Phong tục cưới hỏi của người Bana

Trai gái Ba Na đến tuổi trưởng thành đều có thể tự do chọn lựa người bạn đời mà không cần đến cha mẹ. Tiêu chuẩn chọn lựa bạn đời, đó là trung thực, khỏe mạnh, giỏi làm rẫy, trai có tài săn bắn, lấy củi, gái thạo đan lát, dệt vải. Từ lúc yêu nhau cho đến khi nên vợ nên chồng, đôi trai gái phải qua hai lễ tục bắt buộc là lễ trao vòng và lễ cưới.

Lễ trao vòng tiếng Ba Na gọi là lễ “cật rêng”, có ý nghĩa như lễ đính hôn ở miền xuôi. Khi đã thực sự yêu thương nhau, đôi trai gái về thưa với gia đình hai bên. Theo phong tục, cha chàng trai hỏi ý kiến của con trai mình, còn bà mẹ của cô gái thì hỏi ý kiến của con gái mình. Nếu đôi bên chấp thuận, nhà trai tìm người mai mối. Người làm mối tức “pơ ngai tơ roong” bao giờ cũng là đàn ông, thạo phong tục và biết ăn nói. Ông mối sẽ mời nhà gái đến nhà trai để tiến hành làm lễ trao vòng cho đôi trẻ.


Trước sự chứng kiến của hai gia đình, dưới sự hướng dẫn của ông mối, đôi trai gái lần lượt trao vòng cho nhau. Thường thì chàng trai trao cho cô gái chiếc vòng nhôm, đổi lại, cô gái trao cho chàng trai chiếc vòng đồng. Ở Kon Tum, vật đính hôn của chàng trai cho cô gái còn thêm một chuỗi hạt cườm đeo cổ. Ngoài vật đính hôn, đôi trai gái còn có thể tặng cho nhau những kỷ vật do chính tay mình làm ra. Luật tục Ba Na quy định, đôi trai gái đã qua lễ trao vòng thì không được có quan hệ yêu đương với người khác. Nếu vi phạm hoặc vì lý do nào đó muốn thoái hôn thì một trong hai bên phải nộp cho ông mối một con gà, phải trả lại vòng và bồi thường danh dự cho bên kia một con lợn ba gang và một chiếc nồi đồng bảy gang.

Lễ cưới, tiếng Ba Na gọi là “pơ koong”, thường được tiến hành vào cuối năm, nghĩa là sau mùa thu hoạch, trong tháng “khay ning nong”, tương đương với tháng 12 và tháng 1 dương lịch, đó là lúc nông nhàn, thóc lúa đã đầy kho, trâu bò đầy chuồng và gà đầy sân. Ngày cưới bao giờ cũng là ngày giữa tháng, ngày trăng tròn, ngày được coi là tốt nhất để tiến hành công việc trọng đại. Đám cưới diễn ra trọn một ngày và là ngày hội của làng.

Hôn lễ được cử hành vào buổi chiều tại nhà Rông. Lễ vật bao gồm: một ché rượu cần, một con gà với bộ gan luộc chín và một đĩa tiết sống. Trong không khí trang nghiêm, trước sự chứng kiến của dân làng và hai họ, đại diện dân làng làm lễ khấn báo với thần bản mệnh của cộng đồng, lấy tiết gà bôi lên đầu cô dâu và chú rể. Tiếp đó, ông mối cầm tay có đeo vòng của đôi tân hôn chạm vào nhau, bảo hai người ăn chung một đùi gà, một miếng gan gà, uống chung một bát rượu cúng. Già làng và ông mối chúc phúc cho đôi tân hôn.

Buổi tối, sau hôn lễ ở nhà Rông, đám cưới được tiếp tục tại hai gia đình với sự góp vui của toàn thể dân làng. Người ta quây quần bên ché rượu cần. Thức ăn thì bày lên những chiếc lá kơ pang đặt trên những tấm phên hay chiếc nong to. Cha mẹ cô dâu, chú rể đến từng ché để mời mọc và cám ơn dân làng. Trong buổi tối hôm đó, khi đám cưới đã tàn, ông mối dắt cô dâu về nhà trai, giao cho chú rể và tự tay trải chiếu cho đôi tân hôn. Trước khi đi ngủ, cô dâu, chú rể ăn chung với nhau bữa cơm đầu tiên. Ngày hôm sau, hai gia đình thông gia lần lượt mời ông mối đến nhà để cám ơn và trả công theo phong tục.

Quyền tự do hôn nhân của con cái được tôn trọng, không có tình trạng ép buộc hay gả bán. Trừ lễ vật ở nhà Rông do nhà trai chuẩn bị, còn chi phí cho bữa tiệc rượu ở gia đình nào thì gia đình ấy lo. Đây là một phong tục đẹp của cộng đồng dân tộc Ba Na./.



Bàn về phong tục và nghi lễ gắn với đời người của đồng bào Bana ở Kon Dỡng, Mang Yang



Đồng bào dân tộc Bana đã tụ cư sinh sống tương đối lâu đời ở vùng đất Kon Dỡng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. ở họ vốn có một hệ thống phong tục và nghi lễ truyền thống rất phong phú, đa dạng và độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá tộc người của riêng mình.

Do khuôn khổ hạn hẹp của bài viết, nên chúng tôi chỉ xin được bàn sâu về mảng phong tục và nghi lễ cổ truyền gắn với đời người xưa kia của đồng bào dân tộc Bana tại địa bàn mà chúng tôi vừa mới khảo sát.

Hệ thống phong tục và nghi lễ cổ truyền liên quan trực tiếp đến vòng đời người đồng bào Bana cũng có nhiều nét tuơng đồng với các tộc người khác ở vùng đất Tây Nguyên. Trong một đời người thường phải trải qua 4 giai đoạn chính: sinh - trưởng - lão - tử. Gắn liền với mỗi giai đoạn đó lại có các phong tục và nghi lễ liên quan trực tiếp được tổ chức và tiến hành rất chu đáo, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Vì vậy dân làng Đê Kơ Tu nói riêng và đồng bào dân tộc Bana ở Kon Dỡng (Mang Yang) nói chung trong đời sống phong tục truyền thống của mình cũng có đầy đủ các tục lệ như sau:

1. Tục lệ khi mang thai, sinh đẻ và nuôi con

Người phụ nữ Bana thường sinh con sau khi cưới chồng được vài ba năm. Khi người vợ biết mình đã có thai thì lập tức báo cho chồng biết để cùng nhau giữ gìn và chăm sóc cho đứa con trong bụng mẹ được chu toàn. Người vợ bắt đầu thực hiện việc ăn uống kiêng khem như: không ăn ớt vì sợ con bị đau mắt; không ăn mít, mía hoặc đồ ăn ngọt sợ con xoay trái chiều khó đẻ; không ăn chuối sợ con đau bụng; không ăn mỡ trâu hay mỡ bò, vì sợ khi trời lạnh mỡ đông lại làm con bị ngạt, (là do mỡ che lấp miệng và mũi con). Còn các món thịt, cá và các loại rau thì họ vẫn ăn như thường lệ. Thời gian đầu khi mang thai, người vợ vẫn lao động và đi lại một cách bình thường. Khi mang thai được 7-8 tháng thì người vợ giảm dần cường độ lao động, nhưng vẫn cố gắng đi lại nhiều cho dễ đẻ con sau này. Đến tháng thứ 9 sắp sinh con nên người mẹ lấy một loại lá cây rừng, mà đồng bào gọi là cây pơgang lar để ăn và xoa lên bụng cho việc sinh nở được dễ dàng thuận tiện.

Đến ngày sinh con, người vợ bắt đầu thấy đau bụng thì người chồng lập tức đi mời bà đỡ về nhà. Và anh ta chuẩn bị sẵn một lễ gồm con gà và ghè rượu để cúng mụ và trả ơn cho bà đỡ. Trường hợp đẻ khó, khi người vợ rặn mãi mà vẫn không đẻ được, thì bà đỡ cho gọi chồng vào để nắm cổ tay vợ cầu xin các thần phù giúp cho mau đẻ, và khi đó người chồng hứa sẽ giết trâu, bò hay heo gà để tạ ơn các vị thần linh. Còn khi đẻ dễ, lúc con ra bà đỡ đón lấy và dùng dao cật lồ ô để cắt rốn cho đứa trẻ, rồi tắm rửa sạch sẽ cho nó và lấy chăn ủ ấm, đặt nằm yên một chỗ, rồi chờ sau khoảng 10 tiếng đồng hồ mới được cho nó bú mẹ. Còn nhau thai được bà đỡ lấy ra gói vào manh chiếu đưa cho người chồng đem chôn ở vườn sau nhà. Sau khi vợ đẻ xong mọi việc đều suôn sẻ thì người chồng lấy một cành lá cắm ở cầu thang nhà để báo hiệu cho người lạ biết mà kiêng không vào nhà mình nữa trong vòng một tuần lễ. Người vợ sau khi sinh con xong thì mặc váy áo và đắp chăn nằm gần bếp lửa cho ấm để nghỉ ngơi cho lại sức trong vài ba ngày. Trong thời gian nằm bếp sản phụ phải kiêng không được đụng vào nồi nấu cơm, vì e sợ mình còn dơ dáy làm thần Lúa giận mà bỏ đi. Sau thời gian nằm bếp thì sản phụ tự đi ra giọt nước tắm rửa sạch sẽ, rồi trở về nhà cho con bú và làm những việc nhẹ nhàng. Việc ăn uống của sản phụ không phải kiêng khem như trước nữa. Nhưng khi ăn thịt thì phải vắt kiệt nước mỡ, vì họ e rằng mỡ ăn vào người sẽ làm máu trong bụng bị vón cục lại gây ra bệnh tật khó chữa và rất nguy hiểm cho tính mạng sản phụ.

Ngày hôm sau khi người vợ đã sinh con được “mẹ tròn, con vuông” thì ông chồng sửa soạn làm lễ cúng tạ ơn thần linh và các bà mụ. Lễ vật dâng cúng là một con gà và một ghè ruợu ngon. Sau khi chủ nhà làm lễ cúng tạ ơn thần linh xong, thì gia đình tổ chức bữa tiệc ăn mừng cho vợ chủ nhà đã vượt cạn an toàn và gặp được nhiều may mắn. Bữa tiệc mừng này chỉ mời tứ thân phụ mẫu của hai vợ chồng và bà con thân thuộc trong họ tộc đến dự chia sẻ niền vui với gia đình. Đứa trẻ được đặt tên ngay sau khi đẻ, do bố mẹ hoặc ông bà đặt tên cho. Người Bana chỉ có tên mà không có họ. (Gần đây người ta tự nhận họ là Y hoặc Đinh tuỳ theo tưng nơi, và cũng chỉ lớp thanh niên mới lớn khi đi học hoặc đi làm thì mới lấy thêm họ vào tên cho hay mà thôi. Dân làng Đê Kơ Tu cho phép thanh niên đi ra ngoài học hoặc đi làm lấy họ Đinh; Thí dụ: người con trai ở làng tên là Khua, khi ra ngoài lấy thêm họ thành Đinh Khua; còn con gái ở làng tên là Tua, khi ra ngoài lấy thêm họ Đinh, đệm là Thị thành ra Đinh Thị Tua). Việc đặt tên cho trẻ sơ sinh cần tránh đặt trùng tên với người trong cùng dòng họ, hoặc trùng tên của người đã chết. Người ta thường đặt tên cho con như sau: nếu sinh con trai thì đặt tên có âm vần với tên cha; còn sinh con gái thì đặt tên có âm vần với tên của mẹ. Và tên của người Bana nhiều khi cũng mang một ý nghĩa hay một biểu tượng đẹp nào đó trong thiên nhiên. Đứa trẻ sơ sinh sống trong điều kiện bình thường thì được bú sữa mẹ trong 3-4 tháng đầu và có ăn kèm thêm cháo loãng. Vì vậy trong thời kỳ này sản phụ phải được ăn uống đầy đủ chất để có nhiều sữa cho con bú. Và từ 6 tháng tuổi trở lên đứa trẻ đã cứng cáp hơn, nên có thể cho ăn cơm nát, hoặc nấu cháo đặc cho nó ăn. Khi đó người mẹ đã bắt đầu địu con đi làm nương rẫy một cách bình thường. Ngoài ra theo kinh nghiệm dân gian Bana, thì sản phụ ở thời kỳ đang cho con bú thường hay ăn muối và bóp muối vào vú cho có nhiều sữa. Trong trường hợp sản phụ nào không có đủ sữa cho con bú thì phải làm một việc mang tính phép thuật, mà đồng bào gọi nôm na là “đi mua sữa cây sung”. Người sản phụ đó đi tìm một cây sung, rồi lấy dao chém một nhát vào cây cho chảy nhựa ra và bà ta vừa hứng nhựa vừa nói rằng: “Tao mua sữa của mày cho con tao bú”. Sau đó sản phụ giắt vào thân cây một ít thuốc lá như để trả tiền, rồi đi về nhà lấy nhựa sung bôi vào vú mình thì may ra sẽ có sữa cho con bú. Nếu làm như vậy mà vẫn không có sữa thì nhà nghèo đành phải nhá cơm mớm cho con; còn nhà khá giả thì nhờ một sản phụ trong làng có sữa nuôi con hộ và sau này con khôn lớn thì phải trả công xứng đáng cho người ta.

Theo luật tục Bana, người con gái chưa chồng mà chửa hoang thì bị làng phạt rất nặng và khi đẻ con thì không được ở trong làng mà phải ra đẻ ngoài rừng. Nếu khi đẻ khó phải đi mời bà đỡ đến giúp, nhưng phải trả công nhiều hơn đến hàng chục lần so với người đẻ bình thường.

Theo tục lệ cổ truyền của người Bana thì đứa trẻ sau khi sinh được dăm bảy ngày gia đình phải làm lễ thổi tai cho nó. Bố đứa trẻ phải lo mua sắm lễ vật gồm heo gà và ghè rượu cần to, rồi mời bà mụ đến làm lễ thổi tai cho con mình. Bà mụ làm lễ khấn vái thần linh, rồi thổi vào tai đứa trẻ như phù phép cho nó hay ăn chóng lớn lên người. Sau đó bà mụ cho đứa trẻ ăn gan và óc gà một cách chiếu lệ. Xong việc chủ nhà mời anh em họ hàng và bà con trong làng đến dự bữa tiệc vui cùng gia đình, mừng cho đứa trẻ đã được “thành người thật”. Người ta tin rằng đứa trẻ khi mới sinh ra vẫn chưa được thành người, cho nên phải làm lễ thổi tai để nó được thành người thật. Sau lễ thổi tai độ ba, bốn ngày thì bà vợ chủ nhà mới bế con đi viếng thăm từng nhà một trong làng để cảm ơn. Khi đó bà con dân làng mới cho đứa trẻ mỗi người một thứ như: lưỡi cuốc, vài chuỗi hạt cườm, hoặc một nắm bông để dệt áo khố và chăn dắp cho nó.

Trước đây, sau ngày làm lễ thổi tai cho đứa trẻ thì người ta tiến hành xỏ lỗ tai luôn cho nó, cũng nhằm mục đích cho con mình được làm người thực sự. Đó chính là việc làm đầu tiên để thực hiện tục căng tai ở người Bana sau này. Khi đứa trẻ mới sinh được ít ngày thì họ chỉ dùi ở dái tai của nó một lỗ nhỏ, rồi luồn vào đó một đoạn tăm tre hay một khúc ngà voi nhỏ bằng hạt gạo. Đứa trẻ nào không may lúc mới sinh mà đau yếu, rồi bị chết đột ngột chưa kịp làm lễ thổi tai và xỏ lỗ tai thì coi như chưa được thành người. Vì thế nó không được làm các lễ chôn cất như những đứa trẻ bình thường khác theo tục lệ tang ma của người Bana.

2. Tục lệ khi đến tuổi vị thành niên

Xưa kia ở người Bana còn có tục cà răng cho con mình khi bước vào tuổi 13-14, bọn trẻ coi như đến tuổi vị thành niên. Đó chính là lễ thành đinh cổ xưa của đồng bào- một nghi lễ bắt buộc dành cho những đứa con trai và con gái mới lớn. Lũ trẻ chỉ có một cách duy nhất là phải vượt qua thử thách này thì mới được cộng đồng dân làng công nhận trở thành người lớn và được quyền tham gia vào các sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng dân gian của cộng đồng buôn làng. Những chàng trai sau khi đã làm lễ cà răng thì mới được đến nhà rông ngủ để làm nghĩa vụ canh giữ làng và học tập rèn luyện trí lực theo truyền thống của cha ông, và để trở thành những người đàn ông thực thụ. Họ được quyền tự do tìm hiểu và yêu đương các cô gái tài đảm, xinh đẹp trong làng. Còn các cô gái thì bắt đầu biết trang điểm làm duyên và tỏ tình yêu đương với các trai làng tài sắc và khoẻ mạnh, lập nhiều chiến công xuất sắc trong việc dựng làng và giữ làng, cũng như trong lao động sản xuất và trong cuộc sống.

Theo các già làng Đê Kơ Tu kể rằng tục cà răng ở đồng bào vốn có cơ sở để tồn tại lâu dài trong văn hoá tộc người Bana, đó là khiếu thẩm mỹ đơn giản về cái đẹp rất cổ xưa của đồng bào, khi người thanh niên có hàm răng duyên dáng là một hàm răng được cưa bằng từ 4-6 răng cửa của hàm trên. Đồng thời theo tín ngưỡng dân gian của đồng bào Bana thì người nào không cà răng khi chết linh hồn của người đó không được trở về với thế giới của tổ tiên. Mặt khác, đồng bào duy trì tục cưa răng để được giống răng của con trâu. Tương truyền trâu là con vật linh thiêng được người Bana tôn thờ làm vật tổ của bộ tộc mình từ thời xa xưa.

Theo phong tục cổ truyền thì đồng bào Bana thường làm lễ cà răng cho lớp thanh niên mới lớn vào dịp cuôí năm lúc nông nhàn. Và họ làm theo quy mô từng nhà đối với lũ trẻ đến tuổi vị thành niên. Họ cho mời người có kinh nghiệm trong việc cà răng đến nhà làm và chuẩn bị lễ vật gồm một con gà và một ghè rượu để cúng Yang (Giàng),và để trả công cho người làm. Sau khi đã chuẩn bị xong thì người bị cà răng nằm ngửa và há miệng ra. Còn người làm thì quỳ ở phía trên đầu và kẹp chặt hai đầu gối vào đầu đương sự, rồi ông ta cầm hòn đá mài nhám cà đều tay vào 6 chiếc răng cửa hàm trên đến khi nào mòn bằng lợi mới dừng lại. Công việc này phải tiến hành chừng một, hay hai tiếng đồng hồ mới hoàn tất. Khi cà răng xong, thì người nhà đỡ đương sự dậy và đưa nước sạch để súc miệng cho hết máu và dãi rớt. Trong mấy hôm đầu người này bị đau đớn, miệng sưng to không ăn được cơm và chỉ húp chaó loãng. Sau độ một tuần sẽ đỡ đau dần, thì mới tiến hành nhuộm răng. Người Bana thường lấy cây rang về đốt ra nhựa đen như nhựa đường, rồi đem bôi lên răng vào lúc sau bữa ăn hàng ngày. Độ chừng nửa tháng thì người bị cà răng có một hàm răng đen bóng. Trước đây, cho dù việc cà răng làm cho người ta rất đau đớn, nhưng mọi người vẫn sẵn sàng làm một cách tự nguyện. Không một ai dám cưỡng lại, vì họ rất sợ bị thần linh trừng phạt và bị dân làng cùng bạn bè chê cười, bỏ rơi không lấy được vợ, hoặc không lấy được chồng. Ngày nay tục cà răng và căng tai đã bị loại bỏ ra khỏi đời sống cộng đồng của đồng bào dân tộc Bana nói chung và dân làng Đê Kơ Tu nói riêng. Dấu vết chỉ còn sót lại ở một số người già cao niên trong làng mà thôi.

3. Tục lệ cưới xin và những tục lệ trong quan hệ gia đình


Trước đây những chàng trai và các cô gái dân tộc Bana, sau khi đã làm lễ cà răng được vài ba năm thì được phép tự do tìm hiểu nhau. Có lẽ tuổi dựng vợ gả chồng ở họ, thường vào khoảng độ tuổi mười tám, hoặc đôi mươi. Vì theo đồng bào, thì cách tính tuổi của con người trước đây được tính từ lúc sinh ra theo bao mùa rẫy; nên không được chính xác cho lắm. Trai gái thường tìm hiểu nhau trong lễ hội bỏ mả, hoặc vào dịp ăn tết cơm mới. Nếu đôi nào ưng nhau thì về báo cho cha mẹ biết để lo việc cưới xin cho đôi lứa nên duyên vợ chồng. Cha mẹ của chàng trai nhờ người làm mối đến nhà cô gái bắn tin ướm thử cho chắc chắn thêm. Được cha mẹ cô gái ưng thuận và chính bản thân cô ta đồng ý, thì ông (hay bà) mối về báo tin cho nhà trai biết. Ngay lập tức chàng trai liền gửi một vòng chỉ và một chuỗi hạt cườm cho cô gái đeo vào cổ, qua người mối lái để làm tin. Đồng thời cô gái cũng trao lại những vật tương tự như thế để chàng trai đeo làm vật tin. Những vật làm tin này được họ giữ lại để làm kỉ niệm cho đến khi cưới và lúc sinh con đầu lòng thì đeo luôn cho nó. Nếu chẳng may có gì trục trặc không cưới nữa, thì họ trả lại cho nhau những vật tin này.

Bước tiếp theo nhà trai nhờ ông (bà) mối chọn ngày lành tháng tốt đem lễ vật gồm: một con gà và một ghè rượu cần, sang nhà gái làm lễ ăn hỏi. Vào đúng ngày ăn hỏi tại nhà gái lúc 7-8 giờ tối có mặt đủ tứ thân phụ mẫu của đôi trai gái, cô dâu và chú rể tương lai cùng đại diện của hai họ, dưới sự chủ trì của ông mối. Khi đó ông mối làm lễ cúng thần linh cầu cho đôi lứa yêu thương nhau suốt đời và sống với nhau đến đầu bạc răng long. Rồi ông chính thức tuyên bố cho chàng trai và cô gái lấy nhau nên duyên vợ chồng, trước sự chứng kiến của hai bên gia đình. Sau đó một bữa tiệc mừng của nhà gái tổ chức chiêu đãi ông mối và những người đại diện của hai họ có mặt trong buổi lễ ăn hỏi. Trong bữa tiệc này hai bên gia đình cùng nhau bàn bạc để đi tới thống nhất việc tổ chức đám cưới cho đôi lứa. Nhà trai và nhà gái đều tự nguyện đóng góp tiền của vật chất cho đám cưới tuỳ theo khả năng kinh tế của mình, chứ không có sự thách cưới, hoặc bắt buộc bên nào phải lo nhiều hay ít. Dân làng Đê Kơ Tu cũng như đồng bào Bana ở Kon Dỡng vẫn duy trì tục lệ cưới xin khá thoáng. Đó là một trong hai nhà trai hay gái, nhà nào có điều kiện hơn thì có thể đứng ra tổ chức đám cưới cũng đều được chấp nhận, dân địa phương gọi là nhà xin cưới. Tất nhiên đám cưới của đôi trẻ sẽ được tổ chức ở nhà xin cưới. Còn nhà kia có thể đóng góp thêm tuỳ theo khả năng của mình. Đám cưới của nhà giàu có mổ trâu, giết heo, vài con gà và hàng chục ghè rượu cần. Còn đám cưới của những nhà bình dân thì chỉ mổ heo giết gà và 4-5 ghè rượu cần. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho đám cưới xong, thì nhờ ông mối chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới và thông báo cho hai bên họ nhà trai và họ nhà gái biết để tới dự cho đông đủ.

Vào tối hôm trước ngày cưới, ông mai tiến hành làm lễ tơ hồng kết duyên cho đôi trai gái ở tại nhà xin cưới. Tại đây người ta sửa soạn sẵn một ghè rượu cần có cắm hai chiếc cần trúc. Vì vậy dân làng còn gọi nôm na đây là lễ uống rượu thề của đôi trai gái. Ông mai tiến hành làm lễ cúng Yàng, rồi cầu khấn cho đôi lứa hạnh phúc trăm năm. Đôi trai gái ngồi đối diện tay cầm lấy cần rượu và trao cần cho nhau, rồi ngậm cần uống một ngụm rượu và ăn một miếng gan gà. Sau đó đôi trai gái phải hứa hẹn thề sống trọn đời bên nhau. Nếu một trong hai người bỏ vợ, hoặc bỏ chồng thì sẽ bị phạt như đã hứa trước thần linh và đã có ông mai làm chứng. (Nếu hai người cùng hứa: ai vi phạm thì phải phạt bao nhiêu con trâu, bò, heo, gà và nhiều ghè rượu… cho người bị bỏ. Sau này nếu có xảy ra chuyện gì, thì già làng lấy đó làm căn cứ để trách phạt bên vi phạm).

Đến ngày cưới, thì lễ thành hôn được tổ chức long trọng tại nhà xin cưới. Họ hàng đôi bên gia đình nhà trai và nhà gái, cùng toàn thể bạn bè thân hữu và bà con xóm giềng đều có mặt đông đủ để chúc mừng hạnh phúc của cô dâu và chú rể. Mọi người đến dự đều mang theo đồ mừng như: một vài cân gạo, một con gà hay một ghè rượu, hoặc một ít trái cây… Gần đây đồ đi mừng đám cưới của đám thanh niên trong làng đã có xu hướng thay bằng tặng phẩm. Sau khi mọi người đến dự đã đông đủ, thì ông mai dẫn đôi vợ chồng trẻ tới chỗ để mâm có bày sẵn hai cái đùi gà và hai nắm cơm nhỏ. Rồi ông mai trao cho mỗi người một phần gồm có 1 đùi gà và 1 nắm cơm, và làm lễ khấn thần linh ban sức khoẻ và hạnh phúc cho đôi lứa. Sau đó hai vợ chồng đổi phần ăn cho nhau và cùng ăn mở đầu cho bữa tiệc cưới. Khi ấy tất cả mọi người có mặt cùng lên tiếng chúc mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ, rồi họ cùng nhau ăn cỗ, uống rượu cần và chuyện trò vui vẻ đến tận chiều tối mới tan cuộc ra về.

Tối hôm tân hôn đôi vợ chồng mới cưới ở tại nhà xin cưới để làm lễ động phòng. Vào lúc 7-8 giờ tối, ông mối lấy chiếu mới ra trải xuống một góc sàn nhà, nơi định làm chỗ ngủ cho đôi vợ chồng mới cưới. Sau đó đưa vợ chồng trẻ đến đó nằm, rồi người làm mối lấy chăn của hai vợ chồng vò lẫn với nhau và đắp cho hai người: chăn của vợ đắp cho chồng, chăn của chồng đắp cho vợ. Hai vợ chồng nằm yên khoảng 10 phút, rồi dậy mỗi người ra một chỗ. Đêm hôm đó họ vẫn còn ngượng ngùng chưa dám ngủ chung với nhau; Và kể từ đây họ tiếp tục sống ở đó một thời gian độ một vài năm. Sau đó đôi vợ chồng trẻ lại qua sống ở nhà bên kia một khoảng thời gian tương tự. Và cứ như vậy, họ sống luân phiên hết ở bên nhà bố mẹ vợ thì lại qua ở bên nhà bố mẹ chồng, cho đến khi họ có khả năng kinh tế vững, thì họ tách ra làm nhà ở riêng. Trên thực tế có nhiều đôi vợ chồng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sau khi lấy nhau đẻ được một, hai đứa con mà họ vẫn chưa thể làm nhà ra ở riêng, thì họ vẫn phải tiếp tục sống luân phiên ở cả hai bên gia đình vậy. Thường thì người con trai trưởng trong gia đình của người Bana khi lấy vợ và sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với gia đình nhà vợ rồi thì được phép đưa vợ con về ở hẳn nhà của bố mẹ đẻ ra mình, được thừa hưởng toàn bộ gia sản của bố mẹ, nhưng phải có nghĩa vụ nuôi nấng và chăm sóc cha mẹ đến trọn đời. Đôi khi cũng xẩy ra trường hợp nhà gái neo người, hoặc cha mẹ già yếu thì họ hàng bên nhà gái cùng nhau đóng góp tiền của lại để xin cưới lấy chàng trai về ở rể. Vì theo lệ làng, bên nào xin cưới phải chịu mọi phí tổn cho đám cưới, thì bên đó được lấy người về ở nhà mình trước, trong thời hạn vài ba năm tuỳ theo việc thoả thuận giữa hai gia đình. Trong trường hợp trai gái ở hai làng khác lấy nhau thì phải tổ chức lễ cưới ở cả hai bên gia đình. Nhưng đám cưới sẽ được tổ chức trước ở bên nhà xin cưới. Sau độ nửa tháng thì tổ chức cưới lại ở nhà bên kia. Trong khoảng thời gian này thì chỉ có người làm mai mối được phép đi lại giữa đôi bên để làm tròn bổn phận của mình theo lệ làng đã qui định.

Hiện nay người Bana tuy theo chế độ phụ hệ, nhưng vẫn còn nhiều tàn dư của mẫu hệ trong các sinh hoạt phong tục và tín ngưỡng dân gian. Trong tục lệ cưới xin của họ tuy đã nghiêng hẳn sang phụ hệ, nhưng chưa hoàn toàn thắng thế như đã trình bày ở trên. Nhìn chung trong việc hôn nhân của người dân địa phương,thì khi trai gái đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu và yêu thương nhau. Sau khi đôi lứa ưng lấy nhau thì nhờ người mai mối để tiến hành lễ ăn hỏi. Và tiếp theo là hai gia đình nhà trai, nhà gái tiến hành tổ chức đám cưới cho đôi lứa nên vợ, nên chồng. Luật tục về cưới xin của đồng bào dân tộc Bana không đến nỗi nghiêm khắc cho lắm, nhưng có những điều khoản rất cụ thể không cho phép bỏ nhau một cách vô cớ. Chẳng hạn các đôi vợ chồng không được tự tiện bỏ nhau, nếu ai cố tình bỏ vợ (hay bỏ chồng) thì làng phạt rất nặng. Đây là một hình thức phạt dựa trên điều khoản đã hứa của hai vợ chồng trong lễ tơ hồng trước thần linh và có ông mối làm chứng. Có lẽ trong phút giây thiêng liêng nhất cuộc đời và trong lúc tâm trạng bối rối, lại được ông mối mớm lời nên đôi trai gái cứ việc hứa cho xong; nào ngờ đó là điều giàng buộc rất chặt chẽ về sau này vì đã lỡ lời chót hứa trước thần linh mất rồi. (Ví dụ như có đôi vợ chồng hứa rằng: Nếu như ai bỏ vợ; hoặc bỏ chồng thì phải nộp phạt 3 trâu, 3 dê, 3 heo, 5 gà và 10 ghè rượu cần cho người bị bỏ). Như vậy hình phạt này tuy là tự nguỵên, nhưng rất nặng mang tính chất răn đe là chủ yếu; và đã có ý nghĩa tích cực nhằm duy trì hạnh phúc của nhiều thế hệ các gia đình trong buôn làng. Do vậy đã giảm thiểu các sự vụ vợ chồng bỏ nhau. Hiện tượng vợ bỏ chồng hay chồng bỏ vợ ở dân làng Đê Kơ Tu nói riêng và ở người Bana nói chung là rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên trong buôn làng vẫn duy trì tục lệ cho phép vợ chồng li dị nhau khi có những lí do chính đáng như: vợ hoặc chồng phạm tội loạn luân hay quan hệ bất chính, chửi mắng cha mẹ chồng, hay cha mẹ vợ; vợ chồng đánh lộn nhau kéo dài; hoặc do vợ hay chồng lười biếng không làm tròn bổn phận của mình..., thì được các già làng xem xét và giải quyết. Mọi người dân trong làng đều có quyền xin li dị, khi trong gia đình có chồng hay vợ phạm vào những lỗi vừa nêu. Khi ấy người xin li dị có thể kiện lên chủ làng. Chủ làng nhận được đơn kiện thì lập tức họp các già làng lại và có mời cha mẹ của hai bên cùng người làm mai mối đến nhà rông để nghe phân xử. Sau khi nghe các đương sự trình bày rõ thêm sự tình, thì các già làng cũng cố gắng tìm cách để hoà giải. Tuy nhiên người thưa kiện vẫn đưa ra những chứng cớ rõ ràng và kiên quyết đòi li dị thì chủ làng ra quyết định đồng ý cho họ được li hôn. Nếu gia đình chưa có con thì của cải chung được chia đều cho hai vợ chồng, mỗi người một nửa. Còn số của cải của riêng mỗi người thì không tính, của ai nấy dùng. Trong trường hợp đối với gia đình đã có nhiều con thì chúng muốn ở với ai cũng được; riêng trường hợp đứa con còn đang bú thì người mẹ phải nuôi, của cải chung của hai vợ chồng được chia đều cho tất cả mọi thành viên trong gia đình. Ví dụ: trong gia đình có 2 vợ chồng và 4 con, thì của cải được chia ra 6 phần bằng nhau cho 6 người. Khi vợ chồng li dị rồi, thì con cái muốn ở với ai cũng được và người đó có trách nhiệm giữ gìn luôn số của cải này cho con.

Ngoài ra, người ta còn nghiêm cấm người trong cùng họ tộc lấy nhau. Nhưng có thể vẫn xảy ra trường hợp khi trai gái tự do tìm hiểu và yêu thương nhau lại không biết chúng có họ hàng xa với nhau. Khi chuẩn bị cưới hỏi mà hai bên gia đình phát hiện là có họ hàng với nhau thì không được cưới và phải chia tay nhau ngay. Nếu đôi trai gái này vẫn cố tình quan hệ với nhau như trước thì làng bắt phạt 1 con trâu và hàng chục ghè rượu. Sau khi nộp phạt đủ cho làng thì có thể cưới nhau được. Điều này cũng hiếm khi xảy ra, vì chẳng ai dại gì mà làm bậy khi đã được gia đình và cha mẹ chỉ bảo, nếu cố tình thì đôi trai gái này cũng không lấy đâu ra trâu, rượu ghè để nộp phạt cho làng. Những trường hợp quan hệ bất chính thì làng đều phạt rất nặng, ví như: bố chồng ngủ với con dâu; hoặc mẹ vợ ngủ với con rể thì phạt 3 trâu, 3 bò (hay dê), 3 heo và hàng chục ghè rượu cần lớn. Con gái chửa hoang với người trong họ thì bị phạt nặng gồm 1 trâu, 3 heo và hàng chục ghè rượu. Con gái chửa hoang với người ngoài họ thì bị phạt 3 dê, 3 heo và nhiều ghè rượu. Khi làng chuẩn bị tổ chức một nghi lễ quan trọng hay tổ chức một lễ hội nào đó để cúng Yàng, mà dân làng phát hiện ra có kẻ chưả hoang thì phải hoãn lại lễ cúng vào ngày khác, để tiến hành xử lý kẻ vi phạm theo luật tục của làng. Tuy nhiên hội đồng già làng có xem xét và giảm nhẹ bớt hình phạt đối với kẻ phạm tội khi đã tự giác khai báo với làng. Nếu trường hợp kẻ chửa hoang không ai biết và báo cho làng hay thì làng vẫn tổ chức lễ cúng bình thường như đã định. Nhưng sau đó mà làng mới phát hiện ra thì kẻ vi phạm lệ làng theo qui định sẽ bị phạt rất nặng gấp 2-3 lần, thậm chí có thể bị đuổi ra khỏi làng. Nếu dủi chẳng may năm đó dân làng bị tai hoạ như lũ lụt, hoả hoạn cháy nhà rông hay cháy nhà dân, dịch bệnh hay mất mùa, thì người ta điều qui về nguyên nhân chính do trong làng có kẻ phạm vào tôị loạn luân làm cho Yàng nổi giận trừng phạt dân làng. Do đó kẻ phạm tội này phải nộp phạt rất nặng như lệ làng đã quy định, để già làng làm lễ cúng tạ tội với Giàng và cúng cầu an cho cả làng. Vì vậy, trước khi làng định tổ chức lễ hội lớn thì hội đồng già làng ra thông báo cho toàn thể dân làng biết, để kịp thời phát hiện kẻ phạm tội chửa hoang, hay loạn luân; hoặc cho phép kẻ đó tự giác đến nhận tội với già làng, để được xử phạt theo lệ làng với chế độ cho hưởng sự khoan hồng và làng có thể giảm bớt cho số trâu, bò hay dê, heo và rượu ghè khi nộp phạt cho làng theo lệ định. Tuy nhiên những hình phạt vừa nêu cũng nhằm mục đích răn đe và ngăn chặn là chủ yếu; Và trên thực tế đã đem lại kết quả khả quan là rất hiếm người phạm vào các loại tội trên. Vì mọi người dân trong làng đều nhận thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trước cộng đồng buôn làng. Mặt khác do sự xử phạt của già làng về những tội này là rất nghiêm minh, làm cho những kẻ dù có ham muốn cũng phải từ bỏ ngay ý định, và không dám phạm vào tội lỗi để bị phạt nặng, khó có khả năng chịu nổi và bị dân làng chê cười nhục nhã cả đời.

Xưa kia đồng bào vẫn duy trì tục nối dây đối với những người chồng goá vợ, hoặc những người vợ goá chồng, chỉ trừ những người goá bụa bệnh tật, ốm yếu hay quá cao tuổi. Do đó những người goá bụa đều có thể lấy lại chồng hay vợ khi đã làm xong lễ bỏ mả cho người đã khuất. Trường hợp chưa làm lễ bỏ mả mà người goá bụa muốn lấy lại chồng hay vợ thì phải sửa lễ vật gồm heo, gà và rượu ghè, rồi xin phép anh em họ hàng bên người đã khuất được làm lễ khấn xin người chết cho phép được cải giá. Tục nối dây của đồng bào Bana cho phép người đàn ông chết vợ được lấy chị hoặc em ruột vợ của mình, ngược lại cho phép người đàn bà chết chồng được lấy anh hoặc em ruột chồng của mình. Nhưng việc này cũng còn phụ thuộc vào sự đồng thuận của cả đôi bên. Người ta phải tiến hành một nghi lễ như sau: Người đàn ông goá vợ, sau khi đã làm lễ bỏ mả cho vợ xong, thì phải sửa soạn lễ vật gồm một con gà và một ghè rượu dọn sẵn ở tại nhà mình, rồi cho mời các chị em đằng vợ đến. Khi đó người đàn ông goá bụa vứt một miếng thịt gà và đổ một ít rượu ra sàn nhà, rồi khấn linh hồn của người vợ đã khuất, và xin hồn ma đồng ý cho mình được đi lấy vợ khác. Sau đó ông ta cầm lấy một chiếc cần rượu, rồi nói với các chị em đằng vợ rằng: “ Nếu ai thương mình thì ra bẻ chiếc cần rượu này! ”. Khi đó nếu có chị em nào ưng thuận thì lên bẻ cần rượu ngay và từ đó chính thức trở thành vợ của người đàn ông đó. Trường hợp đối với người đàn bà goá chồng cũng phải tiến hành một nghi lễ tương tự như thế để lấy lại chồng là một trong số các anh em của người chồng quá cố. Đó chính là tục nối dây của đồng bào Bana vẫn được duy trì tại một số buôn làng trong những năm gần đây. Có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà lịch sử đã để lại một vài dấu vết cổ hủ, lạc hậu trong tục lệ về quan hệ hôn nhân và gia đình, cần phải được nhanh chóng loại bỏ ra khỏi đời sống văn hoá xã hội hiện nay ở các buôn làng của đồng bào Bana nói chung.

4. Tục lệ tang ma

Đồng bào Bana quan niệm rằng, ở con người ta có hai phần: phần linh hồn (pơngol) và phần thể xác (akao), kết hợp lại mà thành một người sống bình thường. Và họ tin rằng sự sống của người ta là do linh hồn quyết định. Do vậy một người sống bình thường thì hồn phải luôn ở cùng với xác. Còn khi hồn lìa khỏi xác thì người ta sẽ chết. Nhưng họ lại cho rằng chết không phải là đã hết, mà chết là khi hồn lìa khỏi xác sang “sống” ở một thế giới khác của ma quỷ, hay là thế giới của những người đã chết. Sau khi một người bị chết, thì những người còn sống mang xác và của cải của người đó ra chôn ở bãi tha ma ngoài rìa làng phía tây. Khi đó linh hồn của người chết cũng theo ra đó mà trú ngụ. (Người Bana cũng quan niệm rằng, ở con người ta có 3 hồn gồm: 1 hồn chính và 2 hồn phụ. Hồn chính ở trên đỉnh đầu chỗ xoáy tóc (pơngol sok uch), là nguyên khí của con người. Nếu hồn chính ở nguyên trên đỉnh đầu thì người ta sống, còn nó lìa xa khỏi đầu thì người ta chết. Còn hai hồn phụ chỉ làm phận sự giúp việc cho hồn chính khi cần thiết mà thôi). Tại đây, hai hồn phụ thường hiện lên gây ồn ào, hoặc tung ném đất đá doạ dẫm những người yếu bóng vía. Chúng ở đó sau một thời gian khoảng vài chục năm thì hoá thành nước sương mù và tan biến đi. Trong khi đó, hồn chính ở lảng vảng quanh khu vực nghĩa địa cùng với những hồn ma khác của người vừa mới chết. Đồng bào gọi nôm na đó là “làng ma mới”.

Sau khi xác người chết được chôn cất tử tế ở ngoài nghĩa địa, thì nó được người nhà chăm sóc rất chu đáo như lúc còn sống. Người ta làm nhà mả để che mưa che nắng và đốt lửa cho ấm vào những ngày mưa rét. Hàng ngày người nhà đem cơm nuôi mả đều hai bữa cho đến khi làm lễ bỏ mả mới thôi. Vì khi đó người sống mới phải tiến hành chia của cho người chết lần cuối cùng, và bỏ luôn không phải bận tâm đến như trước nữa. Từ đó người chết rời bỏ nghĩa địa đi ở hẳn một nơi mà đồng bào gọi là “mang lung”, (như cõi âm phủ trong quan niệm của người Kinh vậy).

Nghĩa địa của dân làng Đê Kơ Tu nằm ở phía tây nam ngoài xa làng. Tại đây làng chỉ cho chôn cất những người chết do già yếu, hoặc những người chết do bệnh ốm đau một cách bình thường. Những người chết như vậy, thì được người địa phương coi là chết tốt. Còn những người chết đột ngột hay còn gọi là đột tử, như bị chết đâm, chết chém, chết vì hổ beo ăn thịt, thắt cổ chết, đàn bà chết do đẻ khó, trẻ sơ sinh chết khi chưa kịp làm lễ thổi tai…, hoặc người lạ chết trong làng, thì đều phải đem ra chỗ khác để chôn cất, không được chôn vào nghĩa địa của làng. Những người chết như vậy thì dân làng đều gọi là chết xấu. Người ta còn tin rằng những người chết xấu đều do hung thần bắt phải chết để làm tôi tớ cho chúng. Nên họ không được vào ở chốn mang lung để về với thế giới của Tổ tiên. Vì vậy người ta không phải làm lễ chôn cất và chia của cải cho những người chết xấu nữa.

Khi gia đình nào trong buôn làng có người chết tốt, thì lập tức báo ngay cho dân làng biết để mọi người đến giúp. Tin buồn được lan truyền nhanh chóng, mọi người khẩn trương kéo đến nhà có người chết, rồi họ phân công nhau làm những công việc như: Làm hòm chôn người chết, làm đòn khiêng người chết, làm nhà mồ và đào huyệt... Một số người khác đảm nhiệm việc giết mổ trâu bò hoặc heo gà và nấu nướng bếp núc phục vụ tang lễ. Còn đám con trai, con gái đem cồng chiêng ra đánh nhạc đám ma và múa điệu soang đưa ma. Họ múa nhảy vòng quanh nhà người chết theo chiều ngược chiều kim đồng hồ.

Dân làng Đê Kơ Tu có tuổi thọ trung bình khá cao từ 65-70 tuổi. Nhưng dân làng vốn có thói quen là cứ đến 40 hoặc 50 tuổi đã chuẩn bị sẵn cho mình một chiếc hòm quan tài làm bằng thân cây gỗ to, đục rỗng có nắp đậy chắc chắn và đem về ngâm xuống chỗ khe suối gần nhà. Khi ông bà hoặc cha mẹ mất thì con cháu nhờ người ra vớt chiếc hòm này lên, rồi sửa sang lại cho đẹp và khiêng ra nghĩa địa, chờ đào xong huyệt thì hạ xuống đó sẵn sàng. Một nhóm người khác của làng, thì đi vào rừng lấy gỗ và tranh tre về làm nhà mồ, nhưng mái chưa lợp vội, chỉ dựng khung và dui mè và đánh tranh để đó chờ khi chôn xong mới lợp mái.

Theo tục lệ của làng thì người chết chỉ được để ở trong nhà một hai ngày, chờ mọi công việc chuẩn bị đã xong xuôi và chờ con cháu ở xa kịp về chịu tang. Chẳng hạn, người chết hôm nay thì chiều mai đã phải đem chôn mới đúng lệ làng và hợp vệ sinh. Vào buổi sáng hôm đưa ma, thì nhà có tang cho mổ trâu bò hoặc lợn gà. Sau đó người ta lấy mỗi con vật một ít đủ các bộ phận đem hơ qua lửa cho khô. Và luộc thêm một quả trứng gà và nấu một nồi cơm, bày một ghè rượu để chủ nhà cúng ma người chết. Sau đó người làm chủ tang lễ lấy mỗi món một ít đút vào miệng người chết, số đồ ăn còn dư thì gói lại, rồi đem đặt vào giữa hai bắp đùi của người chết. Tiếp theo đó ông ta làm lễ cúng khấn linh hồn người chết, đại khái khấn rằng: “Ông (bà) hãy thương lấy con cháu mà đi về nơi mang lung và đừng bao giờ quay về để báo hại con cháu nữa...”. Khấn vừa xong thì cả đám con cháu và người thân cùng oà lên than khóc nức nở. Khi đó người làng và người làng bên mới lên nhà để liệm xác chết lại, bằng cách quấn chăn ở trong và buộc chiếu ra ngoài. Những thứ đồ dùng hàng ngày của người chết như: tẩu thuốc lá, tên ná, gùi, khung dệt và các đồ bà con cúng điếu, cùng của cải chia cho người chết như: chiêng, ghè, nồi.v.v... đều được người nhà mang cả ra nhà mồ.
Sau khi liệm xong thì người ta chuyển thi hài xuống và đặt lên đòn khiêng theo tư thế đầu ngoảnh về hướng đông. Khi đó các trai làng đã có mặt để khiêng, họ đi vòng tròn quanh linh cữu và dàn cồng chiêng đám ma tấu lên một bài nhạc buồn tiễn đưa linh hồn ngươì chết về nơi chín suối. Rồi cả đám đông dàn đội hình đưa tiễn người chết về nơi an nghỉ cuối cùng ngoài nghĩa địa. Dẫn đầu là tốp trống chiêng vừa đi vừa tấu nhạc đưa ma. Tiếp theo là nhóm người khiêng linh cữu người chết, đi liền sau là người nhà và họ hàng thân thuộc vừa đi vừa than khóc thảm thiết. Đi theo sau là bà con xóm giềng trong buôn làng và những người thân quen ở làng bên đến đưa tiễn người quá cố. Nếu người chết là đàn ông thì đám tang khi đi qua nhà rông, người ta khiêng linh cữu người chết đến đặt dưới chân cầu thang nhà rông, rồi dàn chiêng trống tấu lên bài nhạc buồn vĩnh biệt, như có ý nhắc lại kỉ niệm thời trai trẻ của người quá cố đã từng sinh hoạt và ngủ cùng lũ trai làng ở nhà rông. Sau đó đám tang lại tiếp tục dàn đội hình như cũ và tiến thẳng ra nghĩa địa. Khi đến nơi thì dàn trống chiêng tấu lên bài nhạc buồn vĩnh biệt và làm lễ hạ huyệt. Người ta khiêng thi hài đặt xuống quan tài, lúc đó người nhà và bạn bè lại oà lên khóc nức nở một hồi lâu để vĩnh biệt người quá cố. Sau đó người ta đậy nắp quan tài lại và đặt lên trên đầu hòm một chiếc ghè đã đập thủng đáy để cho đồ ăn khi nuôi mả, rồi lấp đất xuống huyệt cho đầy lên làm thành nấm mồ cao khoảng 30-40 cm và lấy gỗ, ván đòn khiêng quây xung quanh chân mộ cho đất khỏi sệ xuống. Đắp mộ xong thì người ta mới lợp mái và che vách xung quanh thành cái nhà mồ hoàn chỉnh, rồi đưa vào đó những thứ đồ dùng và của cải chia cho người chết. Người ta bày biện những thứ đồ đạc này của người chết khá ngăn nắp, như thể người đó vẫn đang sống trong căn nhà thân quen của mình vậy. Trong khi đó dàn cồng chiêng tấu nhạc rộn rã để cho đám con gái múa các điệu soang đưa ma quanh nhà mả. Mọi việc đã hoàn tất khi mồ yên mả đẹp, thì bà con dân làng đưa người nhà tang chủ về làng. Sau khi mọi người giúp việc cho đám tang ma đã trở về nhà tang chủ đông đủ, thì tang chủ mời họ ăn bữa cơm thân mật chia buồn với gia đình, để bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với họ. Người ta vừa ăn uống, vừa bùi ngùi nhắc lại những kỉ niệm về người quá cố, và cứ như vậy bữa ăn kéo dài đến tận khuya mới tan cuộc.

Sang ngày hôm sau, người nhà của người chết đều cắt tóc để tỏ lòng tiếc thương vô hạn và cùng kéo nhau ra nghĩa địa dọn dẹp quanh nhà mả cho sạch sẽ, rồi kiếm cây que làm hàng rào bảo vệ quanh nhà mồ, không cho trâu bò quấy phá. Người ta thường trồng một cây mít để làm mốc thời gian nuôi mả. Theo tục lệ, hàng ngày người nhà phải mang cơm và thức ăn ra nuôi mả vào buổi sáng và buổi chiều. Khi người nhà mang cơm và thức ăn ra nuôi mả thì bỏ vào miệng chiếc ghè chôn sẵn ở đầu mả thông xuống đầu quan tài để cho người chết “ăn”. Buổi sáng mang cơm mới ra, thì lấy tay móc hết cơm cũ bỏ đi, rồi cho cơm mới vào ghè và buổi chiều lại làm tương tự như thế. Cứ làm như vậy, việc nuôi mả theo tục lệ tang ma của người Bana kéo dài hàng mấy năm trời, cho đến khi làm lễ bỏ mả mới thôi. Vì thế mà nguời ta trồng cây mít để đánh dấu thời gian từ lúc trồng đến khi cây ra trái là 3 năm, và thời gian tiếp theo được tính bằng những mùa quả. Trước đây dân làng Đê Kơ Tu có nhà kéo dài việc nuôi mả tới 5-6 năm mới làm lễ bỏ mả. Trong thời gian nuôi mả thì vào những ngày mưa rét người ta còn mang củi ra đốt nơi nhà mả cho người chết khỏi bị rét. Người nhà, đặc biệt là vợ bị chết chồng hay con chết thương quá kiêng tắm gội đến khi bỏ mả mới thôi. Những nhà khá giả có điều kiện, thì ngoài việc nuôi mả hàng ngày ra, mỗi tháng lại làm lễ cúng ma một lần, dân địa phương gọi là lễ cúng khay (cúng tháng), được tổ chức vào ngày cuối tháng không có trăng (theo lịch Bana). Vào ngày cúng khay thì gia đình tang chủ có giết heo gà và đưa rượu ghè ra nhà mả cúng ma. Hôm đó cả nhà lại cùng nhau kéo ra nhà mả để cúng khay, cúng khấn xong thì mọi người cùng oà lên khóc một lúc, rồi tang chủ lấy một ít đồ ăn cho vào miệng ghè để người chết hưởng. Sau đó mỗi người một tay thu dọn cho nhà mả ngăn nắp và sạch sẽ, rồi cùng nhau quay trở về nhà. Trước đây đồng bào ở địa phương còn duy trì tục lệ chôn nhiều xác chết vào một huyệt hay vào chung một hòm và chỉ được áp dụng trong trường hợp khi chưa làm lễ bỏ mả cho người chết đầu tiên, mà trong nhà lại có người thân chết nữa, thì người ta cứ việc đem người chết sau chôn chung với người chết trước trong cùng một ngôi mộ. Vì họ nghĩ rằng, làm như thế thì hai người chết được cùng nhau “ăn ở” cho đỡ buồn. Thời gian gần đây những hủ tục này trong tang lễ, nhất là tục chôn chung người chết vào một mả, đã được dân làng Đê Kơ Tu loại trừ dần ra khỏi đời sống văn hoá cộng đồng. Người ta không còn kéo dài thời gian nuôi mả như trước nữa, thường chỉ là một, hoặc hai năm, thì các gia đình đã tiến hành làm lễ bỏ mả. Có một số nhà do hoàn cảnh neo đơn và khó khăn thì chỉ tổ chức đám tang lễ cho người chết thật đầy đủ và chu đáo, cho đến khi mồ yên mả đẹp xong là bỏ mả luôn. Nhà mả của nhiều người dân trong làng hiện nay có xu hướng làm kiên cố và khang trang hơn nhiều so với nhà mả truyền thống. Chẳng hạn như khung của nhà mả làm bằng gỗ tốt, mái lợp tôn, xung quanh có hàng rào gỗ chắc chắn và có cửa ra vào, trên trụ cửa và các trụ hàng rào đều có chạm khắc các pho tượng người hoặc con vật linh thiêng như: chim ưng, trĩ hạc, khỉ .v.v... Có nhà giàu làm nhà mả xây thành ngôi lớn như: bên trong mộ xây cao vuông thành sắc cạnh, trên mái lợp tôn sơn màu chống dỉ và được trang trí nhiều hoạ tiết sặc sỡ ở trên đỉnh và hoa văn ở hai mép mái. Bên ngoài xây tường gạch bổ trụ bao quanh, trên các trụ tường rào có đắp tượng hình muông thú hoặc đầu người. Trên tường rào của nhà mả còn vẽ nhiều hình hoa lá trang trí với các mảng màu xanh đỏ rực rỡ, theo phong cách dân gian Bana truyền thống.

Tóm lại, việc tìm hiểu kĩ các phong tục và nghi lễ cổ truyền gắn theo vòng đời người của đồng bào dân tộc Bana ở Kon Dỡng (Mang Yang) đã cung cấp cho chúng ta nhiều điều bổ ích và lí thú. Tuy nhiên phần lớn các phong tục và nghi lễ liên quan đến vòng đời người Bana kể trên hiện nay đã không còn nữa và chỉ còn đọng lại trong trí nhớ hay kí ức của những người già trong làng mà thôi. Đồng bào chỉ giữ lại một số tục lệ đẹp trong hệ thống phong tục Bana cổ truyền, nay vẫn còn phù hợp với đời sống của xã hội đương đại, để xây dựng nên bản “Quy ước làng văn hoá”. Trong những năm gần đây, đồng bào dân tộc Bana nói riêng, và đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung đang thực hiện xây dựng đời sống văn hoá mới, bài trừ các lễ tục cổ hủ và lạc hậu trong cưới xin, tang ma và trong quan hệ gia đình, nuôi dạy con cái. Nhiều buôn làng của bà con các dân tộc thiểu số ở vùng đất này đã và đang phấn đấu xây dựng buôn làng mình đạt danh hiệu “Làng văn hoá”. Trong số đó phải kể đến làng Đê Kơ Tu của người Bana trên mảnh đất Kon Dỡng, Mang Yang, đã đạt được danh hiệu “Làng văn hoá” của tỉnh năm 2001 và gần đây lại được Bộ Văn hoá thông tin lựa chọn để xây dựng thành “Làng văn hoá” kiểu mẫu của tỉnh Gia Lai và của vùng Tây Nguyên nói chung.


Tham khảo thêm phong tục cưới hỏi, hôn nhân của một số đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam


Những gì được coi là văn hoá truyền thống, nó đều có sự biến đổi theo thời gian và không gian. Qua sự biến đổi ấy nó đã tự gạn đục khơi trong để có giá trị văn hoá đích thực phù hợp với thời đại mà con người đang sống, làm ra nó, hưởng thụ nó và tôn vinh để nó trường tồn, bất diệt.

1. Tục cưới hỏi của người Thái – Sơn La

Tục cưới hỏi của một số tộc người cũng vậy, không có một hương ước hay quy ước hay một văn bản nào quy định hay thay đổi một cách nhanh chóng được tục lệ cưới hỏi của họ vì nó đã in sâu thành nền nếp bao đời. Chỉ qua một quá trình đi lên của xã hội, những tục lệ không còn phù hợp đời sống văn hoá tinh thần mới. Tục cưới hỏi, lấy vợ của người Thái – Sơn La là một minh chứng.

Tuy niên mỗi dòng họ, mỗi vùng miền có đôi chỗ hoặc tên gọi khác nhau. Xưa kia con trai, con gái trưởng thành, nếu con trai muốn lấy vợ thì họ phải chăm lao động, đặc biệt là đan lát, sau là học thổi khèn bè, thổi sao nói được tình yêu với cô gái… Người con gái muốn có chồng, ngoài nết na phải học được thêu thùa khăn Piêu, dệt vải khuýt và luyện cái tai tinh tường để “nghe tình yêu qua khèn bè”; đâu là tiếng khèn bạn tình, đâu là tiếng khèn họ đang trèo cầu thang lên nhà, đâu là tiếng khèn gọi mình ra ngồi đầu sàn nói chuyện cùng họ đêm ttrăng; đâu là tiếng khèn tình không lành mạnh… Khi đôi nam nữ đã nhờ phần lớn là tiếng khèn, ánh mắt nói thay lời yêu thương, khi muốn lấy cô gái làm vợ, người con trai nhờ mẹ đẻ và một vài bà trong họ đến nhà cô gái làm một vài thủ tục gọi là Lòng Luông.

