Phong tục cưới hỏi của người Hà Nội
Phong tục cưới hỏi của người Nam Bộ
Phong tục cưới hỏi của người Mông siêu thú vị
Trong hôn nhân, con gái Nùng được đề cao, nhà trai phải đáp ứng đủ các lễ như: Lễ dạm hỏi, lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ lại mặt và một số tục lệ khác. Có như vậy cô con dâu tương lai mới có giá, được coi trọng và làm vẻ vang cho cha mẹ, họ hàng. Theo tục lệ truyền thống người Nùng không có tập quán ăn hỏi là cưới ngay, phía nhà trai bao giờ cũng phải chờ đợi một thời gian. Người Nùng cũng giống người Tày nhà có nhiều con gái, cô chị hay cô em cưới trước đều được, không quy định chị phải cưới trước em.
Người Nùng có nhiều phong tục đẹp,độc đáo trong lễ cưới của mình. Hôn nhân của người Nùng là hôn nhân một vợ một chồng, và người phụ nữ về ở bên nhà chồng
Trước hết là lễ so tuổi, nhà trai mang sang nhà gái một đôi hạt cau khô để xin lá số của cô gái. Sau một tháng nếu nhà gái không trả lại đôi hạt cau thì coi như nhà gái đã ưng thuận, nhà trai sẽ đến hỏi lần thứ hai để hai gia đình định ngày đính hôn và thỏa thuận sính lễ.
Lễ đính hôn gồm một con lợn và một đôi gà sống thiến. Sau lễ đính hôn có thể một vài năm mới cưới, trước kia lễ vật đám cưới rườm rà có khi nhà trai phải mất một vài năm mới lo đủ.
Đối với nhà gái cũng phải chuẩn bị nhưng nhẹ nhàng hơn nhà trai, cô gái chỉ phải chuẩn bị chăn màn, quần áo và một số đồ dùng.
Lễ cưới thường được tổ chức vào mùa khô. Trước hôm cưới nhà trai mang lễ vật gồm thịt lợn, rượu, gạo… đến nhà gái theo yêu cầu.
Khi đi đón dâu nhà trai gồm có chú rể, phù rể, ông mối…. Ông mối là người rất quan trọng. Bởi theo quan niệm của người Nùng đôi vợ chồng trẻ có hạnh phúc giàu có hay không phụ thuộc rất nhiều vào ông mối.
Khi xuất hành đến nhà gái, chú rể thắp hương vái lạy trước bàn thờ tổ tiên rồi đi trước, tiếp đến là 2 cô đón dâu và cuối cùng là ông mối.
Tới nhà cô dâu, chú rể làm lễ trình báo tổ tiên, sau đó mời trầu, mời thuốc tất cả họ hàng nhà cô dâu. Đoàn đưa dâu gồm một bà đưa dâu, một cô phù dâu, một cô mang theo tặng phẩm.
Việc trải chiếu giường cô dâu đêm tân hôn nhất thiết chỉ bà đưa mới được trải, đây là người đã được chọn lựa rất kỹ.
Trước khi về nhà chồng cô dâu phải mặc những bộ trang phục mới và đẹp. Cô dâu được trang điểm rất kỹ càng, phải chọn người biết chải tóc và đội khăn.
Gia đình chuẩn bị một bó đuốc đang cháy đặt cạnh bên bếp lửa, cô dâu cúi xuống hai tay cầm bó đuốc đang cháy đẩy vào bếp, làm cho ngọn đuốc bốc cao.. sau những thủ tục trên cô dâu ra cửa, phù dâu và những người trong đoàn đi theo, kể từ đây cô dâu không được nhìn ngoái lại.
Trên đường đi qua các đền miếu, ông mối vào thắp hương khấn vái. Nếu hai đám cưới gặp nhau giữa đường thì hai cô dâu mời trầu hoặc tặng nhau vật kỷ niệm và phải tránh nhau theo bên phải.
Khi đến nhà chú rể bếp lửa phải được che kín không được cho cô dâu nhìn thấy. Bước vào nhà cô dâu thực hiện lễ báo tổ tiên để công nhận cô từ nay là con cháu trong gia đình.
Sáng hôm sau bà đưa đại diện cho nhà gái làm lễ bàn giao và những hồi môn, tặng phẩm của nhà gái cho nhà trai. Sau ba ngày sẽ làm lễ lại mặt.
Lễ vật gồm một đôi gà luộc chín, một khay xôi màu đỏ. Trong lễ lại mặt chú rể mới có thời gian làm quen với những người thân thích của cô dâu.
Trong một vài năm đầu cô dâu về nhà bố mẹ đẻ vào những dịp có công có việc. Mỗi lần về anh em họ hàng bên chồng phải đích thân sang đón.
Hiện nay đồng bào Nùng đã có rất nhiều tiến bộ trong việc cưới hỏi, thủ tục đám cưới đã giản đơn hơn rất nhiều, nhưng vẫn giữ được bản sắc và phong tục riêng.
Các nghi lễ trong hôn nhân cuả người Nùng Bắc Kạn
Hôn nhân của người Nùng phải tuân thủ theo các bước như sau: Gặp gỡ hai họ, người Nùng cho phép con cái được tự do lựa chọn chồng, vợ cho mình, sau đó phải được bố mẹ đồng ý và gặp gỡ đôi bên cho “danh chính ngôn thuận”, nếu không sẽ bị xem là tự ý, không theo khuôn phép, làng xóm sẽ chê bai và coi rẻ. Cuộc gặp này do chính cha mẹ người con trai hoặc người đại diện nhà trai đến gặp gỡ bố mẹ cô gái. Nếu thuận lợi cha mẹ chàng trai sẽ tiến hành lễ dạm hỏi. Lễ dạm hỏi được tiến hành vào ngày chẵn theo âm lịch, nhưng cũng kiêng những ngày cấm kị. Nhà trai trình bản so mệnh hợp nhau của đôi trai, gái sau đó nhà trai xin bản lục mệnh chính thức (lá số tử vi) của cô gái. Bản lục mệnh này được viết trên giấy hồng điều. Như vậy lễ đính hôn chính thức được công nhận. Người Nùng Phàn Sình quan niệm rằng nếu trên đường đi làm lễ dạm hỏi gặp rắn là tốt nếu gặp người đàn bà gội đầu hoặc nghe thấy tiếng tu hú kêu trên đường đi là gặp điều xui xẻo. Lễ ăn hỏi được tiến hành sau lễ dạm hỏi ít nhất một vài tháng. Đó là ngày lễ trang trọng để định ngày ăn hỏi cho nhà trai đưa ra. Để nhà gái có thời gian chuẩn bị mời họ hàng xa gần, bạn tồng tới dự, nhà trai báo trước khoảng 1 tháng. Trong ngày này nhà trai, nhà gái bàn những việc hệ trọng như: Định lễ vật cưới là những gì, của hồi môn, ngày, tháng, năm cưới, ngày giờ đón cô dâu… Lễ ăn hỏi thường gồm đôi gà sống thiến, rượu, thịt lợn, gạo nếp, và bánh dày. Cùng đi với gia đình, họ hàng nhà trai là ông mối. Vì ăn hỏi sớm, lại không cưới ngay trong ngày tết truyền thống của người Nùng phía nhà trai phải tuân theo tục lệ sêu tết nhà gái. Tục sêu tết này là điều khẳng định sự gắn bó giữa hai gia đình, là cách làm thân giữa