Những vấn đề khó khăn trong quá trình nuôi dưỡng

 

Một số trẻ nhỏ thuộc dạng “kén ăn”, tuy nhiên trong nhiều trường hợp điều khó khăn thực tế là ở việc cha mẹ cứ trông chờ đứa trẻ tuân theo một kiểu ăn uống không thích hợp với nó. Nếu bạn tiếp cận các vấn đề khó khăn gặp phải với sự thông cảm và một thái độ mềm dẻo, thì thường các vấn đề đó hầu như sẽ biến mất. Nếu cháu thực sự có vấn đề về ăn uống, như bất dung nạp hay hiếm gặp hơn, dị ứng với một số thức ăn, hãy đưa cháu đi bác sĩ. Đừng bao giờ tự mình thử phân tích một chứng dị ứng thực phẩm ở trẻ; con bạn có thể sẽ bị thiệt thòi nếu bạn bắt cháu phải kiêng những thực phẩm mà thực ra cháu chẳng cần phải kiêng.

NHỮNG THỨC ĂN ƯA THÍCH

Trong năm thức hai con bạn sẽ bắt đầu biểu lộ thái độ thích và không thích đối với một số thức ăn. Đối với trẻ con, có những giai đoạn chỉ ăn một loại thức ăn nào đó và từ chối mọi loại khác là một điều rất thông thường. Thí dụ, trong một tuần bé không ăn gì khác ngoàiyaourt và trái cây rồi thình lình thôi ăn yaourt và bắt đầu không ăn gì khác ngoài phomai và khoai tây tán. Bạn chẳng nên bực mình với bé về việc này và chẳng nên ép cháu ăn một số thức ăn nào đó. Chẳng có thức ăn nào là thiết yếu với con bạn cả, và bao giờ cũng có một thức bổ dưỡng thay thế cho bất cứ thức ăn nào cháu từ chối, không chịu ăn. Miễn là bạn cho cháu ăn nhiềuthức ăn đa dạng, là cháu sẽ có một chế độ ăn cân đối và thà cháu ăn cái gì cháu ưa thích - thậm chí là một thứ bạn không tán thành – còn tốt hơn nhiều là nếu cháu không ăn gì cả. Có một điều bạn nên lưu ý là nếu em bé ở tuổi lẫm chẫm biết đi từ chối không chịu ăn bất cứ thức ăn nào thuộc nhóm thức ăn đặc biệt, thí dụ bất cứ loại rau hay trái cây nào chẳng hạn. Trong trường hợp này, chế độ ăn của cháu sẽ trở nên mất cân đối, vậy bạn sẽ phải nghĩ cách gợi cho cháu thèm ăn rau và trái cây, có lẽ bằng cách nấu ăn cách khác đihoặc tưởng tượng ra cho mình một cách trình bày hấp dẫn.

Nếu bạn đã tốn thời gian chuẩn bị món ăn và rồi bé lại chẳng chịu ăn có thể bạn sẽ cảm thấy bực bội, phẫn uất rồi nổi nóng với cháu, vậy tốt nhất bạn hãy nấu món ăn nào mà bạn biết cháu sẽ thích ăn.

Chẳng nên tìm cách nguỵ trang cho một thức ăn cháu ghét bằng cách trộn lẫn một thứ gì khác hay nói với cháu rằng cháu sẽ được ăn thứ cháu ưa thích nếu cháu chịu ăn thứ cháu ghét; làm như vậy, có thể tạo cho cháu thói quen từ chối không chịu ăn cả thức ăn khác nữa. Nếu bạn đang tập cho cháu làm quen với một thức ăn mới lạ, thì nên xem trước cháu có đói bụng không đã; như vậy cháu có nhiều khả năng ăn hơn. Đừng bao giờ cố ép cháu phải ăn thức gì cháu không muốn ăn; nếu cháu nghĩ là điều đó rất quan trọng đối với bạn, cháu sẽ dùng cách này chỉ để “làm eo” với mẹ thôi.

KHÔNG CHỊU ĂN

Không chịu ăn là biểu hiện cháu có thể đang bị bệnh, nên bạn hãy quan sát cháu kỹ càng. Nếu cháu có vẻ nhợt nhạt, hay trông bực bội hay vụng về hơn bình thường, bạn hãy kiểm tra nhiệt độ cho cháu và báo cho bác sĩ nếu bạn cảm thấy lo lắng.