Lòng Luông: là mấy bà chưa mang lễ vật, chỉ đến nhà cô gái xin cho con trai mình được đi về (mà ngày nay gọi là xin đi lại) để tìm hiểu. Sau một thời gian, họ nhà trai tổ chức một đòn có lễ vật: gà, lợn, rượu, gạo… đến nhà cô gái, đoàn này do một ông mối (làm) dẫn đầu và giao tiếp gọi là pay đu, có dòng họ gộp hai giai đoạn này làm một gọi là Lòng luông đu châu.

Pay đu: Nội dung mời bên ngoại (họ của mẹ cô gái) về xin ý kiến, xin cho đôi nam nữ có điều kiện tìm hiểu. Sau một thời gian từ 3-4 tháng, gia đình và họ nhà gái chỉ nhận lời cho gần gũi, chứ chưa nhận lời cho lấy nhau.  Tiếp đó là thủ tục mới gọi là To pác.

To Pác: cũng là một đoàn nhà trai mang lễ vật đến nhà gái làm cỗ mời hai họ (thực chất là 4 họ). Sau đó họ nhà gái công khai hỏi đôi nam nữ về nguyện vọng xây dựng gia đình. Giai đoạn trên họ nhà gái bàn bạc đi đến nhất trí cho lấy hay không, nên gọi là To Pác (đo và đánh dấu). Sau To Pác là Khưới quản. Có vùng gọi giai đoạn này là: Ôm sáo (chứng minh cho cô gái tìm hiểu về mình).

Khưới quản: Người con trai đến ở nhà cô gái, được cùng ăn, làm vệc nhưng ngủ một chỗ riêng gần sàn quản, gọi là khưới quản. Giai đoạn này khoảng 1 năm cô gái vẫn có quyền tiếp bạn trai khác. Tuyệt đối người khưới quản không được lén lút ngủ với cô gái, nếu có (nhất là chửa) sẽ bị phạt rất nặng. Sau một năm, nhà trai làm thủ tục gọi là Xông Phắc phá.

Xông Phắc Phá (đem bao dao cho chú rể): nhà trai làm một bao dao mới (có cả dao) đem theo lễ vật: lợn, gà, cá nướng, thịt chua, gạo, rượu làm cỗ mời nhà gái ăn, từ 10 giờ sáng đến tận tối (gọi là công ơn). Trong bữa cơm công ơn này có Khoóng Phác nói (gửi nhỏ), Khoóng Phác luống (gửi lớn). Đây là một hình thức gửi rể cho nhà gái, họ có lời chúc, lời khuyên đôi trai gái sắp thành vợ chồng, lời khuyện răn là những câu ca dao, tục ngữ, gọi chung là lời nói có vần (dài từ 20-30 câu) chẳng hạn như:

          Chớ nghe lời con gà mà bỏ vườn.

Chớ nghe lời xúi dục mà bỏ anh em.

          Chớ nghe lời ham muốn dại mà mất cuả.

Bằng lòng nhau thành thơm, không ưa thành thối.

Không nên người ăn người ngửi mùi.

Trai khôn nhà không bằng người đi xa….

Cứ thế người ta dạy cô dâu, chú rể bằng văn vần và kết hợp cho một số tiền nhỏ làm vốn, đạt vào một cái đĩa, gọi là Phan khẩu xó (Bàn cơm xin). Ở đây là xin phúc, xin lời răn dạy, xin nhận họ hàng. Ở nghi lễ này đôi nam nữ được chấp nhận là vợ chồng. Họ được dọn nhà mình, (biểu hiện bằng sự mừng vui được đón cô dâu về nhà chồng), một đoàn trai tráng khiêng gánh chăn, đệm và các vật phẩm họ nhà gái tặng như dụng cụ nhà bếp bát, chậu, nồi xoong về đến nhà chồng người ta làm lễ tổ tiên cho co dâu nhập gia. Nhà trai lại tổ chức một bữa cỗ đông vui chào hai họ và bè bạn. Sau đó là tục mời uống rượu cần, nhà trai có một đoàn từ 5-6 người biết cách sắp xếp ngôi thứ hai họ, giỏi mời chào cầm tay vào chum rượu uống theo đôi một hoặc 4 đến 5 đôi, lời hát răn dạy lại cất lên:

          …Có chồng phải ủ rượu ngọt đắng

          Nặng nhọc giúp nhau làm.

ốm đau giúp nhau thuốc

Được ăn không quên đũa

Được ở không quên ơn cha mẹ…

Cổ xưa phần này dược coi trọng phần trả ơn cha mẹ, công ơn người làm mối, và cha mẹ cô gái chia tài sản cho đôi vợ chồng, tiếp theo là lời hát chào, mừng hai họ và đôi vợ chồng mới. Tiếp nữa là hình hành vòng xoè giao kết hai họ và nam thanh nữ tú của hai họ. Cuộc xoè mú kéo dài đến tận đêm khuya, vừa xoè múa vừa ống rượu cần.

Ngày nay do thực tế đời sống người con trai không thể ở rể như trước bởi họ là cán bộ công nhân viên chức, làm nghĩa vụ quân sự… hoặc do phong trào giãn hộ tách bản để làm kinh tế theo hộ gia đình, nên việc ở rể tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, có khi chỉ là một, hai tháng, một hai tuần và việc cưới xin chỉ thực hiện 1 lần, sau khi đôi nam nữ tìm hiểu đi đến hôn nhân, đoàn nhà trai có một doàn gồm đủ thành phần đủ cả họ bố, mẹ đến xin và hẹn ngày làm đăng ký kết hôn và làm lễ Tằng cẩu thực hiện ngay tại ủy ban Nhân dân xã, đôi vợ chồng trẻ được nghe một đoạn về luật hôn nhân, gia đình… Chú rể chỉ đến nhà vợ ở một tháng hay một tuần người ta tổ chức lễ cưới đón cô dâu về nhà chồng, nghi lễ cũng ngắn gọn hơn, những hình thức vẫn là nhà trai đem đến vật phẩm tặng nhà gái. Việc cúng lễ tổ tiên chấp nhận cô dâu mới ngắn gọn, việc ăn uống tuy đông đúc nhưng không xa hoa lãng phí mà mang một nét ẩm thực độc đáo, một tục lễ uống rượu cần và rượu chai hết sức văn hoá, tuy có say nhưng người ta chỉ hát xèo, múa, thể hiện sự mừng vui, thắt chặt tình làng xóm, họ tộc, không say làm điều sai quấy. Đặc trưng nhất là tục uống rượu cần, chỉ có họ nhà trai đi mời chào họ nhà gái, họ nhà gái ít từ chối và uống theo một tục lệ nhất định nhằm tăng cuộc vui, sau đó là xèo múa vòng, người ta tạm quên đi bao nỗi nhọc nhằn, xoá bỏ đi mọi va chạm của cuộc sống, nắm tay nhau vào vòng xoè vui bất tận.

Qua việc biến cải về tục cưới xin của người Thái ta thấy: việc cưới hỏi không chỉ nhằm vào một mục đích duy nhất và làm cho trai gái thành vợ thành chồng gắn bó sinh sống, nối dõi tông đường, mà nó còn nhằm vào một mục dích cao cả nữa là giúp cho đôi vợ chồng ấy có đủ cơ sở vững chắc đủ bản lĩnh và thói quen, kinh nghiệm sản xuất, văn hoá ứng xử chọn vẹn đạo lý làm người, mà sống suốt đời hạnh phúc góp phần xây dựng cho họ tộc và cộng đồng những giá trị tập quán văn hoá. Đồng thời cũng thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm của cha, mẹ họ tộc trước hôn nhân của thế hệ trẻ, mà không hề mất đi tính tự do trường tồn cho đế tận ngày nay, những cải biến chỉ là để phù hợp với thời đại chứ không mang tính thị trường, thương mại, lai căng làm giảm giá trị nhân văn của họ. Cưới hỏi của người Thái được xem như một lễ hội rõ rệt. Lễ hội của tình yêu, hạnh phúc./.


2. Hôn nhân người Chăm – Bà Ni (Bình Thuận)

Người Chăm hai đạo Bà ni và Bà Chăm đều tổ chức hôn lễ vào những tháng 3, 6, 8, 10 theo âm lịch Chăm. Phổ biến nhất là tháng 3 và tháng 6 vào ngày thứ tư của tuần trăng tối. Đám cưới của người Bà ni có hai hình thức, một gọi là đám Khah cho trường hợp chàng rể là tín đồ (KHEH) chưa làm thầy Chang. Hai là đám Đih cho chàng rể là giá sí thầy Chang. Hai chiều thứ ba đến ngày thứ tư. Còn đám Đih chỉ trong ngày thứ tư.


I/ Đám Khah:

Vào chiều thứ ba, họ nhà trai cử ông mai (Nưkmư) dẫn chú rể cùng một vài vợ chồng thân tộc đến nhà gái để bàn việc cưới. Đại diện nhà trai được mời ngồi trên chiếu bông trải sẵn ngoài sân, trên chiếu có khay trầu cau, rược trà và đèn sáp. Tục này người Bà ni gọi là Dok got (ngồi xổm). Hai bên bàn thống nhất giờ giấc và tục lệ để tiến hành. Sau đó hai ông mai hai bên vào trong nhà làm lễ dựng phòng tục (Danok) cho cô dâu chú rể.

Sang ngày thứ tư, tại nhà gái dựng lên hai cái rạp. Một ở phía đông dành cho đại diện họ tộc hai bên và khách mời ngồi dự lễ và ăn tiệc. Một ở phía tây dành cho các giáo sỹ hành lễ. Cuối rạp phía trong người ta có treo một tấm màng vải màu vàng đỏ có hoa văn (gọi là Hanin) và một tấm vải trắng trên trần rạp. Dưới đất được trãi nhiều chiếu bông. Có một bàn tổ được phủ một tấm khăn trắng, trên đó có một mâm vật lễ để sư cả (Ôn grù) hành lễ. Hai bên bàn tổ có hai cây đèn sáp thắp sáng. Khi làm lễ, ông sư cả ngồi kề bàn tổ, mặt xoay ra ngoài sân. Hai bên là các giáo sĩ Imưm, Tip, Chang ngồi chứng kiến.

Khi họ nhà trai đến và được mời ngồi. Sau đó, ông mai nhà gái vào nhà dẫn cô dâu và chú rể ra ngoài. Cô dâu mặc hai áo, áo trong của nữ Bà ni, áo ngoài của nữ bà Chăm gọi là áo Sah. Chú rể mặc áo màu trắng như áo thầy Chang. Cả hai đều choàng qua vai một băng vải đỏ (Talay Bak) từ sau lưng ra trước ngực như vũ nữ Chăm. Chú rể nắm tay cô dâu đi trên hàng chiếu trải từ trước nhà đến láng lễ, làm lễ rửa chân trước láng do sư cả đảm nhiệm. Xong rồi, sư cả vào sạp ngồi vào vị trí của mình. Chú rể thì ngồi ở phía tây gần bàn tổ đối diện với sư cả. Kề bên chú rể là cô dâu ngồi nhích về phía sau. Ông già làm lễ đọc một đoạn Kinh bằng tiếng ả Rập, ý niệm báo với Thượng Đế về mục đích tổ chức và xin phép đựoc đặt tên thần bí cho chú rể và cô dâu.

         Ví dụ: Tên chú rể là: Mơlin Buh Khal

                     Cô dâu là: Mơbi At Salamưk

Những tên trên được dùng để gọi suốt cuộc lễ cưới này. Còn ở lễ cưới khác thì đặt tên khác. Sau phần Kinh lễ, sư cả cầu nguyện cho đôi tân hôn được hạnh phúc, rồi nhìn thẳng vào mặt chú rể hỏi:

- Này Mơlin Buh Khal! Anh có chấp nhận cô Nơbi At Salamưk làm vợ anh không?

Chàng rể trả lời:

- Dạ! chấp nhận.

Ông già hỏi tiếp:

- Vậy anh có mang quà, vật biếu cho cô dâu không?

- Dạ có! Một chiếc nhẫn “Nhẫn cưới mơ ta”, một đôi vòng vàng tay, và một con trâu.

Ông sư cả hỏi xong, bảo ông Mươm 40 ngồi kề lập lại câu hỏi trên và chàng rể trả lời ba lần như vậy. sau đó, cô dâu một mình đứng dậy vào nhà, ngồi trong phòng tục mà ông mai đã làm lễ dựng chiều hôm trước, kề bên một bà cụ gọi là “Muk Pơk” (I)

Trong khi đó, chàng rể đưa chiếc nhẫn cho ông Mươm. Ông này cùng với một giáo sĩ khác là ông Tip mang mâm lễ vật mà sư cả đã thông qua Kinh lễ, cùng hai cậu bé, mỗi cậu mang một khay trầu cau, một khay vải trắng vào trong nhà làm lễ dựng phòng tục (Danok). Tại đây ông Mươm 40 làm lễ xoas phòng tục mà ông mai dựng chiều hôm trước để dựng lại phòng tục mới theo đúng nghi lễ Hồi giáo (II) bằng cách trãi sắp vải trắng mới, đặt lên đó mâm lễ vật mang từ ngoài vào cùng một số vật lễ khác như đèn sáp, trầu cau… Rồi ông đọc Kinh cầu nguyện. Sau đó, ông nhìn thẳng vào mặt cô dâu ngồi gần cây đèn thắp sáng đối diện với chú rể và hỏi với sự chứng kiến của “Muk Pơk” và ông Tip:

- Này Nơbi At Salamưh! Cô có chấp nhận Mơlin Buh Khah làm chồng cô không?

Cô dâu trả lời:

-    Chấp nhận.

Tiếp đó, ông Mươm giao chiếc nhẫn mơ ta cưới cho chú rể đeo vào tay cô dâu làm kỉ niệm ngày cưới. Sau đó, ông Mươm đặt bàn tay người chồng vào bàn tay người vợ mà Muk Pơk bóp chặt lại một hồi, chứng tỏ vợ chồng luôn gắn bó suốt cuộc đời. Sau đó, ông Mươm rẫy nước phép ban phúc lành cho vợ chồng vừa căn dặn đạo đức ăn ở đối với đôi tân hôn. Người vợ lấy trầu têm một miếng để vào miệng chồng. Người chồng quấn lên mình vợ một phần của chiếc áo mình thể hiện sự ân cần chăm sóc của người vợ đối với người chồng và hạnh phúc mà người chồng sẽ mang đến cho vợ. Xong rồi, ông Mươm ngoéo tay ông Tip, chú rể nắm tay cô dâu ra ngoài láng lễ. Chỉ còn lại Muk Pơk trong phòng tục để canh giữ vật lễ trong phòng.

Ngồi bên bàn tổ cùng cô dâu chú rể, ông Mươm trình báo lại với sư cả rằng lễ tục trong phòng hoa chúc đã hoàn thành. Tiếp đó, là lời cầu chúc của sư cả đối với đôi vợ chồng được sống trăm năm hạnh phúc.

Một bữa tiệc được dọn ra trong rạp lễ để các sư cả, Mươm, Tip, Chang chứng kiến dùng trước. Sau mới đến họ hàng hai bên và khách mời nơi rạp khách. Đó là lúc cô dâu chú rể lần lượt đến từng bàn chào mừng cám ơn và nhận diện thân nhân hai họ xiu gia của mình, vừa nhận quà biếu…

Sau ba ngày ở tục trong phòng hoa chúc, chú rể dẫn cô dâu về thăm lại cha mẹ mình và cả gia đình họ ngoại, để rồi về lại ở rể suốt đời bên vợ.

II/ Đám PaĐih:

Như trên đã nói, đám Pa Đih chỉ diễn ra trong một ngày thứ tư. Cũng có tổ chức lễ “Dok Got”, tức lễ ngồi trên chiếu để hai bên bàn trước việc tiến hành lễ nhưng không phải trong sân mà trước cửa tiền của nhà gái dưới một bóng cây nào đó vào buổi sáng thứ tư.

Hai ông mai (Nưk mư) đôi bên và hai bà vợ của ông Tip và ông Mơ Dình và một vài đại diện nhà trai đến đó ngồi trên chiếu bông mà nhà gái đã trải sẵn, cùng vật lễ như ở đám Khah. Sau đó, bên nào về lại bên đó. Sau khia bàn thống nhất giờ giấc và tục lệ tiến hành, khoảng 10 giờ sau bữa ăn lót lòng, cúng báo gia tiên, gia thần rồi, họ nhà trai ăn mặc chỉnh tề, tuần tự theo hàng một đến nhà gái. Đi đầu là ông mai chú rể, sau là các bà, các cô. Tiếp đó là nam giới. Riêng chàng rể, ngoài áo thầy Chang màu trắng bên trong còn vận bên ngoaì chiếc áo màu đỏ dài đến nửa thân người gọilà “áo Bơt”. Trên đầu đội mũ lễ gọi là gọi là “Khah”. Khi họ nàh trai đã được ổn định chỗ ngồi, thì lễ cắt cổ dê bắt đầu trước rạp do một ông Chang đảm nhiệm. Tiếp đó, chú rể cô dâu làm lễ rửa chân do sư cả thực hiện. Xong rồi, chú rể cô dâu vào trong rạp trình diện sư cả trước bàn tổ cùng các giáo sĩ khác ngồi hai bên hàng ngang.

Tất cả lễ tục tiếp theo đều diễn ra như đám Khah, chỉ khác một điều là trong đám Pađih người ta chỉ thực hiện “Phòng tục” một lần theo nghi thức đạo Hồi vào ngày thứ tư.

Ghi chú:

(I) Tục này chỉ có trong người Bà ni ở Bình Thuận thôi. Xem truyện Vua Kabrah Blm lấy vợ Bà ni sẽ biết. Truyện này trích trong sách Truyện cổ dân gian Chăm – Bình Thuận của Bố Xuân Hổ.

(II) Tại sao phải xoá phòng tục do ông Nưk Mư dựng và có lễ dựng lại phòng tục khác.


Tục này chỉ áp dụng cho trường hợp chàng rể là người ngoại đạo, tức chưa phải thầy Chang. Khi phòng tục được dựng lên thì sáng  hôm sau (thứ tư) thầy cả sư (Ôn Grù) được mời đến và ghé thăm phòng tục. Ông đánh hai người đến 100 roi (đánh tượng trưng thôi) (Có người nói 90 roi) và hai vợ chồng phải lạy để được tha tội. Sau này, không phạm nữa. Do đó, có tục xoá phòng tục trước do ông mai dựng và chỉ nhận phòng tục do hai ông Mươn đạo Bà ni dựng cho đúng nghi thức đạo Hồi.


3. Tục cưới xin cổ truyền của dân tộc Mường – Hòa Bình và xu hướng biến đổi hiện nay

Hòa Bình là một tỉnh miền núi cửa ngõ vùng Tây Bắc, ráp danh với các tỉnh Hà Nội, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Sơn La và Thanh Hóa.