hai họ. Người Nùng có hai ngày tết cổ truyền là Tết Nguyên đán và Tết Rằm tháng bảy âm lịch. Nhà trai phải sêu tết đều đặn các ngày này như nhau cho đến ngày làm lễ cưới. Theo phong tục, Tết Nguyên đán vào đầu xuân nên nhà trai phải mang lễ vật là hai con gà sống thiến to và béo. Tết Rằm tháng bảy vào mùa hè phải sêu bằng vịt bầu to, béo mập, vài ống gạo nếp, hai cân thịt lợn, hai chai rượu trắng. Lễ vật phải mang đến nhà gái trước các ngày tết từ 5 đến 7 ngày. Đến lễ báo ngày cưới, nhà trai mang lễ vật gồm: thịt, gạo nếp, rượu, bánh dày trên hai chiếc mâm, bày ra để họ hàng nhà gái chứng kiến. Trước đông đủ họ nhà gái, nhà trai trao số tiền mặt đã được quy định trong lễ ăn hỏi cho nhà gái để nhà gái mua sắm thêm: Chăn màn, quần áo, hòm, giường, chậu thau, mâm đồng, bát đĩa…Chính lễ báo ngày cưới này xác định không thay đổi về ngày làm lễ cưới, giờ đón dâu. Trước kia, ở lễ cưới hai bên nhà trai, nhà gái ăn uống linh đình suốt ba ngày, giờ đã giảm đi nhiều.Tập quán chung của người Nùng là ngày đầu ăn cưới ở nhà gái, sang ngày thứ hai ở nhà trai nhưng nhiều nơi tiến hành giống như lễ cưới của người Tày. Đến Lễ đón dâu, đưa dâu, nhà trai sang nhà gái thành đoàn, dẫn đầu là ông mối hoặc bà mối, rồi đến chú rể và các bạn chú rể, hai chàng trai khiêng một con lợn quay vàng óng, một cậu con trai gánh xôi, một cô gái gánh tám con gà sống thiến, một con gà luộc, một dải lụa hồng và một mảnh vải đẹp, bước ra khỏi nhà kiêng kị không ai được giẫm lên bậc cửa. Dân tộc Nùng có tục chăng dây đòi tiền đón dâu. ở đầu xóm lũ trẻ chăng dây ngang lối đi đòi nhà trai cho tiền mừng mới mở đường. Đàn ông trong đoàn nhà trai được ngồi ở gian ngoài dành cho nam, các cô và các cháu bé mang sính lễ vào nhà rồi ngồi ở gian dành cho nữ. Lễ trình tổ tiên, thầy đón rể và thầy đưa rể đứng trước bàn thờ, chú rể đứng giữa. Châm hai ngọn nến lên bàn thờ. Họ hàng nội ngoại cô dâu ngồi thành hai hàng trước bàn thờ theo thứ tự trong họ tộc. Chú rể vái họ hàng nhà gái và mời trầu cau cho nữ, mời rượu cho nam theo thứ tự. Mọi người mừng lại chú rể chủ yếu bằng tiền. Khi đưa dâu theo phong tục chiếc ô che đầu luôn là thứ che chở cho cô dâu khỏi sự quấy nhiêu của tà ma. Tới cửa nhà trai, người bên nhà trai làm lễ tẩy trần cho cô dâu. ông chú hay bác rể dùng cành lá bưởi vẩy vài giọt nước vào chân cô dâu. Cô dâu đến bàn thờ tổ tiên lễ và họ hàng bên nhà chồng cùng ngồi hai bên theo thứ tự giống như ở nhà gái. Cô dâu lễ họ hàng và mỗi người trong họ hàng đều mừng tiền cho cô dâu. Ba ngày sau hôm cưới, đôi vợ chồng trẻ về thăm bố mẹ vợ gọi là lễ lại mặt. Lễ vật mang theo gồm đôi gà sống thiến, thịt lợn, rượu, một ít xôi, chè, thuốc lá. Chàng rể ở lại nhà vợ một ngày và đi thăm khắp họ hàng nhà vợ để nhận mặt. Khi đôi vợ chồng trẻ trở lại nhà trai thì nhà gái sẽ chia một nửa số lễ vật trên để nhà trai đem về chia cho họ hàng.
Ngày nay nhiều thủ tục rườm rà trong hôn lễ của người Nùng đã được rút gọn, trai gái có thời gian tìm hiều và đến với nhau bằng tình yêu. Hầu hết các đôi trai gái khi kết hôn đều đủ tuổi kết hôn, các nghi lễ được rút gọn, việc cưới xin đã từng bước theo lối sống mới, không cầu kì, tốn kém./.
Nét đẹp trong phong tục cưới của người Nùng - Lạng Sơn
Mùa xuân, mùa của ngàn hoa đua nở khoe sắc, muôn cây đâm chồi nảy lộc, mùa khởi đầu cho một năm mới an khang thịnh vượng. Mùa xuân cũng là mùa của tình yêu, của hạnh phúc lứa đôi. Rất nhiều đôi bạn trẻ chọn thời điểm này để cử hành hôn lễ. Vì thế, mùa xuân còn được gọi là mùa cưới, mùa mở ra cuộc đời mới cho con người. Trong bức tranh văn hóa đa dạng, đặc sắc của hơn 50 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, mỗi dân tộc đều có nét đẹp riêng trong phong tục cưới hỏi của mình. Ở đây xin nói tới nét đẹp trong phong tục cưới của người Nùng ở Lạng Sơn.
Cô dâu rót nước, mời trầu bố, mẹ chồng và những người có tuổi trong họ
Người Nùng được chia thành nhiều nhóm với những tên gọi khác nhau như Nùng An, Nùng Inh, Nùng Phàn Slình, Nùng Cháo,…Theo phong tục của người Nùng, lễ cưới là hình thức bao gồm các nghi lễ cổ truyền được tiến hành để hợp thức hóa quan hệ vợ chồng cho đôi trai gái. Cho đến nay, phong tục này vẫn mang đậm nét văn hóa đặc trưng dân tộc.
Mọi công việc để tiến tới lễ cưới của người Nùng được chuẩn bị rất chu đáo, cẩn thận, theo tiến trình từng bước. Đầu tiên là lễ so tuổi. So tuổi theo tiếng của người Nùng Inh là “Au mình ”. Trên cơ sở tình yêu của đôi bạn trẻ, nhà trai sẽ mang sang nhà gái một đôi quả cau để xin thông tin về ngày, tháng, năm sinh của cô gái. Nếu xét thấy hợp nhau, nhà trai sẽ đến nhà gái lần hai để làm lễ dạm hỏi. Trong lễ dạm hỏi, nhà trai chọn một người làm ông mối, người này phải là người đã có gia đình và có cả con trai, con gái (thường nói là có nếp, có tẻ), thay mặt nhà trai bàn với nhà gái về việc hôn lễ của đôi trẻ. Nếu được gia đình nhà gái nhất trí thì nhà trai sẽ hẹn ngày đến để làm lễ ăn hỏi. Nùng Phàn Slình gọi lễ ăn hỏi là “Lảu nự”, có nghĩa là rượu, thịt. Đúng như nghĩa đó, nhà trai sẽ mang sang nhà gái mấy chai rượu, đôi gà trống thiến và một ít gạo nếp. Trong lễ ăn hỏi, hai bên gia đình bàn bạc nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến đám cưới như lễ vật, ngày giờ đón dâu... Sau khi mọi công việc trên hoàn tất, hai bên gia đình sẽ bắt tay vào chuẩn bị cho lễ cưới.
