Những sai lầm điển hình trong cách dạy con của cha mẹ thời nay

Giáo dục con cái luôn là một hành trình yêu thương đầy gian nan. Mỗi một thời đại, mỗi một thế hệ lại có cách nhìn nhận khác nhau về phương pháp dạy dỗ. Và trong đó, không thể tránh những sai lầm. Vậy sai lầm điển hình của các bậc cha mẹ ngày nay là gì?

 

1. NHỮNG ÔNG BỐ, BÀ MẸ SỢ CON
 

 
Cha mẹ ngày nay sợ con cái.


Bà Emma Jenner - chuyên gia nghiên cứu hành vi phát triển nhân cách trẻ đã có một thực nghiệm theo cách gọi nguyên văn của bà là “ly sữa”. Bà đã quan sát phản ứng của những người mẹ khi mang sữa đến cho các con của họ, những đứa trẻ đang tập đi. Đứa trẻ nói: "Con muốn uống trong chiếc cốc kia chứ không phải chiếc cốc này". Và thế là, đa số các bà mẹ đều phải tiu nghỉu rót sữa vào trong một cái ly khác trước khi đứa trẻ kịp ăn vạ. 

Theo bà, điều này chẳng khác gì bạn đang chứng tỏ cho trẻ thấy bộ mặt của một người mẹ sợ sệt. Ở đây, bạn mới là người có quyền. Trẻ giận dữ thì đã sao? Bạn có thể bỏ đi và thoát khỏi tiếng khóc thét của nó và thôi đáp ứng những hành vi làm hài lòng đứa trẻ. Hãy nghĩ hậu quả về sau khi những đứa trẻ này trở thành những đứa con gây áp lực với chính cha mẹ chúng. Chắc chắn, bạn cũng không muốn điều này phải không?

 

2. KHÔNG DÁM ĐÒI HỎI CON

Bạn thường có câu cửa miệng “Nó chỉ là con nít” khi con mắc lỗi. Đương nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc bạn bỏ qua lỗi lầm của con.

 

 
Đòi hỏi con hơn trong những công việc nhà.


Vậy, bạn có nghĩ mình đã lầm to. Thực chất, con nít mà bạn gọi đó có thể làm được nhiều hơn những gì bạn nghĩ chúng có thể. Bạn có thể đòi hỏi con cư xử đúng mực, lễ phép với người lớn, giúp đỡ công việc nhà và tiết chế cảm xúc… chúng đều làm được cả. Hãy hiểu rằng nguyên nhân duy nhất không thể là do cha mẹ chưa dạy hoặc chưa biết cách dạy cho con thực hành những điều đó như một cách sống. Đòi hỏi con là cách để cha mẹ nâng cao cao hơn trên nấc thang trưởng thành.

 

3. KHÔNG CHO PHÉP NGƯỜI KHÁC QUYỀN DẠY CON

Nếu như trước đây, những đứa trẻ hư, ngỗ ngược có thể được người khác nhắc nhở, chỉ dạy bất kể họ là người hàng xóm, người bán hàng, thầy cô hoặc một vị phụ huynh nào đó thì bây giờ đã xuất hiện một kiểu dạy dỗ ngược lại. 

Người được coi là người ngoài đương nhiên không có quyền đụng đến con cái của người khác. Con ai người nấy dạy. Bằng chính tư tưởng sợ thua kém người khác, nhiều cha mẹ khó chấp nhận việc người khác dạy dỗ con mình vì trong mắt họ, con cái là sản phẩm hoàn hảo nhất từ nơi họ. 

 

Cha mẹ sẵn sàng giận dữ với các thầy cô giáo vì đã phạt con họ mà quên mất phải hỏi xem con đã phạm lỗi gì và đáng hay không đáng để bị phạt.

Đáng buồn hơn, nhiều cha mẹ lại ưa đánh giá những gia đình khác. Họ sẽ dễ dàng dèm pha, chê bai khi con cái nhà kia có thói ăn vạ. Họ không đủ cảm thông để hiểu rằng việc dạy dỗ và đặt ra những đòi hỏi cho con làm theo không hề đơn giản với một đứa trẻ. Và trên hết, đó còn là việc tương tự mà chính họ cũng đã và đang phải trải qua. Những câu nói tiêu cực mang tính chê bai nhiều hơn đóng góp sẽ làm đứa trẻ kia cảm thấy tồi tệ thay vì giúp chúng thay đổi. 


 

4. TẬP CHO CON THÓI QUEN PHỤ THUỘC VÀO CÔNG NGHỆ
 

 
Những thiết bị công nghệ là thủ phạm làm thụt lùi nhân cách trẻ.


Chẳng ai có thể phủ nhận những lợi ích “giết thời gian” tuyệt vời của các thiết bị công nghệ trong mỗi lúc chờ đợi hay khi rảnh rỗi. 

Vậy nhưng, bạn sẽ giật mình khi biết chúng là thủ phạm làm thụt lùi nhân cách trẻ. Nếu đứa trẻ cần phải chờ đợi trong một khoảng thời gian nào đó, tại sao phải không tập cho chúng sự kiên nhẫn? Nếu đứa trẻ cần một trò chơi, tại sao bạn không cho trẻ được học cách chơi? Bố mẹ nào cũng muốn con thông minh? Vậy, đã bao giờ bạn nghĩ những thiết bị hiện đại kia có thể khiến chúng mụ mị không? Hoàn toàn có thể nếu bạn tập cho trẻ phụ thuộc vào máy móc.


 

5. CHƯA BIẾT NÓI 'KHÔNG' KHI CẦN THIẾT
 

 
Thỉnh thoảng hãy biết nói "không" với những nhu cầu của trẻ.


Cha mẹ ngày nay đang bảo bọc con cái quá mức. Phục vụ chúng từ A đến Z. Đáp ứng chúng bất kể ngày đêm. Ngay khi đứa trẻ đòi mua nước, người bố sẵn sàng tất tả chạy đi tìm hàng nước để mua cho con. Đương nhiên, trẻ con không có lỗi khi nó khát. Người bố cũng không sai lầm khi mua nước. Nhưng bạn có quyền được nói “không” trong một số trường hợp với đòi hỏi của con cái. Bạn thử nghĩ xem, đâu phải lúc nào trong cuộc sống bạn cũng luôn kè kè theo bé và tất yếu có những việc trẻ phải tự làm hoặc tìm cách trì hoãn nếu đó là việc có thể chờ đợi hoặc thay thế.

Bà Emma Jenner đã nói lên mối lo ngại của mình khi chứng kiến những sai lầm phổ biến này của các ông bố, bà mẹ ngày nay. Bà sợ rồi đây những đứa trẻ lớn lên sẽ thành người lớn ích kỷ, lãnh đạm, thiếu kiên trì và cư xử tồi khi cha mẹ chúng không kịp thay đổi. 

Chúng ta vẫn thường nói “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Đứa trẻ cũng như một tờ giấy, bạn không viết, thì nó còn thô sơ, bạn viết hay thì nó nên đẹp đẽ và viết sai tất nhiên nó cũng trở nên xấu xí. Hãy bắt đầu thay đổi khi con còn uốn nắn được, hãy cho trẻ biết nó còn làm được nhiều hơn và hãy cho phép chúng làm những phép thử để biết rằng một ngày nào đó chúng phải ra khỏi cái lồng chở che.