Tổng diện tích tự nhiên hơn 4 nghìn km2, tổng dân số trên 8 vạn dân, có 11 huyện, thành phố, 210 thị xã, phương thị trấn; có 6 dân tộc chính sinh sống (Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông) trong đó dân tộc Mường chiếm đa số dân với 63,3%.

Là một tỉnh được coi là cái nôi của dân tộc Mường với các địa danh nổi tiếng( Bi, Vang, Thàng, Động). Văn hóa Mường là một văn hóa tộc người đã sớm khẳng định bản sắc riêng, qua lối sống, nếp sống và phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống những giá trị ấy được bảo tồn và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử.

Tìm hiểu giá trị của bản sắc văn hóa Mường cổ truyền có nhiều giá trị tiếng như, áng sử thi “Đẻ đất, Đẻ nước”, Văn hóa cồng chiêng mường… một trong điển hình đó là những nét văn hóa đó là tục cưới xin của dân tộc Mường Bi – Tân Lạc.

Tục cưới xin của người Mường ở Hòa Bình là một lễ tục văn hóa về hôn nhân gia đình đã hình thành và định hình từ lâu đời được coi là một tục lệ văn hóa quan trọng, phong phú, đặc sắc, có ảnh hưởng rất lớn và sâu sắc đến sự hình thành, phát triển gia đình, dòng tộc và dân tộc, chứa đựng trong đó rất nhiều phong tục, luật tục, những chuẩn mực, những quy định, yêu cầu về tìm hiểu yêu đương, kén chọn, gả chồng, gả vợ.

Gia đình là tế bào của xã hội, thực hiện nhiều chức năng quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống, tác động rất lớn đến sự phát triển của xã hội, đến tư tưởng và ý thức tộc người.

Với người Mường, hình thức gia đình cũng giống như người Việt, đó là quá trình phát triển từ hình thức đại gia đình đến gia đình hạt nhân. Đại gia đình, gia đình lớn là hình thức chung sống trong một mái nhà nhiều thế hệ, từ các cụ, ông bà, bố mẹ cho đến con cái, cháu chắt. Có nhiều đại gia đình xưa có đến 5 thế hệ cùng chung sống. Trong qua trình phát trienr của xã hội , hình thức đại gia đình ngày càng giảm dần, thay vào đó là gia đình hạt nhân, gia đình nhỏ với hai thế hệ vợ chồng và con cái. Đối với người Mường vợ chồng chỉ ra ở riêng khi đã có con, ngoại trừ có trường hợp là con một thì ở chung với bố mẹ. Thông thường một cặp vợ chồng có 2 đến 4 người con và đều mong muốn có nếp có tẻ, nếu sinh toàn con gái thì được xem là bất hạnh, còn nếu không có con trai thì phaỉ bắt rể. Trường hợp không có con thì nuôi con nuôi. Bởi những cặp vợ chồng không có con thì sau này khi mất đi toàn bộ tài sản, đất đai đều bị làng thu lại xung quỹ công. Gọi là “thu lụi”.

Gia đình người Mường là gia đình Phụ quyền, người đàn ông là người chồng, người cha và người chủ gia đình, có vai trò quan trọng nhiều mặt của cuộc sống: có quyền hành lớn, quyết định mọi việc từ làm ăn, cưới xin, tang ma đến công việc tín ngưỡng. Đồng thời, họ còn là người thay mặt gia đình quan hệ với họ hàng, làng xóm và các tổ chức xã hội, với chính quyền địa phương. Mọi tài sản trong nhà, kể cả ruộng nương, trâu bò, công cụ sản xuất đều do người đàn ông là người chủ nắm giữ. Quyền lực này sẽ được bàn giao lại cho con trai cả khi đã trưởng thành đảm đương, người cha chỉ đóng vai trò cố vấn và lo việc đối ngoại.

Quyền lực của người đàn ông trong gia đình, sự phục tùng và ý thức tôn ti trật tự đã được ăn sâu vào đầu óc của các thành viên trong gia đình, nhất là đứa trẻ bằng mọi sự liên tục. Đó là sự lệ thuộc của người em đối với anh cả, của anh cả đối với cha và của người cha đối với tổ tiên.

Cũng phải nói thêm rằng sau quyền lực được công nhận của người cha, còn có quyền lực thực tế, tuy không nói ra, quyền của người mẹ. Người phụ nữ trong gia đình mường có nhiều đóng góp quan trọng nhiều mặt trong sống gia đình và sản xuất, từ việc tham gia lao động sản xuất trên nương, ngoài ruộng đến các công việc nội chợ trong gia đình, nuôi dạy con cái… ngoài việc tham gia lao động nặng nhọc, người phụ nữ đảm nhận lớn hơn nam giới rất nhiều. Tuy nhiên trong xã hội Mường truyền thống, người phụ nữ hầu như không có quyền hành gì lớn trong gia đình. Khi còn nhỏ chịu sự quản lý của gia đình, cha mẹ, khi có chồng thi theo chồng, phụ thuộc vào chồng.

Trong gia đình người Mường, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái tương đối bình đẳng. Con cái phải có hiếu với cha mẹ, phải kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng và vâng lời cha mẹ. Cha mẹ phải chăm lo nuôi nấng, giáo dục con cái, truyền đạt kinh nghiệm sảng xuất, các nghề thủ công, các công việc trong gia đình. Cha mẹ uốn nắm con cái về lời ăn tiếng nói, cách ửng xử trong gia đình và với cộng đồng. Cha mẹ già ở với con cái cả, những người con thứ ra ở riêng được cha mẹ chia cho một số tài sản nhất định và phải có trách nhiệm với cha mẹ. Anh em ruột thịt sống có trách nhiệm với nhau và yêu thương nhau. Khi cha mẹ qua đời, người anh cả chịu trách nhiệm nuôi dưỡng, dựng vợ gả chồng cho các em.

Gia đình Mường là nơi bảo tồn các gía trị văn hóa truyền thống, là nơi trao ttruyền các truyền thống tộc người trong văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.

Về hôn nhân, người Mường đều phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định,từ yêu đương tìm hiểu đến các lễ tục trong việc cưới xin. Ngày xưa việc dựng vợ gả chồng là do cha mẹ xếp đặt,con cái không có quyền lựa chọn, nhất là con gái. Hiện nay trai gái được tự do tìm hiểu bạn đời, hôn nhân hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện.

Tiêu chuẩn chung theo quan niệm của người Mường khi chọn vợ là chọn những cô gái chịu khó, chăm chỉ làm ăn, nói năng nhẹ nhàng, biết làm các công việc đồng ángv, biết thêu thùa dệt vải, thành thạo các công việc nội trợ và xử lế phép với bố mẹ, anh chị, họ hàng, làng xóm,sắc đẹp chỉ là một trong những tiêu chuẩn, người Mường quan niệm người vợ lý tưởng la phải nết na, chăm làm, có câu: “Đừng tham nón rẻ mà đội trời mưa, đừng tham người đẹp mà thưa việc làm”.

Tiêu chuẩn của một người chồng lý tưởng là có sức khỏe, cày bừa thành thạo và biết đan lát các công cụ gia đình, biết chăm lo cho gia đình. Người Mường thường có câu “Con trai để rào hỏng, dậu nát là con trai hư”. Khi kén rể người ta còn xem xét đến gốc gác gia đình, tránh những nhà có tiếng xấu và các loại bệnh di truyền.

Đối với người Mường trước đây, tuổi kết hôn thường rất sớm, con trai lấy vợ ở tuổi 15 đến 20 tuổi, con gái lấy chồng trong độ tuổi 16 đến 18 tuổi. Trên 25 tuổi đã được co là quá lứa, và ngoài 30 tuổi mà chưa xây dựng gia đình thì được xem là “ ế vợ, ế chồng”.

Ở người Mường xưa kia một cuộc hôn nhân thường trải qua nhiều giai đoạn, với nhiều nghi lễ phức tạp, tiêu tốn nhiều tiền của. Việc định giá cô dâu hoàn toàn do nhà gái quyết định, nhà trai phải chấp nhận. Thành ngữ Mường có câu “lấy được cô dâu hết ba trâu chín lợn”, hoặc “Lễ án du khu mặt nạ” có nghĩa lấy được cô dâu, bên nhà chồng phải rất vất vả, lo toan. Trong truờng hợp xảy ra ly dị, nếu người vợ chủ động thì phaỉ trả toàn bộ lễ vật mà nhà chồng đã chi phí từ lúc ăn hỏi đến lúc cưới. Nếu người chồng chủ động thì tài sản sẽ được chia đôi.

Theo tập quán người Mường, những người góa vợ hoặc goá chồng phải chịu tang đúng ba năm, ba tháng, mười ngày mới được đi bước nữa.

Trong hôn nhân Mường cũng có tục ở rể. Trong trường hợp nhà gái không có con trai để lo hương hỏa, thờ cúng tổ tiên, thì ngưởi ở rể được hưởng toàn bộ gia tài và coi như con trai. Trong trường hợp này nhà gái thường chủ động sắp đạt hôn nhân và mọi phí tổn cho đám cưới đều do nhà gái lo liệu. Theo luật tục, nhà trai không được đòi hoặc thách cưới.

Đám cưới được tổ chức hai lần, lần thứ nhất tổ chức bên nhà trai cô dâu phải sang nhà chú rể lạy tổ tiên và họ hàng, mang biếu bố mẹ, anh chị em họ hàng bên chồng một số vật dụng như chăn, gối, nệm.Nhà gái còn tổ chức một đoàn người sang nhà trai đón chàng rể về. Ở nhà trai, nàng dâu cũng phải làm đầy đủ các thủ tục nghi lễ khi chàng rể đi đón dâu; ngược lại, khi đón chàng rể về đến nhà gái, chàng rể phải làm đủ mọi nghi lễ như lúc nàng dâu về nhà chồng. Những đám cưới như thế thường tổ cức trong một ngỳ. Ba ngày sau, chàng rể và cô dâu quay về nhà trai làm lễ lại mặt.Sau đó chàng rể về cư trú bên nhà vợ và gánh vác mọi công việc nhà bố vợ.

Nghi lễ cưới xin cổ truyền của người Mường – Hòa Bình được tiến hành theo trình tự lễ phong phú như sau:

* Chọn người làm mối (chọn mờ)

Sau khi đôi trai gái được gia đình và họ hàng nhất trí cho tổ chứ đám cưới thì nhà trai sẽ chọn và nhờ người làm mối (mờ). Người được chọn làm mối không phân biệt nam hay nữ, nhưng phải đứng tuổi, có uy tín, được nhiều người kính nể, gia đình luôn hạnh phúc, đông con nhiều cháu, nói chuyện khéo léo, có tài ứng đáp.

Người Mường quan niệm rằng trai gái có nên vợ nên chồng và sau này có con đàn cháu đống hay không là nhờ sự giúp đỡ của người làm mối. Vì thế mà thành ngữ Mường có câu: “ Cơm ngon v�� miệng, tiếng tốt vì mời” (Piêng tiếng Mường Bi nghĩa là cái ninh đòng để đồ xôi).

Nhiệm vụ của người làm mối bắt đầu từ khi dạm ngõ, hỏi thăm đến lúc cưới, đón dâu về trao cho nhà trai


* Dạm ngõ, thăm hỏi (mở miệng)

Gia đình nhà trai nhờ ông mờ mang trầu, cau, hai chai rượu, quà bánh đến nhà cô gái để chính thức ngỏ lời cho đôi bạn tẻ được thành hôn. Hôm đó hai bên cùng nhau bàn bạc trao đổi và thoả thuận ngày “kháo tiếng”

* Đặt vấn đề (kháo tiếng)

Đến ngày chọn, nhà trai chuận bị 02 gói chè, khoảng 10 quả cau, hơn 20 lá trầu, tất cảc được gói kỹ và trao cho ông mờ đến nhà cô gài khoảng chạng vang tối

Đúng gìơ đã hẹn, nhà gái với sự hiện diện của bố mẹ, ông, bà, chú, bác, cô, dì… ngồi đợi nhà trai đến, đồng thời học cử ngưởi ra cổng chờ sẵn để đón lễ vật và mời ông mờ vào nhà.

Người ta mổ gà thiết đãi ông mờ. Chủ nhà giữ đôi chân gà để xem đoán sự tốt xấu và nhân duyên của cô gái: Lễ vật của nhà trai đem đến được đặt lên bàn thờ tổ tiên. Ba ngày sau mà nhà gái không đem trả lại lễ vật thì tức là đồng ý. Sở dĩ là phải đợi 03 ngày là vì, theo tập quán, bố của cô gái phải nằm nghe trong ba ngày đem liền nếu này không tiếng hươu, giác, vượn kêu, gà gáy dở, cây đổ, đá lăn thì mới coi là được, nghĩa là không có điểm gở, điểm xấu. Sau đó tự tay ông mở gói lễ vật và báo cho họ hàng rằng nhà đã có chuyện vui.

Kể từ đấy hai nhà mặc nhiên là thông gia, các con được phép thường xuyên thăm hỏi nhau.

* Ăn hỏi (Ti nòm):

Theo từng điều kiện của mỗi gia đình mà lễn ăn hỏi có thể tiến hành sớm hay muộn.

Muốn tiến hành lễ ăn hỏi (Ti nòm), nhà trai phải sắm một lễ nhỏ sang nhà cô gái để xin ngày, lễ vật có một con cá cắt 04 khúc được gói trong lá dong, bốn chiếc bánh trưng không nhân, năm quả cau, mười lá trầu (bánh trưng ngụ ý là cô gái còn trinh trắng, nếu có nhân thì nhà gái hiểu rằng con gái nhà mình đã có chửa). Sau bữa cơm thân mật, gia đình quyết định ngày ăn hỏi.Theo tập quán, ngày ăn hỏi, cưới xin thường chọn tháng 11, 12 (âm lịch) là thời điểm của mùa màng đã thu hôãchng,cau cũng chắc hạt. Người Mường kiêng dựng vợ gả chồng vào tháng 7 (âm lịch) vì đó là tháng ngâu, và người ta kiêng chọn ngày cuối tháng vì người ta coi đó là “ngày cùng tháng kiệt” nếu tổ chức ăn hỏi sẽ đem lại điều không may. Ngưòi ta chọn ngày đầu tháng vì “tháng rộng ngày dài”. Sau khi đã chọn được ngày, ông mờ về báo cho nhà trai biết ngày làm lễ ăn hỏi để sắm lễ vật. Lễ ăn hỏi được tiến hành làm hai lần, lần đầu là “nòm gà”, lần sau gọi là “nòm cá” hay “nòm lợn”.

Lễ nòm gà, như đã hẹn trước, nhà trai sắm sửa lễ vật gồm: 02 con gà sống, 02 con cá, 16 chiếc bánh làm bằng gạo nếp, 04 chai rượu, 04 gói cơm nếp, ba mươi lá trầu, một buồng cau. Tất cả được xếp vào thúng để hai người  khiêng.

Đoàn nhà trai mang lễ vật ăn hỏi lần này gồm có ông mờ, hai nam thanh niên và em gái của chàng rể. Trước lúc xuất hành nhà trai làm mâm cơm cúng tổ tiên để trình báo và phù hộ, lúc bắt đầu khởi hành, người ta kiêng gặp con gái, hoặc người “vía độc”, do vậy họ thường cử một bé trai ra ngoài chông choi để lấy vía may. Trong suốt chặng đường đi, những người trong đoàn đi không được ngoái đàu trở lại và đi một mạch đến nhà gái.

Phía nhà gái, ngay ngày hôm đó mời đông đủ họ hàng bên nội.

Sau khi đem lễ vật đến, ông mờ trao cho đại diện nhà gái. Cỗ bàn được bày ra, mọi người ăn uống vui vẻ. Trong bữa ăn, ông Mờ và nhà gái cùng bàn bạc, hẹn ngày ăn hỏi làn hai, hay còn gọi là lễ nòm cả.

Lễ nòm cả, nhà trai phải có một con lợn khoảng 30 kg đã mổ thịt, 04 con gà sống thiến, vài gánh xôi, hai chum rượu nhỏ, trầu cau. Đoàn nhà trai gồm ông Mờ dẫn đầu, chàng bánh rợm, rể và ba bón người bạn của chú rể và tám người khiêng lễ vật: ngươì Mường cho răng khiêng thế mới có đôi.

Trước khi đi, bố mẹ của chàng rể gao cho ông Mờ một túi vải đựng hai vòng tay bằng bạc, 08 vuông vải tự dệt, 01 mặt phà làm chăn.

Cùng như lần ăn hỏi trước (nòm ngà), làn này trước kh đi cung làm một mâm cơm cúng để trình tổ tiên. Ra khỏi nhà, ông Mờ đi trước dẫn đoàn, chàng rể cùng bạn bè và những người khiêng lễ vật theo sau. Khi đến cổng nhà gái đã cử người đón ồng khiêng lễ vật và mời nhà trai lên nhà uống nước, ăn cơm. Ông Mờ thay mặt nhà trai trao túi vải cho bố, mẹ cô gái và coi đó là vật làm tin. Chiếc túi vải được mở ra trước sự chứng kiến đông đủ của họ hàng nhà gái và sau đó được dạt lên bàn thờ tổ tiên (sau lễ ăn hỏi, lễ vật này được cất vào trong hòm, đợi khi nào con gái sinh con đầu lòng sẽ tặng lại).

Sau lễ ăn hỏi, phải sau ba năm lễ cưới chính thức được tổ chức. Trong thời gian chờ đợi nhà trai cực chuẩn bị điều kiện vật chất cho lễ cưới. Đây là khoảng thời gian thử thách gian khổ đối với chàng trai, người Mường gọi là ăn công con, tức là con rể tương là các dịp lễ, tết phải có quà mang biếu bố, mẹ vợ tương lai với mục đích trả công ơn nuôi dưỡng cô gái trưởng thành.Vào dịp tết nguyên đám quà biếu là một con lợn khoảng 20 cân đã luộc chín, úp vào thúng xôi đồ, khoảng 20 chiếc bánh rợm, 10 chiếc bánh mật, vài chai rượu nếp, trầu cau. Vào dịp tết đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5, âm lịch) phải có gói cá sống, 02 con gà. Rằm tháng 7 cúng phải có 02 con gà , 01 chai rượu. Còn nhà gái, để đáp lại thường cho con gái bố mẹ chồng tương lai những sản phẩm tự dệt như: gối, đệm…Trong dịp tết, cô gái có thể đến ăn Tết ở nhà chồng tương lai khoảng 3,4 hôm, nhưng không được đòi “ngủ chung” với chàng trai. Trong thời gian này chàng rể và nàng dâu tương lai thương xuyên đi lại thăm hỏi và giúp đỡ gia đình hai bên phát nương rẫy, cày ruộng, cấy hái…nhất là lúc mùa màng bận rộn. Tháng mười không đi mất chồng, tháng sáu không đi mất vợ  là muốn căn dặn chàng trai và cô gái chớ lơ là công việc gia đình.


* Lễ cưới (Ti cháu):

- Sau lễ ăn hỏi 3 năm, gia đình nhà trai chọn ngày tốt, nhờ ông Mờ đến nhà gái mang lễ xin cưới. Lễ này gồm có 2 con gà ( một trống một mái) hai gói cá, bốn chai rượu, bốn gói cơm nếp, một gói trầu cau, hai vòng bạc. Cùng đi với ông Mờ còn có anh, chị, em chàng rể.

