Phong tục cưới hỏi của người Nam Bộ
Phong tục cưới hỏi của người Hoa
Phong tục cưới hỏi của người Ê Đê
Người Hà Nội nói riêng và người miền Bắc nói chung vẫn trọng lễ nghi truyền thống. Vì thế, đám cưới ngày nay, dù đã được giản tiện rất nhiều, nhưng những nghi lễ quan trọng vẫn không vì thế được bỏ qua. Để tiến tới một đám cưới, bất cứ cặp đôi nào đều phải trải qua 3 nghi lễ bắt buộc: dạm ngõ, ăn hỏi và lễ cưới. Trong đó, dạm ngõ thường tiến hành trước lễ ăn hỏi khá sớm, là cuộc trò chuyện giữa hai bên gia đình người lớn, đặt một cơi trầu và cho đôi trẻ được phép tìm hiểu nhau. Hai nghi lễ còn lại là đám hỏi và lễ cưới được chăm chút hơn cả.
Lễ hỏi của người Hà Nội xưa thường tiến hành trước lễ cưới 10 ngày. Nhưng ngày nay, do tính chất “gộp”, lễ hỏi thường diễn ra trước lễ cưới 1 hoặc 3 ngày trước. Đây là nghi lễ thông báo chính thức về việc hứa gả con giữa hai họ. Cũng như đa số đám hỏi của người Việt nói chung, đồ của lễ hỏi thường có đủ: trà, rượu, trầu cau, thuốc lá, bánh kẹo… và thường chia thành số lẻ 7, 9 hoặc 11 lễ (khác với miền Nam thường là lễ chẵn). Tuy nhiên, đồ sánh lễ bắt buộc phải có của đám hỏi Hà Nội là bánh phu thê, loại bánh tượng trưng cho sự gắn kết của đôi uyên ương. Bánh cốm cũng là vật phẩm không thiếu trên mâm sánh lễ nhà trai mang sang nhà gái trong đám hỏi của người Hà Nội. Xưa kia, cốm vòng và hồng cũng thường là món đồ không thể thiếu. Các gia đình khá giả thường có lợn sữa quay trên mâm đồ mặn của sánh lễ.
Số lượng chè, hạt sen thường do nhà gái yêu cầu nhà trai mang tới sao cho đủ với lượng thiệp mời gửi đi. Vì trong thiệp mời cưới gửi đi, người Hà Nội quan niệm sẽ mang theo chút quà chia vui hỉ sự của gia đình mình. Ngày nay, những đám hỏi cận kề gần ngày cưới, nhà gái không đợi được quà chia vui đó của nhà trai mang tới, nên thường do mỗi bên gia đình tự chuẩn bị, nhưng thường nghi thức này vẫn giữ nguyên. Lễ đen (phong bì thay cho lễ mặn) là số tiền tượng trưng nhà trai gửi nhà gái thay mặt làm bữa cơm mặn mời hai họ của cô dâu như lời cảm ơn công dưỡng dục sinh thành. Tuy số tiền lễ đen ngày nay chỉ mang tính tượng trưng, và sau đó nhiều gia đình tặng lại cho cặp đôi mới cưới làm quà xây dựng gia đình nhưng nhiều gia đình Hà Nội vẫn gìn giữ phong tục ấy.
Lễ cưới của cặp đôi là nghi thức quan trọng đối với gia đình hai bên. Ngày hôm đó, cô dâu thường mặc áo dài đỏ, chú rể mặc đồ truyền thống hoặc có thể giản tiện hơn là mặc đồ Tây. Nhưng nghi lễ xin dâu rồi sau đó mới đón dâu vẫn được giữ nguyên. Nghi lễ xin dâu thường do hai phụ nữ thân cận nhất của chú rể thay mặt nhà trai thực hiện tại nhà gái. Đây được coi là nghi thức thông báo chính thức đến gia đình hai bên về việc thành hôn của đôi trẻ. Sau khi làm xong thủ tục này, lễ đón dâu mới chính thức được thực hiện. Tiệc cưới chỉ là phần liên hoan dành cho bạn bè, người thân sau khi lễ đón dâu, ra mắt gia tiên của hai bên hoàn tất.
Sau đám cưới, lễ lại mặt cũng vẫn được đa số các gia đình Hà Nội gìn giữ. Thông thường lễ lại mặt diễn ra sau khi cưới 1 đến 4 ngày, tùy theo mức độ gần xa giữa hai nhà. Nghi lễ này trước đây gồm có trầu, cau, rượu, thịt, nhưng ngày nay giản tiện hơn, tùy theo từng gia đình. Đây là lễ báo tin của con gái và rể mới với gia đình vợ về việc, sau khi về nhà mới, con gái họ vẫn có cuộc sống vui vẻ.
Có thể nói, đám cưới của người Hà Nội ngày nay dù đã giản tiện đi nhiều các nghi lễ như lễ chăng dây hay những bữa cỗ linh đình nhưng nhìn chung, những nghi lễ truyền thống vẫn được gìn giữ dù chỉ còn tồn tại ở dạng nghi thức.