Lễ cưới của người Nùng thường được tổ chức sau lễ ăn hỏi khoảng 2-3 tháng, cũng có khi sớm hơn vì họ cũng quan niệm như người Kinh:
“Cưới vợ phải cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha”.
Lễ cưới của người Nùng diễn ra với nhiều thủ tục, lễ nghi khá đặc sắc. Trước tiên phải kể tới lễ đón dâu. Lễ đón dâu của người Nùng phải đúng thời gian quy định như đã ước hẹn trong lễ ăn hỏi. Đoàn đón dâu của người Nùng thường là 6, 8 hoặc 10 người. Bởi theo quan niệm dân gian của người Nùng, số chẵn là số may mắn (đủ đôi, đủ cặp). Khi xuất hành đến nhà gái, chú rể phải thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên và cúi lạy. Có nơi, sau khi chú rể làm xong các thủ tục đó sẽ bị té nước, chú rể bị té nước càng nhiều thì coi như càng được nhiều may mắn. Trong lễ đón dâu, ông mối sẽ phải đối đáp bằng lối hát sli với nhà gái để xin rước cô dâu về.
Khi đến nhà trai, cô dâu phải đứng ngoài sân làm một số thủ tục rồi mới được vào nhà. Về nghi lễ này thì mỗi nhóm người Nùng có cách làm riêng. Tôi có dịp được trò chuyện với chị Liễu Thị Thơm, người Nùng Cháo, ở khối 3, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn và được biết: theo phong tục của người Nùng Cháo, trước khi vào nhà, cô dâu phải dùng chân làm đổ cái bàn, trên đó có 5 cái bánh nặn bằng gio bếp mà gia đình nhà chú rể chuẩn bị, coi như từ nay cô dâu đã là người của nhà trai. Sau đó, cô dâu sẽ phải vào lạy bàn thờ tổ tiên và ra mời trầu, mời nước bố, mẹ chồng và những người có tuổi trong họ nhà trai. Từ đây, đôi trai gái chính thức trở thành vợ chồng. Hôm sau, đôi vợ chồng trẻ đến nhà bố mẹ vợ, gọi là lễ lại mặt. Lễ vật mang theo thường gồm một cỗ xôi, một cái chân giò. Lúc này chàng rể sẽ đi thăm họ hàng nhà vợ để nhận mặt
Trên đây là những lễ nghi cần thiết trong đám cưới của người Nùng ở Lạng Sơn. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nghi lễ hôn nhân của người Nùng đã có nhiều thay đổi, theo chiều hướng tiên tiến song vẫn giữ được nét đặc trưng truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh phù hợp với quy định của Nhà nước.
Tập tục ma chay- cưới hỏi của Người Nùng An Tại xã Phú Sen, huyện Quảng Uyên- Cao Bằng
TẬP TỤC MA CHAY CƯỚI XIN
LỜI MỞ ĐẦU
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc (gồm có 54 dân tộc), mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống riêng được truyền từ đời này sang đời khác tạo nên một bức tranh văn hóa phong phú đa dạng. Những nét văn hóa truyền thống ấy gắn liền với lịch sử của tộc ngườì. Trên địa bàn cư trú và hoàn cảnh sống nhất định. Tập tục ma chay cưới xin là những nét văn hóa đặc sắc truyền thống của dân tộc. Từ xa xưa người Việt Nam ta đã rất coi trọng việc dựng vợ gả chồng, thờ cúng tổ tiên. Đó là những việc hệ trọng nhất của đời người. Dân tộc Nùng An mà chúng tôi tìm hiểu tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng có tập tục ma chay cưới xin vừa có những nét chung với nền văn hóa chung của người Việt, vừa có những nét riêng đặc sắc.
1. Tập tục cưới xin (Hỉ sự)
Mỗi con người sinh ra và lớn lên đánh dấu sự trưởng thành của mình bằng việc lập ra đình. Thông qua đó con người xây dựng một cuộc sống riêng mang tính chất gia đình trong cộng đồng và xã hội. Việc lập gia đình là một chuyện hệ trọng, lễ cưới trăm năm mới có một lần. Người Nùng An xưa kia đối với việc lấy vợ lấy chồng theo quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy khi về nhà chồng, người vợ như là một người nô lệ, làm hết các công việc trong gia đình nhà chồng, bị đánh đập bị gò ép mang đậm tính chất phong kiến.
Ngày nay do sự ảnh hưởng của nền văn hóa chung trong cộng đồng dân tộc Việt. Do những chính sách của nhà nước, và nhận thức của con người ngày càng cao. Những tập tục cổ hủ lạc hậu ấy của Người Nùng An không còn nữa nhưng nó vẫn mang một nét gì đó truyền thống. Những năm gần đây (khoảng mười năm trở lại đây). Các quan niệm cha mẹ đặt đâu con nằm đấy giờ đã không còn, hôn nhân hoàn toàn dựa trên tình yêu nam nữ, phụ nữ khi về nhà chồng không còn bị đối xử thậm tệ như trước, vai trò của người vợ trong gia đình được nâng cao, những mặt tích cực đó được thể hiện ngay trong việc tổ chức lễ cưới - lễ kết hôn. Một cặp nam nữ đến được với nhau, tiến tới kết hôn trở thành vợ chồng, phải trải qua nhiều giai đoạn và nhiều nghi thức.
1.1. Giai đoạn tìm hiểu
Trai gái trong làng trong bản. Tìm hiểu nhau qua những dịp lễ hội, những buổi liên hoan, hay qua những phiên chợ… như dịp liên hoan gặt mùa, đón cơm mới, lễ tết thanh minh… ở đó họ trò chuyện đưa ma những cử chỉ lôi cuốn bạn tình đặt sự khởi đầu cho những cuộc hò hẹn, yêu đương. Trong quãng thời gian này người con trai chủ động đến tìm người con gái, chủ động trong việc dẫn dắt bạn tình của mình vòa cuộc trò chuyện giữa hai người.
1.2. Lễ ăn hỏi
Khi đôi trai gái, đã tìm hiểu nhau và đã đủ tuổi kết hôn, họ có quan hệ yêu đương, muốn đi tới kết hôn, việc đầu tiên đó là làm lễ ăn hỏi. Kết hôn là chuyện đời người, chuyện trăm năm nên được chuẩn bị rất chu đáo. Khi tiến hành lễ ăn hỏi, phải chọn ngày, giờ. Chọn giờ tốt ngày đẹp đến ăn hỏi. Đồng thời trong lễ ăn hỏi cũng chọn ngày đề tiến hành hôn lễ. Hai bên gia đình xắp xếp đồ cưới, chuẩn bị cho lễ cưới.
1.3. Trong lễ cưới
Sau khi làm lễ ăn hỏi xong hai bên gia đình định ngày cưới và chuẩn bị các đồ lễ cho ngày cưới.
1.3.1. Đón dâu
- Lễ vật nhà chồng đến đón dâu cần một con gà thiến to đi kèm với đó là những lễ vật khác như: Bánh trái, hoa quả, gánh gạo, gánh ngô… con gà thiến to dùng để làm đồ cúng.
