Phong tục cưới hỏi của người Hà Nội
Phong tục cưới hỏi của người Nam Bộ
Phong tục cưới hỏi của người Mông siêu thú vị
Với người K’ho dưới chân núi LangBiang ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, để chính thức trở thành vợ chồng bắt buộc họ phải có với nhau một vài mặt con...Lúc này, nhà gái mới giết heo, mổ trâu tổ chức đám cưới mời phía nhà trai, anh em họ hàng, buôn làng tới ăn mừng. Từ nay đôi lứa mới chính thức thành vợ chồng
Cuộc đấu trí trong đám hỏi
Người K’ho dưới chân núi LangBiang, phụ nữ luôn là trụ cột chính trong gia đình gần như quyết định mọi vấn đề hệ trọng. Và ngay cả trong hôn nhân, họ cũng sẽ là người chủ động đi bắt chồng về nhà ăn nằm với mình. Đến tuổi cập kê, người con gái bắt đầu làm đẹp, chỉnh trang thân hình, trang phục và đi chơi cùng nhóm bạn trong buôn. Sau một vài bận hẹn hò ở bờ này, bụi nọ, khi đã ưng bụng một người con trai nào đó, người con gái sẽ chủ động đòi cha mẹ đến nhà người mình yêu đặt vấn đề bắt chồng dù người con gái đó có thể chỉ mới ở tuổi 14, 15.
Trong lễ gặp mặt hai gia đình bắt buộc phải có bà mối, người này sẽ đứng ra làm các nghi thức, tạo thành chiếc cầu nối giữa đôi trai gái và gia đình hai bên. Thủ tục đi ăn hỏi của người K’ho rất đơn giản, chỉ một vòng đeo tay và một dây nhòng bằng đồng hoặc bạc. Lễ đi hỏi của nhà gái thường bắt đầu vào lúc 17 giờ khi mặt trời đã khuất dưới dãy núi Langbiang, lúc này tất cả những thành viên trong gia đình nhà trai ở trên rẫy đã trở về nhà, mọi công việc trong ngày của nhà trai hoàn tất. Khi đã đầy đủ những thành viên trong gia đình nhà trai có mặt, nhà gái đặt vấn đề xin bắt chàng trai về ở rể nhà mình. Cùng lúc này, bà mối đeo nhòng vào cổ chàng trai.
Thông thường phía nhà trai sẽ “làm cao” từ chối việc xin bắt chồng của phía nhà gái bằng cách trả lời là: “Con trai tôi còn trẻ, đang ăn bám bố mẹ, chưa có kinh nghiệm trong gia đình đâu. Anh chị thông cảm”. Không như nhiều dân tộc khác khi bị từ chối cầu hôn người đi hỏi sẽ tự ái bỏ về hoặc không còn thiết tha đi cầu hôn người này cho con mình nữa. Nhưng với người K’ho, lễ cầu hôn thực chất là một cuộc đấu trí giữa gia đình hai bên mà bên nào thua lý, yếu lẽ sẽ bị thất bại. Khi nhà trai từ chối gả con, phía nhà gái sẽ tiếp tục thuyết phục: “Con anh chị hôm nay còn trẻ, không có kinh nghiệm, ngày mai nó sẽ lớn. Người ta có sức đi làm được mười ngày con anh chị cũng sẽ làm được bảy, tám ngày đó thôi”.
Nếu người con trai thật sự không bằng lòng để người con gái bắt mình về nhà họ sẽ trả lời: “Hôm nay con không lấy, ngày mai con cũng không lấy. Con đâu ở dưới nước mà sợ”, sau đó tháo nhòng vừa được nhà gái đeo vào cổ bỏ xuống bàn. Việc từ chối cầu hôn này sẽ làm tổn thương danh dự của phía nhà gái, buộc nhà trai phải bồi thường danh dự bằng tiền hoặc sản vật trị giá từ 500.000 – 1.000.000 đồng. Nhà gái chỉ cầm vòng tay và nhòng về toàn bộ số tiền trên sẽ dành cho mai mối.
Khoảng một tuần sau, nhà gái cùng mai mối lại đến nhà trai đặt vấn đề bắt chồng cho con. Những lý lẽ thuyết phục nhất sẽ tiếp tục được hai bên đưa ra để đấu trí. Nếu nhà gái vẫn thua, nhà trai chưa chịu cho bắt chồng thì nhà trai lại phải nộp tiền bồi thường danh dự, trả lại vòng tay và nhòng về cho nhà gái. Theo luật tục của người K’ho, đối với con trai đang trong thời gian có người con gái săn hỏi bắt về làm chồng sẽ không được để ý đến người con gái khác. Và cũng không cho phép bất cứ người con gái nào đến đặt vấn đề bắt người con trai này về làm chồng.
Ông K’Breo Cil, người chuyên nghiên cứu về luật tục của người K’ho dưới chân núi Lang Biang cho biết, tại địa phương có những đám hỏi kéo dài đến hai, ba tháng mà vẫn chưa thành công. Không thể bắt được chồng người con gái buộc phải đi tìm người con trai khác, riêng gia đình nhà trai tuy không bị mất con nhưng cũng thiệt hại nặng nề về tiền bạc và thời gian.
“Ăn trái cấm” không chịu làm chồng thì...
Với người K’ho ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, gia đình thường không cấm đôi lứa yêu nhau. Khi đã ưng cái bụng của nhau, nếu thích hai người có thể được tự do chung sống như vợ chồng mặc dù phía nhà gái chưa chính thức đi hỏi. Thông thường những đôi lứa “ăn cơm trước kẻng”, đã chung sống với nhau như vợ chồng việc hoàn tất các thủ tục để tiến tới hôn nhân không mấy khó khăn và phần lớn là thành công. Tuy nhiên, không phải đôi trai gái nào “ăn trái cấm” trước khi có lời cầu hôn từ phía nhà gái cùng thành vợ chồng.
Khi hai người đã ở với nhau như vợ chồng, nhà gái vẫn sẽ lựa chọn ngày lành tháng tốt sắm vòng tay và nhòng đến nhà trai hỏi xin bắt chồng về cho con. Trong trường hợp này, nếu chàng trai vẫn chưa chịu về nhà vợ làm chồng bà mai mối sẽ hỏi người con gái: “Chúng mày yêu nhau sao giờ nó không chịu nhận làm chồng mày”. Người con gái sẽ trả lời: “Dạ chúng con yêu nhau như vợ chồng”. Mai mối tiếp tục dồn phía nhà trai vào thế yếu lý, thiếu lẽ: “Chúng mày yêu nhau da đã chạm da, thịt đã chạm thịt rồi phải không”.
Chỉ chờ cho có câu hỏi này của người mai mối, người con gái sẽ kể lại toàn bộ việc làm chuyện “vợ chồng” từ khi nào cho gia đình hai bên nghe nhằm mục đích buộc chàng trai phải có trách nhiệm làm chồng của mình. Thế nhưng, cũng có những chàng trai K’ho vốn “cứng đầu” không chịu nhận trách nhiệm làm chồng mặc dù trước đó đã ăn nằm với người con gái từ lâu. Những người con trai “dám làm không dám chịu” này thường bị nhà gái phạt vạ rất nặng. Vật nộp phạt có thể là một con trâu mộng hoặc tiền tương đương với con trâu (ngày nay khoảng 20 triệu đồng). Nếu gia đình nhà trai nộp phạt thỏa đáng nhà gái mới cảm thấy danh dự không bị xúc phạm. Nếu nộp phạt ít, nhà gái có thể tự ái bỏ về mà không cần bất cứ vật phẩm phạt vạ nào từ phía nhà trai. Những người con trai này sẽ bị nhà gái xem là đĩ đực, coi thường và khinh rẻ vô cùng. Đối với tộc người K’ho ở chân núi Lang Biang, ai bị xem là đĩ đực và bị coi thường thì rất khó có người xin bắt về làm chồng.
Khi nhà gái đã xin bắt được chồng, ngay trong đêm đó, người con trai có thể theo về nhà gái chung sống. Tuy nhiên, để chính thức trở thành vợ chồng và tổ chức đám cưới buộc họ phải có với nhau một vài mặt con. Nếu không có con thì dứt khoát không thể tổ chức đám cưới.
Có chăng đêm động phòng của người K’ho?
Đám cưới của đồng bào K’ho, xã La Ngâu, huyện Tánh Linh bây giờ không khác gì đám cưới của người Kinh. Cũng áo xống, váy dài váy ngắn, nhạc đệm ì xèo. Tuy vậy, theo nhiều người già kể lại, đồng bào vẫn giữ một số tập tục riêng trong hôn nhân. Một chút tò mò, chúng tôi đi tìm tập tục riêng đó, chẳng hạn như đêm động phòng...
