Phong tục cưới hỏi của người Nam Bộ
Phong tục cưới hỏi của người Hoa
Phong tục cưới hỏi của người Ê Đê
Nghi thức, nghi lễ cưới ở Hà Nội so với các vùng khác có quy định nghiêm ngặt hơn, nhưng trải qua một thời gian nghi thức đó cũng đã thay đổi theo tiến bộ của xã hội. Tuy nhiên, dù có thay đổi gì cũng phải giữ 3 lễ:
Chạm ngõ là lễ tiếp xúc đầu tiên, chính thức của hai gia đình nhà trai và nhà gái. Ngày nay, những gia đình ở Hà Nội vẫn giữ nguyên nếp xưa, lễ chạm ngõ vẫn được xem là thủ tục cần thiết, để giữa hai gia đình, "chỗ người lớn" thưa chuyện với nhau. Sau lễ chạm ngõ, người con gái được xem như có nơi có chốn, bước đầu để tiến tới chuyện hôn nhân.
Sau lễ chạm ngõ là đến lễ ăn hỏi. Dù là tầng lớp nào thì cũng không thể thiếu được cơi trầu. Một lễ ăn hỏi của người Hà Nội thì không thể thiếu cốm và hồng. Nếu gia đình khá giả thì ngoài cốm - hồng và trầu cau còn có thêm lợn sữa quay. Ðồ lễ ăn hỏi gắn liền với đặc sản của vùng đất Hà Thành, gồm có: bánh cốm, bánh su sê, mứt sen, chè, rượu, trầu cau, thuốc lá...
Dù lễ vật nhiều, ít nhưng không thể thiếu bánh "su sê", ngày xưa gọi là bánh "phu thê", một số địa phương gọi chệch ra là bánh "su sê" là biểu tượng của đôi vợ chồng duyên phận vẹn toàn. Thông thường lễ ăn hỏi gồm có 3 lễ: lễ đàng nội, lễ đàng ngoại và lễ tại gia. Lễ tại gia thường được chia ra đưa kèm theo người được mời cưới.
Thời gian sau khi ăn hỏi đến lễ cưới thông thường là dưới 10 ngày. Lễ rước dâu ngày xưa có rất nhiều thủ tục, đi đầu đám rước là những người giàu có địa vị trong làng xã, khi đón dâu ra đến đầu làng còn có lễ chăng dây, đầu làng hoặc đầu phố (lễ chăng dây đến đầu thế kỷ XX vẫn còn), muốn đi qua phải đưa một ít tiền.
Ăn uống, tiệc tùng diễn ra trước ngày cưới 1 ngày (bây giờ thường tổ chức ngay trong ngày cưới). Sau khi Hà Nội đô thị hóa, dân cư tập trung chủ yếu ở trung tâm thành phố, là khu vực 36 phố phường thì phong tục cưới xin cũng vì thế thay đổi do tiếp thu trình độ văn hóa phương Tây.
Ðám cưới bắt đầu xuất hiện thiệp báo hỷ, khi đưa thiệp mời cưới phải đưa kèm theo chè và hạt sen (lấy từ lễ ăn hỏi). Ðến nay tục này vẫn còn được giữ lại. Nếu là đám cưới của những gia đình khá giả, phải có quả phù tang (dùng để đựng đồ lễ, dài từ 80cm đến 1m) do hai người khiêng, đựng trầu cau, lợn sơn son (tục này vẫn được giữ trước năm 1945).
Sâm banh được mở ra báo hiệu một lễ cưới bắt đầu, rượu sâm banh với bánh sâm ba là hai thứ không thể thiếu trong lễ cưới của những người phong lưu. Nhưng dù là người giàu hay nghèo trong đám cưới cũng chỉ dùng tiệc ngọt (không dùng mặn).
Trong khi đón dâu, cô dâu chú rể phải làm lễ gia tiên, lễ này như một sự tưởng nhớ đến cội nguồn, tổ tiên. Sau lễ thành hôn, hai vợ chồng tân hôn trở về nhà gái mang theo lễ vật để tạ gia tiên gọi là lễ lại mặt. Lễ này hiện nay một số đám cưới bỏ qua, từ sau lễ lại mặt bố mẹ cô dâu mới chính thức tới nhà thông gia, vì trong lễ cưới mẹ cô dâu không đi đưa dâu. Lễ lại mặt thường tiến hành vào ngày thứ hai hoặc thứ tư sau lễ cưới (gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ).