Nhóm Dao Tuyển (hay còn gọi là Dao áo dài, Dao chàm) là một trong nhiều nhóm của cộng đồng dân tộc Dao có ở Lào Cai. Người Dao Tuyển sống chan hòa cùng các nhóm Dao và các dân tộc anh em khác, tuy nhiên trong đời sống văn hóa, họ có sắc phục, tiếng nói, phong tục, mỹ tục… khác với các dân tộc, các nhóm Dao và có nhiều nét văn hoá đặc sắc. Bài viết này xin được giới thiệu nét đẹp trong phong tục cưới của người Dao Tuyển.
Cũng như nhiều dân tộc anh em khác ở Lào Cai, người Dao Tuyển trong hôn nhân trai gái được tự do tìm hiểu và thực hiện các quy định chung của pháp luật: như hôn nhân một vợ một chồng, người trong họ chưa quá năm đời không được lấy nhau… Và nét đẹp của việc cưới- một nghi lễ không chỉ in đậm dấu ấn đời người mà còn ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống gia đình và cộng đồng.
Việc cưới của người Dao Tuyển được tiến hành qua các nghi lễ và các bước: đôi trai gái sau khi tìm hiểu đã ưng thuận và mong muốn đi đến hôn nhân sẽ báo cho bố mẹ hai bên cùng biết. Bố mẹ đôi bên nếu vừa ý con dâu, con rể tương lai và gia cảnh của hai gia đình…thì sẽ tiến hành nghi lễ thứ nhất gọi là ăn pầu. Nhà trai sang thăm và gửi lại nhà gái hai đồng bạc trắng nhỏ để “Làm tin”. Sau một thời gian “thử thách” tình cảm của đôi trẻ và hai gia đình vẫn tốt đẹp sẽ tiến hành nghi thức tiếp theo (còn nếu không thành, nhà gái sẽ giử trả lại hai đồng bạc trắng). Đây là nghi thức rất quan trọng của việc hôn nhân gọi là: lo nỏi ăn ăn nỏi. ở tục lệ này, ngoài các lễ vật: trầu cau, rượu thịt tùy tâm; nhà trai còn phải mang đến nhà gái một thứ lễ có tính tín ngưỡng là gói muối bọc giấy đỏ buộc chỉ màu và kẹp theo hai đồng tiền kẽm (loại tiền cũ bằng đồng, hoặc kẽm có lỗ vuông ở giữa). Sau lễ này, hai gia đình sẽ chính thức nhận nhau làm thông gia và bàn bạc thống nhất về ngày tổ chức đón dâu. Việc này được ghi thành văn bản trên giấy hồng điều, mỗi gia đình giữ một bản đem dán vào nơi trang trọng nhất trong nhà, thể hiện ý thức tôn trọng, và ngày hôm đó dù ở gần hay xa, họ nhà trai đều ngủ lại nhà gái một đêm để trò chuyện, tỏ rõ tình cảm thân thiện. sau nghi thức này là việc hết sức quan trọng của họ nhà trai đó là việc chọn người làm ông mối trong lễ đón dâu.
Người Dao Tuyển rất coi trọng vai trò của ông mối không chỉ có ý nghĩa trong lễ cưới mà còn mang dấu ấn trong cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ về sau. Do dó ông mối được người Dao Tuyển gọi là Ay Tả, có nghĩa là Ông ngoại. Ông mối phải là người có nhiều hiểu biết, có tài tổ chức và đối đáp giỏi, có gia đình hạnh phúc vẹn toàn, sống mẫu mực và có uy tín trong cộng đồng. Ông mối được đôi vợ chông trẻ coi trọng và phải lễ tết hàng năm đồng thời thường xuyên đi lại viếng thăm giúp đỡ công việc khi cần thiết. Ngoài ông mối, nhà trai còn phải chọn thêm một số người trong đoàn đón dâu như: Người đưa lễ (lễ bộ), người đại diện anh em và vài ba người phù rể, đặc biệt là các thành phần trong trong đoàn đón dâu phải là người biết hát những làn điệu dân ca của dân tộc mình và ứng xử đối đáp giỏi. Đối với nhà gái phải chuẩn bị đoàn đưa dâu, tiếp đón họ nhà trai và phải mời người làm lễ cúng gia tiên. Riêng đoàn đón dâu phải có năm người: Hai phù dâu, hai đón rể, và một “bà đường”. Tất cả các thành phần này đều hát hay và ứng tác nhanh. Trong phong tục cưới của người Dao Tuyển có thể nói việc ứng táp đối đáp là thể hiện rõ nét nhất, sâu sắc nhất về bản sắc dân tộc mình. Người Dao Tuyển không sử dụng nhiều dụng cụ như Dao Đỏ, Dao Họ…. nhưng cách hát và cách đối đáp cho người Dao Tuyển rất da dạng phong phú phần lời và đặc biệt rất chặt về niêm luật, thường ở thể “song thất” (hai câu, bảy từ). cứ mỗi vấn đề định diễn đạt họ đều chuyên về vấn đề này để người hát ứng tác theo dai điệu, tiết tấu cố định. Lễ đón dâu gọi là “ay con” lễ này được thực hiện tuần tự qua các bước: Đoàn nhà trai do ông mối dẫn đầu, khi đến đầu bản, nhà gái sẽ đặt một cái cổng tượng trưng giọ là “ải thôn”. Đến đây nhà trai sẽ được mời dừng chân uống nước. Nhà gái sẽ cử người nói những câu đại lọai như: “Đoàn này là đoàn gì, đi đâu?...” Họ nhà trai phải cử người đối đáp bằng lời hát theo thể “song thất” như đã nói ở trên. Phải cho đến khi đối đáp hợp tình, thuận lý, nhà gái mới cho đi qua “ải thôn” để vào cổng nhà. Lễ này còn có nghĩa là lễ “chào làng”.