Thỉnh thoảng khi đã ăn nhiều quà vặt hay uống sữa trước bữa ăn, cháu có thể sẽ tỏ ra không đói bụng, ăn kém ngon hơn bình thường. Miễn là các quà vặt kia là những thứ bổ dưỡng, thì chẳng có gì đáng lo ngại cả.

Nếu cháu không chịu ăn và bạn chẳng biết được là vì lý do gì thì bạn cũng đừng băn khoăn lắm. Con bạn bao giờ cũng ăn theo nhu cầu, thực sự cần bao nhiêu, thì cháu sẽ ăn bấy nhiêu, và nếu bạn ép cháu ăn, các bữa ăn có thể trở thành một trận chiến mà bạn luôn luôn sẽ thua.

CHỨNG BẤT DUNG NẠP THỨC ĂN

Người ta phải phân biệt khả năng không tiêu hoá được hoàn toàn một số thức ăn nào đó với chứng dị ứng thức ăn thực sự là một triệu chứng hoàn toàn khác biệt và rất hiếm gặp. Chứng bất dung nạp xảy ra khi hệ thống tiêu hoá của trẻ không sản xuất được những men thiết yếu để tiêu hoá thức ăn bên trong cơ thể. Một trong những hình thức bất dung nạp thực phẩm thường gặp nhất ở trẻ em là chứng bất dung nạp đường lactose - tức là tình trạng không có khả năng tiêu hoá các chất đường trong sữa. Trong trường hợp này đó là men lactase, có thể vắng mặt ngay từ khi sinh hoặc tiến trình sản xuất của men bị một chứng rối loạn tiêu hoá như bệnh viêm dạ dày – ruột non chẳng hạn, làm cho gián đoạn. Đặc thù cho rối loạn tiêu hoá này là phân bị lợt màu, tăng khối lượng và nặng mùi. Đôi khí chứng bất dung nạp thực phẩm xẩy tới không biết rõ được nguyên nhân. Nếu con bạn thường hay bị những triệu chứng như tiêu chảy, buồn ói hay đausau khi ăn xong một thức ăn đặc biệt, thì có thể là nguyên nhân bị bất dung nạp. Cách tốt nhất là tránh cho bé ăn những thức ăn có liên quan, tuy nhiên bạn đừng tự mình thử tìm cách nhận biết thức ăn này; bạn sẽ cần lời khuyên của bác sĩ để loại trừ đúng thức ăn gây bệnh và loại bỏ các nguyên nhân khác.

DỊ ỨNG THỨC ĂN

Đa số các trường hợp bị nghi ngờ là dị ứng thức ăn, suy cho cùng thường là do bất dung nạp, hoặc một tình trạng kết hợp giữa một đứa trẻ hay khóc quấy và một bà mẹ hay quan trọng hoá vấn đề. Một trường hợp dị ứng thức ăn thực sự là hết sức hiếm gặp, và xẩy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể trẻ trải qua một phản ứng mạnh với một chất đạm hay một chất nào đó mà nó coi là “xa lạ”. Đó là một cơ chế có tính cách bảo vệ và các triệu chứng bao gồm có nhức đầu, buồn ói, ói mửa liên tục, nổi ban, những mảng da bị mẩn đỏ, và có sưng miệng, lưỡi, mặt và hai mắt.

Thoạt tiên, chất dị ứng nguyên (allerren)- là chất gây phản ứng dị ứng – có thể sinh ra những triệu chứng nhẹ, tuy nhiên, các triệu chứng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu đứa trẻ tiếp xúc lặp đi lặp lại nhiều lần với thức ăn có liên quan. Một số thức ăn thường gây ra những phản ứng dị ứng là lúa mì, tôm, cua, dâu, sô-cô-la, trứng và sữa bò.

