Những món ăn đặc sản của Campuchia

10 món ăn nên thử khi đến Campuchia

Đất nước chùa tháp có đủ rừng, biển, núi sông nên chẳng có gì ngạc nhiên khi ẩm thực Campuchia lại khá phong phú. Trên hành trình du lịch, bạn đừng quên tranh thủ thưởng thức những món ăn nổi tiếng của đất nước này.

Nhắc đến ẩm thực Vùng Đông Nam Á thì chắc chắn Thái Lan và Việt Nam sẽ là hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Còn về ẩm thực Campuchia thì thường không được du khách chú ý đến, nhưng nếu đã một lần được nếm thử, ắt hẳn bạn sẽ bị ấn tượng bởi những hương vị độc đáo của xứ sở này. Sau đây là danh sách 10 món ăn mà du khách nên thử khi đến thăm Campuchia.

Bai sach chrouk

Bai sach chrouk là món ăn luôn có mặt ở các góc phố trên khắp Campuchia vào những buổi sáng sớm. Đây là một món ăn đơn giản và rất phổ biến ở Campuchia. Bai sach chrouk bao gồm cơm trắng ăn cùng thịt heo xắt lát mỏng, được ướp trong nước cốt dừa hoặc tỏi và nướng trên than hồng, để thịt thấm từ từ và có một vị ngọt thơm tự nhiên. Kèm theo đó là bát nước canh được nấu từ gà, một chén nhỏ dưa chuột tươi và củ cải đỏ ngâm gừng.

Cá amok

Amok là một món mang đầy đủ những hương vị riêng của Campuchia, tương tự như món chưng của Việt Nam. Amok được chế biến từ đường thốt nốt, nước dừa, mắm prohok và thường được gói trong lá chuối, các món amok đặc trưng thường là gà amok, cá amok… Món cá amok thường được chế biến từ cá lóc hoặc cá trê. Mắm bò hóc, đường và trứng sẽ được đánh thành một hỗn hợp, đem nấu cho sệt, sau đó bọc cá phi-lê nguyên miếng bằng hỗn hợp này, thêm vài chiếc lá slok Ngor, một loại thảo mộc địa phương rồi gói lại bằng lá chuối và đem hấp.

Cà ri đỏ Khmer

Ít cay hơn các món cà ri của nước láng giềng là Thái Lan, cà ri đỏ thường được chế biến từ thịt bò, thịt gà hay cá, cà tím, đậu xanh, khoai tây, nước cốt dừa tươi, sả và rất ít ớt, vì thế sẽ dễ ăn hơn nhiều so với cà ri Thái. Cà ri đỏ thường được ăn kèm với bánh mì - bị ảnh hưởng từ thời Pháp. Món ăn này thường dùng để phục vụ tại các dịp đặc biệt ở Campuchia như đám cưới, họp mặt gia đình và các ngày lễ tôn giáo như Pchum Ben, hoặc ngày tổ tiên - là dịp người dân Campuchia làm những món ăn để dâng lên các nhà sư thay mặt những người đã khuất.

Lap Khmer

Lap là tên gọi của món gỏi bò Khmer, bao gồm thịt bò xắt lát mỏng hoặc thịt bò tái ướp với nước cốt chanh, trộn cùng với sả, hành khô, tỏi, nước mắm và các loại rau thơm, tất nhiên sẽ kèm thật nhiều ớt tươi. Đây là món ăn rất được yêu thích ở Campuchia và là món nhắm bắt miệng của đàn ông Campuchia.

Nom banh chok

Nom banh chok là một món ăn vô cùng phổ biến ở Campuchia, đến nỗi trong tiếng Anh nó được gọi đơn giản là Khmer Noodle (mì Khmer). Là một món ăn sáng điển hình, du khách sẽ bắt gặp món ăn này được bán trên các gánh hàng ven đường của những người phụ nữ. Nom banh chok bao gồm mì gạo chan với nước dùng được làm từ các loại gia vị truyền thống, ăn kèm lá bạc hà tươi, giá, hoa chuối, dưa chuột và các loại rau xanh khác.

