Những món đặc sản Thanh Hóa tiếng lành đồn xa
Những món ăn đặc sản của Vũng Tàu
Những món ăn đặc sản của Cao Bằng
Đến Kiên Giang, được thưởng thức những đặc sản do người dân thân thiện và vô cùng mến khách chế biến sẽ khiến ai đã một lần là nhớ mãi...
Đi thưởng thức bún cá Kiên Giang
Phần thịt cá trắng tinh, mềm dai kết hợp với nước dùng thanh ngọt đã tạo cho món ăn xứ biển Kiên Giang một sức hấp dẫn khó cưỡng.
Cùng với bún cá Châu Đốc (An Giang), bún cá Kiên Giang đã tạo thành hai thương hiệu nổi tiếng khắp các tỉnh thành miền Tây Nam bộ. Ngồi ngắm cảnh biển trong khí hậu mát mẻ của buổi sớm mai hay chiều tà, thưởng thức một tô bún cá thơm ngon, bất kỳ du khách nào cũng đều đã có lý do để quay lại Kiên Giang thêm một lần nữa.
Món ăn như một bức tranh quê được kết hợp hài hòa giữa hương và vị. Ảnh: Huấn Phan. |
Không giống món bún cá của người miền Trung được chế biến từ cá biển, bún cá Kiên Giang có nguyên liệu chính là những con cá lóc béo tròn trên các dòng sông, đồng ruộng ở đây. Theo kinh nghiệm của các hàng bún cá ở Rạch Giá (Kiên Giang), cá được lựa chọn nấu bún phải là loại có lớp da trên thân màu đen, phần bụng màu trắng, lớn bằng cổ tay người lớn. Loại cá này cho thịt thơm, dai và có vị ngọt chứ không mềm và bở như cá nuôi.
Cá sau khi làm sạch được cho vào nồi luộc chín, sau đó gỡ riêng phần thịt, xương rồi giã nát, cho vào túi lưới thả vào nồi ninh chung với các loại cá nhỏ để lấy nước dùng. Chính nhờ quá trình này nên nước dùng bún cá luôn có vị ngọt thanh tự nhiên khiến người ăn thích mê. Không chỉ có cá và nước dùng, bát bún cá Kiên Giang còn hấp dẫn người ăn nhờ phần trứng cá vàng ươm trên bề mặt. Vào mùa cá không có trứng, người dân ở đây thường lấy lòng đỏ trứng pha với tôm tươi bằm nhuyễn, đánh tơi và hấp chín. Chính thành phần này giúp món ăn không chỉ đẹp mắt mà còn ngon miệng.
Có thể nói, món ăn dân dã này như một bức tranh quê hài hòa giữa sắc và vị. Màu trắng của cá, của bún được điểm xuyết thêm màu đỏ của tôm, vàng của trứng, sắc xanh của hành lá cùng hương thơm thoang thoảng khiến du khách chỉ muốn thưởng thức ngay. Tuy nhiên, món ăn sẽ đầy đủ hơn khi ăn kèm với đĩa rau sống cùng chén nước mắm ớt nguyên chất đậm đà.
Món ăn này được bán nhiều trên các con phố ở Rạch Giá, Hà Tiên hay các vùng lân cận. Mỗi bát bún thường có giá rất mềm, chỉ từ 20.000 đồng, nên bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ăn này nếu có dịp đến Kiên Giang.
Lẩu chua sả nghệ cá nhám giàu
Cá nhám giàu có màu trắng, là tên gọi một loài cá nhám (cá mập nhỏ) của người dân Hà Tiên (Kiên Giang). Cá tương đối hiếm nên chỉ được ngư dân cung cấp cho các nhà hàng lớn hoặc người “đăng ký” trước chứ không bán tràn lan ngoài chợ.
Người Hà Tiên thường chế biến cá nhám giàu thành nhiều món ăn bổ dưỡng, rất ngon nhưng “số dzách” vẫn là nấu lẩu chua sả nghệ. Có thể nói, chỉ riêng vùng biển Kiên Giang mới có món này. Lẩu chua cá nhám giàu phải có sả băm nhuyễn nấu chung với nghệ. Cách làm này mang cung cách ẩm thực Kinh – Khmer, lại giúp khử mùi tanh cá biển. Nếu không có măng chua, me tươi, me muối, có thể nặn vào món ăn này nước cốt chanh tươi.