Trong những năm 1980, các bệnh dị ứng thức ăn đã thu hút nhiều sự chú ý của các chuyên gia, người ta đã quy trách nhiệm các chứng rồi loạn hành vi trẻ em - kể cả chứnghiếu động thái quá – cho nguyên do dị ứng thức ăn. Những công trình nghiên cứu gần đây bắt đầu hoài nghi về những giả thuyết ấy: có những bậc cha mẹ vẫn tiếp tục báo cáo lại về những rối loạn hành vi của con họ ngay cả khi thức ăn bị nghi ngờ đã được loại bỏ ra khỏi chế độ ăn của đứa trẻ. Trong một vài truờng hợp người ta đã chứng minh được rằng thức ăn là nguyên nhân gây ra hành vi của trẻ, xong có nhiều trường hợp trẻ có hành vi xấu là để tìm kiếm tình thương và sự chú ý của những bậc cha, mẹ vốn hờ hững đối với con. Tôi tin rằng có quá nhiều các bậc cha mẹ muốn đổ thừa những vấn đề rắc rối về hành vi của trẻ là do thức ăn hơn là xét chính thái độ bản thân họ để tìm nguyên nhân. Trong khi đó nhiều đứa trẻ bi bắt nhịn nhiều thức ăn bổ dưỡng một cách không cần thiết.

Bạn đừng bao giờ tìm cách phân tích một trường hợp dị ứng thức ăn mà không hỏi ý kiến bác sĩ, và đừng bao giờ khẳng định là có dị ứng nếu không có chẩn đoán rõ ràng của một chuyên viên dị ��ng nhi khoa.

KHI TRẺ ĐAU ỐM

Chán ăn là một trong những dấu hiệu đau ốm đầu tiên ở một đứa trẻ, nhưng điều này không cần thiết là một lý do để lo âu, nếu đó chỉ là một căn bệnh ngắn hạn.

Trẻ phải uống nhiều nước, đặc biệt nếu cháu đã bị ói mửa, hay tiêu chảy.

Đa số các bác sĩ khuyên nên tránh các đồ uống có sữa nếu đứa trẻ bị viêm dạ dày, ruột.

Không cần thiết phải cho ăn theo chế độ ăn cho người bệnh, tuy nhiên, điều hợp lý là nên tránh những thức ăn nhiều chất béo và khó tiêu nếucháu bé bị rối loạn tiêu hoá.

Hãy cho bé ăn những thức ăn bé vẫn ưa thích để cho bé phấn khởi, nhưng cho ăn ít hơn thường lệ. Vì lẽ cháu bé đang nằm nghỉ ngơi, chắc hẳn cháu không đòi ăn nhiều hơn đâu.

Cho uống

Khi cháu bé đau ốm sức ăn của cháu có thể giảm, tuy nhiên hãy bảm đảm cho cháu uống nhiều nướcbằng cách cho cháu uống những đồ uống cháu thường ưa thích.

TUỔI MẪU GIÁO HAY TRƯỚC TUỔI ĐI HỌC

CHO ĂN NGON VÀ THƯỞNG CON

Bậc cha mẹ nào cũng biết là có những lúc nên thưởng cho bé dưới một hình thức nào đó vì đã ngoan ngoãn chịu nghe lời hoặc cho bé một điều gì đó để bù lại cho việc bé đã chịu hợp tác.

Có lẽ kẹo là một phần thưởng thích hợp nhất vì trẻ con bao giờ cũng thích kẹo. Tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy việc cho kẹo thường xuyên như một phần thưởng sẽ làm ảnh hưởng tới việc cho ăn ngọt một cách có phương pháp. Không có quy định nào quá cứng rắn và nhất đinh về việc này, và không có lý do gì để bạn không thỉnh thoảng thưởng con mình bằng kẹo, một khi cho cháu hiểu rõ đó chỉ là quà tặng mà thôi.

Tuy nhiên cũng nên đặt ra những hình thức khen thưởng khác: một hương vị yaourt cháu ưa thích, một món đồ chơi nhỏ hay một hộp viết chì mới, một buổi tắm đặc biệt kéo dài hay một câu chuyện kể lúc đi ngủ.

Tôi không tin tưởng vào biện pháp hoàn toàn loại bỏ kẹo đi vì điều này có khả năng khuyến khích trẻ ăn lén và nói dối. Tuy nhiên tôi tin tưởng vào việc chia phần kẹo vì biện pháp đó luôn luôn có kết quả với các con tôi. Nếu bạn cho phép con mình ăn một cái kẹo sau bữa trưa và một cái kẹo sau bữa tối, và khuyến khích cháu đánh răng sau khi ăn kẹo, bạn khuyến khích tính tự chủ, thói quen ăn uống lành mạnh và cách giữ vệ sinh răng miệng tốt.



(St)