Gia đình nhà gái được báo cáo trước nên đã chuẩn bị đầy đủ cho lễ hẹn ngày, mời họ hàng, mời các bậc cao niêm trong họ đến để đón tiếp nhà trai và bàn bạc thống nhất ngày cưới. Trong lễ này, nhà gái sẽ thách cưới. Lúc này vai  trò của ông Mờ rất quan trọng và ý kiến của ông Mờ có quyết định trong lễ cưới, vì vậy thái độ của ông Mờ phải rất nhã nhặn sao cho bên nhà gái vui vẻ thoải mái, bên nhà trai  không cảm thấy nặng nề.

Trước đây, một đám cưới bình thường nhà gái thường thách cưới một con trâu đã vực cày (hoặc 1 con bò) vài thúng gạo nếp, gạo tẻ, 2 con lợn (mỗi con khoảng 30 – 40 kg), khoảng 8 thúng xôi nếp (mỗi thúng có 12 gói), 6 gói trầu cau, khoảng 24 ống rượu (tương đương khoảng 5 lít). Tuỳ thuộc vào từng gia đình và tài ăn nói của ông Mờ mà lễ vật có thể được giảm đi ít nhiều; Riêng trâu, bò thì dứt khoát phải có.  Trong trường hợp con gái nhà Lang thì nhà trai phải có 9 con trâu, 1 con bò, một số nồi đồng, xanh đồng. Ngoài ra còn phải có đủ lợn gà, rượu, gạo, vòng bạc…

Sau khi hai bên đã thống nhất ngày cưới, ông Mờ trở về báo tin cho nhà trai chuẩn bị lễ vật. Cùng ngày hôm đó, bên nhà gái mời 4 phụ nữ nhanh nhẹn, tháo vát, gia đình luôn êm ấm tới làm lễ khâu màn cho cô dâu.

Trước ngày cưới chính thức 2 đến 3 hôm, các cụ ông, cụ bà trong họ được đón về têm trầu bổ cau. Đêm đến, những chàng tai, cô gái thay nhau xay thóc, giã gạo, khung cảnh thật náo động, nhộn nhịp.

Sau những ngày chuản bị khẩn trương, họ hàng hai bên tiến hành tổ chức lễ cưới. Thường đám cưới diễn ra trong 3 ngày. Trước đây đám con gái nhà Lang diễn ra từ 4 đến 5 ngày đêm.

Lễ dẫn diễn ra trước hôm tổ chức đám cưới một ngày, nhà trai làm mâm cơm trình báo tổ tiên, cầu mong mọi việc diễn ra tốt đẹp. Khoảng 8- 9 giờ sáng, đoàn người dẫn của bắt đầu khởi hành, số người đi phải chẵn, không được lẻ. Đoàn người gồm có ông Mờ, ông chú, bà bác, em gái của chàng rể và một số người khiêng lễ vật, dắt trâu bò  đến nhà gái.

Trên đường đi, nếu qua làng khác thì thường bị chăng dây chắn đường, khi đó người làm mối đứng ra trình bày lý do của việc khiêng của, mời họ ăn trầu rồi nộp tiền chuộc đường, sau đó đoàn người lại vui vẻ lên đường. Đến gàn nhà cô dâu, đoàn người đi chậm lại, sửa sang quần áo, sắp xếp lễ vật cho ngay ngắn rồi đi thẳng vào sân nhà gái. Bên nhà gái đã cử người ra đón, đồng thời cử người ra xem lễ vật đã đầy đủ hay chưa, nếu thiếu nhà trai phải lo đủ như đã thoả thuận.

Người ta đem cột con trâu (bò) vào chân cột dưới nhà sàn, lễ vật khác được mang lên nhà. Sau đó đại diện của nhà gái mời cả đoàn uống nước, ăn trầu và mời dự uống rượu cần với gia đình.

Trở về nhà, ông Mờ báo cáo với họ hàng nhà trai quá trình dẫn của, thông báo gìơ được phép đón dâu (vào ngày hôm sau).

Buổi tối ở cả hai bên gia đình khách khứa, bạn bè gần xa của cô dâu, chú rể và của bố mẹ đến dự rất đông, người ta tổ chức tục đánh cồng, hát múa, đối đáp chúc tụng lẫn nhau Đây cũng là dịp để trai gái đến dự gặp gỡ, trao đổi hát ví, hát đúm, hát giao duyên và tỏ tình.

Lễ đón dâu diễn ra vào ngày hôm sau. Buổi sáng sớm cỗ bàn đã được bày biện để đón khách đến dự lễ cưới. Tại nhà trai, các cô gái chàng trai bạn bè của chú rể mặc quần áo đẹp đẽ chuẩn bị đi đón dâu Số lượng người đi đón không hạn chế, tuỳ theo đường gần hay xa, số lễ vật nhiều hay ít. Đi đón dâu người ta chọn giờ sao cho khi đoàn cô dâu đưa cô dâu đến nhà chồng vừa lúc chạng vạng tối. Người Mường quan niệm đó là thời điểm tốt nhất trong ngày, tục người Mường có câu; “tí cháu buồng trâu, ti du vàng mặt”,  nghĩa là lúc nhà trai đi đón dâu vào lúc thả trâu ra đông (8-9h sáng), còn cô dâu về nhà chồng lúc mặt trời lặn (5-6h chiều)

Thành phần đi đón dâu, ngoài bạn bè của chàng rể, còn có ông Mờ, một cụ ông, một cụ bà có uy tín trong họ, 1 hoặc 2 em bé gái và đại diện có vai vế trong làng, đồng thời đội cồng chiêng cũng đi cùng để tấu nhạc. Lễ vật đem theo là một gói trầu cau.

Trang phục của chú rể và phù rể như nhau, áo trắng mặc bên trong, áo dài đen mặc bên ngoài, kiểu cách như  vậy được người Mường gọi là “đóng đôi”, quần lụa tơ tằm hoặc bằng vải nhiễu, buộc dải nút, đầu đội nón lá dứa.

Đến giờ đã chọn, đoang người đi đón dâu tập trung trước cửa nhà, dàn cồng chiêng gióng lên một hồi ba tiếng, dứt hồi cồng, đoàn người đi đón dâu bắt đầu lên đường. Dẫn đầu là ông Mờ, tiếp theo là những người cao tuổi và dàn Cồng, cuối cùng là bạn bè chàng rể, phù rể. Tập quán đi đón dâu đều phải đi theo con đường chính, không ai được bỏ về giữa chừng, gặp đoạn đường rẽ người ta đặt hai miếng trầu cau hai bên rìa đường. Trên đường đi đàn cồng chiêng tiếp tục tấu lên những bản nhạc rộn rã, báo cho làng xã, mường gần biết đã đi đến đâu, căn cứ vào tiếng cồng, nhà gái biết đoàn ở xa hay gần để chuẩn bị ra đón tiếp.

Tới cổng nhà gái, dàn cồng im tiếng, bạn bè cô dâu đã chải sẵn một chiếc chiếu vào sẵn lối vào nhà. Ông mờ mang một chai rượu cung cơi trầu đến xin nhà gái mở lối cho đoàn đi đón dâu được vào nhà, người ta tổ chức hát đối nam nữ cho tới khi nhà gái vui lòng nhường lối. Từ hai bên đường bạn bè của cô dâu ném tới tấp những nắm rượu cần vào đoàn người đón dâu. Nếu nhà trai có nhiều người bẩn quần áo thì nhà gái càng vui vẻ, người Mường cho rằng làm như thế sau này vợ chồng chung sống sẽ hạnh phúc.

Khi đoàn đón dâu đã lên hết trên nhà sàn, đại diện nhà gái đến hướng dẫn chỗ ngồi cho đoàn nhà trai, còn chú rể tiến lên trước bàn thờ vái lạy tổ tiên và lạy sống ông, bà, bố, mẹ vợ và những người thân thiết trong họ thuộc vai trên của cô dâu. Người được lạy thường có tặng phẩm cho đôi bạn trẻ và chúc cho hai vợ chồng sống trăm năm hạnh phúc. Tiếp sau  đó là cỗ bàn được bày ra, mọi người ăn uống vui vẻ. Trước lúc nhà trai xin đón dâu về, nhà gái mang rượu cần ra mời họ cùng uống, chúc phúc cho cô dâu chú rể.

Đến gìơ đã chọn, ông Mờ xin phép nhà gái cho cô dâu được về nhà chồng, bấy giờ cuộc vui mới tạm ngừng.

Ngày cưới là ngày cô dâu mặc bộ máy đẹp nhất của mình, trùm lên trên đầu chiếc khăn vuông (khổ 30 x 30 cm) màu trắng, buộc thắt nút đàng sau gáy, mặc áo cánh ngắn sẻ giữa ngực, bên trong mặc yếm. Váy của cô dâu màu đen dài chấm gót chân, thắt lưng và chiếc khăn lục màu xanh lá cây, để lệ cặp váy lúng liếng hoa văn.

Khi hồi cồng gióng lên rộn rã, cô dâu và phù dâu từ trong buồng bức ra trước bàn thờ lạy tạ giã từ tổ tiên, ông bà, bố mẹ. Lúc cô dâu chuẩn bị ra khỏi nhà, một bà trong họ bước đến đội nón lên đầu cô dâu, đồng thời dặn dò cô dâu cách cư xử khi về nhà chồng. Theo tục lệ, ra khỏi nhà, tay phải cô dâu cầm một con dao có chuôi bằng sừng nai, lưỡi dao có cắm củ gừng với mục đích trừ tà ma, vì sợ sau này vợ chồng sống bất hoà, đứt gánh giữa đường phải quay lại nhà bố mẹ đẻ.

Dẫn đầu đoàn đón và đưa dâu là ông Mờ, các ông bà của hai họ, rồi đến cô dâu phù dâu, đi sau cùng là chú rể, phù rể và bạn bè, anh em của chàng rể. Cô dâu đeo bao đựng đò riêng của mình, những người khác bên nhà gái đưa dâu khiêng đồ vật của cô dâu biếu gia đình nhà chồng, thường thì khoảng 02 chiếc chăn, 20 chiếc gối, 12 tấm vải, ngoài ra còn có chiếc màn của cô dâu được khâu từ  trước.

Theo tập quán đón và đưa dâu thì phải đi cùng một chặng đường. Nếu đi qua làng khác lại bị chăng dây, thì ông Mờ lại phải đứng ra mời trầu và chuộc tiền. Đoàn rước dâu về đến nhà trai thì cũng bị ném bã rượu cần, nhưng ít hơn. Đến chân cầu thang, em gái của chàng rể múc nước cho chị dâu rửa chân. Mọi ngưòi cũng được lần lượt rửa chân rồi lên nhà. Riêng cô dâu và phù dâu khi lên cầu thang không được bước vào bậc thứ nhất mà phải bước lên bó củi do nhà trai đặt sẵn rồi mới đi lên các bậc thang tiếp theo. Người Mường cho rằng làm như thế thì co dâu sau này sẽ chăm chỉ làm lụng hơn. Bước vào trong nhà, cô dâu mới đi thẳng đến bên bếp lửa, quỳ xuống lạy Vua bếp với mong muốn đến sau này đến ngày sinh nở, Vua bếp sẽ phù hộ cho hai mẹ con. Sau đó, cô dâu đến bàn thờ lạy tổ tiên và những người vai trên của chàng rể, mỗi lần lạy xong cô dâu cũng nhận được tiền mừng.

Sau khi khấn cúng tổ tiên, người ta tổ chức “Lễ tơ hồng”, hay còn được gọi là lễ “cơm quen”. Họ trải chiếu ở giữa nhà, mâm lễ gồm một quả trứng luộc cắt làm tư để trên một đĩa xôi, 1 nậm rượu bằng quả bầu khô, một bầu khác đựng nước lã, ông Mờ cầm hai tay hai đôi đũa dơ lên qua đầu ba lần rồi đặt đũa xuống mâm. Lát sau, ông quay lưng lại nhấc đũa lên đưa chéo tay cho cô dâu chú rể, rồi đưa hai nắm xôi, hai miến trứng cho hai người cúng theo cách chéo tay ấy. Tiếp theo ông cầm bầu nước rót vào hai bát cho hai người dâu rể uống và khấn “Ông tơ bà nguyệt” se dây, se cho hai vợ chồng có con trai con gái, con gái thì cầm nong, cầm nia biết sảy lúa, con trai biết cày bừa, làm ăn phát tài, phát lộc cho bố, cho mẹ, cho hai họ cùng mừng.

Sau lễ tơ hồng, cỗ bàn lại được bày ra, nếu cô dâu chú rể là người cùng làng thì sau bữa cỗ họ nhà gái ra về, còn nếu ở làng ở xa họ nhà gái sẽ ngủ lại. Tối hôm đó nam nữ thường hát giao duyên, đánh cồng chọn đêm.

Theo lệ Mường, khi nhà gái ra về, người ta để phù dâu ở lại “ngủ bạn” với cô dâu 3 đêm. Những ngày sau này đôi vợ chồng trẻ chưa đựơc phép “chung chăn gối”. Sau 3 ngày cưối, hai vợ chồng trẻ cùng phù dâu quạy lại nhà gái 1 ngày, gọi là “ti mộng” (lại mặt), đến đây phù dâu hoàn thành nhiệm vụ. Cùng ngày hôm đó quần áo và tư trang cô dâu được chuyển về nhà chồng. Đêm hôm đó hai vợ chồng trẻ mới chính thức động phòng (đêm tân hôn).

Về phần ông Mờ, sau bữa cơm chia tay vào buổi sáng ngày hôm sau, lễ  đón dâu, ông Mờ đứng trước hai bên gia đình tuyên bố rằng nhiệm vụ kết duyên cho đôi trẻ đã xong. Sau đó đại diện nhà trai đem biếu ông 1 chân giò lợn đã được luộc chín, ở Muờng Bi ông Mờ còn đựơc biếu thêm một khấu đuôi lợn. Còn nhà gái vài ngày sau lễ cưới cũng đến tận nhà ông Mờ để cảm ơn và biếu một chân giò lợn, một khoanh thịt ở phần cổ con lợn, 2 chai rượu, 3 lá trầu.

Nhìn chung về hình thức các thủ tục lễ nghi của việc cưới xin ở các gia đình người Mường giàu có hoặc nghèo đều tương tự nhau. Sự khác biệt  lớn giữa đám cưới nhà giàu và nhà nghèo chính là ở số lượng và chất lượng của đồ lễ thách cưới và cỗ cưới. Đối với nhà giàu đám cưới là dịp thể hiến sự danh gía  và phú quý của gia đình mình. Với người nghèo thì đám cưới có tình chất thông báo cho họ hàng và cộng đồng làng xóm. Trong nhiều gia đình, đám cưới con trai được chú ý hơn là con gái, con trai trưởng càng quan trọng hơn, nhất là gia đình nhà giàu, nhà trưởng họ.

Tục cưới xin cổ truyền của người Mường – Hoà Bình ngày nay đã có nhiều thay đổi, một số tập tục, nghi lễ đã được loại bỏ. Tuy nhiên, qua khảo sát dân tộc Mường ở Hoà Bình vẫn giữ được một số giá trị văn hoá tiêu biểu đó là:

+ Tình đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong họ hàng, hàng xóm láng giềng thông qua tục họp tiền. Tập tục này đã tạo nên sự gắn kết cộng đồng.

+ Văn hoá ứng xử khiêm nhường mà tinh tế của người Mường, từ cử chỉ, lời ăn tiếng nói, lời chào mời thăm nghĩa tình, đặc biệt là lời mời trong tục uống rượu cần của hai bên nhà trai và nhà gái.

+ Tính tâm linh thể hiện qua việc cúng bái thần linh, cúng bái tổ tiên, lạy tạ tổ tiên.

+ Lòng tôn kính cha mẹ, anh em, họ hàng của cô dâu, chú rể, Nhưng lễ vốn của cô dâu mang biếu bố mẹ chồng như chăn, gối, đệm…Tình cảm của mẹ chồng nàng dâu trong ngày đầu tiên bước chân về nhà chồng. Mẹ chồng ân cần đưa đón, qua các cử chỉ như cầm nón cho cô dâu, múc nước rửa chân, dắt tay co dâu lên nhà…

+ Văn hoá ẩm thực Mường được thực hiện trong việc bày cỗ, chế biến thức ăn, tục uống rượu cần ở nhà gái.

+ Trang phục của cô dâu và phụ nữ trong ngày cưới. Trong ngày cưới mọi người đều ăn mặc những bộ trang phục đẹp nhất, đặc biệt là trang phục dân tộc Mường của cô dâu, phù dâu, các bà, các chị.

Trong tục cưới hỏi của dân tộc Mường ở Hoà Bình hiện nay đã có những biến đổi tích cực như  sau:

Trước đây, việc quyết định hôn nhân là do “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” thì ngày nay những đôi trai gái hoàn toàn có quyền chủ động, tự do yêu đương, tự do tìm hiểu. Khi tiến tới hôn nhân, họ xin ý kiến cha mẹ, thế hệ trẻ luôn thể hiện sự kính trọng cha mẹ và tranh thủ sự đồng tình để tiến tới hôn nhân.

Trong hôn nhân, độ tuổi kết hôn của nam nữ Mường đã tuân thủ Luật hôn nhân và Gia đình, nam từ 20-25 tuổi, thậm chí đến 30, nữ từ 18-20 tuổi trổ lên mới xây dựng gia đình.

Quan niện trọn bạn đời của nam nữ thanh niên cũng có thay đổi, vấn đề quan trọng là người đó có việc làm ổn định, biết tính toán làm ăn và có đạo đức tốt là được. Ngày xưa hôn nhân thường bó hẹp trong làng xã, trong cùng tộc người thì ngày nay đã mở rộng hơn nhiều, đó là hôn nhân với người khác tộc, hôn nhân giữa Mường và Việt, giữa Mường và Thái… Hôn nhân ngày nay đang có xu hướng gia tăng các cuộc hôn nhân hỗn hợp dân tộc, làm cho bức tranh dân tộc ở vùng Mường thêm đa dạng, những cặp vợ chồng khác tộc sẽ chuyển tải văn hoá cho nhau trong quá trình chung sống, con cái sẽ được hấp thụ văn hoá của cả bố lẫn mẹ.

Trong hôn nhân, các hủ tục như đa thê, tảo hôn, thách cưới cao…đã hầu như không còn. Lễ cưới người Mường ngày nay đã thực hiện theo nếp sống mới, các hiện tượng mua dâu, mua rể không còn. Việc thách cưới bằng bạc trắng, dắt trâu sang nhà gái, các tục cổ như nếm bã rượu, ném trấu vào đoàn nhà trai đến nhà gái đón dâu, căng dây, đóng cổng đòi tiền nay đã không  còn diễn ra nữa.

Hiện nay, tục cưới xin của ngưòi Mường ở mường Bi chủ yếu được diễn ra theo các bước sau:

- Lễ dạm ngõ: ông Mối và hai gia đình đi lại, trao đổi thống nhất chỉ trong một lần.

          – Lễ ăn hỏi: được tổ chức vui vẻ tại nhà gái.

- Lễ đón dâu: Nhà gái làm bữa cơm, nhà trai mang lễ vật sang nhà gái. Hai họ, khách mời dự bữa cơm thân mật, sau đó nhà trai đón cô dâu.

- Lễ lại mặt: Sau lễ đón dâu vài ba ngày, cô dâu chú dể về lại nhà gái, bên nhà gái mời họ hàng thân tộc đến dự một bữa cơm thân mật, sau đó cô gái về làm dâu suốt đời bên nhà trai.

Nhìn chung, các bước tiến hành ngày nay đã đơn giản đi nhiều, thời gian từ khi đặt vắn đề đến khi tổ chức đám cưới thường chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, không phải đợi chờ, thử thách ba năm như trước đây.

- Bên cạnh những giá trị tích cực được bảo tồn trong tục cưới hỏi hiện nay của dân tộc Mường ở Hoà Bình cũng không tránh khỏi các biến đổi tiêu cực như sau:

+ Trang phục của cô dâu chú rể có xu hướng tân thời, cô dâu thích được mặc váy trắng ba tầng dài quết đất thay cho bộ áo váy truyền thống. Chú rể thì thích đóng bộ com lê, đeo cà vạt, đi giầy da.

+ Âm nhạc ngày nay thường là những bản nhạc rock bốc lửa, họ không còn chơi xắc bùa cồng chiêng với những điệu “thường rang, bộ mẹng” như xưa nữa. Trong đám cưới, các chàng trai, các cô gái cùng nhau nhảy những điệu nhảy mới quay cuồng trong những bản nhạc mạnh.

+ Trong tiệc cưới đã xuất hiện bia, rượu mạnh thay cho trước đây.

+ Ngày nay hầu hết các đám cưới trong bài trí khánh tiết của đám cưới những nếp nhà sàn truyền thống không còn và thay vào đó là cách dựng rạp, trang trí hiện đại. Khách đến dự tiệc cưới, kể các cụ ông, cụ bà cũng ngồi ghế nhựa 6 cụ một mâm, không có gia chủ ngồi tiếp.

Từ những biến đỏi trong tục cưới hỏi của người Mường ở Hoà Bình có thể đưa ra các dự báo xu hướng biến đổi của nghi lễ cưới xin trong giai đoạn hiên nay như sau:

+ Về các tập tục, lễ vật: các bước tiến hành trong lễ tục cưới xin theo xu thế chung đã được đơn giản hoá đi nhiều, thủ tục ngắn gọn, thời gian từ khi đặt vấn đề đến khi tổ chức đám cưới thường chỉ diền ra trong vòng một năm, với bốn lễ chính là: dạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu, lại mặt. Về lễ vật: tiền mặt đang dần thay thế cho các lễ vật, thách cưới của nhà gái thường từ 2 triệu đến 3 triệu đồng. Số tiền đó sẽ được nhà gái chủ động lo tổ chức đám cưới.

+ Về nhà ở, trang phục chú rể cô dâu trong ngày cưới: trang phục sẽ được biến dổi theo xu hướng tân thời: cô dâu mặc áo dài, chú rể mặc com lê. Trang phục dân tộc sẽ mất dần, kể cả những người tham dự đám cưới cũng ăn mặc theo lối tân thời.

+Về các ngi lễ trong ngày cưới: Một số nghi lễ dần bị xoá bỏ, như lễ rửa chân cho cô dâu, lễ lạy tạ Vua bếp… Những biến đổi này chủ yếu do việc thay đổi nhà ở, ngôi nhà sàn người Mường đã dần được thay thế bằng nhà xây, mọi sinh hoạt trên nhà sàn không còn phù hợp nữa.

Một số đề xuất những giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển tục cưới xin của người Mường ở Hoà Bình hiện nay.

Giải pháp về nhận thức:

- Hôn nhân và gia đình là vấn đề quan trọng trong cuộc sống của mỗi dân tộc. Việc tổ chức đám cưới, mở đầu cho cuộc sống gia đình của đôi bạn trẻ là rất hệ trọng, phải tổ chức sao cho vui vẻ, lành mạnh, phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc, phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình, bảo đảm văn minh lịch sự, tiết kiệm, tránh phô trương lãng phí.

- Không chỉ các cấp lãnh đạo Tỉnh Hoà Bình (từ tỉnh đến cơ sở) mà toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là người Mường càn có một nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vốn di sản văn hoá mà họ đang nắm giữ cũng như  trách nhiệm bảo tồn, phát triển chúng trong đời sống văn hoá của cộng dồng. Vấn đề bảo tồn bản sắc văn hoá Mường cổ truyền cần đặt trong tổng thể chính sách của đảng và Nhà Nước về bảo tồn và ơhát triển văn hoá các dân tộc Việt Nam trong thời đại hiện nay.

- Tạo mọi điều kiện cho người dân, nhất là thế hệ trẻ mường làm chủ được các giá trị văn hoá mà cha ông họ để lại và có ý thức bảo tồn, phát triển chúng trong đời sống xã hội hiện nay.

- Cưới xin là việc hệ trọng của đời người, trong đó chứa đựng rất nhiều giá trị văn hoá truyền thống. Để bảo tồn được các giá trị tốt đẹp đó cần sớm xây dựng các, Quy định trong tổ chức việc cưới xin của người Mường.

Giải pháp về cơ chế chính sách:

          Dựa vào các chính sách của nhà nước về bảo tồn, phát triển văn hoá dân tộc người, nhất là cá dân tộc người miền núi còn nhiều khó khăn như  Hoà Bình.

          Dựa vào các kết quả nghiên cứu để bổ sung hoặc điều chỉnh một số nội dung cụ thể trong chính sách văn hoá của tinh Hoà Bình, phù hợp với thực tế của tỉnh, đường lối văn hoá của Đảng và Nhà Nước Việt Nam hiện nay. Bổ sung những nội dung cụ thể nhằm thực hiện tốt hơn những chính sách bảo tồn, phát triển bản sắc văn hoá Mường, huy động sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân vào hoạt động đó.

Thực hiện chính sách bảo tồn những giá trị đặc sắc của văn hoá Mường cổ truyền theo hướng kết hợp chặt chẽ văn hoá với kinh tế, với hoạt động , du lịch, mục tiêu văn hoá gắn bó chặt chẽ với mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Với những nét đặc sắc trong tạp tục tập quán của dân tộc người Mường ở Hoà Bình nói riêng và cộng dồng dân tộc Việt nam nói chung, là một kho tàng giá trị nhân văn tạo nên bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam, ngày nay dưới sự cỉ đạo của Đảng Nhà Nước ta trong bối cảnh trước tốc độ phát triển mọi mặt trên thế giới và trong nước, xác định mục tiêu, nhiệm vụ “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đạm đà bản sắc dân tộc” là một quan niệm đúng đắn và cấp thiết. Nếu chúng ta có ý thức và trách nhiệm từ cá nhân đến cộng đồng và toàn xã hội trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội, ổn định về chính trị, vững về quốc phòng, an ninh, xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp vững bước tiến bước lên Chủ nghĩa xã hội.



4. Phong tục cưới hỏi của vùng người Mông ở huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai


Sa Pa là một huyện miền núi vùng cao nằm về phía tây bắc của tỉnh Lào Cai, diện tích tự nhiên 67.905 ha chiếm 8,44% diện tích toàn tỉnh. Sa Pa có 6 dân tộc cùng chung sống như Mông, Dao, Kinh, Tày, Dáy, Xa Phó dải từ vùng hạ huyện, qua trung huyện đến thượng huyện với tổng dân số 35.427 người phân bố không đều ở 17 xã và thị trấn. Dân tộc Kinh chủ yếu cư trú tại thị trấn Sa Pa sống bằng nghề kinh doanh dịch vụ, các dân tộc khác chủ yếu cư trú ở các xã sống bằng nghề nông – lâm kết hợp. Phong tục cưới hỏi của vùng người Mông ở huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai được tiến hành như sau.

Sa Pa là một huyện miền núi vùng cao nằm về phía tây bắc của tỉnh Lào Cai, diện tích tự nhiên 67.905 ha chiếm 8,44% diện tích toàn tỉnh. Sa Pa có 6 dân tộc cùng chung sống như Mông, Dao, Kinh, Tày, Dáy, Xa Phó dải từ vùng hạ huyện, qua trung huyện đến thượng huyện với tổng dân số 35.427 người phân bố không đều ở 17 xã và thị trấn. Dân tộc Kinh chủ yếu cư trú tại thị trấn Sa Pa sống bằng nghề kinh doanh dịch vụ, các dân tộc khác chủ yếu cư trú ở các xã sống bằng nghề nông – lâm kết hợp. Phong tục cưới hỏi của vùng người Mông ở huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai được tiến hành như sau.


Phong tục hỏi vợ.

Trong cuộc sống đời thường, chuyện dựng vợ gả chồng người nào, vùng nào cũng đều thận trọng bởi phần lớn những đám cưới này đều là một sự quyết định cho cả cuộc đời mỗi con người…Do đó người nào cũng coi việc cưới hỏi là một trong những việc lớn và quan trọng của đời người. Cho dù mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều có những tập quán cưới hỏi khác nhau rất phong phú, đa dạng, nhưng ý nghĩ chủ đạo trong việc cưới hỏi đều giống nhau, việc cưới hỏi của vùng người Mông Sa Pa cũng không nằm ngoài suy nghĩ đó. Sự quan tâm của họ còn sâu sắc hơn, mỗi khi có trai gái trẻ yêu nhau say đắm, thề thốt sẽ cùng xây dựng tổ ấm chung sống đến đầu bạc răng long. Khi hai người yêu nhau và có thời gian tìm hiểu nhau vài ba năm tới lúc họ thực sự muốn tổ chức kết hôn thành vợ thành chồng của nhau, người con trai thổ lộ ý định của mình với cha mẹ, cha mẹ tìm hiểu ý định của con trai qua hội bạn của con mình, bàn bạc với chú bác cùng góp ý thận trọng tiến hành từng bước một.

Tục nắm bắt thông tin.

Qua vài lần hội ý thống nhất, nhà trai cử người thân thiết như bà cô, hay bà dì, hay chị gái, em gái của chàng trai, có khi là người mẹ chàng trai lấy cớ tới chơi thăm thú họ hàng người thân ở làng nhà gái chơi với mục đích ngầm theo dõi những hành động, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, lối ứng xử giao tiếp của người con gái mà con trai nhà mình đã yêu. Ngoài ra còn thăm dò tin tức nhận xét đánh giá về nhân phẩm đạo đức, lối sống, tính tình của người con gái bên nhà gái qua hàng xóm láng giềng ở bản làng nhà gái. Khi đã có đầy đủ thông tin về nhà trai cung cấp lại toàn bộ thông tin mà tai nghe, mắt thấy cho chủ nhà trai, qua đó người chủ nhà bố của con trai mời bác chú đến cùng nhận xét đánh giá, cùng đưa ra nhận định chung: nếu như mọi người cùng chấp nhận thì bước tiếp theo được tiến hành, không chấp nhận thì buộc con trai từ bỏ ý định của mình.

Tục bói số vợ chồng:

Trong phong tục cưới hỏi của người Mông Sa Pa tục bói số hợp vợ, hợp chồng là một khâu hết sức quan trọng, việc này quyết định cho sự thành hôn hay không của đôi trai gái trẻ. Qua khâu nắm bắt thông tin người con gái được người nhà trai chấp nhận thì nhà trai tiến hành làm thủ tục bói số để đoán biết số mệnh của cô dâu tương lai và con trai nhà mình có hợp số mệnh không? Có sống được cả đời tới khi già không?

Tục bói số vợ chồng của vùng người Mông Sa Pa có hai hình thức khác nhau.Hình thức thứ nhất bói bằng hương: Khi bói người cha hay mẹ của con trai lấy ba nén hương đốt cháy sẵn ra đứng chính giữa ngoài cửa chính đọc lời cầu khấn với ma trời, ma đất, đọc ngày tháng năm sinh, con gái thứ mấy của nhà gái với con trai nhà mình sau đó quay vào trong nhà đứng tại cột ma chính đọc lời cầu khấn một lần nữa, đọc xong họ cắm cả ba nén hương xuống gốc cột ma chính, họ theo dõi và đoán biết kết quả tốt xấu qua quá trình cháy của ba nén hương đó nếu ba nén hương cháy đều nhau đến hết là được. Nếu có một nén hương cháy ở độ cao hơn, hai nén cháy thấp hơn đều nhau là rất tốt nó biểu hiện nén hương cháy cao hơn là cha mẹ trụ cột gia đình, còn hai nén cháy thấp đều nhau là cô dâu, chú rể tâm đầu ý hợp sau này hai vợ chồng sẽ có lối sống kỷ cương, kính trên nhường dưới, sống lâu tới đầu bạc răng long… Cả ba nén hương cháy không đều nhau là xấu. Hình thức thứ hai bói bằng con gà: khi bói người ta bắt một con gà con tầm bẩy tám lạng hay một cân cùng với ba nén hương người cha hay mẹ bói đều được, người bói cầm con gà và hương đốt cháy sẵn ra đứng chính giữa ngoài cửa chính đọc lời cầu khấn như đã nêu trên sau đó vào trong nhà đứng trước cột ma chính đọc lời cầu khấn như trên xong, người bói cắm ba nén hương xuống chân cột ma chính. Họ đem con gà bói đó cắt tiết tại trung tâm gian nhà chính thường thờ cúng tổ tiên khi con gà gần chết họ thả con gà xuống đất con gà dẫy nảy tứ tung, khi chết hẳn đầu quay về phía nào cũng được. Cách xem và đoán nhận biết biểu hiện tốt xấu: người bói thấy con gà chết quay đầu về hướng đông và hướng bắc họ cho là tốt, họ cho rằng nó biểu hiện ba điều tốt như sau:

Điều thứ nhất: Nếu lấy là được người con gái đó sẽ đồng ý về làm dâu nhà mình không có ai cản trở, hồn vía nó đã về rồi.

Điều thứ hai: Hai đứa con trai, con dâu có sự hướng thiện về phía ánh sáng mặt trời, đường đời sáng lạng trong tương lai.

Điều thứ ba: Hai đứa đều có tính tôn ti trật tự tôn trọng bề trên quan tâm tổ tiên. Nếu con gà đó chết quay đầu về hướng tây, nam là biểu hiện không tốt. Theo quan điểm của người Hmông Sa Pa thì hướng tây là hướng tối, hướng nam là hướng tụt. Nếu biểu hiện như vậy thì việc cưới hỏi sẽ không được thực hiện.

Qua việc tìm hiểu nắm bắt thông tin trên đi đôi với một trong hai tục bói số hợp vợ, chồng trên đây nhà trai cảm thấy hợp số mệnh giữa con trai nhà mình với người yêu thì các bước tổ chức sẽ được triển khai tiếp theo.

* Phong tục kéo vợ.

Truyền thống người Mông Sa Pa vốn rất tôn trọng nhau, nhất là phái nam tôn trọng phái nữ gần như mẫu hệ, phụ chủ đã ăn sâu vào tiềm thức con người nơi đây. Trong cuộc sống đời thường cái gì to cũng là của người mẹ kể từ chức quan, nhà cửa, ruộng nương… Ngược lại người mẹ, người vợ rất thương người cha, người chồng. Những hình ảnh người đàn ông say rượu nằm ngủ cạnh đường người phụ nữ cầm ô che nắng, tay dắt ngựa chở chồng về bản là một hình tượng đẹp chỉ có ở người Mông. Trong cưới hỏi người con gái được tôn trọng hơn, từ danh giá nhân phẩm cho đến đức tính quý phái của chị em với tính cách thương người thẳng thắn cương trực và tốt bụng của những chàng trai người Mông, hiện tượng yêu đương lăng nhăng, ly hôn ít xảy ra ở vùng người Mông. Biểu hiện sự kết hôn luôn bền chặt, ít khi bịũáo trộn.

Tục kéo vợ

Tục kéo vợ là một biểu hiện rõ nét người Mông thường dùng từ kéo cô dâu hay kéo vợ. Trong cuộc sống mặc dù đôi trai gái yêu nhau đắm đuối, từng thề thốt cùng chung sống với nhau cả đời, lúc lấy nhau thật cũng phải tổ chức kéo thì cô gái mới chịu về nhà chồng, không có cô gái nào tự bước chân về nhà chồng cả, ý nghĩa chính của việc kéo vợ thể hiện sự danh giá của người con gái qua ba nghĩa chính:

- Thứ nhất: Cô gái không bị xã hội đánh giá thấp hèn cam chịu chay theo con trai một cách mù quáng hạ thấp mình để hầu hạ nhà trai.

- Thứ hai: Người con trai thực sự cần lấy cô gái làm vợ thật với thiên chức của người mẹ mới tổ chức kéo vợ, thể hiện thái độ rõ ràng cụ thể.

- Thứ ba: Tránh sự đồn thổi tai tiếng xấu của xã hội và sự ngược đãi sau này của người chồng và người nhà trai.

* Chuẩn bị đi kéo vợ: Khi đã được nhà trai cho phép con trai được lấy vợ, cả nhà tập trung cùng lo, cho người đi mời phù dâu, phù rể, cô chú cùng đi giúp kéo vợ, đoàn người kéo vợ thường có ít nhất 5 người chính thức và một số người khác phụ giúp. Một cô gái trẻ chưa có chồng khác họ nhà trai làm phù dâu, một chàng trai khác họ với nhà trai chưa có vợ làm phù rể, một người anh hoặc bác ruột có hiểu biết cầm trịch, và chú rể chồng của cô dâu, một người thường là bà cô hay bà dì đại diện mẹ chú rể với một số bạn trai trẻ biết cách kéo vợ đi giúp chàng trai kéo vợ. Tiêu chí những người được chọn tham gia đoàn người kéo vợ gồm 03 tiêu chí chính:

- Thứ nhất: Phù dâu, phù rể phải là người chưa có chồng, chưa có vợ, có lối sống đạo đức tốt, kính trên, nhường dưới, nói năng nhẹ nhàng có hiểu biết.

- Thứ hai: Người cầm trịch và người nữ đại diện cho nhà trai là những người có vợ chồng, con cái đầy đủ (không hoá vợ, hoá chồng), làm ăn phát đạt sống có uy tín với bản làng.

- Thứ ba: Tất cả số người này phải biết cách kéo vợ, bởi cách kéo vợ của người Hmông là cả nghệ thuật sống thực sự, chính cô gái bị kéo là người chịu ảnh hưởng lớn, nếu không biết cách kéo, khi kéo sẽ bị sứt đầu mẻ chán làm đau đớn cho người bị kéo, khi đôi co với người thân và cô gái bên nhà gái.

Trước khi đi cả đoàn người hội ý thống nhất, khi đi chia theo tốp để tránh sự nghi ngờ của người khác. Con trai và phù rể đi trước, phù dâu và người đại diện mẹ nhà trai theo sau, người đàn ông cầm trịch nhà trai và tốp con trai đi kéo hộ đi sau cùng. Khi tới điểm hẹn nhà trai bố trí sẵn cho con trai mình hẹn gặp người yêu đến cùng tâm sự tại một địa điểm thuận lợi như đón đường nhà gái đi làm, đi chợ hay đi chơi xuân ngày tết… Mọi người nấp vào các bụi rậm hai bên đường để lại chàng trai và phù rể dạo bộ để đón gặp bạn gái, khi thấy người yêu xuất hiện thì chàng trai chủ động chào hỏi tán tỉnh giữ chân cô gái lại nói chuyện một lúc để cô gái không đề phòng nữa.