Ngồi nói chuyện với Bờ Đam Thị Hôm và anh Roòng Đêm ở buôn Tà Pạt, xã La Ngâu trong một buổi chiều trời mưa. Đúng là dạo này đang vào giữa mùa mưa, mưa ở vùng cao có khi kéo dài nhiều ngày, lướt thướt hơn miền xuôi rất nhiều. Tôi đặt vấn đề tìm hiểu tập tục cưới hỏi của đồng bào K’ho, vợ chồng chị Hôm nói là sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi mà tôi đưa ra.
Năm 1977, Bờ Đam Thị Hôm 13 tuổi, thấy con gái đã lớn, cha mẹ làm cho một phòng riêng. Hàng ngày theo cha mẹ lên rẫy, Hôm thường hay gặp và nói chuyện với Roòng Đêm, là một thanh niên hơn mình 5 tuổi, mạnh khỏe, siêng năng, nói chuyện cũng vui vui, Hôm thấy có cảm tình.
Năm 1979, trong một buổi tối Roòng Đêm tới nhà chơi, Hôm nói Đêm ngủ lại cho vui. Đó chính là đêm tân hôn của đôi vợ chồng trẻ.
Đêm đó Hôm mặc váy, trên ngực khoác tấm chăn. Hai người nằm tâm sự, họ nói với nhau nhiều chuyện nhưng chung quy chỉ là những lời tràn ngập tình yêu trai trẻ. Mặc dù trong bụng rất ưng đụng vào người của Đêm, nhưng Hôm không dám do “sợ người ta đánh giá” - Bờ Đam Thị Hôm nói với tôi như vậy.
Đêm đó, hai người đã thực hiện chức năng giữ gìn nòi giống của loài người như mọi dân tộc khác. Hôm ngủ dậy trước Đêm và không quên lấy đôi dép của Đêm cất vào trong chiếc rương của mình.
Đám cưới vùng cao
Sáng hôm sau, khi Đêm đã về nhà của mình, Hôm lấy đôi dép đưa cho cha mẹ của mình xem, sau đó đưa đến cho người cậu ruột để thông báo vật chứng của việc anh Đêm là người con trai đã ngủ với mình.
Người cậu cầm vật chứng đến nói với người nhà của Đêm. Nhìn đôi dép, mọi người đều công nhận đó là của Đêm. Cha, mẹ và cậu của Đêm đồng ý cho Hôm bắt Đêm về làm chồng, nhưng muốn bắt thì phải nộp lễ vật gồm: một con heo 2 đòn khiêng (4 người khiêng), hai ché rượu cần, 25 lá khăn, hai con gà trống.
Năm 1979 là năm mà cả nước đều đói kém, nhà của Hôm cũng khổ như mọi gia đình khác. Dù rất thương cháu gái của mình, nhưng đời sống quá khó khăn, nên người cậu đến nói với nhà trai xin làm lễ “ bắt” thằng Đêm về làm chồng con Hôm nhưng xin làm lễ nhỏ để đãi bà con họ hàng gồm một con heo nhỏ hai tay (vòng hai bàn tay phía sau chân trước con heo) và một con gà trống.
Vợ chồng Hôm và Đêm sống với nhau đến năm 1986, lúc đó đã có năm đứa con, hai người mới tổ chức đám cưới với số lễ vật đúng như đã hứa với nhà trai. Chi phí đám cưới đều do hai vợ chồng làm mà có.
Thực ra, trước đó theo tập tục, con gái K’ho muốn bắt con trai về làm chồng, phải đến nhà trai ở một thời gian theo thỏa thuận, có thể ba năm, năm năm hoặc mười năm.
Trong thời gian đó, hai người không được ngủ với nhau. Nếu tự ý ngủ sẽ bị buôn làng phạt rất nặng. Hết thời gian ở nhà trai, cô gái được quyền ngủ với người con trai ở phòng riêng của mình, rồi thông báo bắt chồng và phải nạp lễ vật theo đúng yêu cầu của nhà trai. Nếu không có đủ lễ vật cũng được quyền bắt nhưng “ xin nợ” đến khi có đủ mới nộp cho bà con nhà trai.
Không hiểu tập tục người con gái phải lấy vật chứng của người con trai trong đêm đầu tiên làm vợ, làm chồng có từ bao giờ, nhưng đến nay bà con dân tộc K’ho ở xã La Ngâu vẫn giữ. Vật chứng là những đồ dùng hàng ngày của người con trai như: nhẫn, đồng hồ, cái áo, đôi dép…
Hình như những thế hệ trước đây dù không đuợc đi xa, khỏi cái làng mé núi, nhưng họ cũng hiểu được tính pháp lý trong việc sử dụng vật chứng.
Theo một số người lớn tuổi kể lại, đã từng xảy ra trường hợp anh con trai “xù” bằng cách chối bay, chối biến việc đã ngủ với cô gái khi cô gái quên lấy bằng chứng. Còn nếu người con trai công nhận đã ngủ với cô gái nhưng không chịu cho bắt, sẽ bị buôn làng phạt rất nặng (thường là trâu, heo, rượu cần). Nếu không chịu nộp phạt sẽ khó sống yên với buôn làng.
Anh Phạm Đình Sang, người Kinh, sinh năm 1955 quê ở tận Cần Thơ ra làm rẫy rồi quen và được chị Lê Thị Hơn – dân tộc K’ho ở buôn Tà Lốp, xã La Ngâu bắt về làm chồng.
Anh chị đã có với nhau ba đứa con gái. Dù là người Kinh nhưng anh Sang vẫn phải sống theo đúng tập tục của quê vợ. Con gái anh chị là Lê Thị Phới, sinh năm 1992, Phới bắt chồng năm 2007, đến nay đã sinh được một đứa con gái.
Phới thật thà kể với tôi: “ Sau đêm ngủ chung, cháu lấy của chồng cháu một cái đồng hồ. Khi cháu đưa cái đồng hồ cho bà con của anh coi, ai cũng biết của anh ngay. Khỏi chối cãi gì hết”. Phới nói xong, cả hai vợ chồng ôm nhau cười nghiêng ngã. Tôi cũng góp thêm vài câu đùa giỡn cho câu chuyện thêm vui.
Theo tôi được biết, hầu như bà con dân tộc K’ho ở xã La Ngâu chưa bao giờ biết hoặc nghĩ tới chuyện ly hôn. Cho dù cuộc sống ở vùng cao đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại và vẫn còn vất vả nhiều. Nhưng tất cả những điều đó không làm thay đổi lòng chung thủy vợ chồng của bà con dân tộc K’ho nơi đây. Đó cũng là điều đáng mừng do họ biết sống và tuân thủ luật tục tốt đẹp, lâu đời của dân tộc mình.
Cuộc bắt chồng lúc nửa đêm của cô gái K’ho
Với tộc người K’ho ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, sau khi được gia đình nhà trai đồng ý, ngay trong đêm đó nhà gái sẽ nhanh chóng bắt chàng trai về cho con gái mình làm chồng. Tuy nhiên, để có lễ cưới diễn ra buộc đôi uyên ương phải có con với nhau, không có con tuyệt nhiên không được cưới.
Thiếu nữ K’ho bên lễ hội cồng chiêng
Tựa lưng nhau bước đi
Ngày nay, tục cưới xin và bắt chồng của thiếu nữ K’ho ít nhiều đã bị thay đổi theo thời gian, những nghi thức rườm rà gây bất lợi cho cả hai bên gia đình đã dần dần được người K’ho loại bỏ. Nếu như trước kia, khi nhà gái đến xin bắt chồng, nhà trai thường thách cưới rất cao (đòi trâu, bò, heo), nhà gái đáp ứng được những yêu cầu của nhà trai thì mới được bắt chồng.
Ngoài bố mẹ chồng được thách cưới, anh, em, chú, bác của chàng trai cũng có quyền yêu cầu nhà gái phải tặng cho mình vật phẩm để tỏ sự hiếu thảo. Bởi vậy, nhiều cô gái K’ho khi bắt được chồng về nhà thì con trâu đã hết, bồ lúa cũng cạn, thậm chí là phải đi vay nợ nhiều nơi để đáp ứng yêu cầu của nhà chồng.
Tuy nhiên, những nghi thức bắt chồng xuất phát từ khởi thủy vốn đã được thời gian chứng minh là nét văn hóa đặc trưng của tộc người này thì ngày nay lại càng được người K’ho dưới chân núi LangBiang tuân thủ, gìn giữ và trở thành luật tục, bất di bất dịch.