Khi nấu, cắt cá từng khứa từ 1-1.5cm. Không nên cắt dày hơn vì cá sẽ lâu chín, phải nấu nhiều lửa khiến “đồ bổi” nát nhừ, mất ngon. Bắc lên bếp, nồi cá sôi khoảng 5-10 phút, cho bạc hà, giá, cà chua, đậu bắp, bắp cải, măng tươi… rồi nêm chút đường. Nồi cá sôi lần nữa, múc ra tô, rắc rau ngò om xắt nhỏ với mấy lát ớt sừng. Bữa ăn chỉ cần có cơm gạo thơm nóng hổi, tô chua cá nhám giàu cùng một món mặn là ý vị lắm rồi. Ăn kèm với lẩu cá nhám giàu canh chua sả nghệ cũng có thể là đĩa bún tươi, đĩa rau muống và nước mắm trong. Lẩu cá nhám giàu canh chua sả nghệ là sự kết hợp hài hòa giữa vị chua chủ lực của món lẩu, hương vị đặc trưng của sả và nghệ, tạo ấn tượng khó quên.
Ngày thường, giá cá nhám giàu khoảng 140.000 đồng/kg nhưng có lúc lên cao ngất ngưởng. Giá cao vậy vì từ rất lâu, người Hà Tiên tin rằng cá nhám giàu là một loại cá “tâm linh”. Chữ “giàu” trong “cá nhám giàu” sẽ giúp họ làm ăn phát đạt khi thưởng thức món này trong những ngày đầu năm mới.
(Theo Dacsanmientrung)
Xôi Hà Tiên
Xôi là món ăn bình dị làm từ nếp nhiều nơi có nhưng thưởng thức món ăn này tại Hà Tiên lại khác lạ: vẻ bóng bẩy, óng ánh của xôi khiến du khách không kềm lòng được...
Xôi được nấu từ nếp thơm nên khi vừa chín đã thơm lừng. Đặc biệt, phụ nữ Hà Tiên nấu xôi rất khéo, hạt nếp chín có màu trắng ngà bóng lưỡng, thoạt nhìn đã kích thích thị giác và truyền xung thần kinh đến não tạo cảm giác thèm ăn nơi đầu lưỡi. Nếu chỉ ăn xôi không cũng thấy ngon vì mùi thơm lừng của nếp và độ vừa ăn. Xôi Hà Tiên có 2 loại ngọt và mặn. Xôi ngọt có thêm nước dừa sặc sánh và xoài chín được chế biến sền sệt như nước sốt. Bên trên để thêm chút dừa nạo sợi. Ăn vào béo ngậy, thơm tho. Xôi mặn Hà Tiên không để nhiều gia vị, thịt như các nơi khác. Xôi mặn Hà Tiên chỉ có lớp tôm khô giã sợi nhuyễn để trên bề mặt nhưng hương vị rất đậm đà. Mỗi gói xôi Hà Tiên nhỏ gọn nằm trong lòng bàn tay. Người ăn ít nhất cũng phải thấy thèm ăn thêm nữa khi đã ăn hết gói xôi.
Chuyên gia ẩm thực nổi tiếng ở Việt Nam, cô Dzoãn Cẩm Vân, nói về xôi Hà Tiên trên chương trình truyền hình về ẩm thực: “Nhu cầu ẩm thực hiện nay rất cao. Khi nghèo, người ta chỉ mong được ăn no. Khi khá giả hơn, người ta muốn ăn ngon. Và hiện nay, món ăn không chỉ ngon mà còn phải đẹp. Món ăn dù bình dân hay đắt đỏ nhưng trình bày bắt mắt lập tức hấp dẫn thực khách. Xôi Hà Tiên là một trong những món như thế. Vừa nhìn đã cảm thấy thèm ăn vì vẻ bên ngoài hấp dẫn của nó. Lần đầu tiên cầm gói xôi Hà Tiên trên tay, tôi không dám ăn vì gói xôi quá đẹp, ăn thấy tiếc. Một người trong đoàn đã mua cho tôi gói khác để ăn. Gói xôi đó tôi mang về tận Sài Gòn chỉ... để nhìn và nhớ
Sưu tầm
Nấm Tràm
Nấm tràm sau khi hái về, gọt bỏ lớp vỏ dính đất dưới chân, rửa sạch, luộc chín rồi ngâm nước lạnh hoặc trước khi chế biến thì phi tỏi với dầu ăn cho thơm, cho nấm vào xào qua, nêm muối là có thể cất vào tủ lạnh dùng dần.
Những cánh nấm chóng nở, chóng tàn, vị ngọt đắng xen lẫn, phảng phất chút hương đất trời phương Nam... Nằm ở cực Nam của đất nước, Phú Quốc được tôn vinh là Đảo Ngọc phương Nam. Với biết bao phong cảnh tuyệt đẹp còn nguyên sơ, những đặc sản độc đáo như nước mắm, hồ tiêu… và nấm tràm là một trong những đặc sản độc đáo.
Từ dãy núi Hàm Ninh, con sông Cửa Cạn chạy qua vùng trũng hình thành nên những rừng tràm phía Bắc đảo. Nhánh sông đổ ra phía Tây tại làng chài Cửa Cạn cũng là nơi có rừng tràm. Đây là những nơi nấm tràm phát triển mạnh. Những tai nấm căng tròn, màu nâu có viền màu trắng sữa.
Đã thành truyền thống, cứ sau cơn mưa, những người sống bằng nghề hái nấm bắt đầu vào rừng, dạo qua nhiều khu vực xem nơi nào nấm đã bắt đầu phát triển. Độ một tuần sau là có thể đến để thu hoạch. Giống nấm tràm mau lớn nhưng cũng chóng tàn, nên phải hái nấm trong vòng một tuần sau cơn mưa, nếu không nấm sẽ lụi tàn. Thường họ đi cả gia đình, có khi cả chục người, cặm cụi hái cả ngày đến khi những chiếc giỏ mang theo đầy ắp mới ra về.
Nấm tràm sau khi hái về, gọt bỏ lớp vỏ dính đất dưới chân, rửa sạch, luộc chín rồi ngâm nước lạnh hoặc trước khi chế biến thì phi tỏi với dầu ăn cho thơm, cho nấm vào xào qua, nêm muối là có thể cất vào tủ lạnh dùng dần. Khi trời nắng đem nấm đi phơi khô để được lâu hơn. Nấm tràm đắng. Thường thì nấm khô ăn không thơm và không ngon bằng nấm tươi. Muốn nấm bớt đắng thì nên rửa cho thật kỹ. Nấm khô phải ngâm, rửa nhiều lần cho sạch cát, sau đó luộc vài nước rồi mới chế biến. Nấm tươi cũng nên luộc nhiều lần. Khi mang ra nấu sẽ không đắng nhiều nữa nhưng về sau lại rất ngọt và mát. Nấm tràm không có cách nào làm hết chất đắng quý giá của nó được.
Canh nấm tràm ngọt và mát
Các nhà hàng ở Phú Quốc thường trữ nấm trong tủ đông quanh năm để bán cho khách phương xa ra thăm đảo như một món ăn độc đáo của người dân bản địa. Các chợ ở huyện đảo nơi nào cũng bán cả thúng lớn nấm cho khách mua.
Cách chế biến món ăn từ nấm tràm cũng đơn sơ, mộc mạc. Nấm tươi được nấu với hải sản như tôm, cá, mực. Nấm khô thì xào với bào ngư hoặc hải sâm. Có thể nấu nấm tràm với thịt gà, thịt lợn và trứng.
Ví như món gà giò luộc vừa chín tới, cho nấm tươi mới hái vào. Nồi nước luộc gà sẽ trở thành món súp nấm thơm lừng. Thịt gà thì được xé nhỏ chấm muối ớt ngon ngọt. Nhưng ngon nhất lại là những chén nước súp nấm nóng hổi. Nấm vừa chín ăn giòn, xốp càng nhai càng thấy vị ngăm ngăm đắng. Uống nước súp vị của nấm và gà lúc này mới thấy hết được cái đắng của nấm tràm.
Nấm tràm xào với tép bạc, thịt ba chỉ, tôm, mực đều là những món ăn hấp dẫn. Ở biển đảo Phú Quốc, nếu bắt được con cá rựa hoặc cá nhồng, người dân nhất định sẽ lấy thịt làm chả cá nấu với nấm. Trước khi múc ra tô, người ta đập một vài quả trứng vịt vào. Vị đắng của nấm hòa trong vị ngọt của con cá rựa, cá nhồng và vị béo của lòng trắng lòng đỏ trứng rất lạ miệng.
Giản dị như canh nấm tràm với tôm tươi và rau tập tàng. Nếu có thêm khoai lang, tô canh càng thêm thú vị. Ngoài việc làm canh thêm bùi, khoai lang còn giải chất độc có trong nấm. Cháo nấm tràm cũng là món ngon đặc sắc. Chỉ với ít tôm tươi, thịt ba chỉ, thêm thịt bò, hành, tiêu, ớt, bạn sẽ có một nồi cháo bảo đảm ngon, cay, đổ mồ hôi vì nóng.
Có thể bạn sẽ thấy hơi khó ăn, nhưng lại có người vì cái vị đắng mà thích món nấm tràm. Sau khi thưởng thức món nấm mà nhâm nhi nước trà, vị đắng của nấm lại càng đậm lưu trong vị giác.
Mùa nấm tràm lại sắp đến cùng những cơn mưa. Du lịch Phú Quốc hè này, bạn đừng quên mua ít nấm tràm về thưởng thức và làm quà cho bạn bè nhé.
Bánh thốt nốt
Du khách đến chùa Hang được trẻ em người Khmer ở đây mời mua một loại bánh đặc sản của vùng đất này: bánh thốt nốt được đặt trong những chiếc rổ tre, trông rất xinh xắn. Bánh thốt nốt là loại bánh dân dã của người Khmer Nam bộ, nay trở thành đặc sản.