- Khi đón dâu người chồng không đến đón, mà để người khác đến đón, thường là hai cô gái, có người thầy mo đến cùng để làm thủ tục đón dâu và làm các lễ cúng bái bên nhà vợ.
- Khi đón dâu, làm lễ cúng tổ tiên bên nhà vợ, xin người về bên ấy (nhà chồng).
1.3.2. Con gái về nhà chồng
- Con dâu khi được đón đến nhà chồng: Ăn một bữa cơm đầu nhập gia trở thành người bên nhà chồng. Ăn bữa cơm đầu xong, có người dẫn đi làm một công việc gì đó, thường là gánh nước, hoặc ôm củi, để đánh dấu việc bắt đầu công việc của nhà chồng.
- Sau đó quay trở về nhà mẹ đẻ, cách ba hôm có người đi gọi về nhà chồng làm một số công việc trong nhà và chính thức trở thành vợ chồng.
1.3.3. Liên hoan
- Trong lễ kết hôn, hai bên nhà trai, nhà gái mời họ hàng, người quen, bạn bè, đến dự lễ cưới và chứng kiến cho đôi trai gái thành vợ thành chồng.
- Những người đến tham dự lễ cưới ấy có quà mừng hạnh phúc cô dâu chú rể, chủ yếu là tiền, gánh gạo, gánh ngô, gánh sắn…
1.3.4. Trang phục lễ cưới
Cô dâu mặc trang phục truyền thống của người Nùng, chú rể mặc quần áo bình thường.
1.3.5. Ăn uống
Bên cạnh những món ăn trong buổi liên hoan thông thường còn cần phải có món ăn truyền thống trong lễ kết hôn. Thường là lợn quay.
1.4. Khi tái hôn
Khi người vợ hay người chồng mất, người còn lại muốn tái hôn phải có sự đồng ý của gia đình bên nhà chồng, họ hàng.
Nhận xét:
Hỉ sự Người Nùng An có rất nhiều nét độc đáo và truyền thống. Những nét truyền thống đặc sắc đó của những dân tộc thiểu số khác nhau làm nên bức tranh văn hóa đa dạng, phong phú của Việt Nam. Trong những năm gần đây do kinh tế phát triển, giao thông thuận tiện… cũng như nhiều chính sách quan tam ưu đãi với dân tộc thiểu số nên về văn hóa phong tục giữa các dân tộc thiểu số và dân tộc kinh đang dần hòa nhập vào nhau đấy là điều đáng mừng nhưng cũng cần có những phương pháp hợp lý để bảo tồn và phát huy những nét đặc sắc truyền thống đó.
2. Tập tục ma chay, thờ cúng tổ tiên
“Sinh - Lão - Bệnh - Tử”. Sinh ra, già đi, bệnh tật và mất đi đó là quy luật của tự nhiên. Tập tục ma chay, thờ cúng tổ tiên đã có từ lâu đời, nó trở thành cái gì đó thiêng liêng trong tâm linh người Việt Nam. Đưa người chất về nơi suối vàng, thờ cúng tổ tiên là những nghi lễ không thể thiếu trong tinh thần người Việt. Nó là những nghi thức quan trọng thể hiện tình cảm của người còn sống đối với những người đã mất.
Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc có những nghi thức khác nhau, có những quan niệm khác nhau về cái chết về thế giới của người âm. Với Người Nùng An việc tổ chức ma chay có rất nhiều công đoạn và có phần nào đấy mang tính hủ tục lâu đời.
2.1. Nguyên nhân
- Người mất bên ngoài kiêng không được mang vào trong nhà, mọi nghi lễ đều diễn ra ngoài trời. Họ quan niệm rằng khi người mất ở bên ngoài mà đem vào trong nhà là mang theo sự trục tặc cho công việc làm ăn mai sau.
- Người mất dưới 13 tuổi không được làm tang lễ (chưa đến tuổi) chỉ làm tang lễ cho những người từ 13 tuổi trở lên.
2.2. Cách thức tổ chức thông báo, phát tang, gia đình, chính quyền, quần chúng
- Khi có người mất, người thân trong gia đình đi mời (đến tận nhà) những người thân ở gần xa, thông báo cho chính quyền địa phương và bạn bè, hàng xóm láng giềng.
- Những người về tham gia lễ tang mang theo khăn trắng.
2.3. Các quy trình tổ chức đám tang
2.3.1. Người đứng ra lo việc
Trong gia đình con trai chịu trách nhiệm trong việc cúng lễ - Người được hưởng tài sản.
2.3.2. Quần áo
- Con trai mặc hai áo trắng một áo trong một áo ngoài, đội mũ quấn trùm cả đầu. Con dâu và con gái mặc một áo trắng và quấn khăn dài. Anh, em, cháu nội, con ông chú, ông bác, đội khăn trắng.
2.3.3. Thầy mo
Trước đây trong một đám tang gần 12 thầy mo, bây giờ khoảng 7, 8 người. Người chết trẻ khoảng 1, 2 thầy mo.
2.3.4. Lễ cúng
- Anh em hàng xóm tham gia làm lễ cúng.
- Người chết để khoảng một tuần trong nhà. Phải nuôi một con heo đủ lớn sau đó mới mang đi chôn cất).
- Con trai ngồi một bên áo quan, cháu chắt, con gái dâu rể, ngồi một bên.
- Cúng bài nhập quan: Lấy ngày sinh, ngày mất, tên tuổi viết vào giấy trong lễ nhập quan.
- Áo quan đặt như thế nào thì vẫn để như vậy cho đến khi đem đi chôn.
- Đồ cúng gồm: Hai con lợn, và những mâm bánh do con gái mang đến.
- Quan tài cao tượng trưng cho việc cấp nhà cho thầy cúng.
2.4. Quy trình chôn cất
- Người Nùng quan niệm dưới 36 tuổi không được ở với tổ tiên, nhưng nếu có con thì được ở với tổ tiên.
- Địa điểm: Người già chôn chỗ nào cũng được, thường là chôn ở gần nhà. Người trẻ chôn ở xa dưới núi.
- Khi đưa đi chôn cất: Người con trưởng chống gậy đi trước. Quan tài khoảng hai mươi người khiêng. Từ nhà đến chỗ chôn cất không được nghỉ.
- Chôn theo một số đồ cúng tế và đốt quần áo, trâu bò hàng mã.
- Theo phong tục tập quán, người mất trẻ thì mang đi chôn cất ngay, người già thì để lâu trong nhà.
2.5. Sau khi chết
- Làm lễ cúng 3 ngày.
- Làm lễ cúng tuần đầu.
- Sau 4 tháng đổi khăn tang, khăn trắng chuyển sang mầu nâu, mầu nâu đen.
- 3 năm sau mời thầy cúng về làm mãn tang, không bốc mộ, không có lễ cúng kỷ niệm ngày mất, không có ngày giỗ.
- 3 năm đầu ngoài có ngày cúng mùng 3 tháng 3 còn có ngày thanh minh. Sau 3 năm đó không thờ cúng giỗ nữa.