Vào đến cổng, đoàn nhà trai vẫn chưa được mời vào nhà ngay mà sẽ có một “hàng rào” là các cô gái người cùng thôn hoặc bạn bè của cô dâu sẽ chặn lối để ra vê hát đối đáp. Đây là lúc các phù rể tìm câu đối đáp sao cho thật hay để các cô gái hài lòng sẽ mở cửa “vòng vây” cho đoàn được vào nhà. Đoàn nhà trai vào sẽ tiến hành đại lễ, nhà trai sẽ dâng các lễ vật cho họ nhà gái. Người Dao Tuyển không có tục thách cưới nên gọi là đại lễ nhưng chỉ là những sản vật có tính chất tượng trưng trong đời sống tín ngưỡng như muối ăn, trầu cau, chè… được bó thành 12 gói nhỏ trong trong lá dong rừng và thắt bằng dây lạt nhuộm màu rất đẹp. Khi nhận lễ nhà trai sẽ cử người hỏi (bằng hình thức hát) xuât xứ của các thứ lễ. Họ nhà trai sẽ nói những lời hay, ý nghĩa đẹp của các lễ vật. nhà gái bằng lòng sẽ cử người hát cám ơn và nhận lễ.
Bước tiếp theo là lễ kết duyên. Đây là một nghi thức hết sức thiêng liêng đối với đôi vợ chồng trẻ. Người ta sẽ hát những bài hát răn dạy đôi vợ chồng phải biết kính trọng cha mẹ, ăn ở với nhau phải đạo vợ chồng ….Ay Tả sẽ làm lễ hợp duyên cho đôi vợ chồng. Từ giờ phút đó họ chính thức là vọ chồng; hứa với tổ tiên, cha mẹ phải sống chung thủy với nhau đến trọn đời. Mọi người sẽ hát mừng đôi vợ chồng mới và làm lễ “bái đường” và lễ “phong diện” kết thúc hôn lễ ở nhà gái. Ở lễ này người ta sẽ hát “tương kiến” đối đáp với nhau: Nhà trai thì sẽ hát những bài với nội dung cám ơn họ nhà gái đã có công sinh thành, nuôi dạy con cái, để bây giờ họ có dâu hiền con ngoan… Họ nhà gái cũng hát đáp lại, cám ơn họ đã cho họ rể thảo để có thêm con cậy nhờ … Đến đây lễ cưới được kết thúc. Các bạn gái sẽ hát tiễn cô dâu ra ngõ các phù rể hát cám ơn đáp lễ. đoàn nhà trai được đón con dâu về nhà, họ nhà gái cử đoàn đưa con dâu về nhà chồng và tiến hành một số nghi lễ ở nhà trai. Trong lễ cưới của người Dao Tuyển mọi nghi thức vui vẻ mang đậm văn hóa dân tộc đều được thực hiện ở nhà gái, còn ở nhà trai chỉ có một vài nghi thức tế lễ với tổ tiên và bạn bè họ hàng đến chúc mừng.
Chính những nghi lễ mang đậm dấu ấn văn hóa và tín ngưỡng trong việc cưới hỏi của người Dao Tuyển đã có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống vợ chồng. người Dao Tuyển rất ít khi có chuyện vợ chồng bỏ nhau, mà hộ sống rất chung thủy với nền tảng gia đình bền chặt, đó cũng là những nét đẹp trong đời sống văn hóa xã hội hôm nay mà chúng ta cần gìn giữ phát huy và trân trọng.