Kdăm Chaa (cua chiên)

Cua chiên là một món ăn đặc sản tại các thị trấn ven biển ở Campuchia. Một loại gia vị đặc trưng không thể thiếu của món ăn này chính là tiêu Kampot. Tiêu Kampot là loại gia vị nổi tiếng trong giới sành ăn trên toàn thế giới, mặc dù du khách có thể tìm thấy loại tiêu này ở dạng khô có sẵn nhưng chỉ có thể thưởng thức hương vị độc đáo của những hạt tiêu xanh non này ở Campuchia. Nếu có dịp đến các vùng ven biển ở Campuchia, du khách đừng quên thưởng thức món cua chiên với tỏi và tiêu hấp dẫn này.

Thịt bò xào kiến

Côn trùng là một món ăn rất bình thường ở Campuchia, bạn sẽ tìm thấy tất cả các loại côn trùng trên thực đơn tại các nhà hàng ở xứ sở này. Và một trong các món ăn hấp dẫn nhất mà bạn nên thử chính là kiến cây xào với thịt bò và rau húng quế. Kiến với các kích cỡ, từ nhỏ đến mức không nhìn thấy hoặc dài khoảng 1 inch sẽ được xào chung với gừng, sả, tỏi, hẹ tây và thịt bò xắt lát mỏng. Món ăn mang một hương vị độc đáo bởi vị chua tinh tế do kiến tiết ra và thấm vào thịt bò. Món ăn này thường được dùng kèm với cơm.

Ang dtray - meuk (mực nướng)

Trong thị trấn ven biển như Sihanoukville và Kep, du khách sẽ dễ dàng nhìn thấy những người bán hải sản rong, mang theo lò than nhỏ trên vai và phục vụ du khách ngay trên bờ biển. Mực được ướp với nước chanh hoặc nước mắm, sau đó nướng trên xiên bằng gỗ và ăn kèm một loại nước chấm đặc trưng của Campuchia, được làm từ tỏi, ớt tươi, nước mắm, nước cốt chanh và đường.

Cha Houy Teuk (thạch tráng miệng)

Sau giờ học là lúc những bạn trẻ tụ tập xung quanh một quán hàng ven đường, nơi phục vụ món tráng miệng đặc trưng Cha Houy Teuk với giá chỉ 1.000 riel, khoảng $0,25 (5.000 đồng). Cha Houy Teuk là một hỗn hợp gồm bánh dẻo làm từ gạo nếp, khoai môn, đậu đỏ, bí ngô, mít và các loại thạch đủ màu, ăn cùng nước cốt dừa và đá lạnh.

Cá chiên

Cá chiên là một món ăn truyền thống trong các dịp đặc biệt ở Campuchia. Cá nguyên con được chiên vàng lên, sau đó được đặt lên một chiếc đĩa có nước sốt được làm từ cà ri dừa, kroeung vàng và ớt, ăn chung với các loại rau như súp lơ, bắp cải…và cơm hoặc mì.


Theo Vietnamnet.vn

Cơm Lam

Có lẽ cơm Lam cũng không xa lạ với người Việt Nam chúng ta nhưng lại càng không phải xa lạ với người dân Campuchia; nhưng món cơm Lam của người Campuchia thì lại khác đấy. Đây là một món ăn đặc sản và cũng được nấu vào những dịp đặc biệt như lễ hội, tiệc tùng. Quy trình làm món cơm Lam của người Campuchia rất công phu và tỉ mỉ, chọn loại gạo nếp cực kỳ thơm ngon, bỏ vào các ống lứa còn tươi (những cây lứa này không già quá mà cũng không được non quá) sau đó nướng trên các bếp than rực hồng cho đến khi nào ngửi thấy mùi thơm là chín và có thể thưởng thức ngay.