Ông K’Breo Cil, người chuyên nghiên cứu về luật tục của người K’ho cho biết, sau khi nhà trai đồng ý để nhà gái bắt con về làm rể, ngay trong đêm đó nhà trai sẽ giết một vài con gà làm cơm cho cả hai bên quây quần ăn mừng và uống rượu cần. Họ cùng nhau bàn về tương lai của chàng trai, cô gái, nhất là chuyện sinh con cái để gia đình nhà gái sớm được mổ heo, giết trâu mời nhà trai, họ hàng gần xa kéo tới ăn mừng. Trong lúc hai bên gia đình đang ăn uống giữa nền nhà, cô gái sẽ vào phòng trong phụ giúp chàng trai chuẩn bị đổ đạc để theo về nhà gái làm chồng ngay trong đêm.
Khi con gà ngoài rừng đã le te cất tiếng gáy, con chim rừng đâu đó vừa thức giấc gọi nhau ríu rít thì cuộc ăn mừng cho đôi trai gái thành vợ, nên chồng của người K’ho cũng vừa tàn. Trên gương mặt của những thành viên trong gia đình hai bên sau cuộc ăn mừng bên ché rượu cần được ủ bằng lá rừng đã bừng bừng hơi men, ai cũng đã ngà ngày say. Họ có thể phải dựa vào nhau để cùng bước đi nhưng tuyệt nhiên không ai được “lỡ lời”, tất cả mọi phát ngôn phải hết sức tỉnh táo. Lúc này, mai mối sẽ đứng dậy hoàn tất những nghi thức và trịnh trọng tuyên bố xin phép được bắt chàng trai đem về làm chồng cho cô gái.
Lời người mai mối vừa dứt, chàng trai ngay lập tức bị những thành viên trong gia đình nhà gái, mà tiên phong là cô gái bắt đi mất hút trong đêm.
Chồng mất, lấy chồng khác phải nộp vạ
Có những đám cưới được tổ chức tưng từng dưới chân núi LangBiang kéo dài đến hai, ba ngày nhưng cô dâu, chàng rể là những người đã có với nhau vài ba mặt con, chung sống với nhau đã hàng chục năm, thậm chí có đôi tóc đã bạc trắng, răng đã lung lay nhưng đó chính là lần đầu tiên trong đời họ được cưới.
Theo luật tục khởi thủy của người K’ho, trai gái chỉ được phép cưới nhau khi đã có con, nếu không có con thì không được tổ chức đám cưới. Và khi đã có con thì dứt khoát phải tổ chức đám cưới, dù là có già đến sắp chết, vì có cưới nhau họ mới có thể dựng vợ, gả chồng cho con cái sau này. Không một gia đình của tộc người này chịu cho nhà gái bắt con mình về ở rể khi bố mẹ nhà vợ vẫn chưa cưới nhau.
Khi mất chồng, phụ nữ K’ho muốn bắt chồng mới phải nộp vạ cho nhà chồng thứ hai này vì họ chấp chập cho con lấy vợ thừa
Và khi cả hai đã cưới nhau, chính thức trở thành vợ chồng, để thể hiện sự hiếu thảo của con cái, đôi vợ chồng này bắt buộc phải biếu bố mẹ chồng một con heo lớn. Riêng anh, em, chú, bác nhà chồng, nếu ai có khả năng nhận lễ vật đều có thể yêu cầu đôi vợ chồng mới cưới phải tặng cho mình một lễ vật, đó có thể là tiền, vàng, vải lụa. Tuy nhiên, để thể hiện sự quan tâm tới đôi vợ chồng mới cưới, bố mẹ, anh, em, chú, bác phía nhà chồng sau khi nhận lễ vật phải cho lại một con trâu hoặc vật chất khác có trị giá lớn hơn vật phẩm mà đôi vợ chồng đã biếu, tặng.
Người con trai sau khi bị nhà gái bắt về ở rể, nếu cuộc sống gia đình bị rạn nứt, chàng trai bỏ đi theo người con gái khác liền bị nhà vợ yêu cầu bồi thường danh dự, thiệt hại bằng trâu, bò, heo hoặc tiền, vàng tương xứng với số tiền trước đó họ đã bỏ ra để được bắt chàng trai này. Riêng người con gái K’ho, sau khi bỏ chồng hoặc chồng bỏ muốn lấy người chồng khác, trước khi bắt được người chồng thứ hai về ở với mình phải nộp vạ cho gia đình nhà chồng này vì họ chấp nhận gả con cho người vợ thừa, đã có một đời chồng.
Người K’ho phạt vạ ngoại tình như thế nào?
