường.

Nhiễm Helicobacter pylori và dùng các thuốc kháng viêm không steroid lâu ngày, được coi là các yếu tố nguy cơ quan trọng nhất làm tăng lực tấn công lên “hàng rào” bảo vệ niêm mạc dạ dày. Qua xét nghiệm cận lâm sàng, người ta ghi nhận trên 90% số người bị viêm dạ dày có sự hiện diện của vi khuẩn H. pylori, và tỷ lệ này chiếm khoảng 90% trong bệnh loét dạ dày, 95% ở bệnh loét tá tràng.

Các yếu tố làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn

- Dùng các thức ăn cứng, khô, nhiều chất xơ, nhai không kỹ, nuốt vội. Thức ăn có nhiều vị chua, cay, nóng, lạnh. Lạm dụng rượu, bia và thuốc lá.

- Quá căng thẳng về thần kinh, áp lực công việc, chấn thương về tinh thần, sau một cuộc phẫu thuật, sau một bệnh nội khoa nặng.

- Yếu tố di truyền: Người có nhóm máu O tỷ lệ loét tá tràng cao hơn các nhóm máu khác. Gia đình có người bị bệnh tiêu hóa thì tỷ lệ bệnh cao hơn các gia đình khác.

- Liên quan đến một số bệnh khác như viêm khớp dạng thấp, bệnh phổi mãn tính, xơ gan, cường chức năng tuyến cận giáp, suy thận mãn, sỏi thận.

Lưu ý, nếu đau nhiều và xuất huyết nhiều nên kịp thời chuyển cấp cứu ngoại khoa, có thể là trường hợp bị thủng dạ dày.

Gia vị cay sẽ làm cho bệnh dạ dày trầm trọng hơn. Ảnh: delta

Trong vấn đề ăn uống, người bị viêm loét dạ dày - hành tá tràng nên kiêng ăn hoặc hạn chế tối đa các thức ăn sau:

- Các chất kích thích, các chất táo nhiệt như rượu, cà phê, ca cao, tiêu, ớt, gừng khô, cà ri, các loại thực phẩm nướng (thịt, cá, rau củ…), các món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ.

- Các thức ăn quá mát, lạnh, như cua, ốc, hàu, nghêu, sò…, nên ăn ít hoặc khi ăn cần thêm vài lát gừng tươi để điều hòa.

- Các thực phẩm có thể làm tăng tiết dịch vị như chanh, cam, quýt (quá chua), mơ, dưa muối, cà chua, giấm ăn…

- Các thức ăn có độ cứng, dai, khó tiêu, nhiều chất xơ như củ cải già, các loại rau đậu già, các loại rễ cây... Nếu dùng chỉ nên lấy nước bỏ cái, hoặc cắt nhỏ, vụn, xay nhuyễn để nấu chín nhừ.

- Các loại thực phẩm ướp quá lạnh hoặc các thức ăn đang nóng sôi. Nếu muốn dùng phải để trở về nhiệt độ 25-300C là tốt nhất.

Nên ăn từng bữa nhỏ, chia nhiều lần trong ngày, để trong dạ dày luôn có thức ăn, ngừa bụng trống sẽ làm tăng tiết dịch vị gây đau xót.

Tốt nhất nên ăn thật chậm rãi, nhai thật kỹ thức ăn, vì nước bọt sẽ giúp chữa lành vết loét.

Ngoài ra, sẽ rất có ích cho việc chữa trị khi tạo cho mình một chế độ làm việc điều hòa, không căng thẳng thái quá, giảm bớt cường độ công việc, quan tâm đến giờ giấc ăn uống, nghỉ ngơi. Kết hợp với việc tập luyện vận động thể lực vừa sức, hoặc tập dưỡng sinh, hít thở sâu để tăng cường chức năng của hệ tiêu hóa.

Một số thức ăn dễ thực hiện và có ích cho người bị viêm loét dạ dày – hành tá tràng

- Táo tây 1-2 quả, rửa sạch, bổ làm 6 hoặc 8, hấp cách thủy với 1-2 muỗng canh mật ong, khoảng 20 phút. Ăn hết 1 lần vào lúc đói bụng.

- Thạch lựu 1 quả, bỏ vỏ lấy nhân, nấu với ½ lít nước, sắc còn 1/10 lít, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

- Đậu phộng (lạc) 100g, bóc bỏ vỏ, lấy nhân luộc cho chín mềm, nhai nhỏ hoặc giã nhỏ để ăn lúc đói bụng.

- Bột nghệ vàng 1 phần + mật ong 2 phần, hai thứ trộn đều, đựng vào hũ sạch, ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 2-3 muỗng cà phê uống với nước ấm.

- Cam thảo (bắc) 6,5 phần, mai mực 3,5 phần. Hai thứ đem rửa sạch, sấy khô, tán bột mịn, trộn đều, đựng vào hũ sạch. Vào lúc sáng sớm, dùng 2 muỗng cà phê bột thuốc hòa với nước sôi, sau đó để ấm, uống lúc chưa ăn sáng.