Cơm Lam

Các món côn trùng

Côn trùng là món ăn mà có lẽ để lại ấn tượng sâu đậm nhất và cũng khó ăn nhất của các du khách quốc tế đặc biệt là du khách Việt Nam. Nhưng đó lại là món ăn ngon nhất, được ưa thích nhất của người dân Campuchia. Các loại côn trùng từ kiến, nhện, bò cạp… đủ loại đều trở thành nguồn cảm hứng của những món ăn đầy chất dinh dưỡng. Hãy ăn thử món “trứng chiên trứng kiến” chắc chắn bạn sẽ kêu thêm một dĩa nữa sau khi ăn xong, món nhện chiên giòn, béo ngậy chắc chắn sẽ chinh phục khẩu vị của bạn. Đừng bỏ lỡ cơ hội đấy!

Côn trùng chiên

Các món nướng 

Món ăn của người Campuchia được chế biến rất đa dạng nhưng nướng vẫn là nguồn cảm hứng chủ đạo cho các món ăn. Bạn sẽ gặp những món nướng ở mọi nơi, quán ăn, nhà hàng nào bạn cũng có thể thất một bếp than hồng rực lửa để ngay ngoài cửa. Đừng quên thưởng thức các món hải sản nướng thơm ngon đầy chất dinh dưỡng, các món thịt rừng tẩm đầy gia vị nướng cũng đầy hấp dẫn, nhưng cũng phải một lần thưởng thức qua món cà cuống nướng chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng. Nhà hàng xuất hiện ở khắp nơi trong các thành phố, được thiết kế theo kiểu truyền thống hoặc đơn giản không cầu kỳ nhưng cũng rất sạch sẽ và thoáng mát. Người Campuchia không chú tâm nhiều vào kiểu cách mà họ coi trọng chất lượng các món ăn.

Các món nướng

Tomyam

Món ăn của Campuchia thấy có nhiều nét tương đồng với Thái Lan và Lào. Đặc biệt nhiều món ăn sống và rau trộn là phổ biến. Trong đó món Tomyam – đu đủ bào, một loại gỏi được mỗi nước chế biến theo cách khác nhau. Ở Thái Lan thì có tôm khô, cà chua, đậu đũa, dưa chuột, tỏi, ớt v.v. thì ở Lào lại có thêm ba khía, còn ở Campuchia nó được chế biến lạt hơn và ít thêm nguyên liệu phụ mà nguyên liệu chính là đu đủ.

Tomyam

Chè ngọt

Chè Campuchia rất ngọt, có rất nhiều loại chè khác nhau mà người Campuchia chế biến theo vùng địa phương mang khẩu vị rất lạ. Đặc biệt có món chè thốt nốt – một nguyên liệu lấy chủ yếu từ trái thốt nốt. Với hương vị béo ngậy của nước cốt dừa cùng với trái thốt nốt giòn tan sẽ làm thực khách nhớ mãi.

Chè ngọt

Hoa sầu đâu

Hoa sầu đâu – một loại hoa thu họach từ cây sầu đâu ra hoa trong khoảng những tháng từ tháng 12-1-2-3 là một loại hoa được xem là đặc sản của Campuchia. Loài hoa này mang vị khá đắng giống mướp đắng nhưng vị đắng mang tính trầm – có vị thuốc, ăn xong có cảm giác vị ngọt nơi đầu lưỡi. Hoa sầu đâu được chế biến món ăn là trộn chung với khô (khô mực, khô cá, khô nai) xé nhỏ gọi là “gỏi sầu đâu”. Cách trộn món gỏi “hoa sầu đâu” nguyên liệu gồm: củ cải bào mỏng, dưa leo bào mỏng, nước mắm me, sau đó trộn cùng với hoa sầu đâu. Hoa sầu đâu khi trộn gỏi phải trụng sơ với nước sôi, tước bỏ xơ trên hoa rồi trộn chung với tất cả. Khô có thể trộn chung hoa là khô cá lóc, cá trê, cá sặc v.v. Cùng với “hoa sầu đâu” thì một số loại rau dân dã khá ngon khác được người dân Campuchia sử dụng như là một loại đặc sản như rau rừng, hoa lục bình, chùm ruột, bông súng…