Khi bắt quả tang người vợ hoặc chồng “ăn bờ ngủ bụi” vụng trộm với người tình, một cuộc họp khẩn cấp của hai bên gia đình nội ngoại sẽ được triệu tập để xử lý kẻ “chán cơm thèm phở”. Người bị phản bội có thể yêu cầu phạt vạ người vi phạm tới 14 con trâu.
Nắm gạo xử li hôn
Người K’ho ở Lâm Đồng cũng như các tộc người bản địa khác đang cư trú trên vùng đất Tây Nguyên, khi gia đình có chuyện lục đục, họ rất ít khi kéo nhau ra tòa.
Thiếu nữ K’ho trong ngày khai giảng năm học mới ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Trong tập tục truyền thống của người K’ho, khi vợ chồng không muốn sống với nhau nữa thì cho phép ly dị nếu một trong hai người ngoại tình hay vi phạm phong tục gây ảnh hưởng đến đời sống gia đình. Tuy nhiên, tình trạng ly hôn ở người K’ho rất ít khi xảy ra bởi sự ràng buộc rất chặt chẽ của tập tục từ khi nam nữ thành vợ, thành chồng.
Khi có dấu hiệu rạn nứt tình cảm vợ chồng vì những lý do khác nhau, hai bên gia đình, dòng họ sẽ tìm cách khuyên ngăn, hòa giải. Nếu vẫn không giải quyết được thì sẽ tổ chức một buổi họp, ngoài các thành viên chủ chốt của hai bên nội ngoại còn có sự tham gia của già làng.
Già làng K’Tiếu
Già làng K’Tiếu, thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho biết thủ tục ly dị của người K’ho được tiến hành như sau: Người ta lấy một bát gạo đưa cho hai người, hai người lần lượt lấy vài hạt bỏ vào một cái bát khác, coi như là đồ vứt đi và từ đây họ chính thức không còn là vợ chồng.
Cũng có nơi vợ chồng mỗi người cầm một nắm gạo trong tay và cùng thả đều vào bát, nếu bên nào thả vào trước (lý do quá nôn nóng) thì sẽ phải đền của cho bên kia. Nếu cả hai bên cùng thả vào bát thì coi như đồng ý ly dị (thuận tình ly hôn). Từ đó hai người sẽ không được phép sống chung với nhau nữa.
Khi đã ly hôn, gia đình nhà trai buộc phải trả lại số lễ vật mà trước đó đã thách cưới nhà gái (trị giá đồ vật có thể được tính giảm đi theo số năm người chồng ở bên nhà vợ). Hoặc nếu người vợ chết mà người chồng đi lấy người vợ khác thì cũng phải hoàn trả lại số lễ vật nhà gái đã đưa cho nhà trai trong lễ ăn hỏi.
Trường hợp người chồng hoặc người vợ chết, bên nhà vợ hoặc chồng không có người em để thực hiện tục “nối dây” hoặc không đồng ý lấy thì được phép có vợ hoặc chồng khác sau khi mãn hạn tang. Trường hợp này, không phải hoàn trả lại của hồi môn, nhưng không được mang theo con và phải tổ chức lễ cưới.
Ngoại tình bị phạt vạ 14 con trâu
Người K’ho xưa và cả ngày nay xem ngoại tình là một tội “tày đình”. Người ngoại tình sẽ bị buôn làng xem thường, khinh rẻ vô cùng.
Trước đây, ngoại tình và thông dâm là hai tội bị luật tục của người K’ho trừng phạt cực kỳ dã man. Những kẻ quyến rũ người chồng hay vợ người khác thường là bị giết chết, quăng xác xuống suối.
Luật tục của người K’ho tại Lâm Đồng trừng phạt nghiêm khắc những người ngoại tình
Người ngoại tình bị bắt quả tang phải lo nộp vạ cho người bị phản bội một khoản rất lớn có khi lên đến 14 con trâu (tùy vào sự thỏa thuận nhưng không dưới 12 con trâu). Ngoài việc bồi thường danh dự cho vợ hoặc chồng của người kia còn phải bồi thường cho chính vợ hoặc chồng mình vì những đêm đi ngủ với người khác ở bên ngoài.
Tất nhiên, “bản án” dành cho những trường hợp ngoại tình của người K’ho cũng cực kỳ nghiêm khắc. Nếu chồng ngoại tình thì người chồng phải nộp vạ cho chính vợ mình 6 con trâu, 1 ché rượu, 2 con vịt và 1 con gà mái. Khi người vợ “tòm tem” với một người đàn ông đã có gia đình thì phải nộp cho chồng 6 con trâu và 1 ché rượu.
