Phong tục cưới hỏi của người Hà Nội
Phong tục cưới hỏi của người Thái
Phong tục cưới hỏi của người Nam Bộ
Khi những cánh đào bung sắc thắm chào đón mùa xuân, cũng là thời điểm những cô dâu Thái e ấp má hồng theo chồng về nhà, vun vén, đắp xây cho tổ ấm gia đình mình. Dù cuộc sống nay đã hiện đại hơn xưa rất nhiều, nhưng cộng đồng dân tộc Thái vẫn giữ được những nghi lễ cưới hỏi mang nét đặc trưng thú vị và giàu tính nhân văn.
Ở rể trước lễ cưới
Mộc Châu – thảo nguyên xinh đẹp với những dãy núi ngút ngàn, những vạt cải nở trắng triền đồi, triền núi. Mảnh đất này cũng là nơi chung sống của nhiều dân tộc anh em như H’Mông, Tày, Nùng, Dao, Thái… Mỗi dân tộc có những phong tục và sắc màu văn hóa độc đáo khác nhau. Trong đó phải kể đến người Thái trắng với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc.
Không ở trên những rẻo núi cao như người Mông, người Thái thường chọn nơi lập bản bên bờ suối, dưới thung lũng do quan niệm nơi ở phải có đất bằng để cày cấy, gần rừng để phát nương. Những nếp nhà quần tụ bên suối, nép mình dưới bóng cây xanh đã tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình từ ngàn đời nay.
Từ xa xưa, ở dân tộc Thái, chàng trai nào chọn được bạn gái của mình rồi thì về nhà thưa với bố mẹ mình để lo chuyện hôn nhân. Nếu nhà gái đồng ý, nhà trai sẽ mang lễ vật sang để làm lễ ăn hỏi và chọn ngày lành tháng tốt cho chàng trai đến ở rể. Theo phong tục của người Thái, việc chàng trai đến ở rể không chỉ là để đền đáp công ơn cha mẹ vợ đã sinh thành nuôi dưỡng vợ mình, mà còn để chàng trai làm quen với bà con làng bản và gia đình, họ hàng nhà vợ.
Trước đây, thời gian ở rể khéo dài từ 2 năm trở lên, nhưng bây giờ, để phù hợp với đời sống hiện đại, thời gian này đã rút ngắn xuống, chàng trai chỉ phải đến ở rể trong ba, bốn tháng trước khi đến ngày cưới. Trong thời gian ấy, chàng trai không chỉ phải chăm chỉ lao động, đối xử tốt với mọi người bên gia đình vợ tương lai và bà con trong bản. Sau thời gian ở rể, nếu được bố mẹ vợ tương lai ưng ý, chàng trai mới được công nhận là con rể và được đón dâu về nhà mình. Tục ở rể của người Thái không chỉ là một nét văn hóa đặc sắc mà còn là dấu vết của chế độ mẫu hệ đã từng tồn tại trước đây.
Lễ trải khăn đệm mang ý nghĩa chúc phúc cho cô dâu, chú rể
Những nghi thức độc đáo
Chúng tôi đến khi nhà trai đang chuẩn bị mang lễ vật sang nhà gái. Đối với dân tộc Thái trắng, trước ngày đón dâu khoảng 1 đến 2 ngày, nhà trai sẽ mang gà, lợn cùng các lễ vật sang để thực hiện các nghi lễ cúng tổ tiên.
Nhà chú rể Hà Văn Đào ở cùng bản với cô dâu Lò Thị Hạnh nên những người đại diện cho nhà trai sẽ cùng nhau gồng gánh đồ lễ đến nhà cô dâu. Lúc này, họ hàng nhà gái đã ra đợi trước cửa nhà để đón đoàn nhà trai. Những cái bắt tay thân tình cùng những nụ cười hồn hậu như chính tấm lòng của người vùng cao.
Ở nhiều dân tộc khác, việc chuẩn bị và các nghi lễ cúng tổ tiên ở nhà trai và nhà gái được tiến hành song song với nhau. Còn với dân tộc Thái trắng, hai ngày trước khi đón dâu, một số người đại diện nhà trai sẽ mang lễ vật đến và chung tay nấu cơm, làm cỗ, giao lưu với nhà cô dâu. Điều này sẽ giúp cho họ hàng của cô dâu và chú rể làm quen với nhau, tạo nên mối thân tình giữa hai bên thông gia.
Thay mặt cho nhà trai, ông mối sẽ là người bàn giao các đồ lễ cho nhà gái. Có thể thấy rằng, những đồ lễ truyền thống của người Thái đều có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, có đôi có cặp và mang những triết lý nhân văn sâu sắc.
Khi lợn, gà nhà trai mang sang đã được nấu lên thành cỗ cúng, ông mối sẽ làm lễ cúng tổ tiên của nhà gái để xin rút rể về. Cũng như nhiều dân tộc khác, người Thái rất tin vào sự chứng giám và phù hộ của tổ tiên dành cho con cháu của mình. Bởi vậy, trước khi làm việc gì quan trọng, họ đều kính cáo với tổ tiên. Trước đây, khi chàng trai đến nhà cô gái ở rể, người Thái đã làm một mâm cỗ cúng để xin phép tổ tiên về việc này. Và bây giờ, khi chàng trai, kết thúc thời gian ở rể, họ cũng phải xin phép tổ tiên về điều đó. Đây là một nghi lễ thể hiện rất rõ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và đạo lý của cộng đồng dân tộc Thái.