2.6. Người Nùng An quan niệm về cái chết
Phật giáo quan niệm đời người trải qua: Sinh - lão - bệnh - tử, đúng vậy, con người được sinh ra lớn lên sau đó già đi mang bệnh và mất đi, trở về cõi vĩnh hằng, với những người kinh - người duy vật quan niệm chết là hết tức là không còn gì nữa, thì người Nùng An lại có một quan niệm theo kiểu duy tâm, họ cho rằng người chết đi ở trần gian nhưng lại sẽ bắt đầu một cuộc sống khác ở thế giới bên kia, người chết đi sẽ được đoàn tụ với tổ tiên, ông bà dưới Hoàng tuyền.
Nét đẹp truyền thống trong việc cưới của dân tộc Nùng U huyện Xín Mần Tỉnh Hà Giang
Dân tộc Nùng ở huyện Xín mần cũng như bao dân tộc khác có lối sống trong một làng bản lẻ loi và heo hút với khung cảnh thiên nhiên bao la hùng vĩ, người Nùng luôn có sức tập thể sống dựa vào nhau. Họ coi con người là vốn quí , trong thâm tâm người Nùng cũng muốn nhà có đông con cháu.Do đó khi con cái lớn lên họ nghĩ tới việc dựng vợ gả chồng cho con cái để ước muốn đông vui. Do đó việc hôn nhân là một việc rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người cho nên việc tiến hành lễ cưới được cha mẹ hết sức quan tâm chuẩn bị tổ chức hôn lễ cho con cái trưởng thành, họ coi đó là cơ hội đầu tiên làm nên gia đình, làm nên xã hội.
Trong suy tư sâu lắng của mỗi thành viên gia đình người Nùng việc cưới xin là thiêng liêng nhất của đời người, là ngày hội của dòng họ, hàng xóm láng giềng. Lễ cưới là công cụ được cộng đồng sáng tạo nên nhằm trình bày cho cuộc sống những khát vọng thẩm mĩ của con người. Lễ cưới không phải là một bức tranh đóng không tách rời tập quán của dân tộc về văn hoá ngược lại nó luôn được nhân dân sáng tạo một cách vô thức hay ý thức, tự nhiên hay miễn cưỡng nhào nặn mà ở đó nó thể hiện vai trò của mình.
Trong 15 dân tộc của huyện Xín Mần, mỗi dân tộc có một bản sắc văn hoá riêng, có nhiều chợ phiên, nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ hội Ku Cù Tê của dân tộc La Chí, lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày, lễ hội Gầu tao của dân tộc Mông, lễ cấp xác của dân tộc Dao Đỏ, lễ gọi hồn của dân tộc Nùng...lễ hội cúng rừng của các dân tộc trong huyện.
Nhiều giá trị văn hoá truyền thống độc đáo phong phú như: Trống của dân tộc La Chí xã Bản Díu, khèn, kèn lá, đàn môi, sáo tiêu của dân tộc Mông, những làn điệu dân ca của dân tộc Mông, Trống chiêng thanh la của dân tộc Dao, đàn của dân tộc Nùng, đàn tính, sáo của dân tộc Tày đã làm say đắm lòng người, trong trang phục dân tộc thực sự là những tác phẩm nghệ thuật, hài hoà, độc dáo, rực rỡ với những đường nét văn hoa tinh sảo của bàn tay các cô gái dân tộc thiểu số thêu thùa tinh sảo.
Xín Mần có nhiều đặc sản giá trị kinh tế cao như: Mận hậu Nàn Ma ngọt lịm giọng hát, chè Shan Tuyết xanh đậm ngọt ngào, nếp Nàng hương, Rượu ngô Táo Thượng, Gạo Già Dui thơm dẻo, Mía xương gà, mật ong núi và có nhiều loại dược liệu quí hiếm như tam thất, thào quả, đỗ trọng, cây quế...
Phong tục tập quán về lễ cưới :Phong tục tập quán dân tộc Nùng huyện Xín Mần là sống trong từng bản làng heo hút giữa khung cảnh thiên nhiên bao la hùng vĩ, người Nùng luôn sống dựa vào nhau, họ coi con người là vốn quí, trong thâm tâm của người Nùng nhà nào cũng muốn có các thế hệ ở chung với nhau cùng nhau làm ăn, giữ nếp sống gia đình quần tụ. Nhà nào cũng đông người, đông con cháu.
Con cái trong nhà bắt đầu lớn họ tính ngay đến việc dựng vợ gả chồng để nói muốn sớm có con cháu đông vui nhà cửa. Việc cưới gả con là việc hệ trọng của cả đời người. Cho nên việc tiến hành lễ cưới được người cha hết sức quan tâm, chuẩn bị tổ chức lễ cưới rát chu đáo coi đó là số đầu tiên làm nên gia đình, làm nên xã hội.
Theo tập quán của dân tộc Nùng khi gả chồng cho con cái gia đình phải mua sắm cho con cái một ít đồ dùng cần thiết gọi là của hồi môn. Ngày nhà trai đón dâu cô gái sẽ mang của hồi môn về nhà chồng như: chăn màn, áo váy, 2 cái hòm đựng đồ dùng hàng ngày, 2 cái chiếu cói, 2 khăn rửa mặt và 2 bộ quàn áo cho bố mẹ chồng...Vấn đề mua sắm này dẫn đến việc thách cưới của bên nhà gái to hay nhỏ. Cho nên họ quan tâm chăm lo tổ chức cưới thật chu đáo cho con. Lễ cưới càng linh đình thì càng đông vui, người ta coi đó là bước đầu xây dựng hạnh phúc lớn và cuộc tình duyên bền vững lâu dài.
Khi chuẩn bị lễ cưới người ta phải tiến hành từng bước, từng khâu và từng nghi lễ theo phong tục tập quán cổ truyền của từng dân tộc.
Chuẩn bị cho lễ cưới: Gia đình có con trai lớn thông thường là 14 đến 15 tuổi cha mẹ phải lo tìm vợ cho con, đám cưới của dân tộc Nùng tốn kém rất nhiều tiền của cho nên cha mẹ phải lo sớm những việc cần thiết như tiền bạc, quần áo, đồ trang sức...
Tiền bạc: Là những thứ cần thiết bố mẹ phải lo đủ cho lễ cưới, trường hợp gia đình không đủ bố mẹ nhà trai phải vay mượn anh em họ hàng thân thiết giúp và ước hẹn thời gian dùng cho lễ cưới, số tiền giúp này được coi như tiền gửi nhau sau này sẽ được hoàn giả đầy đủ khi người giúp kia có việc cưới. Việc giúp nhau là việc hệ trọng và họ không tính đến tiền lãi, một khi đã hứa giúp người ta giữ đúng lời hứa không ai dám để lỡ hẹn, người cũng yên tâm phần nào. Lễ cưới con bạn cũng coi như lễ cưới con mình.
Lợn Cưới: Trong đám cưới theo phong tục tập quán của dân tộc Nùng gia đình có con trai khi cưới cho con phải có lợn dẫn lễ sang nhà gái, mỗi đám cưới phải có từ 80 đến 100Kg lợn móc hàm, nhà trai phải tự nuôi từ 3 đến 5 năm, nếu không tự nuôi được phải nhờ đến anh em bạn bè giúp hộ, những gia đình anh em nhận giúp lợn đều là gia đình nhà trai sẽ cưới vợ trong thời gian sau này, theo tập quán người Nùng thì anh em đã nhận lời giúp mọi gia đình đều tự giác giúp, sau giúp nhau cưới xong con cái mọi gia đình đều tự giác hoàn trả đúng hẹn. Hình thức giúp này thường được thực hiện giữa người thân như:chú bác, trong đám cưới của tập quán người Nùng ngoài việc giúp nhau bằng lợn còn phải giúp nhau bằng tiền bạc, rượu gạo...
Lễ cưới: Tục lệ cưới theo phong tục của người dân tộc Nùng từ xa xưa, tục lệ cưới là một hình thức bao gồm: Các nghi lễ cổ truyền nhằm tiến hành hôn lễ để hợp thức hoá quan hệ vợ chồng cho đôi trai gái còn trẻ. Việc cưới xin của phong tục dân tộc Nùng từ xa xưa đến nay vẫn mang đậm nét văn hoá đặc trưng của từng vùng, các tập tục về cưới xin có các tục lệ sau đây:
Ướm, lựa chọn con dâu tương lai: Gia đình có con trai lớn từ 12 tuổi cha mẹ đã đặt vấn đề ướm tìm con dâu tương lai, các bậc cha mẹ thường nhờ những người thân bên nội, ngoại hay các vị thân thích, bạn bè ướm tìm giới thiệu giúp một cô gái đến tuổi cặp kè ở làng, còn bạn thân người con trai ấy cũng chú ý ngắm chọn trong những dịp lễ cưới, đi chợ để ướm tìm được cô con gái vừa ý về bên ngoài, cha mẹ tiến hành thẩm tra hỏi han thăm dò về đạo đức tính nết, tác phong, cách cư xử, sự quan hệ giao du bạn bè, lai lịch gia đình của cô con gái qua những người ở gần nhà cô ta, đặc biệt là lưu ý đến lai lịch của gia đình, dòng họ có môn đặng hộ đối mà còn xem gia đình dòng họ có sạch sẽ hay không( sạch sẽ muốn nói ở đây là dòng họ ấy không có " ma gà"). Nói đến Ma gà tuy là vấn đề cực kỳ tin nhảm dị đoan nhưng nó đã trở thành tiềm thức sâu sắc của đồng bào, nếu thẩm tra sâu sắc người con gái ấy có nhan sắc, có đầy đủ mọi đức tính tốt đẹp, rất có thể là một cô con dâu hiếu thảo trong gia đình nhưng gia đình cô gái ấy nghi là có ma gà thì lập tức bỏ qua ngay vì nếu lấy con dâu mà gia đình có dính líu đến ma gà người ta quan niện sẽ di truyền từ đời này sang đời khác do đó gia đình mà làng xóm nghi vấn thì con trai khó lấy vợ, con gái khó lấy chồng.
Khi tìm được những cô gái ưng ý cho con trai bố mẹ tiến hành các nghi lễ sau:
Buổi gặp gỡ đầu tiên: Buổi nghi lễ đầu tiên do cha mẹ nhà trai đến trực tiếp trao đổi với cha mẹ nhà gái. Ở buổi gặp gỡ này chưa có lễ vật nào theo. Nhà trai ngỏ lời nếu được nhà gái ưng thuận thì nhà trai xin nhà gái cho biết ngày, giờ, tháng năm sinh của cô gái ( Tính theo tuổi âm lịch) để đem về nhà nhờ ông thầy tướng số xem giúp hai đứa trẻ có hợp nhau hay sung khắc, cuộc sống tương lai của đôi trẻ sau này có hạnh phúc không. Nếu xem tuổi hợp nhau nhà trai tiến hành lễ dạm hỏi.
Lễ Dạm: Tuổi hai người hợp nhau nhà trai tiến hành làm lễ dạm vợ cho con. đến lúc này cha mẹ con trai và cha mẹ con gái mới tin cho con biết, bố mẹ trực tiếp nói với con hoặc nhờ bạn bè của con báo tin và hỏi ý kiến có nhất trí lấy người đó làm vợ, nếu bố mẹ nhà gái và con gái trong gia đình nhất trí nhà trai tìm bà mai mối. Bà mai mối là người đã có gia đình và có con trai, con gái thường nói là( Có nếp có Tẻ) là người nhanh nhẹn hoạt bát, hiểu biết khá rõ các nghi thức mai mối thay mặt nhà trai đến nhà gái bàn luận việc hôn thú của đôi trẻ. Người được gia đình nhờ làm mai mối phải đi đến nhà trai nói chuyện với nhà gái nếu nhà gái cũng nhất trí, lần thứ hai mang một chai rươu và một gói kẹo, buộc vào cổ chai rượu một sợ dây đỏ hoặc vải đỏ cho bà mối đem đến nhà gái đặt lên bàn thờ, sau bảy ngày nếu nhà gái không trả lại thì coi như bố mẹ nhà gái đã nhất trí dẫn lễ ăn hỏi đến nhà gái.
Lễ ăn hỏi: Sau lễ dạm hỏi thì đến lễ ăn hỏi. Lễ ăn hỏi được tổ chức trang trọng hơn, tiến hành sau lễ dạm hỏi khoảng độ ba tháng do ước định của hai bên gia đình dựa vào việc chọn ngày lành tháng tốt hợp với tuổi của hai đứa trẻ; Việc định ngày lễ ăn hỏi do nhà trai chọn ngày làm lễ ăn hỏi. Phải được báo trước một tháng trở lên để nhà gái có thời gian mời người thân thích bên nội, ngoại, bạn bè xa gần dến dự.
Trong buổi lễ ăn hỏi hai bên bàn bạc nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến đám cưới như: của hồi môn, tiền bạc, chăn màn, ngày giờ đón dâu...Trên cơ sở đó nhà trai chọn cử ra một người con trai hoạt bát, tháo vát biết về nhiều thủ tục cưới xin để thay mặt nhà trai bàn bạc và quyết định mọi việc xung quanh về lễ cưới ở bên nhà gái.
Các lễ vật cho lễ ăn hỏi gồm: một con lợn hơi 60 Kg, 12 chiếc bánh dày, 15 lít rượu, 1 vòng bạc. sau đó nhà gái mời khách đến dự lễ ăn hỏi và nhà gái cử ra một đại diện thay mặt nhà gái đứng chủ đề xướng và phát ngôn chính trong lễ ăn hỏi. Hai bên trao đổi bàn bạc và quyết định số lượng lễ vật dẫn cưới đi sâu vào từng khoản cụ thể như: bao nhiêu tiền bạc, bao nhiêu cân lợn móc hàm, bao nhiêu bạc giấy, bao nhiêu bạc già, bao nhiêu rượu định thời gian trao cho nhà gái. Ngày làm lễ cưới phải chọn rất cẩn thận, sau lễ ăn hỏi dẫn đến ngày cưới kéo dài từ 2 đến 3 năm mới tiến hành làm lễ cưới chính thức:
Lễ báo ngày cưới: Nhà trai chọn được ngày lành tháng tốt chủ động làm lễ báo ngày cưới, lễ báo ngày cưới phải tiến hành trước từ 2 đến 3 tháng trở lên để nhà gái và nhà trai có nhiều ngày tháng thông báo cho những người đã giao ước hứa hẹn giúp các khoản đã được báo trước như: Gạo, rượu, lợn... mặt khác để hai gia đình có thêm thời gian mời bạn bè, họ hàng thân thuộc về dự lễ cưới. Vì đồng báo dân tộc Nùng thường có người thân đi làm ăn hay gả chồng ở các địa phương rất xa, đến dự lễ cưới phải đi từ 2 đến 3 ngày đường mới đến nơi vì vậy thời gian chuẩn bị phải kéo dài ngày tháng.Tại buổi lễ này gia đình nhà gái quyết định mọi vấn đề cụ thể cho lễ cưới, nhà trai cử một người con trai hoạt bát nhanh nhẹn am hiểu các phong tục tập quán liên quan đén đám cưới sang nhà gái bàn bạc mọi việc lễ vật gồm: 3 lít rượu, một con gà sống thiến, 12 cái bánh dày đưa sang nhà gái, nhà gái mời anh em họ hàng thân thích đến bàn và chứng kiến nhà trai trao các lễ vật như: Tiền măt, bạc già, dây truyền bạc, vòng bạc, cúc bạc, hoa tai... số lượng đã được định ở lễ ăn hỏi, số tiền đưa trước này để cho nhà gái mua sắm hòm, chăn màn, chiếu để làm của hồi môn cho con gái. Trong buổi lễ báo ngày hai bên cũng bàn bạc ngày giờ tốt dẫn đại lễ, định ngày giờ chú rể sang đón dâu và cô dâu xuống nhà sang nhà chồng.