Ngoại tình giữa một người đàn ông với một người đàn bà đã có gia đình thì người đàn ông này phải bồi thường cho người chồng có vợ ngoại tình 12 con trâu.
Ngày nay, những tập quán lạc hậu và tập tục xử phạt quá hà khắc trong lĩnh vực hôn nhân người K’ho đã dần dần được thay thế bởi hệ thống pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, ở không ít nơi trình độ dân trí và nhận thức của người K’ho vẫn còn thấp nên ảnh hưởng của luật tục hà khắc này vẫn còn khá nặng nề, nhất là vấn đề tảo hôn, phạt v��.
Tục trả nợ bằng một đêm "mây mưa" của người K'Ho
Người K'Ho trên cao nguyên Lâm Đồng có một luật tục khá lạ lùng tự ngàn xưa, có thể bắt phạt con nợ đến khánh kiệt gia sản, nhưng con nợ cũng có thể "rũ sạch nợ nần" chỉ bằng một đêm "mây mưa" với chủ nợ.
Cho đến bây giờ, những người K'Ho ít nhiều vẫn sống với những luật tục của mình. Đó là thứ tài sản tinh thần quý giá, nhưng cũng đang dần mai một trong đời sống cộng đồng của họ. Trước tiên đây là một tín hiệu đáng mừng. Bởi luật tục đã lấy đi khá nhiều thứ của đồng bào K'Ho nói riêng và cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung. Quá lệ thuộc vào luật tục đã làm kiệt quệ đời sống của đồng bào trong một thời gian khá dài.
Một gia đình K'Ho đang phơi cà phê.
Những luật tục đôi khi đẫm nước mắt khắc nghiệt, nhưng cũng có khi lắm tiếng cười vì sự giản đơn đến… ngây ngô trong đó. Chỉ cần nhìn vào những quy định bắt phạt trong luật tục đủ thấy mỗi một lần vi phạm, một người K'Ho bị phạt vạ nhiều như thế nào. Nhất là đối với những tội nặng như tội ngoại tình, bỏ vợ bỏ chồng… vốn được coi là trọng tội.
Khuynh gia bại sản vì bị phạt vạ
Chúng tôi đi trên những con đường đất đỏ của cao nguyên Đức Trọng đang vào mùa thu hoạch cà phê. Những tiếng cười được mùa nở bừng trên từng khuôn mặt rám nắng đặc trưng của vùng dân tộc thiểu số Trường Sơn - Tây Nguyên. Những người K'Ho già đã sống gần trọn đời với ngôi làng K'Long, xã Hiệp An của mình dưới chân núi Voi, lặng lẽ ngồi nhìn đám trẻ đang nô đùa trước sân. Ở họ, dường như lối sống hiện đại vẫn còn ở đâu đó xa lắm, quanh họ là cả một bầu không khí K'Ho truyền thống gần gũi như hơi thở mỗi ngày.
Bà mẹ K'Ho già bồi hồi nhớ lại viễn cảnh xưa cũ trong ngôi làng của mình. Bà kể: "Ngày trước trong làng mình không như bây giờ đâu, cái gì cũng bắt vạ bằng trâu, bằng bò, bằng ché… hết. Có người suốt đời cũng không thể trả hết nợ, phải đi vay để trả nợ làm hòa". Rồi bà liệt kê cho chúng tôi những luật tục phạt vạ mà bà thuộc nằm lòng ngay từ khi mới biết bắt chồng đến giờ.
Người phụ nữ nào ngoại tình trước khi hết tang chồng thì phải nộp phạt cho gia đình người chết 6 con trâu, 1 chiếc áo, 1 cái mền, 1 vòng đeo cổ, và làm lễ giao hòa phải nộp thêm một ché rượu, 1 con vịt và 1 con gà mái. Người chồng đã lập gia đình mà ăn nằm với một người đàn bà khác thì phải nộp cho người vợ bị phản bội ít nhất 6 con trâu, 2 con dê, 1 con gà mái, 1 ché rượu, 1 cái áo, 1 vòng đeo cổ, còn cô người tình thì phải nộp phạt 6 con trâu.