Trong những giờ phút cuối cùng ở nhà mình, cô dâu và mẹ của mình cũng hoàn thiện nốt những khâu chuẩn bị cuối cùng. Chăn, đệm và gối thổ cẩm làm của hồi môn để mang theo về nhà chồng đã được sắp xếp xong xuôi. Mẹ cô vẫn không ngừng dặn dò con gái những lễ nghi, phép tắc quan trọng khi ở nhà chồng.
Sau khi tiến hành các nghi thức cúng lễ và hai gia đình cùng ăn bữa cơm thân mật tại nhà gái, cuộc hát đối xin dâu giữa hai bên thông gia bắt đầu. Khi tiếng hát cất lên cũng là lúc mọi người bị cuốn hút vào cuộc, tạo nên không khí rất vui vẻ. Đó là những bài hát khá dài có sẵn lời hát hoặc đôi khi do họ tự ứng tác tại chỗ. Nhà trai sẽ hát những lời thông báo về việc chuẩn bị đồ dẫn cưới đã lo chu đáo và nay xin cô gái về làm dâu nhà mình. Lúc này, nhà gái lên tiếng nhún nhường và ca ngợi, đánh giá cao đức tính hay làm, biết lo toan của cô dâu, có ý muốn giữ cô ở gia đình thêm một thời gian nữa.
Đến lượt nhà trai lại tha thiết xin cô gái về làm dâu nhà mình. Cứ như vậy, hai bên gia đình hát đối đi đối lại, vừa hát vừa uống rượu chúc mừng từ đêm cho đến sáng hôm sau. Mỹ tục này đã có từ lâu đời và đến nay vẫn tồn tại trong các đám cưới của người Thái trắng. Lời ca tiếng hát và những nụ cười, những chén rượu đầy vơi làm cho một đêm trôi qua nhanh chóng.
Sớm hôm sau, nhà trai bắt đầu làm lễ đón dâu. Trong lúc này, thầy cúng bắt đầu làm lễ cho đôi vợ chồng trẻ. Từ nay cô dâu sẽ được “cắt khẩu” ở nhà gái để “nhập khẩu” bên nhà trai. Lễ cúng này nhằm trình báo với ma xó rằng bắt đầu từ ngày hôm nay, cô gái sẽ không còn là người của gia đình này nữa mà sẽ được chuyển sang một nhà khác. Cùng với cúng rút rể thì cúng cắt khẩu là một trong hai nghi thức mang ý nghĩa quan trọng nhất được thực hiện tại nhà gái.
Giờ lành đã đến, cô dâu được hai họ rước về nhà chồng. Trên tay cô dâu và chú rể cầm ống rượu cần có buộc vải đỏ. Hai ống tre này tượng trưng cho việc cắt khẩu từ nhà gái để mang về nhập khẩu vào nhà trai. Hơn nữa, con số hai còn có ý nghĩa chúc cho đôi vợ luôn hạnh phúc, sinh con có nếp, có tẻ.
Cơn mưa xuân lây phây khiến cho đoạn đường đưa dâu trở nên lầy lồi và khó khăn hơn rất nhiều. Mưa là khi cha trời tưới nước xuống đất mẹ, cho ngô lúa đâm chồi, cây cối nảy lộc, vạn vật và con người sinh sôi, nảy nở. Mưa là dấu hiệu của trời đất giao hòa, âm dương giao đãi.Bởi vây, theo quan niệm của người Thái và nhiều dân tộc khác, mưa trong ngày tổ chức hôn lễ được xem như là một điều may mắn, mưa tượng trưng cho hạnh phúc, cho sự sống và mọi điều may mắn, tốt lành.
Khi cô dâu vào đến nhà, mẹ chồng sẽ tiến hành nghi thức rửa chân cho con dâu. Trước đây, mẹ chồng phải tắm hoặc rửa chân cho con dâu thật kỹ, nhưng ngày nay nghi thức này đã được giản tiện hơn rất nhiều. Tuy vậy, ý nghĩa của nó vẫn không hề thay đổi, vẫn nhằm mục đích muốn cô dâu gột sạch những bụi trần trước đây, bước vào ngôi nhà mới với sự thánh thiện, từ nay trở về sau sống một cuộc sống mới bên nhà chồng, chăm lo làm ăn, hướng đến một gia đình hạnh phúc.
Sau đó, đôi vợ chồng trẻ sẽ được đưa đến trình ma nhà. Thầy cúng sẽ cúng xin tổ tiên, xin ma nhà chấp nhận và nhập thêm khẩu vào gia đình. Cũng từ đây, cô dâu chính thức trở thành gái đã có chồng và trở thành người của nhà chú rể.
Có thể thấy rằng, những hệ thống nghi lễ trong đám cưới người Thái trắng vẫn là yếu tố tâm linh có sức mạnh trong việc bảo vệ nền văn hóa dân tộc. Nó không chỉ để cầu chúc cho đôi vợ chồng trẻ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống mới mà còn là sợi dây ràng buộc họ sống có trách nhiệm và yêu thương nhau hơn. Những nghi lễ khác lạ nhưng rất độc đáo, lý giải vì sao đám cưới với người dân nơi đây luôn là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lớn nhất trong một đời người.
Sau khi mọi nghi thức đã tiến hành xong. Mọi người sẽ cùng nhau quây quần bên mâm cơm để chúc cho đôi uyên ương những điều tốt đẹp nhất. Cứ như thế, đám cưới không chỉ là ngày vui của gia đình, của bản làng, không chỉ có ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn bảo lưu được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác.