Phong tục cưới hỏi của người Hà Nội
Phong tục cưới hỏi của người Nam Bộ
Phong tục cưới hỏi của người Mông siêu thú vị
Hôn nhân luôn được xem là chuyện đại sự trong cuộc đời của mỗi con người. Tuy nhiên, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền thường có những phong tục và nghi lễ khác nhau. Với đồng bào dân tộc Chăm ở An Giang nói riêng, và người Chăm ở vùng Nam bộ nói chung, do đều theo đạo Hồi Islam, nên phong tục cưới có rất nhiều nét độc đáo.
Thật may mắn, trong một dịp lên thăm Làng văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, tôi đã chứng kiến tận mắt những nghi thức kỳ thú trong đám cưới của một đôi vợ chồng trẻ người Chăm ở An Giang: Chú rể Facốp và cô dâu Atica.
Và may mắn hơn, khi tôi được trò chuyện cùng thầy Aji Châu Du Ly, một người đại diện Ban trị sự Thánh đường Hồi giáo của dân tộc Chăm An Giang, được thầy tận tình giải thích về những nghi thức quan trọng trong đám cưới của người Chăm An Giang.
Cha cô dâu và chú rể trong lễ bắt tay giao con.
Theo thầy Châu Du Ly, chuyện cưới hỏi của nam nữ người Chăm là do cha mẹ tìm hiểu và quyết định. Đến tuổi lập gia đình, cha mẹ nhà trai sẽ tìm hiểu và nhờ ông cả của làng ngỏ lời với nhà gái. Khi được chấp thuận, người làm mối sẽ bàn bạc trước, sau đó nhà trai sẽ tiến hành lễ hỏi (còn gọi là lễ dứt lời), tức là khẳng định việc cưới xin đã được thống nhất.
Đúng ngày định, nhà trai mang đến nhà gái một mâm trái cây làm lễ vật và những vật dụng cần thiết cho cô dâu trong đời sống riêng sau này như áo dài cưới, xà rông, khăn đội đầu, kim chỉ... Ít hôm sau, nhà gái “trả lễ” nhà trai một mâm bánh và nhà trai trao một phong bì tiền cho nhà gái. Gần tới ngày cưới, thầy cả cùng với nhà trai mang giường (người Chăm gọi là ghế) sang nhà gái. Thầy cả cầu nguyện trong phòng cưới và những người cùng đi sẽ giúp dọn và trang trí phòng cưới.
Lễ rửa chân cho cô dâu.
Điểm đặc biệt của một đám cưới người Chăm là nhà cửa trang hoàng rất đẹp, đầy màu sắc sặc sỡ. Trong ngày cưới, cô dâu Atica mặc áo dài nhung màu đỏ pha tím, dài đến gối, không xẻ hông, trùm khăn ren trắng. Tóc và hai tai đều cài hoa và trâm cài đầu với các trang sức như vòng vàng, kiềng, nhẫn xuyến...
Chú rể Facốp mặc chiếc áo dài truyền thống màu trắng của người Hồi giáo, đầu quấn khăn sà pạnh (một loại khăn đội đầu đặc trưng của người Chăm, chỉ sử dụng trong những dịp lễ hội trọng đại). Cũng có nhiều chú rể không đội khăn sà pạnh mà diện nón capé, một loại mũ có hình tròn, không vành, trang trí rất đẹp. Phía ngoài bộ trang phục truyền thống, chú rể diện một áo vest đen.
Thầy cả dắt chú rể vào nhà cô dâu.
Thông thường, lễ cưới của người Chăm An Giang diễn ra trong 2 ngày và 1 đêm với các nghi thức quan trọng, gồm: Lễ Akad Nikad (lễ hôn phối), lễ Takhôk Khage (lễ lên ghế), đêm Malâm Anưk Thàgà (đêm con gái), lễ Penan Tin (lễ đưa rể). Trước khi làm lễ hôn phối, người cha ruột của cô dâu gọi cô dâu ra và hỏi lần cuối cùng, xem con gái có đồng ý lấy vị hôn phu của cô ấy không. Khi cô gái xác nhận là “có” thì mới tiến hành các nghi lễ tiếp theo.
Ngày đầu tiên là ngày họp họ, làm bánh để dùng trong lễ cưới, thường có 3 loại là bánh bông lan, bánh ba lỗ và món cơm cà ri bò. Ngày thứ 2 là ngày “lên ghế” (lên giường), trong ngày này nhà gái và nhà trai tự làm lễ cầu nguyện ở gia đình, người đại diện sẽ đọc những lời chúc cầu nguyện cho cô dâu, chú rể sống bình an, hạnh phúc, sau đó mời cơm dân làng.
Trong khoảng thời gian từ 14 - 16 giờ, cô dâu được trang điểm thật đẹp, mặc đồ truyền thống ngồi trong buồng cưới để 2 phụ nữ lớn tuổi trong tộc nhà gái sẽ hơ chân cho cô dâu, cầu chúc mọi điều tốt lành cho đôi trẻ. Đêm hôm đó, sẽ diễn ra đêm con gái, cô dâu ăn mặc thật đẹp đãi tiệc trà, họp mặt bạn bè, chào bà con lối xóm đến chúc mừng và giúp vui văn nghệ.