Ngày Lễ cưới: Trong ngày cưới gia đình nhà trai và nhà gái cử ra một số thanh niên giúp làm bếp, tiếp khách... nếu nhà mời nhiều khách phải mổ lợn từ 1 đến 2 tạ ( thịt lợn móc hàm), rượu 100 đến 150 lít tổ chức ăn uống từ 1 đến 2 ngày ( Tuỳ theo điều kiện gia đình) vừa phải dẫn sang nhà gái một con lợn to, béo khoảng 80 đến 100 Kg cộng 100 Kg gạo tẻ, 100 lít rượu ngon, rượu dẫn lễ trước khi nấu kị nhất là rượu khê, chua. Nhà gái mổ con lợn dẫn lễ của nhà trai nếu mời đông khách phải mổ thêm lợn nhà mình. Nhà trai phải dẫn lợn, gạo, rượu sang nhà gái từ tối hôm trước. Việc tiếp khách chủ yếu là khách ở gần ăn 2 bữa, khách ở xa và người thân nội ngoại cũng như nhà trai và nhà gái ăn 2 ngày, các vị khách được mời dự lễ cưới đều có tiền mừng người thì bằng tiền mặt, người thì bằng vật chất như: khăn mặt, chăn màn. Gia đình cử một người trong dòng họ biết viết chữ ghi chép lễ mừng của khách, mỗi một khách đến mừng người ghi sổ mời lại một chén rượu tạ ơn mừng tiền của cho cô dâu, chú rể.
Lễ đón Dâu và đưa dâu: Lễ đón dâu phải đúng thời gian qui định đã được ước hẹn trong lễ báo ngày cưới vì ngày tốt đã chọn, đoàn chú rể bắt đầu từ nhà trai sang nhà gái để đón dâu. Đoàn chú rể có một đôi vợ chồng trẻ đã xây dựng gia đình làm đoàn trưởng thay mặt nhà trai làm các thủ tục theo yêu cầu của nhà gái và cùng với phù rể và chú rể khoảng từ 8 đến 10 người có từ 4 đến 6 người là con gái đi đón dâu cộng với đôi vợ chồng trẻ. Trong đoàn đón dâu theo phong tục tập quán của người dân tộc Nùng là kiêng con số lẻ. Đoàn chú rẻ đến các chàng trai cô gái đi đón dâu đều mặt quần áo mới, khăn giày mới đặc biệt là chú rể cái gì cũng mới. Khi đoàn chú rể lên đường bố mẹ hoặc ông thầy cúng đưa cho chú rẻ một cái ô đã mở sẵn và quẳng cho chú rể một chiếc khăn bằng vải đỏ từ vai dài đền hông để dân làng biết đó là chú rể đi đón dâu và chúc đoàn đi trên đường gặp mọi sự may mắn, tốt lành đi đến nơi về dến chốn. Đoàn chú rể ở nhà ra đi đúng giờ và đến nhà cô dâu cũng phải đúng giờ qui định. Gia đình nhà trai cử một đại diện có đủ khả năng giải quyết mọi việc và mọi nghi lễ khi đến nhà gái và một đôi vợ chồng trẻ đã có con không bệnh tật, ốm đau ăn nói hoạt bát hiểu biết các câu đối đáp của nhà gái trong lễ cưới và thuộc nhiều bài hát lướn mừng đám cưới và có tài ứng khẩu thành văn tại chỗ. Việc đưa đón cô dâu có thành công hay không là do những người đại diện bố mẹ nhà trai thì sau này đôi vợ chồng trẻ làm ăn mới được may mắn, mọi mặt đều khá giả hoạt bát, con cái đông vui và dễ có địa vị trong xã hội.
Bạn phù rể được chọn hàng ngũ bạn của phù rể chưa có vợ hoạt bát, nhanh nhẹn, biết hát nhiều bài hát lướn để mừng đám cưới càng nhiều càng tốt để ứng dụng khi tiếp xúc với bạn gái, bạn trai ở nhà cô dâu, các cô ban đón dâu chọ trong các bạn gái chưa chồng, hiền lành, nết na cũng phải thuộc nhiều bài hát lướn mừng đám cưới, bạn đưa dâu, đón dâu phải chọn các bạn còn tuổi con gái không phải là gái lỡ thì hoặc quá lứa thì mới được đưa đón dâu.
Đoàn đưa dâu cũng như đoàn đón dâu cũng phải có đôi vợ chồng trẻ đại diện bố mẹ nhà gái có trách nhiệm giao tiếp với nhà trai và hướng dẫn cô dâu làm các nghi lễ cần thiết ở nhà trai trong lễ cưới, lễ đưa dâu tuỳ theo nhà trai đi đón bao nhiêu người thì nhà gái bố trí cho hợp lý Ví dụ: Nhà trai đi đón 8 người thì nhà gái phải đưa 10 người... Tiêu chuẩn của những người đưa dâu cũng bố mẹ chọn và nhờ những bạn gái chưa có chồng, thuộc nhiều bài hát lướn để hát đối đáp trong các tiết mục nghi lễ trong đám cưới. Khi tiến hành các nghi lễ ở nhà gái cũng như bên nhà trai người đại diện bố mẹ hai bên đêu thưa gửi bằng lời ca tiếng hát cho câu đối thoại thông thường giữa hai họ. §ây là tập quán của địa phương từ thời xa xưa cha ông để lại. Người ta cho rằng như thế mới là trang trọng.
Khi đoàn chủ rể đến nhà gái đón dâu. Nhà gái chuẩn bị cho các cô gái mang nước chờ sẵn chờ chú rể đến nhà, chú rể pahỉ cúi lạy bàn thờ tổ tiên và các cụ trong mâm cỗ. Các cô gái chờ dịp té nước vào chú rể, chú rể bị té nước nhiều đó là điều may mắn.