Hoa sầu đâu

Mắm bồ hóc

Một loại mắm chế biến theo nguyên tắc giữ được thực phẩm lâu bằng cách ướp muối và đường. Mắm bồ hóc, hay pohok được làm từ những con cá con tốt nhất, mổ ruột ướp muối rồi để trong tủ đậy kín, vài tháng sau mới đem ra ăn. Có thể nói đây là món ăn truyền thống được chế biến trong đời sống ẩm thực Campuchia và cả những dân tộc Nam phần Việt Nam có ảnh hưởng từ văn hóa ẩm thực Khơme.

Mắm bồ hóc

Ngoài ra, còn có nhiều món ăn khác không kém phần hấp dẫn như cá lóc quấn trong bẹ chuối và nướng trực tiếp trên bếp than. Khô cá trèn, khô cá lóc, đặc biệt cá amok hấp nước cốt dừa với cà ri có vị rất riêng Khmer. Trong các món xào như bò xào kruong, cá amok hấp, mắm bồ hóc đều có nước cốt dừa, nghệ, riềng, chanh rừng, lá ngót và cà ri… Khác với mắm của Việt Nam, mắm bồ hóc rất mặn do chỉ ướp muối và không màu. Đây được xem là món ăn đặc sản của Campuchia. Mắm bồ hóc được người dân giữ lại lâu bằng cách ướp muối khi đánh bắt cá ở Biển Hồ không sử dụng hết và được dự trữ để dùng dần. Từ đó mắm đã trở thành món ăn không thể thiếu trong người dân. Mắm bồ hóc chính là tổ tiên của mắm cá Châu Đốc Việt Nam. Dựa theo nguyên tắc làm mắm bồ hóc, bà Giáo Khỏe, tên gọi thân mật của người dân An Giang dành cho bà đã cất công lặn lội sang Campuchia, mày mò và sáng tạo, cuối cùng bà đã sáng tạo một loại mắm mới mang phong cách rất riêng cho dân tộc Việt Nam. Mắm Châu Đốc đa dạng hơn mắm bồ hóc gồm nhiều loại: mắm cá linh, mắm cá trèn, mắm cá chốt, mắm cá lóc, mắm cá sặc, v.v. Mắm Châu Đốc dễ ăn, thơm và màu sắc đẹp hơn mắm bồ hóc. Mắm bồ hóc có thể nấu bún nước lèo, nấu canh rất ngon ăn cùng rau ghém, hoa lục bình, bông súng, giá sống thái nhỏ cùng với thịt cá, ốc nấu nhừ chan vào.

Hủ tiếu Nam Vang

Hủ tiếu Nam Vang có nguồn gốc từ Campuchia nhưng do người Hoa chế biến, nguyên liệu chính là hủ tiếu khô, nước dùng chính là thịt bằm nhỏ, lòng heo nấu cùng. Sau đó trụng sơ mì với nuớc dùng sau đó cho các nguyên liệu phụ vào như giá, hẹ, thịt bằm cùng lòng heo vào. Đây được xem là món ăn mà ai khi đến Campuchia cũng phải thưởng thức. Tùy theo khẩu vị của từng người, có thể thay thế lòng heo bằng tôm, cua, mực… nhưng nhất thiết phải có thịt bằm. Không giống như hủ tiếu Trung Hoa và hủ tiếu Mỹ Tho của Việt Nam, hủ tiếu Nam Vang có vị ngọt của nước lèo chính là thịt bằm nhỏ khá đặc biệt.

Hủ tiếu Nam Vang




Những món ăn đặc sản của SaPa
Những món đặc sản của Đà Lạt
Các loại bánh đặc sản Hà Nội
Những món đặc sản Thanh Hóa
Món ăn đặc sản Quảng Ngãi



(ST)