Trai gái quan hệ tình cảm với nhau đến khi có con thì buộc phải lấy nhau. Nếu chàng trai từ chối thì phải bồi thường 2 con trâu, 2 ché rượu, 1 con dê, 1 con vịt, 1 con gà mái cho người đã ăn nằm với mình. Nếu chuyện ngoại tình xảy ra giữa một người đàn ông với một người đàn bà đã có gia đình, thì người đàn ông này phải bồi thường cho người chồng có vợ ngoại tình 12 con trâu. Nếu không đủ sản vật để nộp thì bị cộng đồng coi thường, khinh bỉ vô cùng. Thậm chí, những kẻ quyến rũ người chồng hay vợ người khác có thể bị giết chết, quăng xác xuống suối mà không hề mắc phải tội giết người.
Luật tục của người K'Ho cũng rất công bằng, người nào tố cáo người khác phạm tội ngoại tình mà không có chứng cứ để chứng minh sự xác thực của lời tố cáo, thì sẽ bị phạt vạ bằng một ché rượu, 1 con gà mái và 1 đồng bạc bồi thường danh dự cho người bị vu khống. Gia sản của những đồng bào dân tộc này không tính bằng tiền, bằng đất đai mà đếm bằng số trâu bò, gà vịt, chiêng ché... có trong nhà. Vì vậy những ai trót phạm tội, nhất lại là trọng tội thì sẽ rất khó khăn để trả hết số nợ "kếch xù" như vậy. Nếu không trả đủ, họ trở thành con nợ, lần hồi trả từ năm này qua năm khác, trả nợ đến trắng tay, đến khuynh gia bại sản có khi vẫn chưa hết nợ.
Xóa nợ sau một đêm "mây mưa"
Luật tục của người K'Ho nghiêm khắc là thế, nhưng cũng có khi "dễ dãi" đến bất ngờ. Luật tục cho phép gia đình chủ nợ có thể ăn nằm với con nợ để "lấy nợ", nếu như hai bên đều thuận tình đồng ý. Sau đêm "mây mưa" ấy, con nợ nghiễm nhiên được coi như đã trả hết nợ, và hai bên sẽ không còn ràng buộc, nợ nần gì nhau nữa.
Xét ra thì chắc sẽ có nhiều con nợ chọn cách này, vì như thế sẽ không mất trâu, mất bò mà vẫn trả được nợ. Thế nhưng, bà mẹ già người K'Ho ấy lại bảo rằng: "Không phải ai cũng chọn cách ngủ với chủ nợ để trả nợ đâu. Chuyện này hiếm lắm mới xảy ra dù luật tục cho phép". Thì ra, chuyện danh dự với người K'Ho cũng rất quan trọng, dù cho họ có tục ngủ với nhau trước khi cưới đi chăng nữa. Trả nợ bằng thân xác chỉ là lựa chọn cuối cùng của họ, khi không còn lựa chọn nào khác.
Bà mẹ già người K'Ho.
Ngoại tình trong cộng đồng người K'Ho được xác định là một tội lớn, bị trừng phạt nặng nề, do đó hành vi ngoại tình và ly hôn của người K'Ho rất ít khi xảy ra. Trường hợp đặc biệt phải ly hôn thì những người ly hôn phải chịu phạt và phải được bố mẹ, già làng chấp nhận. Trong tập tục truyền thống của người K'Ho, khi vợ chồng không muốn sống với nhau nữa thì cho phép ly dị nếu một trong hai người ngoại tình hay vi phạm phong tục gây ảnh hưởng đến đời sống gia đình. Tuy nhiên, tình trạng ly hôn ở người K'Ho rất ít khi xảy ra bởi sự ràng buộc rất chặt chẽ của những luật tục trong hôn nhân.
Ông K'Thiên, trưởng thôn K'Long nhớ lại: "Trước đây, khi có dấu hiệu rạn nứt tình cảm vợ chồng vì những lý do khác nhau, hai bên gia đình, dòng họ sẽ tìm cách khuyên ngăn, hòa giải. Nếu vẫn không giải quyết được thì sẽ tổ chức một buổi họp, với sự tham gia của hai vợ chồng, hai bên gia đình nội ngoại, và già làng. Người ta lấy một bát gạo đưa cho hai người, hai người lần lượt lấy vài hạt bỏ vào một cái bát khác, coi như là đồ vứt đi và từ đây họ chính thức không còn là vợ chồng. Từ đó hai người sẽ không được phép sống chung với nhau nữa. Khi đã ly hôn, gia đình nhà trai buộc phải trả lại số lễ vật mà trước đó đã thách cưới nhà gái".