Khi đoàn đưa dâu ra khỏi nhà cô dâu phải cỡi ngựa không được đi bộ đến nhà trai. Đến nhà trai cô dâu xuống ngựa phải ở ngoài sân cho thầy cúng làm thủ tục diệt trừ tà ma và cầu phúc cho đôi bạn trẻ khỏe mạnh làm ăn phát đạt. Làm xong thủ tục cô dâu cầm một bát nước lên nhà đổ vào chảo đã đặt sẵn ở trên bép đun cho bố mẹ rửa mặt. Cô dâu xách theo một cum lúa đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên đánh dấu việc trưởng thành của đôi bạn trẻ cũng là niềm vui, niềm hy vọng cuộc sống tốt đẹp của một gia đình mới.
Mọi người đến dự cưới là tất cả anh em, dân bản và những người bạn của gia đình lễ cưới vui vẻ hai gia đình thể hiện lòng quý khách họ chúc rượu hát đối vui mừng tạo nên không khí vui tươi như ngày hội của bản làng.
Thời điểm tổ chức lễ cưới của dân tộc Nùng Xín Mần từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Lễ cưới được phân ra làm ba lớp, đứng đầu là các cụ ông, cụ bà được xếp vào cùng mân ở chỗ trang trọng nhất, để các cụ nói chuyện với nhau và cũng có khi hát đối đáp với nhau, Lớp thứ hai các bạn trẻ của hai cô dâu chú rể họ ngồi cùng ăn cùng hát lướn mừng cho hai bên gia đình day là một tập tục đặc sắc nhất về tập quán họ ngồi ăn cỗ uống rượu và hát đối bên nam bên nữ hát thâu đêm đến sáng. Lớp thứ ba là tất cả dân bản bạn bè và những người trong gia đình ăn uống chuyện trò và có thể tham gia hát đối đáp với nhau không khí lễ cưới vui vẻ thường kéo dài trong hai, ba ngày.
Phong tục tập quán người Nùng là mọt nét đẹp văn hóa truyền thống thể hiện ở tính văn hóa công đồng cao.
Nét đẹp phong phong tục & văn hóa Dân tộc Nùng
Nguồn sống chính của người Nùng là cây lúa và cây ngô. Họ kết hợp làm ruộng nước ở các vùng khe dọc với trồng lúa cạn trên các sườn đồi. Đồng bào Nùng còn trồng nhiều cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm như quýt, hồng... Hồi là cây quí nhất của đồng bào, hàng năm mang lại nguồn lợi đáng kể. Các ngành nghề thủ công đã phát triển, phổ biến nhất là nghề dệt, tiếp đến là nghề mộc, đan lát và nghề rèn, nghề gốm.
Đồng bào Nùng sống thành từng bản trên các sườn đồi. Thông thường trước bản là ruộng nước sau bản là nương và vườn cây ăn quả.
Người Nùng thích ăn các món xào mỡ lợn. Món ăn độc đáo và được coi trọng là sang trọng của đồng bào là "Khau nhục". Tục mời nhau uống rượu chéo chén có lịch sử từ lâu đời, nay đã thành tập quán của đồng bào.
Đồng bào Nùng có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và có nhiều làn điệu dân ca đậm đà màu sắc dân tộc. Tiếng Sli giao duyên của thanh niên Nùng Lạng Sơn hòa quyện vào âm thanh tự nhiên của núi rừng gây ấn tượng sâu sắc cho những ai đã một lần lên xứ Lạng. Then là làn điệu dân ca tổng hợp có lời, có nhạc, có kiểu trang trí, có hình thức biểu diễn đã làm rạo rực tâm hồn bao chàng trai Nùng khi ở xa quê hương.
Lễ hội nổi tiếng thu hút được nhiều người, nhiều lứa tuổi khác nhau là hội "Lùng tùng" (còn có nghĩa là hội xuống đồng) được tổ chức vào tháng giêng hàng năm.
Nhà Tày - Nùng có những đặc trưng riêng không giống các cư dân khác trong cùng nhóm ngôn ngữ Tày - Thái.
Bộ khung nhà Tày - Nùng cũng được hình thành trên cơ sở các kiểu vì kèo. Có nhiều kiểu vì kèo khác nhau, nhưng chủ yếu là bắt nguồn từ kiểu vì kèo - ba cột. Để mở rộng lòng nhà người ta thêm một hoặc hai cột vào hai bếp vì kèo ba cột để trở thành vì kèo năm hoặc bảy cột. Song không có vì kèo nào vượt quá được bảy cột.
Bộ khung nhà chúng ta dễ nhận ra hai đặc trưng:
- Ô vì kèo, đứng trên lưng xà, kẹp giữa hai cột có một trụ ngắn hình "quả bí" (hay quả dưa: nghé qua), đầu đấu vào thân kèo.
- Đệ liên kết các cột trong một vì kèo hay giữa các vì kèo với nhau, người ta không dùng các đoạn xà ngắn mà dùng một thanh gỗ dài xuyên qua thân các cột.
Mặt bằng sinh hoạt của nhà Tày - Nùng trên cơ bản là giống nhau: mặt sàn chia làm hai phần: một dành cho sinh hoạt của nữ, một dành cho sinh hoạt của nam. Các phòng và nơi ngủ của mọi thành viên trong nhà đều giáp vách tiền và hậu.
Nói đến nhà Tày - Nùng có lẽ không nên bỏ qua một loại hình nhà khá đặc biệt, đó là "nhà phòng thủ". Thường là có sự kết hợp gữa nhà đất và nhà sàn (đúng hơn là nhà tầng). Tường xây gạch hoặc trình rất dày (40-60cm) để chống đạn. Trên tường còn được đục nhiều lỗ châu mai. Có nhà còn có lô cốt chiến đấu. Loại nhà này chỉ có ở Lạng Sơn gần biên giới phía bắc để phòng chống trộm cướp.
Đặc điểm trang phục: ít có biểu hiện đặc sắc về phong cách tạo hình (áo nam giống nhiều dân tộc khác, áo nữ là loại năm thân màu chàm, quần chân què ít trang trí). Điểm khác nhau giữa các nhóm, một trong những biểu hiện là cách đội khăn và các loại khăn trang trí khác nhau đôi chút.
Hát soong hao – Nét văn hoá đẹp của dân tộc Nùng
Tiếng Nùng, soong hao có nghĩa là hai ta, đôi ta. Hát soong hao là hình thức sinh hoạt dân ca trữ tình đối đáp nam nữ của các thế hệ thanh niên dân tộc Nùng ở huyện Lục Ngạn và một phần ở các huyện Sơn Động, Yên Thế, Lục Nam.
Hát soong hao được tiến hành chủ yếu vào mùa xuân, từ những phiên chợ đầu năm đến những phiên chợ cuối cùng của tháng ba âm lịch. Hát soong hao ở Lục Ngạn đông vui nhất vào những ngày mùng tám tháng giêng, mời tám tháng hai âm lịch, trùng vào ngày hội Từ Hả và hội chợ Chũ. Ngày rằm tháng tám âm lịch đi chợ Biển Động, trai gái dân tộc Nùng rủ nhau đi từng đoàn. Họ vào chợ chỉ mua bán qua loa rồi kéo nhau vào các nhà hàng ăn uống và hát với nhau. Nam ngồi một dãy, nữ ngồi một dãy, đối diện nhau mà hát. Trời ngả về chiều họ mới đứng dậy ra về, cuộc hát kéo dài theo con đường về bản xa và nhiều đôi đã thành vợ thành chồng sau đó.