Sau khi hoàn thành các nghi lễ, chú rể và cô dâu ra ngoài chào khách và mời khách đến dự lễ cưới ăn bánh và nghe ca hát chào mừng...
Ngày thứ 3 là ngày di���n ra lễ Pengan Tin, còn gọi là “lễ đưa rể”. Trong ngày này, một đoàn nhà trai tháp tùng chú rể đến nhà gái. Một vị chức sắc có uy tín trong làng cầm một chiếc khăn tay dẫn chú rể về nhà vợ, theo sau là đoàn người họ nhà trai cầm lọng, ô, vừa đi vừa thổi kèn, đánh trống, ca hát rộn ràng đến tận cổng nhà cô dâu.
Khi chú rể bước tới chân cầu thang nhà gái, để thể hiện lòng hiếu khách, các bà, các cô trong họ nhà gái bưng nước rửa chân cho chú rể, trong lúc mọi người hát vang bài hát có nội dung hân hoan rửa chân.
Sau đó, họ trải khăn trắng mời chú rể và toàn bộ nhà trai vào nhà, hai họ an tọa trên sàn gỗ để tiến hành các nghi thức cưới xin. Sau khi thầy cả và họ nhà trai tuyên bố đưa chú rể Facốp đến tiến hành hôn sự, một người có uy tín đọc xong đoạn kinh Koran thì cha của cô dâu Atica đứng dậy, tiến đến trước mặt chàng rể, hai người bắt tay nhau trước sự chứng kiến của hai người làm chứng theo đúng nghi lễ cưới xin của đạo Hồi.
Trước sự chứng kiến của những người nam giới đại diện cho 2 bên gia đình và thầy cả, bố cô dâu (hoặc người bảo hộ) cầm tay chú rể và nói: “Ta gả con gái ta tên Atica cho con với số tiền sính lễ là...” và chú rể Facốp đáp: “Tôi nhận cưới Atica với số tiền sính lễ là...”. Sau đó, bên nhà trai trình sính lễ cho thầy cả kiểm tra, rồi những người chứng kiến cùng với thầy cả sẽ đọc kinh cầu nguyện cùng chúc cho cô dâu, chú rể sống trăm năm hạnh phúc.
Thầy Du Châu Ly cho biết, theo phong tục của đồng bào Chăm ở An Giang, nghi thức đó gọi là lễ kà pụn (còn gọi là nghi lễ “bắt tay giao con” - là nghi lễ quan trọng nhất trong đám cưới người Chăm theo đạo Hồi Islam. Sau nghi lễ này, cô dâu chú rể chính thức trở thành vợ chồng.
Cũng theo lời thầy Du Châu Ly, việc giao con với số tiền bao nhiêu thì tùy cha của cô dâu thỏa thuận với chú rể và họ nhà trai, nhưng từ xưa đến nay số tiền khi cha cô dâu tuyên bố lúc làm lễ “bắt tay giao con” chỉ là số tiền tượng trưng, và họ nhà gái sẽ không đòi một số tiền quá lớn vượt khỏi khả năng của chú rể và họ nhà trai.
Đoàn nhà trai đưa chú rể đến nhà cô dâu.
Sau nghi lễ “bắt tay giao con”, ông thầy cả hoặc người có uy tín ở nhà trai dắt chú rể đi thẳng vào phòng cô dâu. Tới phòng, chú rể đến bên cô dâu lấy tay nhổ cây trâm cài trên đầu đặt xuống giường, theo giải thích của thầy Du Châu Ly, hành động nhổ cây trâm có ý nghĩa là cây hoa này đã có chủ rồi. Sau đó, chú rể dùng ngón trỏ chỉ thẳng vào trán cô dâu, hành động này có hàm ý là: “Từ giờ em đã là vợ của anh rồi, phải biết nghe lời anh đấy nhé...”.
Tiếp đó, chú rể bước lên giường cưới, ngồi cạnh cô dâu và kính cẩn nghe thầy thuộc Thánh đường Hồi giáo thực hiện nghi lễ đọc kinh cầu nguyện, chúc phúc cho hai người. Sau nghi lễ này, cô dâu, chú rể mới được bước ra ngoài chào hỏi quan khách và mời những người đến dự lễ cưới rồi tất cả ăn bánh và nghe ca hát chào mừng...
Sau bữa ăn tối, trong phòng cưới, bốn người phụ nữ sẽ chuẩn bị một chiếc xô (hoặc chậu thau) thả vào đó 10 đồng bạc cắc (tiền xu, đồng hoa xòe). Cô dâu và chú rể sẽ mò, ai mò được nhiều hơn người đó sẽ có tiếng nói hơn trong cuộc sống gia đình sau này. Sau hôn lễ, chú rể phải ở nhà cô dâu ba tối đầu tiên. Sau đó, việc ở rể hay làm dâu là do sự thỏa thuận của hai bên gia đình.