- Bắt đầu kéo: Chàng trai tán tỉnh cô gái một lúc thấy thuận lợi, chàng trai tóm lấy tay cô gái nói: Lần này ta kéo nàng về làm vợ ta đây. Nói xong chàng trai giữ chặt lấy người yêu lại, những người kéo giúp sám vào hai người biết kéo tì vai vào nách cô gái, quẳng hai cánh tay vào vai của hai người kéo giữ chặt lại cứ thế nhấc bổng cô gái lên mà chạy về nhà chồng, kéo kiểu này là người biết cách kéo, không gây thương tích cho người bị kéo, chân người bị kéo không chạm đất, không có lực giằng co, không đánh trả được, mồm không thể cắn ai được. Hai người kéo cô gái đi một quãng xa thấy mệt thì hạ cô gái xuống và giữ chặt, hai người khác đến thay thế và đưa cô gái về đến nhà trai.

Nếu như gặp phải sự phản ứng gay gắt của người nhà gái thì hội kéo cứ thế  kéo cô dâu đi, để lại người cầm trịch hát đối đáp với người nhà gái, chú rể ở lại với người cầm trịch để tạ lỗi với người nhà gái, phù dâu, phù rể cùng cô dâu về nhà trước. Khi về đến gần nhà trai, đoàn người kéo vợ cử một người chạy trước về báo với những người chờ sẵn trong nhà như bố, mẹ hay các cô, chú của chú rể bắt một đôi gà, một gà mái tơ, một gà trống chưa gáy đợi sẵn ở cửa chính khi đoàn người kéo cô dâu về đến đó thì người đó làm lý gọi hồn. Lúc đoàn người về đến cửa thì chưa vội đưa cô dâu vào nhà, người ta giữ cô dâu, chú rể ở ngoài cửa chính, người làm lý đốt ba nén hương tay cầm đôi gà huơ huơ chân, cào cào từ đầu đến chân cô dâu, chú rể lẩm bẩm gọi hồn, xong xuôi mang gà mổ thịt làm cơm tiếp đãi đoàn người đi giúp kéo cô dâu. Trong bữa cơm này nhà trai mời một người có hiểu biết cùng ăn cơm, sau đó giúp nhà trai sang nhà gái báo tin cho nhà gái biết, nhà trai đã kéo được con gái họ về làm dâu nhà trai. Nhà trai mang lễ vật báo tin là một gói thuốc lá tự trồng, một sừng trâu rượu. Khi người báo tin đến nhà gái, nhà gái đi mời ông bác hay chú đến nhà đại diện cho nhà gái tiếp người báo tin. Người báo tin mời thuốc, mời rượu cho người đại diện nhà gái và cả những người có mặt trong nhà gái xong, người báo tin chính thức rót hai chén rượu đưa cho người đại diện nhà gái và dạm hỏi lễ vật mà nhà gái cần thách và thời gian để làm lễ cưới. Khi đã được nhà gái công bố các lễ vật xong, người báo tin về nhà trai báo lại toàn bộ sự việc các loại lễ vật cho nhà trai, thời gian để hai bên tổ chức lễ cưới.

Từ khi kéo được cô dâu về, nhà trai bố trí cô dâu và phù dâu ngủ chung ba đêm, sáng thư ba giã bánh dầy đưa cô dâu về nhà lấy đồ thay. Đoàn người đi sang nhà cô dâu lấy đồ gồm cô dâu, chú rể, phù dâu, cha hay mẹ chú rể, khi đến nhà gái chú rể phải quỳ lậy tất cả các thành viên nhà gái để làm quen. Nhà gái tổ chức bữa cơm tiếp đãi nhà trai, tại bữa cơm này người đại diện nhà gái bà dì hay bà cô hỏi cô gái thật kỹ có thể chung sống cả đời với nhà trai được không? Khi đến nhà gái, cô gái vui vẻ trả lời và đồng ý về làm dâu nhà trai. Thấy vậy nhà gái yên tâm dọn đồ tư trang của cô gái cho cầm về nhà chồng bắt đầu một cuộc sống mới được ăn nằm chung như vợ chồng thật, mọi việc chuẩn bị cho đám cưới bắt đầu. Nếu như vừa đến nhà gái người con gái buồn rầu, khóc lóc van xin cha mẹ không muốn về nhà trai thì hôn nhân chấm rứt từ đó.

Việc làm này gần như tạo điều kiện cho cô dâu tương lai được về sống thử với nhà trai trong thời gian ba ngày, nếu qua cảm nhận trong ba ngày đó được cô dâu chấp thuận thì cuộc sống làm dâu được chính thức bắt đầu diễn ra, nếu không coi như đã chấm dứt.

Phong tục tổ chức đám cưới.

Qua việc lấy đồ thay, nếu cô dâu vui vẻ về với chú rể thì nhà trai chuẩn bị các lễ vật tổ chức lễ cưới cho đôi bạn trẻ qua việc thách lễ vật cưới của nhà gái thường thì lễ vật gồm:

-         Lợn: 01 con 50 kg

-         Rượu: 40 lít rượu nấu bằng thóc hay ngô

-         Tiền: Hai triệu đồng tiền mặt

-         Gà: 04 con luộc chín

-         Thìa gỗ: 02 cái, một túi xôi to để ăn trưa

-         Một ít thuốc lá tự trồng, một số tiền đề phòng phát sinh.

Chọn ngày tổ chức đám cưới:

Vào mùa đông – xuân chọn ngày thìn và các ngày khác trong tuần tuỳ theo sở thích của nhà trai, nhưng thường thì người ta trừ ngày lập xuân của năm đó (ngày có tiếng sấm đầu tiên của năm) và các ngày con giáp có tính độc ác như ngày dần, thân, ngọ… Các ngày mất của người thân trong hai nhà trai và gái.

Vào mùa hè – thu thường bỏ ngày thìn. Người Mông cho rằng vào mùa này rồng hay tác oai, tác quái làm mưa làm gió, đám cưới chọn ngày này vợ chồng trẻ sống với nhau hay bị đảo lộn cuộc sống.


Ban tổ chức lễ cưới.

a)    Bên nhà trai gồm có:


- Một ông Trưởng ban người Mông gọi là “Txir tuôv minhx cungz”;

- Một ông phó ban người Mông gọi là “Txir lưv minhx cungz”;

- Chú rể;

- Cô dâu;

- Một cô phù dâu;

- Một anh phù rể;

- Một người dắt lợn một người thồ rượu, hai người này gọi là khách chuyển giao lễ vật (kruô xang tsax).

Ngoài ra còn có người cha của chú rể đại diện chính cho nhà trai.


b) Bên nhà gái gồm có: Hai ông trưởng, phó ban như nhà trai, một ông quan làng làm nhiệm vụ giữ trật tự đám cưới, những người thân quen hàng xóm láng giềng.

- Tại nhà trai:

Trước khi chuẩn bị đi sang nhà gái, nhà trai làm bữa cơm tiếp đãi những người trên, sau khi ăn cơm sáng xong, người nào vào việc nấy, người trưởng ban tổ chức đi trước, đến người phó ban, chú rể, cô dâu, phù rể, phù dâu sau đó là người dắt lợn, thồ rượu, đi đến nửa quãng đường mọi người chọn chỗ nghỉ ăn trưa lấy gà, xôi bẻ chia cho mỗi người một miếng thịt và nắm xôi ăn. Trước khi ăn ông trưởng ban tổ chức (Txir tuôv minhx cungz) làm lý đánh đuổi ma tà để cho mọi người đi đến nơi về đến chốn, để cho hai vợ chồng sau này không bị tà ma quấy rối để cho cha mẹ và cô dâu, chú rể sống hoà hợp. Sau khi ăn xong mọi người lại lên đường đi sang nhà gái, đây là một thủ tục trừ tà ma trong đám cưới mà đám cưới nào khi đi cũng làm, về cũng làm, không được bỏ qua.

- Đến nhà gái:

          Đoàn người nhà trai đến nhà gái đều phải đi qua cửa chính, trưởng phó ban nhà trai vào trước, đeo sừng trâu rượu và ô vào treo đúng cột ma chính trong nhà gái, đầu sừng rượu quay vào trong, tiếp đến hai người chuyển lễ vật, tiếp đến cô dâu, chú rể và đến mọi người, khi ngồi yên vị, hai bên nhà trai, nhà gái mời thuốc, mời rượu nhau xong. Hai ông trưởng, phó ban nhà trai bắt đầu câu chuyện với hai ông trưởng, phó ban nhà gái, mở đầu câu chuyện, hai ông xin chén của nhà gái uống rượu tiếp theo kiểm chứng và bàn giao lễ vật mà bên nhà gái đã thách, định sẵn cho nhà trai từ trước, nếu mọi lễ vật đủ cả số lượng và chất lượng xong, sau khi giao đủ lễ vật cho hai ông trưởng, phó ban tổ chức nhà gái thì lễ cưới được tổ chức ngay. Nếu qua kiểm chứng mà lễ vật không đầy đủ thì hai bên bàn bạc gia hạn trả đủ. Gặp phải trường hợp này thì lễ cưới kéo dài thời gian hơn.

          Sau khi giao lễ vật cho nhà gái, hai ông ban tổ chức nhà gái giao cho những người giúp việc mang lợn đi mổ thịt, lễ cưới được thực hiện.


Kiêng kỵ, cách bầy mâm, lệ ăn uống.


          Trong đám cưới người Mông thường lệ có một số kiêng kỵ nhằm tránh những ảnh hưởng xấu tới cuộc sống sau này của hai vợ chồng trẻ:

Thứ nhất: Khi nấu nướng đồ ăn không được để gáo múc nước trong thùng nước bởi như vậy khi múc nước sóng hay xô đẩy gáo hay xoay tít sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của hai vợ chồng sau này cứ loanh quanh chỗ này, chỗ nọ không ở được nơi nào cố định, cuộc sống sẽ khó khăn vất vả.


Thứ hai: Khi bầy đồ ăn lên mâm cưới không nên làm rơi vỡ bát, chén đũa thìa bởi vô tình như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt cho cuộc sống vợ chồng trẻ sau này, sống nửa chừng đang yên đang lành thì đùng cái thì chết vợ hoặc chết chồng. Nhẹ cũng gẫy chân, gẫy tay, cuộc sống đen đủi.

Thứ ba: Không ăn muối tiêu ớt, nếu ăn muối cuộc đời sau này sẽ gặp sót xa, ăn tiêu ớt cuộc đời sẽ gặp đắng cay. Chính vì bảo vệ cuộc sống cho cô dâu, chú rể cả cuộc đời sau này được yên vui bền vững việc kiêng kỵ rất quan trọng nên mỗi khi tổ chức nhà trai phải bàn với nhà gái rất kỹ để chọn ra một người giỏi dang ngăn nắp đứng ra quản lý những người tham gia nấu nướng đò ăn một cách thận trọng.

Khi thịt chín, trước tiên họ bầy mâm múc ra mỗi thứ một ít thịt ở các tạng phủ của con lợn cưới bầy lên trên đó cho ông chủ nhà gái khấn thờ tổ tiên, sau đó mới bầy cỗ.


Quy định loại mâm.


Trong đám cưới người Mông, người ta phân ra hai loại mâm, loại mâm chính khách dành cho đàn ông thường có đặt danh như các ông trưởng, phó ban tổ chức của hai bên, quan làng, các vai vế có danh khác thường được bầy trước bàn thờ tổ tiên, thường sắp xếp chỗ ngồi từ cao xuống thấp, từ đông sang tây… Loại mâm phụ thường dành cho những người nữ chính khách hai bên và số khách tới dự bình thường bầy chỗ nào cũng được.


Cách bầy mâm chính và quy định chỗ ngồi.


Trong đám cưới của người Mông thường bầy mâm cơm chính theo chiều dài ngôi nhà, trong gian giữa hướng Đông Tây, người ta kê một dãy bàn dài để bầy thức ăn người ngồi xung quanh như hình chữ nhật. Bên đầu mâm phía Đông sát tả ly trong nhà là chỗ ngồi của bố cô dâu, cạnh bên trái phía cửa là chỗ ngồi của bố chú rể, chỗ giáp tả ly dương phía trong bàn thờ là chỗ của ông trưởng ban tổ chức bên nhà gái tiếp là ông quan làng và anh em nhà gái. Hàng ghế sát ngoài cửa chính bên tả ly âm là ông trưởng phó ban nhà trai, chú rể, phù rể và người đưa lễ vật. Sau khi ổn định chỗ ngồi người ta bầy chén, bát đĩa theo số người ngồi trên mâm, còn lại người ta sắp xếp bầy các mâm phụ ở các gian nhà khác sao cho hết chỗ khách đến dự đám cưới. Trong truyền thống của người Mông, người ta bố trí nam, nữ ăn riêng, do vậy ngoài mâm chính khách ra, người ta bầy mâm chính khác cho nữ chính khách của hai nhà trai gái ở gian bếp lò, do chị em không phải thờ cúng tổ tiên không nhất thiết phải ăn cơm trước bàn thờ tổ tiên.


Lệ ăn uống.


Theo lệ làng người Mông thường quy định uống rượu ăn cỗ phải cân bằng nên cần có người điều hành, nếu không việc uống giả dối người uống cạn, người không, nếu không cẩn thận thì khách sẽ bị đói khát do việc giữ ý xấu hổ…Gia chủ sẽ bị mang tiếng không quan tâm đến mọi người. Do đó người Mông có câu cơm có ngon hay không cũng phải ăn ba bát, rượu có ngon hay không cũng phải uống ba chén, đất có tốt hay không cũng phải ở ba năm.

Khi làm món ăn người ta lấy các bộ phận tạng phủ của con lợn đem nấu riêng từng món khi bày đầy đủ các món lên mâm, người ta cử hai người làm nhiệm vụ rót rượu và điều hành ăn uống tên gọi: Người cầm bằng (tuz tuôr tax), mọi việc xong xuôi hai người này công bố bữa ăn đã được. Lúc này ông quan làng đứng lên trịnh trọng tuyên bố bữa tiệc được tiến hành, ăn uống phải nghiêm túc không được lợi dụng rượu say sách nhiễu…

Bốn ông chủ hôn đứng lên làm lý cảm ơn nhau, mời nhau uống rượu, mời nhau thức ăn, khi ăn hai người cầm bằng luôn đi lại sau lưng của khách, kiểm tra chén, bát lần lượt từ hai ông bố đến hết mọi người trên mâm, thấy trong chén người nào hết rượu, trong bát hết thịt thì rót tiếp lần thứ hai, chén ai còn ít rượu, bát còn ít thịt thì họ rót đầy rượu, gắp đầy thịt bắt phải ăn uống hết mới được rót tiếp. Sau ba lượt chén uống rượu ông chủ hôn nhà trai xin phép cả mâm cho chú rể và phù rể làm lý tạ ơn những người đến dự đám cưới. Nhà gái lấy một chiếc chiếu trải trước cửa chính chú rể và phù rể đứng cạnh chiếu hướng vào mâm cơm chính khách và bàn thờ nhà gái khi chủ hôn đọc lời: Cùng tổ tiên ma nhà lạy một lạy, lúc này chú rể, phù rể quỳ lạy một lần, đọc tiếp vế hai: Lại nhận diện, hai người lạy một lần. Việc này diễn ra hết những người có danh vế trong đám thì mọi người ăn cơm, sau bữa cơm số người nhà trai chuẩn bị ra về. Lúc này cả đám cưới rộn vang tiếng nói tiếng cười hát hò đưa đón dâu. Các anh em trai bên nhà gái thì ai cũng cầm bầu rượu, chén chúc trong tay nhằm làm quen và chúc mừng cho chú rể qua những bài hát đối đáp say đắm. Chị em phụ nữ cũng không kém, người nào cũng má hây hây đỏ tay cầm bầu rượu đi chúc mừng cô dâu. Bước tiếp theo là uống rượu thích (tới) nhà gái bố trí nam thanh nữ tú chưa vợ chưa chồng mỗi người một bầu rượu để uống với những người cùng trang lứa bên nhà trai. Những ông cụ bà cụ bảy tám mươi tuổi cũng cầm chén rượu thủ thỉ cất lên những câu hát thời còn trẻ. Cả đám cưới biến thành một cuộc đua tài ca hát của nhiều đối tượng khác nhau như một hội hát thực thụ, một cơ hội gặp gỡ làm quen kẽo dài mãi không ngừng.

Lúc này đòi hỏi chủ hôn và nhà trai giỏi hát đối đáp mới nhanh thoát khỏi nhà gái. Khi về đến nhà trai, những người khá giả thì tổ chức đám cưới lần thứ hai tại nhà trai việc tổ chức này chỉ mang ý nghĩa thiết thết đãi cảm ơn những người giúp việc, mọi thủ tục không nhiều nên còn tuỳ thuộc vào từng gia chủ với hoàn cảnh cụ thể.


Kết luận:


Trong việc cưới hỏi của các dân tộc Việt Nam ta rất phong phú và đa dạng, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có lễ thức truyền thống tổ chức cưới hỏi từ lâu đời tồn tại trong cộng đồng dân tộc từng vùng miền. Tuy nhiên việc bảo tồn và duy trì những hình thức cưới hỏi này cho tới nay ít bền vững, do bản thân nó còn chứa đựng một số tập tục lạc hậu và sự đua đòi của một số ít người. Còn một số người hay buông lỏng sự quan tâm không gìn giữ và phát triển nó cho đời sau, đi đôi với việc kinh tế còn khó khăn vô hình chung các dân tộc mong muốn việc cưới hỏi đơn giản bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Hiện nay việc cưới hỏi của dân tộc các vùng miền gần giống nhau với cùng ý nghĩ ăn góp ăn trả. Đến dự đám cưới ai đến trước ăn trước, ai đến sau ăn sau vội vàng nộp phong bì xong về luôn, tình trạng này gần như diễn ra từ thành thị đến nông thôn. Tổ chức như vậy sẽ làm mất đi sinh hoạt văn hoá trong cưới hỏi, có nguy cơ đánh mất luôn giá trị văn hoá truyền thống trong cưới hỏi mà cha ông ta đã dày công gây dựng nên.

Trong việc cưới hỏi của người Mông Sa Pa ít nhiều cũng bị ảnh hưởng như trên, may thay họ vẫn còn lưu giữ được. Sa Pa là vùng du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Du lịch phát triển, truyền thống văn hoá các dân tộc được coi trọng, văn hoá cưới hỏi, phong tục kéo vợ được đưa ra thành những chương trình biểu diễn sinh hoạt văn hoá chợ (chợ tình Sa Pa) là một hình thức đặc biệt còn nguyên bản sắc văn hoá riêng của người Mông Sa Pa ít nơi nào còn tồn tại. Qua bài viết này, rất mong nhận được sự chia sẻ quan tâm và bảo tồn những giá trị văn hoá còn tồn tại trong mọi vùng miền để đóng góp phong phú cho văn hoá nước nhà./.



Phong tục cưới hỏi của người Chăm
Phong tục cưới hỏi của người Hoa
Phong tục cưới hỏi của người Thái
Phong tục cưới hỏi của người Thái trắng Điện Biên
Phong tục cưới cổ truyền của người Việt
Phong tục tập quán ba miền Bắc Trung Nam trong cưới xin


(st)



SÁCH HAY VIẾT VỀ PHONG TỤC CƯỚI HỎI CỦA NGƯỜI BA NA Ở GIA LAI
hơn 1 tháng trước - Thích (12)
Bạn có thể tìm cuốn: Tục Cưới Hỏi Của Người Việt Tục Cưới Hỏi Của Người Việt Tác giả: Bùi Xuân Mỹ. Phạm Minh Thảo. Nhà xuất bản: Nxb Văn hóa Thông tin
hơn 1 tháng trước - Thích (19)
Gửi hỏi đáp - bình luận